Thuật ngữ chuyên biệt

Thuật ngữ triết học Kant: Năng động (các phạm trù, các nguyên tắc và các ý niệm năng động)

 

Năng động (các phạm trù, các nguyên tắc và các ý niệm năng động)

 [Đức: dynamische Kategorien, Grundsätze und Ideen; Anh: dynamical categories, principles, and ideas]

Xem thêm: Suy lý, Tiên đề, Phạm trù, Ý niệm, Nguyên tắc, Ý niệm điều hành, Cao cả

HOWARD  CAYGILL

 

Trong “Biện chứng pháp siêu nghiệm” của cuốn PPLTTT, Kant nói đến một “sự khác biệt cơ bản giữa những đối tượng, tức là giữa những khái niệm của giác tính, - những khái niệm đã được lý tính cố tình nâng lên thành các Ý niệm” (PPLTTT A529/ B557). Đây là sự phân biệt giữa các phạm trù và các nguyên tắc toán học với các phạm trù và các nguyên tắc năng động. Bảng các phạm trù gồm 12 phạm trù được xếp dưới bốn đề mục: Lượng, Chất, Tương quan, Tình thái. Hai nhóm đầu được xác định như các phạm trù có tính toán học, hai nhóm sau được xem như các phạm trù có tính năng động. Các phạm trù toán học về lượng và chất “hướng đến các đối tượng của trực quan (thuần túy lẫn thường nghiệm)”, trong khi các phạm trù năng động về tương quan và tình thái “hướng đến sự tồn tại của các đối tượng này (hoặc trong quan hệ với nhau hoặc với giác tính)” (PPLTTT B 110). Để áp dụng các phạm trù vào kinh nghiệm khả hữu, cần phải biến chúng thành những nguyên tắc, và các nguyên tắc này cũng được bàn đến trong “Phân tích pháp các nguyên tắc”, và được phân chia thành những nguyên tắc có tính toán học và các nguyên tắc năng động.

Các nguyên tắc toán học gồm các tiên đề của trực quan và các dự đoán của tri giác, và có tính cấu tạo cho trực quan. Vì kinh nghiệm là không thể có được nếu không có trực quan, nguyên tắc hình thành “các điều kiện tuyệt đối cần thiết của mọi kinh nghiệm khả hữu” và sự sử dụng của chúng “là có tính tất yếu vô điều kiện, nghĩa là “tất nhiên” (apodiktisch)” (PPLTTT A 160/ B 199). Các nguyên tắc năng động của những loại suy của kinh nghiệm và những định đề của tư duy thường nghiệm xác định “sự tồn tại của đối tượng của một trực quan thường nghiệm khả hữu” và không tất nhiên. Tuy nhiên, chúng có tính cấu tạo cho kinh nghiệm thường nghiệm, và vì thế “có tính cách của một sự tất yếu tiên nghiệm” nhưng sự tất yếu này chỉ có thể được chứng minh sau sự kiện của kinh nghiệm, và vì thế “không chứa đựng sự hiển nhiên trực tiếp vốn là đặc điểm của các nguyên tắc thuộc loại trước (mặc dù khi áp dụng vào kinh nghiệm tính xác tín của chúng vẫn không bị tổn hại gì)” (PPLTTT A 160/ B 200). Các nguyên tắc toán học trình bày các điều kiện cần thiết cho một đối tượng xuất hiện ra trong không gian và thời gian, trong khi các nguyên tắc năng động trình bày các điều kiện cần thiết cho một đối tượng xuất hiện ra cho ta, nhất là trong những mối quan hệ của nó với các hiện tượng khác (phương diện tương quan) và xuất hiện ra cho giác tính của ta (phương diện tình thái). Tuy nhiên, cả hai nhóm các nguyên tắc này đều có tính cấu tạo cho kinh nghiệm, nguyên tắc toán học có tính cấu tạo trực tiếp cho trực quan, nguyên tắc năng động “làm cho các khái niệm có thể có được một cách tiên nghiệm và nếu không có chúng, kinh nghiệm cũng không thể có được” (PPLTTT A 664/ B 692).

Với bàn luận về các ý niệm toán học và các ý niệm năng động, sự khác biệt càng cốt yếu hơn. Nếu cả bốn nghịch lý đều được xử lý như thể chúng có tính toán học, như thể điều kiện là đồng tính với cái có-điều kiện, hay “những điều kiện được nối kết với cái có-điều kiện như là những mắt xích của chuỗi” (PPLTTT A 528/ B 556), thế thì các nghịch lý ắt sẽ tỏ ra không thể giải quyết được. Bởi lẽ, trong trường hợp của “sự nối kết những chuỗi hiện tượng một cách toán học, không thể chấp nhận cái gì khác hơn là điều kiện cảm tính, tức là một điều kiện mà bản thân cũng phải là một bộ phận của chuỗi”, nhưng nếu sự nối kết những chuỗi này được suy tưởng về mặt năng động, dựa theo một “sự tổng hợp của cái dị tính” thì “một điều kiện dị tính [không cùng loại], tức bản thân không phải là một bộ phận của chuỗi, mà như là đơn thuần khả niệm [chỉ có thể suy tưởng được] nằm bên ngoài chuỗi, có thể thỏa mãn được lý tính” (PPLTTT A 530/ B 558). Với quan niệm này về chuỗi, ta có thể thỏa mãn cả giác tính lẫn lý tính đối với các nghịch lý trước hết là về sự tự do và tính nhân quả, sau đó là về tính bất tất và một hữu thể tất yếu. Trong trường hợp này, lý tính không thể được sử dụng một cách cấu tạo, mà chỉ được sử dụng một cách điều hành thông qua các châm ngôn cho sự thống nhất có hệ thống của sự sử dụng của giác tính.

Sự phân biệt giữa tính toán học và tính năng động còn có tầm ý nghĩa trong “Phân tích pháp về cái Cao cả” trong PPNLPĐ, ở đó sự khác biệt của “cái toán học” và “cái năng động” thay chỗ cho “bảng các phạm trù” được sử dụng trong “Phân tích pháp về cái Đẹp”. Trong trường hợp đầu, đối tượng cao cả được xem xét “trên phương diện toán học” dựa vào độ lớn, như cái gì “lớn một cách tuyệt đối” hoặc “lớn vượt lên hẳn mọi sự so sánh” (PPNLPĐ § 25). Trong trường hợp sau, cái cao cả năng động được biểu lộ bằng “sự tác động đến trí tưởng tượng” của nó hay sự sợ hãi và khiếp sợ nảy sinh nơi người xem bởi cảnh tượng cao cả.

CHÂU VĂN NINH dịch

 

Các chữ viết tắt tên tác phẩm của Kant:

PPLTTT A

1781

Phê phán lý tính thuần túy; xuất bản lần thứ nhất

PPLTTT B

1787

Phê phán lý tính thuần túy; xuất bản lần thứ hai

PPNLPĐ

1790a

Phê phán năng lực phán đoán

 

Nguồn: Từ điển triết học Kant (sắp xuất bản)

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt