CHƯƠNG VII NHỮNG BỨC THƯ CỦA SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN
C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995. Phiên bản điện tử: dangcongsan.vn | Nguyên văn tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.
2) "QUẦN CHÚNG KHÔNG CÓ TÍNH PHÊ PHÁN" VÀ "SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN".
b- Quần chúng "dễ xúc cảm" và "khao khát được cứu vớt" Đại biểu của quần chúng đa cảm, dễ xúc cảm, khao khát được cứu vớt, khép nép cầu xin những lời đồng tình của sự phê phán có tính phê phán, với một thái độ thổ lộ tâm can, cúi chào, ngước mắt lên trời cầu xin: "Tại sao tôi phải viết cho ngài điều đó? Tại sao tôi phải biện bạch cho mình trước mặt ngài? Vì tôi tôn trọng ngài và do đó mong muốn được sự tôn trọng của ngài; vì tôi vô cùng cảm ơn ngài về sự bồi dưỡng đối với tôi và do đó tôi mến ngài. Ngài đã trách mắng tôi, nên trái tim tôi thúc đẩy tôi tự biện bạch trước mặt ngài... Tôi không hề có ý định bắt ngài theo ý của tôi; nhưng dựa theo những kinh nghiệm của bản thân tôi, tôi nghĩ rằng bản thân ngài cũng sẽ vui lòng thấy một người mà ngài chưa quen biết lắm tỏ sự đồng tình với ngài. Tôi không hề đòi hỏi ngài phải trả lời bức thư này; tôi không muốn cướp thời giờ quý báu mà ngài có thể sử dụng tốt hơn, cũng không muốn gây phiền phức cho ngài, cũng không muốn làm cho mình khổ sở vì hy vọng của mình không được thực hiện. Ngài có thể coi những lời tôi nói với ngài là đa cảm, quấy rầy "hoặc hư danh "(!)" hoặc tuỳ ngài, ngài có thể trả lời cho tôi hay không, tất cả những cái đó đều không quan hệ, tôi không thể tự kiềm chế mình gửi thư này đi và tôi chỉ mong ngài tin ở ý tốt thúc đẩy tôi viết thư này" (!!). Cũng như những kẻ đáng thương từ ngàn xưa đã được thượng đế mở rộng lòng từ bi, lần này thông tín viên có tính chất quần chúng nhưng ngoan ngoãn, cũng cầu xin đến rơi nước mắt sự phê phán mở rộng lòng từ bi, cuối cùng đã được toại nguyện. Sự phê phán có tính phê phán đã có thiện chí trả lời anh ta. Hơn thế nữa! Nó đã giải thích một cách sâu sắc nhất cho anh ta mọi vấn đề mà anh ta rất muốn tìm hiểu. Sự phê phán có tính phê phán dạy rằng: "Hai năm trước đây mà hồi tưởng lại trào lưu Khai sáng ở Pháp thế kỷ XVIII để tung ngay cả những đơn vị khinh binh đó vào một nơi trong cuộc chiến đấu đang diễn ra lúc bấy giờ thì đó là một việc hợp thời. Hiện nay, tình hình đã khác hẳn rồi. Bây giờ chân lý thay đổi nhanh chóng lạ thường. Cái rất hợp thời lúc đó thì bây giờ trở thành sai lầm rồi". Rõ ràng là nếu trước kia sự phê phán tuyệt đối đã hạ cố gọi những đơn vị khinh binh đó là "những vị thánh của chúng ta", "các đấng tiên tri" của chúng ta, "các giáo chủ" của chúng ta, v.v. (xem "Tập chuyện" quyển II, tr.89)73 thì lúc bấy giờ, đó cũng chỉ là một "sai lầm”, nhưng một sai lầm "hợp thời". Ai sẽ gọi đơn vị khinh binh là bộ đội của các giáo chủ? Nói một cách nhiệt tình về tinh thần hy sinh, nghị lực đạo đức và sự hăng hái của những đơn vị khinh binh "suốt đời suy nghĩ, tìm tòi và nghiên cứu chân lý", đấy cũng là một sai lầm "hợp thời". Khi sự phê phán tuyên bố trong lời tựa quyển "Đạo Cơ Đốc bị vạch trần" rằng những đơn vị "khinh binh" đó là "vô địch", rằng "mỗi người có kiến thức đều bảo đảm trước rằng những đơn vị khinh binh đó nhất định sẽ đảo lộn toàn thế giới" và "không nghi ngờ gì, sẽ thực sự làm thay đổi bộ mặt của thế giới", thì đó cũng là một sai lầm. Ai làm được như thế ? Những đơn vị khinh binh đó có thể làm như thế ư ? Sự phê phán có tính phê phán tiếp tục dạy bảo vị đại biểu ham tìm hiểu của "quần chúng thành tâm" rằng: "Người Pháp tuy đã lập một thành tích lịch sử mới với ý đồ xây dựng học thuyết xã hội, nhưng hiện nay họ cũng đã kiệt quệ rồi: học thuyết mới của họ còn chưa thật thuần tuý, những ảo tưởng xã hội của họ, nền dân chủ hoà bình của họ còn xa mới thoát khỏi những tiền đề của trật tự cũ". Nếu sự phê phán nói chung có nói về cái gì ở đây thì chính là nói về học thuyết Phu-ri-ê, nhất là học thuyết Phu-ri-ê của tờ "Démocratie pacifique"74. Nhưng học thuyết này căn bản không phải là "học thuyết xã hội" của người Pháp. Người Pháp có nhiều học thuyết xã hội, chứ không phải chỉ có một. Học thuyết Phu-ri-ê đã pha loãng mà tờ "Démocratie pacifique" tuyên truyền chẳng qua chỉ là học thuyết xã hội của một bộ phận giai cấp tư sản từ thiện mà thôi. Nhân dân có xu hướng cộng sản chủ nghĩa, nhưng lại chia thành nhiều phái khác nhau; phong trào chân chính nhằm cải tạo những khuynh hướng xã hội khác nhau đó không những không kiệt quệ mà chỉ hiện nay mới thực sự bắt đầu. Nhưng toàn bộ phong trào ấy không được hoàn thành trong lý luận thuần tuý, nghĩa là trừu tượng, như sự phê phán có tính phê phán muốn, mà được hoàn thành trong thực tiễn hết sức hiện thực, cái thực tiễn không mảy may quan tâm đến những phạm trù tuyệt đối của sự phê phán. Sự phê phán huyên thuyên tiếp : "Cho tới nay, chưa có một dân tộc nào có được mặt ưu việt nào hơn các dân tộc khác... Nếu có một dân tộc nào trội hơn các dân tộc khác về mặt tinh thần thì đấy chỉ là một dân tộc có khả năng phê phán bản thân nó và các dân tộc khác, và có khả năng nhận thức được những nguyên nhân của sự sụp đổ phổ biến". Cho tới nay, mỗi dân tộc đều trội hơn các dân tộc khác về mặt nào đó. Nếu lời tiên tri của sự phê phán là đúng thì bất cứ dân tộc nào cũng đều sẽ vĩnh viễn không thể trội hơn được dân tộc khác, vì tất cả các dân tộc văn minh châu Âu, như người Anh, người Đức, người Pháp, hiện nay đều đang "phê phán" mình và các dân tộc khác" và "đều có khả năng nhận thức được nguyên nhân của sự suy sụp phổ biến". Sau hết, nói rằng "sự phê phán", "sự nhận thức", tức hoạt động tinh thần đem lại ưu thế tinh thần thì về thực chất đó chỉ là một lời nói, trùng lặp trống rỗng; còn sự phê phán vô cùng tự phụ tự đặt mình lên trên các dân tộc và chờ đợi họ bò rạp dưới chân mình cầu xin mình soi sáng ý thức cho, thì chỉ chứng tỏ bằng chủ nghĩa duy tâm hài hước kiểu Đức - Cơ Đốc đó rằng nó vẫn ngập đến tận mang tai trong cái hố bùn chủ nghĩa dân tộc Đức. Sự phê phán của người Pháp và người Anh không phải là thứ nhân cách trừu tượng, ở thế giới bên kia, đứng ngoài nhân loại, nó là hoạt động thực sự có tính người của những cá nhân, thành viên tích cực của xã hội, biết đau khổ, cảm giác, suy nghĩ và hành động như những con người. Vì vậy, sự phê phán của họ đồng thời thấm đầy thực tiễn, chủ nghĩa cộng sản của họ là thứ chủ nghĩa xã hội trong đó họ đưa ra những biện pháp thực tiễn hiển nhiên, trong đó họ không những thể hiện tư duy của mình mà chủ yếu hơn còn thể hiện hoạt động thực tiễn nữa. Vì vậy sự phê phán của họ là sự phê phán sinh động, thực tế đối với xã hội hiện tại, là sự nhận thức về những nguyên nhân của "sự suy sụp". Sau khi giải thích cho thành viên ham hiểu biết của quần chúng, sự phê phán có tính phê phán có thể hoàn toàn có quyền nói về "Literatur-Zeitung" của mình: "Ở đây, có một sự phê phán thuần tuý, hiển nhiên, nắm vững đối tượng, không thêm thắt gì". Ở đây không có "cái gì có tính độc lập" cả, ở đây không có cái gì hết ngoài sự phê phán là cái không đưa lại cái gì cả, nghĩa là một sự phê phán rút cục hết sức không có tính phê phán. Sự phê phán cho in những đoạn được gạch dưới và đạt đến chỗ rực rỡ nhất dưới hình thức những trích dẫn. Vôn-phgang - Men-txen và Bru-nô Bau-ơ chìa bàn tay hữu nghị cho nhau, và sự phê phán có tính phê phán đứng tại nơi mà triết học về sự đồng nhất đã đứng mấy năm đầu của thế kỷ này, trong khi mà Sen-linh phản đối giả thiết có tính quần chúng cho rằng dường như ông ta tìm cách đưa ra một cái gì, bất cứ cái gì ngoài thứ triết học thuần tuý, hoàn toàn có tính triết học.
73 Mác chỉ bài báo của B.Bau-ơ "Nỗi đau khổ và niềm vui sướng của ý thức thần học" đăng trong quyển hai của tập "Anekdota zur neuesten deutschen Philosophie und Publicistik". 74 "La Démecratie pacifique" ("Dân chủ hoà bình") là tờ báo ra hàng ngày của phái Phu-ri-ê xuất bản ở Pa-ri trong những năm 1843-1851, do V. Công-xi-đê-răng biên tập.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC