Thuyết Duy lý

Duy vật luận nước Pháp (kỳ 2)

 

DUY VẬT LUN NƯỚC PHÁP

TRẦN VĂN GIÀU

(NXB. BỘ GIÁO DỤC, VIỆT BẮC, 1949)

 


BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ

  1. Triết học của Descartes (1596-1650)
  2. Những nghịch lý trong triết học Descartes
  3. Duy vật luận thế kỷ XVIII của Pháp

 

II. NHỮNG NGHỊCH LÝ TRONG TRIẾT HỌC DESCARTES

Trong triết học của Descartes có những điểm rất tiến bộ, duy vật, song cũng có những điểm mù mờ mâu thuẫn mà người đời sau gọi là nghịch lý, Descartes vừa là một nhà vật lý học, vừa là một nhà siêu hình học. Môn đồ của ông chi ra làm hai ngả: một cánh tiến bộ tiếp nối ông Descartes vật lý, một cánh duy tâm tiếp nối ông Descartes siêu hình (tựa như bên Đức, tôi chỉ nói “tựa như” thôi, tựa như sao Hegel, môn đệ Hegel chia ra làm hai phe: phe tiến bộ, thanh niên, căn cứ vào biện chứng pháp của Hegel; phe già cỗi, bảo thủ, căn cứ vào duy tâm tuyệt đối của thầy).

Chúng ta hãy trình bày vài điểm tiến bộ của triết học Descartes (trừ những điều ta đã nói trước đây) và giải quyết những nghịch lý trong triết học ấy.

1. Tính thống nhất của khoa học, phương pháp và trí tuệ

Trước hơn ai cả trong thời cận đại, Descartes tin vào tình huống nhất của các khoa học, thống nhất của phương pháp và thống nhất của trí tuệ. Đây là một tư tưởng đúng, gần gũi với sự thật (gần gũi với chủ nghĩa Marx về sau): vũ trụ là thống nhất thì trí tuệ, khoa học, phương pháp không có lý do gì mà năm bảy đường trái ngược nhau cả.

a. Thống nhất các khoa học

Vì thế mà theo Descartes phải nghiên cứu tự nhiên theo một trật tự như sau: từ vật lý học đến y học, từ y học đến luận lý lôgic học. Theo ông, y học là một trường hợp của vật lý học; đó là nguyên tắc của vật lý học áp dụng vào việc nghiên cứu con người, còn luận lý lôgic học là một trường hợp đặc biệt của y học, nó nghiên cứu tâm hồn của con người; từ khoa học tự nhiên tới khoa học con người, theo Descartes không có gì phân cách hẳn. Nói một cách khác, Descartes đã bắt đầu có quan niệm rằng con người không phải là một giống siêu nhiên, thần bí, khác hẳn với cả vũ trụ tự nhiên. Điều cần thiết là con người phải nhờ khoa học mà làm chủ “tự nhiên vật lý” và cả “tự nhiên nhân lý” nhờ khoa học mà đem hạnh phúc lại cho loài người đau khổ.

b. Thống nhất của phương pháp

Các khoa học đều thống nhất thì phương pháp khoa học cũng đồng thống nhất, cũng hoài nghi, trật tự, (như ta đã nói trước đây) và thí nghiệm. Descartes vui lòng tự xưng là học trò của nhà bác học Anh, Bacon, vị thủy tổ của phương pháp thí nghiệm Âu châu.

Phương pháp của Descartes đề ra là một phương pháp dễ theo: hồi đó, từ trong triều đình đến ngoài dân dã, đâu đâu cũng tập dùng phương pháp trật tự, thí nghiệm của Descartes. Gần giống như là người Tây Ban Nha lúc đó đã đem cho người Âu châu cái “thú” đi lập thuộc địa ở phương xa, Descartes đã tạo ra được một hạng người mới, hạng “lao động khoa học”, đám lao động khoa học 6a1y gieo mầm cách mạng tư tưởng.

c. Thống nhất của trí tuệ

Ở đời, không tùy giai cấp, tiền tài, nguồn gốc xã hội, ai cũng có óc phán đoán phải quấy như ai; duy tìm được những phát kiến mới và hay, hay không tìm được là bởi vì, theo Descartes, ta tốn nhiều hay ít thì giờ để luyện tập và áp dụng phương pháp mà Descartes đã tìm. Bất cứ trong lãnh vực nào của tự nhiên và của con người, phương pháp ấy đều có hiệu nghiệm cả, và tất cả các lãnh vực nghiên cứu đều nhằm vào một mục đích là lập vững quyền bá chủ của con người trên tự nhiên.

Descartes là nhà triết học của “lẽ rõ ràng, minh bạch”.

Trong học thuyết của Descartes có một số điểm như trái ngược nhau; có lẽ vì lẽ ấy mà, xuất phát từ Descartes có cả duy vật và duy tâm, cả duy tâm và duy vật đều tự xưng là đồ đệ của Descartes. Nói một cách khác, có những lý trong học thuyết của Descartes, mà đứng về một mặt nào, ta có thể cho rằng đó là nghịch lý của thời đại lịch sử, và chính ông Descartes đã bắt đầu giải quyết những nghịch lý ấy.

2. Nghịch lý về tư tưởng và không gian

Theo Descartes không gian gồm cả những vật có bề ngắn, bề dài, bề sâu, chứ chẳng riêng gì cái bầu trời này; không gian và tư tưởng là hai bản chất khác nhau, riêng biệt nhau, điều ấy nhà duy vật không vì lý do gì mà phủ nhận, nhà duy vật đâu có nhất thiết phải dành Descartes về phần mình: Descartes còn phải đi tới mấy bước nữa mới hẳn là nhà triết học duy vật; còn nhà duy tâm thì mừng một cái mừng đắc thắng: bởi vì nếu quả không gian (vật chất) và tư tưởng là hai điều riêng biệt nhau hẳn, thì Descartes là một nhà triết học duy tâm rồi, là giáo chủ của duy tâm luận hiện đại rồi.

Vậy ta hãy xem xét coi triết học Descartes có nhận thức được tới mức nào sự đồng nhất giữa tư tưởng và không gian không. Khi ấy mới dám nói rằng nghịch lý của Descartes tự giải quyết, giải quyết bằng duy vật luận. Hay, đi xa hơn nữa, dầu có sự đồng nhất giữa tư tưởng và không gian mà Descartes thu không gian về nguồn gốc tư tưởng, chớ không thu tư tưởng về nguồn gốc không gian thì trong trường hợp đó, Descartes cũng vẫn là duy tâm là duy tâm triệt để chớ không phải nhị nguyên luận mà thôi, phái duy vật sẽ bị “cụt hứng” chăng?

Chúng ta biết rằng, duy vật luận công nhận sự tồn tại khách quan của thế giới, nhưng nếu chỉ công nhận, nhận thức rằng thế giới khách quan tồn tại thì chưa phải, chưa đủ là duy vật; như Hegel nhận có thế giới khách quan, nhận ngoại giới là thực tại, nhưng Hegel là duy tâm vì theo ông thế giới khách quan ấy là tư tưởng tuyệt đối hiện hình!

Descartes quả quyết rằng có không gian, tức là có ngoại giới chắc chắn, ngoại giới đó, không gian đó, trí ta có thể biết được. Có người hỏi ông coi không gian phải là tư tưởng thuần túy không, thì ông trả lời rằng không gian là đều có thật, chắc chắn, không nghi ngờ gì được, nó là khách quan và vật chất.

(Si les choses qu᾿on peut concevoir doivent être estimées fausses par cela qu᾿on peut les concevoir, que reste-t-il sinon qu᾿on doit seulement concevoir pour celle qu᾿on ne concoit pas).

(Médications, Réponses aux objections)

Theo Descartes, không gian (tồn tại) ngoài trí tưởng tượng của ta; nói khác hơn, nó là khách quan, không cần phải có tư tưởng của ta cũng đã có không gian sẵn rồi. Nhưng đồng thời, Descartes lại nói: nó là thực tại là vì tư tưởng ta hiểu nó, biết nó một cách rõ ràng. Thí nghiệm là gì, nếu không phải là bảo rằng vì ta biết nó rõ ràng nên nó mới tồn tại chắc chắn.

Đó là một nghịch lý, một mâu thuẫn. Cứ theo lý này thì dường như phải được nhận thức rõ một vật, vật ấy mới tồn tại. Ý tưởng này dường như trái với ý tưởng trên, trái với ý tưởng cho rằng ngoại giới là thực tại khách quan.

(J᾿avoue franchement ici que je ne connais point d᾿autre matière des choses corporelles que celle qui peut être divisée figurée et unie en toutes de facon, c᾿est-à-dire que les géométries nomment la quantité et qu᾿ils prennent pour objet leurs démonstrations)[1].

(Descartes Principes)

Descartes lấy ví dụ một miếng sáp: sáp mới thì thơm, vàng, dẻo, sáp cũ không thơm, nó rắn, trắng, mà sáp vẫn là sáp, một bên là các phẩm chất thay đổi, một bên là không gian (miếng sáp) vẫn tồn tại luôn. Tư tưởng của ta là phương pháp để hiểu không gian, để biết tồn tại mà đồng thời không gian cũng là phương pháp để nhận thức tư tưởng. Nhưng không gian là vô cùng còn tư tưởng của ta là hữu hạn, cho nên “tư tưởng hữu hạn không bao quát nổi không gian vô cùng”.

(Quelque part que nous voulions feindre des bornes, nous pouvons encore imaginer au delà des espaces infiniment étendus, que nous n᾿imaginons pas seulement, mais que nous concevons en effet être tels que nous les imaginons, de sorte qu᾿ils contiennent un corps infiniment étendu.. De l᾿infini on ne peut rien dire pour le déterminer ce qu᾿il est ou ce qu᾿il n᾿est pas)[2]

Tới đây, chúng ta không thảo luận coi ý của Descartes về “vô cùng” có đúng không, ta chỉ chú ý rằng, như thế, ta lại đụng phải một nghịch lý: không gian vừa là ý kiến rõ, vừa là ý kiến không hoàn toàn rõ.

Song nghịch lý ấy có ý nghĩa là: nếu thế thì không thể xem không gian như là sản phẩm của tư tưởng được, nó bao quát được tư tưởng, tư tưởng hẹp hơn nó, không bao quát được nó. Vậy thì riêng tư tưởng không đủ hiểu không gian vô cùng: muốn hiểu rõ không gian vô cùng, lần này phải dùng đến kinh nghiệm. Kết quả là: tuy dùng tư tưởng để biết không gian, nhưng không gian độc lập với tư tưởng và không gian là điều chính yếu, tư tưởng là thứ yếu, tính chính yếu ấy Descartes không nói rõ ra, song, ta từ tính cách bao quát của không gian mà suy ra, thứ yếu ấy tự tính cách hữu hạn của tư tưởng mà suy ra.

Vậy nghịch lý đã bắt đầu được giải quyết ngay trong hệ thống tư tưởng triết học của Descartes.

a. Cái ý cho rằng “có thể nhận thức được không gian một cách minh bạch, phân biệt”, cái ý đó mở màng cho sự thống nhất giữa tồn tại và tư tưởng tuy chính nó chưa thống nhất được tư tưởng và tồn tại (unité de l᾿être et du penser).

b. Cái ý cho rằng không gian vượt khỏi giới hạn tư tưởng (L᾿ étendue déborde la pensée), cái ý đó mở đường cho ý kiến chính xác sau đây: không gian là chính yếu mà tư tưởng là thứ yếu (primauté de l᾿être), mặc dầu Descartes chưa hề trực tiếp nói rõ như thế.

c. Bằng cách này hay cách khác, công nhận tính cách chính yếu của không gian (tồn tại) so với tính cách thứ yếu của tư tưởng (tinh thần), tức là đứng về lập trường duy vật luận vậy.

Người ta có thể hỏi tại sao Descartes không nói thẳng mà lại đi lòng vòng từ nghịch lý này qua nghịch lý khác như thế?. – Chúng ta sẽ giải nghĩa về sau, sau khi đã giải quyết những nghịch lý khác, chỉ cần nói ngay rằng Descartes thú thật là ông phải “mang một cái mặt nạ để dễ đi tới”. Ngay đến Diderot sau đó cũng còn phải dè dặt rất nhiều đừng nói chi là ở thời Descartes, một thời độc tài khắc nghiệt về mọi mặt, về mặt tư tưởng tín ngưỡng.

Trong học thuyết của Descartes, tồn tại khách quan của không gian là nấc thang đầu cho duy vật luận thế kỷ 18, nó cũng là chướng ngại vật cho phái môn đồ duy tâm của Descartes. Nhắc lại rằng trong học thuyết của Descartes, không gian gồm cả vật chất cũng được ông gọi là “ étendue”.

Ngay Malebranche và Leibniz đã thấy rằng Descartes là không hẳn duy tâm, mà là duy tâm “tạm thời”, họ tự phụ đã đưa duy tâm luận của thầy đến mức triệt để.

Đám môn đồ thoái hóa này vứt bỏ tính thống nhất của khoa học, của phương pháp, của vũ trụ, họ cho rằng tư tưởng là tối cao, chính yếu, không gian là thứ yếu, vật chất là hạ đẳng. Họ giảm giá trị của không gian, cho không gian như một “cơ hội” để cho tư tưởng hoạt động, đó là cơ hội chủ nghĩa của Malebranche, họ đi đến thủ tiêu không gian, như Leibniz, Schelling. Để làm gì? Họ nói là để giữ gìn tính cách “trong sạch”, “thuần túy” của tư tưởng, tinh thần. Kỳ thực là họ chống lại với khoa học tự nhiên đương xô đuổi thần bí và duy tâm vào mạt lộ, họ chống lại duy vật luận đương xô đẩy phong kiến và phản động vào chỗ nguy vong, đương bắt đầu gieo rắc mầm mống cách mạng dân chủ.

Trái lại, những nhà triết học bách khoa Pháp của thế kỷ 18, tiếp tục vật lý học của Descartes, quy các hiện tượng về vật chất và vận động, chăm chú vào đó mà nghiên cứu, mà nhờ đó mà phát triển tư tưởng. Ông Descartes duy vật được phát huy, được tiếp nối. Ông Descartes đó mới là ông Descartes chân chính, ông Descartes của nhân loại tiến bộ.

3. Nghịch lý về toán học và kinh nghiệm

Có hay không có “toán học luận” của Descartes?

“Toán học luận” là một thuyết cho rằng tất cả không gian vật chất có thể quy lại thành ra những tương quan toán học, thành những phương trình toán học, xem rằng tất cả các khao học có thể được giải quyết bằng toán học và trong toán học, không còn cần thiết phải kinh nghiệm, thí nghiệm gì nữa, thí nghiệm, kinh nghiệm sở dĩ cần là chỉ tại khoa học còn thấp kém thôi, hay nói xa hơn, tại sự nhận thức của con người chưa đi tới trình độ khoa học nên mới cần đến thí nghiệm, khi nào còn phải thí nghiệm và kinh nghiệm, thì chưa có khoa học đích thực, khi nào từ thí nghiệm kinh nghiệm mà bước qua lúc dùng toàn là “suy diễn toán học”, từ những phương trình trừu tượng mà suy ra sự thật, suy ra lẽ phải, chừng đó mới có khoa học đích thực.

“Toán học luận” là như vậy.

Duy tâm luận ngày nay đặt tên cho cách hiểu biết, cách “nhận thức” ấy là “toán học luận Descartes”. Leibniz là một hiện tượng trong làng “toán học luận”.

Nói khác hơn, họ tự xưng rằng họ tiếp nối Descartes để hoàn thành nền toán học luận chưa triệt để, còn khuyết điểm của Descartes. Họ đem toán học đối chọi lại với kinh nghiệm một cách tuyệt đối, đối chọi một cách nan giải.

Sự thật ở đâu?. Nếu quả Descartes là thủy tổ của “toán học luận” thì Descartes là thủy tổ của duy tâm luận hiện đại, và như thế sẽ không sao nói được rằng Descartes là người dẫn đầu cho tinh thần bách khoa của thế kỷ 18 ở Pháp.

Chính đây là nghịch lý thứ hai của triết học Descartes, mà cũng là một mặt khác của cái nghịch lý đã được giải thích và giải quyết bên trên.

“Toán học luận” khác với khoa toán học. Toán học luận (như của Leibniz, Bachelard v.v…) là quan niệm duy tâm về toán học, nó đưa đến một kết quả tai hại là chỉ còn có phương trình toán học mà không còn đối tượng của toán học nữa, nó trở thành một thứ nhận thức, tuy gọi là rõ ràng, tưởng như chắc chắn, nhưng không còn là nhận thức cụ thể gì nữa, nó bay bổng lên không trong tư tưởng, nó rời hẳn nền tảng sự vật thực tế.

Toán học luận trái với duy vật luận.

Nó là một màu của duy tâm luận.

Toán học luận thoát ly hay muốn thoát ly ra khỏi quan hệ tất yếu giữa nhận thức và thí nghiệm, giữa tư tưởng và tồn tại, giữa trí tuệ đặt vấn đề và vật chất giải đáp vấn đề.

Trái lại, duy vật luận liên kết chặt chẽ nhận thức với thí nghiệm, tư tưởng với tồn tại, đưa trí tuệ đi sâu vào tự nhiên, vào vật chất và đưa tự nhiên vật chất làm nền móng vững chắc cho trí tuệ, mà trí tuệ và tự nhiên không phải là hai bản chất trái nghịch nhau; trái lại cả hai là đồng nhất; duy vật luận đặt tính chính yếu, tính quyết định vào tự nhiên, vào tồn tại, vào thí nghiệm thực hiện. Nói một cách khác hơn, duy vật luận xem thực tại như là khởi điểm của toán học mà cũng là nơi áp dụng, kiểm điểm, kết thúc của toán học.

Vậy có toán học của Descartes không? Nếu có thì có tới chừng mực nào và quan trọng ra sao? Những nhà triết học bách khoa hồi thế kỷ 18 đối xử với toán học luận đó thế nào?.

Phải thành thật nhận rằng có một thứ toán học luận của Descartes. Những học giả tả phái Pháp, như Mougin, một nhân vật trong làng tư tưởng Pháp này nau đặt hai câu hỏi:

- Toán học luận đó có tuyệt đối chăng?.

- Toán học luận đó có hiệu nghiệm không?.

Quả Descartes đã chú ý rất nhiều về toán học, và ban đầu, ông có nuôi nhiều ước vọng về toán học để quy tất cả vũ trụ về quan hệ toán học, để cắt nghĩa tất cả bằng toán học. Song, trong bức thư của Descartes gởi cho P.Mersenne (1630) Descartes viết: “Tôi mệt, tôi chán với toán học, tôi không quan tâm đến nó nữa”. Trước 1630, ông muốn tìm ra một thứ toán học phổ biến cho toàn cầu, cho mọi khoa học, áp dụng được cho mọi vật và làm sao cho mọi vật đều nhờ toán học để mà giải quyết, mà nghiên cứu. Tìm tòi của ông không được hiệu quả như ý muốn vì ý muốn ấy to quá, vượt qua khỏi địa hạt có thể được. Rồi ông quay về chăm lo hình học, trước hết ông chăm lo đại số học.

Về toán học, Descartes thất bại, đó là một thất bại tạm thời; sau ông có nhiều người tiếp nối và thành công lớn, không phải theo hướng toán học luận, mà theo hướng toán học khoa học.

Descartes nuôi ý muốn dùng toán học thành một sức phổ biến cho mọi việc đều do đó mà suy diễn ra: ông thất bại, đây lại là một thất bại vĩnh viễn, sau ông, đến nay cũng chưa hề có ai, và sau này chắc chắn sẽ không có ai làm được. Descartes nhận thấy thất bại ấy, cho nên chính ông đã thừa nhận rằng nếu không có vật chất thì riêng con số, riêng đại số chẳng còn có nghĩa lý gì, sự đo lường tính toán không thể tách hẳn ra khỏi vật được đo lường tính toán; vật được đo lường, được tính toán có trước, và sau đó mới có sự tính toán, sự đo lường. Toán học là hay, có công dụng lớn, còn ai cãi được, song toán học tự nơi nó, riêng rẽ trong con số trừu tượng, trong phương trình thuần túy, là thứ toán học chết, vô ích, đáng vứt bỏ để khỏi rộn trí.

Ai cũng biết rằng trước hết phải có vật, ta mới đếm, 1, 2, 3, toán học bắt đầu từ đó sau này mới có giải tích, vi phân, nhưng có giải tích, vi phân, có đại số và phương trình gì đi nữa thì phương trình, đại số phải hợp với thực tế khách quan chớ nhà toán học không có quyền bắt thực tế khách quan phải hợp với toán học.

Ông L.Brunschvicg không chịu nhận như thế, nên ông sai ở chỗ đó.

Ông này nói rằng ông tiếp nối “toán học luận” của Descartes, nhưng chính Descartes đã bỏ cái ảo vọng của ông trước 1630 về năng lực vô biên của toán học phổ biến và của suy diễn toán học.

Bị thất bại ở ý đồ xây dựng toán học luận phổ biến trừu tượng, Descartes lại thắng lợi ở chỗ xây dựng vật học cụ thể trên nền tảng thí nghiệm thực tiễn: toán học quan trọng, càng ngày càng quan trọng nhưng kết quả cuộc thí nghiệm và thực tiễn vẫn là điều quyết định coi toán học đúng hay sai, cần phải sửa chữa ở đâu, cần phải phát triển về hướng nào. Vả chăng, toán học trước hết là một thứ công cụ (vô cùng lợi ích) cho phần nhiều các khoa học, phải luôn luôn phát triển với khoa hoc khác, mà đã nói khoa học tức là nói thực tế, vật chất.

Descartes đã tự ông đính chính, ông không nhận rằng ông có thể xác nhận các sự thực tại bằng toán học, nghĩa là, trái lại, chính thực tại xác nhận toán học, mặc dầu dùng toán học ta tìm được nhiều điều mà thiếu nó, ta tìm không ra.

“Mais d᾿exiger de moi des démonstrations géométriques sans une matière qui dépend de la physique, c᾿est vouloir que je fasse des choses impossibles?” [3]

Ngay trong bản “Thuyết trình”, Descartes đã nhận rõ sự quan trọng của thí nghiệm trong sự nghiên cứu tự nhiên: có thí nghiệm mới chứng thật được những nguyên tắc, vì tự nhiên to rộng hơn là nguyên tắc vật lý học (phần thứ VI của “thuyết trình”).

(Mais il faut aussi que j᾿avoue que la puissance de la nature est si simple et si vaste que les principes (de la physique), sont si simples et si généraux que je ne remarque quasi plus aucun effet particulier que d᾿abord je ne connaisse qu᾿il peut en être déduit en plusieurs diverses facons, et qu᾿une plus grande difficulté est d᾿ordinaire de trouver en laquelle de ces facons il dépend. Car à cela je ne sais point d᾿autre expédient que de chercher derechef quelques expériences qui soient telles que leur évènement ne soit pas le même, si c᾿est en l᾿une de ces facons qu᾿on doit l᾿expliquer qu᾿en l᾿autre).

Với L.Brunschvicg, ông Millaud muốn đánh vỡ vật lý học của Descartes, họ chỉ để còn có toán học luận, họ muốn đè bẹp vật lý học của Descartes dưới siêu hình học của ông. Nhưng đó là họ đi sai đường Descartes, họ chỉ tiếp nối cái công trình xuyên tạc của Malebranche và Leibniz, những ông này bám vào những điểm duy tâm, siêu hình của Descartes, mà lại bỏ rơi tư tưởng duy vật, khoa học của Descartes.

Trái lại, ngay hồi thế kỷ 18, các ông như Diderot, D᾿Alembert đã nhận lấy ông Descartes duy vật mà bỏ ông Descartes làm thời có ảo vọng về toán học phổ biến tức toán học luận.

Cho nên Diderot nói: “Ta tính toán bằng lý luận nhưng không quên quan sát trời đất”. D᾿Alembert, một nhà toán học, nghĩ rằng toán học là một khoa học thực nghiệm như những khoa học khác trong tự nhiên, toán học thí nghiệm những cái gì trừu tượng và bao quát nhất.

Vậy, nghịch lý của Descartes về toán học và kinh nghiệm, chỉ là một việc tạm thời, mà chính ông đã bắt đầu giải quyết bằng lý thuyết và thực hành, chính ông đã bỏ ảo vọng toán học luận của ông.

4. Nghịch lý về siêu hình và vật lý

Malebranche, Leibniz và nhiều nhà triết học duy tâm xem Descartes như thủy tổ của siêu hình học. Họ nói rằng cái đặc điểm trong đời của Descartes là sáng tạo ra luận thuyết siêu hình, dùng suy xét sâu xa mà nhận thức tồn tại của Thượng đế, của linh hồn, của ý kiến tiên thiên.

Trái với những học giả đó, đặc sắc của Descartes không phải là sáng tạo siêu hình học mà chính là sáng tạo vật lý học, hay nói cho vừa phải hơn, Descartes không có đem gì mới và nhiều trong siêu hình học, ông chỉ lắp lại bằng cách khác những ý tưởng siêu hình đã có trước ông. Trái lại, ông đã cống hiến rất nhiều cái mới cho vật lý học. Vật lý học trước ông rất kém, vật lý học sau ông có một đà phát triển mạnh.

Descartes, trước hết không phải là nhà siêu hình học mà trước hết là nhà vật lý học.

Ông là nhà vật lý học có nói đến siêu hình theo một phương pháp mới. Xét cho kỹ, thì những câu chuyện như có linh hồn khác với thể chất, có Thượng đế khác với tự nhiên, những câu chuyện ấy là hai điều cũ kỹ lắm rồi, có trước Descartes rất lâu, không gì mới cả, mới chăng là Descartes dùng một lối suy luận mới để “tìm lại” hay trình bày những lý lẽ cũ mà thôi, tìm lại lý lẽ cũ mà đã cắt bớt cánh siêu hình của chúng nó rồi.

Descartes để gần trọn đời ông cho vật lý học, ông chỉ để “ít giờ” cho siêu hình học. Không nên tưởng tượng, ông Descartes như một người suy nghĩ trầm ngâm trước một bếp lửa hồng trong mùa rét để tạo ra một hệ thống triết học, và kết thúc hệ thống ấy bằng một chân lý tuyệt đối. Phải tưởng tượng, phải trông thấy ông Descartes là một nhà bác sỹ mổ xẻ cơ quan trong thân thể của con thú, làm những thí nghiệm vật lý, tổng kết những thí nghiệm ấy.

Hình như Descartes muốn càng ít đả động đến thần học cũ kỹ càng hay, để xây dựng vật lý học mới càng dễ và để tạo một lớp “lao động khoa học mới”.

Cho nên ngay những nhà triết học duy tâm tự xưng là môn đồ của Descartes cũng thấy và tiếc rằng ông Descartes siêu hình học không triệt để và vì họ muốn đi đến siêu hình triệt để nên Malebranche, Leibniz, Berkeley, đã phải thủ tiêu ý kiến của Descartes về không gian, về vật chất, về vật lý học, nghĩa là thủ tiêu phần căn bản trong triết học của Descartes.

Trái lại, những môn đồ duy vật của Descartes chưa hề than phiền rằng Descartes thiếu triệt để về mặt vật lý học. Và ngay hồi Descartes còn sống, đã có nhiều môn đồ của Descartes nhận thấy rằng có thể và cần phải bỏ phần siêu hình học của thầy, mà khi bỏ đi siêu hình học ấy thì thấy chẳng hại gì cả, trái lại còn có lợi cho vật lý học. Và khi Diderot phê bình ông Newton, xem học thuật của Newton như là cơ giới học hơn là vật lý học, trách Newton là tách hẳn lý thuyết với thực nghiệm, ấy là Diderot theo tinh thần của Descartes vậy.

Descartes, hồi trai trẻ, đã nói rằng, muốn đi tới trước thì ông phải mang một chiếc mặt nạ: đó là chiếc mặt nạ siêu hình. Nói khác hơn, nếu ta vứt chiếc mặt nạ siêu hình là một nhà duy vật, duy vật cơ giới đã đành, vì nhà triết học không làm sao đi quá xa mức phát triển khoa học giữa thời đại mình. Trái lại đến thế kỷ 20, lúc các khoa học đều phát triển mạnh mà có người nói rằng: “nhà triết học không khi nào bày rõ mặt thực của mình” (le philosophe ne répond jamais à son signalement), người đó vô tình hay cố ý trở về với thần bí, đã xa rời ánh sáng của nhận thức, mà lại còn quay đầu về chỗ mờ ám của mê tín.

Thế kỷ 17, cả một gánh nặng kinh viện, thần học, siêu hình còn đè nặng lên tâm trạng của mỗi người, trên tư tưởng của tất cả. Descartes đã khai mở một con đường mới, nhưng:

a. Một là ta khó mà đòi hỏi Descartes vứt hết những tàn tích siêu hình đã sẵn có hàng mất trăm năm.

b. Hai là, muốn cho triết học của ông sớm nhập vào các trường, các lớp, ngay trong hàng ngũ trí thức công giáo, ông phải nhượng bộ khá nhiều cho tư tưởng cũ, để yên nó trong một giới hạn nào đặng có yên ổn mà phát triển tư tưởng mới. Với chiến thuật ấy, Descartes đã thành công. Trước khi có lớp nhà triết học bách khoa, đã có những học giả trong pháiCông giáo Dòng Tên theo triết học vật lý của Descartes cho đến nỗi họ bị trục xuất; đâu đâu người ta cũng theo cái “mốt” thí nghiệm, từ nhà tư đến công sở, trường đại học. Descartes đã đạt được ý nguyện là tạo một lớp “lao động khoa học”. Đó là điều chính. Kết quả đã chứng minh cho biện pháp.

Các nhà triết học duy tâm về sau đều gọi duy tâm luận của Descartes là “duy tâm luận tạm thời”. Họ nói Descartes đi qua sân duy tâm để vào nhà duy vật.

Nhiều nhà triết học duy vật lại nói thêm: siêu hình học của Descartes là một “chiến thuật” và chỉ là một chiến thuật thôi, chiến thuật để êm thấm dắt con người từ thời đại duy thần vào đường duy vật luận. Không thể chê rằng chiến thuật ấy là sai, là không kết quả. Trái lại mới đúng.

Ngày nay ta thấy nhiều vĩ nhân đương dìu dắt nhơn loại, mà không nhất thiết phải đột ngột đụng chạm với bao nhiêu thành kiến sai lầm của nhơn dân. Ví dụ uốn gỗ, nếu nhất thời đòi ngay thẳng thì gỗ phải vỡ đi, sửa người phải nương theo người mà sửa mãi mới sửa được. 

5. Nghịch lý “Cogito”

Hồi thời Descartes, toán học và khoa học của thời thượng cổ đã bị điêu tàn hơn một ngàn năm trăm năm rồi, đã trải qua 15 thế kỷ đen tối của phong kiến. Cho nên, muốn “khởi hành” trên hướng mới, trên tầng mới, Descartes cần dùng một lẽ “hiển nhiên” một lẽ “đương nhiên”, một chân lý đầu tiên: “Tôi tư tưởng, thế là tôi tồn tại”, để dẫn dắt đến những chân lý khác.

Từ Descartes tới chúng ta ngày nay, đã có vô số những chân lý (tuy là tương đối) thì chúng ta không cần một “chân lý đầu tiên” để truyền chân lý ra cho mọi người nữa.

Ngay trong lúc đó, Descartes dùng câu Cogito kia là để từ thái độ hoài nghi triết học chuyển ngay qua thái độ tin chắc khoa học, mà một khi đã qua bờ tin chắc rồi thì không cần và cũng không nên ngó trở lại bờ hoài nghi, trở lại Cogito nữa.

Descartes khuyên mọi người chớ nên để nhiều giờ trong một ngày để tưởng tượng, chớ nên để nhiều giờ trong một năm để nghĩ đến việc siêu hình. Vì tưởng tượng mãi, suy nghĩ mãi về siêu hình chỉ có hại cho trí tuệ mà thôi.

(Je crois qu᾿il est nécessaire d᾿avoir bien compris une fois en sa vie les principes de la Métaphysique, je crois aussi qu᾿il serait très unisible d᾿occuper son entendement souvent à les méditer, à cause qu᾿il ne pourrait si vaquer aux fonctions de l᾿imagination et des sens).

“Tôi tư tưởng, thế nào tôi tồn tại” (je pense, donc je suis), ý của Descartes, mà ai vô tư cũng không khỏi nghĩ là: vì tôi có tồn tại, cho nên tôi mới tư tưởng, tôi không tồn tại thì làm sao tôi tư tưởng được. Cũng như nói: “Anh khỏe mạnh, thế thì anh hãy giữ vệ sinh”, nghĩa là: nhờ anh sẵn có vệ sinh nên kết quả rõ ràng là anh khỏe mạnh!. Đ1o là một lẽ phải “hiển nhiên” “đương nhiên”. Trả lời cho Mersenne, Descartes đã đặt ngang hàng câu: “Tôi tư tưởng, thế là tôi tồn tại” với câu “Tôi hô hấp, thế là tôi tồn tại” với câu “Tôi hô hấp, thế là tôi tồn tại”, nói khác hơn, đã tư tưởng, đã hô hấp thì tự nhiên phải có sống trước đã. Nhưng, những nhà tư tưởng duy tâm xuyên tạc đi, hiểu câu của Descartes một cách khác, họ hiểu chỉ có tồn tại của tư tưởng mà thôi, không có thứ tồn tại nào khác, hay là: tư tưởng là nền tảng của tồn tại, tư tưởng là “tiêu chuẩn” của tồn tại.

Chính Descartes đã trả lời cho Hobbes như sau đây: “Nếu không có một vật nó tư tưởng thì làm gì có tư tưởng được” (Il est certain que la pensée ne peut pas être sans une chose qui pense).

Descartes lại nói: nội cái “tôi tư tưởng” đã là bằng cớ rằng tôi là vật ngoài tư tưởng, tựa như một vật phân biệt với cái kiểu của nó (Je ne nie point que moi pense soit distingé de la pensée comme la chose l᾿est de son mode).

Theo Descartes “tư tưởng” gồm luôn cả ham muốn, tưởng tượng và cảm giác nữa. Nếu thế, ngay trong văn chương của Descartes đâu có tư tưởng nào là tư tưởng thuần túy, siêu việt, siêu nhiên nữa.

Nhưng tại sao Descartes lại phân biệt hồn với xác, và nói rằng con người gồn hồn và xác nhập lại? (Hồn là tư tưởng, xác là tồn tại).

Quả Descartes có phân biệt như thế, cốt yếu là để không còn phân biệt tư tưởng với linh hồn nữa, mà tư tưởng hay linh hồn cũng là một thôi, là để không còn xem thân xác là một cái đền linh thiêng cho linh hồn thiêng liêng tạm ngữ nữa; có như vậy, có tách hai hồn và xác ra mới có y học, mới mổ xẻ, xem thân xác con người là một vật như vật khác, mất hẳn tính cách thần bí của nó đi.

Thực ra, hồn xác tuy khác nhưng khác hơn là người hoa tiêu khác chiếc tàu (theo lời Descartes); hoa tiêu ở trên tàu, nhưng không có tàu cũng có hoa tiêu, không có hoa tiêu cũng có tàu, còn hồn ở trong xác nhưng mật thiết liên kết với xác, xác mất vị tất linh hồn còn, vị tất tư tưởng còn, Descartes suy luận như sau để chứng minh hồn xác tuy khác mà như một: “Nếu hồn khác hẳn xác thì, khi xác bị thương hồn chỉ nhận thấy cái bị thương, đằng này hồn cũng nhận thấy cảm giác sự đau đớn nữa, thì hồn xác mật thiết quan hệ với nhau”. Descartes xem linh hồn như là một thứ vật chất (On peut librement attribuer cette matière et cette extension à l᾿âme, car cela n᾿est autre chose que de la concevoir unie au corps).

Khi Hoàng hậu Elizabeth đọc qua văn chương siêu h́ình của Descartes, rồi gởi thơ cho Descartes nói rằng bây giờ bà hy sinh phần xác để nâng cao phần hồn, thì Descartes trả lời rằng: không nên bỏ cái chắc chắn để nắm lấy cái mơ hổ (cái mơ hồ ấy là phần hồn).

o0o

Tóm lại, những nghịch lý trong tư tưởng triết học của Descartes chỉ là tạm thời, đó là nghịch lý của thời đại. Chính Descartes giải quyết những nghịch lý ấy. Và hơn nữa, lịch sử đã giải quyết nó.

Sau Descartes, ở Đức có Hegel.

Hegel là một nhà biện chứng duy tâm, ông có hai phe học trò tả và hữu. Phe tả thì chỉ căn cứ vào tinh túy biện chứng pháp cách mạng của ông mà vứt bỏ duy tâm luận: phe hữu thì bám vào duy tâm luận lạc hậu mà vứt bỏ biện chứng pháp cách mạng.

Descartes cũng có hai thứ học trò. Một thứ bám vào siêu hình học, bỏ duy vật luận và một thứ căn cứ vào duy vật luận, bỏ siêu hình học.

Song học trò của Hegel muốn dùng Hegel phải cố lật ngược Hegel lại, nghĩa là đặt biện chứng pháp lên trên một nền tảng duy vật. Còn, học trò của Descartes khỏi cần phải lật ngược Descartes, chỉ cất đi cái mặt nạ siêu hình mà ông tự nhận thấy là phải mang để tiến tới trong lúc cả một hoàn cảnh xã hội còn quá lạc hậu cho đến đỗi cần trá hình mới dễ ăn nói, dễ dạy dỗ, ít đụng chạm với thành kiến hữu bại, nhằm đánh đổ thành kiến hữu bại ấy.

Học trò chánh tông của Descartes là những nhà triết học bách khoa của thế kỷ 18 mà Engels gọi là “thế kỷ rất Pháp”.

 


Nguồn: Trần Văn Giàu. Duy vật luận nước Pháp, Nxb. Bộ Giáo dục, Việt Bắc, 1949. Phiên bản điện tử của TS. Lê Sơn.


[1] Descartes, Principes

[2] Descartes, Principes

[3] Descartes, Lettre à Mersenne,1638.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt