TRIẾT HỌC VỀ HIỆN HỮU
16. ĐẶC ĐIỂM TỔNG QUÁT CỦA TRIẾT HỌC HIỆN SINH
I. M. BOCHENSKI (1902-1995) TUỆ SĨ dịch
I. M. Bochenski. Triết học tây phương hiện đại. Chương IV: “Triết học về hiện hữu”. Tuệ Sỹ dịch, Nxb. Ca Dao. | Bản điện tử do bạn Phạm Tấn Xuân Cao gửi cho triethoc.edu.vn.
A. NHỮNG GÌ KHÔNG PHẢI LÀ TRIẾT HỌC HIỆN SINH Sau thế chiến II, triết học hiện sinh đã trở thành một thứ thời trang trong nhiều xứ. Thể và vô thể (L’Être et le Néant), một tác phẩm rất khó đọc của Sartre đề khởi một nhận thức sâu xa về lịch sử triết học và những phân tích của nó rất chuyên môn nên chỉ có những triết gia chuyên môn và có căn bản vững mới có thể theo dõi được đường hướng tư tưởng của nó. Tác phẩm này đã gặt hái được một thành công khả quan. Ngoài ra, các triết gia hiện sinh Pháp, nhất là Sartre, phần lớn đã phổ biến nó bằng cách diễn đạt những ý tưởng của họ qua các tiểu thuyết và kịch. Mức độ phổ biến này đã dẫn đến nhiều sự hiểu lầm về triết học hiện sinh mà ta phải xử trí trước tiên. Do đó chúng ta phải bắt đầu bằng cách nói lên những gì không phải là triết học hiện sinh. Hiện sinh luận thuyên giải những điều mà ngày nay người ta mệnh danh là những vấn đề “hiện hữu” của con người, như ý nghĩa sự sống, sự chết, khổ đau, v.v… Nói thế không phải rằng hiện sinh luận bắt nguồn từ những vấn đề đó, bởi vì chúng đã có mặt trong mọi thời đại. Nếu gọi St. Augustine hay Pascal là những nhà “hiện sinh” thì đó là một nhầm lẫn. Nhận định này cũng đúng cho một số tác gia như Miguel de Unamuno (1864-1937), nhà phê bình Tây Ban Nha; Feodor M. Dostoievsky (1821-1881) tiểu thuyết gia lớn của Nga; hay Rainer Maria Rilke (1875-1926), thi sĩ Đức. Chắc chắn những tác giả này đã thảo luận và khai triển trong những tác phẩm của họ nhiều vấn đề về con người một cách gợi cảm đặc biệt. Tuy nhiên, họ không phải là những triết gia hiện sinh. Thêm một sai lầm nữa là gọi các triết gia hiện bận tâm về ý tưởng hiện hữu trong chiều hướng cổ điển hay những sự thể chuyên biệt đang hiện hữu là những nhà hiện sinh. Một số người theo học thuyết Thomas, họ coi Thomas Aquinas như là một nhà hiện sinh, cũng lạc hướng nốt. Và sai lầm to lớn là liệt kê Husserl vào số các nhà hiện sinh chỉ vì ông đã gây ảnh hưởng lớn trên nó. Thực sự, Husserl cho hiện hữu “vào ngoặc”. Sau hết, không nên đồng nhất triết học hiện sinh với một bộ phận riêng biệt của học thuyết hiện sinh, tỉ dụ học thuyết của Sartre, bởi vì ở đây ta sẽ thấy có nhiều khác biệt sâu xa giữa những quan điểm cá biệt. Đối diện với những hiểu lầm này, chúng ta cần nhấn mạnh rằng triết học hiện sinh là một khuynh hướng triết lý chỉ thành hình trong thời đại chúng ta và chỉ có thể trở lui đến Kierkegaard, và triết học này được khai triển trong nhiều học thuyết khác nhau mà nền tảng chung duy nhất có thể gọi đích danh là triết học hiện sinh. B. CÁC ĐẠI BIỂU CỦA HIỆN SINH LUẬN Trong khuôn khổ này, có lẽ trước tiên ta nên liệt kê các triết gia được coi như là những thành phần của trường phái và kế đến sẽ đề ra những sắc thái chung của họ. Ít nhất có bốn triết gia đương thời chắc chắn đáng nêu danh là “những nhà hiện sinh”: Gabriel Marcel, Karl Jaspers, Martin Heidegger, và Jean-Paul Sartre. Tất cả đều viện đến tên tuổi Kierkegaard, dù là người ở một thời đại sớm hơn, ông vẫn được coi là một nhà hiện sinh và có ảnh hưởng ở thời đại chúng ta đây. Ngoài bốn tư tưởng gia thủ lĩnh này, người ta không thấy có nhiều triết gia hiện sinh đúng nghĩa khá nữa, mặc dù hiện sinh luận gợi hứng và ảnh hưởng đến nhiều triết gia. Trong số đó, Simone de Beauvoir, cộng sự viên của Sartre, đáng được kể đến và nhất là Maurice Merleau-Ponty, một trong những bộ óc tài ba của triết học Pháp hiện đại. Hai tư tưởng gia người Nga, Nikolai Berdyaev (1874-1948) và Leos Shestov (hay Léon Chestov, 1866-1938), họ rất nổi tiếng qua các tác phẩm viết bằng tiếng Pháp. Cũng nên ghi thêm nhà thần học Tin lành Karl Barth (-1886) ảnh hưởng Kierkegaard rất nặng. Tuy nhiên, nếu kể thêm Louis Lavelle (1883-1951), rõ ràng là một triết gia về thể tính, đó là một điều nhầm lẫn. Sau đây chúng ta chỉ giới hạn trong những quan điểm của bốn triết gia kể trên. Những quan điểm của Gabriel Marcel chỉ được nhận định vắn tắt vì tác phẩm chính yếu của ông không xuất hiện vào lúc tập sách này đang được sửa soạn, và một ít quan điểm được lấy từ các tác phẩm khác trong những đường nét chính yếu của tư tưởng ông. Sau đây là những niên đại chính yếu của tư tưởng ông. Sau đây là những niên đại chính yếu của lịch sử triết học hiện sinh: Kierkegaard mất năm 1855. Tác phẩm Psychologie der Weltanschauungcủa Karl Jaspers xuất bản năm 1919. Rồi những tác phẩm kể dưới đây xuất hiện; Gabriel Marcel và Journal métaphysique, và Martin Heidegger với Sein und Zeit năm 1927; Karl Jaspers với Philosophienăm 1932; và Jean-Paul Sartre, L’Être et le Néant năm 1943. Hiện sinh luận chỉ đơm hoa mới đây trong những xứ Latin, nhất là Pháp và Ý, trái lại nó đã chu toàn dòng phát triển quan trọng nhất ở Đức kể từ 1930. C. NGUỒN GỐC Suốt thời sinh viên, tư tưởng gia Tin lành, người Đan Mạch, Søren Kierkegaard (1813-1855), ít có ảnh hưởng đậm đà và ở thế kỷ XX, do sự tương tự giữa tư tưởng bi tráng và chủ quan của ông và tinh thần thời hiện đại người ta tìm lại được ông. Gabriel Marcel khai triển những ý tưởng đặc biệt của ông rất gần với những ý tưởng của Kierkegaard ngay cả khi ông chưa biết đến tác phẩm Đan Mạch. Kierkegaard chưa từng thiết lập riêng cho mình một hệ thống. Ông tấn công dữ dội triết học Hegel vì “phổ cập tính” (publicité) và khách quan tính của nó, và phủ nhận khả tính của trung gian thể (médiation), nghĩa là khả tính làm tiêu hóa sự đối lập giữa chính đề và phản đề thành một tổng đề duy lý và bao biến. Ông thừa nhận đặc sắc của hiện hữu trổi vượt trên yếu tính và dường như là người đầu tiên mang lại cho hiện hữu một ý nghĩa “hiện sinh” (existentialiste). Ông triệt để chống duy trí, chủ trương rằng Thượng đế không thể đạt được bằng một tiến trình duy lý, rằng đức tin Thiên chúa giáo là đầy những mâu thuẫn và rằng mọi cố gắng duy lý hóa nó là đáng nguyền rủa. Kierkegaard kết hợp thuyết ưu tư với thuyết cô đơn toàn diện của con người trước mặt Thượng đế và định mệnh bi tráng của con người. Ông coi gián thời (instant) như là tổng đề của thời gian và vĩnh cửu. Song song với Kierkegaard, Husserl và hiện tượng học của ông đã giữ tầm quan trọng lớn lao đối với hiện sinh luận Heidegger. Marcel, và Sartre thường sử dụng phương pháp hiện tượng luận, mặc dù họ không tán thành những kết luận của Husserl cả đến hướng đi căn bản của Husserl – vì hiển nhiên sự loại bỏ hiện hữu trong phân tích của mình đặt Husserl đối lập với hiện sinh luận. Một cách rõ rệt, hiện sinh luận chịu ảnh hưởng của triết học nhân sinh và trong những đường hướng nào đó nó là sự bành trướng của triết học nhân sinh nhất là với chủ trương hiện thực của nó với sự phân tích về thời gian và lập trường phê bình duy lý luận và khoa học thiên nhiên. Bergson, Dilthey, và nhất là Nietzsche đã dọn đường cho hiện sinh luận với nhiều mục tiêu căn bản của nó. Sau hết, siêu hình học kiểu mới đã gây ảnh hưởng rất mãnh liệt đến triết học hiện sinh. Tất cả những nhà hiện sinh đều đưa ra vấn đề thể tính (problème de l’être) và một số người, như Heidegger, triển khai một nhận thức sâu xa về những nhà siêu hình học lớn cổ đại và trung cổ. Trong những cố gắng của họ nhắm đi đến một thực tại tự tồn các nhà hiện sinh tìm cách vượt qua duy tâm luận. Tuy nhiên một số nhất là Jaspers có vẻ còn chịu nhiều ảnh hưởng của nó. Như thế, hiện sinh luận phát sinh từ hai khuynh hướng tinh thần lớn lao, chúng dẫn đến chỗ đoạn tuyệt với thế kỷ XIX nhưng lại chịu ảnh hưởng của một phong trào điển hình khác thuộc thời đại chúng ta: siêu hình học kiểu mới. D. SẮC THÁI CHUNG 1) Đặc điểm chung cho các triết gia hiện sinh ngày nay khác nhau là sự kiện họ thảy đều trỗi dậy từ một kinh nghiệm gọi là hiện sinh mang nhiều hình thức sai biệt trong từng triết gia. Tỉ dụ, kinh nghiệm ở Jaspers, nó là một tri nhận về tính chất mong manh của thể tính, ở Heidegger, đó là “bước tới sự chết”, ở Sartre, đó là kinh nghiệm về trạng thái buồn nôn. Các nhà hiện sinh không ai che dấu sự kiện rằng triết lý của họ bắt nguồn từ những kinh nghiệm như thế. Đó là lý do triết học hiện sinh luôn luôn mang dấu vết của kinh nghiệm cá nhân, ngay cả ở Heidegger. 2) Các nhà hiện sinh lấy cái gọi là hiện hữu làm đối tượng cứu cánh của nghiên cứu, nhưng ý nghĩa mà họ gán cho chữ này thật khó xác định vô cùng. Tuy nhiên, trong mỗi trường hợp, nó chỉ cho cách thế hiện hữu dành riêng cho con người. Con người – một từ ngữ ít dùng và thông thường được thay thế bằng chữ (Tại thể) “Dasein”, “hiện hữu” (existence); “tự ngã” (ego), “tự thân thể” (l’être-pour-soi) – độc nhất chỉ con người là có hiện hữu: nói đúng hơn, con người không có hiện hữu mà nó là hiện hữu. Nếu con người có một tinh thể (yếu tính), thì tinh thể này là hiện hữu của nó hay là kết quả của hiện hữu. 3) Hiện hữu được công nhận như là hiện thực (actualiste) tuyệt đối; nó không bao giờ là nhưng nó tự tạo trong tự do: nó là một dự phóng (projection): nó càng là nó hơn (hay kém) trong từng khoảnh khắc. Các nhà hiện sinh thường biện minh thể tài này bằng quan điểm rằng hiện hữu và thời tính là như nhau. 4) Sự khác biệt giữa chủ hiện thực (actualisme) này của hiện sinh luận khác với triết học nhân sinh ở chỗ các nhà hiện sinh nhận định con người như một chủ tri tính (Subjectivite) thuần túy, và không phải như một biểu thị của một dòng sông bao la (vũ trụ) hơn: quan điểm Bergson là một tỉ dụ. Thêm nữa, chủ tri tính được hiểu theo nghĩa sáng tạo; con người tự sáng tạo lấy mình một cách tự do, nó chính là tự do tính của nó. 5) Thế nhưng, nếu từ đó đi đến kết luận sau đây, là hoàn toàn bất xác: kết luận rằng, theo các nhà hiện sinh, con người bị khép kín lại trong chính nó. Trái lại, con người là một thực tại bất toàn và mở rộng; tự bản chất, nó buộc liền với thế giới rất chặt chẽ và đặc biệt là với tha nhân. Tất cả các đại biểu của hiện sinh luận đều thừa nhận sự lệ thuộc cả hai mặt này, và diễn ra theo một đường hướng như thế này: hiện hữu con người dường như bị ghép vào thế giới, do đó con người luôn luôn không những chỉ đối diện với một tình cảnh hạn định mà nó chính là tình cảnh (situation) của nó. Đằng khác họ cho rằng có một liên hệ đặc biệt giữa mọi người, sự liên hệ, giống như tình cảnh, nó mang lại cho hiện hữu một phẩn tính đặc dị của con người. Đó là ý niệm “vong thể” (Mitsein) của Heidegger, “giao thể” (Kommunikation) của Jaspers, và “Anh” (ngôi thứ hai) của Marcel. 6) Tất cả các nhà hiện sinh đều bác bỏ sự phân tách giữa chủ thể và khách thể, như thế họ làm giảm giá nhận thức trí năng trong lĩnh vực triết học. Theo họ, nhận thức chân thật được chu toàn không do lý giải mà do kinh nghiệm thực tại. Kinh nghiệm này do nguyên lai được tạo ra do ưu tư, nhờ đó con người ý thức được tính cách hữu hạn và mong manh của nó về vị trí của mình trong thế giới, cái thế giới mà nó bị ném ở đó, phải đi đến sự chết (Heidegger). Mặc dù có những sắc thái căn bản chung cho hiện sinh luận như thế, người ta còn có thể thêm vào đó những sắc thái khác, ít quan trọng hơn, nhưng cũng có những khác biệt sâu xa giữa các đại biểu giữ vị thế biệt lập này. Tỉ dụ, Marcel cũng như Kierkegaard là một nhà hữu thần rõ rệt, trong khi Jaspers thừa nhận một siêu việt thể mà người ta không biết có nên công nhận nó như một hữu thần luận, một đa thần luận hay một vô thần luận, vì Jaspers bác bỏ cả ba. Triết học Heidegger dường như là vô thần, nhưng theo sự tuyên bố bề ngoài của tác giả, chắc chắn là trong tầm mức giới hạn, nó không phải là vô thần. Sau hết, Sartre cố xây dựng một vô thành luận công khai và suy lý. Chủ đích và phương pháp cũng khác nhau trong từng mỗi triết gia hiện sinh, Heidegger thì nhắm thiết lập một tổng thể luận (ontologie) trong chiều hướng Aristote, và sử dụng một phương pháp nghiêm mật mà sau này Sartre phỏng theo. Jaspers không thừa nhận bất cứ một thể luận nào coi như là phương cách minh giải hiện hữu nhưng ông quảng diễn một hệ thống siêu hình, và phương pháp của ông có vẻ như là cố định.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC