Nhận thức luận | Khoa học luận

Chỗ đứng hiện nay của Tinh thần

HIỆN TƯỢNG HỌC TINH THẦN – MỤC LỤC

 

LỜI TỰA

 

3.

CHỖ ĐỨNG HIỆN NAY CỦA TINH THẦN

 

G. W. F. HEGEL (1770-1831)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


Georg Wilhelm Friedrich Hegel. Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn có sự cho phép của dịch giả.


 

§ 7

Nếu xét việc xuất hiện một yêu sách như thế trong mối liên kết tổng quát hơn, cũng như nhìn vào cấp độ mà Tinh thần-tự-giác [Tinh thần tự ý thức về chính mình] (der selbstbewusste Geist) đang đứng ở thời điểm hiện tại, ta thấy rằng: Tinh thần-tự-giác đã vượt ra khỏi đời sống [bị chìm đắm trong sự tràn ngập của] bản thể – đời sống vốn đã từng được nó chuyển sang môi trường của tư duy trước đây –, đã vượt ra khỏi trạng thái trực tiếp của lòng tin, ra khỏi sự thoả mãn và an toàn nảy sinh từ lòng xác tín mà ý thức đã có được từ sự hòa giải của Tinh thần với Bản chất và với sự hiện diện phổ biến [lan tỏa khắp nơi] – bên trong lẫn bên ngoài – của Bản chất [tối hậu] ấy. Tinh thần-tự-giác đã không chỉ đơn thuần vượt ra khỏi đời sống nói trên để vươn tới cái đối cực khácsự phản tư vô-bản thể của chính mình vào trong chính mình (substanzlose Reflexion seiner in sich selbst), mà còn vượt cả ra khỏi trạng thái phản tư này nữa. Nó không chỉ đơn thuần đánh mất đời sống bản thể, mà còn có ý thức về sự mất mát này, cũng như có ý thức về tính hữu tận vốn là nội dung của nó hiện nay[1].

Quay lưng lại với mớ cặn bã đã ăn[2] [sự phản tư ra khỏi đời sống bản thể], thú nhận rằng mình đang ở trong tình cảnh tồi tệ và tội lỗi, tự nguyền rủa mình tại sao đã làm như thế, bây giờ, Tinh thần quay sang đòi hỏi triết học – không phải để mang lại cho nó cái biết về nó là gì – mà, để thông qua triết học, một lần nữa hòng đạt được việc khôi phục trở lại tính bản thể [đời sống chìm đắm trong bản thể] và tính vững chắc của sự tồn tại mà nó đã đánh mất. Như vậy, triết học được mong mỏi không phải để đáp ứng nhu cầu này bằng cách khai thông sự khép kín kiên cố của Bản thể và để nâng [đời sống] Bản thể lên cấp độ [sáng sủa] của Tự-ý thức; không phải để đưa cái [đời sống] ý thức hỗn loạn trở lại với trật tự của Tư duy, với tính đơn giản của Khái niệm cho bằng đòi triết học phải nhập dồn trở lại tất cả những gì Tư duy đã phân biệt ra, đè nén Khái niệm cùng với những sự biện biệt của nó và phục hồi lại “cảm xúc” về cái bản chất. | Điều nó cần ở triết học không phải là sự thức nhận (Einsicht) cho bằng sự phấn khích nội tâm (Erbauung) [hay “nâng cao tâm hồn”]. Cái Đẹp, cái Thiêng liêng, cái Vĩnh cửu, Tôn giáo và Tình yêu thương[3] là những miếng mồi ngon đang được kêu đòi để đánh thức niềm lạc thú được cắn vào: không phải Khái niệm mà là sự xuất thần (Ekstase), không phải sự tất yếu đang tiến lên một cách lạnh lùng của Sự việc, mà là nhiệt hứng đầy chất men say mới là những cái tạo nên sức mạnh để gìn giữ và mở rộng không ngừng sự phong phú của Bản thể[4].

 

§ 8

Song hành và tương ứng với đòi hỏi này là nỗ lực hết sức quyết liệt và hầu như cuồng nhiệt hòng cứu vớt nhân loại khỏi bị chìm đắm trong cái cảm tính, cái tầm thường và cái cá biệt vặt vãnh; hướng tầm mắt họ vươn tới những vì sao, làm như thể con người đã quên sạch những gì là thần linh và sắp rơi vào chỗ chịu thỏa mãn cuộc sống – như loài sâu bọ – với nước và bụi! Đã có thời con người có cả một cõi trời được tô điểm và lấp đầy bằng sự phong phú vô tận của biết bao tư tưởng và hình ảnh. Ý nghĩa của tất cả những gì đang tồn tại đều nằm trong đường dây ánh sáng nối liền chúng với cõi Trời; và, lướt theo đường dây ánh sáng ấy, thay vì cư trú trong cái hiện tại ở đây và bây giờ, tầm mắt con người vượt ra khỏi cái hiện tiền để hướng lên Hữu thể-thần linh, tức hướng lên cái có thể gọi là “cái hiện tại ở phiá bên kia” (jenseitige Gegenwart). [Thế rồi], con mắt của tinh thần ấy[5] bị cưỡng bức phải hướng về mặt đất và bị cột chặt vào nơi đó; và nó đã cần một thời gian rất lâu mới đưa được sự sáng sủa – vốn chỉ có nơi những Hữu thể siêu-thế gian – vào trong sự tối tăm, hỗn loạn vốn ngự trị trong những gì thuộc “phía bên này” của trần thế, và làm cho sự tập trung chú ý vào cái đang hiện diện trực tiếp, xét như cái đang hiện diện, – tức cái được gọi là KINH NGHIỆM (ERFAHRUNG) – trở nên hay ho và có giá trị[6]. Và bây giờ, hình như đang có nhu cầu ngược hẳn lại với tất cả những điều ấy: bởi Tinh thần và sự quan tâm của con người đã bám rễ quá sâu vào trần gian này nên lại cần một sức mạnh cưỡng bức tương ứng để nâng bổng con người lên khỏi cấp độ ấy. Tinh thần [con người] tự cho thấy mình thật là thiểu não khi dường như chỉ cần một chút xúc cảm nhỏ nhoi về cái Thần linh nói chung là đủ để tươi tỉnh lại, không khác gì một kẻ hành nhân trong sa mạc chỉ khao khát được một ngụm nước là đủ. Căn cứ vào sự ít ỏi đã có thể thỏa mãn được những đòi hỏi của Tinh thần [con người], đủ biết sự mất mát ấy to lớn dường nào!.

 

§ 9

Sự hài lòng dễ dãi trong việc nhận hay sự bủn xỉn của việc cho không phù hợp với [tính cách của] Khoa học. Ai chỉ muốn đi tìm sự phấn khích nội tâm, [“sự nâng cao tâm hồn”], muốn bao phủ lớp sương mù lên trên tính đa tạp của hiện hữu trần thế và của tư tưởng của họ, khao khát sự hưởng thụ mơ hồ về tính thần linh cũng mơ hồ này của họ, họ cứ tha hồ đi tìm nó ở chỗ nào tùy thích; họ sẽ dễ dàng tìm ra phương tiện để kiếm được điều gì đó làm họ hớn hở và huênh hoang. Còn triết học thì lại phải cẩn thận, không nên mong muốn mình cũng được ở trong trạng thái “phấn khích tâm hồn” như thế.

 

§ 10

Sự hài lòng dễ dãi này – sự hài lòng muốn khước từ Khoa học – càng không được phép đề ra yêu sách rằng sự phấn khích và mơ hồ thần bí (Trübheit) như thế lại là cái gì cao hơn Khoa học. Lối nói đầy vẻ “tiên tri” này tưởng rằng mình đang ngự ngay nơi điểm trung tâm và chiếm lĩnh bề sâu [uyên mật của Sự việc], nhìn một cách khinh bỉ đối với tất cả những gì có tính quy định nhất định (Bestimmheit) – tức những gì có cái “Horos[7] – và cố tình tránh xa [tư duy] khái niệm và sự tất yếu [có tính ước thúc của khái niệm], như là tránh xa một loại phản tư chỉ trú ngụ trong [lãnh vực của] tính hữu tận thôi[8]. Thế nhưng, giống như từng có một bề rộng trống rỗng thì cũng có một bề sâu trống rỗng không kém: giống như có thể có một bề rộng [một ngoại trương] của bản thể tuôn tràn trong tính đa tạp hữu tận nhưng không có sức mạnh để quy tụ cái đa tạp ấy lại, thì, cũng có thể có một bề sâu [một nội hàm] không có nội dung (gehaltlose Intensität), khép mình trong một sức mạnh đơn thuần nhưng không có được sự triển khai ở bề rộng; bề sâu ấy thực ra cũng chẳng gì khác hơn là bề mặt hời hợt. Sức mạnh (Kraft) của Tinh thần chỉ có độ lớn tương đương với sự biểu lộ [hay ngoại tại hóa] (Äußerung) sức mạnh đó ra; bề sâu của nó chỉ là sâu tương đương với mức độ nó dám triển khai và đánh mất mình đi trong sự phơi bày và bộc lộ của mình (Auslegung)[9]. Ngoài ra, khi cái biết đầy tính bản thể và vô-khái niệm này khoe khoang rằng mình đã nhấn chìm được chính tính đặc thù của Tự ngã (die Eigenheit des Selbsts) của mình vào trong [bề sâu của] cái Bản chất (Wesen)[10] và [nhờ đó] đã triết lý một cách linh thiêng và đúng đắn, thì, nó chỉ tự che dấu đối với chính mình rằng: thay vì “hiến dâng cho Thượng đế” (“dem Gotte ergeben”), thì thật ra, – do nguyền rủa bất kỳ cái gì là “Độ”, là “sự quy định” [cái “Horos” trên đây], nó tự biến mình thành chỗ tung hoành cho sự bất tất của nội dung cũng như cho sự tùy tiện của chính mình. Bởi lẽ đã giao phó mình trọn vẹn cho sự khích động không được kềm chế của Bản thể, lại cho rằng nhờ biết phủ một lớp màn mù mịt lên Tự-ý thức [sáng sủa] và từ bỏ lý trí, nên những kẻ tin theo như thế tưởng rằng mình là những “con riêng” của Thượng đế, được Thượng đế ban cho sự minh triết ở trong giấc ngủ. | Đó cũng chính là lý do khiến cho trong thực tế, điều họ đón nhận và sản sinh ra trong giấc ngủ cũng là những giấc mơ mà thôi[11].

 

§ 11

Vả lại, cũng không khó khăn gì để thấy rằng thời đại của chúng ta là một thời đại của sự khai sinh và của sự quá độ sang một thời kỳ mới. Tinh thần đã đoạn tuyệt với thế giới cũ của sự hiện hữu và của sự hình dung trước nay của nó[12](30) và đang dự tính trong đầu để cho chúng chìm sâu vào dĩ vãng và bắt tay vào công việc tái tạo (Umgestaltung) của mình. Thật vậy, Tinh thần không bao giờ đứng yên, trái lại, luôn ở trong dòng vận động tiến lên không ngừng. Nhưng, cũng giống như sự ra đời của một đứa bé, sau thời gian dài được âm thầm nuôi dưỡng trong bụng mẹ, sự lớn lên liên tục về kích thước – tức sự thay đổi về lượng – bỗng nhiên được cắt đứt bằng hơi thở đầu tiên – một bước nhảy về chất – và đứa bé đã ra đời. | Cũng thế, Tinh thần tự đào luyện mình (der sich bildende Geist) chín muồi chậm chạp và âm thầm hướng đến một hình thái mới, phá vỡ lần lượt từng bộ phận một trong tòa nhà của thế giới trước đây của nó. | Sự rung chuyển dẫn đến sự sụp đổ chỉ được báo hiệu bằng những triệu chứng riêng lẻ đây đó. | Sự thờ ơ và nhàm chán lan tràn trong trật tự hiện tồn, sự dự cảm mơ hồ về một cái gì chưa được biết đến đều là những dấu hiệu đầu tiên cho thấy một cái gì khác đang đến gần. Sự đổ vỡ dần dần – lúc đầu chưa làm biến dạng tướng trạng chung (Physiognomie) của cái toàn bộ – bị cắt đứt đột ngột bởi ánh bình minh mà một tia sáng chớp lóe lên kiến lập ngay lập tức hình thể và cấu trúc của thế giới mới[13].

 

§ 12

Nhưng, điều thiết yếu không được quên là: cũng như đứa bé mới được chào đời, thế giới mới ấy chưa có ngay được hiện thực trọn vẹn. Sự trình diện (Auftreten) đầu tiên mới chỉ là tính trực tiếp hay Khái niệm của nó[14]. Một tòa nhà chưa thể hoàn tất khi mới làm xong nền móng, cũng thế, đạt được một Khái niệm [đơn thuần, trên nguyên tắc] về cái toàn bộ thì chưa phải là bản thân cái toàn bộ. Khi ta muốn được xem một cây sồi với tất cả sức mạnh của bộ rễ, sự hùng vĩ của bộ nhánh cùng tán lá đồ sộ của nó, hẳn ta sẽ không hài lòng nếu chỉ được cho xem một quả sồi làm hạt giống. Cũng thế, Khoa học [Triết học] – vòng vương miện của Thế giới tinh thần – không hoàn chỉnh trong lúc khởi đầu của nó. Khởi đầu của Tinh thần-Mới là kết quả của một cuộc đảo lộn sâu rộng đối với những hình thức khác nhau của sự đào luyện tinh thần (Bildungsformen), là phần thưởng chỉ có được sau chặng đường dài khúc khuỷu của sự phát triển và sau biết bao nỗ lực và đấu tranh. Nó là cái toàn bộ đã quay trở lại vào trong chính mình từ sự tiếp diễn cũng như từ sự triển khai trên bề rộng của nó[15]; là cái Khái niệm đơn giản nay đã “trở thành” [đã phát triển] về cái toàn bộ này. Còn hiện thực (Wirklichkeit) của cái toàn bộ đơn giản này là ở chỗ, những hình thái trước đây – đã [được quy giảm] trở thành những mô-men (Momente) – nay lại, một lần mới mẻ nữa, tự phát triển và tự mang lại cho mình một hình thái, nhưng ở trong môi trường (Element) mới của chúng, ở trong ý nghĩa đã trở thành[16].

 



[1] Tinh thần (Geist) đã từ bỏ trạng thái trực tiếp, tức từ bỏ lòng tin ngây thơ [của thời Trung cổ] và đã chuyển sang sự phản tư đối lập lại với [đời sống] Bản thể (“sự phản tư vô-bản thể”...). Nhưng, kết quả của sự phản tư này là một “tính duy lý” trống rỗng, không còn có được sự nối kết nào với hiện thực. Cho nên, hiện nay, Tinh thần ấy lại có ý thức về những gì đã mất mát và có xu hướng đi tìm trở lại tính bản thể, đi tìm trở lại chỗ dựa an toàn, nhưng bằng một cách bên ngoài-khoa học. Việc đi tìm trở lại này là cần thiết nhưng không thể bằng cách kêu gọi đơn thuần đến cái chủ quan và cái bất định của một “xúc cảm” nghèo nàn, như các tiểu đoạn sau sẽ nói rõ hơn.

[2] Treber: cặn bã dùng làm thức ăn cho gia súc. Dựa theo chữ mà Martin Luther đã dùng để dịch một từ Hy Lạp đồng nghĩa trong Kinh Thánh (Tin mừng Thánh Luca, XV, 16). Ở đây hiểu theo nghĩa bóng.

[3] ) “Cái Thiêng liêng, cái Vĩnh cửu” là thuật ngữ của G. Bruno trong tác phẩm “G. Bruno” của Schelling; “cái Đẹp” rõ ràng ám chỉ Schiller. Còn chữ “tình yêu thương” (Liebe) – vốn được phái lãng mạn đề cao – đã từng được Hegel, Hӧlderlin, Schelling xem là bản chất của Sự sống trong các tác phẩm thời trẻ. (Lưu ý rằng việc Hegel ngầm phê phán cả Schelling song song với việc phê phán phái lãng mạn trong Lời Tựa này, nhất là ở các tiểu đoạn sau, dẫn đến sự đổ vỡ tình bạn lâu năm giữa hai người). (Xem: Chú giải dẫn nhập: I.3).

[4] Thái độ kêu gọi đơn thuần đến “cái chủ quan” (của phái lãng mạn) là “đè nén Khái niệm”, muốn đẩy lùi công việc phản tư-biện biệt đã đạt được thay vì sử dụng sự phản tư-biện biệt ấy một cách hiệu quả để tiếp tục suy tư, để “khai thông” (aufschießen) sự khép kín kiên cố của Bản thể và nâng Bản thể lên [cấp độ của] Tự-ý thức. Tiểu đoạn sau, Hegel sẽ công kích mạnh mẽ tham vọng đạt được cái “Siêu việt trừu tượng” bằng sự “xuất thần”, bằng “lối nói tiên tri” mù mịt và nông cạn của một tính chủ quan vô độ.

[5]Con mắt của tinh thần(die Auge des Geistes): Ở thời cổ đại và trung cổ, “giác tính” (latinh: intellectus) được xem là quan năng nhận thức tối cao của con người, theo chuỗi trình tự: sensatio (tri giác cảm tính); ratio (lý trí) và sau cùng là intellectus. Theo đó, “ratio” là nhận thức bằng khái niệm trên cơ sở xử lý chất liệu cảm tính do “sensatio” mang lại, còn “intellectus” là nhận thức về những ý niệm thoát ly khỏi mọi ràng buộc của cảm năng, thậm chí là nhận thức trực quan về Thượng đế, nên còn gọi là “con mắt của Tinh thần” (Tinh thần/nous: chỉ chung quan năng nhận thức cao cấp). Sau này, Kant đảo ngược lại: vai trò của “giác tính” (intellectus) chỉ là quan năng để phán đoán, hình thành khái niệm, còn “lý tính” (ratio) mới là quan năng tối cao (quan năng của suy luận và “phản tư” về giác tính). (Xem thêm: Chú giải dẫn nhập: 7.2.1).

[6] Ám chỉ nền văn hóa Ki-tô giáo ở thời trung cổ và sự giải thể nền văn hóa này trong tư tưởng của thời Phục hưng và thời Khai sáng.

[7]Horos” (Hy Lạp): “ranh giới”, tức ranh giới do khái niệm quy định, tức là “Độ” (Maß)“sự quy định” (Bestimmung)Hegel nói ở sau.

[8] Mọi nỗ lực của Hegel là ở chỗ “tái hội nhập” sự phản tư vào trong cái Tuyệt đối, nếu không, cái Tuyệt đối chỉ là cái Phổ biến trống rỗng, trừu tượng (nghèo nàn). Vì mục đích ấy, ông sẽ quan niệm cái Tuyệt đối như là sự tự-phản tư vào trong chính mình, hay như là Chủ thể, như sẽ thấy ở §17 và tiếp. (Xem Chú giải dẫn nhập: Cái Tuyệt đối: 2.1)

[9] Biện chứng nổi tiếng giữa cái bên trongcái bên ngoài. Bề sâu không có sự bộc lộ hay sự ngoại tại hóa là một bề sâu trống rỗng. Trực quan không tự vượt qua chính mình để thành Khái niệm, đối với Hegel, chính là cái bề sâu trống rỗng này.

[10] Wesen: nghĩa thông thường là “cái Bản chất”, “Hữu thể” (tồn tại mang tính bản chất), nhưng ở đây nên hiểu là “Hữu thể hay Bản chất tuyệt đối” (alsolutes Wesen) hay Thượng đế.

[11] Ám chỉ một ý trong Kinh Thánh (Ca vịnh, 127, 2) nói rằng Thượng đế nuôi dưỡng những “con cưng được lựa chọn” của mình khi họ đang ngủ.

[12] tức thế giới của tính trực tiếp.

[13] Xem thêm câu tương tự ở cuối bài giảng về triết học tư biện (18.9.1806) (dẫn theo Karl Rosenkranz trong tác phẩm: “Leben Hegels”/“Cuộc đời Hegel”, 1844, tr. 214: “Chúng ta đang sống trong một thời kỳ quan trọng, thời kỳ của một sự lên men (Gärung) và Tinh thần đã làm một cuộc chấn động đột ngột, ra khỏi hình thái trước đây của nó và có được một hình thái mới. Toàn bộ những quan niệm, khái niệm trước nay lẫn mối liên kết của thế giới đều bị giải thể và sụp đổ như một bức tranh trong mộng. Một sự hình thành mới mẻ của Tinh thần đang ra đời”. (Về biện chứng “bước nhảy” từ Lượng thành Chất và ngược lại, xem: Khoa học Lô-gíc, quyển I, Chương III; về “Độ” và nhất là tiết về “đường nút của những quan hệ về Độ”, Meiner, I, tr. 410-416). Trong các tác phẩm thời trẻ (Nohl, tr. 219-232), chắc cũng do cảm hứng từ các biến động đương thời, Hegel cũng đã nghiên cứu về bước chuyển từ thế giới cổ đại sang thế giới Ki-tô giáo, trong đó cũng đã bàn về những triệu chứng và dự cảm trước khi xảy ra sự đảo lộn của “Tinh thần thế giới”.

[14] “Tính trực tiếp hay Khái niệm của nó”: Ở đây, Khái niệm là sự tồn tại-đã được vượt bỏ, đã được-thấu hiểu về đối tượng (Hegel nhắc lại trong tiểu đoạn cuối §808 của quyển sách như là “đối tượng đã được vượt bỏ hay là Khái niệm”), và vì thế, là “tính trực tiếp”. Có nghĩa là cái kết quả của sự phủ định của phủ định (“của sự tồn tại-đã được vượt bỏ”) là cái khẳng định (vd ở đây: “đứa bé sơ sinh”); và cái khẳng định này lại là khởi điểm (trực tiếp) cho một tiến trình phát triển mới. “Tính trực tiếp” hay “Khái niệm của đối tượng” bao giờ cũng có nghĩa là cái gì mới tồn tại “trên nguyên tắc”, mới “tự-mình”, chưa trở thành “cho-mình”. (Vd dưới đây: hạt sồi và cây sồi).

[15] “Cái toàn bộ đã quay trở lại vào trong chính mình” (das... in sich zurückgegangene Ganze): bất kỳ cái trực tiếp nào cũng đã là một cái toàn bộ “được trung giới” (vermittelt/mediated/médiatisé); và, với tư cách ấy, nó lại thúc đẩy sự triển khai của các yếu tố “đã được quay trở lại” và “đã được nhận thức” ở bên trong nó, làm cho một tiến trình vận động mới bắt đầu ở một cấp độ mới. Đây chính là biện chứng cụ thể theo nghĩa của Hegel, dù ông chưa sử dụng thuật ngữ này ở đây.

[16] Tiểu đoạn §12 này bắt đầu tập trung phê phán về “cái Tuyệt đối” của Schelling. Cái Tuyệt đối này chưa phải là Khoa học mà chỉ là bước khởi đầu, giống như quả sồi chưa phải là cây sồi. Trong tác phẩm đầu tiên ở thời kỳ Jena (1.1801-2.1807) về “Sự dị biệt giữa hệ thống của Fichte và của Schelling về triết học”, Hegel bề ngoài thì chấp nhận triết học về cái Tuyệt đối của Schelling nhưng đã đề xuất quan niệm về cái Tuyệt đối như là “sự đồng nhất của sự đồng nhất và sự không-đồng nhất”; rồi trong Lô-gíc học đầu tiên ở thời kỳ này (Jenenser Logik), khi nghiên cứu về phạm trù “Lượng”, Hegel đã mặc nhiên phê phán toàn bộ triết học Schelling là bất lực trong việc suy tưởng về những “tính quy định” trong ý nghĩa về chất của chúng, cũng như trong việc suy tưởng về “sự bất an” (Unruhe) của cái Tuyệt đối.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt