Chủ nghĩa hậu hiện đại

Di sản Jacques Derrida

 

DI SẢN JACQUES DERRIDA

MICHAEL BEHRENT  HÉLOÏSE LHÉRÉTÉ

 

Jacques Derrida là kẻ vừa hấp dẫn vừa gây khó chịu. Lý thuyết “giải cấu trúc” của ông, qua việc công kích nền tảng lý luận phương Tây, đã được xem như một hành động phê bình cấp tiến. Mười năm sau khi mất, Derrida còn lại gì?

Sắp đến ngày kỷ niệm 10 năm Jacques Derrida qua đời. Ông mất ngày 9 tháng 10 năm 2004. Thật là trùng hợp! Có gì đặc thù hơn, bất khả thế chỗ hơn là cái chết. “Tôi đã chết”: câu nói này đã từng hấp dẫn Derrida. Ông đã phân tích câu này nhiều lần để cuối cùng biến nó thành mộtleitmotif triết học. “Trong mường tượng của tôi về cái chết, có ngầm ý khát khao di ngôn, tức là ý muốn rằng có gì đó sót lại, hoặc được để lại, hoặc được truyền lại – di sản hay thứ gì đó mà tôi không mong đợi, thứ gì đó sẽ không quay lại với tôi nhưng có thể sẽ ở lại”, ông tâm sự như vậy trong một cuộc đối thoại với Philippe Lacoue-Labarthe và Jean-Luc Nancy. 


Qua vấn đề về cái chết, một vấn đề khác xuất hiện, vấn đề về sự hiện hữu và sự vắng mặt. Khi gợi về cái chết “của tôi”, tôi quy chiếu tới thứ gì đó đặc biệt nhất đối với tôi, thứ mà không bất cứ ai có thể cảm nhận được thay tôi. Nhưng mà ngôn từ của chính tôi lại phản bội tôi: bởi những ngôn từ đó, cũng như tất cả các ngôn từ khác, đều có thể lặp lại, có thể được chuyển chỗ đến vô cùng, những ngôn từ cùng chủng loại. Mất năm 2004, Derrida viết về cái chết của mình từ những bài viết đầu tiên. Derrida, hay sự vắng mặt của tác giả như là điều kiện cần thiết cho sự viết…

 “Cuộc lưu đày nội địa” 

Lần này, chúng ta hãy bắt đầu lại một cách cổ điển hơn. Derrida, nhà tư tưởng bị ám ảnh bởi mối quan hệ giữa Cái Trong và Cái Ngoài, sinh năm 1930 ở El-Biar, vùng cao nguyên Alger, trong một gia đình Do Thái. Sở dĩ gia đình Derrida là người Pháp là nhờ sắc lệnh Crémieux năm 1870, sắc lệnh này cho phép 35000 người Do Thái ở Algérie được mang quốc tịch Pháp. Trước khi có nghĩa cử đồng hóa đó, Derrida kể rằng “Ông bà cố [của ông] vẫn còn rất gần với người Ả-rập, qua ngôn ngữ và phong tục tập quán, v.v.”[1] Triết gia tương lai không phải tên là Jacques, mà là “Jackie”, theo tên một diễn viên điện ảnh người Mĩ, một người tên là Jackie Googan, người đã sắm vai trong phim The Kid (Thằng Nhóc), nhưng từ đó đến nay đã bị quên lãng. Vào lễ cắt bao quy đầu, Jackie có một cái tên khác: Élie. Bố Jackie, trưởng đại lý bán hàng cho một công ty rượu vang Alger, lo được cho gia đình một cuộc sống theo kiểu tiểu tư sản. Cũng như người đồng hương Albert Camus, cậu bé Jackie rất thích biển, bóng đá và văn chương.

Rồi một cú sốc xảy ra: vào năm 1940, dù không có lính Đức nào đặt chân lên đất Algérie, chế độ Vichy bãi bỏ sắc lệnh Crémieux. Gia đình Derrida, cũng như tất cả những người Do Thái ở Algérie, bị tước quốc tịch Pháp. Khi đó, bắt đầu thời kỳ mà nhà sử học Benjamin Stora gọi là “Cuộc lưu đày nội địa”. Jackie – “Cậu bé Do Thái da đen và rất Ả-Rập”, theo người viết tiểu sử cho ông là Benoît Peeters – phải rời trường trung học. “Vượt qua cả một biện pháp “hành chính” nặc danh (…), ông nhớ lại, vết thương lại là vết thương  khác, nó không bao giờ thành sẹo: trẻ em hàng ngày bị chửi rủa, đó là những bạn học của tôi, những đứa trẻ đường phố, và đôi khi có những người còn hăm dọa và đánh “tên Do Thái bẩn thỉu” là tôi[2].”

Sau chiến tranh, Jackie học chuyên văn trong một trường trung học ở Alger. Ông đam mê Jean-Paul Sartre, thời đó đang cực kỳ nổi tiếng, và quyết định đi Paris để chuẩn bị ôn thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm ở Louis-Le-Grand. Năm 1949, lúc 19 tuổi, ông lần đầu tiên đến đất nước hình lục lăng và cảm thấy thất vọng ngay: “Từ Alger, thành phố màu trắng, tôi đến Paris, thành phố màu đen.” Sau ba năm học ôn thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm trong điều kiện rất khó khăn, Jackie đã thi đậu, vào năm 1952.

Những năm tháng Derrida trải qua ở Trường Cao đẳng Sư Phạm Paris hẳn là những thời điểm trọng đại nhất trong lịch sử tri thức của trường học này. Trong những năm 1950, đi trong hành lang là tinh hoa của thế hệ trí thức tương lai gần: Michel Foucault, Pierre Bourdieu, Emmanuel Le Roy Ladurie, Jean-Claude Passeron, Gérard Génette, trong số các học giả khác. Louis Althusser, triết gia theo tư tưởng marxiste, sống trong trường và giữ chức “thạc sĩ phụ đạo”, luyện sinh viên triết thi bằng thạc sĩ (agrégation).


Trước khi hình thành thế hệ cấu trúc luận, những trí thức trẻ này có một đam mê trí tuệ khác: hiện tượng luận. Phụ đề cuốn Hữu thể và Hư vô của Sartre là “Tiểu luận bản thể hiện tượng luận”. Triết gia người Đức Edmond Husserl (1859-1938) có vẻ như là thành quả của một sự tất yếu. Sử gia Paul Veyne, người đã qua phố Ulm (học trường CĐSP Paris, ND.) vào thời kỳ này, nhận xét: “Husserl rất khó. Vì thế sinh viên sư phạm phải đọc Husserl.” Họ cũng đọc môn đệ bất trị của ông là Martin Heidegger, ông tổ người Đức của chủ nghĩa hiện sinh, nhưng vì cộng tác với Đức quốc xã nên danh tiếng đã bị ảnh hưởng, cũng như Maurice Merleau-Ponty, người đã đưa hiện tượng luận vào nước Pháp, người mà dân sư phạm Paris thấy “nghiêm túc” hơn Sartre.

Chống lại Husserl

Tại sao hiện tượng học lại thành công như thế? Trong không khí thời hậu chiến, đó là một trường phái rất hấp dẫn, cả về tính thực tế cũng như tính chính xác, chặt chẽ của nó. Thế hệ trí thức này đòi tính thực tế: loại bỏ những cuộc tranh luận trong đó siêu hình học đã sa lầy, Husserl truy vấn kinh nghiệm sống. Đặc biệt, ông đặt ra câu hỏi: thế nào mà thế giới lại có ý nghĩa đối với chúng ta? Nhưng thay vì lý thuyết hóa sự phi lý, hiện tượng học bảo vệ quan điểm cho rằng chúng ta có thể phân tích một cách chính xác, chặt chẽ những gì mà nhận thức, ý thức của chúng ta cảm nhận được, rằng có thể phân tích tỉ mỉ những trạng thái khác nhau qua đó ý thức nắm bắt thế giới.

Cũng như sự chín muồi triết lý của Foucault hay Bourdieu, sự chín muồi triết lý của Derrida sẽ trải qua sự phản kháng Oedip chống lại hiện tượng luận. Ngay những công trình đầu tiên, ông chỉ trích những khái niêm cơ bản của Husserl: nghĩa, hiện hữu, yếu tính… Đặc biệt, ông phản bác tư tưởng cho rằng các hiện tượng được “trao cho” ý thức và nghĩa của chúng hoàn toàn trong suốt. Cốt lõi triết lý của Derrida được hình thành trong ba cuối sách đầu tiên, Tiếng nói và Hiện tượng, Về văn phạm học,Viết và Khác biệt. Triết lý của ông xoay quanh một số vấn đề chính:

◊ Vấn đề đầu tiên: vấn đề về văn viết trong mối tương quan với văn nói, về ký tự trong mối tương quan với tiếng nói. Husserl nghĩ rằng ngôn ngữ cho phép tiếp cận trực tiếp với nghĩa. Ông được xếp vào truyền thống “ngôn tâm luận”, Derrida nhấn mạnh, truyền thống này chủ yếu dựa vào lí tính, logic tính, chú trọng tiếng nói, lời nói sinh động (sinh ngôn, tiếng Hy Lạp là phonè), “tiếng nói của ý thức”, hơn là văn viết. Quả thế, tiếng nói có vẻ như trong suốt hơn, trực tiếp hơn, gần với tư duy và do vậy gần với nghĩa. Còn văn viết bị các triết gia khinh rẻ: so với lời nói, văn viết chỉ là phụ, phái sinh, chết, giả tạo. Derrida muốn lật đổ phương trình này: chứng minh rằng về cơ bản, nghĩa chỉ là sự vụ của sự viết.

◊ Vấn đề thứ hai: quan hệ giữa ký hiệu và nghĩa. Với Husserl, tư duy về ký hiệu phải dựa vào tư duy về hữu thể - bản thể luận. Derrida không thừa nhận phương trình này: với ông, một mặt, chẳng có quan hệ phụ thuộc giữa các ký hiệu, mặt khác, chẳng có mối liên hệ giữa các sự vật và sự hiện hữu. Với cuốn Về văn phạm học – “Khoa học về hành văn” – ông chủ trương lật đổ một cách vừa chi li vừa cơ bản tính logic cho đến thời điểm đó vẫn đang làm nền tảng cho triết học – và qua đó, làm nền tảng cho khoa học nhân văn. Ông chỉ ra rằng ngôn từ không quy chiếu về các phạm trù tư duy (khi tôi đọc “nước”, hình ảnh đến với tôi không phải là một hình ảnh nước cố định và mang tính phổ quát), mà quy chiếu về với những từ khác, bằng cách “trích dẫn” các từ khác (những giọt nước, một cái hồ, một vòi nước đang mở, H2O, v.v.) Chuỗi ngôn từ mở ra một trò chơi bất tận, làm cho văn bản mở ra, vận động. Viết văn không chỉ đơn giản là một văn tự; viết văn tạo ra những “vết tích” giữa các văn tự; viết văn là “siêu vết tích” (định nghĩa này cho phép đưa hết ngôn ngữ vào khái niệm viết văn).

◊ Vấn đề thứ ba, phái sinh từ những vấn đề trên: quy trình của nghĩa. Với Derrida, vấn đề không còn là phải biết thế giới có phi lý hay không (chủ nghĩa hiện sinh) hay thế giới có nghĩa hay không (hiện tượng học), vấn đề là phải hiểu tại sao nghĩa luôn thoát khỏi chúng ta. Vấn đề của nó sẽ có thể được trình bày thế này: làm thế nào để nắm bắt được tính bất khả nắm bắt của nghĩa? Câu trả lời nằm trong một từ duy nhất. Vào năm 1968, Derrida xuất bản tiểu luận có tên Trì biệt (La différance) tức là sự khác biệt (différence) nhưng thay thế chữ “e” bằng chữ “a” [nhưng phát âm vẫn như nhau, ND). Cái được cái mất của từ mới này là gì? Chỉ ra mối quan hệ giữa sự khác nhau (việc trở nên khác đi, dị biệt) và trì hoãn (hoãn lại): trì biệt, đó là sự vận động dị biệt hóa bất thành. Như vậy, đó là động thái cơ bản của nghĩa.

Giữa Saussure và Heidegger

Với từ mới này, Derrida phối kết hai tư tưởng. Thứ nhất, người ta nhận ra ảnh hưởng của Ferdinand de Saussure (1857-1913), nhà ngôn ngữ học người Thụy Sĩ, khi được phát hiện lại sau chiến tranh, ông góp phần thúc đẩy sự phát triển của cấu trúc luận. Trong một hệ thống ngôn ngữ, mỗi lời nói chỉ thành hình so với hình thái của những lời nói khác. Saussure kết luận: “Trong ngôn ngữ, chỉ có những sự khác biệt (…). Ngôn ngữ không có những ý tưởng hay âm thanh tồn tại trước hệ thống ngôn ngữ, mà chỉ là những sự khác biệt về quan niệm, và những sự khác biệt về ngữ âm xuất phát từ hệ thống này.” Từ đó, Derrida đi đến kết luận rằng không bao giờ có sự hiện diện tự thân, bởi vì nghĩa luôn là chức năng kết nối một từ nào đó với những sự dị biệt hóa của nó với toàn bộ hệ thống ngôn ngữ: nghĩa của nó luôn quy chiếu nơi khác. Đó là điều mà Derrida gọi là “sự dị biệt khoảng cách”.

Nhưng khái niệm trì biệt cũng làm người ta nhớ đến Martin Heidegger (1889-1976). Đối với Heidegger, vấn đề của triết học là vấn đề hữu thể: tại sao lại có cái gì đó, thay vì không có gì hết? Với Heidegger, câu trả lời được đưa ra thông qua một sự phân biệt: một mặt, có tất cả những gì tồn tại, hiện sinh; mặt khác, có sự hiện sinh, có sự thúc động của hữu thể. Hữu thể, người ta có khuynh hướng lơ là bởi vì nó chỉ bộc lộ qua sự tồn tại của các sự vật, cho nên nó luôn ở thế tụt hậu, luôn thoáng vụt, khó nắm bắt. Nghĩa của hữu thể mang tính thời gian: nó luôn thoát khỏi sự nắm bắt của chúng ta chỉ bởi nó luôn được trì hoãn.

Như vậy, sự trì biệt cho phép Derrida khẳng định hai điều: một mặt, nghĩa không bao giờ “tự thân”, nó chỉ tồn tại trong trò chơi dị biệt hóa so với thứ khác, mặt khác, nghĩa luôn luôn vụt trôi, khó nắm bắt, luôn trì trệ. Điều này cho phép chúng ta hiểu nhiều khái niệm khác, nhất là khái niệm giải cấu trúc. Derrida đã từng thường xuyên khẳng định đó không phải là một học thuyết hay một định kiến, đó cũng không phải là một phương pháp. Đó là một từ công cụ mà Derrida đã tạo ra từ Heidegger (lại Heidegger): Trong Hữu thể và Thời gian, Heidegger nhắc đến việc cần thiết phải đả phá (“Destruktion”) siêu hình học phương Tây, đồng thời phải làm cho nó tan rã (“Abbau”).



Một di sản rộng lớn

Từ thời Platon, nền triết học phương Tây dựa vào một hình mẫu duy nhất, Derrida đánh giá: một loạt cặp đối lập nhị nguyên ngầm kiến tạo các diễn ngôn – trong/ngoài, con người/động vật, bản chất/bề ngoài, v.v. Giải cấu trúc phá tan những phạm trù cố định đó bằng cách chỉ ra rằng không có khái niệm nào là đơn nghĩa. Trong các văn bản của các triết gia nổi tiếng, Derrida sẽ chú tâm tra vấn ngữ điệu câu, những khoảng trắng, những từ quên, những tính từ có vẻ bề ngoài vô bổ, những trò chơi ý niệm góp phần tạo nghĩa cho tổng thể, mở rộng những trò chơi đó đến với các nghĩa khả thể khác. Ông còn đi xa hơn: ông tìm cách khám phá phía trong các sự đối lập khái niệm đó những ngôn từ mơ hồ, chúng kháng lại, làm rối rắm những cặp đối lập đó. Chẳng hạn, ở Jean-Jacques Rousseau, khái niệm “phụ trợ” kiến tạo sự đối lập giữa lời nói và văn viết (văn viết được quan niệm như “phần phụ trợ của lời nói”), bằng cách làm cho khái niệm đó trở nên bất ổn (bản thân lời nói cũng vận hành như một phần phụ trợ và vì thế, tính phụ trợ là độc đáo, cơ bản[3][3].Theo cách này, giải cấu trúc các cặp đối lập nhị nguyên đối với Derrida là nỗ lực thoát khỏi ngôn tâm luận phương Tây.

Cuối cùng, giải cấu trúc cho phép phê phán tính logic ám ảnh siêu hình học phương Tây từ thời Platon. Trong một cuộc trao đổi in trong tờ Le Monde một vài ngày sau khi ông mất, Derrida từng cắt nghĩa thế này: “để mô tả một cách ngắn gọn, súc tích về giải cấu trúc, tôi sẽ nói rằng đó là tư tưởng về cội nguồn và về các giới hạn của câu hỏi “cái gì?”. Tư tưởng này nói về tất cả những gì mà câu hỏi “cái gì?” đã bao quát trong lịch sử phương Tây và lịch sử triết học phương Tây, có nghĩa là tất cả mọi thứ, từ Platon đến Heidegger” (Le Monde,  ngày 12 tháng 10 năm 2004).


Như tất cả các nhà tư tưởng người Pháp khác cùng thế hệ - Foucault, Bourdieu, Gilles Deleuze –, ảnh hưởng và di sản của Derrida rất lớn. Ông là một triết gia có tầm ảnh hưởng lớn trong tư tưởng của các triết gia như P. Lacoue-Labarthe, J.‑L. Nancy và Hélène Cixous. Ông là thành viên sáng lập Trường Cao đẳng Triết học quốc tế. Được gắn với trường phái “french theory”, tên tuổi ông nổi tiếng trong các giảng đường ở Mỹ, nơi ông đã từng lưu trú dài hạn (và thường là hàng năm) - ở Yale, Irvine (California) và New York. Các mạng lưới (nghiên cứu) của ông được tổ chức trên toàn cầu: nhiều người, nhất là ở Châu Âu và ở Bắc Mỹ, đã có dịp tham dự cuộc nói chuyện của triết gia này hay trực tiếp đặt câu hỏi cho ông, một người dễ nhận biết qua mái tóc ánh bạc và quần áo hơi điệu đà, kiểu cách. Gắn với khái niệm giải cấu trúc một giọng điệu mang tính chính trị, chủ nghĩa nữ quyền (dựa vào việc Derrida nối kết giữa khái niệm “ngôn trung luận” và “dương vật trung tâm luận”), queer theory (thuyết lệch pha) và postcolonial studies (nghiên cứu hậu thuộc địa) đều vận dụng phương pháp của ông. Đồng thời, ông sẽ là nguồn cảm hứng cho sự đổi mới tư duy thần học, như ở Jean-Luc Marion, học trò của ông hoặc những người theo giáo phái Anh Radical Orthodoxy (chính thống cấp tiến). Nếu như thỉnh thoảng họ có xa rời tư tưởng của ông, Derrida vẫn là một tấm gương sáng cho nhiều tên tuổi triết học đương đại, như Alain Badiou, Giorgio Agamben và Slavoj Zizek.


Trong thế giới anglo-saxon, người ta gặp lại ông ngoài cả các giảng đường đại học: chẳng hạn, nhóm nhạc làn sóng mới của Anh Scritti Politti đã sáng tác, vào năm 1982, một bài hát mang tên Jacques Derrida. Và trong tiểu thuyết Le Roman du mariage (2011), Jeffrey Eugenides phản ánh cả một nền văn hóa thứ cấp (sous-culture) xung quanh Derrida trong các giảng đường đại học Mỹ. Ở ông, vẫn còn lại một hành động, hành động phản nghịch và nổi loạn.

Giờ đây, giải cấu trúc thường được hiểu như thái độ phê phán và công kích, để chỉ ra những mâu thuẫn – hay những “nan giải đề” (aporie), một trong những từ mà Derrida thích nhất – đang âm thầm ảnh hưởng tới những tư tưởng lớn hay những khung khổ tư duy thống trị. Nếu như Derrida không hề bác bỏ bất cứ diễn giải nào, việc nhắc lại kinh nghiệm, thậm chí sự nhạy bén sâu kín là nguồn gốc của tư tưởng này: khám phá ra rằng, vì chúng ta “đang ở” trong ngôn ngữ, chúng ta không thể thoát khỏi nghĩa cũng không thể nắm bắt, làm chủ nghĩa. Rằng chúng ta bao giờ cũng chỉ có nghĩa ở trạng thái mắc nợ. Trong cuốn Bốn bộ tứ, nhà thơ người Anh T.S. Eliot viết: “Ngôn từ căng ra / Tan ra và đôi khi vỡ vụn dưới trọng lực / Trong giằng co, ngôn từ chệch choạc, phiêu diêu, tiêu tán / Thối lên vì thiếu chính xác, không muốn an thân tại chỗ / Chẳng thèm yên lặng, nghỉ ngơi.” Ngôn từ của kẻ khác này (nhưng ngôn từ có bao giờ là ngôn từ “của chúng ta”?) sẽ có thể là di ngôn của một người, đấy chính là Derrida.

Nguyễn Duy Bình dịch


Nguồn: Bản gốc tiếng Pháp: http://www.scienceshumaines.com; bản dịch tiếng Việt: http://vanhoanghean.com.vn


 

[1] Benoit Peeters, Derrida, Flammarion, 2010.

[2] Như trên.

[3] Jacques Derrida, De la grammatologie (Về văn phạm học), Minuit, 1967.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Phan Thang - 06:39 03/11/2014
Chào anh Nguyễn Duy Bình, cảm ơn anh về bài dịch. Tôi cũng có tìm hiểu về Deconstruction của Derrida, trước tôi cũng dùng từ Việt là "Giải Cấu Trúc" nhưng sau tôi thấy từ "Hủy-Kiến Tạo" của Ngô Tự Lập chính xác hơn (tôi chỉ thể dấu "-" ở giữa thôi. Về từ "differance" thì tôi cũng dịch là "tri-biệt" trên một diễn đàn năm 2008, nghĩa là trước anh những vài năm. Anh có thể lí giải về sự trùng lặp này không?
Nguyễn Duy Bình - 15:46 03/11/2014
Chào anh. Cảm ơn anh đã đọc bài viết. Về khái niệm deconstruction, tôi thấy giới nghiên cứu có xu hướng dịch là "giải cấu trúc", tôi cũng thuận theo số đông. Tôi cũng đã sử dụng khái niệm "trì biệt" của anh, đó là khái niệm rất hay, tôi đã có dịp sử dụng trong bài dịch trước đó (Jacques Derrida, người “giải kiến tạo tư duy”), cách đây chừng hai năm, và có đăng lại trên website này, sau này có nhiều người khác có sử dụng lại. Vì tôi không chắc chắn về nguồn gốc của khái niệm "trì biệt" này nên đã không nêu nguồn, việc đáng nhẽ tôi đã phải làm. Nếu có thể, xin anh cho lại đường link để tôi có thể chú thích về nguồn gốc của khái niệm này.
Phan Thang - 21:14 03/11/2014
Rất vui khi anh đã hồi đáp, đây là đường link - bài thứ 10 của trang này, dòng thứ 16 tính từ dưới lên:
http://www.ttvnol.com/threads/ngu-phap-hoc-hay-khoa-hoc-viet-j-derrida.445798/

Đây là bản dịch rất sơ sài, tôi chỉ nhắm vào một số khái niệm, nghiền ngẫm, riêng từ "trì-biệt" thì nghĩ cả nửa ngày mới ưng ý. Bản Of Grammatology này tôi sửa đi sửa lại nhiều lần, đây là bản khá hoàn chỉnh:
http://www.ttvnol.com/threads/van-tu-hoc-of-grammatology-j-derrida.779069/

Mong rằng sẽ có dịp đàm đạo về Triết Học với anh...
Nguyễn Duy Bình - 11:06 04/11/2014
Cảm ơn anh Phan Thắng (?). Nhờ thế mà tôi được biết cuốn De la grammatologie đã có người dịch sang tiếng Việt. Lần tới, nếu có dịp viết hoặc dịch về Derrida, tôi sẽ chú thích kỹ hơn về nguồn gốc khái niệm "trì biệt". Chúc anh tiếp tục hoàn thiện bản dịch của mình và công bố cho độc giả Vn được tìm hiểu kỹ hơn về J.Derrida.
Đinh Hồng Phúc - 15:59 04/11/2014
Thân chào anh Thắng và anh Bình,

Rất vui khi được biết các anh có mối quan tâm sâu sắc đến Derrida như vậy. Các thuật ngữ của Derrida quả thật là một thách thức quá lớn, (không biết có vượt qua nổi không), cho bất cứ ai xớ rớ vào chuyện dịch.

Theo thiển ý của tôi, khi bắt tay dịch Derrida, hay bất cứ một vị đại triết gia nào khác, thì cũng giống như người làm toán, người dịch phải đặt tất cả các thuật ngữ vào trong hệ thống trong đó chúng có quan hệ mật thiết nhau, thuật ngữ này khớp nối nhịp nhàng với thuật ngữ kia, soi sáng lẫn nhau, làm tiền đề cho nhau và không gặp bất cứ mâu thuẫn nào. Do đó, nếu chỉ tìm cách dịch một hai thuật ngữ nào đó của một triết học nào đó một cách rời rạc thì ắt hẳn sẽ làm mất tính hệ thống, nghĩa là làm mất mạch tư duy, hay lề lối tư duy, của triết học đó.

Về thuật ngữ différance/différence nếu dịch ra tiếng Việt là "trì biệt"/"khác biệt" thì ta được gì và mất gì so với thuật ngữ gốc?

Chữ "trì biệt" có lẽ ý muốn các dịch giả là kết hợp 2 nét nghĩa của "différence": (1) trì hoãn [tôi chỉ dùng chữ "triển hạn] và (2) khác biệt. (Cách dịch này giống với cách dịch của tiếng Trung và Nhật: t.Trung: "diên dị", và t. Nhật "sai diên"). Có vẻ như cái ĐƯỢC của nó là bao gồm được 2 nét nghĩa trong 1 thuật ngữ, và phân biệt với chữ “khác biệt” (différence). Tôi nói là “có vẻ” thôi, bởi nếu dịch như thế thì ta không cần đến chữ “différance”, vì bản thân chữ “différence” đã bao hàm 2 nghĩa đó rồi.

Thế còn MẤT thì ta mất cái gì? Mất quá nhiều đến mức không thể tư duy được nữa. Différance/différence là cặp từ cùng âm khác mặt chữ, chúng không thể phân biệt được bằng lời nói (speech), mà chỉ phân biệt được bằng mặt chữ (writing). Cách dùng chữ như thế này phản ánh rõ ý đồ triết học của Derrida như các anh đã biết. Derrida dùng cố tình tạo ra sự khác nhau của mặt chữ của cùng một từ (différence) để xác lập sự khác nhau của hai cấp độ của sự khác biệt: cấp độ bản thể học (ontological) và cấp độ vật thể học (ontic), trong đó “différance” là sự “khác biệt” ở cấp độ bản thể học, còn “difference” là sự “khác biệt” ở cấp độ vật thể học. Différance là cái làm cho các différences có thể có được. Đây là lối tư duy đặc trưng của Heidegger mà Derrida tiếp thu để “điều chỉnh” học thuyết ngôn ngữ của Ferdinand de Saussure, và trên cơ sở đó ông có thể bày ra nhiều trò khác nữa khiến người dịch phải lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười. Cho nên, nếu dịch là “trì biệt”/“khác biệt” thì rõ ràng là phản tác dụng ở chỗ phá hỏng ý đồ triết học của Derrida, bởi lẽ đọc lên là đã thấy khác nhau rồi, thế thì lý thuyết của Saussure quá ngon rồi, “điều chỉnh” hay “giải cấu” (deconstruction) làm gì nữa cho mệt?

Do năng lực của tôi có hạn, nên những điều nói trên không dám chắc là đúng. Có gì hai anh thứ lỗi cho nhé.
Ngô Tự Lập - 15:16 05/11/2014
Chào anh Phan Thắng. Cám ơn ơn anh. Đúng hơn, tôi chủ trương dịch "Déconstruction" là "Giải kiến tạo". Tôi cũng dùng từ này trong khịch dịch "Lettre à un ami japonais" của Derrida:

< http://www.viet-studies.info/NgoTuLap_Derrida.htm>
Best
Ngô Tự Lập
Ngô Tự Lập - 15:20 05/11/2014
Tôi đề xuất cặp "Khác biệt" và "Khák biệt" để dịch "différance" và "difference". Đọc hoàn toàn giống nhau, như nghĩa thì "khác".
Phan Thắng - 20:08 09/11/2014
Chào các anh Đinh Hồng Phúc và Ngô Tự Lập. Rất vui gặp các anh ở đây. Tôi cũng có tìm hiểu về nguồn gốc từ Deconstruction, nó có gốc gác từ từ "Destruktion" hay "Destruction" (hủy cấu trúc ) của Heidegger. Theo Saussure thì mọi ngôn ngữ đều có cấu trúc (structure), , như mỗi người chúng ta đều phải có nhà ở vậy, mà nhà thì do chính ta xây nên bằng cách này cách khác và tùy thuộc vào sở thích của mỗi người. Như thế ta không thể áp dụng khái niệm "destruction" của Heidegger vào ngôn-ngữ-học được. Thực ra chúng ta không những xây dựng mà còn ...phá hủy nữa. Bạn mua một căn nhà, không vừa ý thì phải sắp đặt hoặc phá bỏ để xây dựng lại. Đây có lẽ là điều khiến Derrida hiệu chỉnh từ "destruction" thành "deconstruction", nghĩa là "hủy những gì được người khác kiến tạo". Tuy nhiên nên hiểu "hủy kiến tạo" là hủy từ bên trong. Hãy xem cách chơi chữ của Derrida diễn đạt đúng điều này: ông thêm từ "con" vào giữa từ "destructon", nghĩa là khi bạn mua một căn hộ thì việc trước tiên là phá dỡ những sắp sếp của người chủ cũ rồi bố trí lại theo ý mình. Cứ thế ta áp dụng một cách đệ qui với những đối tượng nhỏ hoặc lớn hơn, như ăn mặc hoặc cơ quan công sở. Và cũng như Derrida với Heidegger, tôi chỉ thêm dấu "-" giữa từ "hủy kiến tạo", thành "hủy-kiến tạo", vì cũng như căn nhà, bạn không thể phá hủy nó mà không xây dựng lại. Việc Hùy-Kiến Tạo này gần như đồng thời.

Về từ tri-biệt (difference). Từ này về mặt ngữ nghĩa chữ Hán-Việt thì chưa chính xác lắm, nó là từ ghép Hán-Việt, đơn giản là trì hoãn nhằm tạo khác biệt, đấy chính là cách xác lập các giá-trị. Lấy ví dụ trên, muốn sắp đặt lại nội thất căn hộ chẳng hạn, thì bạn cần phải có thời gian quan sát. Đấy là trì-biệt, là quá trình xác lập giá-trị các vật dụng trong căn hộ. Đặc biệt là ngôn ngữ học phát triển theo qui luật tạo giá-trị này. Tuy nhiên, có những kiến tạo vô cùng vững chắc và trở thành nền tảng (foundation) của các nền văn hóa nên cái gọi "deconstructionism" của Derrida còn có nghĩa là "anti-foundationism" (chống nền tảng). Nếu phương Tây có Kim Tự Tháp thì phương Đông chữ Hán cũng là những "Kim Tự Tháp" vậy. Tuy người Anh, Pháp, Đức, Nga đều dùng chữ hệ Alphabet nhưng âm sắc và bảng chữ cái của mỗi nước đều khác biệt, do văn hóa và thổ nhưỡng của từng nước. Quá trình phát triển dạng cây này cũng là trì-biệt, tức tạo các giá-trị.
Phan Thang - 23:08 09/11/2014
Điều quan trọng là về mặt ngữ nghĩa, nên phân biệt giữa cấu-trúc (structure) và kiến-tạo (construct). Cấu trúc thuộc về tự-nhiên, hơn là kiến-tạo. Vấn đề được đặt ra là ta có thể hủy một cấu-trúc không? Rõ ràng là không, ta không thể quên được tiếng Mẹ đẻ, chỉ có thể hủy những nghĩa đi kèm theo đó. Tuy nhiên việc hủy này đồng thời với việc kiến-tạo lại (giống như là thay thế vậy). Tiếng Mẹ đẻ, theo tôi, thuộc về cấu-trúc hơn, nó có một sức "hủy hoại" nào đó (tùy ngôn ngữ), giống như những cơn dông bão hủy hoại những công trình vậy...
Phan Thang - 23:13 09/11/2014
Chữ phương Tây và chữ Hán tuy khác biệt nhưng đều phát triển theo cơ cấu (hay qui luật) trì-biệt. Tôi cũng đang khai thác khái niệm trì-biệt này vào Thư Pháp chữ Việt...
Phan Thang - 21:06 10/11/2014
Tôi có đọc đi đọc lại ý của anh Đinh Hồng Phúc. Anh lí giải hoàn toàn chính xác, song đây chỉ là ý phụ của Derrida (ông đã chơi chữ rất khéo). Ý chính của Derrida thì Differance chỉ là sự gán ghép của 2 từ trì-hoãn và khác-biệt, vô hình trung mà chữ này tạo nên một hình tượng là ta chỉ nhận thấy sự khác biệt hình ảnh giữa chữ A và E. Dùng việc chơi chữ khéo léo này mà Derrida đã hình tượng hóa 2 ý i) nhấn mạnh tầm quan trọng của chữ viết (văn bản) và ii) nếu nguồn gốc ngôn ngữ phương Tây phát triển theo dạng cây mà gốc của nó là Kim Tư Tháp Ai Cập (hình chữ A). Về mặt dịch thuật thì ta khó mà bỏ nghĩa chính lấy nghĩa phụ, phải thế không?
Đinh Hồng Phúc - 09:21 11/11/2014
Cảm ơn anh Phan Thang. Theo ý cá nhân của tôi, trường hợp này ta không nên dịch. Rất vui được biết anh.
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt