Triết học nghệ thuật

Phê phán năng lực phán đoán [Lời dẫn nhập]

 

PHÊ PHÁN NĂNG LỰC PHÁN ĐOÁN (MỸ HỌC VÀ MỤC ĐÍCH LUẬN)

Mục lục 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20
                                         

 

LỜI DẪN NHẬP

 

IMMANUEL KANT (1724-1804)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch

 


Immanuel Kant. Phê phán năng lực phán đoán (Mỹ học và Mục đích luận). Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Hà  Nội: Nxb. Tri Thức, 2006, tr. 9-55. | Phiên bản  đăng trên triethoc.edu.vn đã được sự đồng ý của dịch giả Bùi Văn Nam Sơn.


 

I

VỀ VIỆC PHÂN CHIA [NỘI DUNG CỦA] TRIẾT HỌC

Trong chừng mực triết học được xem là chứa đựng các nguyên tắc cho nhận thức thuần lý về những sự vật thông qua các khái niệm (chứ không phải như môn lôgíc học chỉ đơn thuần chứa đựng các nguyên tắc cho mô thức của tư duy nói chung, không phân biệt đối tượng), người ta hoàn toàn có lý khi thường phân chia triết học ra thành triết học lý thuyết và triết học thực hành. Nhưng, trong trường hợp đó, các khái niệm – vốn làm nhiệm vụ chỉ ra [lĩnh vực] đối tượng cho các nguyên tắc của nhận thức thuần lý này – lại nhất thiết phải được phân biệt một cách tách bạch, bởi, nếu không được phân biệt, chúng không thể biện minh được lý do cho sự phân chia [nội dung của triết học]; một sự phân chia bao giờ cũng giả định tiên quyết (voraussetzt) có một sự đối lập [loại trừ lẫn nhau] giữa các nguyên tắc của nhận thức thuần lý thuộc về các phần khác nhau [lý thuyết hay thực hành] của một môn khoa học [triết học].

Song, hiện chỉ có hai loại khái niệm cho phép hình thành cùng một số lượng các nguyên tắc khác nhau cho khả thể của những đối tượng của chúng, đó là: các khái niệm về Tự nhiên và khái niệm về Tự do. Bởi các khái niệm thuộc loại trước làm cho một nhận thức lý thuyết dựa theo các nguyên tắc tiên nghiệm có thể có được, nên, đối với nhận thức ấy, khái niệm thuộc loại sau – do chính bản tính của mình quy định – không gì khác hơn là một nguyên tắc phủ định, tức một nguyên tắc của việc đối lập lại đơn thuần [như một nghịch đề]. | Trong khi đó, trái lại, đối với quy định của ý chí, nó lại thiết lập các nguyên tắc nền tảng mở rộng phạm vi hoạt động của ý chí, và vì thế, các nguyên tắc ấy được gọi là “thực hành”. | Do đó, triết học được phân chia một cách hợp lý thành hai phần hoàn toàn khác nhau về các nguyên tắc của chúng: phần lý thuyết với tư cách là triết học Tự nhiên (Naturphilosophie) và phần thực hành với tư cách là triết học luân lý (Moralphilosophie) (vì đây là cách gọi “sự ban bố quy luật thực hành” của lý tính dựa theo khái niệm về Tự do). Tuy nhiên, cho tới nay, vẫn còn ngự trị một sự sử dụng sai lầm đối với việc áp dụng các thuật ngữ này để phân chia các nguyên tắc khác nhau, và cùng với chúng, để phân chia nội dung của triết học*, trong đó người ta đã xem cái “thực hành” (das Praktische) dựa theo các khái niệm của Tự nhiên là đồng nhất với cái “thực hành” theo khái niệm về Tự do; và kết quả là tuy đã tiến hành một sự phân chia dựa theo các tên gọi là “triết học lý thuyết” và “triết học thực hành” nhưng thực ra là không phân chia được gì cả (bởi cả hai phần đều có thể có cùng các nguyên tắc như nhau).

Theo đó, ý chí là quan năng ham muốn, và, với tư cách ấy, là một trong nhiều nguyên nhân tự nhiên ở trong thế giới; tức là, một nguyên nhân tác động bằng các khái niệm; do đó, tất cả những gì được hình dung như là có thể có (hay tất yếu phải có) thông qua một ý chí thì đều được gọi là “có thể có về mặt thực hành” (praktisch-möglich) (hoặc “tất yếu phải có về mặt thực hành/praktisch-notwendig”) để phân biệt với tính có thể có hay với tính tất yếu có tính chất “vật lý” của một kết quả, mà nguyên nhân của nó không được quy định bằng khái niệm [của ý chí con người] trong quan hệ nhân quả mà bằng cơ chế [mù quáng] như đối với vật chất không có sự sống và bằng bản năng như nơi thú vật. Như vậy ở đây, câu hỏi liên quan đến quan năng “thực hành”: “Liệu khái niệm mang lại quy tắc (Regel) cho tính nhân quả của ý chí là một khái niệm của Tự nhiên hay một khái niệm của Tự do?” hoàn toàn bị bỏ ngỏ, không được xác định.

Thế nhưng, sự phân biệt này lại là cơ bản. Vì, để cho khái niệm quy định tính nhân quả là một khái niệm của Tự nhiên, thì các nguyên tắc là có tính “thực hành-kỹ thuật” (technisch-praktisch); còn nếu nó là một khái niệm của Tự do, các nguyên tắc này sẽ là “thực hành-luân lý” (moralisch-praktisch). | Và bởi lẽ điểm then chốt trong việc phân chia một khoa học thuần lý là hoàn toàn dựa trên sự dị biệt này của những đối tượng mà nhận thức về chúng đòi hỏi các nguyên tắc khác nhau, nên các nguyên tắc trước [“thực hành-kỹ thuật”] thuộc về triết học lý thuyết (với tư cách là học thuyết về Tự nhiên), còn các nguyên tắc sau [“thực hành-luân lý”] hoàn toàn chỉ thuộc về phần thứ hai, tức là triết học thực hành (với tư cách là học thuyết về luân lý).

Mọi quy tắc “thực hành-kỹ thuật” (tức những quy tắc của kỹ năng và tài khéo nói chung, kể cả sự khôn khéo như là tài nghệ gây ảnh hưởng trên người khác và trên ý chí của họ), trong chừng mực các nguyên tắc của chúng dựa trên các khái niệm, đều phải được xem như chỉ thuộc về triết học lý thuyết với tư cách là những “hệ luận” (Korollarien) của nó. Bởi chúng chỉ liên quan đến khả thể của những sự vật dựa theo các khái niệm của Tự nhiên và khả thể này bao hàm không chỉ những phương tiện có thể tìm thấy được trong Tự nhiên cho mục đích của mình mà cả bản thân ý chí (với tư cách là quan năng ham muốn, do đó, là quan năng tự nhiên), trong chừng mực ý chí có thể bị quy định bởi các động cơ tự nhiên, phù hợp với những quy tắc ấy. Song, những quy tắc thực hành này vẫn không được gọi là những quy luật (Gesetze) giống như những quy luật vật lý mà chỉ là những “điều lệnh kiểu châm ngôn” (Vorschriften). Sở dĩ như vậy là vì ý chí không đơn thuần phục tùng khái niệm của Tự nhiên mà còn phục tùng cả khái niệm về Tự do. | Chỉ trong mối quan hệ nối kết này, các nguyên tắc của ý chí mới được gọi là những quy luật; và chỉ duy các nguyên tắc này, cùng với những hệ luận của chúng, mới tạo nên phần thứ hai của triết học, tức phần triết học thực hành.

Thật vậy, nếu việc giải đáp các vấn đề [cụ thể] của môn hình học thuần túy không thuộc về một bộ phận đặc thù của môn học này, hay ngành trắc địa không xứng đáng để được mang danh hiệu của một môn “hình học thực hành” với tư cách là một phần thứ hai của môn hình học nói chung, thì kỹ thuật thí nghiệm hay quan sát có tính cơ giới hay hóa học càng không thể được xem là một bộ phận thực hành của khoa học tự nhiên. | Cũng thế, môn kinh tế học về hộ gia đình, về nông nghiệp và về kinh tế quốc dân, nghệ thuật về giao tiếp xã hội, điều lệnh của môn ẩm thực học, hay kể cả môn học chỉ dạy về phương cách để đạt được hạnh phúc, thậm chí để kiểm soát các xu hướng, chế ngự các tác động nhằm có được hạnh phúc đều không thể tính vào triết học thực hành, càng không thể tạo nên phần thứ hai của triết học nói chung. | Bởi vì, tất cả những môn học nói trên đều không chứa đựng điều gì khác hơn là các quy tắc của tài khéo, tức các quy tắc chỉ mang tính “thực hành-kỹ thuật”, nhằm tạo ra một kết quả khả hữu dựa theo các khái niệm của Tự nhiên về nguyên nhân-kết quả. | Các khái niệm này thuộc về triết học lý thuyết, chúng phục tùng các điều lệnh nói trên như phục tùng các “hệ luận” đơn thuần của triết học lý thuyết (tức các hệ luận của “khoa học về tự nhiên”) nên không thể đòi hỏi một vị trí nào trong phần triết học đặc thù được gọi là triết học thực hành.

Ngược lại, các điều lệnh mang tính “thực hành-luân lý” – hoàn toàn đặt cơ sở trên khái niệm về Tự do, loại trừ triệt để mọi nguyên nhân quy định của ý chí xuất phát từ Tự nhiên – mới tạo nên một loại các điều lệnh hoàn toàn đặc thù. | Các điều lệnh này – giống như các quy tắc mà Tự nhiên phải phục tùng – tuyệt đối xứng danh là các quy luật, nhưng lại khác với các quy luật tự nhiên vốn dựa vào các điều kiện cảm tính, chúng đều dựa trên một nguyên tắc siêu-cảm tính (übersinnlich), và, với tư cách ấy, mới có quyền đòi hỏi chỉ cho riêng mình một bộ phận khác, mang danh là “triết học thực hành” bên cạnh bộ phận lý thuyết của triết học.

Từ đó, ta thấy rõ rằng: tổng thể tất cả các điều lệnh thực hành mà triết học mang lại đều không tạo nên một bộ phận đặc thù đứng bên cạnh bộ phận lý thuyết chỉ vì chúng mang tính “thực hành”, bởi chúng vẫn có thể mang tính chất này khi các nguyên tắc của chúng hoàn toàn được bắt nguồn từ nhận thức lý thuyết về Tự nhiên (với tư cách là các quy tắc “thực hành-kỹ thuật”). | Trái lại, chỉ với lý do và chỉ khi nguyên tắc của chúng không hề được vay mượn từ khái niệm về Tự nhiên – vốn bao giờ cũng phục tùng điều kiện cảm tính –, mà chỉ dựa trên cái Siêu-cảm tính, – là cái chỉ có khái niệm về Tự do mới cho ta nhận ra được thông qua các quy luật hình thức –, bấy giờ chúng mới mang tính “thực hành-luân lý”, nghĩa là không đơn thuần là các điều lệnh và quy tắc nhắm vào mục đích này hay mục đích kia, mà là các quy luật độc lập với việc quy chiếu trước đó vào các mục đích và ý đồ.

 

II

VỀ “LĨNH VỰC” CỦA TRIẾT HỌC NÓI CHUNG

Những khái niệm tiên nghiệm được áp dụng đến đâu thì việc sử dụng quan năng nhận thức của ta dựa theo các nguyên tắc, và cùng với việc sử dụng ấy là triết học, vươn được đến đấy.

Việc phân chia tổng thể mọi đối tượng – được những khái niệm tiên nghiệm ấy quan hệ nhằm, nếu có thể, đạt được một nhận thức về chúng – có thể được tiến hành dựa theo sự khác nhau về năng lực hay bất lực của quan năng của ta đối với mục đích [nhận thức] ấy.

Những khái niệm, trong chừng mực quan hệ với những đối tượng mà không xét đến việc một nhận thức về chúng có thể có được hay không, đều có “vùng” (Feld) hoạt động của chúng; “vùng” này được xác định đơn thuần dựa theo mối quan hệ mà đối tượng của nó có được với quan năng nhận thức của ta nói chung. Bộ phận của “vùng” này, trong đó nhận thức có thể có được cho ta, là một “lãnh thổ” (ein Boden/latinh: territorium) dành cho những khái niệm ấy và cho quan năng nhận thức cần phải có cho việc này. Rồi bộ phận của “lãnh thổ” này, nơi đó những khái niệm tiên nghiệm dành quyền “ban bố quy luật” (gesetzge-bend) thì mới chính là “lĩnh vực” (Gebiet/latinh: ditio) của những khái niệm ấy và của quan năng nhận thức tương ứng của chúng. Do đó, những khái niệm thường nghiệm tuy có “lãnh thổ” của chúng ở trong giới Tự nhiên với tư cách là tổng thể của mọi đối tượng cảm tính, nhưng lại không có “lĩnh vực” [riêng] mà chỉ có “chỗ cư trú” (Aufenthalt/latinh: domicilium) trong đó mà thôi, bởi, dù chúng được hình thành theo quy luật, nhưng bản thân không có thẩm quyền “ban bố quy luật”, trái lại, những quy tắc đặt nền tảng trên chúng chỉ là thường nghiệm, do đó, là bất tất.

Như thế, toàn bộ quan năng nhận thức của ta có hai “lĩnh vực”, đó là lĩnh vực của những khái niệm về Tự nhiên và lĩnh vực của khái niệm về Tự do, bởi, thông qua cả hai, quan năng nhận thức ban bố [hay đề ra] các quy luật tiên nghiệm. Triết học cũng tương ứng theo đó mà chia ra thành triết học lý thuyết và triết học thực hành. Tuy nhiên [cần nhớ rằng], “lãnh thổ” trên đó triết học thiết lập “lĩnh vực” của mình và thực thi quyền ban bố quy luật bao giờ cũng chỉ là tổng thể (Inbegriff) những đối tượng của mọi kinh nghiệm khả hữu [có thể có], trong chừng mực những đối tượng ấy được hiểu không gì khác hơn chỉ là những hiện tượng đơn thuần (bloße Erscheinungen), bởi vì, nếu khác đi, việc ban bố quy luật của giác tính đối với chúng là không thể nào suy tưởng được.

Chức năng ban bố quy luật bằng những khái niệm về Tự nhiên là của giác tính và là lý thuyết. Còn chức năng ban bố quy luật bằng khái niệm về Tự do là do lý tính thực hiện và chỉ đơn thuần là thực hành. Chỉ riêng trong phạm vi thực hành, lý tính mới có tính năng ban bố quy luật, còn trong quan hệ với nhận thức lý thuyết (về Tự nhiên), lý tính chỉ làm nhiệm vụ rút ra những kết luận thông qua những suy luận từ những quy luật đã có sẵn (với tư cách là nhận thức được quy luật thông qua giác tính); những kết luận ấy bao giờ cũng chỉ dừng lại bên trong giới Tự nhiên. Song, ngược lại, không phải nơi nào các quy tắc mang tính thực hành thì lý tính lập tức được xem là có tính năng ban bố quy luật, bởi những quy tắc ấy vẫn có thể chỉ mang tính “thực hành-kỹ thuật” mà thôi.

Vậy, giác tính và lý tính có hai sự ban bố quy luật khác nhau trên cùng một “lãnh thổ” của kinh nghiệm, song sự ban bố này không được phép gây tổn hại cho sự ban bố kia. Nếu khái niệm về Tự nhiên không gây ảnh hưởng gì đến việc ban bố quy luật thông qua khái niệm về Tự do, thì khái niệm về Tự do cũng không hề quấy rối việc ban bố quy luật cho Tự nhiên. Quyển Phê phán lý tính thuần túy đã chứng minh rằng, chí ít ta vẫn có thể suy tưởng mà không gặp mâu thuẫn nào về khả thể của việc cùng tồn tại bên nhau của cả hai sự ban bố quy luật này cùng với các quan năng liên quan trong cùng một chủ thể, bằng cách xóa tan những sự phản đối thông qua việc phát hiện ảo tượng biện chứng của chúng.

Thế nhưng, tại sao hai “lĩnh vực” khác nhau này lại không tạo thành “một” lĩnh vực, trong khi chúng không hề hạn chế lẫn nhau trong việc ban bố quy luật nhưng lại không ngừng hạn chế nhau trong các tác động của chúng ở trong thế giới cảm tính? | Lý do là vì: khái niệm về Tự nhiên tuy có thể hình dung những đối tượng của nó ở trong trực quan nhưng không phải như là những vật-tự thân (Dinge an sich selbst)* mà chỉ như là những hiện tượng đơn thuần; còn ngược lại, khái niệm về Tự do tuy có thể hình dung một vật-tự thân nhưng không thể trực quan nó được, do đó, không khái niệm nào trong cả hai loại có thể mang lại một nhận thức lý thuyết về đối tượng của mình (và cả về chủ thể suy tưởng) như là những vật-tự thân cả. | Vật-tự thân chính là cái Siêu-cảm tính mà Ý niệm về nó tuy phải được dùng như cơ sở cho khả thể của mọi đối tượng này của kinh nghiệm, nhưng bản thân nó lại không bao giờ có thể được nâng lên hay được mở rộng thành một nhận thức.

Như vậy là có một “vùng” (Feld) vô giới hạn nhưng không thể vươn đến được cho toàn bộ quan năng nhận thức của ta, đó là “vùng” của cái Siêu-cảm tính, trong đó ta không tài nào tìm được một “lãnh thổ” (Boden) cho ta, do đó, cũng không thể nào có được một “lĩnh vực” (Gebiet) cho nhận thức lý thuyết, dù là cho những khái niệm của giác tính hay của lý tính. | Đó là một “vùng” mà ta phải chiếm lĩnh bằng các “Ý niệm” (Ideen) vì lợi ích của việc sử dụng lý thuyết lẫn thực hành của lý tính, nhưng, trong quan hệ với những quy luật nảy sinh từ khái niệm của Tự do, ta không thể tạo ra cho các Ý niệm ấy điều gì khác hơn ngoài tính thực tại thực hành (praktische Realität), song qua đó, nhận thức lý thuyết của ta cũng không hề được mở rộng thêm chút nào về cái Siêu-cảm tính.

Tuy rằng giữa “lĩnh vực” của khái niệm về Tự nhiên, tức của cái cảm tính và “lĩnh vực” của khái niệm về Tự do, tức của cái Siêu-cảm tính có một vực thẳm bao la khiến cho lĩnh vực này không thể bước sang lĩnh vực kia được (bằng cách sử dụng lý tính một cách lý thuyết) như thể chúng là các thế giới khác biệt nhau: thế giới trước không thể có ảnh hưởng nào đến thế giới sau, song thế giới sau lại phải có ảnh hưởng đến thế giới trước, theo nghĩa là: khái niệm về Tự do phải hiện thực hóa mục đích được đề ra bởi các quy luật của mình ở trong thế giới cảm tính; và do đó, giới Tự nhiên cũng phải có thể được suy tưởng rằng, khi hoạt động tương ứng với tính quy luật của riêng mình thì ít ra cũng hòa hợp được với khả thể của những mục đích được hiện thực hóa trong Tự nhiên dựa theo các quy luật của Tự do.

Như vậy, ắt phải có một cơ sở (Grund) cho tính thống nhất giữa cái Siêu-cảm tính vốn làm nền tảng cho Tự nhiên với cái Siêu-cảm tính mà khái niệm về Tự do hàm chứa bằng cách thực hành; và mặc dù khái niệm [về cơ sở này] không thể đạt đến được một nhận thức nào về bản thân cơ sở ấy cả bằng cách lý thuyết lẫn thực hành, và do đó, không có một “lĩnh vực” riêng biệt nào, song lại làm cho bước quá độ từ lề lối tư duy (Denkungsart) dựa theo các nguyên tắc của cái này sang lề lối tư duy dựa theo các nguyên tắc của cái kia có thể có được.

 

III

PHÊ PHÁN NĂNG LỰC PHÁN ĐOÁN NHƯ LÀ MỘT PHƯƠNG TIỆN NỐI KẾT HAI BỘ PHẬN CỦA TRIẾT HỌC THÀNH MỘT TOÀN BỘ

Việc Phê phán nhằm xét các quan năng nhận thức về phương diện chúng có khả năng làm được những gì một cách tiên nghiệm thật ra không có “lĩnh vực” riêng của nó về những đối tượng, bởi Phê phán không phải là “học thuyết” (Doktrin); công việc duy nhất của Phê phán là căn cứ vào tình hình của các quan năng nhận thức của ta để xét xem qua đó có thể có được một “học thuyết” hay không, và nếu có, thì như thế nào. “Vùng” hoạt động của sự Phê phán triển khai trên toàn bộ phạm vi những tham vọng của các quan năng nhận thức nhằm đặt chúng vào đúng trong những ranh giới hợp pháp của chúng. Vậy, điều gì không thể được đưa vào trong sự phân chia nội dung của triết học thì vẫn có thể trở thành một bộ phận chủ yếu trong việc phê phán quan năng nhận thức thuần túy nói chung, khi nó quả có chứa đựng các nguyên tắc mà tự bản thân chúng lại không thích dụng cho việc sử dụng lý thuyết lẫn thực hành.

Các khái niệm về Tự nhiên chứa đựng cơ sở cho toàn bộ nhận thức tiên nghiệm thì [như ta đã thấy] dựa trên sự ban bố quy luật của giác tính. Còn khái niệm về Tự do chứa đựng cơ sở tiên nghiệm cho toàn bộ những điều lệnh thực hành có tính vô điều kiện về mặt cảm tính (sinnlich unbedingt praktisch) dựa trên sự ban bố quy luật của lý tính. Do đó, ngoài việc có thể được áp dụng vào các nguyên tắc – bất kể nguồn gốc từ đâu – xét về mặt hình thức lôgíc, thì, về mặt nội dung, cả hai quan năng trên mỗi bên đều có quyền ban bố quy luật của riêng mình; và trên chúng không còn có một thẩm quyền ban bố quy luật (tiên nghiệm) nào cao hơn nữa, nên việc phân chia triết học thành hai phần lý thuyết và thực hành là chính đáng.

Nhưng, trong đại gia đình các quan năng nhận thức cao cấp còn có một khâu trung gian (Mittelglied) ở giữa giác tính và lý tính. Đó chính là NĂNG LỰC PHÁN ĐOÁN mà dựa vào sự tương tự [phép loại suy], ta có lý do để phỏng đoán rằng, tuy không có một thẩm quyền ban bố quy luật, năng lực phán đoán vẫn có thể chứa đựng một nguyên tắc riêng để đi tìm các quy luật, mặc dù nguyên tắc ấy chỉ là một nguyên tắc tiên nghiệm đơn thuần chủ quan. | Nguyên tắc này, tuy không hình thành “vùng” những đối tượng với tư cách là “lĩnh vực” của nó, song vẫn có thể có một “lãnh thổ” với đặc điểm riêng nào đó mà nơi ấy duy chỉ có nguyên tắc này mới có thể có hiệu lực.

Thêm vào đó, (phán đoán dựa theo sự tương tự), còn có thêm một lý do mới để đưa năng lực phán đoán vào trong sự nối kết với một trật tự khác của những năng lực biểu tượng của ta; sự nối kết này dường như còn có tầm quan trọng lớn hơn là sự gần gũi của năng lực phán đoán với đại gia đình các quan năng nhận thức. Bởi vì mọi quan năng của tâm hồn (Seelenvermögen) hay mọi năng lực đều có thể quy về ba năng lực và không còn có thể có sự dẫn xuất từ một cơ sở chung nào nữa, đó là: quan năng nhận thức, tình cảm vui sướng và không vui sướng và quan năng ham muốn[1](1). Đối với quan năng nhận thức, chỉ có giác tính là có tính ban bố quy luật, khi quan năng này được xem xét đúng như bản thân nó, không bị trộn lẫn với quan năng ham muốn) – với tư cách là quan năng của nhận thức lý thuyết – quan hệ với Tự nhiên, và chỉ quan hệ với Tự nhiên (như là hiện tượng) mới cho phép ta có thể đề ra những quy luật bằng các khái niệm tiên nghiệm về Tự nhiên, tức bằng các quan niệm thuần túy của giác tính [các phạm trù]*. Đối với quan năng ham muốn như là một quan năng cao cấp hoạt động dựa theo khái niệm về Tự do, chỉ có lý tính (và chỉ trong lý tính, khái niệm này mới có chỗ tồn tại) mới ban bố quy luật một cách tiên nghiệm.

Nhưng nay ở giữa quan năng nhận thức và quan năng ham muốn lại có tình cảm vui sướng và không vui sướng, giống như năng lực phán đoán nằm trung gian ở giữa giác tính và lý tính. Do đó, chí ít là tạm thời, ta có thể phỏng đoán rằng năng lực phán đoán cũng có chứa đựng cho mình một nguyên tắc tiên nghiệm; và rằng, bởi vui sướng và không vui sướng thiết yếu gắn liền với quan năng ham muốn (hoặc năng lực phán đoán đi trước nguyên tắc của quan năng ham muốn nơi các ham muốn thấp kém hoặc, nơi các ham muốn cao hơn, chỉ đến sau do sự quy định của quan năng ham muốn bởi quy luật luân lý), nên quan năng phán đoán cũng sẽ tác động để tạo ra bước quá độ từ quan năng nhận thức thuần túy, tức từ lĩnh vực của những khái niệm về Tự nhiên sang lĩnh vực của khái niệm về Tự do, cũng giống như trong việc sử dụng quan năng phán đoán một cách lôgíc, nó đã làm cho bước chuyển từ giác tính sang lý tính có thể có được.

Vậy, mặc cho triết học chỉ có thể được chia ra làm hai phần chính là triết học lý thuyết và triết học thực hành, mặc cho tất cả những gì ta đã nói về các nguyên tắc riêng biệt của năng lực phán đoán khi xếp năng lực phán đoán vào phần lý thuyết, tức vào phần nhận thức thuần lý dựa theo những khái niệm về Tự nhiên, thì dù sao việc Phê phán lý tính thuần túy – phải giải quyết tất cả những điều này trước khi tiến hành xây dựng Hệ thống cũng như để thẩm định khả thể của Hệ thống ấy – cũng bao gồm ba bộ phận: Phê phán giác tính thuần túy, Phê phán năng lực phán đoán thuần túy Phê phán lý tính thuần túy; và sở dĩ các quan năng ấy được gọi là “thuần túy” là vì chúng ban bố quy luật một cách tiên nghiệm.

 

IV

NĂNG LỰC PHÁN ĐOÁN NHƯ LÀ MỘT QUAN NĂNG BAN BỐ QUY LUẬT TIÊN NGHIỆM

Năng lực phán đoán nói chung là quan năng suy tưởng cái đặc thù như là được chứa đựng bên dưới cái phổ biến. Nếu cái phổ biến (quy tắc, nguyên tắc, quy luật) đã được mang lại (gegeben), thì năng lực phán đoán làm công việc thâu gồm (subsumiert) cái đặc thù vào dưới cái phổ biến ấy được gọi là năng lực phán đoán [có chức năng] xác định (bestimmend) (kể cả trường hợp năng lực phán đoán là năng lực phán đoán siêu nghiệm, và với tư cách ấy, mang lại các điều kiện tiên nghiệm mà chỉ khi tương ứng với các điều kiện ấy, việc thâu gồm vào dưới cái phổ biến nói trên mới có thể tiến hành được). Ngược lại nếu [chỉ] cái đặc thù đã được mang lại và còn phải đi tìm cái phổ biến cho nó, thì bấy giờ, năng lực phán đoán sẽ đơn thuần [có chức năng] phản tư (reflektierend).

Năng lực phán đoán xác định phục tùng những quy luật siêu nghiệm phổ biến do giác tính mang lại thì chỉ làm công việc thâu gồm; đối với nó, quy luật đã được đề ra một cách tiên nghiệm và vì thế, nó không cần phải tự suy tưởng lấy một quy luật cho riêng mình để có thể đặt cái đặc thù trong Tự nhiên vào dưới cái phổ biến. Nhưng, chỉ có điều, còn có rất nhiều những hình thức đa tạp của Tự nhiên, cũng như có nhiều sự biến thái (Modifikationen) tương ứng của những khái niệm siêu nghiệm phổ biến của Tự nhiên không được các quy luật nói trên của giác tính thuần túy tiên nghiệm xác định, bởi lẽ các quy luật này [của giác tính] chỉ đề cập đến khả thể của một Tự nhiên nói chung (với tư cách là đối tượng của giác quan) mà thôi, cho nên ở đây cũng phải cần có những quy luật cho những hình thức đa tạp ấy. | Những quy luật này, vì là thường nghiệm, nên có thể mang tính bất tất xét theo cái nhìn của giác tính chúng ta, song, nếu chúng phải được gọi là những quy luật (như khái niệm về Tự nhiên đòi hỏi), thì chúng cũng phải được xem như là tất yếu bắt nguồn từ một nguyên tắc về tính thống nhất [hay nhất thể] của cái đa tạp, cho dù đối với ta, nguyên tắc này là không thể nhận thức được [bằng giác tính].

Do đó, năng lực phán đoán phản tư – có nhiệm vụ đi từ cái đặc thù trong Tự nhiên tiến lên cái phổ biến – , lại cần đến một nguyên tắc. | Năng lực phán đoán phản tư không thể vay mượn nguyên tắc này từ kinh nghiệm, bởi nguyên tắc này phải làm công việc đặt nền tảng cho chính sự thống nhất của mọi quy luật thường nghiệm dưới những quy luật tuy cũng thường nghiệm nhưng cao hơn, và do đó, cho khả thể của việc phục tùng có hệ thống giữa những quy luật ấy với nhau. Thế nên, năng lực phán đoán phản tư chỉ có thể mang lại một nguyên tắc siêu nghiệm như thế – với tư cách là quy luật – là từ chính mình và cho chính mình mà thôi*. | Nó không thể rút nguyên tắc này ra từ bất kỳ nơi nào khác (bởi nếu thế, nó sẽ là năng lực phán đoán xác định). | Đồng thời, nó cũng không thể đề ra (vorschreiben) nguyên tắc [hay quy luật] ấy cho Tự nhiên, bởi sự phản tư về những quy luật của Tự nhiên phải hướng theo Tự nhiên, chứ Tự nhiên không hướng theo các điều kiện mà dựa theo đó, ta cố đạt được một khái niệm về Tự nhiên, một khái niệm hoàn toàn có tính bất tất xét về mặt các điều kiện này.

Như thế, nguyên tắc [cần phải tìm ra] này chỉ có thể có ý nghĩa như sau: bởi những quy luật tự nhiên phổ biến có nguồn gốc ở trong giác tính chúng ta và do giác tính đề ra cho Tự nhiên (dù chỉ dựa theo khái niệm phổ biến về Tự nhiên xét như Tự nhiên), còn những quy luật thường nghiệm đặc thù – xét về phương diện những gì ở trong chúng không được những quy luật phổ biến trên đây xác định – đều phải được xem như là cùng hướng theo một sự thống nhất [hay nhất thể] như thể (als ob) có một Giác tính [hay Trí tuệ] (tuy không phải là giác tính của con người chúng ta) đã ban cho chúng sự thống nhất ấy vì lợi ích của các quan năng nhận thức của ta, cũng như đã làm cho một Hệ thống của [toàn bộ] kinh nghiệm dựa theo những quy luật tự nhiên đặc thù có thể có được. Nhưng, điều này không được phép hiểu là giả định có sự hiện hữu thực sự của một Giác tính như thế (bởi đây chỉ là năng lực phán đoán phản tư sử dụng Ý niệm này làm nguyên tắc để “phản tư” chứ không phải để “xác định” điều gì cả), trái lại, qua đó, quan năng này chỉ tự mang lại một quy luật cho chính mình chứ không phải cho Tự nhiên.

Bây giờ, ta gọi mục đích (Zweck) là khái niệm về một đối tượng, trong chừng mực khái niệm ấy đồng thời chứa đựng cơ sở cho [tính] hiện thực (Wirklichkeit) của đối tượng ấy; và gọi sự trùng hợp [hay nhất trí] của một sự vật với đặc tính cấu tạo ấy (Beschaffenheit) của những sự vật, – tức với đặc tính chỉ có thể có được dựa theo các mục đích – là tính hợp mục đích (Zweckmäßigkeit) về hình thức của chúng*. | Theo đó, nguyên tắc của năng lực phán đoán, xét về phương diện hình thức của những sự vật của Tự nhiên phục tùng những quy luật thường nghiệm nói chung, là tính hợp mục đích của Tự nhiên trong tính đa tạp của nó. Có nghĩa là, thông qua khái niệm này, Tự nhiên được hình dung như thể có một Giác tính [hay Trí tuệ] chứa đựng cơ sở hay nguyên nhân cho sự thống nhất của cái đa tạp của những quy luật thường nghiệm của Tự nhiên.

Vậy, tính hợp mục đích của Tự nhiên là một khái niệm tiên nghiệm đặc thù, có nguồn gốc duy nhất từ trong năng lực phán đoán phản tư mà thôi. Bởi vì ta không thể gán cho những sản phẩm của Tự nhiên điều gì đó giống như thể ở nơi chúng có mối quan hệ giữa Tự nhiên với những mục đích, trái lại, ta chỉ cần sử dụng khái niệm này để phản tư về những mục đích theo phương diện sự nối kết giữa những hiện tượng ở trong Tự nhiên, một sự nối kết [chỉ] được mang lại dựa theo những quy luật thường nghiệm. Ngoài ra, khái niệm này cũng cần phải được phân biệt hẳn với khái niệm về tính hợp mục đích thực hành (theo nghĩa kỹ năng của con người hay cả theo nghĩa luân lý), mặc dù nó được suy tưởng dựa theo một sự tương tự (nach einer Analogie) với tính hợp mục đích thực hành [như sẽ bàn ở mục §59. N.D].

 

V
NGUYÊN TẮC VỀ TÍNH HỢP MỤC ĐÍCH HÌNH THỨC CỦA GIỚI TỰ NHIÊN LÀ MỘT NGUYÊN TẮC SIÊU NGHIỆM CỦA NĂNG LỰC PHÁN ĐOÁN
 
Nguyên tắc siêu nghiệm là một nguyên tắc, qua đó ta hình dung một cách tiên nghiệm điều kiện phổ biến mà chỉ khi phục tùng điều kiện ấy, những sự vật mới có thể trở thành đối tượng cho nhận thức của ta nói chung. Ngược lại, một nguyên tắc được gọi là siêu hình học khi nó hình dung một cách tiên nghiệm điều kiện chỉ nhờ đó những đối tượng – mà khái niệm về chúng phải được mang lại một cách thường nghiệm – có thể được tiếp tục xác định bằng cách tiên nghiệm. Như thế, nguyên tắc của nhận thức về những vật thể như là những bản thể và như là những bản thể khả biến là [có tính] siêu nghiệm khi qua đó muốn phát biểu rằng sự biến đổi của chúng phải có một nguyên nhân; nhưng nguyên tắc ấy là [có tính] siêu hình học khi bảo rằng sự biến đổi của chúng phải có một nguyên nhân bên ngoài. | Bởi, trong trường hợp trước, những vật thể chỉ cần được suy tưởng bằng các thuộc tính bản thể học (tức các khái niệm thuần túy của giác tính) [các phạm trù], chẳng hạn, bằng [phạm trù] “bản thể” để có thể nhận thức được mệnh đề ấy một cách tiên nghiệm; trong khi đó, ở trường hợp sau, khái niệm thường nghiệm về một vật thể (như là một sự vật vận động trong không gian) phải được đưa vào làm nền tảng cho mệnh đề, mặc dù, một khi đã có được điều ấy, thì thuộc tính sau (vận động chỉ nhờ một nguyên nhân bên ngoài) hoàn toàn có thể được nhận ra một cách tiên nghiệm như là thuộc về vật thể ấy.
 
Như tôi sẽ vạch rõ ngay sau đây, theo cách nhìn ấy, nguyên tắc về tính hợp mục đích của giới Tự nhiên (ở trong tính đa tạp của những quy luật thường nghiệm của nó) là một nguyên tắc siêu nghiệm. Bởi, khái niệm về những đối tượng được xem như phục tùng nguyên tắc này chỉ là khái niệm thuần túy về những đối tượng của nhận thức kinh nghiệm khả hữu nói chung chứ không chứa đựng điều gì thường nghiệm cả. Trái lại, nguyên tắc về tính hợp mục đích thực hành – phải được suy tưởng trong Ý niệm về sự quy định của một ý chí tự do – lại là một nguyên tắc siêu hình học, vì khái niệm về một quan năng ham muốn – với tư cách là một ý chí – phải được mang lại một cách thường nghiệm đã, nghĩa là: khái niệm này không được bao hàm trong số các thuộc tính bản thể học [các phạm trù]. Tuy nhiên, cả hai nguyên tắc này đều không phải là thường nghiệm, mà là tiên nghiệm, bởi lẽ không cần có thêm kinh nghiệm [thường nghiệm] nào để nối kết [tổng hợp] thuộc tính với khái niệm thường nghiệm về chủ thể của các phán đoán của chúng, trái lại, đều có thể hoàn toàn được nhận ra một cách tiên nghiệm.
 

Khái niệm về một tính hợp mục đích của Tự nhiên thuộc về loại các nguyên tắc siêu nghiệm là điều thấy rõ hiển nhiên từ những châm ngôn (Maximen) của năng lực phán đoán vốn được đặt làm nền tảng tiên nghiệm trong việc nghiên cứu về Tự nhiên, và những châm ngôn ấy không liên quan đến điều gì khác hơn là chính khả thể của kinh nghiệm, do đó, là khả thể của nhận thức về Tự nhiên: không chỉ là về Tự nhiên nói chung mà như là Tự nhiên được quy định bởi một tính đa tạp của những quy luật đặc thù. Là những “danh ngôn” (Aphorisms) của sự thông thái siêu hình học, những châm ngôn này vẫn thường xuất hiện trong môn học này, nhưng chỉ một cách phân tán và dưới dạng một số quy tắc mà tính tất yếu của chúng không thể chứng minh được từ những khái niệm. [Chẳng hạn:] “Tự nhiên đi theo con đường ngắn nhất” (lex parsimoniae: latinh: quy luật kiệm ước); “Tự nhiên không làm bước nhảy trong chuỗi những biến đổi của nó lẫn trong sự kết nối của những hình thức dị biệt đặc thù” (lex continui in natura: latinh: quy luật liên tục trong Tự nhiên); “tính đa tạp rất lớn của Tự nhiên trong những quy luật thường nghiệm của nó luôn hướng về sự thống nhất của một số ít các nguyên tắc” (principia praeter necessitatem non sunt multipli-canda: latinh: không được gia tăng các nguyên tắc cơ bản nếu không thật cần thiết) v.v... và v.v...*

Nếu ta nghĩ đến việc tìm ra nguồn gốc của những nguyên tắc cơ bản này và thử tìm bằng con đường tâm lý học thì việc làm ấy hoàn toàn đi ngược lại ý nghĩa của chúng. Bởi chúng không hề cho ta biết điều gì xảy ra, nghĩa là không bảo ta thật sự vận dụng các năng lực nhận thức của ta theo quy tắc nào để phán đoán, trái lại, chỉ bảo chúng ta nên phán đoán như thế nào; và ta không thể đạt được tính tất yếu lôgíc khách quan này khi các nguyên tắc đơn thuần có tính thường nghiệm. Như thế, tính hợp mục đích của Tự nhiên – dành cho các quan năng nhận thức của ta lẫn việc sử dụng các quan năng ấy và bộc lộ rõ ràng từ chúng – là một nguyên tắc siêu nghiệm của phán đoán; và do đó, cũng cần một sự diễn dịch siêu nghiệm, qua đó cơ sở của loại hình phán đoán này phải được truy tìm ở trong những nguồn suối tiên nghiệm của nhận thức.

Trong những cơ sở cho khả thể của một kinh nghiệm, trước tiên ta tìm thấy cái gì tất yếu, đó là những quy luật phổ biến, mà nếu không có chúng thì Tự nhiên nói chung (với tư cách là đối tượng của giác quan) không thể được suy tưởng. | Những quy luật này dựa trên các phạm trù được áp dụng vào các điều kiện mô thức của mọi trực quan khả hữu của ta, trong chừng mực trực quan đồng thời được mang lại một cách tiên nghiệm. Trong việc phục tùng những quy luật [phổ biến] này thì năng lực phán đoán là có tính năng xác định (bestim-mend), bởi nó không làm việc gì khác hơn ngoài việc thâu gồm (subsumieren) vào dưới những quy luật sẵn có. Chẳng hạn, khi giác tính bảo rằng: “mọi sự biến đổi đều có nguyên nhân” (quy luật tự nhiên phổ biến) thì năng lực phán đoán siêu nghiệm không phải làm gì nhiều hơn việc mang lại một cách tiên nghiệm điều kiện của việc thâu gồm vào dưới khái niệm sẵn có ấy của giác tính [phạm trù] và đó là sự tiếp diễn của những quy định của cùng một sự vật. Đối với Tự nhiên nói chung (như là đối tượng của kinh nghiệm khả hữu), quy luật ấy được nhận thức như là tuyệt đối tất yếu. Thế nhưng, ngoài điều kiện thời gian có tính mô thức ấy, những đối tượng của nhận thức thường nghiệm còn được xác định, hay trong chừng mực ta có thể phán đoán tiên nghiệm, còn có thể được xác định (bestimmbar) bằng nhiều cách khác nữa khiến cho những [hiện tượng] tự nhiên đặc thù khác nhau, ngoài những gì chúng có chung như là những sự vật của Tự nhiên nói chung, còn có thể là những nguyên nhân bởi vô hạn những phương cách đa tạp; và từng mỗi phương cách ấy, dựa theo khái niệm [phạm trù] về một nguyên nhân nói chung, đều phải có quy tắc của nó; quy tắc này là một quy luật và do đó, có tính tất yếu, mặc dù do đặc điểm cấu tạo và những giới hạn của các quan năng nhận thức của ta, ta hoàn toàn không nhận ra sự tất yếu này. Vậy, trong Tự nhiên, xét về những quy luật đơn thuần thường nghiệm của nó, ta phải nghĩ tới một khả thể của những quy luật thường nghiệm đa tạp đến vô tận; song chúng là bất tất đối với cái nhìn của ta, nghĩa là ta không thể nhận thức chúng một cách tiên nghiệm được. | Và đối với chúng, ta phán đoán sự thống nhất của Tự nhiên dựa theo những quy luật thường nghiệm và khả thể của sự thống nhất của kinh nghiệm ấy – xét như một hệ thống dựa theo những quy luật thường nghiệm – là bất tất. Song, một sự thống nhất như thế lại tất yếu phải được tiền giả định và thừa nhận; nếu không, ta sẽ không có được một sự nối kết xuyên suốt, trọn vẹn của nhận thức thường nghiệm thành một toàn bộ của kinh nghiệm. | Vì lẽ những quy luật phổ biến của Tự nhiên tuy mang lại một sự nối kết như thế giữa những sự vật dựa theo chủng loài (Gattung) như là những sự vật của Tự nhiên nói chung, nhưng lại không tiến hành cho chúng một cách dị biệt với tư cách là những sự vật đặc thù của Tự nhiên, cho nên, năng lực phán đoán, vì sự định hướng cho chính mình, buộc phải thừa nhận như một nguyên tắc tiên nghiệm rằng: điều mà đối với cái nhìn của con người là bất tất trong những quy luật tự nhiên đặc thù (thường nghiệm) thì vẫn mặc nhiên chứa đựng sự thống nhất của quy luật ở trong sự nối kết của cái đa tạp của nó thành một kinh nghiệm khả hữu; sự thống nhất ấy tuy không thể thấu hiểu được nhưng có thể suy tưởng được (denkbar) cho ta. Do đó, vì lẽ sự thống nhất của quy luật trong một sự nối kết – được ta thừa nhận vì tuân theo một ý đồ tất yếu, (phù hợp với một nhu cầu của giác tính) nhưng đồng thời được nhận thức như là bất tất – được hình dung như là tính hợp mục đích của những đối tượng (ở đây là của Tự nhiên), nên năng lực phán đoán – nay chỉ đơn thuần có tính năng phản tư (reflektierend) trước những sự vật phục tùng những quy luật thường nghiệm khả hữu (còn phải tiếp tục phát hiện) – buộc phải suy tưởng về Tự nhiên – ở phương diện thường nghiệm này dựa theo một nguyên tắc về tính hợp mục đích cho quan năng nhận thức của ta; nguyên tắc ấy được diễn đạt trong những châm ngôn kể trên của năng lực phán đoán. Vậy, khái niệm siêu nghiệm này về tính hợp mục đích của Tự nhiên vừa không phải là khái niệm về Tự nhiên, vừa không phải là một khái niệm về Tự do, bởi nó không gắn thêm thuộc tính nào vào cho đối tượng cả (tức vào cho Tự nhiên), mà chỉ hình dung phương cách duy nhất mà ta phải tiến hành trong khi phản tư về những đối tượng của Tự nhiên nhằm làm thế nào đạt tới một kinh nghiệm được nối kết trọn vẹn, cho nên nó là một nguyên tắc chủ quan (châm ngôn) của năng lực phán đoán. | Đó là lý do khiến ta vui mừng như thể là một ngẫu nhiên may mắn thuận lợi cho ý đồ của ta (vì đã giải quyết được một nhu cầu) khi ta bắt gặp [trong thực tế] một sự thống nhất có hệ thống như thế giữa những quy luật đơn thuần thường nghiệm, mặc dù lúc nào ta cũng buộc phải giả định có một sự thống nhất như thế, tuy không thể nào nhận rõ và chứng minh được sự hiện hữu của nó.

Để tự thuyết phục chính mình về tính đúng đắn của sự diễn dịch này về khái niệm đang bàn [khái niệm về tính hợp mục đích của Tự nhiên] và về sự tất yếu phải thừa nhận nó như nguyên tắc nhận thức siêu nghiệm, ta chỉ cần thử nghĩ tới độ lớn lao của công việc phải làm, đó là: ta phải hình thành nên một kinh nghiệm được nối kết từ những tri giác được mang lại về giới Tự nhiên bao hàm tính đa tạp hầu như vô tận của những quy luật thường nghiệm, và vấn đề này vốn nằm sẵn một cách tiên nghiệm trong giác tính của ta. Giác tính tuy sở hữu một cách tiên nghiệm những quy luật phổ biến về Tự nhiên, mà nếu không có chúng, hẳn Tự nhiên sẽ không thể trở thành đối tượng của kinh nghiệm, nhưng ngoài điều đó ra, giác tính còn cần có một trật tự nào đó của Tự nhiên trong những quy tắc đặc thù (besondere Regeln): những quy tắc này chỉ có thể được giác tính nhận thức bằng con đường thường nghiệm và xét về mặt ấy, là có tính bất tất. [Song], đối với chúng – tức đối với những quy tắc đặc thù mà không có chúng thì không thể có sự tiến lên từ sự tương tự phổ biến (allgemeine Analogie) của một kinh nghiệm khả hữu nói chung đến một sự tương tự đặc thù –, giác tính phải suy tưởng chúng như là những quy luật (Gesetze) (nghĩa là có tính tất yếu), vì nếu khác đi, chúng ắt không tạo nên được một trật tự tự nhiên, mặc dù giác tính không nhận thức hoặc không bao giờ có thể thấu hiểu tính tất yếu của chúng được. Cho nên, tuy giác tính không thể xác định một cách tiên nghiệm điều gì cả về chúng (những đối tượng ấy), nhưng, để dõi theo những cái gọi là quy luật thường nghiệm này, giác tính phải đề ra một nguyên tắc tiên nghiệm làm cơ sở cho mọi suy tưởng về chúng, đó là cho rằng: căn cứ vào chúng, ta có thể nhận thức được một trật tự tự nhiên. | Nguyên tắc [tiên nghiệm] thuộc loại ấy được diễn tả [chẳng hạn] trong những mệnh đề sau: trong Tự nhiên, có một sự lệ thuộc vào nhau có thể nhận thức được giữa các loài (Gattungen) và các giống (Arten); rồi mỗi loài lại đến gần với những loài khác trên cùng một nguyên tắc chung để có thể có được bước chuyển từ loài này sang loài khác và qua đó, đến loài cao hơn; và, nếu thoạt đầu giác tính hình như không thể tránh được việc giả định có nhiều loại nguyên nhân khác nhau cho nhiều loại kết quả khác nhau trong Tự nhiên thì tất cả những nguyên nhân này đều có thể được quy giảm thành một số lượng nhỏ các nguyên tắc, và nhiệm vụ của ta là phải đi tìm cho ra chúng v.v... và v.v... Sự trùng hợp (Übereinstimmung) này giữa Tự nhiên và quan năng nhận thức của ta được năng lực phán đoán tiền giả định một cách tiên nghiệm dựa trên sự phản tư của nó về Tự nhiên theo những quy luật thường nghiệm. | Trong khi giác tính thừa nhận sự tương ứng mang tính khách quan này như là bất tất thì chỉ riêng năng lực phán đoán mới có thể gán cho Tự nhiên sự tương ứng này như là tính hợp mục đích siêu nghiệm (trong quan hệ với quan năng nhận thức của chủ thể), bởi, nếu không tiền giả định tiên quyết điều này, ắt ta sẽ không có được trật tự nào của Tự nhiên dựa theo những quy luật thường nghiệm cả, và do đó, không có được manh mối hướng dẫn (Leitfaden) nào cho một kinh nghiệm có nhiệm vụ xử lý chúng trong tất cả tính đa tạp cũng như cho việc nghiên cứu về chúng.

Bởi hoàn toàn có thể nghĩ rằng, bất chấp mọi tính đồng dạng (Gleichförmigkeit) của những sự vật trong Tự nhiên dựa theo những quy luật phổ biến [của giác tính], – mà nếu không có đặc tính ấy, hình thức của một nhận thức kinh nghiệm nói chung không thể nào có được –, thì tính dị biệt đặc thù của những quy luật thường nghiệm của Tự nhiên cùng với mọi kết quả của chúng có thể quá lớn rộng đến nỗi giác tính của ta không thể nào phát hiện được trong Tự nhiên một trật tự khả niệm nào, không thể phân chia những sản phẩm của nó thành những giống và loài, không thể sử dụng các nguyên tắc vốn để giải thích và hiểu về sản phẩm tự nhiên này nhằm giải thích và hiểu về sản phẩm kia, và, để từ một chất liệu quá hỗn độn (là chất liệu đa tạp vô hạn, vượt quá năng lực nắm bắt của ta) tạo ra được một kinh nghiệm được nối kết.

Như thế, năng lực phán đoán được trang bị một nguyên tắc tiên nghiệm về Tự nhiên, nhưng chỉ về phương diện chủ quan thôi. | Nhờ nguyên tắc ấy, năng lực phán đoán đề ra một quy luật, nhưng không phải cho Tự nhiên (như là Autonomie*) mà là cho chính mình (như là Heautonomie* nhằm hướng dẫn cho sự phản tư về Tự nhiên. | Quy luật này có thể được gọi là “quy luật về sự dị biệt hóa” (Gesetz der Spezifikation der Natur) đối với những quy luật thường nghiệm của Tự nhiên. | Đây không phải là một quy luật được nhận thức một cách tiên nghiệm ở trong Tự nhiên, mà là do năng lực phán đoán thừa nhận nhằm có được một trật tự tự nhiên có thể nhận thức được đối với giác tính, khi năng lực phán đoán phân chia những quy luật phổ biến của Tự nhiên với mục đích đưa tính đa tạp của những quy luật đặc thù vào dưới những quy luật phổ biến. Cho nên, khi nói rằng: Tự nhiên dị biệt hóa những quy luật phổ biến dựa theo nguyên tắc về tính hợp mục đích của quan năng nhận thức của ta, nghĩa là, cho sự tương thích của giác tính con người trong chức năng tất yếu của nó là tìm ra cái phổ biến cho những cái đặc thù được tri giác mang lại cũng như tìm ra sự nối kết trong tính thống nhất của nguyên tắc cho những cái đa tạp, dị biệt (tất nhiên, những đa tạp dị biệt này lại là “cái chung” cho mỗi loài), thì ta không hề đề ra một quy luật cho Tự nhiên hay rút ra được quy luật này từ sự quan sát, – mặc dù nguyên tắc đang bàn có thể được sự quan sát này xác nhận. Bởi lẽ: nguyên tắc này không phải là một nguyên tắc của năng lực phán đoán-xác định (bestimmende Urteilskraft) mà chỉ đơn thuần của năng lực phán đoán-phản tư (reflektierende Urteilskraft). | Tất cả những gì ta mong muốn ở đây chỉ là: mặc cho Tự nhiên thiết kế trật tự và sắp đặt như thế nào dựa theo những quy luật phổ biến, thì ta cứ phải nghiên cứu những quy luật thường nghiệm của nó hoàn toàn dựa theo nguyên tắc [về tính hợp mục đích] trên đây cũng như dựa theo những châm ngôn đặt cơ sở trên nguyên tắc ấy, vì: chỉ trong mức độ nguyên tắc này được áp dụng đến đâu, ta mới có thể tiến lên trong việc sử dụng giác tính của ta ở trong kinh nghiệm và thu hoạch được tri thức đến đấy.

 

VI

VỀ VIỆC NỐI KẾT TÌNH CẢM VUI SƯỚNG (GEFÜHL DER LUST) VỚI KHÁI NIỆM VỀ TÍNH HỢP MỤC ĐÍCH CỦA TỰ NHIÊN

Sự trùng hợp được suy tưởng trên đây giữa Tự nhiên trong tính đa tạp của những quy luật đặc thù với nhu cầu của ta là đi tìm tính phổ biến của những nguyên tắc cho nó phải được xem là bất tất, xét theo tất cả những gì ta nhận thức được, nhưng lại là tất yếu, không thể thiếu đối với nhu cầu của giác tính chúng ta, và do đó, chính là tính hợp mục đích nhờ đó Tự nhiên trùng hợp với ý đồ của ta (song chỉ trong chừng mực ý đồ ấy hướng đến việc nhận thức mà thôi). Những quy luật phổ biến của giác tính – đồng thời cũng là những quy luật của Tự nhiên –*, tuy nảy sinh từ tính nội khởi (Spontaneität) [của giác tính] nhưng lại tất yếu đối với Tự nhiên giống như những quy luật của sự vận động áp dụng vào cho vật chất. | Nguồn gốc sản sinh của chúng không tiền giả định một ý đồ [hay quan tâm] nào đối với các quan năng nhận thức của ta, bởi chỉ thông qua chúng, ta mới biết được thế nào là nhận thức về những sự vật (của Tự nhiên), và chúng được áp dụng một cách tất yếu vào Tự nhiên như vào đối tượng của nhận thức của chúng ta nói chung. Trong khi đó, trật tự của Tự nhiên trong những quy luật đặc thù, với sự phong phú của tính đa tạp và tính dị loại chí ít là vượt ra khỏi mọi năng lực lĩnh hội của ta, lại thực sự trùng hợp, tương ứng với các năng lực lĩnh hội ấy thì, trong chừng mực ta có thể thấy được, là điều bất tất. | Việc tìm ra trật tự này là công việc của giác tính; công việc ấy được tiến hành nhằm phục vụ cho một mục đích tất yếu của riêng bản thân giác tính, đó là đưa vào trong Tự nhiên sự thống nhất của các nguyên tắc. | Mục đích này là được gán vào cho Tự nhiên thông qua năng lực phán đoán, bởi ở đây, giác tính không thể đề ra một quy luật nào cho Tự nhiên được cả.

Đạt được mục đích luôn gắn liền với tình cảm vui sướng. | Và khi điều kiện để đạt được mục đích ấy là một biểu tượng tiên nghiệm – như trường hợp ở đây là một nguyên tắc của năng lực phán đoán phản tư nói chung – thì tình cảm vui sướng cũng được quy định bởi một cơ sở tiên nghiệm và có giá trị hiệu lực đối với mọi người, và có nghĩa là: chỉ đơn thuần thông qua mối quan hệ của đối tượng đối với quan năng nhận thức mà thôi, chứ ở đây, khái niệm về tính hợp mục đích tuyệt nhiên không liên quan gì đến quan năng ham muốn, và do đó, hoàn toàn khác với mọi tính hợp mục đích [theo nghĩa] thực hành của Tự nhiên.

Thật vậy, ta không và cũng không thể cảm nhận ở trong ta chút tác động nào của tình cảm vui sướng về sự tương hợp giữa những tri giác với những quy luật dựa theo các khái niệm phổ biến về Tự nhiên (các phạm trù), bởi trong trường hợp này, giác tính tất yếu vận hành theo bản tính tự nhiên của nó một cách không có ý đồ (unabsicht-lich). | Trái lại, sự tương hợp được phát hiện giữa hai hay nhiều quy luật tự nhiên thường nghiệm, dị loại với nhau dưới cùng một nguyên tắc bao trùm được cả hai lại là nguyên cớ cho một niềm vui sướng rất rõ rệt, thậm chí cho một nỗi thán phục, và xúc cảm này không mất đi cho dù ta đã quá quen thuộc với đối tượng. Đành rằng ta không còn cảm nhận niềm vui sướng rõ rệt nữa trước tính có thể hiểu được (Faßlichkeit) của Tự nhiên lẫn tính thống nhất của nó trong việc phân chia thành những giống và loài, những tính chất chỉ qua đó những khái niệm thường nghiệm – giúp ta có nhận thức về Tự nhiên trong những quy luật đặc thù – mới có thể có được. | Thế nhưng, chắc chắn niềm vui sướng đã từng có mặt trong thời điểm của nó và chỉ vì kinh nghiệm bình thường nhất cũng không thể có được nếu không có nó nên niềm vui sướng ấy dần dần bị pha trộn với nhận thức thông thường khiến không còn được đặc biệt lưu ý đến nữa. Thế nên, khi phán đoán về Tự nhiên để tìm ra tính hợp mục đích của nó cho giác tính của ta, điều lưu ý là cần có một nỗ lực đưa những quy luật dị loại của Tự nhiên, – bất cứ lúc nào có thể – vào dưới những quy luật cao hơn, dù bao giờ cũng là những quy luật thường nghiệm thôi, để nếu thành công, ta cảm nhận được niềm vui sướng trước sự tương ứng giữa chúng với quan năng nhận thức, dù sự tương ứng này vốn được ta xem là đơn thuần bất tất. Một quan niệm ngược lại về Tự nhiên ắt sẽ làm ta hết sức buồn lòng, khi nó báo trước rằng chỉ cần đi ra khỏi kinh nghiệm tầm thường nhất một chút thôi, ta sẽ vấp ngay phải một tính dị loại của những quy luật tự nhiên làm cho sự hợp nhất của những quy luật đặc thù dưới những quy luật phổ biến thường nghiệm không thể nào có được. | Ta không vui bởi quan niệm này đi ngược lại nguyên tắc về sự dị biệt hóa thành những loài mang tính hợp mục đích-chủ quan của ta về Tự nhiên cũng như đi ngược lại năng lực phán đoán phản tư của ta về điều này.

Tất nhiên, tiền-giả định trên đây của năng lực phán đoán là hết sức bất định (unbestimmt) trước câu hỏi phạm vi hiệu lực của tính hợp mục đích lý tưởng ấy của Tự nhiên mở rộng được đến đâu cho các quan năng nhận thức của ta, nên giả sử nếu được biết rằng càng đi sâu nghiên cứu và mở rộng nhận thức về Tự nhiên thông qua sự quan sát, rút cục nhất định ta sẽ gặp phải một tính đa tạp của những quy luật mà không một giác tính con người nào có thể quy về một nguyên tắc [chung] được, ta phải đành lòng chấp nhận. | Thế nhưng, ta ưa thích hơn khi được nghe những ai mang lại cho ta niềm hy vọng rằng càng đi sâu vào trong lòng bí mật của Tự nhiên hay càng so sánh nó với những phần tử bên ngoài mà ta chưa biết, ta sẽ thấy nó ngày càng đơn giản hơn trong những nguyên tắc; và kinh nghiệm càng tiến xa bao nhiêu, thấy Tự nhiên ngày càng tỏ ra nhất trí hơn, bất kể vẻ dị loại bên ngoài của những quy luật thường nghiệm. Sở dĩ như vậy vì đó là một yêu sách bắt buộc của năng lực phán đoán của ta luôn vận hành dựa theo nguyên tắc về tính tương ứng giữa Tự nhiên với quan năng nhận thức trong mức độ có thể, dù không thể khẳng định nguyên tắc ấy có ranh giới ở chỗ nào hay không, vì nó không phải do [loại] năng lực phán đoán-xác định mang lại. | Lý do là: đối với việc sử dụng thuần lý (rational) các quan năng nhận thức, ta có thể xác định rõ những ranh giới, nhưng không thể xác định ranh giới ấy trong lĩnh vực thường nghiệm được.

 

VIII

BIỂU TƯỢNG THẨM MỸ VỀ TÍNH HỢP MỤC ĐÍCH CỦA TỰ NHIÊN

Cái gì đơn thuần là chủ quan nơi biểu tượng (Vorstellung) về một đối tượng, nghĩa là, cái gì tạo nên mối quan hệ với chủ thể chứ không phải với đối tượng, thì đó chính là tính chất thẩm mỹ (ästhetische Beschaffen-heit) của biểu tượng ấy. | Còn cái gì nơi biểu tượng phục vụ hoặc có thể được sử dụng cho việc xác định (Bestim-mung) đối tượng (nhằm mục đích nhận thức), thì đó là giá trị lôgíc của nó. Trong nhận thức về một đối tượng của giác quan, cả hai mối quan hệ này đều cùng xuất hiện bên nhau. Trong biểu tượng cảm tính về những sự vật bên ngoài tôi, chất (Qualität) của không gian, trong đó ta trực quan chúng, chỉ đơn thuần là mặt chủ quan của biểu tượng của tôi về chúng (còn qua đó, những sự vật ấy là gì trong tự thân (an sich) chúng với tư cách là những khách thể (Objekte)* là điều vẫn để mở), nên về phương diện ấy, đối tượng (Gegenstand)* [được trực quan trong không gian] cũng chỉ được suy tưởng như là hiện tượng (Erscheinung) mà thôi. | Tuy nhiên, bất kể tính chất đơn thuần chủ quan của nó, không gian vẫn là một bộ phận cấu thành của nhận thức về sự vật như là về hiện tượng. Cũng thế, cảm giác (Empfindung) (ở đây là nói cảm giác bên ngoài) diễn tả cái đơn thuần chủ quan của những biểu tượng của ta về những sự vật bên ngoài ta, song, thật ra, cảm giác là chất liệu (cái thực tồn) của những biểu tượng ấy, qua đó một cái gì hiện hữu thực sự được mang lại cho ta, nên, cũng giống như không gian chỉ là mô thức tiên nghiệm cho khả thể của trực quan về chúng, cảm giác cũng là cái gì được sử dụng để nhận thức những khách thể ở ngoài ta.

Trong khi đó, [yếu tố] chủ quan nơi một biểu tượng nhưng không thể trở thành bộ phận cấu thành của nhận thức được, chính là sự vui sướng hay không vui sướng gắn liền với biểu tượng ấy. | Bởi thông qua nó, tôi không nhận thức được gì hết về đối tượng của biểu tượng, dù xúc cảm ấy hoàn toàn có thể là hậu quả của một nhận thức bất kỳ nào đó. Vậy, tính hợp mục đích của một sự vật, trong chừng mực được hình dung trong tri giác, cũng không phải là một tính chất của bản thân đối tượng (bởi một tính chất như thế không thể tri giác được), mặc dù [như đã nói] tính hợp mục đích có thể được suy ra từ một nhận thức về những sự vật. Như thế, tính hợp mục đích – đi trước nhận thức về một đối tượng, thậm chí độc lập với ý muốn sử dụng biểu tượng về đối tượng nhằm mục đích nhận thức nhưng lại trực tiếp gắn liền với biểu tượng ấy –, chính là mặt chủ quan của biểu tượng và không thể trở thành một yếu tố cấu thành của nhận thức. Nên ở đây, sở dĩ một đối tượng được ta gọi là “có tính hợp mục đích” là vì biểu tượng về nó trực tiếp gắn liền với tình cảm vui sướng; và bản thân biểu tượng này chính là một biểu tượng thẩm mỹ về tính hợp mục đích. Vấn đề duy nhất đặt ra ở đây là: liệu có chăng một biểu tượng như thế về tính hợp mục đích?

Nếu sự vui sướng gắn liền với việc lĩnh hội đơn thuần (Auffassung/latinh: apprehensio) về hình thức của một đối tượng của trực quan mà không có mối quan hệ của nó với một khái niệm để trở thành một nhận thức nhất định, thì qua đó, biểu tượng không quan hệ với đối tượng mà chỉ với chủ thể. | Trong trường hợp ấy, sự vui sướng không gì khác hơn là tính tương ứng giữa đối tượng với các quan năng nhận thức đang thao tác ở trong năng lực phán đoán-phản tư, và, trong chừng mực các quan năng nhận thức có mặt trong đó, chúng diễn tả đơn thuần một tính hợp mục đích chủ quan và hình thức (eine subjektive formale Zweckmäßigkeit) của đối tượng mà thôi. Bởi sự lĩnh hội về những hình thức (Formen) ở trong trí tưởng tượng không bao giờ có thể diễn ra mà không có việc năng lực phán đoán-phản tư, dù không cố tình, vẫn so sánh những hình thức ấy chí ít với quan năng có nhiệm vụ liên hệ các trực quan với các khái niệm. Bây giờ, trong sự so sánh này, nếu trí tưởng tượng (quan năng của các trực quan tiên nghiệm), thông qua một biểu tượng được mang lại, trở thành nhất trí với giác tính (quan năng của những khái niệm) một cách không cố tình và qua đó nảy sinh một tình cảm vui sướng, thì, trong trường hợp ấy, đối tượng phải được xem như là hợp mục đích đối với năng lực phán đoán phản tư. Một phán đoán thuộc loại như vậy là một phán đoán thẩm mỹ về tính hợp mục đích của đối tượng; phán đoán ấy không dựa trên bất kỳ một khái niệm có sẵn nào về đối tượng cũng như không tạo ra một khái niệm nào cả. Khi hình thức của một đối tượng (chứ không phải chất liệu của biểu tượng về nó, tức là cảm giác) ở trong sự phản tư đơn thuần về hình thức (không nhắm đến việc đạt được khái niệm nào từ nó) được xem là nguyên nhân [hay cơ sở] của niềm vui sướng trong khi hình dung một đối tượng như vậy, thì sự vui sướng này cũng được xem là thiết yếu gắn liền với biểu tượng về đối tượng, do đó, không chỉ có giá trị đối với chủ thể [cá biệt] lĩnh hội hình thức này mà là cho mọi người đang phán đoán nói chung. Bấy giờ, đối tượng sẽ được gọi là đẹp và quan năng phán đoán dựa vào một sự vui sướng như vậy (có giá trị phổ quát) được gọi là sở thích (Geschmack). Vì lẽ nguyên nhân của sự vui sướng được xác định đơn thuần ở nơi hình thức của đối tượng cho sự phản tư nói chung, do đó, không phải ở nơi cảm giác về đối tượng cũng như không có quan hệ với một khái niệm chứa đựng điều này hay điều kia, nên chỉ là tính hợp quy luật trong việc sử dụng thường nghiệm năng lực phán đoán nói chung (sự thống nhất giữa trí tưởng tượng với giác tính) ở nơi chủ thể; đồng thời biểu tượng về đối tượng trong sự phản tư – mà những điều kiện của sự phản tư này có giá trị phổ quát tiên nghiệm – chỉ tương ứng với chủ thể này mà thôi. | Và bởi lẽ sự trùng hợp này của đối tượng với các quan năng của chủ thể là có tính bất tất, nên nó tác động để tạo ra biểu tượng về một tính hợp mục đích của đối tượng trong quan hệ với các quan năng nhận thức của chủ thể.

Vậy, niềm vui sướng này – giống như mọi sự vui sướng hay không-vui sướng không phải do khái niệm về Tự do tác động, (nghĩa là, không phải thông qua sự quy định trước đó của quan năng ham muốn là quan năng cao cấp bằng lý tính thuần túy) – không bao giờ có thể được xem là thiết yếu gắn liền với biểu tượng về một đối tượng xuất phát từ các khái niệm, trái lại, phải được nhận thức là thiết yếu gắn liền với biểu tượng này chỉ thông qua tri giác được phản tư mà thôi. | Do đó, cũng giống như mọi phán đoán thường nghiệm, nó không thể nói lên tính tất yếu khách quan nào cũng như không thể đòi hỏi có giá trị tiên nghiệm được. Song, trong thực tế, cũng giống như bất kỳ phán đoán thường nghiệm nào khác, phán đoán sở thích (Geschmacksurteil) cũng chỉ đòi hỏi là có giá trị [phổ biến] cho bất kỳ cá nhân riêng lẻ nào; điều mà, bất kể tính bất tất bên trong của nó, bao giờ cũng có thể làm được. Điều lạ lùng và khác thường chỉ là ở chỗ: nó không phải là một khái niệm thường nghiệm mà là một tình cảm vui sướng (do đó hoàn toàn không phải là khái niệm), nhưng thông qua phán đoán sở thích, lại làm như thể (als ob) là một thuộc tính gắn liền với tri thức về đối tượng, do đó, phải [tất yếu] đúng với bất cứ ai và nối kết chặt chẽ với biểu tượng về đối tượng ấy.

Một phán đoán thường nghiệm riêng lẻ, chẳng hạn phán đoán của một người đang nhìn thấy một giọt nước đang lăn trên phiến đá, có quyền đòi hỏi rằng bất kỳ một ai khác cũng phải nhìn thấy như vậy, bởi người ấy đưa ra phán đoán này là dựa theo những điều kiện phổ biến của năng lực phán đoán-xác định, phục tùng những quy luật của một kinh nghiệm khả hữu nói chung. Cũng thế, trong sự phản tư đơn thuần về hình thức của một đối tượng và không quan tâm gì đến một khái niệm, một ai đó cảm nhận được vui sướng, thì, tuy phán đoán này là thường nghiệm và là một phán đoán riêng lẻ, vẫn có quyền đòi hỏi sự tán thành của bất kỳ người nào khác, bởi nguyên nhân đưa đến niềm vui sướng này là ở trong điều kiện phổ biến – mặc dù chủ quan – của các phán đoán phản tư, tức là của sự trùng hợp mang tính hợp mục đích giữa một đối tượng (là một sản phẩm của Tự nhiên hay của nghệ thuật) với mối quan hệ của các quan năng nhận thức với nhau (giữa trí tưởng tượng và giác tính) vốn phải có để đi đến bất kỳ nhận thức thường nghiệm nào. Vậy, trong phán đoán sở thích, tuy niềm vui sướng phụ thuộc vào một biểu tượng thường nghiệm và không thể được gắn kết với một khái niệm nào cả (ta không thể xác định một cách tiên nghiệm rằng một đối tượng sẽ tương ứng với sở thích của ta hay không, ta phải thử xem đối tượng ấy có như thế không), thế nhưng nó vẫn là nguyên nhân quy định của phán đoán này chỉ bởi ta ý thức rằng: nó [sự vui sướng] chỉ đơn thuần dựa trên sự phản tư và trên những điều kiện phổ biến, mặc dù chỉ là chủ quan, của sự trùng hợp giữa sự phản tư ấy với nhận thức về những đối tượng nói chung, mà đối với nó, hình thức của đối tượng là có tính hợp mục đích (zweckmäßig).

Đó là lý do tại sao những phán đoán của sở thích cũng phải phục tùng một sự Phê phán về khả thể của chúng. | Bởi khả thể của chúng tiền-giả định một nguyên tắc tiên nghiệm, mặc dù nguyên tắc này vừa không phải là một nguyên tắc nhận thức của giác tính, vừa không phải là một nguyên tắc thực hành của ý chí, và do đó, không thể nào xác định được một cách tiên nghiệm cả.

Tuy nhiên, tính thụ nhận hay tính cảm thụ (Emp-fanglichkeit) một niềm vui sướng nảy sinh từ sự phản tư về những hình thức của sự vật (của Tự nhiên cũng như của nghệ thuật) không chỉ biểu thị một tính hợp mục đích về phía những đối tượng trong quan hệ của chúng với năng lực phán đoán-phản tư ở nơi chủ thể tương ứng với khái niệm về Tự nhiên, mà ngược lại, cả tính hợp-mục đích về phía chủ thể đáp ứng khái niệm về Tự do, liên quan đến hình thức (Form), thậm chí cả đến cái vô-hình thức (Unform)* của những đối tượng. | Cho nên mới có việc: phán đoán thẩm mỹ, với tư cách là một phán đoán sở thích, không chỉ đơn thuần liên quan đến cái đẹp, mà còn liên quan đến cái cái cao cả (das Erhabene), với tư cách là cái gì được nảy sinh từ một tình cảm tinh thần (Geistesgefühl) [cao hơn]. | Do đó, “sự Phê phán về năng lực phán đoán thẩm mỹ” nói trên phải được chia ra làm hai phần chính, tương ứng với hai lĩnh vực này [“Phân tích pháp về cái đẹp” và “Phân tích pháp về cái cao cả”]**.

 

VIII

BIỂU TƯỢNG LÔGÍC VỀ TÍNH HỢP MỤC ĐÍCH CỦA TỰ NHIÊN

hai cách để có thể hình dung tính hợp mục đích trong một đối tượng được kinh nghiệm mang lại. Nó có thể xuất phát từ một nguyên nhân đơn thuần chủ quan. | Trong trường hợp này, đối tượng được xem – về mặt hình thức của nó – như là có mặt trong sự lĩnh hội (apprehensio) trước bất kỳ khái niệm nào; và sự trùng hợp của hình thức này với các quan năng nhận thức – để đưa tới sự hợp nhất giữa trực quan và các khái niệm thành một nhận thức nói chung – được hình dung như là một tính hợp mục đích của hình thức của đối tượng. | Hoặc, biểu tượng về tính hợp mục đích xuất phát từ cái gì khách quan, trong trường hợp ấy, nó được hình dung như là sự trùng hợp giữa hình thức của đối tượng với khả thể của bản thân sự vật dựa theo một khái niệm có trước về sự vật và chứa đựng cơ sở [hay nguyên nhân] của hình thức này. Ta đã thấy rằng: biểu tượng về tính hợp mục đích thuộc loại trước là dựa trên sự vui sướng được cảm nhận trực tiếp ở trong sự phản tư đơn thuần về hình thức của đối tượng. | Còn tính hợp mục đích thuộc loại sau thì, bởi nó liên hệ hình thức của đối tượng không phải với các quan năng nhận thức của chủ thể trong việc lĩnh hội mà với một nhận thức nhất định về đối tượng phục tùng một khái niệm được cho, nên không liên quan gì đến một tình cảm vui sướng trước những sự vật mà chỉ liên quan đến giác tính trong khi phán đoán về những sự vật ấy.

Một khi khái niệm về một đối tượng được mang lại, thì công việc [chức năng] của năng lực phán đoán – trong việc sử dụng khái niệm này để nhận thức – là ở chỗ trình bày (Darstellung/exhibitio), tức là, đặt một trực quan bên cạnh khái niệm, tương ứng với khái niệm ấy. | Đây có thể là việc làm của trí tưởng tượng của ta như trong trường hợp [sáng tạo] nghệ thuật, là khi ta thực hiện một khái niệm đã được nhận rõ trước đó về đối tượng [sáng tác] và khái niệm ấy được đặt ra trước mắt ta như một mục đích. | Hoặc đây là việc làm của [bản thân] Tự nhiên ở trong “kỹ năng” (Technik) của chính nó (như ở những sinh thể hữu cơ), khi ta lấy quan niệm của ta về mục đích làm căn cứ để phán đoán về sản phẩm của Tự nhiên; và trong trường hợp này, điều được hình dung không đơn thuần là tính hợp mục đích của Tự nhiên ở trong hình thức của sự vật, mà chính [bản thân] sản phẩm này với tư cách là mục đích của Tự nhiên.

Quan niệm của ta cho rằng Tự nhiên, trong những quy luật thường nghiệm, là có tính hợp mục đích một cách chủ quan trong những hình thức của nó tuy hoàn toàn không phải là một khái niệm [xác định] về đối tượng, mà chỉ là một nguyên tắc của năng lực phán đoán của ta nhằm tạo ra cho mình những khái niệm ở trong tính đa tạp quá lớn của Tự nhiên (để có thể định hướng cho mình ở trong Tự nhiên), nhưng, hầu như vì để phục vụ cho quan năng nhận thức của ta, ta vẫn gán cho Tự nhiên sự tương tự (Analogie) của một “mục đích”. | Và như thế, ta có thể xem vẻ đẹp của Tự nhiên (Naturschönheit) như là sự diễn tả khái niệm về tính hợp mục đích hình thức (đơn thuần chủ quan của ta); và xem những mục đích của Tự nhiên (Naturzwecke) như là sự diễn tả khái niệm về tính hợp mục đích hiện thực (khách quan). | Đối với cái trước, ta phán đoán bằng sở thích (tức: thẩm mỹ, nhờ vào tình cảm vui sướng); còn với cái sau, ta phán đoán bằng giác tính và lý tính (tức: lôgíc, nhờ vào các khái niệm).

Trên đây là cơ sở để phân chia việc “Phê phán năng lực phán đoán” ra thành sự phê phán năng lực phán đoán thẩm mỹ và sự phê phán năng lực phán đoán mục đích luận. | Ta hiểu cái trước là năng lực phán đoán về tính hợp mục đích hình thức (còn gọi là tính hợp mục đích chủ quan) thông qua tình cảm vui sướng hoặc không vui sướng; còn cái sau là về tính hợp mục đích hiện thực (hay khách quan) của Tự nhiên thông qua giác tính và lý tính.

Trong công cuộc Phê phán năng lực phán đoán thì phần bàn về năng lực phán đoán thẩm mỹ là thiết yếu hệ trọng, bởi chỉ duy nhất năng lực này là chứa đựng một nguyên tắc do chính nó mang lại một cách hoàn toàn tiên nghiệm làm cơ sở cho sự phản tư của nó về Tự nhiên. | Đó là nguyên tắc về tính hợp mục đích hình thức của Tự nhiên cho các quan năng nhận thức của ta trong những quy luật đặc thù (thường nghiệm) của Tự nhiên, – một nguyên tắc mà không có nó, ắt giác tính sẽ không thể tìm thấy được chính mình [không cảm thấy như ở trong ngôi nhà của chính mình] ở trong Tự nhiên. | Trong khi đó, hoàn toàn không thể trưng ra bất kỳ cơ sở tiên nghiệm nào, vâng, thậm chí không hề có khả thể nào từ khái niệm về Tự nhiên, xét như đối tượng của kinh nghiệm về phương diện phổ biến lẫn đặc thù, cho thấy nhất thiết phải có những mục đích khách quan của Tự nhiên, nghĩa là, tại sao những sự vật chỉ có thể có được khi chúng phải [thực sự] là những mục đích của Tự nhiên. | Trái lại, chỉ có năng lực phán đoán, tuy bản thân không sở hữu tiên nghiệm một nguyên tắc nào cho việc này, nhưng khi gặp phải những trường hợp (hay những sản phẩm nhất định của Tự nhiên) thì, vì lợi ích của lý tính, lại chứa đựng quy tắc để sử dụng khái niệm về mục đích, sau khi nguyên tắc siêu nghiệm nói trên đã chuẩn bị cho giác tính áp dụng khái niệm về mục đích (chí ít là về mặt hình thức) vào cho Tự nhiên.

Nhưng, nguyên tắc siêu nghiệm – nhờ đó một tính hợp mục đích của Tự nhiên được hình dung trong mối quan hệ chủ quan của nó với các quan năng nhận thức của ta nơi hình thức của một sự vật như là một nguyên tắc để phán đoán về hình thức ấy – hoàn toàn để bất định câu hỏi: ở đâu và trong những trường hợp nào tôi phải đánh giá đối tượng như là một sản phẩm vận hành theo nguyên tắc của tính hợp-mục đích chứ không phải đơn thuần vận hành theo các quy luật phổ biến của Tự nhiên. | Nó nhường lại cho năng lực phán đoán thẩm mỹ công việc quyết định về tính tương hợp giữa sản phẩm này (trong hình thức của nó) với các quan năng nhận thức của ta như là một vấn đề thuộc sở thích (một vấn đề mà năng lực phán đoán thẩm mỹ quyết định không phải bằng bất kỳ sự trùng hợp nào với các khái niệm, mà chỉ bằng tình cảm thẩm mỹ). Ngược lại, năng lực phán đoán được sử dụng theo kiểu mục đích luận (teleologisch) lại đề ra những điều kiện mang tính xác định (bestimmt) để đánh giá một cái gì đó (chẳng hạn một cơ thể có tổ chức) là phục tùng ý niệm về một mục đích của Tự nhiên. | Tuy nhiên, nó không thể rút ra bất cứ nguyên tắc nào từ khái niệm về Tự nhiên, xét như một đối tượng của kinh nghiệm, để cho phép nó có thẩm quyền gán cho Tự nhiên một cách tiên nghiệm là có quan hệ với những mục đích, hoặc thậm chí chỉ phỏng đoán một cách bất định những mục đích như thế từ kinh nghiệm hiện thực đối với các sản phẩm ấy. | Lý do của việc này [của việc không có thẩm quyền] là: để có thể nhận thức một cách đơn thuần thường nghiệm về tính hợp mục đích khách quan nơi một đối tượng nào đó, cần phải tập hợp rất nhiều những kinh nghiệm đặc thù và xem xét chúng dưới sự thống nhất của nguyên tắc về chúng. Do đó, năng lực phán đoán thẩm mỹ là một quan năng đặc biệt nhằm phán đoán về những sự vật dựa theo một quy tắc (Regel) chứ không phải dựa theo các khái niệm. Còn năng lực phán đoán mục đích luận không phải là một quan năng đặc thù mà chỉ là năng lực phán đoán-phản tư nói chung tiến hành phán đoán dựa theo các khái niệm như lúc nào cũng phải thế ở trong việc nhận thức lý thuyết, nhưng chỉ liên quan đến một số đối tượng nhất định của Tự nhiên dựa theo các nguyên tắc đặc thù, đó là các nguyên tắc của một năng lực phán đoán đơn thuần có tính năng phản tư (reflektierend) chứ không xác định (bestim-mend) các đối tượng. | Vì thế, xét về mặt áp dụng, nó thuộc về bộ phận lý thuyết của triết học; và vì lẽ các nguyên tắc của nó là đặc thù, không có tính năng xác định như các nguyên tắc thuộc về phần Học thuyết (Doktrin) vốn phải có, nên nó phải trở thành một đối tượng đặc biệt của việc Phê phán. | Trong khi đó, năng lực phán đoán thẩm mỹ không đóng góp gì hết vào việc nhận thức các đối tượng của nó, do đó, phải được xếp chung vào công cuộc Phê phán chủ thể phán đoán cũng như phê phán các quan năng nhận thức của chủ thể ấy, trong chừng mực các quan năng này có khả năng sở hữu các nguyên tắc tiên nghiệm, dù các nguyên tắc này được dùng theo cách lý thuyết hay cách thực hành. | Việc Phê phán này [cũng như việc phê phán chủ thể nói chung] là phần dự bị (Propädeutik) của mọi ngành triết học.

 

IX

SỰ NỐI KẾT CÁC VIỆC BAN BỐ QUY LUẬT (GESETZGEBUNGEN) CỦA GIÁC TÍNH VÀ LÝ TÍNH THÔNG QUA NĂNG LỰC PHÁN ĐOÁN

Giác tính ban bố quy luật tiên nghiệm cho Tự nhiên như là đối tượng của giác quan để trở thành một nhận thức lý thuyết trong một kinh nghiệm khả hữu. Lý tính thì ban bố quy luật tiên nghiệm cho Tự do và cho tính nhân quả riêng biệt của nó như là cái Siêu-cảm tính ở trong chủ thể để trở thành một nhận thức thực hành-vô điều kiện. Lĩnh vực của khái niệm về Tự nhiên một bên và lĩnh vực của khái niệm Tự do ở bên kia, với sự ban bố quy luật khác nhau, mà ảnh hưởng qua lại có thể có giữa chúng với nhau (mỗi bên tuân theo các quy luật cơ bản của mình) là hoàn toàn bị cắt đứt bởi một vực thẳm mênh mông ngăn cách cái Siêu cảm-tính với những hiện tượng. Khái niệm Tự do không quy định điều gì cả liên quan đến nhận thức lý thuyết về Tự nhiên; còn khái niệm về Tự nhiên cũng không liên quan gì đến những quy luật thực hành của Tự do, và trong chừng mực đó, không thể nào bắt một nhịp cầu từ lĩnh vực này sang lĩnh vực kia.

Chỉ có điều, mặc dù những cơ sở quy định của tính nhân quả dựa theo khái niệm về Tự do (và quy tắc thực hành mà nó bao hàm) không có chỗ trong Tự nhiên, và cái cảm tính không thể quy định cái Siêu-cảm tính ở trong chủ thể, thì điều ngược lại vẫn là có thể (tất nhiên không phải trong phương diện nhận thức về Tự nhiên mà về những hậu quả nảy sinh từ cái Siêu-cảm tính tác động lên cái cảm tính). | Điều này được bao hàm trong khái niệm về một tính nhân quả bởi Tự do, mà hoạt động của nó, – phù hợp với các quy luật hình thức của Tự do – phải tạo ra tác động ở trong thế giới [cảm tính]. | Tuy nhiên, từ “nguyên nhân” (Ursache) được áp dụng cho cái Siêu-cảm tính chỉ có ý nghĩa là “cơ sở” (Grund) quy định tính nhân quả cho những sự vật của Tự nhiên khiến chúng trở thành một kết quả vừa phù hợp với những quy luật tự nhiên của riêng chúng, nhưng cũng vừa đồng thời nhất trí được với nguyên tắc hình thức của các quy luật của lý tính; tức, một “cơ sở” mà khả thể của nó tuy không thể nhìn thấu được [bằng con mắt cảm tính] nhưng vẫn có thể thừa sức phản bác lại những nghi vấn về sự mâu thuẫn tưởng như có thể tìm được trong đó[2].

Kết quả tác động dựa theo khái niệm về Tự do là mục đích tự thân (Endzweck). | Mục đích tự thân này (hay sự thể hiện – như hiện tượng – của nó ở trong thế giới cảm tính) phải tồn tại và điều kiện khả thể của mục đích này được tiền-giả định ở trong Tự nhiên (tức trong bản tính tự nhiên của chủ thể với tư cách là sinh vật cảm tính, nghĩa là, với tư cách là con người). Chính năng lực phán đoán tiền-giả định điều này một cách tiên nghiệm và không quan tâm đến cái thực hành. | Quan năng này, với khái niệm của nó về một tính hợp mục đích của Tự nhiên, mang lại cho ta khái niệm trung giới [trung gian môi giới] giữa những khái niệm của Tự nhiên và khái niệm về Tự do, – một khái niệm làm cho sự quá độ (Übergang) từ cái thuần túy lý thuyết [sự ban bố quy luật của giác tính] sang cái thuần túy thực hành [sự ban bố quy luật của lý tính] có thể có được cũng như từ tính hợp quy luật của cái trước [giác tính] sang cứu cánh tối hậu của cái sau [lý tính]. | Bởi, thông qua khái niệm này, ta nhận ra khả thể của mục đích tự thân, là cái chỉ có thể hiện thực hóa ở trong Tự nhiên và nhất trí với những quy luật của Tự nhiên.

Giác tính, do có khả năng mang lại những quy luật tiên nghiệm cho Tự nhiên, cung cấp bằng cớ (Beweis) chứng minh rằng ta chỉ có thể nhận thức Tự nhiên như là hiện tượng; và khi làm như thế, nó đồng thời báo hiệu (Anzeige) về một cơ chất siêu cảm tính (ein übersinnliches Substrat) của Tự nhiên, nhưng lại để điều này hoàn toàn bất định. Rồi chính năng lực phán đoán, thông qua nguyên tắc tiên nghiệm của nó trong việc phán đoán về Tự nhiên dựa theo những quy luật đặc thù khả hữu của Tự nhiên, mang lại cho cái cơ chất siêu cảm tính này (ở trong cũng như ở ngoài ta) tính có thể xác định được (Bestimmbarkeit) nhờ vào quan năng trí tuệ (intellektuelles Vermögen). Còn lý tính thì mang lại sự xác định (Bestimmung) cho cơ chất ấy bằng quy luật thực hành tiên nghiệm; và như thế, năng lực phán đoán làm cho bước chuyển từ lĩnh vực của khái niệm Tự nhiên sang lĩnh vực của khái niệm Tự do có thể có được.

Xét về các quan năng của tâm hồn nói chung (Seelen-vermögen überhaupt), trong chừng mực chúng được xét như là các quan năng cao cấp, tức, các quan năng chứa đựng tính tự trị (Autonomie) thì: giác tính là quan năng của nhận thức (nhận thức lý thuyết về Tự nhiên), chứa đựng những nguyên tắc tiên nghiệm có tính “cấu tạo” (konstitutiv). | Năng lực phán đoán là dành cho tình cảm vui sướng hay không vui sướng, độc lập với mọi khái niệm và cảm giác là những cái quan hệ với tính quy định của quan năng ham muốn và qua đó, có thể là thực hành một cách trực tiếp. | Còn cho quan năng ham muốn thì có lý tính, không qua trung giới của bất kỳ sự vui sướng nào dù nguồn gốc từ đâu, là có tính thực hành và với tư cách là quan năng cao cấp, xác định mục đích tự thân cho quan năng ham muốn; mục đích tự thân đồng thời kéo theo sự hài lòng (Wohlgefallen) thuần túy trí tuệ nơi đối tượng.

Khái niệm của năng lực phán đoán về một tính hợp mục đích của Tự nhiên vẫn thuộc về những khái niệm của Tự nhiên, nhưng chỉ như là nguyên tắc điều hành (regulativ) của quan năng nhận thức, mặc dù phán đoán thẩm mỹ về một số đối tượng nào đó (của Tự nhiên hay của nghệ thuật), – phán đoán tạo cơ hội nảy sinh khái niệm về tính hợp mục đích – lại là một nguyên tắc có tính cấu tạo đối với tình cảm vui sướng hay không vui sướng. Tính nội khởi [hay tự khởi: Spontaneität) trong sự tương tác (Spiel) của các quan năng nhận thức – mà sự tương hợp hài hòa giữa chúng bao hàm cơ sở [nguyên nhân] cho niềm vui sướng này – làm cho khái niệm về tính hợp mục đích nói trên, cùng với các hậu quả của nó, trở nên thích hợp với vai trò trung giới cho việc nối kết lĩnh vực của khái niệm Tự nhiên với khái niệm về Tự do; đồng thời, sự tương hợp hài hòa này cũng thúc đẩy tính cảm thụ của tâm thức (Gemüt)* trước tình cảm luân lý.

Bảng sau đây có thể giúp ta dễ hình dung khái quát mọi quan năng cao cấp trong tính thống nhất có hệ thống của chúng[3]

 

Toàn bộ các quan năng của tâm thức

Quan năng nhận thức

Các nguyên tắc tiên nghiệm

Lĩnh vực áp dụng

Quan năng nhận thức

Giác tính

Tính hợp
quy luật

Tự nhiên

Tình cảm vui sướng và không vui sướng

Năng lực phán đoán

Tính hợp

mục đích

Nghệ thuật

Quan năng ham muốn

Lý tính

Cứu cánh tối hậu

Tự do

 

 



* Ám chỉ chẳng hạn Alexander Gottlieb Baumgarten. Xem Baumgarten, Initia philosophiae practicae primae acroamaticae, Halle, 1760, §6. (N.D).

* Ở đây, cũng như trong bản dịch tiếng Việt quyển Phê phán Lý tính thuần túy (NXB Văn học, Hà Nội, 2004), chúng tôi đề nghị dịch chữ “Ding an sich”“vật-tự thân” thay vì “vật-tự nó” chỉ đơn giản vì lý do ngữ pháp. Trong tiếng Đức, chữ “an sich” không thay đổi tự dạng khi ở “số ít” hay “số nhiều” (Ding an sich/Dinge an sich), nhưng trong tiếng Việt, dạng số nhiều ắt phải viết: “những vật-tự chúng” chứ không thể viết “những vật-tự ” (giống như trong tiếng Anh chẳng hạn: “thing in itself”/things in themselves), và như thế, trở thành quá rườm, khó đọc. (N.D).

[1] Mỗi khi ta có lý do để ngờ rằng những khái niệm được ta dùng như những nguyên tắc thường nghiệm có mối quan hệ thân thuộc với quan năng nhận thức thuần túy tiên nghiệm, ta nên thử xét mối quan hệ này bằng một định nghĩa siêu nghiệm, tức là bằng các phạm trù thuần túy, trong chừng mực chỉ cần bản thân chúng là đủ cho thấy sự khác biệt của khái niệm đang xét với những khái niệm khác. Ở đây, ta noi gương nhà toán học khi ông để cho các dữ kiện thường nghiệm của bài toán cứ bất định và chỉ bằng sự tổng hợp thuần túy, đưa mối quan hệ của chúng vào dưới các khái niệm của số học thuần túy, và như thế, khái quát hóa lời giải của mình. Người ta trách tôi đã dùng phương pháp tương tự như thế (xem Phê phán lý tính thực hành, trang 16 của Lời Tựa) và phê phán định nghĩa [khái quát hóa của tôi] về quan năng ham muốn như là “quan năng mà thông qua những biểu tượng của mình là nguyên nhân cho tính hiện thực của những đối tượng của những biểu tượng ấy”, bởi [theo họ] những mong ước đơn thuần cũng có thể là những ham muốn, nhưng trong trường hợp ấy, bất cứ ai cũng phải từ bỏ tham vọng rằng chỉ cần dựa vào các mong muốn suông mà có thể tạo ra được đối tượng hiện thực. Nhưng, điều này không chứng minh điều gì hơn là: trong con người có cả những ham muốn, qua đó mình tự mâu thuẫn với chính mình. | Bởi trong trường hợp ấy, người ta tìm cách tạo ra đối tượng chỉ bằng biểu tượng của mình, song không thể hy vọng có thành công nào, bởi ý thức rằng các sức mạnh “cơ giới” của mình (nếu tôi được phép gọi các sức mạnh không thuộc lĩnh vực tâm lý như vậy) – được xác định bởi biểu tượng ấy nhằm tạo ra đối tượng (tức nhờ vào phương tiện) – hoặc bất cập hoặc thậm chí nhắm vào một việc bất khả, chẳng hạn như muốn làm cho quá khứ không diễn ra (latinh: “O mihi praeteritos referat si Juppiter annos!”) [“Ôi, ước gì thần Jupiter ban tặng lại cho tôi những năm tháng đã trôi qua!” Vergil, Aeneis VIII 560, ND], hoặc, vì quá nóng lòng, muốn có thể thủ tiêu khoảng thời gian chờ đợi ngăn cách ta với giây phút ước mong.

Trong những ham muốn hoang đường như thế, dù ta có ý thức về tính vô hiệu (thậm chí tính vô ích) của các biểu tượng của ta, thì các biểu tượng vẫn là nguyên nhân cho các đối tượng của chúng; cũng thế, trong bất kỳ mong ước nào đều chứa đựng mối quan hệ với biểu tượng như là nguyên nhân, do đó, là biểu tượng về tính nhân quả của nó; điều này đặc biệt dễ nhận thấy khi mong ước là một tác động như trong trường hợp của sự hoài vọng. Bởi những ham muốn ấy, khi chúng làm cho lòng ta chùng xuống, ủ rũ đi và vét cạn hết sức lực, chứng tỏ rằng chính vì các biểu tượng mà sức lực của ta liên tục bị căng bức, song, cũng cho thấy tâm thức ta không ngừng để rơi trở lại vào tình trạng chán chường do nhận ra tính bất khả của hoài vọng ấy. Ngay cả những lời cầu nguyện hòng đẩy lui những tai họa to lớn kể cả khi biết rõ đó là tai họa không thể tránh được, cũng như nhiều phương tiện có tính mê tín hòng đạt được những mục đích không thể nào đạt được bằng phương tiện tự nhiên chứng minh rõ mối quan hệ nhân quả giữa các biểu tượng và các đối tượng của chúng; một tính nhân quả mà dù có ý thức về tính vô hiệu của nó vẫn không thể ngăn cản người ta nỗ lực theo đuổi. Còn tại sao xu hướng vươn tới những ham muốn được biết rõ là vô vọng lại được đặt vào trong bản tính tự nhiên của chúng ta, thì đó lại là một vấn đề nhân loại học mang tính mục đích luận (anthropologisch-teleologische Frage). Dường như nếu chúng ta không chịu sử dụng sức lực trước khi biết chắc về tính hiệu quả của năng lực tạo ra đối tượng của ta, hẳn phần lớn sức lực của ta sẽ không được sử dụng. Bởi quy luật chung là: ta chỉ thực sự biết rõ năng lực của ta một khi ta cố thử sức. Do đó, ảo tưởng lừa dối của những mong ước vô vọng chỉ là kết quả của một sự sắp đặt có ích lợi ở trong bản tính tự nhiên của ta. (Chú thích của tác giả).

* Ở trang BXXXVII, Kant còn gọi đó là “Heautonomie” (sự “tự chế”). “Heautonomie” là một nguyên tắc của năng lực phán đoán phản tư, theo đó, chủ thể mang lại quy luật không phải cho Tự nhiên (như là “sự tự trị” của chủ thể (Autonomie)) để nhận thức Tự nhiên một cách tiên nghiệm theo kiểu một quy luật khoa học, mà là cho chính mình (Heautonomie) để hướng dẫn sự phản tư của chủ thể về Tự nhiên nhằm tìm ra cái phổ biến cho cái đặc thù được mang lại cho năng lực phán đoán bởi tri giác. Việc phân biệt “năng lực phán đoán xác định”“năng lực phán đoán phản tư” là cực kỳ hệ trọng để hiểu được tinh thần cơ bản của quyển Phê phán năng lực phán đoán này: năng lực phán đoán xác định là áp dụng (niệm thức hóa và thâu gồm) một biểu tượng thường nghiệm vào dưới những khái niệm (phổ biến) của giác tính để có được nhận thức (tức để “xác định” khái niệm ấy); còn để mang lại sự thống nhất cho tính đa tạp của vô số quy luật thường nghiệm, năng lực phán đoán tiến hành một cách phản tư bằng một trong hai cách sau đây: hoặc bằng cách so sánh và nối kết những khái niệm với nhau dựa theo một nguyên tắc phổ biến nhưng bất định về một trật tự có hệ thốngcó mục đích của Tự nhiên (gọi giả định là “Kỹ năng hay nghệ thuật của Tự nhiên”/“Technik der Natur”) nhằm đạt được những phán đoán mục đích luận phản tư [giả định chứ không phải xác định, chỉ để định hướng cho tư duy]; hoặc bằng cách so sánh và nối kết những khái niệm ấy với một sự tương tác hài hòa giữa các năng lực nhận thức (giác tính và trí tưởng tượng) để có được những phán đoán thẩm mỹ phản tư. Quyển Phê phán năng lực phán đoán tập trung bàn về hai loại phán đoán phản tư này (phần I bàn về phán đoán thẩm mỹ phản tư (tức phần “Mỹ học”) và phần II bàn về phán đoán mục đích luận phản tư. Mỗi phần đều tiến hành giống như trong quyển Phê phán Lý tính thuần túy: Phân tích pháp và Biện chứng pháp, tức về việc sử dụng “hợp pháp, chính đáng” và về việc sử dụng “không hợp pháp, không chính đáng” về chúng).

Kant xem những phán đoán phản tư, về một mặt nào đó, còn “ưu việt” hơn những phán đoán xác định. Chính chúng mới tạo nên được nhịp cầu nối giữa ba lĩnh vực: lý tính lý thuyết, lý tính thực hành và năng lực phán đoán. Quan niệm của Kant về “phán đoán phản tư” có ảnh hưởng lớn đến hậu thế: Schelling (1800), Nietzsche (1901) đều tiếp thu và muốn đặt nền Siêu hình học hậu-phê phán trên cơ sở của năng lực phán đoán phản tư. Ở thời hiện đại, Arendt (1989) và Lyotard (1983) đều đã thử dùng phán đoán phản tư như là cơ sở cho phán đoán chính trị và như là phương tiện để đặt câu hỏi về cấu trúc của những phán đoán “xác định”, “giáo điều”, “tiền lập” trong các xã hội hiện đại, vì cả hai nhận ra tiềm năng tăng cường sự tự do vốn bao hàm trong việc phán đoán không dựa vào một quy luật có sẵn. (Xem thêm chú thích * cho BXXVIII về “mục đích”“tính hợp mục đích”). (N.D).

* “Mục đích” (Zweck) (Hy Lạp: telos) là mục tiêu (Ziel) muốn đạt được hay nhắm đến. Tính từ “zweckmäßig” (“hợp mục đích” hay “có tính mục đích”), theo nghĩa thông thường, không nhất thiết bao hàm cái gì được xác định như là một mục đích mà chỉ cái gì phục vụ một mục đích, hay “có lợi”, “cần thiết”. Nhưng, với Kant, một thực thể là có “tính hợp mục đích” là khi và chỉ khi sự tồn tại và bản tính của nó không thể được giải thích bằng cách nào khác hơn là bằng một “tính nguyên nhân dựa theo các khái niệm”. Đặc tính này của một thực thể chính là “tính hợp mục đích” (Zweckmäßigkeit) của nó. Như thế, gọi cái gì đó là “hợp mục đích” không phải là do nó phục vụ một mục đích (như là phương tiện), mà là do nó chỉ có thể được xem như là được tạo ra bởi một mục đích, vì mục đích là khái niệm về thực thể ấy, trong chừng mực mục đích chứa đựng cơ sở hay nguyên nhân (Grund) của tính hiện thực (Wirklichkeit) của thực thể này.

Vd: nếu tôi hình thành khái niệm về một hành vi, về đối tượng hay về một tình huống nào đó, rồi tạo nó ra trên cơ sở khái niệm ấy của tôi, thì khái niệm là mục đích, còn hành vi hoặc thực thể được tạo ra bởi hành vi tương ứng với khái niệm ấy là “hợp mục đích” (zweckmäßig). Nhưng, theo Kant, một thực thể vẫn có thể là “hợp mục đích” dù trong thực tế không được tạo ra bởi một mục đích hay khái niệm: đó là thực thể chỉ có thể được giải thích bởi chính khái niệm hay mục đích nơi bản thân nó. Những sinh thể hữu cơ thuộc loại này, vì chúng cho thấy một “tính hợp mục đích mà không có mục đích” (Zweckmäßigkeit ohne Zweck). Do đó, tính mục đích của chúng chỉ có tính chủ quan trong phán đoán của ta ở cấp độ cao hơn so với những quan hệ nhân quả khách quan của sự vật: quan hệ nhân quả cần phải có kinh nghiệm khách quan, trong khi ta chỉ dùng tính mục đích (chủ quan) để giải thích sự tồn tại và bản tính của những sinh thể hữu cơ mà không có kinh nghiệm khách quan nào về mục đích ấy cả. Nhận định này sẽ có ý nghĩa rất quan trọng trong phán đoán phản tư của Kant đối với lĩnh vực tự nhiên và thẩm mỹ. (Xem §10, tr. B33 và tiếp).

(Quan niệm về tính hợp mục đích chủ quan và năng lực phán đoán phản tư này của Kant hoàn toàn khác với quan niệm của Hegel sau này. Hegel đồng ý với Kant rằng mục đích là một khái niệm. Nhưng vì Hegel tin rằng khái niệm là nội tại ở trong sự vật chứ không chỉ được hình thành bởi Tinh thần (hữu tận) của con người, nên Hegel bác quan niệm của Kant cho rằng tính mục đích (giả định) của sinh thể hữu cơ là không có mục đích và, do đó, không có tính khách quan. Hegel (giống với Aristote và khác với Platon) cho rằng mục đích (telos) của sự vật là nội tại trong bản thân nó và không cần đến Tinh thần (nous) ở bên ngoài nó để tạo ra hay có một mục đích. Cả Hegel và Aristote đều khẳng định một Tinh thần vũ trụ hay Nous, nhưng nó không áp đặt những mục đích của nó lên sự vật từ bên ngoài. Đó gọi là “mục đích luận nội tại”). (N.D).

* Xem I. Kant, Phê phán lý tính thuần túy: Về việc sử dụng các ý niệm của lý tính thuần túy theo cách điều hành, B671-B696. (N.D).

* - Autonomie: sự tự trị của giác tính và năng lực phán đoán (xác định) trong việc đề ra quy luật cho Tự nhiên (Tự nhiên xét như tổng thể của những hiện tượng chứ không phải những vật-tự thân; và “quy luật đề ra cho Tự nhiên” là các khái niệm thuần túy của giác tính (các phạm trù) và những niệm thức của năng lực phán đoán để thâu gồm trực quan thường nghiệm vào dưới các phạm trù ấy để có được nhận thức khách quan.

- Heautonomie: “sự tự chế” của năng lực phán đoán phản tư đề ra quy luật cho chính mình. (Xem chú thích * cho BXXVII). (N.D).

* Xem I. Kant, Phê phán lý tính thuần túy, trang B163-165. (N.D).

* “Objekt” “Gegenstand” đều có nghĩa là “đối tượng”, nhưng Kant có sự phân biệt tế nhị: “Objekt” chỉ đối tượng theo nghĩa “khách thể”, độc lập với ta; còn “Gegenstand” là đối tượng cho ta thông qua các mô thức của cảm năng = hiện tượng. Trong Phê phán lý tính thuần túy, Kant đã có sự phân biệt này nhưng vẫn thường dùng lẫn lộn. Ở đây, ông sử dụng hai thuật ngữ riêng biệt nhau nên chúng tôi cũng có sự phân biệt trong cách dịch, nhưng từ đây xin sẽ dịch chung là “đối tượng” cho dễ đọc. (N.D).

* “Cái vô-hình thức”: tức “cái cao cả” thường khi có “hình thức” đáng kinh sợ hơn là đẹp, nên Kant gọi là “vô-hình thức” hay “phản-hình thức”. Xem phân tích ở mục §23 và tiếp (Phân tích pháp về cái cao cả). (N.D).

** “cho nên mới có việc...” (dadurch geschieht es...): ở đây, Kant ngầm phê phán quan niệm của Georg Friedrich Meyer (“Auszug aus der Vernunftlehre”/“Trích đoạn từ học thuyết về lý tính”, Halle 1754, §19) cho rằng đối tượng của mỹ học chỉ là cái đẹp (“Cognitio pulchrasive aesthetica”). (dựa theo chú thích của Pierro Giordanetti ở cuối bản tiếng Đức của NXB Meiner; từ nay sẽ gọi là “dẫn theo bản Meiner” cho gọn, ngoại trừ những chú thích ghi rõ là của riêng người dịch. Các chú thích, trích dẫn của Pierro Giordanetti thường rất dài và chi tiết, ở đây xin được rút gọn). (N.D).

[2] Một trong nhiều điều tưởng rằng mâu thuẫn trong việc phân biệt hoàn toàn giữa tính nhân quả của Tự nhiên với tính nhân quả bởi Tự do được phát biểu trong vấn nạn rằng: khi tôi nói về những “trở ngại” gây ra bởi Tự nhiên đối với tính nhân quả theo những quy luật của Tự do (những quy luật luân lý) hoặc về những “thuận lợi” nhờ Tự nhiên mang lại, tức là tôi đồng thời thừa nhận một ảnh hưởng của cái trước [nhân quả Tự nhiên] đối với cái sau [nhân quả từ Tự do]. Thật ra, sự ngộ giải này rất dễ tránh nếu ta chịu lưu ý đến ý nghĩa của câu nói. “trở ngại” hay “thuận lợi” không phải là giữa Tự nhiên và Tự do, mà là giữa cái trước xét như hiện tượng và các hậu quả của cái sau cũng xét như những hiện tượng ở trong thế giới cảm tính. Ngay cả tính nhân quả của Tự do (của lý tính thuần túy và thực hành) vẫn là tính nhân quả của một nguyên nhân tự nhiên, song được đặt vào bên dưới Tự do (untergeordnet) (một tính nhân quả của chủ thể xét như của một con người và do đó, xét như một hiện tượng) mà “cơ sở” của tính quy định – bao hàm cái Khả niệm [Siêu cảm tính] được suy tưởng bằng Tự do – không thể giải thích được xa hơn hay bằng cách nào khác (giống như trường hợp cái khả niệm này lại cấu thành nên cái cơ chất siêu-cảm tính của Tự nhiên). [Chú thích của tác giả].

* “Tâm thức” (das Genüt): chỉ “ý thức nói chung” (Bewußtsein überhaupt) chứ không phải là một quan năng nhất định nào, do đó, được dịch là “tâm thức”, “tâm trí” hay “tâm hồn” tùy theo văn cảnh. (N.D).

[3] Người ta thường thắc mắc khi thấy các sự phân biệt của tôi trong phần Triết học thuần túy gần như lúc nào cũng là chia làm ba phần. Nhưng, điều này là nằm trong bản tính tự nhiên của sự việc: một sự phân chia, nếu là tiên nghiệm, thì có hai cách: hoặc có tính phân tích dựa theo nguyên tắc [loại trừ] mâu thuẫn, và như thế thì lúc nào cũng chia làm hai phần [Dichotomie: lưỡng phân] (latinh: quodlibet ens est aut A aut non A: sự vật nào cũng là A hoặc không A). Hoặc có tính tổng hợp, và, trong trường hợp này, nếu sự phân chia tổng hợp phải tiến hành từ các khái niệm tiên nghiệm (chứ không phải như trong toán học và từ trực quan tiên nghiệm tương ứng với khái niệm) thì sự phân chia nhất thiết phải thành ba phần (Trichotomie: tam phân) căn cứ theo đòi hỏi của cái gì thuộc về sự thống nhất tổng hợp nói chung, đó là: 1: điều kiện; 2: một cái có-điều kiện; và 3: khái niệm, nảy sinh từ sự hợp nhất của cái có-điều kiện với điều kiện của nó. [Chú thích của tác giả]. [“Tính nhịp ba”/Triplizität này cũng là mầm mống cho diễn trình biện chứng sẽ được Hegel tiếp thu và phát triển sau này. Xem Hegel, Hiện tượng học Tinh thần, Lời tựa, §50. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải, NXB Văn học, Hà Nội, 2006, N.D].

 

PHÊ PHÁN NĂNG LỰC PHÁN ĐOÁN (MỸ HỌC VÀ MỤC ĐÍCH LUẬN)

Mục lục 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20
                                         

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt