Chủ nghĩa Marx

Duy vật luận siêu hình

BIỆN CHỨNG PHÁP

 
CHƯƠNG THỨ NHẤT
 
NGUỒN GỐC, Ý NGHĨA VÀ NỘI DUNG
 
CỦA BIỆN CHỨNG PHÁP

 

1 2 3 4 5 6

 

TRẦN VĂN GIÀU (1911-2010)

 


Trần Văn Giàu. Biện chứng pháp. Nxb. Xây dựng, Hà Nội, 1955. 


 

Duy vật luận biện chứng là lý luận tổng quát của Đảng Mác-Lê. Sở dĩ gọi là duy vật luận biện chứng là vì cách nó xem xét hiện tượng tự nhiên, phương pháp nghiên cứu và nhận thức của nó là biện chứng; còn quan niệm của nó về hiện tượng tự nhiên, lý luận của nó là duy vật” (Stalin)

  

 

  • Mục đích và trọng tâm của Chương I
  • Duy vật luận siêu hình.
  • Biện chứng pháp duy tâm.
  • Những phát kiến khoa học nào đã làm nền móng cho Biện chứng pháp   duy vật ?
  • Những điều kiện xã hội nào đã giúp cho biện chứng pháp duy vật nẩy nở và phát triển ?
  • Biện chứng pháp: định nghĩa và tác dụng của nó.
  • Nội dung căn bản của Biện chứng pháp: phạm trù biện chứng và quy luật biện chứng.
  • Tóm tắt và kết luận

 

 

 

MỤC ĐÍCH VÀ TRỌNG TÂM CỦA CHƯƠNG I

Mục đích

Vạch rõ những khuyết điểm của duy vật luận trước Mác, nhận thấy tính chất “lộn nhào” của biện chứng pháp của Hê-gen (Hégel) và biết rằng duy vật biện chứng của Mác không phải là duy vật luận của Phơ-bách (Feuerbach) cộng với biện chứng pháp của Hê-gen.

Biện chứng pháp không phải là một phương pháp chứng minh tầm thường, cũng không phải là một cách biện luận nông nổi; nó là một khoa học để nghiên cứu quy luật vận động tổng quát của vũ trụ; nó là phương pháp luận chung của các khoa học, nó là khí cụ tinh vi nhất để phát kiến.

Nhận thấy thực chất cách mạng của biện chứng pháp.

Trọng tâm

Điều kiện lịch sử làm phát sinh Biện chứng pháp.

Thực chất cách mạng của Biện chứng pháp.

 

I. DUY VẬT LUẬN SIÊU HÌNH

 

Lịch sử của triết học từ cổ chí kim là lịch sử của duy vật luận phát triển trong cuộc đấu tranh không ngùng chống các mầu các vẻ của duy tâm luận. Mỗi giai cấp đang lên đều dùng duy vật luận làm vũ khí tư tưởng. Nói một cách khác, không đợi đến khi giai cấp công nhân trở thành một lực lượng chính trị độc lập thì khi ấy mới có duy vật luận. Trước Mác, đã có duy vật luận rồi; và nói chung duy vật luận của thời nào cũng đều nhận định rằng: “Vũ trụ là thực tại, vật chất và có thể nhận thức được”. Đó là một định lý của chủ nghĩa Mác-Lê, đó là vũ trụ quan của chúng ta, tóm tắt lại trong một câu vừa gọn gàng vừa đầy đủ. 

Nhưng duy vật luận trước Mác, kể cả triết học của Phước-bách, mang nhiều khuyết điểm, khuyết điểm của thời đại, do trình độ còn thấp kém của khoa học quyết định. Nó không biện chứng, nó có tính chất cơ giới, siêu hình, bàng quan và không triệt để. Còn triết học của chúng ta, triết học của Mác-Angen-Lênin-Stalin, chẵng những là duy vật luận, triết học của chúng ta là duy vật luận biện chứng. Duy vật luận biện chứng cao siêu hơn, hoàn bị hơn, sắc bén hơn duy vật luận thế kỷ thứ 18; nó là một tầng phát triển mới, một chất lượng triết học mới, như lời Jđanốp (Jdanov), nó là sự phủ định hoàn toàn nhất của các triết học cũ.

1. Duy vật luận trước Mác là duy vật luận cơ giới

Triết học không bay bổng lên trên các khoa học tự nhiên và xã hội, mà trái lại, nó gắn liền với khoa học xâm nhập vào mọi khoa học; triết học tổng kết những phát kiến quan trọng của khoa học tạo cho khoa học một lý luận tổng quát để làm cơ sở nghiên cứu. Trình độ khoa học nào quyết định hình thức triết học ấy. Cho nên, trình độ của khoa học hồi thế kỷ thứ 18 quyết định tinh chất cơ giới của triết học thời đó. Lúc bấy giờ trong các môn khoa học, chỉ có cơ học là phát triển mạnh hơn cả. Trong cơ học đó, người ta lại chú ý nhất vào việc nghiên cứu những vật cứng rắn trên trời và dưới đất. Còn hóa học thì tựa hồ như đứa bé mới tập tễnh bước những bước đầu tiên. Sinh vật học chưa thành hình. Vì vậy, ta không lấy làm ngạc nhiên mà thấy rằng nhà khoa học, nhà triết học lúc ấy cắt nghĩa các hiện tượng về sinh hoạt bằng quy luật cơ giới; nhà sinh học tiến bộ hồi thế kỷ 18 thường nói: “Máu chạy trong mạch như nước chảy trong ống”: ”khối óc tiết ra tư tưởng như là gan tiết ra mật”.

Lẽ tất nhiên rằng giải thích như thế là sai lầm, máy móc.

Vẫn hay quy luật cơ giới rất quan trọng; vẫn hay có thể giải thích rất nhiều hiện tượng trên vũ trụ bằng quy luật cơ giới; và ngày nay, cơ học lượng tử nối liền lý học với hóa học; một khoa học mới xuất hiện trên biên cương lý và hóa, đó là hóa lý học; mà hóa học cũng như hóa lý học rất là quan trọng cho sự nghiên cứu sinh lý học.Vẫn hay rằng khi nhà y sĩ chữa mắt cận thị hay viễn thị của ta bằng kính, thì trong phương diện nào đó, nhà y học nối liền sinh lý học với vật lý học xem mắt ta như một khối thấu kính. Song lý, hóa hay hóa lý học có quy luật riêng của nó; sinh lý học có quy luật riêng của nó; xã hội học có quy luật riêng của nó. Không thể xem xã hội như cơ thể, không thể xem cơ thể như chiếc máy đồng hồ. Một con chuột leo cột nhà; con chuột gồm nhiều tế bào; tế bào gồm nhiều nguyên tử, song không thể nói rằng tế bào leo cột nhà, càng không thể nói rằng nguyên tử sợ oai mèo mà chạy trốn. Từ loại quy luật này đến quy luật kia chẳng những có sự khác nhau về trình độ phức tạp mà còn có sự phân biệt về chất lượng nữa, tuy rằng tất cả đều liên quan với nhau.

Chúng ta sẽ thấy rằng biện chứng pháp đã phá tính chất cơ giới của duy vật luận thế kỷ thứ 18. Biện chứng pháp bao gồm cơ giới luận mà không quy về cơ giới luận; vận động cơ giới chỉ là một trường hợp của vận động chung, to lớn, phức tạp, biện chứng. Biện chứng pháp ra đời đánh lui và tiêu diệt sức phản công của duy tâm, thần bí; bọn này lợi dụng cái bất lực của duy vật cơ giới trước những vấn đề lớn như căn nguyên và tính chất của sự sống, că nguyên và tính chất của tinh thần… . để đem ông Thượng đế vào nhà khoa học bằng cửa sau, hay là để gieo mối hoài nghi vào khả năng nhận thức của khoa học.

Cần nhận rõ điều này: khi người nào công kích được duy vật luận cơ giới, thì người ấy chưa có quyền khua chuông gõ mõ rằng họ đã thắng duy vật luận, càng không nên tự đắc rằng họ đã thắng triết học Mác-Lê, bởi vì triết học Mác-Lê không phải là duy vật luận cơ giới,và chỉ có triết học Mác-Lê mói vạch rõ cái thiếu sót, bất lực, sai lầm của duy vật luận cơ giới.

Trong “Tạp Chí Phổ Thông” in tại Hà Nội trước đây, có người nói rằng “Theo Mác, bộ óc tiết ra tư tưởng như lá gan tiết ra mật”. Không biết anh chàng ấy đọc sách nào của Mác mà tìm được một câu quái gở như thế ? Bọn đế quốc thường có cách gán cho chủ nghĩa Mác-Lê những ý kiến bịa đặt nào đó, rồi hùng hổ xé nát ý kiến ấy, rồi khoái trá hô to rằng chúng đã phá tan chủ nghĩa Mác-Lê!

Cách xuyên tạc ấy lại cũ rích bởi vì từ hơn thế kỷ nay, đối phương của triết học Mác đã sản xuất khối người chưa hề đọc sách của Mác mà công kích Mác như ruồi cắn đuôi voi.

Duy vật luận mác-xít là duy vật luận biện chứng. Tuyệt đối không phải duy vật luận cơ giới. Duy vật luận cơ giới là ngõ đường quanh dắt đến duy tâm, thần bí về tư tưởng, dắt đến bế tắc về nghiên cứu. Vì sao ? Chúng ta sẽ giải thích.

Mãi đến ngày nay, duy vật luận cơ giới hãy còn thống trị tư tưởng của nhiều người kể cả một số người đã tư xem mình là duy vật. Không phải họ tái phạm những sai lầm của Đề các (Descartes), Húc-lay (Huxley), nhưng họ lại phạm những sai lầm một loại sai lầm cơ giới; ví dụ như nhà bác học Anh Han-đan (Haldane), bảo rằng tinh thần là những điện tử rất tế nhuyễn; như ông Jóc-đăng (Jordan) bảo rằng hiện tượng sinh họat tùy thuộc quy luật vận động vật lý của vi phân tử. Đó là trong khoa học tự nhiên. Còn trên mặt xã hội, lịch sử, chính trị, sai lầm cơ giới lại càng dễ mắc phải : ví dụ như bằng một cách máy móc, đem một chiến thuật thích hợp với Au châu kỹ nghệ vào ứng dụng ở Việt Nam nông nghiệp; hay ví dụ như đoàn kết một chiều ngại phê bình đấu tranh...

Nói như vậy để chúng ta nhớ rằng bệnh máy móc, tư tưởng cơ giới, cách suy xét phi biện chứng hãy còn; và còn nhiều. Không phải là khi có biện chứng pháp ra đời, khi dã thuộc các phạm trù và quy luật biện chứng thì “tự nhiên” tư tưởng cơ giới máy móc đã tiêu tán như giọt dầu săng trước gió. Còn phải nghiên cứu, đấu tranh nhiều để biện chứng pháp trở nên phương pháp tư tưởng chủ yếu.

2. Duy vật luận trước Mác là duy vật luận siêu hình

Siêu hình bởi vì nó thấy tĩnh mà không thấy động; với nó, vũ trụ không thay đổi, xưa sao nay vậy và sau này cứ thế mãi. Nếu nó thấy động thì cái động ấy hoặc là thay đổi phương hướng, dời chỗ, hoặc đi một vòng rồi trởi lại chỗ cũ, nó cũng không biết tìm căn nguyên của sự vận động cơ giới đó ở đâu; cho nên Đề-các, Nhu-tôn (Newton) mới cắt nghĩa sự xoay vần của vũ trụ bằng cái búng của Thượng đế. Tuyệt nhiên duy vật luận trước Mác chưa thấy sự biến đổi về chát bằng những cuộc đột biến trong tự nhiên giới; nó chỉ thấy những sự biến đổi về lượng, tuần tự biến đổi.

Vì sao có tình trạng ấy ?

Vì hai lẽ : Thứ nhất theo lời của Angen, nhà khoa học từ thời Phục sinh quên mất yếu tố thời gian khi họ nghiên cứu; họ chỉ nghiên cứu sự vật trong không gian; đó là một sự thiệt thòi, một sai lầm về phương pháp; nếu ngược lại nhà khoa học lúc ấy kể đến yếu tố thời gian, nếu họ nghiên cứu sự vật trong quá trình phát triển của nó, thì khoa học đã đỡ phải đình đốn hay chậm tiến. Thứ nhì, sở dĩ có tình trạng nhận thức trên là vì trình độ khoa học còn thấp. Ví dụ như địa chất học chưa thành hình, người ta lúc ấy chưa biết rằng trái đất có lịch sử của nó và các giống loài đều có lịch sử của chúng nó; khi Kăng (Kant) đặt ra giả thuyết tinh vân để giải thích căn nguyên và lịch sử của hệ thống mặt trời, thì đại đa số các thức giả lúc bấy giờ xem học thuyết của Kăng như một chuyện lạ để mua vui khi nhàn rỗi; họ chưa hiểu thấu ý nghĩa biện chứng quan trọng của phát kiến ấy; họ chưa biết rằng nếu giả thuyết của Kăng mà đúng-mà nó cũng có phần đúng thật- thì cả mặt trời, trái đất, vạn vật, xã hội, đều phải có lịch sử, nghĩa là phải có biến đổi trong thời gian chứ không phải xưa sao nay vậy.

Duy vật luận siêu hình trải chiếu cho duy tâm luận nằm chễnh chệ trong nhà khoa học; nó lót đường cho Thượng đế đi vào ngự trị trong lĩnh vực khoa học biến khoa học thành tùy thuộc của thần học. Thực vậy : nếu như các giống loài, các tinh tú không có lịch sử, thì làm sao hiểu được căn nguyên của chúng nó? Ví dụ: vì lẽ gì mà có loài người ? Do đâu mà có động vật, thực vật ? Rồi thì rút cục lại giải thích không nổi, người ta sẽ cầu viện đến một lực lượng thần bí và nói rằng Thượng đế toàn lượng toàn năng sáng tạo ra các giống loài để biểu diễn uy danh của mình. Khoa học vì siêu hình mà rơi vào thần bí.

Biện chứng pháp sẽ đem lại một phương pháp nghiên cứu mới, đúng: nghiên cứu mọi sự vật trong thời gian (và không gian) trong lịch trình phát triển của chúng nó. Duy vật biện chứng sẽ cho ta cái khả năng giải thích được những điều gì mà duy vật siêu hình không thể giải thích nổi; nó sẽ trục xuất duy tâm và thần bí ra khỏi cổng nhà khoa học.

Thế nhưng ta đừng chủ quan mà tưởng dại rằng ngày nay không còn có duy vật siêu hình. Còn, còn nhiều; ví dụ : như học phái Măn-đen, Móc-găn (Mendel, Morgan) bảo rằng cái gên đời đời không đổi dù đổi hoàn cảnh, dù đổi cách dinh dưỡng. Lại có nhà bác học Anh làm tính thế nào đó để kết luận rằng vũ trụ được tạo ra cách đây 2000 triệu năm ! Đó là trong khoa học tự nhiên. Trong khoa học xã hội, trên mặt chính trị, tư tưởng siêu hình hãy còn thịnh hành; ví dụ như có người than rằng : “Hồi trước cường hào áp bức nhân dân, bây giờ nhân dân đàn áp cường hào, xưa sao nay vậy, có người là có người áp chế người" !

Đó, tư tưởng siêu hình phi biện chứng. Còn phải tranh đấu mạnh, giáo dục nhiều. Biện chứng pháp không giống một lá bùa, hễ treo lên thì tất cả ma quỷ siêu hình đều bị giải tán. Nhất là cần phải có thực tiễn cách mạng thì biện chứng pháp mới mau trở thành phương pháp suy luận chủ yếu cho mọi người, đặc biệt cho những người nghiên cứu: cần phải có thực tiễn cách mạng thì tư tưởng cơ giới siêu hình mới mau bị đánh bạt đi. Thật tiễn cách mạng không phải chỉ có vác súng đánh thực dân, thực tiễn cách mạng bao gồm cả sự cải tạo thiên nhiên, xã hội con người.

3. Duy vật luận trước Mác là duy vật luận bàng quan

Khuyết điểm thứ  ba của duy vật luận trước Mác là tính chất bàng quan của nó. Nói một cách khác, nhà triết học lúc bấy giờ chỉ chuyên tâm giải thích vũ trụ, chỉ muốn hiểu biết để hiểu biết; họ chưa đặt nhiệm vụ cho triết học là cải tạo vũ trụ, xã hội và con người; dưới ảnh hưởng của họ, khoa học treo chiêu bài trung lập, thuần tuý, khoa học vị khoa học, nghệ thuật vị nghệ thuật, họ chưa nhận thấy rằng nhiệm vụ của triết học chính là đẩy mạnh khoa học đi tới trước, là áp dụng những nguyên lý duy vật vào công trình nghiên cứu kinh tế, lịch sử, làm nền tảng lý luận cho sự hoạt động chính trị, cho mọi hoạt động cách mạng. Một nhà văn Pháp hồi thế kỷ 18, ông Vôn-te (Voltaire) nói rằng triết gia là kẻ ít lợi ích nhất cho nhân loại.

Trái lại với tính chất bàng quan của duy vật luận thế kỷ thứ 18 thì duy vật biện chứng của Mác gắn liền với chính trị học, với nhiệm vụ cải tạo xã hội, cải tạo tự nhiên; nó là một triết học chiến sĩ; đúng như lời của Mác, triết học phải là đầu não của sự giải phóng con người, mà vô sản giai cấp chính là trái tim của sự giải phóng đó. Chính biện chứng pháp đem tinh thần cải tạo, tinh thần cách mạng vào duy vật luận. Mỗi phạm trù của biện chứng pháp, mỗi quy luật của biện chứng pháp đều là một quy luật của hành động, hành động có phương hướng.Có thể nói rằng biện chứng pháp là “linh hồn” của duy vật luận; thiếu nó duy vật luận không giải thích đúng, đừng nói chi cải tạo được. Đối với cuộc đới nhà triết học ngày nay, nhà triết học Mác-Lê, không giống như một khách xem tuồng diễn trên sân khấu lịch sử ; bản thân nhà triết học là một diễn viên; mà triết học là một cơ sở lý luận của vở tuồng. Biện chứng pháp duy vật ra đời, chấm dứt cái thời mà triết học bị xem như “trang sức của trí tuệ”, cái thời nhà triết học nào muốn gìn giữ “tiếng tăm”, “phong độ” thì phải xa phong trào quần chúng, xa cuộc đời, xa sự đấu tranh của dân tộc, của giai cấp. Nay chấm dứt cái thời mà hễ triết học càng bay bổng lên trên các khoa học bao nhiêu thì tôn nghiêm và giá trị bấy nhiêu. Biện chứng pháp duy vật ra đời: những triết gia xuất sắc của nó cũng là những chánh khách trứ danh; từ đó, mỗi lãnh tụ của nhân dân là một nhà triết học thâm thúy: Mác, Agen, Lênin, Stalin, Mao-Trạch-Đông, Jđanôp. Theo chỉ giáo của Mác, Ăngghen, Lênin, Stalin,  duy vật biện chứng hiện thân trong công trình cải tạo thiên nhiên vĩ đại ở Liên Xô, Trung Quốc; các nước dân chủ nhân dân, đem lại cái “chất xanh tươi cho sa mạc”, trị sông dữ, đuổi tuyết giá, tạo nhiều giống loài động thực vật mới, gọi trời trời phải thưa, bẻ xiềng xích, giải phóng dân tộc, cải tạo con người, tất cả đều phục vụ đời sống tinh thần và vật chất của chúng ta.

Cái gì đã phá tính chất bàng quan, “yểm thế” của duy vật luận trước Mác? Cái gì đã làm cho duy vật luận đi vào đời sống, sống với con người ? – Ay là biện chứng pháp, biện chứng của tự nhiên, biện chứng của xã hội, biện chứng của tư tưởng mà những người đã tổng kết lại chính là những lãnh tụ của cách mạng thế giới; biện chứng pháp là tinh túy cách mạng của duy vật luận.

4. Duy vật luận trước Mác là duy vật luận không triệt để

Nó không triệt để vì các nhà triết học của thế kỷ thứ 18 không nhận thấy tương quan mật thiết giữa tự nhiên và xã hội, vì họ chưa nhận thấy rằng xã hội là một bộ phận của vũ trụ, vì họ chưa nhận thấy rằng trí não cũng là sản phẩm của tự nhiên, cho nên họ chỉ duy vật trong phần quan niệm về vũ trụ mà ngược lại, họ duy tâm trong phần quan niệm về xã hội, về lịch sử. Họ tin chắc rằng vũ trụ vật chất tùy theo quy luật khách quan phổ biến và tất yếu, nhưng đồng thời họ lại tin rằng lịch sử xoay vần tùy theo lòng tốt xấu, tài hay dở, tư tưởng tiến bộ hay thoái hóa của những con người xuất chúng : theo họ không có quy luật lịch sử, lịch sử chỉ là một chuỗi ngẫu nhiên. Chính vì lẽ ấy mà Angen gọi duy vật trước Mác là duy vật ở dưới gốc mà duy tâm ở trên ngọn. Sở dĩ có tính bất triệt để ấy là vì nhà triết học, nhà khoa học tách rời tự nhiên với xã hội bởi vì họ chưa nhận thấy rằng tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội, bởi vì họ cắt đứt dây liên hệ không thể cắt đứt được giữa tất yếu và tự do, nói tóm một câu, bởi vì họ chưa được soi sáng bằng ngọn đuốc duy vật biện chứng.

Cho nên các nhà tư tưởng tiến bộ của thế kỷ thứ 18 Au châu nghĩ sai rằng cả cái chế độ nông nô phong kiến là một nghìn năm không tất yếu, nghìn năm đen tối vô ích cho nhân loại. Theo họ, đó là lịch sử lầm đường, mạch lạc tiến hóa của lịch sử bị đứt đoạn. Theo họ, ví phỏng nghìn năm trước đây, con người tìm được tư tưởng dân quyền, tự do, bình đẳng, thì làm gì có phong kiến u mê, làm gì có nông nô đen tối? 

Thực ra thì nhân loại không “đốt cháy” giai đoạn lịch sử được; chế độ nô lệ không trực tiếp sinh đẻ ra tư bản chủ nghĩa được; dù sao đi nữa phong kiến vẫn cao hơn chế độ nô lệ, chứ nào phải là một sai lầm của lịch sử? Cộng sản nguyên thủy, nô lệ, phong kiến, tư bản, bốn giai đoạn tất yếu của lịch sử lần lượt sinh ra rồi tiêu diệt theo những quy luật hách quan và tất yếu và chính những quy luật tất yếu và khách quan dắt loài người lên chủ nghĩa xã hội, lên chủ nghĩa cộng sản. Các quy luật tổng quát của sự vận động bao trùm cả tự nhiên, xã hội và tư tưởng. Chính trị học, kinh tế học, xã hội học, sử học, trở thành những khoa học chính xác như các khoa học tự nhiên. Nhờ đâu? – Chính nhờ duy vật luận biện chứng. 

Phương pháp biện chứng đã làm cho duy vật luận được triệt để trong toàn bộ. Thực chất cách mạng của biện chứng pháp là ở chỗ đó. Triết học là kim chỉ nam cho hành động thực tiễn là cũng vì thế. Mác là nhà triết học đầu tiên đem ứng dụng duy vật luận vào sự nghiên cứu xã hội và lịch sử, là người sáng tạo khoa học xã hội và lịch sử xứng đáng với ý nghĩa chữ khoa học.

Song mãi đến ngày nay tư tưởng và phương pháp duy tâm trong xã hội học và sử học vẫn còn phổ biến. Ngay trong hàng ngũ chúng ta, di tích của nó hãy còn nặng nề; tỉ dụ như có những người tin rằng đế quốc chủ nghĩa thế giới có tổ chức với nhau, không thể chiến tranh với nhau nữa; hay có người chưa thông chủ nghĩa Mác, bảo rằng đến xã hội chủ nghĩa thì con người sửa chữa quy luật cũ, tạo ra quy luật mới của xã hội… họ phủ nhận tính chất khách quan, tất yếu của quy luật, họ vô tình phủ nhận khoa học xã hội, Stalin đã đánh đổ xu hướng sai lầm ấy, trong quyển sách cuối cùng của Thống chế.

Ở đây cần thanh minh rằng duy vật luận của thế kỷ thứ 18 Au châu là ý thức của giai cấp tư sản cách mạng. Tư sản lúc ấy là giai cấp đang lên; cho nên trong số những triết gia của họ, vẫn có một vài người như Đi-đơ-rô (Diderot) tiếp cận với duy vật luận chiến sĩ, tiếp cận với phương pháp biện chứng.

Qua bốn khuyết điểm căn bản của duy vật luận trước Mác chúng ta bắt đầu nhận thấy rằng biện chứng pháp đưa duy vật luận ra khỏi bế tắc cơ giới, siêu hình; biện chứng pháp làm cho duy vật luận trở nên triệt để, biến thành một vũ khí đấu tranh, cải tạo vũ trụ. Mác đã nói lúc còn trẻ: “Triết học là đầu não của sự giải phóng con người mà giai cấp vô sản là trái tim của sự giải phóng đó”. Về sau, luận về triết học của Phước-bách, Mác có nói: “Lâu nay triết học chỉ giải thích vũ trụ; bây giờ triết học phải cải tạo vũ trụ”. Đúng như thế. Nhưng ta cần nói thêm: cái triết học có sức làm được sứ mạng vĩ đại ấy, không phải là bất cứ triết học nào; làm được sứ mạng ấy, chỉ có duy vật luận thôi; mà cũng không phải là bất cứ loại duy vật luận nào; cái triết học có sức làm được sứ mạng giải phóng con người là duy vật luận biện chứng và chỉ có nó thôi. Và hạng người có thể ứng dụng duy vật luận biện chứng một cách chính xác chỉ  là giai cấp công nhân (và những bạn đồng minh lâu dài của nó : nông dân, lao động trí óc), một giai cấp vừa sản xuất vừa tư tưởng, một giai cấp tiên tiến nhất đang mang trong tâm hồn nó cả tương lai nguyện vọng của nhân loại.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt