TỪ HẬU-HIỆN ĐẠI ĐẾN HẬU HẬU-HIỆN ĐẠI
TRONG TƯ TƯỞNG TÔN GIÁO?
BÙI VĂN NAM SƠN
Bài tham luận hội thảo quốc tế: Chủ nghĩa Hậu hiện đại và tôn giáo mới, tổ chức tại Trường Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh,ngày 14.06.2013
- Nhận định về tôn giáo trong xã hội Tây phương hiện đại, Herbert Schnädelbach, một trong những triết gia Đức danh tiếng đã viết: … “[Thời] Hiện đại đánh dấu bằng sự “đánh mất trung tâm”. Nó không còn có một trung tâm văn hóa vốn trước đây do tôn giáo nắm giữ nữa. Giống như nền văn hóa hiện đại có rất nhiều lĩnh vực cùng tồn tại bên cạnh nhau và tôn giáo thấy mình bị hạ thấp thành một thế lực trong nhiều thế lực khác, đời sống của cá nhân cũng được quy định bởi những yêu sách của rất nhiều định chế văn hóa khác nhau. Chúng vừa mở ra những cơ hội cho sự tự do cá nhân, nhưng cũng đồng thời tạo ra nhu cầu được định hướng. Sự đa dạng của văn hóa hiện đại tương ứng với sự phân hóa ngày càng gia tăng của Cái Tôi, thể hiện trong sự kiện: tôn giáo ngày nay được khao khát chủ yếu như là tính tín ngưỡng (Religiosität) theo nghĩa là một sự mở rộng về tâm linh đối với những khả thể trải nghiệm chủ quan” (BVNS nhấn mạnh)[1].
- “Sự mở rộng tâm linh đối với những khả thể trải nghiệm chủ quan” có thể nói là đặc điểm cốt lõi của bước chuyển từ tâm thức “hiện đại” sang tâm thức “hậu-hiện đại”. Sự chuyển biến này làm thay đổi cách nhìn về thế giới, cách hiểu về thực tại và chân lý, và cách tiếp cận những vấn đề cơ bản của đời sống.
- Thế giới quan tiền-hiện đại: có đặc điểm là sự chấp nhận không tra hỏi đối với quyền uy và có lòng tin vững chắc vào những chân lý tuyệt đối, nhất là tin rằng tôn giáo mang lại những giải đáp đích thực cho những bí mật và huyền nhiệm của sự sống và đời sống. Ở phương Tây, Kinh Thánh là sản phẩm của hai loại xã hội tiền-hiện đại: Cựu Ước của Do Thái cổ đại và Tân Ước của các cộng đồng Kitô giáo.
- Thế giới quan hiện đại: bắt đầu từ thời Khai minh vào thế kỷ 18. “Hiện đại” dựa trên việc theo đuổi tri thức khách quan và phương pháp khoa học. Đặc điểm chủ yếu của nó là nghi vấn và tra hỏi về quyền uy và truyền thống, với niềm tin rằng chân lý phải dựa trên sự kiện quan sát được và kiểm tra được. “Hiện đại” tin tưởng vào sức mạnh của lý tính và tư duy phê phán, xem khoa học - chứ không phải tôn giáo - là nơi có thẩm quyền giải đáp những bí mật của đời sống. Con người hiện đại, nhìn chung, phát triển lòng tin lạc quan vào sự tiến bộ của nhân loại thông qua tri thức, nghiên cứu khoa học, sáng kiến, phát minh và tư duy duy lý.
Thế giới quan hiện đại đi liền với tiến trình thế tục hóa. Ở dạng cực đoan, đó là thuyết vô thần. Ở dạng ôn hòa, là tách rời nhà nước và giáo hội trong đời sống hiện đại.
- Thế giới quan hiện đại khơi dậy phản ứng dễ hiểu của các nhà “bảo căn” (fundamentalists) trong các tôn giáo truyền thống (Kitô giáo, Do Thái giáo, Islam giáo). Trước và trong thời Khai minh, các học giả Tây phương về Thánh kinh đã đặt câu hỏi và không tin vào “nghĩa đen” của nhiều nội dung trong Thánh kinh. Phản ứng mạnh mẽ đến cực đoan của các nhà bảo căn vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20: không chỉ đòi hỏi phải tin vào “nghĩa đen” mà thậm chí, nhiều văn bản vốn được hiểu theo nghĩa ẩn dụ trong nhiều thế kỷ, nay phải được xem là sự kiện có thật. Từ những năm 20 của thế kỷ 20, thế giới quan tiền-hiện đại của các nhà bảo căn bắt đầu xung đột ác liệt với tư tưởng thế tục hiện đại. Hơn tám mươi năm sau, ở Hoa Kỳ, các nhà bảo căn vẫn tiếp tục đòi hỏi nhà trường thế tục phải dạy song song “khoa học sáng tạo” và thuyết tiến hóa Darwin!
- Một đặc điểm đáng lưu ý khác là sự tăng trưởng mạnh mẽ của “Kitô giáo phương Nam” (khu vực rộng lớn được gọi là “Thế giới thứ ba”) hiện gồm khoảng 480 triệu ở Châu Mỹ La Tinh, 360 triệu ở Châu Phi[2] và 313 triệu ở Châu Á (so với 260 triệu ở Bắc Mỹ). Có sự căng thẳng nào đó giữa “Kitô giáo phương Bắc tự do” (Châu Âu và Bắc Mỹ) với “Kitô giáo phương Nam” còn ít nhiều mang màu sắc tiền-hiện đại.
Như thế, có thể nói, trong khi cộng đồng tín hữu Kitô giáo trên thế giới còn tiếp tục chứng kiến sự giằng co giữa tư duy tiền-hiện đại và hiện đại, thì một tâm thức mới nảy sinh ở các nước công nghiệp phát triển: tâm thức hậu-hiện đại, xem cả hai loại thế giới quan kia là không còn “hiệu lực” nữa.
- Thế giới quan hậu-hiện đại từ giữa thế kỷ 20 là một cách phản ứng khác đối với “Hiện đại”, trước hết với tư cách là những nhà hiện đại bị thất vọng. Càng ngày họ càng nhận ra rằng lý trí và sự tinh khôn của con người không thể đạt được hạnh phúc mà chúng ta mong mỏi, trước những thảm họa và hậu quả của các chiến lược hiện đại hóa (tàn phá môi sinh, lịch sử đẫm máu của thế kỷ 20, sự nghèo đói và bất công lan tràn)…
Nhưng, khác với thuyết bảo căn, tư duy hậu-hiện đại không tìm cách quay trở về thời tiền-hiện đại. Họ cũng không xem việc trở lại với tôn giáo quyền uy là lời giải đáp. Đặc điểm của hậu-hiện đại là cho rằng cả khoa học lẫn tôn giáo đều đã thất bại trong việc mang lại những câu trả lời cho những bí mật và những vấn đề phức tạp của đời sống hiện đại. Tâm thức hậu hiện đại nghi ngờ sâu sắc đối với những yêu sách và những lời tuyên bố to tát (gọi là “những đại tự sự”). Cuộc đời là phức tạp và không có những giải pháp đơn giản. Không có một con đường cho tất cả mọi người, vì thế, tôn giáo (chủ yếu ở đây là Kitô giáo) là một trong nhiều lựa chọn, khi con người đi tìm sự thật và ý nghĩa của riêng mình. Nếu sự thật hay ý nghĩa tùy thuộc vào thước đo của mỗi nền văn hóa và kỳ cùng là sản phẩm do xã hội “cấu tạo” nên, thì con người “hậu-hiện đại” trở thành quyền uy cho chính mình và chỉ chấp nhận những gì do chính mình trải nghiệm. Tính chất phản căn, phản định chế và bi quan văn hóa là mặt phủ định của tâm thức hậu-hiện đại. Mặt khẳng định của nó lại là: đi tìm niềm tin đích thực hơn, không phải từ tôn giáo quyền uy cho bằng từ “tính tâm linh được thể nghiệm” (experiental spirituality) dưới rất nhiều hình thức mới lạ: Kitô giáo trải nghiệm, các tín ngưỡng Đông phương và tính tâm linh “New Age”. “Tính tâm linh thể nghiệm” thật ra không hẳn là sản phẩm ngoại nhập hoặc chỉ được tái chế từ truyền thống huyền học Platon-mới (Plotinus…) và Kitô giáo trung đại mà còn có thể được xem là hệ quả lôgíc của tư duy hậu-hiện đại và giải cấu trúc (Lyotard, Derrida, Deleuze…) như chúng tôi đã phân tích trong lần hội thảo trước đây.
- Tôn giáo hậu-hiện đại và sự lý giải hậu-hiện đại về tôn giáo tăng cường viễn tượng và kích thước cá nhân, đề xướng một thứ thần học không giáo điều, hỗn dung nhiều đức tin từ các truyền thống tín ngưỡng khác nhau và thách thức quan niệm về các chân lý tuyệt đối và bất biến. Các nhóm thiểu số và bị yếu thế về kinh tế hay xã hội cũng được thu hút vào cách tiếp cận này, nâng cao vị thế của con người cá nhân và cung cấp một “khuôn khổ khai phóng”, đối diện với những hệ tư tưởng “dòng chính” hay những cấu trúc quyền lực đang thống trị.
- Trong bức tranh hết sức phong phú và phức tạp của tôn giáo hậu-hiện đại, phong trào “New Age”[3] vào nửa sau thế kỷ 20 là một điển hình nổi bật. Với mục tiêu sáng tạo nên “một tính tâm linh không có ranh giới hay giáo điều cứng nhắc”, “New Age” hướng đến một thế giới quan “toàn thể luận”, “nhất nguyên luận”, thống nhất giữa Tinh thần-Thể xác và Tâm linh, hỗn dung các truyền thống siêu hình học và tâm linh của phương Tây và phương Đông với những thành tựu của khoa học tự nhiên hiện đại lẫn những bí thuật phi-chính thống.
- Bình minh của tâm thức hậu hậu-hiện đại?
Trong thời gian gần đây đã bắt đầu hình thành một số xu hướng tìm cách cân đối lại với sự phiến diện của hệ hình chủ quan luận của tư duy hậu-hiện đại - nổi trội trong thời kỳ giữa 1980-2000 - bằng một thuyết khách quan luận, và rồi tích hợp cả hai thành một hệ hình “chủ quan-khách quan” mới mẻ. Với tất cả sự dè dặt, người ta bắt đầu lưu ý đến một loạt những sự phát triển mới trong văn học, triết học, kiến trúc, nghệ thuật và văn hóa như là sự kế tục, đồng thời là phản ứng lại chủ nghĩa hậu-hiện đại. Một thuật ngữ mới đang dần dần được định hình: tư duy hay chủ nghĩa hậu-hậu hiện đại (post-postmodernism) hay “siêu-hiện đại” (metamodernism).
Tuy còn phôi thai, nhưng dường như ý hướng chung là nỗ lực cho rằng lòng tin, sự tin cậy, đối thoại và sự chân thực có thể vượt qua sự phân mảnh và diễu nhại của cung cách hậu-hiện đại[4] Nếu các thập niên cuối thế kỷ 20 sử dụng từ “post” (“hậu”) để chỉ sự suy tàn của các khái niệm then chốt của hiện đại như “chân lý”, “tính khách quan”, “linh hồn”, “căn nguyên”… thì các khái niệm này dần dần được tái sinh trong hình thức của từ “trans” (“xuyên”) như “trans-subjectivity”, “trans-originality” v.v…
- Trong tư duy tôn giáo, người ta đặc biệt lưu ý đến trào lưu “tâm linh duy lý” theo nghĩa là một hệ hình-tổng thể hướng đến tư duy văn hóa mới, với ba đại diện tiêu biểu: trào lưu tích hợp triết học-khoa học (với Ken Wilber, 1949-), trào lưu cộng đồng-liên chủ thể (Andrew Cohen, 1955-) và trào lưu tâm lý học-nội quan (A. H. Almaas, 1944-).
Cả ba tìm cách tích hợp khoa học, lý tính và tâm linh theo cách mới mẻ, bằng cách nối kết tính khách quan của khoa học tự nhiên, khoa học nhân văn và tâm lý học với tính chủ quan phê phán hậu-hiện đại.
- Tuy có trọng tâm ít nhiều khác nhau, cả ba trào lưu đều thống nhất ở việc xây dựng và phát triển khái niệm “tâm linh duy lý” (rational spirituality) và “tâm linh tích hợp” (integral spirituality) như là nỗ lực giữ khoảng cách phê phán đối với xu hướng ma thuật-huyền bí của trào lưu “New Age”. Theo đó, tâm lý học phát triển của con người đi từ cấp độ tiền-nhân cách hay tiền-quy ước/hạ ý thức (pre-personal/pre-conventional/sub-conscious) đến nhân cách/quy ước/ý thức để tiến lên cấp độ tích hợp hay xuyên nhân cách (transpersonal) (phát triển tâm linh hay giác ngộ).
Họ xem 80% tâm linh kiểu New Age là tiền-nhân cách, dựa chủ yếu vào tư duy thần bí-ma thuật, trái ngược với ý thức hậu-duy lý, siêu lý.
- Wilber[5] cho rằng người ta dễ nhầm lẫn và đồng nhất cấp độ tiền-nhân cách với cấp độ xuyên-nhân cách. Wilber cho rằng cả Freud lẫn Jurg đều phạm sai lầm có tính giản lược này. Freud xem việc thực hành tâm linh là rơi trở lại trạng thái ấu thơ. Còn Jurg, ngược lại, xem các huyền thoại tiền-nhân cách phản ánh sự thành tựu linh thiêng. Đối với khoa học, Wilber cho rằng “khoa học hẹp” đánh bại “tôn giáo hẹp”, “khoa học rộng” đánh bại “khoa học hẹp”. Nghĩa là, khoa học tự nhiên lý giải thực tại chính xác hơn các truyền thống tôn giáo bí truyền. Nhưng, chính cách tiếp cận tích hợp sử dụng tính liên chủ thể để đánh giá khoa học lẫn tôn giáo sẽ mang lại một nhận thức toàn diện và hoàn chỉnh hơn. “Hậu-siêu hình học tích hợp” là thuật ngữ được Wilber dùng để chỉ nỗ lực của mình trong việc khôi phục các truyền thống tín ngưỡng tâm linh, có tiếp thu nghiêm chỉnh sự phê phán hiện đại và hậu-hiện đại đối với các truyền thống này.
- Andrew Cohen[6] phát triển ý nghĩa song đôi của từ “Enlightenment” như được hiểu trong hai từ tiếng Đức: Aufklärung (Khai minh) và Erleuchtung (Giác ngộ). Vấn đề trung tâm của Cohen là nhận rõ mối tương quan giữa “Khai minh” và “Giác ngộ” trong thời đại ngày nay và đi tìm hình thức hợp thời nhất cho việc thực hiện cả hai ý nghĩa này trong các xã hội phát triển ở thế kỷ 21. Ông phân biệt giữa Khai minh/Giác ngộ cá nhân và Khai minh/Giác ngộ tiến hóa. Cái trước là có tính cá nhân, cái sau - thuộc về tương lai - là có tính liên chủ thể và đối thoại với kích thước xã hội.
- A. H. Almaas[7], với cách “tiếp cận Kim Cương”, tìm cách mở ra con đường tâm linh hiện đại tích hợp các truyền thống minh triết Đông-Tây với tâm lý học miền sâu, dành sự chú ý đặc biệt đến cách thức trải nghiệm cá nhân về Bản chất đích thực của Tồn tại. Trong khi Tồn tại là bản tính đích thực của thực tại thì Bản chất là phần tồn tại tạo nên bản tính đích thực của cá nhân. Nó phải được thể nghiệm trong Hiện tại với nhiều chất lượng phương diện khác nhau như từ bi, cương nghị, ý chí, an lạc, v.v…
- Tóm lại, điểm chung của ba trào lưu:
- muốn bổ sung cho hệ hình văn hóa Tây phương thế tục quá nặng tính hàn lâm và giải cấu trúc hậu-hiện đại.
- quan hệ và phê phán với trào lưu “New Age” cũng như với các nền tôn giáo lớn.
- cổ vũ sự nhìn nhận lẫn nhau và sự đối thoại để bổ sung cho nhau giữa các phương cách tư duy tiến bộ với tinh thần “tích hợp” và “phê phán”.
- Các xu hướng “tích hợp” đang trỗi dậy ở Bắc Mỹ có tính tiên phong và có chất lượng cao. Tuy nhiên, do tiếp thu nhiều ảnh hưởng của khu vực “châu Á - Thái Bình dương”, các trào lưu này hiện vẫn có nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với dòng chính trong đời sống trí thức, văn hóa và chính trị-xã hội, nhất là trong việc đối thoại với châu Âu. Việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa các truyền thống tư tưởng là thách thức đang đặt ra cho các trào lưu tiên phong này, đồng thời sẽ hứa hẹn nhiều bước phát triển ngoạn mục về lý thuyết lẫn thực hành trong tư duy tích hợp hậu-hậu hiện đại trong thời gian tới.
BVNS
13.06.2013
Nguồn: Bài do tác giả Bùi Văn Nam Sơn gửi cho triethoc.edu.vn
[1] Herbert Schnädelbach, Religion in der modernen Welt/Tôn giáo trong thế giới hiện đại, Fischer Taschenbach Verlag, 2009, tr. 131.
[2] Vào năm 1900, Châu Phi (tổng số 107 triệu dân) chỉ mới có khoảng 9% (10 triệu) tín đồ Kitô giáo. Hiện nay, số tín đồ đã tăng lên 46% (360 triệu / 784 triệu) và đang tiếp tục gia tăng nhanh chóng. Dự kiến đến 2025, 50% tín đồ Kitô giáo (trong tổng số 2,6 tỷ người) sẽ ở Châu Phi và Châu Mỹ La Tinh, 17% ở Châu Á.
[3] “Thời đại Bảo Bình” (Age of Aquarius) theo cách tính của lịch Maya.
[4] Xem:
Taylor & Francis. A Post Post-modern View of Design and Planning, London 1995.
[5] Xem: Ken Wilber: A Theory of Everything, 2000.
[6] Xem: Andrew Cohen: Evolutionary Enlightenment: A New Path to Spiritual Awakening (2011)
[7] Xem: A. H. Almaas: Essence: The Diamond Approach to Inner Realization, 1986.
Ý KIẾN BẠN ĐỌC