Triết học tôn giáo

Những bài giảng về bản chất của tôn giáo: Bải giảng thứ mười lăm

 

NHỮNG BÀI GIẢNG VỀ BẢN CHẤT CỦA TÔN GIÁO

BÀI GIẢNG THỨ MƯỜI LĂM

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

23

24

25

26

27

28

29

30

31

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

LUDWIG FEUERBACH (1804-1872)

LÊ KHẮC THÀNH dịch

 


Ludwig Feuerbach. “Bài giảng thứ mười lăm”, trong Những bài giảng về bản chất của tôn giáo. Lê Khắc Thành dịch. | Phiên bản điện tử do bạn Xuân Huy thực hiện.


 

NỘI DUNG:

Các hiện tượng thiên nhiên được suy luận không phải từ một lý tính hay ý chí, đang tự đề cho mình mục đích; việc giải thích nhờ vào chúng chỉ có tính chất bề ngoài. – “Đấng Quan phòng” qua sự nghiên cứu khoa học tự nhiên, được tiến hành theo tinh thần đức tin. – Cái điều hảo huyền trong lối giải thích thiên nhiên theo cái cách của thần học. – Những thí dụ về lối giải thích các hiện tượng và các quá trình thiên nhiên. – Tính chất nhiều loại và khác nhau vô cùng như là một nguyên tắc của sự sống. – Những “mục đích” trong thiên nhiên được quy định một cách vật chất và hữu cơ, và trong tính xác định này chúng tôi đối lập với hoạt động của thượng đế: hoạt động này được trông cậy vào các phép lạ, nó đứng trên tính chất bị quy định mà các quá trình thiên nhiên bị gắn vào đấy. – Những quy luật của thiên nhiên và các mệnh lệnh của thần thánh, quan điểm quân chủ và quan điểm cộng hòa đối với thiên nhiên.

 

 

Trong bài giảng cuối, tôi đã có đôi lần nói sơ qua rằng các hiện tượng thiên nhiên mà nhà thần luận cắt nghĩa như là hành vi của một kẻ có ý thức tự đặt ra cho mình các mục đích, có thể cắt nghĩa được bằng quan điểm vật lý hay tự nhiên. Tuy vậy, tôi tuyệt nhiên không hề có ý định muốn đặt ra cho mình một mục đích là giải thích nguồn gốc phát sinh và sự tồn tại của sự sống vô cơ bằng những ý kiến nông cạn nêu lên đó. Chúng tôi còn đứng xa, chưa phải trên mảnh đất của khoa học tự nhiên là bộ môn có thể giải quyết được vấn đề này. Chúng tôi chỉ biết, hay ít ra chỉ có thể biết một cách đích thực một điều là hiện giờ chúng ta đang được sinh ra và đang duy trì cuộc sống của chúng ta bằng con người tự nhiên như thế nào, cũng giống như thể chúng ta đã từng được sinh ra xưa kia bằng con đường tự nhiên, rằng mọi sự giải thích theo quan điểm thần học không mang lại một cái gì cả. Nhưng mặc dầu vấn đề cơ bản đó về nguồn gốc của sự sống, vẫn còn đó – tất nhiên thôi – nhiều hiện tượng kỳ lạ của thiên nhiên khiến ta phải chú ý đến, vì thế nhà thần luận vội chộp ngay lấy chúng với một vẻ háu ăn đặc biệt và đem đối lập chúng với các nhà tự nhiên học; họ nói: đây là một bằng chứng thực rõ ràng để các anh thấy được đấng Quan Phòng đang đặt ra cho mình những mục đích. Thế nhưng sự thể xảy ra với các hiện tượng thiên nhiên đó cũng giống như thể với các trường hợp ngẫu nhiên trong đời sống con người; những trường hợp ngẫu nhiên đó tôi cũng đã có phân tích bằng một thí dụ trong những lời chú giải của tôi cho cuốn “Bản chất của tôn giáo”. Đấy luôn luôn là những trường hợp có liên quan đến tính vị kỷ của con người, và, mặc dầu vẫn còn có những hiện tượng cũng rất đỗi kỳ lạ khác mà chúng ta vẫn sẽ không hề phân vân do dự đưa ra một lối giải thích tự nhiên, nhân quả để cắt nghĩa chúng, song chúng tôi chỉ nêu ra ở đây những hiện tượng có liên quan đến tính vị kỷ của con người và bỏ qua sự giống nhau giữa chúng với những hiện tượng khác mà đối với tôi không quan hệ cho lắm, và chúng tôi chỉ xem xét chúng với tư cách là một bằng chứng chứng minh cho một đấng Quan Phòng đặc biệt ý thức được về các mục đích của mình, hay có thể nói, với tư cách là những điều mầu nhiệm trong tự nhiên.

 

Li-bi-khơ nói: “Với một nhiệt độ thấp hơn chúng ta sẽ thở ra nhiều khí các-bon hơn là ở nhiệt độ cao, và chúng ta phải sử dụng với một tỷ lệ tương ứng nhiều các-bon hơn hay ít các-bon hơn ở trong thức ăn: tại Thụy Điển nhiều hơn ở Silicie, ở các địa phương của chúng ta về mùa đông 1,8 lần lớn hơn so với mùa hè. Ngay cả khi chúng ta sử dụng ở các vùng lạnh và vùng nóng một số lượng thức ăn như nhau, thì đấng anh minh vô cùng vẫn đã sắp xếp, an bài sao cho thức ăn đó hoàn toàn không đồng nhất về lượng các-bon được chứa đựng ở trong đó. Những trái quả mà người dân các xứ phương Nam vẫn dùng chứa đựng ở trong chúng trong trạng thái còn tươi không quá 12 phần trăm các-bon, trong khi đó thì mỡ và dầu mà người dân ở các xứ ở hai cực dùng lại chứa từ 66 đến 70 phần trăm các-bon”. Nhưng vậy thì cái đấng sáng suốt và có sức mạnh vô cùng kia là như thế nào mà chỉ loại bỏ những hậu quả của mối rủi ro bất hạnh và sự túng thiếu không thôi? Tại sao đấng sáng suốt đó lại không loại bỏ luôn chính bản thân mình mối rủi ro bất hạnh, không động đến ngay chính nguyên nhân? Nếu như một cỗ xe ngựa trong đó tôi đang đi bị gãy đỗ nhưng trong vụ đó tôi lại không bị gãy chân thì có nên chăng quy nguyên nhân cho thần ý, cho thiên mệnh được chăng? Nhưng vậy thì đấng Quan Phòng lại không thể trước hết hãy ngăn cho đừng xảy ra sự đổ gãy đó ngay được hay sao? Tại sao sự sáng suốt và từ tâm của thần linh lại không ngăn ngừa được cái rét lạnh ở các xứ vùng hai cực, nó đã khiến cho ngay đến các tảng đá cũng phải nứt nẻ? Lẽ nào Thượng đế lại không thể tạo dựng nên thiên đường? Có ích gì đâu một đấng thần linh chỉ đưa tay giúp đỡ về sau, khi các sự thể đã xảy ra? Há cuộc sống của những người cư dân ở các xứ vùng địa cực lại không phải là cuộc sống thực hết sức thảm hại, cho rằng mỡ và dầu của họ giàu về chất cac-bon? Và với những hiện tượng tương tự thì làm sao có thể tìm kiếm nơi ẩn nấp trong cái ý niệm tôn giáo về sự sáng suốt và từ tâm của thượng đế, khi mà chính bản thân tôn giáo lại hình dung thế giới như thể nó được thấy hiện nay, do những mâu thuẫn của nó giữa sự từ tâm và sự sáng suốt của thượng đế, đã thoát thai từ bàn tay của thượng đế không giống như thể nó vốn có, nhưng lại cho rằng sở dĩ như vậy là vì tội lỗi và ma quỷ đã làm biến dạng nó, và chính vì vậy mà nó đã vẽ lên viễn cảnh của một thế giới của thần linh tốt đẹp hơn? Vậy không thể nào tìm thấy một lý lẽ tự nhiên hơn cho những hiện tượng đã được nêu lên hay sao? Tại sao lại không nhỉ? Ngươi cư dân ở các xứ vùng địa cực, chẳng hạn như người xứ Greenland đã phải bốn mùa duy trì cuộc sống thảm hại của mình bằng ngay cả những tấm da thú che lều của họ và những chiếc đế dày, họ không được thưởng thức hoa quả phương Nam cùng những của ngon vật lạ khác của các nước phương Nam, sở dĩ như vậy cũng chỉ vì một lý do đơn giản là: những thức đó không thể mọc lên được ở nơi họ sống; vì một sự cần thiết thực đắng cay họ buộc phải bằng lòng chủ yếu là với mỡ và dầu của loài tuy-len và cá voi; thế nhưng mỡ và dầu được thấy có hoàn toàn không phải chỉ ở các xứ vùng địa cực mà thôi. Cá voi cũng chỉ do sự săn đuổi của con người mới bị dồn lên bắc cực, còn loài hải báo vẫn bị người ta săn bắt để lấy lượng mỡ rất dồi dào ở chúng, cũng còn được gặp ở các bờ biển ở Chi-lê chẳng hạn. Nhưng nếu quả thực là có những khối lượng đặc biệt lớn của chất các-bon ở gần bắc cực đi nữa thì chúng ta cũng có thể nêu lên một sự so sánh để hiểu hiện tượng đó qua một kinh nghiệm sau đây: người ta nói rằng củi được chặt vào mùa đông thì chắc và nặng hơn, cũng có nghĩa là giàu chất cháy hay các-bon hơn, so với củi đẵn vào mùa xuân hay mùa hè; mà điều này rõ ràng là có nguyên nhân của nó, ở chỗ vào mùa này, do ảnh hưởng của ánh sáng và nóng ấm nên cây cỏ không chỉ phân hủy a-cít các-bô-nít mà còn hấp thụ các-bon và ốc-xy ra, nhưng vào thời kỳ kết nụ, trổ hoa và ra quả thì khí các-bon lại hoàn toàn bị hủy diệt; cho nên trong cây mía, như lời nhận xét của J.Dumas trong cuốn sách của ông ta nhan đề “Thí nghiệm tính hóa học về các thực thể hữu cơ”, đường thường tích tụ trong thân cây nay bỗng thấy biến mất hoàn toàn khi mùa trổ hoa và ra quả kết thúc. Và ngay cả bản thân ông Li-bi-khơ là người nhìn thấy ở mỡ và dầu của những người dân nghèo khổ, tội nghiệp tại các vùng địa cực một bằng chứng về sự sáng suốt vô hạn của thượng đế, cũng đã cắt nghĩa những hiện tượng khác không kém phần kỳ lạ - mà đáng ra cũng có thể cắt nghĩa những hiện tượng khác không kém phần kỳ lạ - mà đáng ra cũng có thể được cắt nghĩa và đang được cắt nghĩa bằng một quan điểm thần học tương tự đáng ngạc nhiên: có những loài cây thuộc loại cỏ, hạt được dùng để ăn, cứ theo chân con người như là những gia súc vậy. Chúng theo chân con người cũng bởi những nguyên nhân như thể các cây có hàm chất muối cứ mọc chạy dọc theo bờ biển và các ruộng muối, cây mapi chạy theo các đống rác; cũng như những con bọ hung buộc phải ăn phân súc vật để sống, thì cũng hệt như thế các cây muối cần đến muối, các cây rác cần đến a-mo-ni-ac và các muối a-dốt. Không một cây lúa mì nào của chúng ta có thể cung cấp được hạt tốt mấy cho ta nhiều bột, mà lại không có một lượng ô-xít ma-ge fot-fat và amonic cần thiết cho việc tạo thành các hạt đó. Các hạt đó chỉ phát triển ở trên mảnh đất trong đó ba thành phần nói trên được sắp thấy kết hợp với nhau, và không một mảnh đất nào lại giàu có về các chất nói trên hơn là cái nơi mà các súc vật và con người cùng sống như một gia đình; chúng (các cây lúa mì) đi theo vết nước tiểuphân của súc vật và con người, là vì không có thành phần các chất này thì các cây lúa mì đó không thể nào cho ta hạt”.

 

Như vậy ở đây ta có một hiện tượng thực hết sức kỳ lạ và quan trọng đối với con người, và với nó nhà thần luận có thể lên giọng tịch thượng với nhà vạn vật học, xem đấy như là bằng chứng hiển nhiên về sự tồn tại của một đấng quan phòng đặc biệt, chỉ cần anh ta không hề hiểu biết tí gì về các nguyên nhân tự nhiên của hiện tượng đó; đó là một hiện tượng mà ta có thể đem đối chiếu, so sánh với những hiện tượng khác cũng kỳ lạ như thế nhưng không quan hệ cho lắm đối với con người (là vì cây Mapi phần lớn cũng được gặp mọc ở gần nhà ở của con người nhưng không hề mang lại lợi ích gì cho đàn gia súc cũng như con người, ngoại trừ một loại cây to hơn cả có lá của nó có thể dùng để làm vải băng làm lạnh vết thương), và hiện tượng đó có thể giải thích hiện tượng về tính hợp lý của thiên nhiên bằng mối quan hệ qua lại này. Tôi xin đưa ra thêm một thí dụ khác nữa ngoài thí dụ đã dẫn. Trong bài viết về sinh hóa học của ông ta, nhà hóa học Mun-di-er có nói: “Những thứ muối….. cũng cần thiết cho đời sống như thể bốn nguyên tố hữu cơ…. là những loại muối phổ biến nhất…Phần lớn những muối này đều cần thiết một cách tuyệt đối đối với máu và chúng thấy có cả trong nước uống cũng như trong nhựa của các loại cây được dùng làm thức ăn cho người và loài vật; đấy là một sự kiện chỉ rõ cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa hai giới này của thiên nhiên mà trong khoa học ta vẫn thường hay quen tách biệt với nhau”. Và mặc dầu trong thiên nhiên có khá nhiều hiện tượng mà chúng ta không khám phá ra được nguyên nhân vật lý, tự nhiên của chúng, thế nhưng, một khi chúng ta không thể nào giải thích được một hiện tượng nào đó bằng quan điểm vật lý, một cách tự nhiên, thì một điều thực vô nghĩa là phải tìm đến sự trợ giúp của thần học trong một trường hợp như thế. Những gì mà chúng ta còn chưa  nhận thức ra được thì con cháu chúng ta mai sau sẽ nhận thức, sẽ hiểu được chúng. Có biết bao nhiêu là hiện tượng, nhiều không kể xiết mà tổ tiên chúng ta xưa kia chỉ có thể được cắt nghĩa được bằng sự trợ giúp của thần linh, thượng đế và các chủ định của đấng đó, thì giờ đây chúng ta đã giải thích được bằng bản chất của thiên nhiên. Có một thời ngay cả một điều đơn giản, đương nhiên, tất yếu nhất người ta cũng phải giải thích nó chỉ bằng mục đích luận và thần luận mà thôi. Tại sao con người lại không giống nhau, tại sao con người chúng ta lại có những bộ mặt khác nhau? – và một vị thần học thời xưa đặt ra câu hỏi và đã trả lời như sau: để cho người ta có thể phân biệt một người này với một người khác, để khỏi lẫn lộn một người này với một người khác, chính vì vậy mà thượng đế đã cho họ những bộ mặt khác nhau. Ở trong lối giải thích này ta thấy được một thí dụ rất tiêu biểu về bản chất của mục đích luận. Một mặt do sự ngu dốt, một mặt do cái khát vọng mang tính vị kỷ là cứ muốn giải thích mọi cái theo kiểu mẫu của chính mình, con người đem biến cái tự phát thành cái tùy tiện, độc đoán, cái tự nhiên thành cái có chủ định, cái tất yếu thành cái tự do. Việc con người ta khác biệt với con người khác chỉ là một kết quả tất yếu tự nhiên, của tính cá thể của nó và của sự tồn tại của nó: là vì, nếu như nó không khác biệt thì nó sẽ không là một cá nhân đặc biệt, độc lập, và nếu như nó không phải là một thực thể, một cá thể riêng biệt thì nó sẽ không tồn tại. Như Leibniz từng nói: không có lấy hai chiếc lá nào trên cùng một cây mà lại giống hệt nhau, và ông ta đã hoàn toàn nói đúng; chỉ một sự đa dạng, nhiều loại nhiều vẻ khác nhau thực vô hạn, mênh mông mới là nguyên lý của cuộc sống; sự đồng nhất, giống hệt như nhau sẽ thủ tiêu mất tính tất yếu của cuộc sống; nếu như người ta không thể phân biệt tôi với những người khác thì tôi có tồn tại hay không tồn tại cũng không quan hệ gì cả; những người khác sẽ thay thế tôi; nói tóm lại, tôi là tôi, bởi vì tôi được phân biệt; và tôi được phân biệt bởi vì tôi hiện là tôi. Tính độc lập của tôi, những gì phân biệt tôi với những kẻ khác chính là ở ngay trong tính không thể thâm nhập[1], ở ngay việc không một ai khác có thể chiếm giữ cái chỗ mà tôi hiện đang choán lấy, ở ngay việc tôi loại trừ tất cả khỏi cái chỗ của tôi. Nói tóm lại, mỗi một người có bộ mặt riêng của mình, là vì người đó có một cuộc sống riêng của mình, cái bản chất của mình. Nhưng những gì mà ta có thể nói được ở trường hợp nêu trên, ta cũng có thể đem ứng dụng cho vô số các trường hợp khác nữa mà con người vẫn thường giải thích bằng mục đích luận, chỉ có khác một điều là tính chất nông cạn, dốt nát và lố bịch của mục đích luận ở trong các trường hợp khác không rõ rệt, hiển nhiên như ở thí dụ vừa nêu trên; vả lại, ta có thể góp thêm thí dụ như loại này nữa.

 

Tôi vừa nói rằng tuyệt nhiên tôi không muốn xem những hiện tượng của thiên nhiên mà nhà thần luận đã giải thích bằng mục đích luận như là đã được cắt nghĩa bằng những điều vừa phát biểu bên trên. Tôi đi xa hơn và khẳng định rằng ví thử như ngay nhiều hiện tượng của thiên nhiên có thể chỉ giải thích được bằng mục đích luận mà thôi thì từ đó đâu đã phải rút ra mọi kết luận của thần học? Do đó, tôi cũng thử giả định với các nhà mục đích luận rằng mắt chỉ có thể giải thích được nhờ vai trò của một đấng, và đấng đó, trong khi tổ chức hay tạo nên con mắt đã tự đặt cho mình một mục đích là phải làm sao cho mắt nhìn thấy; như vậy, tôi cũng thử cho rằng mắt nhìn thấy không phải do nó được tổ chức như thể nó hiện có, mà là vì nó được tổ chức để cho nó nhìn thấy được. Và như vậy là ở điểm này tôi đã làm một sự nhượng bộ đối với các nhà mục đích luận, nhưng tôi không công nhận rằng từ đó có thể kết luận về sự có mặt của một đấng và cái tên gọi là thần phù hợp với đấng đó; tôi không công nhận rằng, do đấy, chúng ta đã vượt ra ngoài giới hạn của thiên nhiên. Những mục đích và phương tiện trong thiên nhiên bao giờ cũng có tính chất tự nhiên, vậy như thế nào mà lại có thể viện dẫn đến một đấng siêu nhiên và ở bên ngoài thiên nhiên vậy? Các ngài không thể nào giải thích cho mình vì thế giới mà lại không xem như kẻ sáng tạo ra nó là một thực thể tinh thần có tính chất cá nhân, nhưng tôi vẫn cứ yêu cầu các ngài cắt nghĩa cho tôi rõ, thế giới có thể phát sinh từ thần, từ thượng đế như thế nào, và tinh thần, và tư tưởng – có thể sáng tạo ra thịt và máu bằng cách nào ? Tôi cũng xin vui lòng cùng các ngài thực cho rằng mục đích, với tư cách là mục đích, rằng mục đích như nó thực cho rằng mục đích, với tư cách là mục đích, rằng mục đích như nó vẫn được các ngài hình dung trong đầu óc của các ngài là độc lập với nội dung, với đối tượng, với chất của mục đích, đang chỉ ra cho thấy có một đấng thượng đế, một tinh thần nào đó; nhưng tôi xin khẳng định rằng cái mục đích đó và tác giả của nó, tức cái đấng đang đặt ra và thực hiện các mục đích, cũng chỉ sống trong đầu óc các ngài mà thôi, như thể cái nguyên nhân đầu tiên của thần luận chỉ là khái niệm nguyên thủy được nhân cách hóa, hay đấng thần linh, thượng đế cũng chỉ là bản chất của các thực thể cảm tính được thoát bỏ khỏi mọi mục đích riêng biệt, sự tổn hại của thần chỉ là khái niệm giống loại của sự tồn tại. Là vì các mục đích cũng rất đỗi khác nhau, rất đỗi vật chất như thể các công cụ của mục đích đó; vậy thì làm sao các ngài lại có thể, và theo đó, làm sao các ngài lại muốn đem tách mục đích khỏi công cụ? Làm sao có thể, chẳng hạn như, đem tách mục đích của mắt, tức thị giác, với giáp mạc, với võng mạc, khỏi màng huyết quản, khỏi thủy dung dịch, khỏi thủy tinh thể và những vật thể khác nữa cần thiết đối với thị giác? Nhưng nếu các ngài không thể nào đem tách mục đích của mắt với các phương tiện và các cơ quan vật chất của nó, thì làm sao các ngài lại muốn đem tách biệt và phân biệt cho được cái thực thể đã đề ra mục đích của mắt với cái thực thể đã tạo nên những bộ phận vật chất nhiều loại nhiều vẻ đó đang góp vào các mục đích. Nhưng, có thể nào cái thực thể không phải là vật chất, không có thể xác, lại là nguyên nhân của các mục đích vốn là kết quả của các phương tiện hay cơ quan vật chất, có thể xác? Làm sao có thể từ các mục đích chỉ tùy thuộc vào các điều kiện và phương tiện vật chất lại kết luận về một đấng phi vật chất, phi thể xác được xem như là nguyên nhân? Là vì cái đấng đang thực hiện các mục đích của nó chỉ nhờ có các phương tiện vật chất thì nhất thiết bản thân nó chỉ có thể là một thực thể vật chất mà thôi. Như vậy thì làm thế nào mà những tạo vật của thiên nhiên lại là, lại có thể là những bằng chứng và những tạo vật của thần linh, của thượng đế cho được? Thần, thượng đế như chúng ta còn được thấy rõ hơn ở bên dưới, là một thực thể được khách thể hóa của trí tưởng tượng của con người, trở thành độc lập, thượng đế có được mọi điều kỳ lạ của trí tưởng tượng; thượng đế có thể làm được mọi cái; ông ta không bị trói buộc bởi một cái gì cả, cũng như trí tưởng tượng tự do, như ước muốn của con người; ông ta có thể biến các hòn đá thành người; ông ta có thể sáng tạo thế giới ngay cả từ hư vô. Nhưng bởi lẽ thượng đế chỉ sáng tạo nên các điều kỳ lạ trong bản chất của mình. Thần, thượng đế nhìn được mà không cần mắt, nghe được mà không cần tai, suy nghĩ mà không cần đầu, sáng tạo mà không cần công cụ, nói tóm lại, ông ta là tất cả và làm ra tất cả mà không hề sử dụng và không hề có những phương tiện và những cơ quan cần cho sự tạo tác đó. Nhưng thiên nhiên chỉ nghe được nhờ có tai, chỉ nhìn thấy được nhờ có mắt; vậy thì làm sao có thể đem quy kết thiên nhiên từ thần, từ thượng đế, làm sao có thể quy kết cơ quan thính giác từ một đấng nghe được mà không cần tai, làm sao có thể quy kết các điều kiện và quy luật của thiên nhiên, mà mọi hiện tượng và tác động của nó đều được gắn liền với chúng, từ một đấng không hề gắn liền với các điều kiện và quy luật nào cả? Nói tóm lại, các sáng tạo của thượng đế chỉ là những điều kỳ lạ, những phép mầu chứ không phải là những tác động của thiên nhiên. Thiên nhiên không phải là vạn năng, nó không thể làm mọi cái; nó chỉ có thể làm được những gì có điều kiện làm được; thiên nhiên; như đất chẳng hạn, không thể sản sinh ra hoa và quả trên cây cối vào mùa đông; là vì nó không có được sức nóng cần thiết cho việc ra hoa kết quả; nhưng thượng đế lại không cần phải có gì cả để làm được điều đó. Luther nói: “Thượng đế có thể biến da của chiếc túi thành vàng và có thể làm ra hạt hoàn toàn từ hạt bụi, và biến không khí thành một chiếc hầm chứa đầy rượu”. Thiên nhiên không thể tạo nên con người nếu như không có ở trước mặt hai cơ thể khác nhau, bình quyền, một nam một nữ, cùng tác động với nhau; nhưng thượng đế sáng tạo nên con người từ bụng của cô gái đồng trinh mà không hề có sự góp sức của người đàn ông. “Có thể nào Đức Chúa Trời lại không thể làm một cái gì đó được chăng?”. Nói tóm lại, thiên nhiên là một nền cộng hòa, thành quả của những thực thể và sức lực cần đến nhau và sản sinh ra lẫn nhau, cùng tác động với nhau, nhưng bình quyền. Toàn bộ cơ thể của loài vật – chúng tôi nêu lên đặc tính của toàn bộ thiên nhiên bằng cái thí dụ này – chỉ có thể quy thành dây thần kinh và máu. Nhưng dây thần kinh sẽ không là gì cả nếu không có máu, và máu cũng sẽ không là gì cả nếu không có dây thần kinh, chính vì vậy trong thiên nhiên người ta không hề biết ai là người đầu bếp, ai là người phục vụ bàn ăn, là vì tất cả đều quan trọng như nhau, đều chủ yếu như nhau; ở đây không có đặc quyền; cái đơn giản nhất cũng quan trọng, cũng cần thiết như cái cao cấp; các dây thần kinh mắt của tôi có được tổ chức một cách hoàn hảo hơn cả thực đấy, nhưng nếu như nó thiếu mất một chất lỏng này khác, thì mắt tôi vẫn không thể nào nhìn thấy được. Chính vì lẽ cơ thể là một cư xá cộng hòa chỉ được phát sinh từ mối tác động qua lại của những thực thể bình quyền cho nên mới xảy ra những điều hại, đấu tranh, bệnh tật, chết chóc; nhưng nguyên nhân của cái chết cũng chính là nguyên nhân của sự sống, nguyên nhân của cái xấu cũng là nguyên nhân của điều tốt.

 

Trái lại, thượng đế là một vị quân vương và, hơn nữa, một vị quân vương chuyên chế, một kẻ chuyên chế vô độ, ông ta làm và có thể làm những gì ông ta muốn, ông ta “đứng trên mọi quy tắc, luật pháp”, nhưng ông ta lại biến những điều giới luật độc đoán của mình thành quy tắc, luật pháp cho các thần dân của mình, cho dù chúng có trái ngược với các nhu cầu của họ. Cũng như trong một chính thể cộng hòa chỉ được ngự trị những quy tắc, luật pháp phản ánh ý chí riêng của nhân dân, thì trong thiên nhiên cũng vậy, chỉ được ngự trị những quy luật tương ứng với bản chất riêng của thiên nhiên. Cho nên, có một quy luật của thiên nhiên, nó có hiệu lực – ít ra là đối với các loài vật có tổ chức cao cấp – khiến chi việc sinh con đẻ cái và gia tăng số lượng phải tùy thuộc vào sự tồn tại và cùng tác động của hai cá thể khác nhau trong quan hệ sinh dục, những quy luật này không mang một tính chất áp chế; một điều tiêu biểu cho các sinh vật có cơ thể cao cấp là sự khác nhau trong quan hệ sinh dục dẫn đến sự hình thành nên những cá thể độc lập khác nhau, và do đó, chúng được sinh ra đời một cách khó khăn và gián tiếp hơn là các sinh vật cấp thấp, sinh sôi nảy nở chỉ bằng cách tự phân chia đơn giản, như loài pôlip chẳng hạn. Và nếu như đối với một quy luật của thiên nhiên chúng ta không thể nêu lên một lý do, một căn nguyên nào đi nữa, thì một sự tương tự cũng cứ buộc ta phải tin tưởng, hay nói cho đúng hơn, phải tin chắc rằng có một nguyên nhân tự nhiên tương ứng. Nhưng thượng đế lại ban cho cô gái đồng trinh cái đặc ân là sinh ra một con người mà lại không đau đớn, khổ ải gì cả, rồi lại ra lệnh cho lửa đừng có cháy mà phải tác động như nước, và ra lệnh cho nước phải làm sao tác động như lửa, có nghĩa, để cho nó phải làm phát huy hiệu lực ngược hẳn lại với bản chất của các thần dân của ông ta. Nói tóm lại thượng đế áp đặt cho thiên nhiên cái ý muốn của mình, ông ta điều hành một cách hoàn toàn độc đoán, như là một ông vua chuyên chế, và chờ đợi ở con người những gì là phi tự nhiên nhất. Chẳng hạn như hoàng đế Frédéric II đã chỉ thị như sau trong đạo luật của ông ta nói về kẻ theo tà giáo: “Bởi lẽ sự xúc phạm đấng tôn nghiêm, nhằm chống lại thượng đế, là điều to lớn hơn là sự xúc phạm nhằm chống lại con người, và bởi lẽ thượng đế trừng phạt con cái về tội lỗi của cha mẹ, cho nên con cái của những kẻ theo tà giáo được coi như là không có khả năng chiếm giữ bất kỳ một cương vị xã hội và địa vị vinh dự nào cả, ngoại trừ con cái của những kẻ theo tà giáo nào đã đi tố giác bố mẹ mình”. Còn có một điều ngoại lệ và một chỉ thị nào trái ngược hơn thế nữa với bản tính con người, hơn là điều vừa nêu trên? Guillauma Kẻ-Chinh-Phục /Guillaume le Conquérant/, trong số các luật lệ đầy tính chất bạo ngược khác nữa của y, đã cho ban bố một lệnh là ở các thành phố mọi đoàn thể phải giải tán và đèn lửa phải tắt hết, ngay sau khi hồi chuông chiều lúc 7 giờ tối được ngân vang. Có thể nào có một giới hạn quyền tự do của con người phi tự nhiên hơn thế, không xứng đáng với con người hơn thế nữa chăng? Vả chăng, chúng ta cũng đã phải chịu đựng những mệnh lệnh và chỉ thị tương tự chỉ cách đây mấy năm thôi ở trong các nhà nước quân chủ của chúng ta, Thomas Paine[2] thuật lại rằng trước đây có một anh lính xứ Bran-xơ-vây (?) bị bắt làm tù binh trong thời kỳ chiến tranh giành độc lập của người dân Bắc Mỹ, đã nói với ông ta như sau: “Chà ! Nước Mỹ là một nước mới đẹp và tự do làm sao! Nó đáng để cho nhân dân chiến đấu cho nó; tôi hiểu được sự khác nhau này, là vì tôi hiểu rõ đất nước của tôi. Khi ở nước tôi quốc vương nói: các người hãy ăn rơm rạ, thì chúng tôi phải ăn rơm rạ !”. Nhưng có thể có một mệnh lệnh nào buộc con người phải làm một sự hy sinh, một sự tự phủ nhận mình lớn hơn, phản và siêu tự nhiên hơn cái mệnh lệnh nói trên chăng, bắt con người phải ăn rơm rạ? Và, do đó, chẳng phải cái chế độ độc tôn, chế độ quân chủ, hay ít ra, quân chủ chuyên chế, là một chế độ của những điều kỳ quái cả trong chính trị lẫn trong thiên nhiên?

 

Thế nhưng, làm sao cái chế độ đó lại dung hợp được với thực thể thiên nhiên? Có nơi nào trong thiên nhiên, trong đó mọi cái đều tự nhiên, mọi cái đều tương hợp với bản chất của các sự vật tự nhiên, chúng ta có thể tìm thấy những dấu vết của cái chế độ đầy những điều kỳ quái bên trên? Muốn rút ra từ thiên nhiên một vị thượng đế, có nghĩa một đấng mầu nhiệm, siêu nhiên, thì cũng thực phi lý, cũng thực cho thấy không am hiểu tí gì, không những về bản chất của thiên nhiên mà ngay cả bản chất của thần, cũng như thể từ một nền cộng hòa, hay hãy nói hẹp hơn, từ kẻ đứng đầu của một nhà nước cộng hòa, từ một vị chủ tịch của nền cộng hòa, tôi lại muốn tạo nên một quốc vương, một ông vua hay một vị hoàng đế, lại muốn chứng minh rằng ông ta cũng là một quốc vương, một kẻ cầm quyền theo như cái nghĩa của các nhà nước chúng ta, và vì vậy cho nên không một nhà nước nào lại có thể tồn tại được mà không cần đến một quốc vương. Vị chủ tịch là xuất thân từ dòng máu của nhân dân, ông chỉ là hiện thân ý chí của nhân dân, ông ta không thể làm những gì ông ta muốn, ông chỉ thực hiện những quy tắc, luật pháp mà nhân dân định ra. Còn quốc vương là một kẻ khác biệt với nhân dân hay, nói đúng hơn, khác với nhân dân về giống loại, cũng như thần linh, thượng đế khác biệt với thế giới; ông ta không thuộc dòng máu vua chúa; ông ta thống trị nhân dân không phải với tư cách một kẻ hiện thân cho ý chí của nhân dân, ông ta thống trị nhân dân như là một đấng đặc biệt đứng ở bên ngoài nhân dân, như là một vị thượng đế  bên trên thiên nhiên, như là một thực thể đặc biệt, siêu nhiên; chính vì vậy mà hành động của cả hai / quốc vương và thượng đế / chỉ là những mệnh lệnh độc đoán của sức mạnh, chỉ là những điều kỳ quái, những thứ điềm báo. Còn trong thiên nhiên, như ta đã có nói, là chế độ cộng hòa. Quả thật, cái đầu của con người là vị chủ tịch của thân thể của tôi, nhưng tuyệt nhiên đấy không phải là một ông vua chuyên chế hay một kẻ trị vì bằng ân đức thần thánh, là vì cái đầu cũng là một thực thể bằng thịt và máu như dạ dày, tim; nó cũng được cấu tạo nên từ cùng một khối, cùng một chất hữu cơ bản mà từ đó các cơ quan khác trong thân thể được cấu tạo nên; quả nó có đứng trên những cơ quan khác, nó là đầu “caput”, thuộc thể đầu tiên, đứng đầu; nhưng không phải một thực thể khác hơn các cơ quan kia về giống loại, về nguồn gốc phát sinh; vì vậy nó không có một quyền lực chuyên chế; nó chỉ ra lệnh cho các cơ quan khác phải làm những hành động nào đáp ứng với bản chất của chúng; chính vì vậy mà nó không vô trách nhiệm, nó tự trừng phạt mình, tự tước bỏ quyền hành của mình khi nó bỗng nẩy ý đóng vai trò của một quốc vương và đòi hỏi ở dạ dày, ở tim hay ở một cơ quan nào đó trong cơ thể những điều trái ngược với bản chất của chúng. Nói tóm lại, cũng như trong một nền cộng hòa, hay ít ra là một nền cộng hòa dân chủ, là nền cộng hòa duy nhất mà ta muốn nói đến ở đây, chỉ có những con người của nhân dân đứng ra cai quản, lãnh đạo chứ không phải một quốc vương; thì trong thiên nhiên cũng vậy, các vị thần không cai quản mà chỉ là những lực lượng thiên nhiên, các quy luật của tự nhiên, các yếu tố và thực thể tự nhiên mà thôi. Và, vì vậy cho nên, trở lại với cái thí dụ trước, chúng tôi xin nói rằng: từ một vị chủ tịch của một nền cộng hòa đem gở lấy cho được một đấng quân vương hay một ông vua là cả một điều ngu ngốc, phi lý và nó chứng tỏ cho thấy một sự thiếu trí khôn và sự phán đoán đến như thế nào; thì cũng vậy, thật là điều ngu ngốc, phi lý nếu muốn rút ra một thượng đến từ cái thực đang thống ngự thiên nhiên.



[1] Impénétrabilité (hai vật không thể choán cùng một chỗ được)

[2] Thomas Paine (hay Payne) nhà chính luận Anh (thế kỷ XVIII – XIX)

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt