Triết học tôn giáo

Vấn đề 9. Về sự bất khả biến của Thiên Chúa. Mục 1

 

VẤN ĐỀ 9

VỀ SỰ BẤT KHẢ BIẾN CỦA THIÊN CHÚA

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. "Về một Thiên Chúa", Tập 1. Phần I, Vấn đề 1-13. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng sự phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 1999. | Xem: Bản dịch Tiếng Anh ; bản dịch tiếng Pháp.


 

 

Bây giờ phải suy cứu về sự bất khả biến (vđ.9) và tiếp đó về sự vĩnh cửu (vđ.10) của Thiên Chúa.

Về sự bất khả biến phải tìm hiểu hai điều:

1. Phải chăng Thiên Chúa thì bất khả biến tuyệt đối?

2. Phải chăng bất khả biến là thuộc tính riêng của Thiên Chúa?

 

MỤC 1

Phải chăng Thiên Chúa thì bất khả biến tuyệt đối?

 

NGHI VẤN. Hình như Thiên Chúa không bất khả biến tuyệt

1. Phàm chi tự chuyển động là đã biến chuyển cách nào rồi. Vậy "Thần Linh sáng tạo tự chuyển động, dù không theo thời gian và nơi chốn". Cho nên Thiên Chúa thì khả biến cách nào đó.

2. Thánh Kinh nói sự Thông tuệ thì “chuyển động mau lẹ hơn tất cả các chuyển động”. Nhưng Thiên Chúa là chính sự Thông tuệ. Cho nên Thiên Chúa thì khả biến. 

3. Lại gần và tách xa ám chỉ sự chuyển động. Mà Thánh Kinh nói những điều đó về Thiên Chúa: “Hãy đến gần Thiên Chúa, Người sẽ đến gần anh em”. Cho nên Thiên Chúa thì khả biến.

NHƯNG. Ngôn sứ Ma-la-khi nói: “Chính Ta là Đức Chúa, Ta không hề thay đổi”

LUẬN GIẢI. Căn cứ vào những điều trên đây, rõ ràng là Thiên Chúa tuyệt đối bất khả biến. Trước hết, như đã chứng minh, có hữu thể đệ nhất mà chúng ta gọi là Thiên Chúa (vđ.2, m.3); và hữu thể đệ nhất này phải là hiện thể thuần túy không pha trộn bất cứ tiềm thể nào, vì xét cách tuyệt đối tiềm thể có sau hiện thể (vđ.3 m.1). Nhưng phàm chi đã chuyển biến cách này hay cách khác thì đã ở trong tiềm thể cách nào rồi. Do đó hiển nhiên là Thiên Chúa không thể bị đổi thay cách nào cả.

Thứ đến, vật nào đã biến chuyển thì đều có cái chi tồn tại và có cái chi qua đi: như vật đổi từ trắng sang đen, thì tồn tại theo bản thể. Nhiên hậu, trong mọi vật chuyển biến đều có sự phức hợp nào đó. Nhưng như đã chứng minh (vđ.3 m.7), nơi Thiên Chúa không có sự phức hợp nào hết, trái lại, Người hoàn toàn đơn thuần. Cho nên hiển nhiên Thiên Chúa không thể bị thay đổi.

Ba là, phàm chi chuyển biến, thì nhờ sự biến dịch mà chinh phục được điều gì, và đạt tới điều mà trước chưa đạt được. Nhưng Thiên Chúa thì vô hạn, gồm thâu nơi mình đầy dư mọi hoàn bị (vđ.7 m.1), nên Người không thể chinh phục chi hết, cũng không thể vươn tới điều gì mà trước chưa đạt được. Cho nên tuyệt nhiên sự biến chuyển không phù hợp với Người. Và như bị thúc bách bởi chân lý đó, một số triết gia cổ thời chủ trương rằng nguyên lý đệ nhất thì bất khả biến.

GIẢI ĐÁP.

1. Trong trích văn đó thánh Augustino theo Platon cho rằng mọi hoạt động là chuyển biến, nên nói rằng biến căn đệ nhất tự chuyển biến: như vậy cả việc hiểu biết, ưa muốn và yêu mến cũng là thứ chuyển biến nào đó. Vậy vì Thiên Chúa hiểu biết và yêu mến chính mình, nên nói là Thiên Chúa tự chuyển biến: nhưng không phải là thứ biến chuyển hay sự thay đổi của vật ở trong tiềm thể, như chúng tôi đang bàn ở đây.

2. Sự thông tuệ được cho là khả biến cách bóng bảy, vì nó làm cho họa ảnh của mình lan tỏa đến mọi ngõ ngách của vạn vật. Không chi có thể hiện hữu nếu không phát xuất từ sự Thông tuệ của Thiên Chúa, bằng cách hoạ theo, như từ tác căn và mô biểu; cũng như những nghệ phẩm phát sinh từ tài trí của nghệ nhân. Như thế, do hình ảnh của sự Thông tuệ của Thiên Chúa thông ra theo cấp bậc: từ những vật thượng cấp, thông dự sự Thông tuệ nhiều hơn, đến những vật hạ cấp, thông dự ít hơn, nên để biểu thị điều đó ta nói có một quá trình hay là chuyển biến từ sự Thông tuệ của Thiên Chúa đến các vật: cũng như ta nói mặt trời xuống tận trái đất, vì ánh sáng của nó soi tới trái đất. Dionysio cũng giải thích như thế khi nói: Mọi quá trình tỏ hiện của Thiên Chúa đều đến với chúng ta do hoạt động của Cha muôn ánh sáng.

3. Trong Thánh Kinh, những kiểu nói ấy áp dụng vào Thiên Chúa theo nghĩa bóng. Như ta nói mặt trời ra hay vào một ngôi nhà tùy theo quang tuyến của nó có lọt vào nhà hay không, cũng vậy ta nói Thiên Chúa đến gần và lui ra xa ta vì chúng ta nhận được hay vuột mất ảnh hưởng lòng nhân hậu của Người.


 MỤC 2
 VẤN ĐỀ 8

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt