Triết học Đông phương

Truyền thống triết học Ấn Độ

 

TRUYỀN THỐNG TRIẾT HỌC ẤN ĐỘ

 


Nguồn: V.S.N – Báo THÔNG TIN, số tháng 02/1989. Phiên bản điện tử do triethoc.edu.vn thực hiện


 
 

Triết học là một bộ phận không thể tách rời của truyền thống Ấn Độ, nó phản ánh sinh động một trong những đặc điểm căn bản của truyền thống này là: sự thống nhất trong đa dạng. Vào thế kỷ thứ 6 (TCN), khi thái tử Siddhartha, người sáng lập đạo Phật, rời bỏ cung điện của mình đi tìm chân lý, Người được biết rằng đã có 48 trường phái triết học khác nhau, từ chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa tự nhiên tới chủ nghĩa thần bí thuần túy nhất. Từ triết học trong tiếng Phạn (tiếng Sanskrit) là darshana, nghĩa đen là “chiêm ngưỡng”, là “nhìn thấy”. Chân lý chỉ có một, nhưng chân lý lại đa diện và tự ta có thể nhìn thấy chân lý từ những góc độ khác nhau. Vì vậy, các darshana hay các trường phái triết học khác nhau chẳng những không đối lập nhau mà còn bổ sung cho nhau. Điều đó có nghĩa là: có sự khoan dung về mặt trí tuệ.

Một trong những nhân tố thống nhất và làm cho các trường phái triết học nhích lại gần nhau là niềm tin cho rằng: tri thức triết học không phải là mục đích tự thân, mà nó chỉ là một phương tiện để chuyển hóa nội tâm nhằm đạt tới giải thoát tức mukti hay nirvana (Niết bàn). Ngay những người sáng lập ra những hệ thống triết học trừu tượng nhất cũng đều thừa nhận mục đích chung này. Mục đích ấy coi trí thức triết học chỉ là một trong những khía cạnh của sự thông thái cao nhất. Trong đó còn có sự trong sạch về đạo đức của người hiền và sự nhạy cảm của người thi sĩ, nghệ sĩ. Các nhà triết học Ấn Độ (trừ các nhà duy tâm triệt để nhất) còn thống nhất với nhau ở một điểm nữa là cho rằng không thể đạt tới sự giải thoát – tức là mục đích của tri thức – bằng một ngoại lực, chẳng hạn như “số mệnh”, mà bằng sự tu thân tích đức của mọi con người (karma) qua các kiếp luân hồi.

Trường phái triết học Jaina thừa nhận sự tồn tại của nhiều loại thực thể  (dravya), trong đó có những thực thể vô sinh (pudgala) và những thực thể hữu sinh (jiva). Mọi sinh vật đều có linh hồn, kể từ những hình thức sơ đẳng nhất, những sinh vật hoàn thiện (tirthankara) đã vượt qua được những thuộc tính có hạn chế để đạt tới tri thức tuyệt đối (kaivalya). Những tirthankara ấy là thực tại tối cao, bởi trong thế giới quan của triết học Jaina không có chỗ cho Thượng đế.

Ít nhất là ở trong buổi sơ khai, đạo Phật chủ yếu là một quan điểm đạo lý, bởi vì đức Phật đã cố tránh đề cập đến vấn đề siêu hình để tập trung vào vấn đề “khổ”. Nhưng khi đức Phật nhấn mạnh đến tính phổ biến của luật nhân quả và tính vô thường của mọi sự vật và hiện tượng trên đời là đức Phật đã mở đường cho siêu hình học, nhất là sau khi xuất hiện tông phái Đại thừa (Mahayana). Nagarjuna (Long Thọ) (150 – 250 TCN) người vĩ đại nhất trong các nhà triết học Phật giáo, là tác giả học thuyết “Chân không – Shunyavada”, thuyết cho rằng: muốn hiểu được bản chất cơ bản nhất của thực tại thì phải “làm cho rỗng hết” mọi khái niệm và thuộc tính có hạn.

Nhưng trong cả tư tưởng của Hindi nữa, ở những bài thánh ca đầu tiên trong kinh Veda (khoảng 1500 – 1200 TCN) cũng đã thể hiện khuynh hướng nhất nguyên luận, khuynh hướng sau đó thống trị toàn bộ tư tưởng Ấn Độ: đằng sau mọi cái đa dạng có một thực tại duy nhất được gọi bằng nhiều tên khác nhau. Nhiều thế kỷ sau, các tập kinh Upanishad lại hướng vào nội tâm và khẳng định rằng: cái tinh thần phổ biến ở trong mỗi con người (atman – tiểu ngã) với cái thực tại tối cao (brahman – đại ngã), căn nguyên của Vũ trụ, chỉ là một. Sau nữa, thi phẩm Bhagavadgita (Bài ca của Đấng tối cao) ra đời khoảng 200 năm TCN đã cố tổng hợp quan điểm triết học và tôn giáo khác nhau thành “Sáu học phái”.

Sáu trào lưu lớn này trong triết học Hindi xưa nay được xếp thành ba cặp: Samkhya và Yoga; Nyaya và Vaisheshika; Mimansa và Vedanta. Mặc dù có sự khác nhau căn bản giữa các trào lưu đó, song về mặt hình thức thì tất cả đều thừa nhận uy thế của tập kinh Veda, Upannishad và Bhagavadgita.

Trường phái Samkhya là một hệ thống nhị nguyên, thừa nhận hai thực thể độc lập là Tinh thần (Purusha) va Tự nhiên (Prakriti). Tinh thần là ý thức thuần túy, Tự nhiên là nguồn gốc của mọi tiềm năng sinh lực. Tinh thần và Tự nhiên không bao giờ gặp nhau, nhưng hoạt động của Tinh thần có thể thúc đẩy hoạt động của Tự nhiên. Sự cân bằng giữa ba yếu tố của Tự nhiên bị phá vỡ làm cho Vũ trụ tiến hóa. Trường phái Yoga chấp nhận cơ sở triết học của Samkhya và vận dụng nó vào mặt thực hành của việc tự nhận thức mình. Mục đích của Yoga là loại trừ những lệch lạc, méo mó do ý thức gây ra để tìm về với bản chất chân thực của Tinh thần. Phương thức để đạt tới là sự suy tưởng, một điều cần nhiều sự rèn luyện và chuẩn bị về thể xác và tâm thức.

Trường phái Nyaya (Phân tích) quan tâm đến logic và các thuyết ngụy biện, và nghiên cứu về nguồn gốc tri thức con người. Trường phái Vaisheshika lại bàn tới những phạm trù khác nhau của thực thể, khẳng định rằng: mọi thực thể đều hợp thành bởi 4 nguyên tử bất diệt và không thể chia nhỏ.

Trường phái Mimansa (Nghiên cứu) quan tâm đến nguyên lý nhân quả để dẫn ra một cơ sở triết học biện minh cho uy lực của kinh Veda và nghi lễ Veda. Sau cùng, trường phái Vedanta (Sự hoàn thành của Veda) là sự hoàn thiện của triết học cổ điển Ấn Độ, là đỉnh cao của truyền thống Veda. Vedanta có nhiều phái; có nhiều ảnh hưởng nhất là phái Nhất nguyên, tức “Phi nhị nguyên” (Advaita). Ramanuja (mất 1137) khẳng định rằng: “Thế giới và mỗi người đều bắt nguồn từ cái Tổng thế siêu phàm, mặc dù không đồng nhất với Thượng đế”. Nhà triết học vĩ đại Shankara (780 – 820) còn theo thuyết nhất nguyên triệt để hơn nữa vì ông cho rằng: “thực tại duy nhất là brahman hay cái Tuyệt đối. Bản ngã (java) đồng nhất với cái Đại ngã (brahman) còn thế giới (jagat) chỉ là bề ngoài. Nếu như ta thấy cái tôi và thế giới tách rời nhau, thành những thực thể riêng biệt, thì đó chỉ là do một quyền năng vũ trụ bí ẩn (maya, tức ảo ảnh) gây ra sự ngu dốt.”

Thuyết Advaita Vedanta của Shankara đã thống trị tư tưởng Ấn Độ từ 12 thế kỷ nay. Ta có thể đánh giá được uy tín của nó qua câu ngạn ngữ dân gian nói rằng: “không có trường phái triết học nào chọi được với Advaita, cũng như mọi sinh linh trong rừng đều im bặt khi sư tử cất tiếng gầm”.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt