Triết học ngôn ngữ

Wittgenstein bàn về tư tưởng

WITTGENSTEIN BÀN VỀ TƯ TƯỞNG

 

LUDWIG WITTGENSTEIN (1889-1951)

TRẦN ĐÌNH THẮNG dịch

 


Ludwig Wittgenstein. Những tìm sâu triết học. Trần Đình Thắng dịch. Nxb. Đà Nẵng & Công ty sách Domino, 2019, chương “Tư tưởng”, tr. 201-216 | Phiên bản đăng trên triethoc.edu.vn đã được dịch giả Trần Đình Thắng và công ty sách Domino cho phép.


 

Tư tưởng (§316 - §362)

316.

Để hiểu rõ ý nghĩa của từ “suy nghĩ”, ta quan sát sự suy nghĩ của mình; cái mà ta quan sát được chính là cái mà từ này muốn nói đến! – Nhưng đó không phải là cách dùng của nó. (Tương tự, dù không biết chơi cờ, tôi đã cố hiểu ý nghĩa của từ “chiếu hết”[1] bằng cách quan sát kỹ nước đi cuối cùng của một ván cờ.)

317.

Sự giống nhau gây hiểu lầm: một tiếng rên, một biểu hiện của cơn đau – một câu, một biểu đạt của một ý tưởng.

Như thể mục đích của một câu là để truyền đạt cho một ai đó biết tình trạng ta đang như thế nào: như thể chỉ truyền đạt tình trạng đang trong bộ máy tư duy chứ không truyền đạt tình trạng đang trong dạ dày của ta.[2]

318.

Tôi cho rằng khi ta nói, hoặc viết đang khi suy nghĩ như ta thường làm vậy – nói chung, ta sẽ không cho rằng ta nghĩ nhanh hơn ta nói; mà đúng hơn, suy nghĩ thì dường như không thể tách rời biểu đạt. Song mặt khác, người ta nói về tốc độ suy nghĩ, về cách một ý tưởng xuất hiện nhanh như chớp, về cách các vấn đề bỗng rõ ràng trong tích tắc, và v.v.. Vì vậy, cũng tự nhiên khi hỏi rằng liệu điều tương tự có xảy ra trong ý nghĩ nhanh như chớp như khi ta nói mà có suy nghĩ hay không? Vì vậy, trong ca đầu tiên thì như bộ máy đồng hồ hết giây, ngưng ngay tức khắc, nhưng trong ca thứ hai thì bị hãm chậm lại bởi các từ.

319.

Tôi có thể thấy, hiểu toàn bộ một ý tưởng trong loé chớp |trong tâm trí của tôi|, giống như tôi có thể nốt nhanh nó chỉ bằng vài từ hoặc một vài dấu gạch ngang.

Điều gì khiến nốt này trở thành một tóm tắt của ý tưởng này?

320.

Một ý tưởng nhanh như chớp và một ý tưởng được thốt ra có thể so sánh với một công thức đại số và một dãy số được tôi khai triển từ công thức ấy.

Ví dụ, khi tôi được cho một hàm đại số, tôi CHẮC CHẮN rằng tôi có thể tính toán các giá trị của nó ứng với các tham số 1, 2, 3 ... cho đến 10.

Tính chắc chắn này sẽ được gọi là ‘có cơ sở’, vì tôi đã học cách tính các hàm như thế, v.v.. Trong các ca khác, tính chắc chắn đó không có cơ sở – nhưng dù sao nó sẽ được biện minh một khi thành công.

321.

“Điều gì sẽ xảy ra khi một người chợt hiểu ra?” — Câu hỏi này đặt sai cách. Nếu nó là một câu hỏi về ý nghĩa của cụm từ “chợt hiểu”, thì câu trả lời ấy không phải là để trỏ đến một tiến trình được ta đặt tên như thế. – Câu hỏi này có thể có nghĩa là: sự chợt hiểu có các dấu hiệu gì; các diễn tiến tâm trí đặc trưng đi kèm với nó là gì?

(Chẳng có lý do gì để nghĩ rằng một người cảm thấy nét mặt chuyển động của anh ta, để ví dụ, hoặc nhịp thở thay đổi của anh ta là đặc trưng của một vài cảm xúc nào đó. Thậm chí anh ta cảm nhận chúng ngay khi anh ta chuý đến chúng.) ((Tư thế.))

322.

Một mô tả như thế không thể trả lời cho câu hỏi về ý nghĩa của biểu đạt ấy, và điều này khiến ta kết luận rằng sự hiểu là một trải nghiệm cụ thể, không thể xác định được. Nhưng người ta quên rằng câu hỏi mà ta nên quan tâm là: làm thế nào để ta so sánh những trải nghiệm này; ta quy định tiêu chuẩn nhận diện[3] nào cho sự xuất hiện của chúng?

323.

“Giờ tôi biết cách tiếp tục rồi!” là một câu than; tương ứng với một âm thanh tự phát, một hứng khởi vui vẻ. Dĩ nhiên, nó không là kết quả của cảm giác của tôi rằng tôi sẽ không thấy mình bị mắc kẹt khi cố gắng tiếp tục. – Có những ca mà tôi muốn nói: “Khi tôi nói tôi biết cách tiếp tục thì tôi thực sự đã biết.” Người ta sẽ nói như thế nếu, chẳng hạn, có một manh manh bất ngờ xảy ra. Nhưng không lường trước được không có nghĩa là tôi bị mắc kẹt.

Người ta cũng có thể tưởng tượng một ca ai đó dường như bắt gặp tia loé sáng: anh ta kêu lên “Giờ tôi hiểu |nó| rồi!”, rồi sau đó không chứng minh được điều này trong thực tế. – Dường như anh ta quên mất ngay lập tức ý nghĩa của hình ảnh vừa thoáng hiện cho anh ta.

324.

Có đúng hay không khi nói rằng đây chỉ là vấn đề quy nạp[4], và rằng, tôi chắc chắn tôi sẽ có thể tiếp tục dãy số ấy như tôi chắc chắn sẽ đánh rơi cuốn sách này xuống đất khi buông nó ra; và nếu tôi đột nhiên bị mắc kẹt với dãy số ấy mà không có lý do rõ ràng nào, thì tôi sẽ không ngạc nhiên hơn khi cuốn sách này vẫn lơ lửng trên không thay vì rơi xuống? – Để trả lời, ta không cần bất kỳ cơ sở nào cho sự chắc chắn này. Cái gì có thể biện minh cho sự chắc chắn tốt hơn là sự thành công?

325.

“Sự chắc chắn, mà tôi sẽ có thể tiếp tục sau khi tôi đã có trải nghiệm này – đã thấy công thức này, chẳng hạn –chỉ đơn giản là dựa trên quy nạp.” Điều đó có nghĩa là gì? – “Sự chắc chắn rằng lửa sẽ thiêu cháy tôi, cũng có cơ sở là quy nạp.” Phải chăng điều đó có nghĩa là tôi tự lý luận: “Lửa đã luôn làm phỏng mình, vì vậy bây giờ thì vẫn thế”? Hay là trải nghiệm trước đó là nguyên nhân đưa đến sự chắc chắn của tôi, chứ không phải lý do của nó? Cho dù trải nghiệm trước đó là nguyên nhân của sự chắc chắn ấy hay không, thì điều này phụ thuộc vào hệ thống các giả thuyết, về luật tự nhiên, mà theo đó ta đang xem xét hiện tượng về tính chắc chắn.

Sự tin chắc đó có hợp lý không? – Những gì con người chấp nhận là hợp lý, cho thấy họ nghĩ và sống như thế nào.

326.

Ta mong đợi điều này và rất ngạc nhiên về điều kia; nhưng chuỗi lập luân này có kết thúc.

327.

“|Người| ta có thể nghĩ mà không nói hay không?” – Và suy nghĩ là gì? Nào nào, không bao giờ bạn suy nghĩ sao? Bạn không thể quan sát chính mình và xem điều gì đang xảy ra hay sao? Nó khá đơn giản. Bạn không cần phải chờ đợi nó như chờ một sự kiện thiên văn, và rồi quan sát một cách vội vàng.

328.

Vậy, người ta gọi ‘suy nghĩ’ là gì? Người ta học dùng từ này cho cái gì? – Nếu tôi nói tôi đã suy nghĩ – thì có nhất thiết tôi luôn luôn đúng hay không? – Loại sai lầm[5] gì ở đây? Có những tình huống mà trong đó người ta sẽ hỏi, “Những gì tôi đã làm, thì thực sự là suy nghĩ; tôi có sai hay không?” Giả sử ai đó thực hiện đo đạc đang khi suy nghĩ: liệu suy nghĩ của anh ta có bị manh manh hay không nếu anh ta không nói gì với chính mình đang khi đo đạc?

329.

Khi tôi suy nghĩ bằng ngôn ngữ, trong tâm trí của tôi không có ‘các ý nghĩa’ nào cả ngoài các biểu đạt bằng lời; nói cho đúng hơn, ngôn ngữ chính nó là phương tiện[6] của tư tưởng.

330.

Phải chăng suy nghĩ là một loại nói năng[7]? Người ta có thể nói rằng điều ấy phân biệt giữa nói có suy nghĩ với nói không có suy nghĩ. – Và vì vậy suy nghĩ dường như đi kèm với lời nói. Một tiến trình có thể đi kèm với một cái gì đó khác hoặc quợt một mình.

Hãy nói: “Ừ, cây bút này cùn rồi. Ồ, nó được rồi.” Đầu tiên, với suy nghĩ; kế đó, không suy nghĩ; kế đó, chỉ nghĩ ý nghĩ đó mà không dùng lời. – À, trong khi viết, tôi kiểm tra ngòi bút của tôi, nhăn mặt – và sau đó nhún vai tiếp tục viết. – Vì vậy, trong khi thực hiện các phép đo khác nhau[8], tôi cũng có thể hành động theo cách mà một người quan sát nào đó sẽ nói rằng tôi đã suy nghĩ điều này mà không dùng lời: nếu hai đại lượng cùng bằng một đại lượng thứ ba, thì chúng bằng nhau. – Nhưng những gì cấu thành nên suy nghĩ ở đây thì không phải là một tiến trình nào đó phải đi kèm lời nói nếu chúng được nói ra mà không có suy nghĩ kèm theo.

331.

Hãy tưởng tượng những người chỉ có thể suy nghĩ bằng cách nói to ra.[9] (Cũng như có những người chỉ có thể đọc to ra.)

332.

Đúng vậy, đôi khi ta gọi sự đi kèm một câu bằng một tiến trình tâm trí là “suy nghĩ”[10]; tuy nhiên, phần đi kèm đó không phải là cái mà ta gọi là “một ý tưởng”. — Hãy thốt một câu và suy nghĩ về nó; hãy thốt nó kèm với hiểu. – Và giờ thì không thốt, mà chỉ làm những gì bạn phải đi kèm nó như khi bạn thốt nó ra kèm với hiểu! – (Hãy hát bài này kèm theo biểu cảm! Và giờ dừng hát, nhưng chỉ lặp lại biểu cảm ấy mà thôi! – Và ở đây cũng có điều gì đó mà người ta có thể lặp lại: ví dụ lắc người, thở chậm hơn và nhanh hơn, và v.v...)

333.

“Chỉ ai đó có sự tin chắc mới có thể nói được điều đó.” – Làm sao sự tin chắc[11] ấy giúp anh ta nói được điều đó? – Sự tin chắc ấy có mặt cùng với biểu đạt thốt ra này không? (Hay nó bị khuất lấp, như một âm thanh nhỏ bị che lấp bởi âm thanh to, và không thể nghe thấy nó khi người ta đọc to nó ra) Cái gì xảy ra nếu ai đó nói rằng, “Để có thể hát lại một giai điệu từ trong trí nhớ, người ta phải lắng nghe nó từ tâm trí mình và hát lại từ đó”?

334.

“Vậy, bạn thực sự muốn nói rằng ...” – Ta dùng cụm từ như vậy để dẫn dắt ai đó đi từ dạng biểu đạt này sang dạng biểu đạt khác. Người ta bị lôi kéo để dùng hình ảnh sau đây: cái mà anh ta thực sự ‘muốn nói’, cái mà anh ta ‘có ý nói’, đã có sẵn trong tâm trí anh ta ngay cả trước khi ta nói rõ nó ra. Có rất nhiều thứ khiến ta từ bỏ một biểu đạt và chấp nhận một biểu đạt khác thế chỗ cho nó. Để hiểu điều này, rất có ích khi xem xét mối quan hệ giữa các phép giải cho các vấn đề toán học và bối cảnh cùng nguồn gốc phát sinh các vấn đề ấy: bài toán chia ba một góc cho trước chỉ bằng thước và compa; và một mặt, ai đó đang cố giải nó, thì mặt khác, bài toán đã chứng minh là không giải được.

335.

Điều gì xảy ra khi ta cố gắng tìm biểu đạt đúng cho những ý tưởng của ta, như khi viết thư chẳng hạn? – Cách nói này so sánh tiến trình ấy với tiến trình dịch hoặc mô tả: những ý nghĩ đã có ở đó (có lẽ đã có trước đó), và ta chỉ tìm kiếm cách biểu đạt của chúng mà thôi. Hình ảnh này ít nhiều phù hợp trong các ca khác nhau. – Nhưng ở đây, phải chăng tất cả mọi thứ đều có thể xảy ra? – Tôi buông bỏ, và rồi biểu đạt ấy đến. Hoặc tôi nghĩ về một hình ảnh nào đó mà tôi muốn mô tả. Hoặc nhớ lại một biểu đạt bằng tiếng Anh, và tôi muốn tìm biểu đạt tương ứng trong tiếng Việt. Hoặc tôi làm cử chỉ gì đó, và tự hỏi: “Những từ nào tương ứng với cử chỉ này?” Và v.v...

Bây giờ nếu ai đó hỏi, “Phải chăng bạn đã có ý nghĩ ấy trước khi bạn đi tìm biểu đạt?”, người ta phải trả lời ra sao? Và còn câu hỏi “Ý nghĩ, trước khi nó được biểu đạt ra, thì chủ yếu là những gì?”

336.

Ca này thì tương tự với ca có ai đó tưởng tượng rằng mọi người[12] không thể nghĩ ra một câu có trật tự từ kỳ lạ của tiếng Đức hoặc tiếng Latin. Đầu tiên, người ta phải suy nghĩ một câu, và sau đó, họ sắp xếp lại các từ ấy theo trật tự từ kỳ lạ đó. (Một nhà chính trị người Pháp[13] có lần viết rằng đặc trưng của tiếng Pháp là từ ngữ xuất hiện đúng theo thứ tự như khi người ta suy nghĩ.)

337.

Nhưng phải chăng tôi đã không dự định sẵn để xây dựng toàn bộ một câu (ví dụ) ngay từ đầu? Vì vậy, chắc chắn nó đã đang có trong tâm trí của tôi trước khi tôi nói nó ra! – Nếu nó đã ở trong tâm trí tôi, thì thường thường nó không ở đó trong một trật tự từ khác. Nhưng ở đây một lần nữa, ta đang tạo ra một hình ảnh gây hiểu lầm về ‘dự định’: nghĩa là, về cách dùng từ này. Một dự định được cấy vào trong một bối cảnh, trong các phong tục và định chế của con người. Nếu kỹ thuật chơi cờ không đang có, thì tôi sẽ không có ý định chơi cờ. Theo như tôi có thể dự định trước một dạng của câu, là vì tôi có thể nói được tiếng Việt.

338.

Cuối cùng, người ta chỉ có thể nói |điều gì đó| nếu người đó đã học nói. Do đó, để muốn nói điều gì đó, người đó phải làm chủ một ngôn ngữ[14]; và cũng rõ là người đó có thể muốn nói mà không cần phải nói ra[15]. Tương tự, cũng như |người| ta có thể muốn nhảy mà không cần phải nhảy.

Và khi người ta nghĩ về điều này, tâm trí |họ| sẽ nắm bắt được ý niệm về nhảy, nói, v.v.

339.

Suy nghĩ không phải là một tiến trình vô hình mang lại cuộc sống và |ý| nghĩa cho lời nói, và rằng ta có thể tách rời khỏi nó, như con quỷ cướp cái bóng của Schlemihl từ mặt đất.[16] — Nhưng “không phải tiến trình vô hình” theo nghĩa nào? Phải chăng tôi đã quen thuộc các tiến trình vô hình, nhưng suy nghĩ không phải là một trong số chúng? Không; vì tôi cố gắng giải thích ý nghĩa của từ “suy nghĩ” theo cách sơ khai, và gặp khó khăn, tôi đã dùng cụm từ “tiến trình vô hình” để thoát khỏi rắc rối.

Tuy nhiên, người ta có thể nói “Suy nghĩ là một tiến trình vô hình” nếu họ phải dùng nó để phân biệt ngữ pháp của từ “suy nghĩ” với từ “ăn” chẳng hạn. Chỉ có như thế mới tạo sự phân biệt rất mong manh giữa các ý nghĩa.[17] (Nó giống như nói rằng: các chữ số[18] là các đối tượng thực sự, và các con số[19] là các đối tượng không thực sự.[20]) Một biểu đạt không thích hợp là một cách chắc chắn để bị kẹt trong nhầm lẫn. Nó khoá chặn mọi lối ra.

340.

|Người| ta không thể đoán được một từ quợt như thế nào. Họ phải nhìn vào ứng dụng của nó và học hỏi tại đó.

Tuy nhiên, khó khăn là để loại bỏ thành kiến phản đối cách học như thế. Nó không phải là một thành kiến ngốc nghếch.

341.

Có thể so sánh nói không nghĩ và nói có nghĩ với chơi nhạc không nghĩ và chơi nhạc có nghĩ.

342.

Để cho thấy ta có thể suy nghĩ mà không cần nói, William James đã trích dẫn lại hồi ký của một người câm điếc, ông Ballard[21], người cho rằng trong thời thơ ấu của mình, thậm chí trước khi ông bập bẹ nói, đã có những suy nghĩ về Gót và thế giới. – Điều đó có nghĩa là gì? – Ballard viết: “Trong những ký ức trôi nổi thú vị đó, khoảng hai hoặc ba năm trước khi tôi bắt đầu tập tành viết một cách thô tháp, tôi đã tự hỏi mình: thế giới đã bắt đầu như thế nào?”– Ai đó muốn đặt câu hỏi: Bạn có chắc đây là bản dịch chính xác của những suy nghĩ không lời của bạn thành ngôn ngữ hay không? Và tại sao câu hỏi này – thông thường không thể đang có ở đây – lại nảy sinh? Phải chăng tôi muốn nói rằng trí nhớ của người viết đã đánh lừa anh ta? – Tôi thậm chí không biết tôi có nói thế không. Những hồi ức này là một hiện tượng nhớ kỳ lạ – và tôi không biết người ta có thể rút ra kết luận gì từ quá khứ của người kể lại hay không!

343.

Những từ tôi dùng để diễn tả trí nhớ của tôi chính là phản ứng của trí nhớ |của tôi|.[22]

344.

Có thể nghĩ rằng có những người chưa bao giờ nói một ngôn ngữ mà người khác có thể nghe hiểu, nhưng lại nói với chính mình bên trong, trong tưởng tượng hay không?

“Nếu những người đó chỉ nói với bản thân họ ở bên trong, thì họ hẳn luôn chỉ làm những gì họ đôi khi làm hôm nay.” – Vì vậy, rất dễ tưởng tượng rằng; người ta chỉ cần chuyển đổi từ một vài thành tất cả.[23] (Tương tự, “Hàng cây dài vô tận chỉ là một hàng cây không kết thúc.”) Tiêu chuẩn của ta để xác định ai đó đang nói với chính mình, là cái mà anh ta kể lại cho ta cũng như những hành vi khác của anh ta; và ta nói rằng ai đó nói chuyện với chính mình chỉ khi, theo nghĩa thông thường của những từ này, anh ta có thể nói. Dĩ nhiên ta không nói về một con vẹt; hoặc về một máy hát.

345.

“Cái gì đôi khi xảy ra thì có thể luôn luôn sẽ xảy ra.” – Đó là loại mệnh đề gì vậy? Nó tương tự thế này: Nếu “F(a)” có nghĩa, thì “(x).F(x)” có nghĩa.

“Nếu ai đó thực hiện một nước đi sai trong một vài trò chơi, thì có thể tất cả mọi người đều đi sai nước trong tất cả các trò chơi.” – Vì vậy, ta dễ quyến vào hiểu lầm logic của các biểu đạt của ta ở đây, để giải thích không chính xác việc dùng các từ của ta.

Các lệnh đôi khi không ai tuân theo. Nhưng sẽ như thế nào nếu có một lệnh mà chưa bao giờ nó được tuân thủ? Khái niệm về lệnh sẽ mất mục đích của nó.

346.

Nhưng phải chăng ta không thể tưởng tượng được Gót đột nhiên ban trí tuệ cho con vẹt, và giờ nó đang tự nói với chính nó hay sao? – Nhưng điều quan trọng ở đây là, để đi đến ý tưởng này, tôi đã dựa vào ý tưởng về một vị thần.

347.

“Nhưng chính từ ca của riêng tôi mà tôi biết được ý nghĩa của việc ‘tự nói với mình’. Nếu tôi bị tước mất cơ quan phát âm, tôi vẫn có thể tự nói bên trong với tôi.”

Nếu tôi chỉ biết điều đó từ ca của mình, thì tôi chỉ biết tôi gọi nó là gì, người khác gọi nó là gì thì tôi không biết.

348.

“Tất cả những người điếc này chỉ học một ngôn ngữ dấu hiệu[24], tuy vậy mỗi người tự nói bên trong với chính mình bằng ngôn ngữ thanh tiếng[25].” – Mà này, bạn không hiểu điều đó sao? – Làm sao tôi biết tôi có hiểu điều đó hay không? – Tôi có thể làm gì với thông tin này (nếu đó là thông tin)? Toàn bộ ý tưởng về sự hiểu ấy có gì đáng ngờ ở đây. Tôi không biết liệu tôi có thể nói rằng tôi hiểu hay tôi không hiểu điều đó. Tôi rất muốn trả lời “Đó là một câu tiếng Việt; hầu như khá ổn – nghĩa là, cho đến khi người ta muốn làm điều gì đó với nó; nó có liên kết với các câu khác khiến ta khó lòng nói rằng người ta không thực sự biết nó nói gì với ta. Làm triết mà không vô cảm thì ắt thấy rằng có gì đó sai lầm ở đây.”

349.

“Nhưng giả định này chắc chắn có ý nghĩa!” – Có; trong các tình huống bình thường thì những từ và hình ảnh này có một ứng dụng mà ta quen thuộc. – Nhưng nếu ta giả sử một ca mà trong đó ứng dụng này không đang có, thì lần đầu tiên, ta sẽ nhận ra sự trần trụi của các từ và hình ảnh ấy.

350.

“Nhưng giả sử ai đó đang đau, tôi vẫn đơn giản cho rằng anh ta cũng đau giống y như tôi thường đau.” – Điều đó khiến ta dậm chân tại chỗ. Cứ như thể tôi đã nói, “Bạn chắc chắn biết rằng ‘ở đây là 5 giờ’ là gì; vậy thì bạn cũng biết ‘Bây giờ là 5 giờ trên mặt trời’ nghĩa là gì. Có nghĩa là giờ ở đó thì bằng giờ ở đây khi hiện đang là 5 giờ.”– Giải thích thông qua sự giống nhau[26] thì không quợt được ở đây. Vì tôi biết rõ rằng ai đó có thể nói ở đây 5 giờ và ở đó cũng 5 giờ thì “cùng giờ” với nhau, nhưng không biết trong các ca nào mà người ta nên nói về sự ‘ở đây và ở đó thì cùng giờ nhau’.

Tương tự, câu sau đây không phải là một giải thích: giả định rằng anh ta đau thì đơn giản là giả định rằng anh ta đau giống như tôi. Vì phần ngữ pháp này rất rõ ràng đối với tôi: người ta sẽ nói rằng cái bếp lò đó có cùng trải nghiệm như tôi nếu họ nói: nó đang đau và tôi cũng đang đau.

351.

Tuy nhiên, ta vẫn muốn nói: “cảm biết đau là cảm biết đau – cho dù anh ta đau hay tôi đau, dù tôi có biết anh ta có đau hay không.” – Tôi có thể đồng ý với điều đó. – Và khi bạn hỏi tôi, “Vậy thì bạn không biết ý tôi là gì khi tôi nói cái bếp lò đang đau?”, và tôi có thể trả lời: “Những từ này có thể khiến tôi tưởng tượng đủ mọi thứ; nhưng tính có ích của chúng thì không còn nữa.” Và tôi cũng có thể tưởng tượng một cái gì đó liên quan đến các từ: “Bây giờ đã là 5 giờ chiều trên mặt trời” – như một chiếc đồng hồ |đứng| đã cho thấy 5 giờ. – Nhưng vẫn còn ví dụ tốt hơn là ứng dụng của “ở trên” và “bên dưới” cho trái đất. Ở đây tất cả chúng ta đều có một ý tưởng khá rõ ràng về “ở trên” và “bên dưới” có nghĩa là gì. Tôi thấy rõ rằng tôi đang đứng ở trên; trái đất chắc chắn là ở bên dưới tôi! (Và đừng cười ví dụ này. Ta thực sự đều học được ở tiểu học rằng thật ngu khi nói như thế. Nhưng chôn vùi một vấn đề thì dễ hơn nhiều so với giải quyết nó.) Và chỉ sau khi xem xét cẩn thận cho ta thấy rằng, trong ca này “ở trên” và “bên dưới” không thể được dùng theo cách thông thường. (Ví dụ, ta có thể nói rằng những người ở điểm đối chân[27] là ‘bên dưới’ trái đất, nhưng vậy thì cũng đúng khi họ cũng nói y hệt về chúng ta.)

352.

Tại điểm này, suy nghĩ của ta đã chơi khăm ta một vố kỳ lạ. Tức là, ta muốn trích dẫn luật bài trung và nói: “Hoặc có hình ảnh trôi nổi trong tâm trí của anh ta, hoặc không có; không có khả năng thứ ba!” – Ta cũng gặp phải lập luận kỳ lạ này ở các lĩnh vực khác của triết học. “Trong khai triển[28] vô hạn của π, hoặc có cụm ‘7777’, hoặc không có – không có khả năng thứ ba.” Nghĩa là: Gót thấy, biết – nhưng ta không biết. Nhưng điều đó có nghĩa là gì? – Ta hãy dùng một hình ảnh: hình ảnh của một dãy số trông thấy được[29], mà một người nào đó có thể tìm xa được toàn bộ còn người khác thì không. Ở đây, luật bài trung nói rằng: sự vật phải giống như thế này hoặc thế khác. Vì vậy, thực sự – luật này không nói gì cả, nhưng cho ta một hình ảnh. Và vấn đề bây giờ là: thực tại có hoà hợp với hình ảnh ấy hay không? Và hình ảnh này dường như xác định những gì ta phải làm, những gì ta cần tìm kiếm và tìm kiếm như thế nào – nhưng nó lại không như vậy, bởi vì ta không biết làm thế nào để ứng dụng nó. Ở đây, nói rằng “Không có khả năng thứ ba” hoặc “Thực sự không có khả năng thứ ba!” cho thấy ta không có khả năng dời mắt ra khỏi hình ảnh này – một hình ảnh trông như thể nó chứa cả vấn đề lẫn phép giải, trong khi ta luôn luôn cảm thấy nó không phải như vậy.

Cũng giống như vậy, khi ta nói “Hoặc là anh ta có cảm giác này, hoặc anh ta không có”, thì những gì chủ yếu xảy ra với ta là một hình ảnh dường như đã xác định được nghĩa của các câu nói ấy một cách dứt khoát: người ta muốn nói “Giờ bạn đã biết vấn đề là gì rồi”. Và đây chính là cái mà hình ảnh này không nói cho bạn.

353.

Câu hỏi liệu một mệnh đề có thể được kiểm chứng[30] hay không và kiểm chứng cách nào thì chỉ là một dạng đặc biệt của câu hỏi “Ý của bạn thì thế nào?” Câu trả lời sẽ là một đóng góp vào ngữ pháp của mệnh đề này.

354.

Trong ngữ pháp, sự biến động giữa các tiêu chuẩn và triệu chứng[31] khiến như thể không có gì ngoài các triệu chứng. Chẳng hạn ta nói, “Trải nghiệm dạy rằng sẽ có mưa mỗi khi áp kế hạ xuống, nhưng nó cũng dạy rằng sẽ có mưa mỗi khi ta cảm thấy ẩm và lạnh, hoặc đại loại những ấn tượng thấy biết nào đó.” Để chứng minh điều này, người ta nói rằng những ấn tượng cảm biết ấy có thể lừa ta. Tuy nhiên tại đây, đừng coi nhẹ chúng lừa ta bằng khả năng mưa dựa trên một định nghĩa nào đó.

355.

Vấn đề ở đây là không phải những ấn tượng cảm biết lừa dối ta, mà là ta hiểu được ngôn ngữ của chúng. (Và ngôn ngữ này, cũng như mọi ngôn ngữ khác, thì dựa trên quy ước.)

356.

Người ta có xu hướng nói: “Hoặc trời đang mưa, hoặc trời không đang mưa – nhưng thông tin[32] ấy đã đến với tôi như thế nào, lại là một vấn đề khác.” Nhưng hãy đặt câu hỏi như thế này: Tôi gọi “thông tin rằng trời đang mưa” là gì? (Hay tôi cũng chỉ nhận từ ngữ tạo thành thông tin ấy mà thôi?) Và điều gì mang lại cho ‘thông tin’ này một đặc điểm của một thông tin? Chẳng phải dạng biểu đạt của ta đã lừa ta sao? Phải chăng phép so ngầm[33] sau đây không gây hiểu lầm hay sao: “Mắt tôi thông tin cho tôi rằng đằng kia có một chiếc ghế”?

357.

Ta không nói rằng có lẽ một con chó có thể nói chuyện với chính nó. Phải chăng là vì ta đã quen thuộc với tâm trí của nó? Hừm, người ta có thể nói điều này: khi người ta thấy hành vi của một sinh vật, họ sẽ thấy được tâm trí của nó. – Nhưng trong ca của riêng tôi, tôi cũng cho rằng tôi đang tự nói với mình vì tôi hành xử theo cách cùng cách thức như thế hay sao? – Tôi không nói điều đó từ việc quan sát hành vi của tôi. Tuy nhiên, câu này có nghĩa chỉ vì đó là tôi hành xử theo cách này. – Vậy, phải chăng là nó có nghĩa chỉ vì tôi có ý nói về nó hay sao?

358.

Nhưng chẳng phải là, sự ý nói về [34] của ta đã ban cái nghĩa cho câu ấy hay sao? (Dĩ nhiên, ở đây người ta không thể có ý nói về một chuỗi từ không có nghĩa.) Và sự có ý nói về cái gì đó thì nằm trong phạm vi của tâm trí. Nhưng nó cũng là một cái gì đó riêng tư! Nó là cái gì đó vô hình; chỉ có thể so sánh nó với chính ý thức.

Làm thế nào người ta có thể thấy điều này vô lý? Nói cho cùng, nó như một giấc mơ của ngôn ngữ của ta.

359.

Một cỗ máy có thể suy nghĩ hay không? — Nó có đau không? – Vậy cơ thể con người có nên xem là một cỗ máy không? Chắc chắn nó đủ gần với một cỗ máy như vậy.

360.

Nhưng một cỗ máy thì không thể suy nghĩ! – Đây có phải là một phát biểu thường nghiệm? Không. Ta chỉ nói về một con người – và một thứ giống như thế – mà ta cho rằng chúng có thể suy nghĩ. Ta cũng nói về búp bê; và có lẽ ngay cả các bóng ma. Hãy xem từ “suy nghĩ” như là một công cụ!

361.

Chiếc ghế đang suy nghĩ về chính nó ...

Ở ĐÂU? Trong một bộ phận của nó? Hoặc bên ngoài cơ thể của nó; trong không khí xung quanh? Hay không đâu cả? Nhưng giữa việc chiếc ghế này nói chuyện âm thầm với chính nó và việc chiếc ghế khác bên cạnh cũng đang làm như vậy, thì sự khác biệt là gì? – Nhưng với con người thì thế nào: anh ta nói chuyện với chính mình ở đâu? Làm thế nào mà câu hỏi này dường như không có nghĩa; và rằng không cần thiết chỉ định một nơi chốn nào, ngoại trừ người này đang nói chuyện âm thầm với chính mình? Trong khi đó, câu hỏi về nơi mà chiếc ghế nói chuyện âm thầm với chính nó dường như đòi hỏi một câu trả lời. – Lý do là: ta muốn biết chiếc ghế giống con người thế nào; chẳng hạn, liệu cái đầu của nó có nằm ở phía lưng ghế hay không, và v.v...

Thầm nói với chính mình là gì; cái gì diễn ra ở đó? – Làm sao giải thích được? Ừ thì, cũng giống như bạn dạy cho ai đó ý nghĩa của cụm từ “nói thầm với chính mình”. Và ta thực sự học được ý nghĩa của điều đó trong thời thơ ấu của ta. – Nhưng không ai sẽ nói rằng người dạy ta điều ấy sẽ cho ta biết ‘những gì diễn ra ở đó’.

362.

Thay vào đó, dường như đối với ta rằng trong ca này, người dạy truyền đạt ý nghĩa ấy mà không nói trực tiếp với người học; nhưng cuối cùng, người học sẽ tự mình đưa ra một định nghĩa bằng tay đúng đắn. Và đây là nơi ảo tưởng của ta nằm đấy.

 



[1] “checkmate”

[2]to convey to one person how it is with another & his stomach.

[3] criterion of identity

[4] a matter of induction. Quy nạp ở đây được hiểu là có thể đi đến kết luận chỉ dựa vào chứng cứ, khác với diễn dịch là dựa vào các suy diễn, nguyên tắc logic.

[5] Nốt: suy nghĩ khác với hiểu: ta có thể sai về việc liệu ta có hiểu hay không nhưng ta không thể sai về việc liệu ta có đang suy nghĩ hay không.

[6] Ví dụ ‘phương tiện’ ở đây là không chỉnh: một phương tiện dùng để vận chuyển hành khách, tư tưởng thì không cần vận chuyển.

[7] .. a kind of speaking

[8] Trả lời cho câu hỏi cuối cùng trong §328.

[9] Imagine people who could think only aloud.

[10] + thinking.

[11] conviction.

[12] ‘mọi người’ ~ ‘one’.

[13] “nhà chính trị người Pháp”: nhà chính trị đó có lẽ là Briand.

[14] làm chủ một ngôn ngữ: có thể dùng các biểu đạt của ngôn ngữ này trong nhiều trò chơi ngôn ngữ khác nhau mà các biểu đạt này thuộc về.

[15] that one can want to speak without speaking.

[16] §339(a) “con quỷ cướp cái bóng của Schlemihl từ mặt đất”: x. Peter Schlemihls wundersame Geschichte của Adelbert von Chamisso’s. Bạn đọc tiếng Anh sẽ quen thuộc hơn với những hình tượng tương tự trong Peter Pan của James Barry.

[17] Cho rằng suy nghĩ là một tiến trình vô hình, trong khi nói (giống như ăn) là một tiến trình hữu hình là một ý tưởng sai lạc, không phải vì hai khái niệm này khác nhau, mà bởi vì chúng quá giống nhau.

[18] numerals.

[19]… numerals are actual, and numbers are non-actual objects.

[20] §339 (b) “các chữ số là các đối tượng thực sự, và các con số thì không”: tham chiếu đến Frege: Basic Laws of Arithmetic, vol. i, Introduction, p. xviii, trong đó ông lập luận rằng các chữ số là các đối tượng thực sự, còn con số dù có tính khách quan nhưng không phải là các đối tượng thực sự.

[21] §342 William James bàn về hồi ký củaBallard trong The Principles of Psychology (Holt, New York, 1890), vol. i, p. 266.

[22] The words with which I express my memory are my memory reaction.

[23] transition from some to all.

[24] sign-language, thường được dịch là ngôn ngữ ký hiệu cho người điếc.

[25] + vocal language.

[26] sameness.

[27] + antipode.

[28] + Ví dụ: 3,1415 (khai triển π với 4 chữ số sau dấu thập phân); 3,141592 (khai triển π với 6 chữ số …) …

[29] a visible series

[30] Nhận xét này đã manh nha từ 1930-1931, tức là khi W. vừa mới quay lại làm triết. Chính trong giai đoạn này, ông đã đưa ra nguyên tắc gây hứng cho nhóm Viên: ý nghĩa của một mệnh đề được xác định bằng phương pháp kiểm chứng nó. Thuyết nguyên tử |atomism| của Tractatus bị loại bỏ vào năm 1929 và được thay thế (một thời gian ngắn) bằng khái niệm về một ngôn ngữ như là một hệ liên kết gồm các hệ mệnh đề (propositional system; Satszysteme) và phân biệt ba loại mệnh đề hoặc 'các mệnh đề' theo các nghĩa khác nhau của thuật ngữ này: mệnh đề ‘đích thực|genuine|’ liên quan đến trải nghiệm trực tiếp, và được phân biệt với ‘giả thuyết’, và cả hai đều được phân biệt với mệnh đề toán học. Điều quan trọng cần chuý là nguyên tắc kiểm chứng của W. được dùng cho một mục đích rất cụ thể, tức là, như là một yếu tố quyết định một mệnh đề cụ thể có thuộc về một loại hệ mệnh đề nào đó hay không, và mệnh đề này thì thuộc loại mệnh đề gì. Như thế, 'Cái này màu đỏ' được so sánh với thực tại theo cùng một cách tương tự như 'Cái này màu xanh'; do đó cả hai câu này đều cùng thuộc về một hệ mệnh đề; chúng khác với hệ mệnh đề của 'Cái này thì nóng' và 'Cái này là dấu si giáng' |Bạn không thể tìm kiếm sai: bạn không thể tìm kiếm một ấn tượng thấy biết với cửa sờ của bạn. |. Hơn nữa, nếu một mệnh đề có thể được kiểm chứng một cách thuyết phục, thì nó là một loại cấu trúc logic khác với một mệnh đề không thể kiểm chứng được, nghĩa là, một giả thiết |tiết đi trước §353| cho rằng nếu muốn biết ý nghĩa của mệnh đề là gì, ta luôn có thể hỏi làm thế nào ta biết được nó. Ta biết có bao nhiêu hoán vị của ba phần tử |6| theo cách giống như ta biết rằng hiện có sáu người trong phòng này hay không? Không, và đó là lý do tại sao chúng là các mệnh đề khác loại nhau! Trong những ý nghĩa này, làm rõ cách thức một mệnh đề được kiểm chứng rõ ràng là một đóng góp cho ngữ pháp của nó. W., dĩ nhiên, đã từ bỏ sự phân biệt giữa mệnh đề đích thực và giả thuyết, và thay thế các hệ mệnh đề bằng khái niệm ngôn ngữ-trò chơi linh hoạt và phong phú hơn. Nhưng điều này không có nghĩa là ông phải từ bỏ ý tưởng rằng cách thức một mệnh đề được kiểm chứng như thế nào là một khía cạnh ngữ pháp của nó, miễn là không xem ý tưởng này là một luận đề có tính cứng nhắc: bao lâu mà nó là một vấn đề thuộc trải nghiệm, như khi ta đặt tên cho một triệu chứng, thì ý nghĩa này không được giải thích. Tất nhiên, có rất nhiều loại mệnh đề mà câu hỏi làm thế nào để kiểm chứng được chúng là một câu hỏi vô nghĩa; nhưng chính sự kiện này là một tính chất quan trọng của ngữ pháp của chúng và là một dấu hiệu để phân biệt chúng với các loại mệnh đề khác.

[31] + symptoms. Đối với câu hỏi "Làm sao bạn biết rằng như thế như thế là trường hợp này?" Trả lời: đôi khi ta dùng 'tiêu chuẩn', đôi khi ta đưa ra các 'triệu chứng'.
- tiêu chuẩn |xác định sự kiện A|: là hiện tượng mà ta dùng để xác định một sự kiện có là sự kiện A hay không.
- triệu chứng là hiện tượng mà trải nghiệm cho thấy rằng nó xuất hiện trùng hợp, theo cách này hay cách khác, với hiện tượng được dùng làm tiêu chuẩn |để xác định A| của ta.
- trong thực tế, câu hỏi 'một hiện tượng' khi nào dùng như một tiêu chuẩn xác định, khi nào chỉ xem là một triệu chứng, thì trong hầu hết các ca, ta không thể trả lời câu hỏi này ngoại trừ việc đưa ra các quyết định tùy ca cụ thể.
Ví dụ: bệnh lao |sự kiện A| gồm các triệu chứng sau: 1. Ho trên ba tuần. 2. Khạc đờm. 3. Đau ngực, khó thở. 4. Gầy, sụt cân. 5. Sốt, đặc biệt về chiều. 6. Ra mồ hôi. 7. Chụp X quang phổi có vết. 8. Ngưỡng x trong máu trên ngưỡng cho phép. 9. Ngưỡng y trong đàm. Cho đến 1998, trong 9 triệu chứng trên thì chỉ sử dụng 3 triệu chứng 7, 8 và 9 |khi đó ta sẽ gọi chúng là các tiêu chuẩn|. Nếu cả ba tiêu chuẩn này cùng phải đáp ứng thì đủ để nói rằng người bệnh đã bị 'lao phổi'.

Có thể trong tương lai, y học lại phát hiện ra một số triệu chứng khác, và dùng các triệu chứng này là tiêu chuẩn để xác định bệnh lao. Để tìm hiểu chi tiết về các khái niệm ‘tiêu chuẩn’, ‘triệu chứng’, ‘giả thuyết’, bạn đọc có thể xem thêm Wittgenstein – Meaning and Mind, volume 3 của P. M. S. Hacker, phần 1. Criteria trang 545.

[32] message.

[33] Metaphor. S. phép ẩn dụ

[34] "our meaning it".

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt