Triết học nhân học

Tác dụng của lao động trong quá trình chuyển biến từ vượn thành người

 

TÁC DỤNG CỦA LAO ĐỘNG

TRONG QUÁ TRÌNH CHUYỂN BIẾN TỪ VƯỢN THÀNH NGƯỜI[1]

FRIEDRICH ENGELS (1820-1895)

 

Các nhà kinh tế chính trị khẳng định rằng lao động là nguồn gốc của mọi của cải. Lao động đúng là như vậy, khi đi đôi với giới tự nhiên là cái cung cấp những vật liệu cho lao động biến thành của cải. Nhưng lao động còn là một cái gì vô cùng lớn lao hơn thế nữa. Lao động là điều kiện cơ bản đầu tiên của toàn bộ đời sống loài người, và như thế đến một mức mà trên một ý nghĩa nào đó, chúng ta phải nói: lao động đã sáng tạo ra bản thân con người.

Hàng chục vạn năm về trước, ở một thời kỳ mà người ta còn chưa thể xác định được một cách chắc chắn trong kỷ nguyên của lịch sử quả đất, kỷ nguyên mà các nhà địa chất học gọi là kỷ nguyên thứ ba, có lẽ vào cuối kỷ nguyên ấy cũng nên, có một loài vượn-người đã đạt tới một trình độ phát triển đặc biệt cao, sinh sống ở một nơi nào đó trong vùng nhiệt đới, - chắc là trên một vùng lục địa mênh mông, ngày nay đã chìm sâu dưới Ấn Độ Dương. Darwin đã miêu tả cho chúng ta thấy đại khái hình dáng gần giống của loài vượn - người tổ tiên của chúng ta ấy. Loài vượn đó mình đầy lông, có râu và tai nhọn, sống từng đàn trên cây[2].

Chắc rằng trước hết, do ảnh hưởng của lối sống đòi hỏi trong khi leo trèo, hai tay phải nhận những chức năng khác với chức năng của hai chân, cho nên loài vượn người đó bắt đầu bỏ mất thói quen dùng hai tay để bò dưới đất, rồi dần dần biết đi thẳng người. Như vậy là bước quyết định trong sự chuyển biến từ vượn thành người đã được thực hiện.

Tất cả những vượn người hiện còn sống đều có thể đứng thẳng người lên được và có thể đi lại chỉ bằng hai chân; nhưng chúng chỉ đi hai chân như thế khi cần thiết, và đi một cách cực kỳ vụng về. Khi chúng đi một cách tự nhiên, thì chúng phải cúi lom khom, và phải dùng đến hai tay. Phần đông các loài vượn khi đi thì co các ngón tay lại chống những đốt giữa xuống đất, rồi co chân lại và chuyển toàn thân về phía trước giữa hai cánh tay dài, như một người què đi bằng nạng vậy. Nói chung, đến ngày nay, chúng ta vẫn còn có thể quan sát thấy trong loài vượn có đủ tất cả những giai đoạn của bước quá độ từ lối đi bốn chân sang lối đi hai chân. Nhưng đối với bất cứ con vượn nào, lối đi hai chân đó cũng chỉ là một lối đi bất đắc dĩ mới phải dùng đến.

Nếu lối đi thẳng người của tổ tiên nhiều lông của chúng ta đã trở thành trước hết là một quy tắc, rồi sau đó mới trở thành một sự tất yếu, thì điều đó giả định rằng, hai bàn tay của họ cũng phải đảm nhận ngày càng nhiều những hoạt động khác. Ngay ở các con vượn hiện nay, cũng đã có một sự phân chia nào đó về chức năng giữa tay và chân. Như chúng tôi đã nói, trong khi chúng leo trèo, thì tay được sử dụng khác chân. Tay được chuyên dùng hơn trong việc lấy và cầm thức ăn, giống như một số động vật có vú thuộc loại hạ đẳng đã làm việc đó bằng hai chân trước. Nhiều con vượn đã dùng hai tay để làm tổ trên cây, hoặc như loài vượn đen chẳng hạn, làm được cả những mái che giữa những cành cây để tránh mưa che gió. Chúng dùng bàn tay cầm gậy gộc để tự vệ chống lại kẻ thù, hoặc để ném quả và đá vào kẻ thù. Cũng nhờ bàn tay, chúng làm những động tác đơn giản mà chúng bắt chước theo người. Nhưng chính ở đây, đã thể hiện sự khác nhau to lớn giữa bàn tay chưa được phát triển của loài vượn, dù là của một loài vượn rất giống với loài người, và bàn tay của con người đã được hàng ngàn thế kỷ lao động cải tiến. Số lượng và cách bài trí chung của xương và cơ ở bàn tay người và bàn tay vượn đều giống nhau; nhưng bàn tay của người mông muội thấp nhất cũng có thể làm hàng trăm động tác mà không có một bàn tay vượn nào có thể bắt chước được. Chưa hề có một bàn tay vượn nào có thể chế tạo ra được một con dao bằng đá dù thô sơ nhất.

Cho nên, những động tác mà trải qua hàng ngàn thế kỷ, tổ tiên chúng ta đã dần dần quen làm với bàn tay của mình trong thời kỳ chuyển biến từ vượn thành người, thì lúc đầu, chỉ có thể là những động tác rất đơn giản. Những người mông muội thấp nhất, ngay cả những người mà ta có thể giả định rằng họ có thể thụt lùi trở lại một trạng thái gần giống như thú vật, kèm theo sự thoái hoá về thân thể, đều vẫn ở vào một trình độ phát triển cao hơn những sinh vật quá độ ấy rất nhiều. Trước khi mảnh đá đầu tiên được bàn tay con người làm thành một con dao thì bao nhiêu thời đại đã trôi qua rồi, và so sánh với các thời đại đó thì thời đại lịch sử mà ta đã biết không thấm vào đâu cả. Nhưng bước quyết định đã được hoàn thành: bàn tay đã được giải phóng, từ đấy, nó có thể đạt được ngày càng nhiều những sự khéo léo mới, và sự mềm mại hơn đã đạt được đó được di truyền lại và cứ tăng lên mãi từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Như vậy, bàn tay không những là khí quan của lao động, mà còn là sản phẩm của lao động nữa. Chỉ nhờ có lao động, nhờ thích ứng được với những động tác ngày càng mới, nhờ sự di truyền của sự phát triển đặc biệt đã đạt được bằng cách đó của các cơ, của các gân, và sau những khoảng thời gian dài hơn, cả của xương nữa, và cuối cùng, nhờ luôn luôn áp dụng lại sự tinh luyện thừa hưởng được đó vào những động tác mới, ngày càng phức tạp hơn, - mà bàn tay con người mới đạt được trình độ hoàn thiện rất cao khiến nó có thể, như một sức mạnh thần kỳ, sáng tạo ra các bức tranh của Raffaello1*, các pho tượng của Thorvaldsen 2* và các điệu nhạc của Paganini 3*.

Nhưng bàn tay không phải là biệt lập. Nó chỉ là một trong những bộ phận của cả một cơ thể cực kỳ phức tạp. Cái gì có lợi cho bàn tay, thì cũng có lợi cho toàn bộ cơ thể mà bàn tay để phục vụ, - và có lợi về hai phương diện.

Trước hết, theo quy luật mà Darwin goi là quy luật quan hệ sinh trưởng. Theo quy luật này, những hình thức nhất định của các bộ phận khác nhau của một sinh vật hữu cơ luôn luôn liên quan mật thiết với một vài hình thức nào đó của các bộ phận khác trông bề ngoài thì hình như không có liên quan gì với các bộ phận kia cả. Ví như tất cả - không có ngoại lệ - những động vật nào mà hồng huyết cầu không có nhân tế bào và xương gáy nối liền với đốt xương sống đầu tiên bằng hai khớp xương thì đều có những hạch vú có sữa để cho con bú cả. Ví như những loài vật có vú nào mà có móng chân chẻ hai, thì thông thường đều có cái dạ dạy nhiều ngăn của loài nhai lại. Những hình thức nhất định của một bộ phận mà thay đổi thì hình thức của những bộ phận khác trong thân thể cũng thay đổi theo. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa có thể giải thích được mối quan hệ đó. Tất cả hoặc hầu hết những con mèo trắng tuyền có cặp mắt xanh đều điếc. Bàn tay con người dần dần trở nên điêu luyện, và đôi chân cũng theo đó mà được cải tiến cho phù hợp với lối đi thẳng người, - điều đó, do cũng mối quan hệ nói trên, nhất định phải tác động trở lại đến những bộ phận khác của cơ thể. Nhưng người ta vẫn còn nghiên cứu được quá ít về sự tác động qua lại đó, cho nên ở đây, chúng ta chỉ có thể trình bày nó một cách tổng quát mà thôi.

Sự phát triển của bàn tay đã tác động trở lại, một cách trực tiếp và có thể chứng minh được, đến những bộ phận khác của cơ thể, đó là điều còn quan trọng hơn rất nhiều. Như trên đã nói, các tổ tiên người-vượn của chúng ta là những động vật có tính hợp quần; rõ ràng là không thể kết luận rằng con người, tức là một loài động vật có tính hợp quần hơn hết, lại là do một tổ tiên gần nhất không có tính hợp quần, sinh ra. Dần dần với sự phát triển của bàn tay và với quá trình lao động, con người bắt đầu thống trị tự nhiên và cứ mỗi lần sự thống trị đó tiến lên một bước, là mỗi lần nó mở rộng thêm tầm mắt của con người. Trong các vật của giới tự nhiên, con người luôn luôn phát hiện ra được những đặc tính mới mà từ trước tới nay chưa ai biết đến. Mặt khác, sự phát triển của lao động đã đưa đến kết quả tất yếu là thắt chặt thêm những mối liên hệ giữa các thành viên của xã hội, bằng cách tạo ra rất nhiều trường hợp để cho con người giúp đỡ lẫn nhau, hợp tác với nhau, và làm cho con người càng ngày càng có ý thức rõ rệt hơn về lợi ích của sự hợp tác ấy đối với mỗi thành viên riêng rẽ. Tóm lại, những con người đang hình thành ấy đã phát triển đến mức là họ thấy cần thiết phải nói với nhau một cái gì đấy. Nhu cầu đó đã tự nó tạo ra cho nó một khí quan: cái cuống họng chưa phát triển của loài vượn, nhờ uốn giọng mà biến đổi, dần dần nhưng chắc chắn, để có thể thích ứng với một lối phát âm ngày càng phát triển thêm mãi, và các khí quan của mồm cũng dần dần luyện tập được cách phát ra những âm vận nối tiếp nhau.

Đem so sánh con người với các loài vật, người ta sẽ thấy rõ rằng ngôn ngữ bắt nguồn từ lao động và cùng phát triển với lao động, đó là cách giải thích duy nhất đúng về nguồn gốc của ngôn ngữ. Những điều mà các loài vật, kể cả những loài phát triển nhất, cần phải báo cho nhau biết, thì lại quá ít ỏi, đến nỗi chúng vẫn có thể làm được việc đó mà không cần dùng đến ngôn ngữ có những âm vận nối tiếp nhau. Khi còn ở trạng thái tự nhiên, thì không có một con vật nào lại cảm thấy rằng nó có cái nhược điểm là không thể nói hoặc hiểu được ngôn ngữ của loài người. Nhưng đối với những con vật mà người ta đã đem về nhà nuôi, thì hoàn toàn khác hẳn. Nhờ gần gũi với loài người mà chó và ngựa đã trở thành những con vật rất thính với loại ngôn ngữ có những âm vận nối tiếp nhau, đến nỗi chúng có thể dễ dàng tập hiểu được mọi thứ tiếng nói, trong phạm vi trí tưởng tượng của chúng. Ngoài ra, chúng còn có khả năng chẳng hạn như biểu lộ sự gắn bó với loài người, tỏ lòng biết ơn v.v., tức là những tình cảm mà trước kia chúng không bao giờ có. Bất cứ người nào đã từng tiếp xúc nhiều với những con vật đó, thì không thể nào không tin chắc rằng có khá nhiều trường hợp mà hiện nay, chúng nó cảm thấy rằng đối với chúng thì không biết nói, là một nhược điểm không thể nào cứu vãn được, vì những khí quan phát âm của chúng đã quá chuyên theo một phương hướng nhất định rồi. Nhưng con vật nào có khí quan phát âm thì tình trạng không biết nói cũng được khắc phục trong một hạn độ nhất định nào đó. Những khí quan mồm của các loài chim rõ ràng là khác hẳn với khí quan mồm của con người; ấy thế mà chim lại là một loại động vật duy nhất có thể học nói được, và chính con vẹt, một loài chim vốn có những giọng làm cho người ta khó chịu nhất, lại nói được giỏi nhất. Xin đừng cho rằng con vẹt không hiểu những điều nó nói. Đương nhiên là nó vẫn cứ lải nhải, lắp đi lắp lại hàng giờ tất cả những lời mà nó đã học được, chỉ vì nó thích nói hoặc thích có quan hệ với loài người. Nhưng trong phạm vi trí tưởng tượng của nó, nó vẫn có thể đi đến chỗ hiểu được những điều nó nói. Hãy đem những lời chửi mắng mà dạy cho con vẹt, làm thế nào cho nó có một ý niệm nào đó về ý nghĩa của những lời chửi mắng ấy (đây là một trò chơi giải trí thích thú của những người thuỷ thủ từ các vùng nhiệt đới trở về); rồi cứ trêu nó mà xem, chúng ta sẽ thấy ngay rằng nó cũng biết sử dụng những lời chửi mắng ấy một cách thích đáng, không kém gì mụ bán rau ở thành phố Berlin. Và khi vòi quà, thì cũng thế.

Trước hết là lao động; sau lao động và đồng thời với lao động là ngôn ngữ; đó là hai sức kích thích chủ yếu đã ảnh hưởng đến bộ óc của con vượn, làm cho bộ óc đó dần dần biến chuyển thành bộ óc của con người. Tuy hai bộ óc có rất nhiều chỗ giống nhau nhưng bộ óc con người to hơn và hoàn thiện hơn bộ óc loài vượn rất nhiều. Nhưng khi bộ óc phát triển, thì các công cụ trực tiếp của bộ óc, tức là các giác quan, cũng song song phát triển theo. Sự phát triển của bộ óc, nói chung, bao giờ cũng đi đôi với sự phát triển của tất cả các giác quan, cũng như sự phát triển tuần tự của ngôn ngữ nhất thiết phải đi đôi với một sự cải tiến tương đương của khí quan thính giác. Mắt chim đại bàng nhìn thấy xa hơn mắt người rất nhiều, nhưng mắt người nhận thấy trong sự vật được nhiều hơn mắt đại bàng rất nhiều. Con chó thính mũi hơn loài người rất nhiều, nhưng nó không có mảy may khả năng phân biệt được những mùi đã giúp cho con người đoán chắc được nhiều sự vật khác nhau. Và xúc giác mà con vượn chỉ mới có dưới hình thức thô sơ nhất, thì nhờ lao động mà đã phát triển song song với sự phát triển của bàn tay con người.

Sự phát triển của bộ óc và của các giác quan phụ thuộc nó, sự sáng suốt ngày càng tăng của ý thức, sự phát triển của năng lực trừu tượng hoá và năng lực suy luận, đã tác động trở lại đến lao động và ngôn ngữ, đã không ngừng thúc đẩy cho lao động và ngôn ngữ tiếp tục phát triển thêm nữa. Sự phát triển đó cũng không chấm dứt khi con người đã hoàn toàn thoát khỏi trạng thái loài vượn; trái lại sau đó, sự phát triển ấy vẫn cứ tiếp tục. Trong các dân tộc khác nhau và trong những thời kỳ khác nhau, sự phát triển đó có những bước tiến khác nhau về trình độ và phương hướng, thậm chí, ở một đôi nơi, còn bị một sự thoái hoá địa phương và tạm thời làm gián đoạn, nhưng sự phát triển ấy vẫn cứ vững bước tiến tới, một mặt là nhờ có một sự thúc đẩy mới và mạnh mẽ, và mặt khác là nhờ có - phương hướng rõ rệt hơn của một yếu tố mới ra đời cùng với sự xuất hiện của con người hoàn chỉnh - xã hội.

Hàng chục vạn năm, - thời gian này trong lịch sử trái đất cũng tương đương như là một giây đồng hồ trong một đời ngườia) - đã trôi qua, trước khi xã hội loài người xuất hiện từ đàn vượn leo trèo trên cây. Nhưng rút cục thì xã hội loài người cũng đã xuất hiện. Và ở đây nữa, ta thấy giữa đàn vượn và xã hội loài người có sự khác nhau đặc biệt gì? Đó là lao động. Đàn vượn chỉ biết ăn hết sạch lương thực sẵn có trong khu vực mà điều kiện địa lý hoặc là sự kháng cự của các đàn vượn bên cạnh đã hạn định cho chúng; chúng đi lang thang từ nơi này đến nơi khác, hoặc chiến đấu với những đàn vượn lân cận, để giành lấy một khu vực mới có nhiều thức ăn hơn, nhưng chúng không bao giờ có khả năng kiếm ra được, trong vùng chúng kiếm ăn, một số thức ăn nhiều hơn số thức ăn mà vùng đó đã cung cấp cho chúng, dưới hình thức tự nhiên, trừ trường hợp chúng vô tình bón cho đất đai bằng phân của bản thân chúng. Khi mà tất cả các vùng có thể cung cấp lương thực đã bị chiếm cứ hết rồi, thì loài vượn không thể nào sinh sôi nẩy nở ra nhiều thêm được nữa. Chúng chỉ có thể giữ được nguyên vẹn con số hiện có là cùng. Nhưng tất cả các loài vật đều hết sức lãng phí thức ăn; ngoài ra, chúng lại còn huỷ hoại những mầm mống của nguồn thức ăn nữa. Trái với người thợ săn, con chó sói không bao giờ buông tha cho con hươu cái có thể cung cấp hươu con cho nó trong năm tới; ở Hy Lạp, loài dê ăn sạch những bụi cây còn non, không để cho nó lớn lên, thành ra tất cả núi non trong nước đó đều trơ trụi. Nền "kinh tế cướp đoạt" ấy của loài vật đã có một tác dụng quan trọng trong việc biến đổi dần dần các chủng loại, vì nó bắt buộc các loài vật phải thích ứng với những thức ăn mới, khác hẳn với thức ăn đã quen cũ, và chính vì thế mà thành phần hoá học trong máu của chúng cũng khác hẳn, và toàn bộ cấu tạo cơ thể của chúng cũng dần dần thay đổi, còn các chủng loại trước đây đã được cố định hẳn rồi thì đều bị diệt vong. Không còn nghi ngờ gì nữa rằng nền kinh tế cướp đoạt đó đã góp phần rất lớn làm cho tổ tiên của chúng ta chuyển biến thành người. Trong một giống vượn thông minh và có khả năng thích ứng với hoàn cảnh mới, hơn tất cả các giống vượn khác rất nhiều thì nền kinh tế cướp đoạt ấy nhất định đưa đến kết quả là các thứ cây cỏ có thể dùng làm lương thực cho giống vượn ấy càng ngày càng nhiều hơn, và trong các loại cây cỏ đó, thì phần ăn được cứ tăng lên thêm mãi, tóm lại, thức ăn ngày càng có nhiều loại khác nhau, và do đó, có nhiều chất khác nhau thâm nhập vào cơ thể, tạo ra những điều kiện hoá học cho sự chuyển biến từ vượn thành người. Nhưng tất cả những cái đó vẫn chưa phải là lao động, đúng theo ý nghĩa của nó. Lao động bắt đầu cùng với việc chế tạo ra công cụ. Vậy thì những công cụ cổ nhất mà chúng ta đã tìm ra được là những công cụ gì? Và nếu căn cứ vào những di tích đã tìm ra được của loài người tiền sử, căn cứ vào lối sống của giống người xuất hiện trong thời kỳ đầu tiên của lịch sử và lối sống của người dã man thấp nhất hiện nay mà xét thì những công cụ đầu tiên đó là những cái gì? Đó là những công cụ săn bắn và đánh cá. Những công cụ săn bắn đồng thời cũng dùng làm vũ khí. Nhưng sự xuất hiện của nghề săn bắn và đánh cá giả định rằng đã có bước chuyển từ chỗ chỉ ăn thuần thực vật sang chỗ ăn cả thịt nữa, và đó là một bước tiến mới quan trọng trên con đường chuyển biến thành người. Thức ăn bằng thịt chứa đựng, dưới hình thức gần như có sẵn, những chất chủ yếu mà cơ thể cần dùng để trao đổi chất; nó rút ngắn quá trình tiêu hoá, đồng thời cũng rút ngắn cả thời gian của những quá trình thực vật (nghĩa là tương ứng với những hiện tượng sinh hoạt của thực vật) khác trong cơ thể, do đó, mà tiết kiệm được nhiều hơn thời gian, chất và năng lượng cho sự biểu hiện tích cực một đời sống động vật theo đúng nghĩa của nó. Và con người đang hình thành càng cách xa loài thực vật bao nhiêu, thì càng vượt lên trên loài vật bấy nhiêu. Cũng như việc tập cho mèo rừng và chó rừng quen ăn thức ăn bằng thực vật bên cạnh thức ăn bằng thịt, đã biến mèo rừng và chó rừng thành những tôi tớ của loài người, cũng như việc ăn quen thức ăn bằng thịt bên cạnh thức ăn bằng thực vật, về căn bản, đã đem lại sức mạnh về thể chất và tính độc lập cho con người đang hình thành. Nhưng điều chủ yếu nhất là thức ăn bằng thịt đã tác động đến bộ óc, cung cấp rất nhiều hơn trước những chất cần thiết cho sự bồi dưỡng và phát triển của bộ óc, và nhờ đó mà từ thế hệ này sang thế hệ khác, bộ óc có thể phát triển nhanh chóng hơn và đầy đủ hơn. Xin các ngài ăn chay tha thứ, con người mà không ăn thịt thì không thể thành con người được, và ngay như nếu chế độ ăn thịt, trong một thời kỳ nào đó, đã đưa tất cả những giống người mà chúng ta được biết đến chỗ ăn thịt người (tổ tiên của người Berlin, người Vê-lê-táp hoặc người Vin-xơ, đến thế kỷ X, vẫn còn ăn thịt bố mẹ của mình)[3], thì điều đó, ngày nay, đối với chúng ta, cũng chẳng quan hệ gì cả.

Chế độ ăn thịt đưa đến hai tiến bộ mới, có ý nghĩa quyết định là: dùng lửa và nuôi súc vật. Việc dùng lửa còn rút ngắn quá trình tiêu hoá lại hơn nữa, vì thức ăn cho vào miệng có thể nói là đã được tiêu hoá một nửa rồi; việc nuôi súc vật đã làm cho thức ăn bằng thịt dồi dào hơn nữa, và ngoài nghề săn bắn ra, nó còn mở thêm một nguồn cung cấp mới, đều đặn hơn về thức ăn bằng thịt; và ngoài ra, nó còn cung cấp một loại thức ăn mới, ít ra cũng có những chất bổ như thịt, đó là sữa và các chế phẩm bằng sữa. Như vậy, hai bước tiến đó đã trực tiếp trở thành những phương tiện mới để giải phóng con người; những tác dụng gián tiếp của hai bước tiến đó, tuy cũng có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của con người và của xã hội, nhưng ở đây, chúng ta không thể nào nói đến một cách tỉ mỉ được, vì như thế, chúng ta sẽ đi ra ngoài đề quá xa.

Con người đã tập ăn được tất cả những cái gì có thể ăn được, thì cũng đã tập sống được trong tất cả những vùng khí hậu khác nhau. Con người sống lan rộng ra đến tất cả những nơi nào có thể ở được. Người là một loài động vật duy nhất đã làm được điều đó một cách tự chủ. Nhiều loài động vật khác, chẳng hạn như gia súc và sâu mọt, cũng có thể thích ứng với bất cứ một thứ khí hậu nào, nhưng trong trường hợp đó, chúng phải bám theo loài người chứ không phải tự chúng đã biết làm như thế. Và sự di chuyển từ chỗ ở đầu tiên có một khí hậu thường xuyên ấm áp, đến những vùng lạnh lẽo hơn mà hàng năm có mùa đông và mùa hè, đã tạo ra những nhu cầu mới, nhu cầu về nhà ở, về quần áo che thân những khi giá rét và ẩm thấp, do đó, đã mở đường cho những ngành lao động mới, đồng thời cũng mở đường cho những hoạt động mới ngày càng tách xa con người khỏi loài vật.

Nhờ hoạt động phối hợp của bàn tay, của các khí quan phát âm và của bộ óc, chẳng những ở mỗi cá nhân mà cả trong xã hội nữa, loài người đã có đủ khả năng hoàn thành những công việc ngày càng phức tạp hơn, có đủ khả năng tự đề ra và đạt được những mục đích ngày càng cao hơn. Từ thế hệ này sang thế hệ khác, chính ngay lao động cũng ngày càng nhiều vẻ hơn, hoàn thiện hơn, có nhiều mặt hơn. Thêm vào nghề săn bắn và chăn nuôi thì còn có nông nghiệp; và tiếp theo đó, lại có thêm nghề kéo chỉ, dệt vải, nghề làm kim khí, nghề làm đồ gốm và nghề hàng hải. Cuối cùng, nghệ thuật và khoa học ra đời bên cạnh thương nghiệp và công nghiệp; các bộ lạc biến thành những dân tộc và quốc gia; pháp luật và chính trị phát triển, và song song với những cái đó, cũng phát triển sự phản ánh một cách ảo tưởng tồn tại của con người vào trong đầu óc con người: tôn giáo. Đứng trước tất cả những cái đã được tạo thành ra đó, những cái biểu hiện ra trước hết là những sản phẩm của bộ óc và tựa hồ như đã thống trị các xã hội loài người, thì những sản phẩm tầm thường hơn, do lao động của bàn tay làm ra, đã rơi xuống hàng thứ yếu; và tình hình lại càng là như vậy khi bộ óc biết đặt kế hoạch lao động lại có khả năng, ngay trong giai đoạn phát triển rất sớm của xã hội (thí dụ như trong thị tộc nguyên thuỷ), buộc những bàn tay khác, chứ không phải chính bàn tay mình, phải thực hiện công việc mà mình đã vạch ra. Người ta quy cho bộ óc, cho sự phát triển và hoạt động của bộ óc, tất cả công lao làm cho nền văn minh phát triển nhanh chóng; và đáng lẽ phải giải thích hoạt động của mình từ nhu cầu của mình (những nhu cầu đó tất nhiên đã phản ảnh vào đầu óc của người ta và đã làm cho họ có ý thức về những nhu cầu đó), thì người ta lại quen giải thích hoạt động của mình từ tư duy của mình, và chính vì thế mà dần dần xuất hiện một thế giới quan duy tâm, nó thống trị đầu óc con người, nhất là từ khi thời cổ đại suy tàn. Cho đến ngày nay, thế giới quan duy tâm đó vẫn còn thống trị đầu óc con người, đến nỗi ngay cả những nhà khoa học tự nhiên có xu hướng duy vật trong môn phái Darwin cũng còn chưa có thể có một ý niệm rõ rệt về nguồn gốc của loài người, bởi vì do ảnh hưởng của cái thế giới quan ấy, họ không nhận thấy tác dụng của lao động trong sự tiến hoá đó.

Như chúng ta đã nói qua ở trên, các loài vật cũng do hoạt động của mình mà cải biến giới tự nhiên bên ngoài như loài người, tuy với một mức độ thấp hơn, và như chúng ta đã thấy, những biến đổi mà các loài động vật đã gây ra trong môi trường chung quanh chúng, đã tác động trở lại và làm cho chúng phải biến đổi theo. Bởi vì, trong giới tự nhiên, không có cái gì xảy ra một cách đơn độc cả. Hiện tượng này tác động đến hiện tượng khác và ngược lại, và trong một phần lớn trường hợp, chính vì quên mất sự vận động mọi mặt và tác động lẫn nhau về mọi mặt đó, cho nên ngay cả trong những sự vật đơn giản nhất, các nhà khoa học tự nhiên của chúng ta cũng không thể nào nhìn thấy rõ được. Chúng ta thấy rõ những con dê đã làm ngăn trở như thế nào việc khôi phục rừng rú ở Hy Lạp; ở đảo Xanh Hê-len, dê và lợn do những người đi biển lần đầu tiên bằng tàu buôn mang đến, đã ăn gần hết sạch tất cả những thực vật có sẵn trên đảo, và do đó, đã chuẩn bị đất đai để rồi sau này, những người hàng hải và những người di dân mang những thực vật khác đến trồng. Nhưng khi các loài vật tác động đến hoàn cảnh chung quanh của chúng trong một thời gian lâu dài, thì chúng hoàn toàn không có ý định trước về việc đó, và đối với bản thân chúng, tác động ấy chỉ là một việc ngẫu nhiên mà thôi. Trái lại, loài người càng cách xa loài vật thì tác động của con người vào tự nhiên càng mang tính chất của một hoạt động có tính toán trước, có kế hoạch hướng vào những mục đích nhất định, được biết trước. Loài vật phá sạch thực vật trong một vùng nào đó, mà không hiểu gì về việc làm của chúng cả. Còn con người, khi phá như thế để dùng dải đất đã dọn sạch đó mà gieo ngũ cốc hoặc trồng cây, trồng nho, thì đã biết trước rằng, mùa đến, các giống cây ấy sẽ đem lại cho họ một số thu hoạch biết bao nhiêu lần nhiều hơn số hạt giống mà họ đã gieo. Họ mang những thứ cây có ích và các gia súc từ xứ này đến xứ khác, và do đó, họ cải biến thực vật và động vật của nhiều lục địa. Hơn thế nữa. Nhờ phương pháp chọn lọc nhân tạo, bàn tay con người đã cải biến các giống thực vật và động vật, đến nỗi người ta không còn nhận ra được những giống ấy nữa. Hiện thời, người ta vẫn chưa tìm biết được những cây dại nào đã biến thành các loại ngũ cốc của chúng ta ngày nay. Người ta còn đang tranh luận xem con dã thú nào là tổ tiên của chó và ngựa, nhất là chó thì rất khác nhau và ngựa cũng có rất nhiều giống.

Vả lại, dĩ nhiên là chúng ta không bao giờ có ý cho rằng các loài vật không có khả năng hành động một cách có hệ thống, có suy tính trước. Ngược hẳn lại, mầm mống của một lối hành động có hệ thống đã xuất hiện ở bất cứ nơi nào mà ở đó chất nguyên sinh, chất an-bu-min sống đang tồn tại và phản ứng, nghĩa là đang tiến hành những sự vận động nhất định, dù là rất đơn giản, do ảnh hưởng của những sự kích thích bên ngoài nhất định nào đó. Một sự phản ứng như thế đã diễn ra ngay cả ở những nơi chưa có tế bào, chứ đừng nói gì đến tế bào thần kinh. Cách bắt mồi của những giống cây ăn sâu bọ, trong một chừng mực nào đó, cũng được thực hiện một cách có hệ thống, dù đó là một hành động hoàn toàn vô ý thức. ở các loài vật, cùng với hệ thống thần kinh phát triển, thì khả năng hành động một cách có ý thức, có hệ thống, cũng phát triển theo; và ở các loài vật có vú, thì khả năng đó phát triển đến một mức đã cao. Khi dùng chó để đi săn cáo, như ở nước Anh, chúng ta luôn luôn có thể nhận thấy rằng loài cáo đã sử dụng tài tình đến mức nào sự hiểu biết vô cùng chắc chắn của nó về địa hình địa vật để lẩn tránh những người và những con vật đang đuổi theo chúng, và chúng ta đã biết rõ và sử dụng giỏi đến mức nào tất cả những địa thế thuận lợi để biến mất tích. Về các loài gia súc của chúng ta, tức là những con vật nhờ sống chung với người mà phát triển cao hơn, thì chúng ta cũng luôn luôn có thể thấy rằng chúng có những cử chỉ láu lỉnh hoàn toàn không kém gì những cử chỉ láu lỉnh của các em bé. Bởi vì nếu lịch sử tiến hoá của bào thai con người trong bụng mẹ chỉ là một sự tái diễn thu ngắn lại của hàng triệu năm lịch sử tiến hoá về thể chất của loài vật tổ tiên của chúng ta, kể từ loài sâu bọ trở đi, thì sự tiến hoá về trí tuệ của một em bé cũng vậy, nó chỉ là một sự tái diễn thu ngắn lại hơn nữa của sự tiến hoá về trí tuệ của những tổ tiên ấy, hay ít ra cũng là của những tổ tiên gần đây nhất. Tuy nhiên, toàn bộ hành động có hệ thống mà tất cả các loài vật đã tiến hành đều không in lại dấu vết của ý chí của chúng trên trái đất. Chỉ có loài người mới làm được việc đó mà thôi.

Tóm lại, loài vật chỉ lợi dụng giới tự nhiên bên ngoài và gây ra những biến đổi trong giới tự nhiên, chỉ đơn thuần do sự có mặt của nó thôi; còn con người thì do đã tạo ra những biến đổi đó, mà bắt giới tự nhiên phải phục vụ những mục đích của mình, mà thống trị giới tự nhiên. Và chính đó là sự khác nhau chủ yếu cuối cùng giữa con người và các loài vật khác, và một lần nữa, chính cũng là nhờ lao động mà con người mới có được sự khác nhau đó4*. Tuy vậy, chúng ta cũng không nên quá tự hào về những thắng lợi của chúng ta đối với giới tự nhiên. Bởi vì cứ mỗi lần ta đạt được một thắng lợi, là mỗi lần giới tự nhiên trả thù lại chúng ta. Thật thế, mỗi một thắng lợi, trước hết là đem lại cho chúng ta những kết quả mà chúng ta hằng mong muốn, nhưng đến lượt thứ hai, lượt thứ ba, thì nó lại gây ra những tác dụng hoàn toàn khác hẳn, không lường trước được, những tác dụng thường hay phá huỷ tất cả những kết quả đầu tiên đó. Ở Mê-xô-pô-ta-mi, ở Hy Lạp, ở Tiểu Á và ở các nơi khác, khi người ta phá rừng để có đất cày cấy, thì không mấy khi họ nghĩ rằng làm như thế là họ đã tạo ra nguồn gốc sinh ra những mối tai hoạ hiện nay trong những nước đó, vì rằng khi phá rừng, họ đã huỷ hoại cả những trung tâm chứa nước và giữ nước[4]. Những người miền núi ở Italia, khi phá hoại các đám rừng tùng trên sườn phía nam dải núi An-pơ, trong lúc những đám rừng như thế được bảo vệ một cách rất chu đáo bên sườn núi phía bắc, thì họ không nghĩ rằng, làm như vậy là đã phá hoại việc chăn nuôi trên núi cao trong nước; và họ lại càng không nghĩ rằng như thế là họ đã làm cho các suối nước trên núi bị khô cạn suốt một phần lớn thời gian trong năm, và đến mùa mưa thì nước lũ của các khe suối đó lại tuôn xuống càng dữ dội hơn nữa, làm ngập cả đồng bằng. Những người đem khoai tây về trồng khắp nơi ở châu Âu không biết trước được rằng, cũng với những củ khoai lắm bột đó, họ cũng đem cả bệnh tràng nhạc về gieo rắc ở khắp nơi nữa. Và những sự việc đó nhắc nhở chúng ta từng giờ từng phút rằng chúng ta hoàn toàn không thống trị được giới tự nhiên như một kẻ xâm lược thống trị một dân tộc khác, như một người sống bên ngoài giới tự nhiên, mà trái lại, bản thân chúng ta, với cả xương thịt, máu mủ và đầu óc chúng ta, là thuộc về giới tự nhiên, chúng ta nằm trong lòng giới tự nhiên, và tất cả sự thống trị của chúng ta đối với giới tự nhiên là ở chỗ chúng ta, khác với tất cả các sinh vật khác, là chúng ta nhận thức được quy luật của giới tự nhiên và có thể sử dụng được những quy luật đó một cách chính xác.

Và trên thực tế, chúng ta học hỏi để ngày càng hiểu được một cách chính xác hơn những quy luật đó, và biết được những hậu quả gần gũi cũng như xa xôi của những sự can thiệp tích cực của chúng ta vào trong tiến trình bình thường của các sự vật trong giới tự nhiên. Nhất là từ khi khoa học tự nhiên đã thu được những tiến bộ vĩ đại trong thế kỷ hiện thời, thì chúng ta lại ngày càng đi đến chỗ hiểu biết được cả những hậu quả tự nhiên xa xôi, ít nhất là của những hành động thông thường nhất của chúng ta trong lĩnh vực sản xuất, và do đó, có thể chi phối được những hậu quả đó. Nhưng điều đó càng trở thành sự thật, thì con người không những càng cảm thấy, mà lại càng hiểu biết thêm rằng mình với giới tự nhiên chỉ là một, thì cái quan niệm phi lý và trái tự nhiên về sự đối lập giữa tinh thần và vật chất, giữa con người và giới tự nhiên, giữa linh hồn và thể xác càng không thể nào tồn tại được, đó là một quan niệm đã thịnh hành ở châu Âu từ khi nền văn hoá cổ điển thời cổ bị suy đồi, một quan niệm đã đạt được một sự phát triển cao nhất, cùng với đạo Thiên chúa.

Nhưng nếu chúng ta đã phải trải qua hàng nghìn năm lao động mới có thể, trong một chừng mực nào đó, đánh giá trước được những hậu quả tự nhiên xa xôi của những hành động sản xuất của chúng ta, thì chúng ta lại càng phải trải qua nhiều khó khăn hơn nữa, mới có thể hiểu biết được những hậu quả xã hội xa xôi của những hành động ấy. Chúng ta đã nói đến việc trồng khoai tây và hậu quả của nó là sự lan rộng của bệnh tràng nhạc. Nhưng nếu ta đem so sánh với những hậu quả mà tình trạng dân cư cần lao buộc phải ăn toàn khoai tây để sống đã gây ra trong hoàn cảnh sinh hoạt của quần chúng nhân dân nhiều nước thì thử hỏi bệnh tràng nhạc còn có nghĩa lý gì nữa? Và, nếu ta đem so sánh với nạn đói đã xảy ra ở Ai-rơ-len năm 1847 sau khi số khoai tây trồng đều bị hư hỏng cả, tức là nạn đói đã chôn vùi một triệu người Ai-rơ-len sống hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn bằng khoai tây, và đã làm cho hai triệu người khác phải di cư sang bên kia đại dương, thì thử hỏi bệnh tràng nhạc còn có nghĩa lý gì nữa? Khi những người Ả-rập biết nấu rượu, họ hoàn toàn không nghĩ rằng họ vừa mới tạo ra một trong những công cụ chủ yếu mà sau này, người ta sẽ dùng đến để tiêu diệt dân bản xứ ở châu Mỹ, một lục địa mà lúc bấy giờ chưa ai phát hiện ra. Và sau đó, khi Colombo tìm ra châu Mỹ, thì ông ta cũng không biết rằng như thế là ông ta làm sống lại chế độ nô lệ mà châu Âu đã chôn vùi từ lâu, và đặt cơ sở cho việc buôn bán người da đen. Những người đã cố công sáng chế ra máy hơi nước hồi thế kỷ XVII và XVIII, lúc bấy giờ, không hề nghĩ rằng, làm như thế là họ đã tạo ra một công cụ có tác dụng hơn bất cứ một công cụ nào khác để cách mạng hoá những quan hệ xã hội trên toàn thế giới; nhất là ở châu Âu, bằng cách tập trung của cải vào trong tay thiểu số và đầy đọa tuyệt đại đa số vào cảnh bần cùng; một công cụ, trước hết, đem lại cho giai cấp tư sản quyền thống trị chính trị và xã hội, nhưng sau đó, lại gây ra giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản một cuộc đấu tranh giai cấp chỉ có thể chấm dứt được bằng sự lật đổ giai cấp tư sản và bằng việc thủ tiêu tất cả mọi đối kháng giai cấp. Nhưng ngay trong lĩnh vực này, chúng ta cũng phải trải qua một thời gian kinh nghiệm lâu dài và thường là gay go, và phải đối chiếu và nghiên cứu những tài liệu lịch sử, mới có thể dần dần hiểu rõ được những hậu quả xã hội gián tiếp và xa xôi của hoạt động sản xuất của chúng ta, và do đó mà có được khả năng chi phối và điều tiết những hậu quả đó.

Nhưng muốn tiến hành sự điều tiết ấy cho được tốt mà chỉ đơn thuần dựa vào nhận thức thôi thì chưa đủ. Cần phải có sự chuyển biến hoàn toàn trong phương thức sản xuất đã tồn tại cho đến nay, và đồng thời, trong chế độ xã hội hiện tại.

Tất cả các phương thức sản xuất đã có từ trước đến nay chỉ nhằm đạt được những hiệu quả có ích gần nhất và trực tiếp nhất của lao động. Còn đối với những hậu quả xa xôi, sau này mới xuất hiện và chỉ có tác dụng khi nó tái diễn lại nhiều lần và tích tụ thêm lên mãi, thì người ta hoàn toàn không chú ý đến. Trước kia, chế độ công hữu nguyên thuỷ về ruộng đất, một mặt thì thích hợp với giai đoạn phát triển của những con người mà tầm mắt, nói chung, không vượt khỏi những cái gần gũi nhất với họ, và mặt khác, là dựa vào số thừa ra về đất đai bỏ không tức là cái số đất đai đem lại một lối thoát nhất định khỏi những hậu quả tai hại có thể xảy ra trong nền kinh tế hoàn toàn nguyên thuỷ đó. Một khi mà số đất thừa ấy không còn nữa, thì chế độ công hữu cũng sẽ tan rã theo. Tất cả những hình thức sản xuất cao đều đưa đến chỗ phân chia dân cư ra thành những giai cấp khác nhau và do đó, đưa đến chỗ đối lập các giai cấp thống trị với các giai cấp bị áp bức; nhưng đồng thời, lợi ích của giai cấp thống trị lại trở thành yếu tố thúc đẩy sản xuất, khi mà sự sản xuất không chỉ hạn chế trong việc duy trì đời sống thảm hại của những người bị áp bức. Chính phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa hiện nay thống trị ở Tây Âu đang hoàn thành nhiệm vụ thúc đẩy sản xuất một cách đầy đủ nhất. Những nhà tư bản riêng lẻ thống trị sự sản xuất và sự trao đổi chỉ có thể chăm lo làm thế nào cho hành động của mình đem lại một kết quả có ích một cách trực tiếp nhất mà thôi. Hơn nữa, ngay cả cái kết quả có ích đó - đứng về phương diện tiêu dùng các hàng hoá sản xuất ra hoặc hàng hoá dùng để trao đổi mà nói, - cũng rơi xuống hàng thứ yếu; lợi nhuận thu được khi bán hàng trở thành động lực thúc đẩy duy nhất.

 
 

 

Khoa học xã hội của giai cấp tư sản, kinh tế chính trị học cổ điển, thì chủ yếu chỉ nghiên cứu những hậu quả xã hội mà những hành động nhằm sản xuất và trao đổi của loài người đang trực tiếp tìm cách đạt tới. Điều đó hoàn toàn phù hợp với tổ chức xã hội mà khoa học xã hội đó là biểu hiện về mặt lý luận. Những nhà tư bản riêng lẻ sản xuất và trao đổi để thu lợi nhuận trước mắt, cho nên trước hết họ chỉ chú ý đến những kết quả gần nhất, trực tiếp nhất mà thôi. Khi người chủ xưởng hay thương nhân riêng lẻ thu được cho cá nhân mình một số lợi nhuận thông thường, trong lúc bán ra món hàng hoá mà anh ta đã sản xuất hoặc đã mua buôn, thì anh ta đã lấy làm thoả mãn và không cần biết xem, rồi đây, món hàng hoá đó và người mua nó sẽ ra sao. Hậu quả tự nhiên của những hành động đó cũng như thế. Khi đốt rừng trên các triền núi và lấy số phân tro đủ để bón cho một đời cây cà phê đem lại một số thu hoạch rất lớn, thì những người chủ đồn điền Tây Ban Nha ở Cu-ba có cần gì phải nghĩ rằng sau này, những trận mưa rào ở vùng nhiệt đới sẽ cuốn sạch lớp đất bên trên không có gì che chở và chỉ để lại những lớp đá trơ trụi! Trong phương thức sản xuất hiện nay, người ta chỉ chú trọng chủ yếu đến việc làm thế nào cho giới tự nhiên và xã hội đem lại những kết quả gần nhất, rõ ràng nhất; nhưng rồi sau đó, người ta lại ngạc nhiên, không hiểu tại sao những hậu quả xa xôi của những hành động nhằm đạt được kết quả trước mắt đó lại hoàn toàn khác hẳn đi, và trong rất nhiều trường hợp, lại hoàn toàn trái ngược lại; không hiểu tại sao sự cân đối giữa cung và cầu lại chuyển hoá thành cái hoàn toàn đối lập với sự cân đối đó, đúng như sự diễn biến của mỗi chu kỳ khủng hoảng công nghiệp mười năm đã chứng minh cho ta thấy, và đúng như nước Đức đã bước đầu cảm thấy trong thời kỳ "khủng hoảng"[5], không hiểu tại sao chế độ tư hữu dựa trên cơ sở lao động cá nhân lại nhất định phải tiến triển đến tình trạng người lao động thì không có tài sản, còn tất cả của cải đều càng ngày càng tập trung vào trong tay những người không lao động; không hiểu tại sao [...]5*.

 


Nguồn: C. Mác và Ph. Ăng-ghen. Toàn tập, tập 20. Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994. Phiên bản điện tử: http://www.cpv.org.vn


 

[1] Bài này do Engles đặt nhan đề như vậy trong mục lục xấp tài liệu thứ hai tác phẩm "Biện chứng của tự nhiên". Bài này lúc đầu dự định được dùng làm phần lời nói đầu của tác phẩm quy mô hơn có tên gọi là "Ba hình thức nô dịch cơ bản" ("Die drei Grundformen der Knechtschaft"). Về sau Engles sửa đầu đề này thành "Sự nô dịch người lao động. Phần mở đầu" ("Die Knechtung des Arbeiters. Einleitung"). Nhưng vì tác phẩm này không được hoàn tất, nên cuối cùng Engles đã đặt tên cho phần mở đầu do ông viết là "Tác dụng của lao động trong quá trình chuyển biến từ vượn thành người"; đầu đề này phù hợp với nội dung của phần cơ bản trong bản thảo. Hoàn toàn chắc chắn là bài này đã được viết vào tháng Sáu 1876. Điều khẳng định cho giả thuyết này là bức thư của V.Liebknecht gửi Engles ngày 10 tháng Sáu 1876 trong đó Liebknecht viết rằng ông nóng lòng chờ đợi tác phẩm mà Engles hứa đăng trên báo "Volksstaat" "Về ba hình thức nô dịch cơ bản". Bài này được đăng lần đầu tiên năm 1896 trên tạp chí "Neue Zeit" (Jahrgang XIV. Bd. 2. S. 545 - 554).

[2] "Nguồn gốc con người và sự đào thải giới tính", chương VI: Về sự gần gũi máu mủ và hệ tộc học con người (Ch. Darwin. "The Descent of Man, and Selection in Relation to Sex". Vol. I, London, 1871).

1* Raffaello Santi (1483-1520) - hoạ sĩ vĩ đại người Italia ở thời kỳ Phục hưng.

2* Thorvaldsen (1768-1844) - nhà điêu khắc nổi tiếng người Đan Mạch.

3* Paganini (1782-1840) - người chơi đàn vĩ cầm và soạn nhạc vĩ đại người I-ta-li-a.

a) William Thomson, một người có uy tín bậc nhất trên lĩnh vực này, đã tính ra rằng từ thời kỳ mà trái đất đã khá nguội để cho thực vật và động vật có thể sống được ở đấy cho đến ngày nay, thì không thể nhiều hơn một trăm triệu năm.

[3] Engles ám chỉ lời làm chứng của tu sĩ người Đức La-bê-ô Nốt-cơ (khoảng năm 951 - 1022), được dẫn ra trong cuốn sách: J. Grimm. "Deutsche Rechtsalterthỹmer". Göttingen. 1828, S. 488 (I-a. Grim. "Pháp luật Đức thời cổ". Göttingen. 1822, tr. 488). Engles trích lời làm chứng này của Nốt-cơ trong tác phẩm chưa hoàn tất của mình nhan đề "Lịch sử Ai-rơ-len" (Xem C. Mác và Engles Toàn tập, tiếng Nga, Nhà xuất bản sách chính trị, Mát-xcơ-va, t. 16, tr. 511).

4* Ghi chú ngoài lề: "Sự cải thiện giống".

[4] Khi nghiên cứu vấn đề ảnh hưởng của hoạt động của con người đối với sự biến đổi của thực vật và của khí hậu, Engles đã sử dụng cuốn: "C.Fraas "Klima und Pflanzenwelt in der Zeit". Landshut, 1847 (C.Phra-at. "Khí hậu và giới thực vật qua thời gian". Lan-xhút, 1847). Trong bức thư của mình đề ngày 25 tháng Ba 1868 Mác đã lưu ý Engles về cuốn sách này.

[5] Ở đây có ý nói đến cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 1873. Ở Đức cuộc khủng khoảng này được mở đầu bằng một "cuộc phá sản to lớn" diễn ra vào tháng Năm 1873 và là sự mở đầu cho cuộc khủng khoảng lâu dài kéo dài đến cuối những năm 70.

5* Bản thảo đến đây ngừng lại.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Nguễn Anh - 22:05 06/09/2015
"Xin các ngài ăn chay tha thứ, con người mà không ăn thịt thì không thể thành con người được"
Xin lỗi mình không ăn chay nhưng đọc chổ này hơi "khựng" .Vậy thì thành con gì nhỉ?
Vì mình biết có nhiều người không ăn thịt từ nhỏ tới giờ, không biết họ thành con gì rồi. Bản thân mình thấy họ sống rất tốt, có trí tuệ và hiểu biết cũng rất cao ( hơn nhiều người đấy). Nếu tác giả viết họp lý + những gì mình thấy thì...chắc họ là "con" tiến hóa hơn con người ( con người +).
Còn giả như thuyết tiến hóa của Darwin đúng như sự thật đã xảy ra thì có lẽ tác giả nên viết:
"Xin các ngài ăn chay tha thứ, loài vượn mà không ăn thịt thì không thể thành loài người được."
pham thị hoai - 12:56 04/12/2015
tôi rất thích nội dung này
Lương Thư - 16:02 16/12/2015
cảm ơn bài viết rất hữu ích
duc nguyen - 17:04 22/08/2016
rất hay
♥ Đinh Gia Hân ♥ - 19:13 08/09/2016
ý ienshuwux ích mà rút gọn ko đc , nên làm bài còn hơi bị trục trặc !
Nguyễn Văn Hậu - 22:11 09/10/2016
Em xem bài này rất hay. Em cảm ơn Tác Gia của bài viết này.
nguyễn gia huy - 19:41 10/11/2021
dài quá crazy lôn
LÊ MINH QUÝ - 19:17 29/12/2021
Bài viết này rất hay ạ, em cảm ơn tác giả
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt