Nhập môn triết học

Nói chuyện triết lý (kỳ 1)

Tạp chí Tri Tân, số 88, ngày 25 tháng Ba, 1943, trang 10-11.

NÓI CHUYỆN TRIẾT LÝ

NGUYỄN ĐÌNH THI

 

Ông Nguyễn Đình Thi, một trang thanh niên anh tuấn, đã từng viết những sách như Triết học Nietzsche, Triết học Kant và Triết học Einstein. Nay ông vì yêu Tri Tân, vui lòng cộng tác với chúng tôi về bài vở.

Vậy, từ nay, bản chí sẽ lần lượt cho ra mắt các bạn những bài của Nguyễn quân thuộc loại thường thức về triết học, rồi dần dần đi đến chỗ thâm áo của những học thuyết cao sâu.

L. T. S.

 

NGÀY NAY, những tiếng triết lý, triết học, dùng đã thành quen, nên cả những người không đọc triết học bao giờ cũng hiểu được lờ mờ thế nào là triết lý. Nhưng trong sự hiểu biết thông thường ấy, không khỏi có nhiều chỗ sai lầm. Bởi vậy, trước khi vào sâu hơn trong những vấn đề triết học, chúng tôi tưởng không gì hay hơn là thích nghĩa hai chữ thường dùng đó cho rõ rệt.

Chúng tôi xin nói trước rằng ta chưa thể hiểu ngay được thế nào là triết lý. Vì triết học không phải một khoa học bất di bất dịch, mà biến đổi theo từng thời đại, và từng cá nhân nữa; nên nhời thích nghĩa dưới đây chỉ có một giá trị tạm thời.

Chúng ta đều biết triết lý không phải là một tiếng sẵn có trong văn chương Việt Nam. Ta mượn nó ở tiếng Tàu. Nhưng người Trung Hoa xưa kia cũng không hiểu triết lý là gì, tuy họ vẫn luôn luôn bàn chuyện triết lý. Nói đến luân lý, ta biết. Nói đến triết lý, ta không hiểu. Điều đó không có gì lạ, vì triết lý chỉ là một tiếng dịch.

Người ta dùng nó dịch chữ “philosophie” của người Pháp, và “philosophy” của người Anh, và “philosophie” của người Đức. Nguồn gốc philosophie không phải ở tiếng la tinh philosophia mà ở tiếng hi lạp, vì dân tộc hi lạp mới là tổ tiên của triết lý tây phương.

Người Hy lạp viết một thứ chữ đặc biệt, nhà in ta không có, nên chúng tôi tiếc không thể viết ra đây được chữ “philosophie” hy lạp.

Nhưng không hề gì. Bạn đọc chỉ cần nhận xét rằng tất cả những chữ triết lý, trong các tiếng nói kể trên, đều gồm hai lần: philo-sophia.

Philo, trong tiếng hy lạp có nghĩa là yêu mến. Sophia có hai nghĩa: là biết (savoir) và hiền đức (sagesse). Vậy Philosophie nghĩa là muốn biết và muốn hiền, - biết theo nghĩa rộng nhất của chữ ấy, và hiền theo nghĩa cao đẹp nhất của chữ ấy. –

Phân tích như thế, ta đã rõ hai vấn đề chính của triết học: tìm biết và tìm cách hành động cho hợp với lẽ phải.

* * *   

Người Tàu dịch chữ “philosophie” thực đã khéo, - khéo đến nỗi ta có thể không cần đem chữ philosophie tây ra phân tích, cũng có thể định nghĩa được chữ triết lý. – Vì chỉ đem ra phân tích hai chữ “triết lý”, ta cũng có thể hiểu được những vấn đề chính của triết học là những vấn đề nào.

Ông Đào Duy Anh định nghĩa chữ triết là trí đức: triết là sophia của tiếng la tinh, và sagesse của tiếng pháp. Nhưng có lẽ hiểu thế cũng chưa đủ. Trong chữ “triết” ta thấy một ý quan trọng: ấy là ý niệm về giá trị. Triết học là khoa học tìm biết giá trị của sự vật: khi phán đoán một sự việc về phương diện “triết”, ta tìm xem sự việc đó đáng giá bao nhiêu. Trong “triết” học, chỉ có những nhời phán đoán về giá trị (jugement de valeur). Nhưng nói đến giá trị là phải nói đến bảng so sánh: những bảng so sánh của triết học tóm tắt trong ba chữ chân, thiện, mỹ. Và các triết nhân xưa nay chỉ là những người đi tìm giá trị của sự vật về phương diện thật hay dối, thiện hay ác, xấu hay đẹp.

Vậy “triết” học gồm có:

luận lý học, nghĩa là khoa học dạy người ta cách suy luận cho phải (logique)’

luân lý học, nghĩa là khoa học dạy người ta cách ăn ở cho thiện (morale);

mỹ học, nghĩa là khoa học dạy người ta cách sáng tạo cho đẹp đẽ (esthétique).

Triết” nghĩa như thế. Còn “lý”?

“Lý” nghĩa là những gì có thực, và có ở ngoài lòng người. Trong Kiều có câu: “Tuy ngoài là nhưng trong là tình”.

trái mới tình, điều đó rất dễ hiểu. Nhưng “lý” còn mâu thuẫn với tất cả những gì thuộc về tâm hồn người, nghĩa là những gì luôn luôn thay đổi và biến động nữa.

“Lý” là nguyên do: khi phán đoán một sự việc gì về phương diện lý, ta tìm xem trong thực tại, sự việc ấy thế nào. Ta muốn biết vật ấy là gì. Trong lý có những nhời phán đoán về thực tại (jugement de réalité). Ví dụ: Trời đất là gì? Sống chết là gì?

“Lý” hợp với “savoir” của tiếng Pháp.

“Lý học” là khoa học tìm biết sự vật, nghĩa là biết căn do, duyên cớ của sự vật. khác với triết là như thế.

Lý học có hai phần:

Một phần tìm biết những gì ở giác quan ta thâu nhận được, những gì mắt trông, tai nghe, mũi ngửi, mồm nếm, tay sờ mó thấy: đó là vật lý học (physique).

Một phần tìm biết những gì ngoài phạm vi các giác quan của chúng ta: ấy là siêu vật lý học (métaphysique). Nhưng người ta không dùng tiếng đó, mà dịch métaphysique là siêu hình học, hình nhi thượng học, hay gọn hơn: huyền học. Nói một cách khác thì vật lý học tìm hiểu bề ngoài sự vật, và nhường công việc tìm hiểu bề trong vũ trụ cho huyền học.

* * *

Chúng tôi cần nhắc lại: nhời thích nghĩa trên đây chỉ có một giá trị tạm thời: ngày nay triết lý nhũn nhặn hơn ngày xưa nhiều lắm. Bạn đọc xét lại nội dung trên đây của triết lý hẳn nhận thấy rằng triết lý có một phạm vi rất lớn. Ngày nay phạm vi đó đã hẹp lại, nhưng lại sâu xa hơn. Và tiếng triết lý sở dĩ không còn thông dụng bằng tiếng triết học, cũng vì khoa học mà người Pháp gọi là “philosophie” đó, nay thiên về phần “triết” hơn là phần “lý”, và muốn chuyên về phần tìm tòi những “giá trị” mà nhang bỏ phần tìm tòi những nguyên do. Điều đó không phải vô cớ: nhưng tìm biết cớ đó lại là chuyện ở kỳ sau.

NGUYỄN ĐÌNH THI

Kỳ sau: Triết lý trải qua các thời đại

 


Nguồn: Tạp chí Tri Tân, số 88, ngày 25 tháng Ba, 1943, trang 10-11. Phiên bản điện tử do triethoc.edu.vn thực hiện

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt