Nhập môn triết học

Protagoras và Khai minh Hy Lạp

 

PROTAGORAS VÀ KHAI MINH HY LẠP

BÙI VĂN NAM SƠN

Bài cùng chủ đề

  1. Giáo dục Khai minh: thông điệp của thế kỷ
  2. Hai luận văn của Rousseau: khai minh về khai minh
  3. Hạt nhân khai minh trong các triết thuyết giáo dục
  4. Khai sáng và trưởng thành
  5. Khai sáng là gì

 

Protagoras (490 - 420 tr. CN) – sinh trước Socrates 20 năm – ký hợp đồng… thương mại hóa giáo dục với cậu học trò Euathlus: trả trước một nửa học phí, nửa còn lại sau khi cậu cãi thành công trước tòa. Euathlus rút cục thất bại, nên không chịu… thanh lý hợp đồng. Nhưng ông thầy Protagoras vẫn cứ kiện đòi cậu phải trả, với lập luận: nếu tòa xử cậu thua, đương nhiên cậu phải trả, nếu tòa xử cậu thắng, tức hợp đồng đã được thực hiện! Cậu học trò cũng không vừa gì: nếu tòa xử thầy thua, đương nhiên tôi không phải trả, nếu tòa xử thầy thắng, thì tôi… lại thua, tức hợp đồng không được thực hiện! Có câu chuyện na ná ở ta: một người vớt được một tử thi. Nhà “tư vấn” khuyên: anh cứ nêu giá thật cao, thân nhân của người chết không mua của anh thì mua của ai? Rồi lại khuyên thân nhân: anh đừng dại mua giá cao, hắn không bán cho anh thì bán cho ai!

Giai thoại có thể là bịa đặt này làm cho Protagoras (và những tên tuổi lừng danh khác như Gorgias, Prodicus…) bị mang tiếng là những nhà ngụy biện. Nhưng, luận điểm triết học: bất kỳ việc gì cũng có thể có hai cách nhìn trái ngược nhau thì lại không thể xem thường! Thật ra, chữ “Sophist” nguyên nghĩa là người thông thạo một lĩnh vực kiến thức nào đấy, dịch là “biện sĩ” hay “biện giả” thì sòng phẳng hơn. Tri thức là có thể dạy và học được. Socrates cũng đồng ý như thế, nhưng khác nhau cơ bản ở chỗ: Socrates và nhất là môn đệ của ông, Platon, xem việc dạy học lấy tiền là bỉ ổi, và chính cách đánh giá này đã làm ô danh các “biện sĩ” trong lịch sử. Sự phê phán của Platon còn có tính thuyết phục hay không, nếu nhìn từ quan điểm ngày nay? Platon đối lập cách “làm ăn” của phái biện sĩ với “lý tưởng” giáo hóa vô vị lợi của triết học và khoa học. Nhưng, liệu nhà khoa học chỉ biết sống khoa học hay còn phải sống nhờ khoa học? Một câu hỏi hóc búa và dằn vặt!

Có thể nói, trong thực tế, phái biện sĩ đã khai mào cho một phong cách hoàn toàn mới mẻ của việc truyền bá tri thức. Thay chỗ cho những bậc triết nhân “an bần lạc đạo” là những nhà giáo và những diễn giả chuyên nghiệp. Thay vì tập hợp quanh mình một số ít những môn đệ tâm truyền, các biện sĩ “chiêu sinh” ồ ạt! Mặt tích cực ai cũng dễ thấy: nó phá vỡ lối dạy và học mang tính quý tộc, đặc tuyển. “Công cụ hóa” triết học và khoa học đi liền với việc dân chủ hóa tri thức, song hành với tiến trình dân chủ hóa các quan hệ xã hội. Nếu muốn ngày càng đông người tham gia rộng rãi và mạnh mẽ vào đời sống chính trị, xã hội, công cụ lý thuyết phải đến được với quảng đại quần chúng. Bước ngoặt ấy xứng đáng được gọi là “khai minh Hy Lạp”, phong trào khai minh đầu tiên ở phương Tây và đã phải hết sức vất vả mới bừng sáng trở lại trong thế kỷ XVIII, nổi danh với tên gọi “thế kỷ ánh sáng”, đưa đến sự ra đời của tầng lớp trí thức độc lập và chuyên nghiệp.

Như đã nói trên, cái gì cũng có hai mặt: ta không thể phủ nhận rằng việc biến triết học và khoa học từ một “thiên chức” (Berufung/calling) thành một “nghề nghiệp” (Beruf/profession) theo cách dùng chữ của nhà xã hội học Max Weber ẩn chứa không ít nguy cơ: việc “kinh doanh” tri thức có thể làm phai nhòa tinh thần triết học đích thực và kìm hãm sức sáng tạo của tư tưởng. Điều này quả đã xảy ra ở thế hệ của các biện sĩ hậu kỳ; họ không oan khi bị mang tiếng là các nhà “ngụy biện”. Nhưng, trong số họ, đã có không ít các đại biểu nghiêm chỉnh mang tinh thần “khai minh” sáng giá mà lịch sử cần ghi nhận.

Đầu tiên phải kể đến Xenophanes, sinh trước Protagoras 80 năm. Trong xã hội cổ đại còn đầy rẫy thần linh, mà ông dám dứt khoát từ bỏ lối tư duy thần thoại: “Nếu con ngựa, con bò biết vẽ, chúng sẽ vẽ thần linh của chúng có hình ngựa, hình bò!”. Ông vừa nghi ngờ những kiến thức không xuất phát từ kinh nghiệm; vừa kêu đòi nhận thức lý tính. Không thua gì Karl Popper ở thế kỷ XX, ông cho rằng mọi tri thức đều chỉ có tính phỏng định và mọi lý thuyết đều cần và có thể được cải thiện dần dần.

Tinh thần hoài nghi khoa học thực sự hình thành ở Protagoras. Câu khẩu hiệu nổi tiếng của ông: “Con người là thước đo của vạn vật” có nhiều ý nghĩa. Cách thức mà sự vật xuất hiện ra cho ta không chỉ phụ thuộc vào bản thân sự vật mà còn vào phản ứng của ta trước những kích thích của sự vật. Ông đã thực sự đặt cơ sở ban đầu cho vấn đề nhận thức, một bước tiến quan trọng trong tư duy triết học. Thế thì, con khỉ, con bò cũng có thể tuyên bố chúng là “thước đo của vạn vật” chăng? Ta không biết Protagoras có một chủ trương “chủ quan chủ nghĩa” và “tương đối luận” cực đoan đến như thế không như sự lên án gay gắt của Platon. Nhưng, ít ra, ông cho thấy rằng: khoa học, kỹ thuật lẫn chính trị, luật pháp, luân lý đều phát triển theo thời gian, vì thế cần phải làm cho chúng thích nghi với các điều kiện xã hội đang không ngừng thay đổi. Ta không thể nào biết được chân lý tối hậu, và không nên tin vào cái gì tự xưng là chân lý tối hậu, bất biến, vậy chỉ có thể nỗ lực không ngừng để đạt tới sự đồng thuận, và cũng cần không ngừng xét lại sự đồng thuận ấy.

Protagoras và phong trào khai minh Hy Lạp không phải từ trên trời rơi xuống! Đó là kết quả tất nhiên của những biến chuyển xã hội: sự ra đời những ngành khoa học mới mẻ (thời đó chủ yếu là sử học với Herodot, Thukydides, y học với Hippocrates, khoa học tự nhiên và nghệ thuật với Polyklet, Euripides, Perikles…) và nhất là sự tiếp xúc với các nền văn hóa khác, ngoài Hy Lạp. Ở đâu có sự “mở cửa”, có sự giao lưu, có xu hướng “toàn cầu hóa”, ở đó không còn chỗ đứng cho những sự phán truyền có tính cánh tiên tri cho dù có là “thiên tài” đến đâu đi nữa, (theo kiểu các triết gia trước-Socrate từ Thales cho đến Empedokles) mà phải nhường chỗ cho óc phân tích và lý tính phê phán.

Platon và Aristoteles là các phản ứng lành mạnh trước xu hướng này. Họ lo ngại trước tinh thần hoài nghi cực đoan, nên cố gắng đi tìm căn cứ vững chắc cho lý tính khoa học. Khoa học là để biết thêm một điều gì đó, dựa vào sự nghiên cứu khách quan, có phương pháp. Còn khai minh là để bớt đi một ảo tưởng, dựa vào óc phán đoán tự chủ của mỗi người. Kể từ đó, “khoa học” và “khai minh” đi liền với nhau như hình với bóng. Cả hai giằng co và tác thành cho nhau. Không có khoa học, khai minh sẽ sa đọa thành ngụy biện. Không có khai minh, khoa học sẽ rơi vào chỗ mù quáng, giáo điều. Là địch thủ của nhau, nhưng nếu không có Xenophanes, Protagoras thì cũng không có Socrates, Platon!

 


Nguồn: bài viết do tác giả Bùi Văn Nam Sơn gửi cho triethoc.edu.vn

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt