Đạo đức học

Chú giải dẫn nhập Học thuyết về phương pháp của lý tính thuần túy thực hành

 

CHÚ GIẢI DẪN NHẬP

 

PHẦN II:

HỌC THUYẾT VỀ PHƯƠNG PHÁP

CỦA LÝ TÍNH THUẦN TÚY THỰC HÀNH (A267-292)

 1   2   3   4   5   6 

 

BÙI VĂN NAM SƠN

 


Immanuel Kant. Phê phán lý tính thực hành. Phần II: “Học thuyết về phương pháp của lý tính thuần túy thực hành”. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2007, tr. 265-280. | Phiên bản đăng trên triethoc.edu.vn đã được sự đồng ý của dịch giả.


 

6.1. “Học thuyết về phương pháp” của lý tính thuần túy thực hành được Kant hiểu một cách khá đặc biệt và vì thế, còn giữ nguyên giá trị thời sự trong việc giáo dục về đạo đức và nhân cách.

Nếu nhận thức thông thường cần một kiểu cách (Manier), còn khoa học cần một phương pháp (Methode), tức “cần một tiến trình dựa theo những nguyên tắc của lý tính để chỉ nhờ đó cái đa tạp của bất kỳ lĩnh vực nhận thức nào cũng có thể trở thành một hệ thống” (A269), thì “học thuyết về phương pháp” hay “phương pháp học” của lý tính thuần túy thực hành có nhiệm vụ khác hẳn. Nó không phải là phương pháp tiến hành bằng những nguyên tắc thuần túy thực hành ở trong việc nghiên cứu hay trình bày nhằm đạt được một nhận thức khoa học về chúng. Vậy nó làm việc gì?

Ngay trong phần “Phân tích pháp”, với lý luận về tình cảm tôn kính đối với quy luật luân lý, Kant đã tìm cách cho thấy lý tính thuần túy cũng có thể tác động đến con người một cách chủ quan để hành động. Nhưng, chính trong phần Học thuyết về phương pháp này, Kant mới bàn về các điều kiện cụ thể để làm sao cho lý tính thuần túy thực hành thực sự lay động được trái tim ta và thôi thúc nó hành động một cách luân lý. Theo nghĩa đó, Học thuyết về phương pháp đề ra “những châm ngôn tổng quát nhất […] cho một sự đào luyệnthực tập luân lý” (A288), qua đó “các quy luật của lý tính thuần túy thực hành có thể đi vào trong tâm thức con người và có ảnh hưởng lên những châm ngôn của tâm thức ấy, nhờ đó ta biến lý tính thực hành khách quan thành lý tính thực hành chủ quan” (A269).

Sự quan tâm của Kant đối với mối quan hệ chặt chẽ giữa việc giáo dục đạo đức và xây dựng động cơ luân lý đã có từ rất sớm. Ngay từ đầu thập kỷ 70 của thế kỷ XVIII, trong các bài giảng về Nhân loại học, Kant đã đồng ý với triết gia Scotland là Henry Home khi Home bác lại quan niệm của J. J. Rousseau và cho rằng đức hạnh là phải “được dạy dỗ” (xem Kant, Toàn tập, XXV 196). Sau đó, Kant công khai ủng hộ kế hoạch của Bộ trưởng giáo dục nước Phổ là Freiherr Karl Abraham von Zedlitz là cần phải cải cách hệ thống giáo dục công cộng đang suy đồi trầm trọng và đòi hỏi một cuộc “cách mạng nhanh chóng” đối với các cơ sở giảng dạy. Trong suốt mười năm (từ 1776-1786), tại Đại học Königsberg, Kant thường xuyên có các khóa giảng về môn Sư phạm và luôn nhắc lại các vấn đề tâm lý học giáo dục trong các khóa giảng về môn Nhân loại học. Tuy nhiên, chỉ trong quyển Phê phán lý tính thực hành này, Kant mới thực sự bàn sâu về mối quan hệ chặt chẽ giữa một bên là đạo đức học (hay triết học luân lý) thuần túy và bên kia là việc giáo dục đạo đức và xây dựng tính cách.

Ý tưởng cơ bản của “Học thuyết phương pháp” khá đơn giản: quy luật luân lý chỉ có thể phát huy hết sức mạnh làm động lực chủ quan cho con người khi đức hạnh “được đưa vào trong lòng người” (A272). Để đạt được điều này, Kant đề nghị một phương pháp gồm hai cấp độ: đi từ động lực ngoại tại thông qua sự hài lòng thường nghiệm và sự chuẩn y từ bên ngoài, tức tính hợp lệ/Legalität đến động lực nội tâm thông qua sự tôn kính đối với quy luật luân lý, tức tính luân lý/Moralität. Theo Kant, chính lợi ích vị kỷ, tình cảm chia sẻ và thiện cảm là các chiếc “chìa khóa” thường nghiệm để mở ra cánh cửa bước vào thế giới khả niệm (mundus intelligibilis) với ý thức về quy luật luân lý.

Hai “cấp độ” hay hai “bước" trong việc giáo dục đạo đức, nhất là đối với trẻ em, là:

-     trong bước thứ nhất, ta phải làm cho trẻ em và thanh niên có thói quen đánh giá về một hành vi tự do, xem nó có tương ứng với quy luật luân lý ở bề ngoài hay không. Rồi ta hướng sự lưu ý của họ đến câu hỏi, phải chăng một hành vi “hợp lệ” như thế có thật sự xuất phát từ lòng tôn kính đối với quy luật luân lý. Các tấm gương danh nhân, các trường hợp nghi vấn trong đời sống luân lý là các ví dụ tốt trong việc đào luyện này. Tuy nhiên, theo Kant, việc tập dượt nhằm đào luyện năng lực phán đoán thực hành này tuy có thể gắn liền với một sự quan tâm ngày càng gia tăng đối với những hành vi thật sự tốt lành về mặt luân lý, nhưng “sự hài lòng” có thể thông báo một cách phổ biến này (A286) tuyệt nhiên chưa có nghĩ rằng người phán đoán đã thực sự có được một ý đồ luân lý thuần túy.

-     vì thế, ở bước thứ hai, những người trẻ tuổi cần được lưu ý về “tính thuần túy của ý chí” dựa vào các tấm gương điển hình. Qua đó, “lòng ta được giải thoát và được trút bỏ gánh nặng vốn luôn âm thầm đè nặng lâu nay, khi những trường hợp điển hình của sự quyết tâm thuần túy luân lý phát lộ cho ta biết về năng lực nội tâm mà bình thường ta không biết tới một cách đúng đắn, đó là sự Tự do nội tâm giải phóng con người ra khỏi sự thúc bách dữ dội của những xu hướng, đến một mức độ mà không còn một xu hướng nào trong chúng, kể cả xu hướng được yêu thích nhất, còn có thể có chút ảnh hưởng nào đến sự quyết tâm khi ta từ nay biết sử dụng chính lý tính của mình” (A287). Chính thông qua “lòng tôn kính đối với chính bản thân ta ở trong ý thức về Tự do của ta” (nt) được gợi lên như thế, rút cục, mới làm cho quy luật luân lý “dễ dàng tìm được lối vào trong tâm thức ta” một cách chủ quan.

6.2. Kết luận (A288-292)

Mượn cách nói của Schopenhauer, ba trang “kết luận” (Beschluss) của quyển sách có thể được đánh giá là “viên kim cương trên chiếc vương miện vinh quang” của Kant, bắt đầu với câu viết lừng danh thường được trích dẫn nhất của ông: “Hai điều tràn ngập tâm tư với sự ngưỡng mộ và kính sợ luôn luôn mới mẻ và gia tăng mỗi khi nghĩ đến; đó là: bầu trời đầy sao trên đầu tôi và quy luật luân lý ở trong tôi” (A288). Kant viết thêm: “Tôi không phải đi tìm chúng hay phỏng đoán về chúng như thể chúng giấu mình trong bóng tối hay ở một nơi cao vời bên ngoài chân trời của tôi, trái lại, tôi nhìn thấy chúng trước mắt mình và nối kết chúng một cách trực tiếp với ý thức về sự hiện hữu của tôi” (nt).

Ở đây, Kant hiểu chữ “sự hiện hữu” hay “sự hiện sinh” (die Existenz) ở cả hai phương diện: cảm tính và siêu-cảm tính (khả niệm): sự ngưỡng mộ đối với “bầu trời đầy sao” xuất phát từ sự hiện hữu cảm tính của ta như một sinh vật đầy nhục cảm; còn sự ngưỡng mộ và kính sợ đối với quy luật luân lý bắt nguồn từ sự hiện hữu khả niệm, siêu cảm tính của nhân cách. Như để chuẩn bị cho các ý tưởng trong quyển Phê phán thứ ba (Phê phán năng lực phán đoán), Kant bắt đầu xem xét sự hiện hữu siêu cảm tính, khả niệm của con người như là cái gì thật sự “cao cả” giúp cho con người vốn bé mọn ở trong Tự nhiên có thể thấy mình đứng cao hơn và vượt lên Tự nhiên (xem Phê phán năng lực phán đoán, §23 và tiếp). Và theo Kant, chỉ có triết học mới là chỗ thích hợp để nghiên cứu đúng đắn về tố chất luân lý của con người tương ứng với tính cao cả của nó.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt