Đạo đức học

Luân lý – Cái nhìn luân lý về thế giới

LUÂN LÝ

CÁI NHÌN LUÂN LÝ VỀ THẾ GIỚI

 

G. W. F. HEGEL (1770-1831)

 


Georg Wilhelm Friedrich Hegel. “Tinh thần tự xác tín về chính mình. Luân lý – Cái nhìn luân lý về thế giới”, trong Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006, tr. 1191-1215. | Phiên bản đăng trên triethoc.edu.vn đã có sự đồng ý của dịch giả.


 

§ 596

Thế giới đạo đức đã cho thấy: định mệnh của nó và sự thật của nó là Tinh thần đã đơn thuần chết đi trong lòng nó: tức cái Tự ngã cá biệt[1]. Nhưng, “nhân cách của pháp quyền” này [pháp nhân] chỉ có được bản thể và nội dung ở bên ngoài chính mình[2]. Tiến trình vận động của thế giới đào luyện văn hóa và của Lòng tin vượt bỏ sự trừu tượng này của pháp nhân; và, thông qua sự tha hóa toàn bộ cũng như nhờ đạt tới đỉnh điểm của sự trừu tượng, cái Tự ngã của Tinh thần tìm thấy bản thể thoạt đầu trở thành ý chí phổ biến và sau cùng trở thành sở hữu của riêng mình[3]. Vậy, ở đây, dường như rút cục, cái biết đã trở thành hoàn toàn ngang bằng [tương ứng] với sự thật của nó, bởi sự thật [chân lý] của nó chính là bản thân cái biết này và mọi sự đối lập giữa hai bên [cái biết/sự thật] đã tiêu biến đi. | Sự tiêu biến này không phải chỉ là “cho ta” hay “tự-mình”, mà còn cho bản thân Tự-ý thức. Nói khác đi, Tự-ý thức đã trở thành kẻ làm chủ đối với sự đối lập bên trong bản thân ý thức. Ý thức này vốn dựa trên sự đối lập giữa sự xác tín về chính mình và đối tượng. | Nhưng, bây giờ, đối với ý thức, bản thân đối tượng là sự xác tín về chính mình: tức là cái biết; cũng như sự xác tín về chính mình, xét như bản thân nó, không còn có những mục đích của riêng nó nữa, do đó, không còn ở trong một tính quy định [không còn bị điều kiện hóa theo những mục đích nhất định], mà là cái biết thuần túy[4].

§ 597

Như vậy, bây giờ, đối với Tự-ý thức, cái biết của nó là bản thân Bản thể. Với nó, bản thể này vừa là trực tiếp, vừa đồng thời là được trung giới một cách tuyệt đối trong một thể thống nhất không thể tách rời[5]. Là trực tiếp, bởi – giống như ý thức đạo đức – nó biết về nghĩa vụ  và bản thân nó thực hiện nghĩa vụ, gắn bó với nghĩa vụ như là với bản tính tự nhiên của mình; song, nó không phải là “tính cách” giống như ý thức đạo đức trước đây vốn mang tính trực tiếp nên chỉ là một Tinh thần bị quy định nhất định, chỉ thuộc về một trong nhiều tính bản chất đạo đức [thuộc về gia đình hoặc cộng đồng do giới tính tự nhiên là nam hay nữ quy định] và do đó, còn có phương diện không được nhận thức minh nhiên [thuộc về Luật trời thì không biết về Luật người và ngược lại. Xem: §446 và tiếp]. Đồng thời, ý thức về bản thể này là sự trung giới tuyệt đối giống như ý thức tự phát triển thông qua đào luyện văn hóa và giống như ý thức của Lòng tin trước đây, bởi nó thiết yếu là tiến trình vận động của Tự ngã luôn vượt bỏ sự trừu tượng của hiện hữu trực tiếp để tự trở thành cái phổ biến; song, cũng không phải trở thành cái phổ biến nhờ thông qua sự tha hóa thuần túy và sự giằng xé đổ vỡ của bản thân Tự ngã và của hiện thực [như sự đào luyện văn hóa], cũng không phải sự trốn chạy trước hiện thực [như Lòng tin]. Trái lại, đúng hơn, ý thức này hiện diện một cách trực tiếp cho chính nó trong bản thể của nó, bởi bản thể này là cái biết của nó, là sự xác tín thuần túy về chính mình nay đã được trực nhận [một cách trong suốt]. | Và chính tính trực tiếp này – tính trực tiếp tạo nên hiện thực của chính nó – là tất cả hiện thực, vì cái trực tiếp là bản thân sự tồn tại; và, với tư cách là tính trực tiếp thuần túy đã được tinh lọc bởi trải qua tính phủ định tuyệt đối, bản thể này là tồn tại thuần túy, là tồn tại nói chung, hay, là tất cả tồn tại (alles Sein).

§ 598

Do đó, Bản chất-tuyệt đối không [thể] được tát cạn trong sự quy định là bản chất đơn giản của tư tưởng, trái lại, là tất cả hiện thực; và hiện thực này chỉ tồn tại như là cái biết. | Điều gì không được ý thức nhận biết, ắt là cái không có ý nghĩa và không thể có sức mạnh nào đối với ý thức. | Mọi tính đối tượng khách quan, toàn bộ thế giới đều được quy hồi vào trong cái ý chí tự-giác đang tự nhận biết của ý thức. Ý thức là tự do một cách tuyệt đối trong việc nó nhận biết về tự do của mình; và chính cái biết này về tự do của nó là bản thể, mục đích và nội dung duy nhất của nó.

 

a

CÁI NHÌN LUÂN LÝ VỀ THẾ GIỚI[6]

§ 599

[I. Định đề về sự hài hòa giữa Nghĩa vụ và Hiện thực:]

Tự-ý thức biết [và chấp nhận] nghĩa vụ (Pflicht) như là cái Bản chất tuyệt-đối. | Nó chỉ bị ràng buộc bởi nghĩa vụ thôi; và bản thể này chính là [đời sống] ý thức thuần túy của riêng nó; cho nên, đối với nó, nghĩa vụ không thể mang hình thức của một cái gì xa lạ [ở bên ngoài]. Thế nhưng, nếu tự bó hẹp bên trong chính mình, Tự-ý thức luân lý sẽ chưa được thiết định và xem xét như là ý thức [bởi ý thức luôn được thiết định trong sự đối lập giữa chủ thể và đối tượng. N.D]. Đối tượng [bây giờ] là cái biết trực tiếp, song trong sự thâm nhập thuần túy với Tự ngã như thế, đối tượng ấy không phải là đối tượng [đúng nghĩa]. Bởi Tự-ý thức thiết yếu là sự trung giới và tính phủ định, nên ngay chính Khái niệm của nó đã bao hàm mối quan hệ với một cái tồn tại-khác, và chỉ như thế mới đúng là ý thức. Cái tồn tại-khác này, một mặt, – bởi nghĩa vụ tạo nên mục đích duy nhất và đối tượng bản chất [của ý thức] – là một hiện thực hoàn toàn vô nghĩa đối với ý thức. Nhưng cũng vì ý thức này hoàn toàn tự bó hẹp bên trong chính mình, nên nó giữ một thái độ hoàn toàn thoát ly và dửng dưng đối với cái tồn tại-khác này; và do đó, mặt khác, sự hiện hữu của cái khác ấy là một hiện hữu cũng hoàn toàn thoát ly khỏi Tự-ý thức, và tương tự như vậy, chỉ đơn thuần tự quan hệ với chính nó thôi. | Tự-ý thức càng trở thành tự do [thoát ly] bao nhiêu thì đối tượng phủ định của ý thức của nó cũng càng tự do bấy nhiêu. Như thế, đối tượng này là một thế giới tự hoàn chỉnh bên trong chính nó, trở thành một tính cá biệt của riêng nó, là một cái toàn bộ tự tồn của những quy luật đặc thù cũng như một tiến trình độc lập và một sự hiện thực hóa tự do của những quy luật này, – tức một TỰ NHIÊN nói chung (eine Natur überhaupt) mà những quy luật và việc làm của nó chỉ thuộc về nó như thuộc về một bản chất không hề bận tâm đến Tự-ý thức luân lý, cũng như Tự-ý thức luân lý không hề bận tâm đến nó[7].

§ 600

Xuất phát từ sự quy định này sẽ hình thành nên một “cái nhìn luân lý về thế giới”, thể hiện tựu trung trong mối quan hệ giữa [phương diện] tồn tại tự-mình-và-cho-mình [tính tuyệt đối] của luân lý với [phương diện] tồn tại tự-mình-và-cho-mình [tính tuyệt đối] của tự nhiên. Mối quan hệ này, một mặt, đặt cơ sở trên sự dửng dưng hoàn toàn và tính độc lập tự chủ của tự nhiên đối với những mục đích và hành động luân lý; và mặt khác, dựa trên ý thức về tính bản chất duy nhất của nghĩa vụ và về tính không độc lập-tự chủ và không bản chất của tự nhiên. [Do đó], cái nhìn luân lý về thế giới [sẽ] bao hàm sự phát triển của những yếu tố ở trong mối quan hệ giữa những tiền-giả định hoàn toàn trái ngược nhau này[8].

§ 601

Vậy, thoạt đầu, ý thức luân lý nói chung được tiền-giả định. | Ý thức này lấy nghĩa vụ làm cái bản chất; xem chính mình là hiện thực và chủ động cũng như hoàn thành nghĩa vụ trong hiện thực và hoạt động của mình. Nhưng, ý thức luân lý này, đồng thời, cũng tìm thấy trước mắt mình sự tự do được tiền-giả định của tự nhiên; hay nói cách khác, nó nếm trải kinh nghiệm rằng: tự nhiên không hề bận tâm đến việc mang lại cho ý thức luân lý một ý nghĩa về sự thống nhất giữa hiện thực của ý thức với hiện thực của tự nhiên; nghĩa là, nhận ra rằng: tự nhiên có thể để cho ý thức luân lý đạt được hạnh phúc mà cũng có thể không. Trong khi đó, ngược lại, ý thức không-luân lý (unmoralisch) – có lẽ một cách ngẫu nhiên, bất tất – lại tìm được sự hiện thực hóa của mình ngay ở nơi nào ý thức luân lý chỉ thấy có cơ hội (Veranlassung) để hành động nhưng qua hành động, lại không thấy chính mình được hưởng phần hạnh phúc nào của việc thực hiện và của việc thụ hưởng thành quả của hành động. Vì thế, đúng hơn, ý thức luân lý có lý do để than thở về tình trạng không tương xứng như thế giữa chính nó và sự hiện hữu cũng như trách móc về sự bất công đã hạn chế nó ở chỗ: nó chỉ có thể có được đối tượng đơn thuần trong hình thức của nghĩa vụ thuần túy, nhưng lại bị từ chối không cho nó nhìn thấy đối tượng này lẫn bản thân nó được hiện thực hóa trong thực tế.

§ 602

Ý thức luân lý không thể từ khước hạnh phúc và không thể loại bỏ yếu tố này ra khỏi mục đích tuyệt đối của nó. Mục đích được nêu ra như là nghĩa vụ thuần túy thiết yếu bao hàm việc duy trì Tự-ý thức cá biệt [và những yêu sách của nó]. | Sự tin chắc (Überzeugung) của cá nhân và cái biết về sự tin chắc này chính là những gì tạo nên một yếu tố tuyệt đối (ein absolutes Moment) của luân lý. Yếu tố này hiện diện nơi mục đích đã được đối tượng hóa, nơi nghĩa vụ đã được hoàn thành chính là ý thức cá nhân trực nhận chính mình như là đã được hiện thực hóa hay nói khác đi, yếu tố này là sự thụ hưởng [hạnh phúc]; một sự thụ hưởng hàm chứa ngay trong Khái niệm về luân lý – tất nhiên không phải trong Khái niệm về luân lý theo nghĩa “tình cảm” (Gesinnung) [một trạng thái tinh thần] mà là trong Khái niệm về việc hiện thực hóa luân lý. Nhưng qua đó, sự thụ hưởng cũng vẫn được bao hàm trong luân lý như là “tình cảm”, vì điều mà luân lý nhắm đến không phải là ở yên trong tình cảm như cái gì đối lập lại với hành động mà là [tình cảm] để hành động, hay, để tự hiện thực hóa chính mình[9]. Như thế, mục đích – được nêu lên như là một cái toàn bộ cùng với ý thức về những yếu tố của nó – chính là ở chỗ: nghĩa vụ được hoàn thành [có cả hai ý nghĩa] vừa là một hành vi luân lý thuần túy, vừa là một tính cá nhân được hiện thực hóa; và cũng là ở chỗ: tự nhiên, xét như phương diện của tính cá biệt đối lập lại với mục đích trừu tượng, cũng sẽ trở thành một với mục đích này.

Kinh nghiệm về sự không hài hòa giữa hai phương diện này là tất yếu, bởi tự nhiên thì tự do [thoát ly, không bị ràng buộc] cũng như chỉ có nghĩa vụ mới là cái bản chất cốt yếu, còn tự nhiên – đối lập với nghĩa vụ – là cái không có Tự ngã. [Nhưng], mục đích nói trên đây, trong tính toàn bộ của nó, – là mục đích do sự hài hòa của cả hai tạo nên – lại chứa đựng bản thân hiện thực bên trong nó. Mục đích ấy đồng thời là tư tưởng về hiện thực. Sự hài hòa giữa luân lý và tự nhiên, – hay vì lẽ tự nhiên chỉ được xem xét trong chừng mực ý thức trải nghiệm sự thống nhất giữa tự nhiên với chính ý thức – [nên nói cách khác], sự hài hòa giữa luân lý và hạnh phúc được suy tưởng như là cái gì tất yếu tồn tại, nghĩa là, sự hài hòa ấy được định đề hóa[10]. Bởi vì, “định đề hóa” hay “đòi hỏi” diễn tả ý nghĩa là: điều gì đấy được suy tưởng như là tồn tại nhưng chưa tồn tại hiện thực; tức một sự tất yếu không phải của Khái niệm xét như Khái niệm mà là sự tất yếu của tồn tại. Nhưng, sự tất yếu – về bản chất – đồng thời cũng là mối quan hệ dựa trên Khái niệm. Do đó, sự tồn tại được đòi hỏi [được định đề hóa] không phải là sự tồn tại được tưởng tượng của ý thức ngẫu nhiên, bất tất nào đó, mà được bao hàm ngay trong Khái niệm của bản thân luân lý, mà nội dung đích thực của nó là sự thống nhất giữa ý thức thuần túy [luân lý] và ý thức cá biệt. | Đối với ý thức cá nhân, vấn đề là phải chăng sự thống nhất này là một hiện thực đối với nó: hiện thực này có nghĩa là hạnh phúc xét về phương diện nội dung của mục đích, còn tồn tại nói chung là xét về hình thức của mục đích ấy. Vì vậy, sự tồn tại được đòi hỏi [định đề hóa] như thế – tức sự thống nhất của cả hai phương diện – không phải là một ước muốn, cũng không được xem là một mục đích mà việc đạt được vẫn còn không chắc chắn, trái lại, đúng hơn, đó là một đòi hỏi của Lý tính, hay là sự xác tín trực tiếp và là tiền-giả định của Lý tính[11].

§ 603

Kinh nghiệm đầu tiên trên đây và định đề vừa nêu không phải là kinh nghiệm và định đề duy nhất, trái lại, sẽ còn mở ra một vòng tròn toàn bộ gồm nhiều định đề. Nói rõ hơn, tự nhiên [hiểu như là giới tự nhiên bên ngoài con người. N.D] không phải đơn thuần là phương cách tồn tại hoàn toàn tự do, ngoại tại này, trong đó ý thức phải thực hiện mục đích của mình như thể thực hiện một đối tượng thuần túy. [Trái lại], bản thân ý thức – xét về mặt tự-mình – cũng thiết yếu là một ý thức, trong đó cái hiện thực-khác có tính tự do, thoát ly này tồn tại cho chính ý thức, nghĩa là, bản thân ý thức cũng là một tồn tại bất tất và tự nhiên. Cái tự nhiên này – [bây giờ] chính là bản tính tự nhiên của chính ý thức – được gọi là cảm năng (Sinnlichkeit). | Cảm năng – mang hình thái của [quan năng] ý chí như là những động lực (Triebe) và xu hướng (Neigungen) – có tính bản chất nhất định của riêng mình, hay, có những mục đích cá biệt, và do đó, [được xem] là đối lập lại với ý chí thuần túy cùng với những mục đích thuần túy của nó. Nhưng, đúng ra, ngược lại với sự đối lập ấy, đối với ý thức thuần túy, chính mối quan hệ giữa cảm năng với nó, chính sự thống nhất tuyệt đối của cảm năng với nó mới thực sự là cái bản chất. Cả hai: tư tưởng thuần túy lẫn cảm năng đều, về mặt tự-mình, – là Một ý thức duy nhất. | Và tư tưởng [hay tư duy] thuần túy chính là tư duy mà vì nó và trong nó, sự thống nhất thuần túy này tồn tại. | Nhưng với tư cách là ý thức, cái tồn tại [minh nhiên] cho nó chính là sự đối lập giữa chính nó với những động lực [cảm tính]. Trong sự xung đột này giữa Lý tính và cảm năng, điều cơ bản [cốt yếu] đối với Lý tính là sự xung đột này phải được giải quyết và sự thống nhất của cả hai phải được hình thành như là kết quả. | Sự thống nhất này không phải là sự thống nhất sơ khai, [nguyên thủy] (unsprünglich) [nghĩa là “trực tiếp”] của cả hai trong Một cá nhân, mà là một sự thống nhất ra đời từ sự đối lập đã được nhận thức của cả hai. Chỉ một sự thống nhất như thế mới trở thành luân lý hiện thực (wirkliche Moralität), bởi trong đó nó đã chứa đựng sự đối lập; và nhờ thông qua sự đối lập này, Tự ngã là ý thức, hay nói khác đi, Tự ngã mới là Tự ngã hiện thực trong thực tế và đồng thời là Tự ngã phổ biến. Nói cách khác, trong sự thống nhất ấy diễn tả tiến trình trung giới mà, như ta đã thấy, vốn là cốt yếu đối với luân lý[12].

Vì lẽ, trong hai yếu tố của sự đối lập này, cảm năng tuyệt nhiên là cái tồn tại-khác hay là cái phủ định; còn ngược lại, tư tưởng thuần túy về nghĩa vụ là cái bản chất, và không thể từ bỏ bất cứ phương diện nào của cái bản chất này, nên sự thống nhất được tạo ra nói trên dường như chỉ có thể tự hiện thực hoá là nhờ thông qua việc thủ tiêu cảm năng. Nhưng, vì bản thân cảm năng cũng là một yếu tố của tiến trình hình thành sự thống nhất, – tức yếu tố của hiện thực –, nên thoạt đầu, ta đành tạm vừa lòng với cách diễn đạt về sự thống nhất này trong hình thức sau đây: cảm năng phải phù hợp với luân lý.

Cũng thế, sự thống nhất này là một tồn tại được định đề hóa, [nghĩa là] nó không phải đang hiện hữu hiện thực ở đầy, bởi, cái đang hiện hữu ở đây [chỉ] là ý thức, hay, sự đối lập giữa cảm năng và ý thức thuần túy. Song, đồng thời, sự thống nhất ấy không phải là một cái tự-mình [hay mặc nhiên] – giống như định đề đầu tiên –, trong đó tự nhiên tự do đứng riêng thành một phía, do đó, sự hài hòa của nó với ý thức luân lý rơi ra bên ngoài ý thức luân lý. | Trái lại, ở đây, tự nhiên là một yếu tố của bản thân ý thức; và vấn đề ở đây là bàn về luân lý xét như là luân lý, tức bàn về sự hài hòa vốn là cái riêng có của Tự ngã hành động. | Cho nên, ý thức phải tự mình hình thành nên sự thống nhất hài hòa này và luôn luôn “phải có sự tiến bộ không ngừng trong luân lý”.Thế nhưng, sự hoàn tất trọn vẹn tiến trình này lại bị đẩy lùi xa đến tương lai vô tận, bởi nếu sự hoàn tất thực sự xảy ra, ắt ý thức luân lý cũng tự thủ tiêu chính mình[13].

Bởi luân lý chỉ là ý thức luân lý với tư cách là bản chất phủ định, còn cảm năng chỉ đơn thuần có một ý nghĩa phủ định đối với nghĩa vụ thuần túy của bản chất này, theo nghĩa nó là cái gì chỉ đơn thuần “không tương ứng” với nghĩa vụ. Nhưng, khi đạt đến sự hài hòa, luân lý, với tư cách là ý thức, hay là hiện thực của nó, sẽ tiêu biến đi, cũng giống như sự hài hòa của nó tiêu biến trong ý thức luân lý hay trong hiện thực của luân lý. Vì thế, sự hoàn tất trọn vẹn là không thể đạt được một cách hiện thực, trái lại, chỉ được suy tưởng như một nhiệm vụ tuyệt đối, tức là, như một nhiệm vụ vẫn mãi mãi là nhiệm vụ [phải hoàn thành]. Tuy nhiên, đồng thời, phải suy tưởng nội dung của nhiệm vụ này như một nội dung tuyệt đối phải tồn tại, chứ không được phép mãi mãi là nhiệm vụ [không bao giờ hoàn thành trọn vẹn], nghĩa là: ta phải hình dung rằng ý thức luân lý hoàn toàn bị thủ tiêu khi đạt được mục đích này, hoặc không. | Trong hai trường hợp này, khả năng nào thực sự xảy ra là điều ta không còn có thể phân định dứt khoát được nữa trong khoảng xa xôi mù mịt do việc hoàn tất trọn vẹn mục đích này đã bị đẩy lùi đến vô tận. Nên đúng ra, phải nói rằng không nên quan tâm và không nên đi tìm một hình dung nhất định về điều ấy, bởi nó sẽ dẫn đến những mâu thuẫn: đó là mâu thuẫn của một nhiệm vụ mãi mãi là nhiệm vụ nhưng lại phải được thực hiện; của một luân lý không được phép trở thành ý thức [luân lý], tức là không còn được trở thành hiện thực nữa. Song, chính thông qua nhận định rằng luân lý được hoàn tất trọn vẹn ắt chứa đựng mâu thuẫn, nên tính thiêng liêng của bản chất luân lý không khỏi bị tổn thương và nghĩa vụ tuyệt đối tỏ ra là cái gì không-hiện thực.

§ 604

Định đề thứ nhất đã là sự hài hòa giữa luân lý và tự nhiên khách quan: đó là cứu cánh tối hậu của thế giới[14]; định đề thứ hai là sự hài hòa giữa luân lý và ý chí cảm tính: đó là cứu cánh tối hậu của Tự-ý thức xét như Tự-ý thức. | Vậy, định đề trước là sự hài hoà trong hình thức của tồn tại-tự-mình, cái sau trong hình thức của tồn tại-cho-mình. Nhưng, cái hạn từ trung giới nối kết cả hai cứu cánh tối hậu được định đề hóa một cách đối cực với nhau này chính là tiến trình vận động của bản thân hành động hiện thực. Chúng vốn là những sự hài hòa, trong đó các phương diện (Momente) của chúng đã chưa phát triển thành những đối tượng khách quan [cho ý thức] do vẫn còn được phân biệt với nhau một cách trừu tượng; điều này [chỉ] diễn ra ở trong hiện thực, là nơi các phương diện ấy xuất hiện ra bên trong ý thức đích thực: mỗi cái xuất hiện như là cái khác của cái khác[15]. Những định đề được ra đời bằng cách này bây giờ sẽ chứa đựng những sự hài hòa vừa tồn tại tự-mình lẫn cho-mình, khác với trước đây, chúng chỉ được định đề hoá một cách tách rời: cái này là sự hài hòa tự-mình; cái kia là sự hài hòa cho-mình.

§ 605

[II. “Đấng thiêng liêng ban bố quy luật” và Tự-ý thức luân lý không-hoàn hảo:][16]

Trong tiến trình hành động, ý thức luân lý, với tư cách là cái biết đơn giản và ý chí đơn giản về nghĩa vụ thuần túy, được đặt vào mối quan hệ với đối tượng đứng đối lập lại với tính đơn giản [trừu tượng] này của nó, tức vào mối quan hệ với tính hiện thực của nhiều trường hợp đa tạp khác nhau, và qua đó, ý thức ấy cũng mang đặc tính của một quan hệ luân lý đa tạp. Như thế, ở đây, về mặt nội dung, nảy sinh nhiều quy luật nói chung; và, về mặt hình thức, nảy sinh những thế lực mâu thuẫn nhau của ý thức có nhận thức và của cái không có ý thức.

Trước tiên, xét về tính đa tạp của những nghĩa vụ, trong số những nghĩa vụ ấy, ý thức luân lý nói chung chỉ thừa nhận nghĩa vụ thuần túy là có giá trị: nhiều nghĩa vụ khác nhau, bởi là nhiều, nên đều là những nghĩa vụ nhất định và, với tư cách ấy, không có gì là thiêng liêng đối với ý thức luân lý cả. Nhưng, đồng thời, do Khái niệm về “hành động” bao giờ cũng bao hàm một hiện thực đa tạp và một quan hệ luân lý đa tạp [nhiều loại thái độ luân lý khác nhau], nên những nghĩa vụ đa tạp này cũng phải được xem là “tự-mình và cho-mình” [có giá trị và tồn tại tất yếu]. Hơn nữa, bởi chúng đều chỉ có thể tồn tại trong một ý thức luân lý, nên chúng đồng thời tồn tại trong một ý thức khác hơn là trong [loại] ý thức chỉ xem nghĩa vụ thuần túy là cái duy nhất thuần túy tự-mình và cho-mình và thiêng liêng[17].

§ 606

Như thế là phải nêu thêm một định đề rằng: có một ý thức khác làm cho chúng trở thành thiêng liêng, hay nói cách khác, nhận biết chúng và cũng có ý chí thực hiện chúng như là những nghĩa vụ[18]. Ý thức [luân lý] trước giữ cho nghĩa vụ thuần túy dửng dưng [độc lập] trước mọi nội dung nhất định; và nghĩa vụ chỉ [có nghĩa] là sự dửng dưng này đối với nội dung. Còn ý thức sau chứa đựng mối quan hệ cũng không kém phần bản chất đối với hành động, và do đó, chứa đựng sự tất yếu của nội dung nhất định, bởi, với ý thức “khác” này, những nghĩa vụ có giá trị như là những nghĩa vụ nhất định, nên nội dung xét như nội dung cũng có tính bản chất cốt yếu (wesentlich) như hình thức, nhờ đó nội dung mới [thực sự] là nghĩa vụ. Do đó, ý thức này là một [loại] ý thức, trong đó cái phổ biến và cái đặc thù hoàn toàn là một[19]; và vì thế, Khái niệm [nguyên tắc bản chất] của nó cũng đồng nhất với Khái niệm về sự hài hòa giữa luân lý và hạnh phúc. Bởi vì, sự đối lập này giữa luân lý và hạnh phúc cũng đồng thời diễn tả sự tách rời của ý thức luân lý-tự-đồng-nhất với hiện thực, tức với sự tồn tại đa tạp vốn đối lập và xung đột với bản chất đơn giản [trừu tượng] của nghĩa vụ. Tuy nhiên, trong khi định đề thứ nhất chỉ diễn tả sự hài hòa trong môi trường của sự tồn tại đơn thuần giữa luân lý và tự nhiên, bởi trong sự hài hòa ấy, tự nhiên là phương diện phủ định của Tự-ý thức, là cái mô-men (Moment) của “sự tồn tại”, thì ngược lại, bây giờ, sự [hài hòa] tự-mình này được thiết định một cách cơ bản như là [một loại] ý thức. Lý do là vì: cái đơn thuần tồn tại bây giờ xuất hiện ra như là nội dung của nghĩa vụ, nói cách khác, là tính quy định [nhất định] ở trong nghĩa vụ nhất định. Như thế, sự hài hòa tự-mình [mặc nhiên] là sự thống nhất của những yếu tố bản chất đơn giản do tư tưởng tạo ra, và vì thế, không thể tồn tại ở đâu khác hơn là ở trong một ý thức. Ý thức này bây giờ trở thành chủ nhân và nhà cai trị của thế giới, là kẻ tạo ra sự hài hòa giữa luân lý và hạnh phúc, đồng thời thiêng liêng hóa những nghĩa vụ với tư cách là nhiều nghĩa vụ đa tạp khác nhau. Việc “thiêng liêng hóa” nhiều nghĩa vụ này có nghĩa là: ý thức về nghĩa vụ thuần túy không thể trực tiếp chấp nhận nghĩa vụ nhất định nào đó là thiêng liêng được, nhưng bởi vì nghĩa vụ nhất định, nhờ vào hành động hiện thực vốn là một hành động nhất định, nên cũng là tất yếu, nên sự tất yếu này của nó rơi ra bên ngoài ý thức trước [ý thức về nghĩa vụ thuần túy] để ở vào trong một ý thức khác, tức [loại] ý thức [có thể] trung giới [hay nối kết] nghĩa vụ nhất định với nghĩa vụ thuần túy, và do đó, là cơ sở hay lý do tại sao nghĩa vụ nhất định cũng được khẳng định giá trị[20].

§ 607

Nhưng, trong hành vi hiện thực, ý thức hành xử với tư cách là cái Tự ngã [cá biệt] này, hoàn toàn như là ý thức riêng lẻ: nó hướng hoạt động của nó vào hiện thực xét như hiện thực và lấy hiện thực ấy làm mục đích của mình[21], bởi nó muốn hoàn thành một điều nhất định nào đó. [Song] như vậy, “nghĩa vụ nói chung” (Pflicht überhaupt) sẽ rơi ra khỏi nó và chuyển vào trong một Bản chất [hay Hữu thể] khác; Hữu thể khác này [Thượng đế] là ý thức và là Đấng ban bố quy luật thiêng liêng về nghĩa vụ thuần túy[22]. Ý thức hành động, chính vì nó hành động, nên thừa nhận giá trị của ý thức kia, tức của ý thức về nghĩa vụ thuần túy một cách trực tiếp; do đó, nghĩa vụ thuần túy là nội dung của ý thức kia và chỉ có giá trị thiêng liêng đối với ý thức hành động một cách gián tiếp [qua trung giới], tức ở trong ý thức khác này[23].

§ 608

Bởi, bằng cách thiết định như thế, giá trị hiệu lực của nghĩa vụ – như là cái gì thiêng liêng tự-mình và cho-mình [hoàn toàn và tuyệt đối] – rơi ra bên ngoài ý thức hiện thực, nên ý thức hiện thực nói chung đứng hẳn về một phía như là ý thức luân lý không-hoàn hảo. Về mặt cái biết của nó, ý thức hiện thực nhận chân rằng mình là một loại ý thức có cái biết và sự tin chắc không hoàn hảo và bất tất; cũng thế, về mặt ý chí, nó cảm thấy mình là loại ý thức có những mục đích luôn bị cảm năng tác động. Chính vì sự “không xứng đáng” này của mình, ý thức hành động không thể xem hạnh phúc là cái gì tất yếu, mà chỉ là cái ngẫu nhiên, bất tất, và chỉ có thể mong đợi hạnh phúc như quà tặng của sự “ân sủng” (Grade)

§ 609

Tuy nhiên, mặc dù hiện thực của nó [ý thức hành động] là không hoàn hảo, thì nghĩa vụ – đối với ý chí thuần túy và cái biết của nó – vẫn có giá trị như là cái bản chất. | Do đó, ở trong Khái niệm [về nguyên tắc], trong chừng mực Khái niệm đối lập lại với hiện thực, hay nói cách khác, ở trong tư tưởng, ý thức [hành động] là hoàn hảo. Tuy nhiên, Bản chất tuyệt đối [Thượng đế] chính là cái tồn tại được suy tưởng này [chỉ là đối tượng của tư tưởng] và là một tồn tại được định đề hóa ở phía bên kia hiện thực. | Do đó, Hữu thể này là tư tưởng, trong đó cái biết và ý chí không hoàn hảo về luân lý được xem là hoàn hảo; và Bản chất-tuyệt đối, – vì xem sự không hoàn hảo này có đầy đủ sức nặng – nên ban phát hạnh phúc tùy theo sự “xứng đáng” được hưởng hạnh phúc, nghĩa là, tùy theo “công đức” được gán cho ý thức luân lý không hoàn hảo[24].

§ 610

[III. Thế giới luân lý như là sự hình dung bằng biểu tượng:]

“Cái nhìn luân lý về thế giới” hoàn tất ở điểm trên đây. | Vì, trong Khái niệm về Tự-ý thức luân lý, cả hai phương diện – nghĩa vụ thuần túy và hiện thực – đều được thiết định trong Một nhất thể duy nhất, nên phương diện này cũng như phương diện kia đều không phải là cái gì tồn tại tự-mình và cho-mình, mà chỉ như một phương diện (Moment), hay, một cái gì [phải] được vượt bỏ[25]. Điều này trở thành minh nhiên cho ý thức trong giai đoạn sau cùng của cái nhìn luân lý về thế giới. | Có nghĩa là, ý thức đặt nghĩa vụ thuần túy vào trong một Hữu thể khác [một hình thức tồn tại khác] hơn là trong chính bản thân ý thức, nghĩa là, nó thiết định nghĩa vụ thuần túy, một phần, như là cái gì được hình dung [trong tư tưởng], phần khác, như cái gì không có giá trị tự-mình và cho-mình [không tự mình tồn tại được], trái lại, cái [ý thức] không-luân lý [Hữu thể-tuyệt đối] lại được xem như là hoàn hảo. Cũng bằng cách ấy, nó tự thiết định mình như là loại ý thức có hiện thực không tương xứng với nghĩa vụ, nên hiện thực ấy bị vượt bỏ, và, với tư cách là bị vượt bỏ hay là được đưa vào trong biểu tượng (Vorstellung) về Bản chất-tuyệt đối [được đặt vào dưới cách nhìn của Thượng đế], nó không còn mâu thuẫn với luân lý nữa.

§ 611

Tuy nhiên, đối với bản thân ý thức luân lý, cái nhìn luân lý của nó về thế giới không có nghĩa là trong cái nhìn này ý thức phát triển Khái niệm của chính nó và biến Khái niệm này thành đối tượng cho nó. | Nó không có ý thức về sự đối lập này, cả về mặt hình thức lẫn mặt nội dung của sự đối lập; nó không liên hệ và không so sánh được những phương diện của sự đối lập này với nhau mà chỉ cứ lao tới trong tiến trình phát triển của mình và không phải là Khái niệm [hay nguyên tắc] tập hợp được các phương diện (Momente) này lại. Bởi nó chỉ nhận biết cái bản chất thuần túy [đơn giản], hay nhận biết đối tượng trong chừng mực đối tượng này là nghĩa vụ, trong chừng mực nghĩa vụ là một đối tượng trừu tượng của ý thức thuần túy của mình; nói cách khác, nó chỉ nhận thức về đối tượng này như là cái biết thuần túy hay là như chính bản thân nó. Vì vậy, nó chỉ hành xử như là tư tưởng [suy tưởng bằng những cái đối lập trừu tượng] chứ không phải như là Khái niệm (begreifend) [nhận thức bằng những hạn từ của Khái niệm][26]. Kết quả là, nó chưa nhìn thấy đối tượng của ý thức hiện thực của nó một cách trong suốt cho chính nó; nó không phải là Khái niệm tuyệt đối, tức cái duy nhất [có thể] nắm bắt cái tồn tại-khác xét như cái tồn tại-khác, hay nghĩa là, nắm bắt cái đối lập tuyệt đối với nó như là chính bản thân nó. Tuy rằng đối với nó, hiện thực của chính nó cũng như toàn bộ hiện thực khách quan đều được xem là cái gì không bản chất, nhưng tự do của nó là tự do của tư tưởng thuần túy, nên, đối lập lại với tự do này, tự nhiên cũng đồng thời nảy sinh ra như cái gì cũng có tính tự do giống như vậy[27]. Vì cả hai đều tồn tại cùng một kiểu như nhau bên trong nó – cả tự do thuộc về tồn tại [bên ngoài] lẫn sự thu gồm của tồn tại này bên trong ý thức –, nên đối tượng của nó trở thành một đối tượng đang tồn tại, nhưng đồng thời chỉ tồn tại trong tư tưởng mà thôi. | Trong giai đoạn sau cùng của cái nhìn luân lý về thế giới, nội dung được thiết định một cách bản chất theo kiểu: sự tồn tại của nó là một tồn tại được hình dung bằng biểu tượng; và sự nối kết này của tồn tại và tư duy được phát biểu ra đúng như nó trong thực tế, đó là: sự hình dung bằng biểu tượng [tưởng tượng] (das Vorstellen).

§ 612

Nếu ta xem xét cái nhìn luân lý về thế giới theo kiểu phương cách [hay điều kiện] khách quan này không gì khác hơn là chính bản thân Khái niệm về Tự-ý thức luân lý, – tức Khái niệm mà Tự-ý thức luân lý làm cho trở thành khách quan –, thì, chính việc [ta] có ý thức trên đây về hình thức ra đời của cái nhìn ấy sẽ cho thấy một hình thái trình bày khác về cái nhìn luân lý này[28].

Điểm xuất phát đầu tiên là Tự-ý thức luân lý hiện thực, hay, là giả định: có sự tồn tại của một Tự-ý thức như thế. Vì lẽ Khái niệm đặt Tự-ý thức luân lý trong hình thức quy định là: đối với Tự-ý thức, mọi hiện thực nói chung chỉ có [sự tồn tại] bản chất trong chừng mực hiện thực ấy tương ứng với nghĩa vụ; và, Khái niệm thiết định [yếu tố] bản chất này như là cái biết, nghĩa là, đặt nó trong sự thống nhất trực tiếp với Tự ngã hiện thực. | Như thế, bản thân sự thống nhất này, đến lượt nó, là hiện thực, là một ý thức luân lý hiện thực. Ý thức hiện thực này, bây giờ, với tư cách là ý thức, tự hình dung nội dung của mình như là đối tượng, tức, như cứu cánh tối hậu của thế giới, như là sự hài hòa giữa luân lý với tất cả hiện thực. Tuy nhiên, vì nó hình dung sự thống nhất này như là đối tượng chứ chưa phải như là Khái niệm có được quyền làm chủ trên đối tượng xét như đối tượng, nên nắm lấy sự thống nhất này như là một cái phủ định của Tự-ý thức, nghĩa là, sự thống nhất rơi ra khỏi Tự-ý thức, như một cái gì ở Bên kia hiện thực của nó, nhưng đồng thời cái Bên kia này cũng được suy tưởng như là tồn tại, mặc dù chỉ là tồn tại trong tư tưởng thôi[29].

§ 613

Như thế, Tự-ý thức này, – với tư cách là Tự-ý thức, là cái gì khác với đối tượng – thấy mình không còn lại gì ngoài sự không-hài hòa giữa ý thức về nghĩa vụ và hiện thực, kể cả hiện thực của chính mình. Do đó, mệnh đề được phát biểu ra bây giờ là: “không có Tự-ý thức hiện thực nào hoàn hảo về mặt luân lý cả”; và, bởi lẽ chỉ có thể là luân lý trong chừng mực phải hoàn hảo – vì nghĩa vụ là cái “tự-mình” thuần túy, không bị pha trộn, và luân lý chỉ là ở chỗ tương ứng với tính “thuần túy” này –, nên mệnh đề thứ hai có ý nghĩa là: “không có hiện thực nào có tính luân lý cả”.

§ 614

Tuy nhiên, còn điểm thứ ba, đó là: bởi Tự-ý thức là Một Tự ngã, nên về mặt tự-mình [mặc nhiên], nó là sự thống nhất giữa nghĩa vụ và hiện thực. | Như thế, sự thống nhất này trở thành đối tượng cho nó như là luân lý được hoàn tất trọn vẹn, nhưng lại như cái gì ở phía bên kia hiện thực của nó, và dù vậy, cái “Bên kia” này vẫn phải (soll) là hiện thực[30].

§ 615

Trong mục tiêu tối hậu này của việc thống nhất tổng hợp cả hai mệnh đề đầu tiên, hiện thực tự-giác [Tự-ý thức hiện thực] cũng như nghĩa vụ được thiết định chỉ như là một phương diện bị vượt bỏ. | Bởi không có cái nào trong cả hai là bị cô lập trong tính cá biệt của nó cả, trái lại, những yếu tố này, – tính quy định bản chất của chúng là tự do [tách rời] đối với nhau – trong sự thống nhất ấy, mỗi cái đều không còn tách rời với cái khác; nghĩa là cái nào cũng bị vượt bỏ cả. | Do đó, xét về nội dung, chúng trở thành đối tượng; mỗi cái là có giá trị cho cái kia; và, xét về hình thức, chúng trở thành đối tượng cũng theo kiểu: sự trao đổi qua lại này, đồng thời, chỉ đơn thuần được hình dung bằng biểu tượng [chỉ diễn ra trong tư tưởng]. Hay nói cách khác, cái không-luân lý hiện thực, vì nó đồng thời cũng là tư tưởng thuần túy và được nâng lên trên tồn tại hiện thực của nó, thì vẫn là luân lý ở trong biểu tượng, và được nắm lấy như là hoàn toàn có giá trị. Bằng cách ấy, mệnh đề thứ nhất: “có một Tự-ý thức luân lý” được tái lập lại, nhưng gắn liền chặt chẽ với mệnh đề thứ hai: “không có một Tự-ý thức luân lý nào cả”; nghĩa là, có một [Tự-ý thức] nhưng chỉ đơn thuần ở trong biểu tượng. | Nói khác đi, quả là không có [Tự-ý thức luân lý] nhưng lại được một ý thức khác cho phép có giá trị như là có.

 



[1] Như ta đã thấy (cuối §451), trong thế giới đạo đức (thành quốc cổ Hy Lạp), Tự ngã cá biệt không còn là hiện thực nữa; nó chỉ là “bóng mờ bất lực” (linh hồn của người quá cố) hiện diện duy nhất ở trong Gia đình. Nhưng, cái “bóng mờ” này trở thành “nhân cách pháp quyền” (§477), và đó là sự thật cũng như định mệnh (hay số phận) của thế giới (đạo đức) trực tiếp này.

[2] “außer ihr”: Baillie và Miller đều hiểu là: “ở bên ngoài thế giới đạo đức”. (Baillie: “outside the ethical order”; Miller: “outside of that world”). Chúng tôi chọn cách hiểu của J. Hyppolite: “en dehors d’elle-même [de cette personne du droit]. Cách hiểu tuy khác nhau nhưng không ảnh hưởng đến nội dung.

[3] Tóm lược toàn bộ sự phát triển của Tinh thần cho tới nay.

[4] Tự-ý thức không còn bị khép mình trong tính quy định nữa khi nó biết sự tự do thuần túy (sự tuân thủ quy luật luân lý) của mình là bản chất của chính mình.

[5] Trong thế giới đầu tiên – Tinh thần đạo đức (cổ Hy Lạp) – Tinh thần là trực tiếp; trong thế giới thứ hai – Tinh thần tự tha hóa (thế giới đào luyện văn hóa) – Tinh thần bị tách rời (bị tha hóa) với chính mình và chỉ tự hiện thực hóa thông qua sự trung giới (của việc tự xuất nhượng chính mình). Bây giờ, hai yếu tố (hay hai thời đoạn) (Momente) này đều có mặt trong Tinh thần xác tín về chính mình (luân lý). Một mặt, nó là trực tiếp, vì Tự-ý thức luân lý biết một cách trực tiếp về nghĩa vụ luân lý như là bản chất của chính mình và tính trực tiếp thuần túy này có giá trị như là tất cả hiện thực, hay như Hegel nói, như là “tất cả tồn tại” (“alles Sein) (cuối §597). Mặt khác, nó là trung giới, vì nó chỉ trở thành phổ biến là khi đối lập lại với cái hiện hữu trừu tượng, tức với cái bản tính tự nhiên cảm tính không có tính bản chất của con người. Như sẽ thấy, sự trung giới này là thiết yếu đối với luân lý.

[6] “moralische Weltanschauung”.

[7] Đặt vấn đề: Tự-ý thức luân lý lấy nghĩa vụ (Pflicht) làm mục đích duy nhất và đối tượng bản chất. Nhưng, với tư cách là ý thức, nó cũng có mối quan hệ với cái tồn tại-khác, tức với Tự nhiên (vừa theo nghĩa là giới Tự nhiên bên ngoài, vừa là bản tính tự nhiên cảm tính (ham muốn, xu hướng, đam mê...) bên trong). Chính tính chất nhị nguyên này (nghĩa vụ/tự nhiên) làm nảy sinh “cái nhìn luân lý về thế giới”, như đã thấy ở Kant (các định đề của lý tính thực hành) và chừng mực nào đó ở Fichte. Ý thức luân lý là sự phát triển của mâu thuẫn nhị nguyên này, cô đọng trong mệnh đề: “Tự-ý thức càng trở nên tự do bao nhiêu thì đối tượng phủ định của ý thức của nó cũng càng tự do bấy nhiêu”.

[8]  “Tự nhiên” và “Luân lý” đều “tự-mình” và “cho-mình”, tức đều tuyệt đối độc lập và trái ngược với nhau. Hegel phê phán “cái nhìn luân lý về thế giới” theo kiểu ấy của Kant, nhất là phê phán các “định đề của lý tính thực hành”. Sự phê phán này đã bắt đầu từ những bài viết thời trẻ (xem: Nohl, tr. 382), rồi trong “Tin và Biết”/“Glauben und Wissen” (chương về Kant, bản Lasson, I, tr. 235) và sau cùng là trong “Các bài giảng về Lịch sử triết học” (chương về Kant). Ở các trang tiếp theo đây, Hegel phân tích các “định đề” của triết học luân lý của Kant (không hoàn toàn đúng như cách Kant trình bày!) và lý giải triết học này như là “một cái nhìn luân lý về thế giới” (eine moralische Weltanschauung).

[9] Nhận xét quan trọng: luân lý ở yên trong “tình cảm” hay “ý đồ” mà không hành động thì cũng không còn là tình cảm hay ý đồ luân lý.

[10] Tương ứng với định đề của Kant về sự hài hòa giữa luân lý và hạnh phúc (thông qua sự trung giới của sự hiện hữu của Thượng đế). (Xem: I. Kant: “Phê phán lý tính thuần túy”, B838 và tiếp; “Phê phán lý tính thực hành”, 198 và tiếp; “Phê phán năng lực phán đoán”, 418 và tiếp). (Xem thêm: Fichte: “Phê phán mọi sự Khải thị”/“Kritik aller Offenbarung”, 39, 45, 74).

[11] Với Kant, định đề luân lý là một sự tất yếu có tính chất khá đặc biệt: nó không chỉ là một ước muốn mơ hồ vì nó nhắm đến sự tồn tại của sự hài hòa giữa luân lý và hạnh phúc. Nhưng, sự “tồn tại” này cũng chỉ là một sự tất yếu của tư duy thôi, vì Kant ngăn cấm việc biến Khái niệm, tư tưởng thành “tồn tại” hiện thực (xem: Kant: Phê phán lý tính thuần túy: phần phê phán luận cứ bản thể học). Vì thế, nó chỉ là định đề của Lý tính thực hành.

[12] Sự thống nhất phải thực hiện cần là một sự hòa giải giữa bản tính tự nhiên (cảm năng) và luân lý chứ không phải là một sự thống nhất sơ khai, để cho Tự ngã vừa có hiện thực, vừa đồng thời tự nâng mình lên tính phổ biến. Ở phần dẫn nhập của tiết này (§597), Hegel đã cho thấy: luân lý, cũng giống như văn hóa, là một tiến trình trung giới, tức sự phát triển thông qua cái biết về một sự đối lập, đó là về sự đối lập giữa cảm năng và ý chí thuần túy, bởi ý chí chỉ là “thuần túy” khi “quy chiếu” với cảm năng.

[13] Ở đây Hegel muốn nhắc đến định đề của Kant về “tính thiêng liêng” (Heiligkeit) (của sự bất tử của linh hồn) nói lên “tính tương ứng hoàn toàn” của ý chí với quy luật luân lý, và “tính thiêng liêng” này chỉ có thể đạt được trong một tiến trình đi đến vô tận. (Xem: I. Kant: Phê phán lý tính thực hành, 220; Fichte, Sđd, 39, 117, 166). Định đề thứ nhất trước đây là “tự-mình” vì nó thống nhất tự nhiên nói chung và luân lý; còn định đề này (thống nhất giữa bản tính tự nhiên của cảm năng và luân lý) là “cho-mình”. Tuy nhiên ở đây, Hegel phê phán cái “vô tận tồi” (“tiến bộ đến vô tận”), vì mục đích tối hậu và nghịch lý của luân lý này sẽ là sự kết thúc của luân lý. Trong “cái nhìn luân lý về thế giới” này, cái tạo nên bản chất của luân lý là “nỗ lực vì bản thân nỗ lực” chứ không phải là sự thực hiện luân lý hiện thực, bởi nếu được thực hiện thực sự thì luân lý sẽ không còn tồn tại. (Về: “vô tận tồi”/“vô tận đích thực”, xem: Hegel: Khoa học Lôgíc/ Wissenschaft der Logik, bản Lasson, III, tr. 119 và chú thích 290).

[14] Hegel muốn nhắc đến học thuyết của Kant về Sự Thiện-tối cao như là cứu cánh-tối hậu, và cứu cánh này cũng có thể được suy tưởng như cứu cánh-tối hậu của thế giới. (Xem: Kant: Phê phán năng lực phán đoán, tr. 424 và tiếp: “Vậy, ý niệm về một cứu cánh tối hậu trong việc sử dụng Tự do theo những quy luật luân lý là có tính thực tại-thực hành-chủ quan (...). Để đi đến tính thực tại-lý thuyết-khách quan của Khái niệm về cứu cánh tối hậu của những sinh vật có lý tính đòi hỏi rằng không chỉ chúng ta có một cứu cánh tối hậu được đề ra một cách tiên nghiệm mà cả bản thân sự Sáng tạo, tức Thế giới cũng có một mục đích tối hậu xét về mặt tồn tại của nó; và khi điều này có thể được chứng minh một cách tiên nghiệm thì ắt sẽ bổ sung tính thực tại khách quan vào cho tính thực tại chủ quan của cứu cánh tối hậu”).

[15] “... jede als die Andere den Andern auftritt”: J. Hyppolite: “chacum comme l’autre de l’autre”; Baillie và Miller: “each as the other of the other”.

[16] Định đề thứ ba của Kant liên quan đến cái tồn tại tự-mình và cho-mình, tức “Đấng thiêng liêng ban bố quy luật luân lý” như một đòi hỏi tất yếu của lý tính thực hành, không những đảm bảo cho sự hài hòa giữa tự nhiên và luân lý mà còn cho sự hài hòa giữa nhiều nghĩa vụ nhất định với nghĩa vụ thuần túy, giữa nội dung và hình thức. Trong “Các bài giảng về Lịch sử triết học” (Tác phẩm, 1844, tr. 538), Hegel cho rằng: trong hành động hiện thực, mâu thuẫn này sẽ thể hiện ra và “cái thiêng liêng” xuất hiện khi thì như nội dung ở bên trong Thượng đế, khi thì như hình thức thuần túy mà con người, do không thể đạt đến nỗi, đặt ra bên ngoài chính mình.

[17] Nghĩa vụ nhất định, với tư cách là “nhất định”, là “bị quy định” (bestimmt/determiné/specific), là ở bên ngoài ý thức luân lý (thuần túy) của tôi và ở bên trong một ý thức luân lý khác (Thượng đế, “Đấng thiêng liêng ban bố quy luật”).

[18] Hegel nhắc đến học thuyết của Kant về sự tồn tại của Thượng đế như là định đề của lý tính thuần túy thực hành. (Xem: Kant: Phê phán lý tính thực hành, 223-237; Fichte: Sđd, 41, 60).

[19] Ý niệm về “intellectus archetypus” (“trí tuệ nguyên mẫu”) của Kant trong “Phê phán năng lực phán đoán”.

[20] Theo Kant, đối với tôi, chỉ có nghĩa vụ thuần túy là đáng kể, tức ý chí tuân phục vì sự tôn trọng quy luật luân lý, nhưng sở dĩ những nghĩa vụ nhất định cũng là thiêng liêng đối với tôi là chỉ nhờ thông qua trung gian của một ý thức khác (Thượng đế) đã “thiêng liêng hóa” những nghĩa vụ ấy, bởi trong ý thức khác này, nội dung (nhất định) và hình thức (thuần túy) không bị tách rời với nhau.

[21] Mục đích của hành động là hiện thực (hay sự hiện thực hóa) của mục đích ấy.

[22] Hegel muốn nhắc đến câu sau đây của Kant: “Thượng đế là đấng Thiêng liêng duy nhất, Ân phúc duy nhất, Sáng suốt duy nhất vì các Khái niệm này vốn mang theo mình tính không bị giới hạn. Theo trình tự này thì Thượng đế cũng là người ban bố quy luật thiêng liêng nhất (và đấng Sáng tạo), là nhà cai trị tốt lành và người phán xử công bình” (Kant: Phê phán lý tính thực hành, tr. 236, Chú thích). (Xem thêm: Fichte (Sđd, tr. 145, 201)).

[23] Trở lên, Hegel phê phán giả định (hay định đề) về “nghĩa vụ thuần túy” ở trong ta, bây giờ Hegel phê phán giả định ngược lại: nghĩa vụ thuần túy là ở trong Thượng đế.

[24] Hegel nhắc đến quan niệm của Kant rằng luân lý là học thuyết làm thế nào để cho ta trở thành xứng đáng được hưởng hạnh phúc. (Xem: I. Kant: “Phê phán lý tính thuần túy”, B836 và tiếp; “Phê phán lý tính thực hành”, 234). Ngoài ra, cũng nhắc đến sự phân biệt của Kant giữa “công đức” do việc làm mang lại và “công đức” được ban cho ta nhờ ân sủng. (Xem: I. Kant: “Tôn giáo bên trong các ranh giới của lý tính đơn thuần”, Königsberg, 1793, tr. 94). Ta đã xuất phát từ giả định rằng: có một Tự-ý thức luân lý. Nhưng, sau khi phân tích, ta đi đến kết luận rằng Tự-ý thức ấy chỉ có trong tư tưởng. Chỉ trong mối quan hệ với một “đấng thiêng liêng ban bố quy luật” mà ý chí thuần túy mới có thể được đặt ra, và, do đó, hạnh phúc mới có thể được ban cho ý thức cá biệt tùy theo “công đức” của nó. Như thế, thế giới luân lý không gì khác hơn là một “sự hình dung bằng biểu tượng” (Vorstellung) mà thôi.

[25] Ta đã thấy khi thì phương diện này khi thì phương diện kia được gán cho ý thức (luân lý) của con người; bây giờ, sau cùng, ta sẽ thấy sự thống nhất của chúng tự thực hiện như thế nào ở trong sự hình dung bằng biểu tượng.

[26] Ý thức luân lý trừu tượng này có chỗ tương tự như “Lòng tin” trước đây, tức chỉ như là “tư tưởng thuần túy” chứ không phải như là “Khái niệm”. (Xem: §527 và tiếp). “Tư tưởng” thì đứng yên trong sự đối lập; còn sự vận động của “Khái niệm” thì nắm bắt chính mình và cái đối lập của mình. Đó là điểm then chốt của triết học Hegel.

[27] “Sự tự do thuần túy” chỉ ở yên trong “tư tưởng” và để cho nội dung cũng “tự do” ở bên ngoài mình chính là đặc điểm của thuyết khắc kỷ (xem: §200 và tiếp). Nhưng, khác với thuyết khắc kỷ, ở đây đòi hỏi phải có hành động (luân lý). Chính đòi hỏi này của hành động làm bộc lộ rõ những sự mâu thuẫn.

[28] Trước đây, ta xuất phát từ giả định: “có sự hiện hữu hiện thực của một Tự-ý thức luân lý”. Ngược lại, hình thức trình bày khác là giả định rằng: sự hiện hữu ấy không hiện thực mà chỉ có ở trong sự hình dung bằng biểu tượng thôi. Ta đi đến giả định thứ hai này là do ý thức đặt lý tưởng của nó – tức sự thống nhất giữa hiện thực và luân lý – ở bên ngoài chính mình và chỉ thấy nơi mình sự không nhất trí giữa hai phương diện này. Đó là một hình thức mới của Ý thức bất hạnh.

[29] “Ta không thể đặt lý tưởng ra bên ngoài ta, bởi nó sẽ trở thành một đối tượng [xa lạ], cũng không thể chỉ đặt nó ở bên trong ta, vì nó sẽ không còn là lý tưởng nữa”. (Hegel, tác phẩm thời trẻ, Nohl, tr. 377) (dẫn theo J.H).

[30] Sự thống nhất của hai giả định đã được thiết lập, nhưng lại ở trong sự vận động của cái “Phải là” (Sollen), tức trong sự hình dung bằng biểu tượng. Theo Hegel, sự thống nhất đã đạt được trong triết học Kant chỉ là một sự thống nhất được hình dung bằng biểu tượng (tưởng tượng) chứ không phải là sự thống nhất được hiện thực hóa.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt