Thuyết cấu trúc

Quan niệm cơ-cấu trong các khoa-học nhân-văn (1)


 

QUAN NIỆM CƠ-CẤU TRONG CÁC KHOA-HỌC NHÂN-VĂN

 

TRẦN THÁI ĐỈNH

 


Nguồn: Tạp chí Bách Khoa Thời Đại, số 267-268, 1968


 

Các khoa học nhân văn ngày nay xây dựng trên nền tảng của thuyết cơ-cấu, cũng như ba bốn chục năm về trước các khoa học về con người đã đặt nền trên khoa hiện-tượng-học. Thực ra, những ai sinh hoạt trong lãnh-vực nghiên cứu triết học đều linh cảm thấy từ mười năm nay rằng văn-học sắp có bộ mặt mới và bộ mặt này chắc có nhiều nét duy-vật hơn. Tại sao? Tại vì hiện-tượng-học đã cung cấp cho văn-học hết những gì người ta có thể khai thác rồi, và vì hiện-tượng-học dẫu sao cũng nghiên về phía chủ-thể: Husserl giảm thu thực-tại thành đối tượng của ý thức. Nói cách khác, đối với hiện-tượng-học, thế-giới đồng nghĩa với “cái mà tôi đã thực-sự kinh-nghiệm”. Thực tại và kinh-nghiệm sống cũng là một. Nhưng rồi người ta thấy rằng kinh-nghiệm của ta chỉ có một chiều, và kinh-nghiệm này chỉ là bề mặt nông cạn của thực-tại thôi. Cũng trong thời kỳ toàn-thịnh của hiện-tượng-học, tâm-phân-học càng ngày càng phát-triển và đạt được những thành-quả chắc chắn; ngôn-ngữ-học cũng đồng thời trở thành một khoa học đích xác như một khoa-học thực nghiệm. Cả hai khoa này cùng chia sẻ một lập-trường; cái hữu-thức là cái hời hợt, cái vô-thức mới thực là căn bản. Freud đã gọi là khoa tâm-phân-học của ông là “siêu tâm-lý-học” (metapsychologie), thì ngày nay khoa ngôn-ngữ-cơ-cấu cũng thường tự xưng là “siêu-ngôn-ngữ” (metalangage), và như vật thì trước sau chúng ta vẫn gặp ý-nghĩa của chứ “siêu” trong danh-từ siêu-hình-học, vì siêu-hình-học là học về cái làm nền-tảng và điều-kiện hiện-hữu cho cái hữu hình vật-lý.

Quan-niệm cơ-cấu cũng như phương-pháp phân-tích cơ-cấu bắt nguồn từ những bài dạy của Ferdinand de Saussure ở Đại học Geneve và sau đó được các môn-sinh của ông xuất bản năm 1016: Saussure đã đưa ngôn-ngữ lên hàng một khoa-học gần như thực-nghiệm với chủ-trương coi ngôn-ngữ là đối-tượng hoàn toàn khách-thể. Hướng đi này sẽ được những L. Bloomfrield, R. Jacobson, N. Troubeixkoy v.v, khai phá để thành ra ngôn-ngữ-học ngày nay.

Dưới đây, chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu quan-niệm cơ-cấu trong khoa ngữ-học, đúng theo chiều hướng học-phái De Saussure, sau đó chúng ta sẽ thấy các nhà khoa-học nhân-văn mượn quan-niệm đó để đúc nên quan-niệm vê cơ-cấu cho khoa-học nhân-văn như thế nào.

A. QUAN NIỆM CƠ CẤU TRONG KHOA NGỮ-HỌC

Trước hết cũng nên xác định khoa ngữ-học là gì? Ngôn-ngữ học hay ngữ-học (la linguistique) khác với khoa Từ-ngữ-học (cũng gọi là cổ-ngữ học, tức Philologie- ở chỗ Từ-ngữ-học chứ-trọng nghiên-cứu về những biến-thái của một ngôn-ngữ qua nhiều thế-hệ, còn khoa Ngữ-học thì không xét đến chiều thời gian và chỉ nghiên cứu về cơ-cấu của một ngôn-ngữ trong một thời-kỳ nào nhất định thôi. Hơn nữa khoa Từ-ngữ-học thiên về phần nội-dung của các văn-kiện, còn khoa Ngữ học lại chỉ biết có bản-chất của ngôn ngữ.

Nghiên cứu vê chính bản chất của ngôn-ngữ: đó chính là thực chất của khoa ngữ-học. De Saussure phân biệt langage (xin tạm dịch là “âm-ngữ, có nơi dich là “tiếng nói,) và langue (xin tạm dich là “ngôn-ngữ”có nơi dịch là tiếng). Rồi ông cũng phân-biệt kỹ-lưỡng ngôn-ngữ và thoại-ngữ (parole, có nơi dịch là “lời nói”)

Âm ngữ là một cái gì tạo-hóa phú bần cho con người. Chỉ con người có âm-ngữ, con vật không thể có âm-ngữ. Nhưng đã là người ai cũng có âm-ngữ. Trước hết ta xét điểm: chỉ con người có âm-ngữ, con vật không thể có âm-ngữ. Bởi vì muốn được gọi là âm-ngữ, thì cần thiết phải có phát âm và phải có đối-thoại: nhân đó khi các con vật đùa giỡn, chúng không có nói gì với nhau hết. Tất nhiên, một khám phá gần đây đã làm rúng động giới khoa-học: cách đây hơn mười năm, giáo sư Karl von Frisch của Đại-Học-Munich công bố thành-quả nhiều năm nghiên cứu của ông về sự kiện các con ông mách bảo nhau. Khi một con ong tìm được chỗ có nhiều nhụy đề làm mật, thì nó về tổ báo cho các con khác đi lấy. Công việc này có ba tác động: một là cho các con khác nó nếm cho biết thử, mật hoa mà nó vừa khám phá ra. Việc này dễ: các con khác chỉ cần mút thử một chút mật hoa mà nó nhả ra. Nhưng rồi nó phải chỉ cách cho các con kia biết lối tới chỗ có nhụy đó: và lập tức nó làm động tác hai hoặc động tác ba. Động tác hai: con ong vừa kiếm được mồi đó “khiêu vũ” (danh từ của K. von Frisch) theo những đường tròn, từ phải sang trái rồi lại từ trái sang phải: đó là dấu hiệu chỗ có nhụy ở không xa tổ ong, xung quanh đó chừng một trăm thước thôi. Lập tức các con ong đổ đi tìm, và trong chốc lát nhiều con đã trở về tổ ong tưng bừng với chiến-lợi-phẩm. Còn như nếu chỗ có nhụy ở xa thì con ong kia sẽ thể-hiện một kiểu khiêu-vũ đặc biệt, đó là động tác thứ ba: nó vừa ngoáy cái bụng kêu vù vù, vừa hay theo hình số 8. Cách khiêu vũ này có hay công dụng: cho biết phải đi hướng nào, và xa gần bao nhiều. Hướng đi thì cứ theo hướng cái trục con số 8, còn xa gần thì tùy con ong lượn tất cả mấy con 8 trong quãng chừng 15 giây. Giáo sư K. von Frisch bảo nếu nó lượn tám chín vòng số 8 thì quãng cách là độ một trăm thước; lượn bảy vòng, thì quãng cách là hai trăm thước, bốn vòng rưỡi thì quãng cách là một cây số, và nếu nó chỉ lượn hai vòng con số 8 thì quãng cách là sáu cây số. Giáo sư cử xem con ong kiêu-vũ và đoán trước chỗ có nhụy: ngày nay người ta nghiệm thấy những chỉ dẫn của K. von Frisch là đúng và chắc chắn, chỉ cần xem cách khiêu vũ của con ong ta biết ngay các con ong khác sẽ bay về phía nào và đi bao nhiêu thước sẽ thấy nơi nhụy.

Như vậy con ong đã thông báo cho các con khác về nơi có nhụy hoa. Sự thông báo này có phải một sự trao đổi, một ngôn ngữ không? Người ta đã nêu lên vấn đề này và đã được giải quyết đó không phải là một âm-ngữ (langage) vì không có tiếng nói, không có phát âm, hơn nữa là âm-ngữ, thì phải có thoại và đối thoại. Cả hai yếu-tố này không có nơi những con ong. Hơn nữa Benveniste nhấn mạnh về tính chất cố-định và vô cùng nghèo nàn của cử-chỉ con ong: nó phải vất vả để chỉ có thể nói một việc nhất định đó thôi, còn như ngôn-ngữ của loài người thì vô cùng uyển-chuyển bởi vì với một số âm tương đối hãn-hữu, con người có thể nói với nhau về trăm ngàn thứ việc (Benveniste Problemes de linguistique generale Gallimard 1966, p.56-6a). Như vật chỉ con người có âm-ngữ.

Bây giờ âm-ngữ khác với ngôn-ngữ thế nào? Ngôn ngữ là tiếng nói đặc biệt của mỗi dân-tộc: Việt-ngữ, Anh-ngữ, Pháp-ngữ v.v… Âm ngữ là cái trời phú bầm, ai sinh làm người cũng có, nghĩa là cũng có khả năng diễn tả ý tưởng của mình bằng những lời nói. Trái lại ngôn ngữ là cái phải học tập, Ta nói tiếng “mẹ đẻ” không có nghĩa là cha mẹ sinh ta, ta đã nói ngay được, không phải học tập đâu. Tiếng mẹ để chỉ có nghĩa là tiếng nói của cha mẹ và dân tộc mình, chứ mình cũng phải học-tập vất vả, lâu năm. Mình không thấy sự học tập, chỉ vì sự học tập diễn ra từ từ, qua nhiều năm tháng và khi ta còn bé nhỏ, dễ học tập. Một trẻ Việt sơ sinh, được một gia đình. Mỹ nhân làm con, đưa về Mỹ, nó sẽ lớn lên và nói tiếng Mỹ như một người Mỹ, và không biết một chữ tiếng Việt nào. Một trẻ sơ sinh Mỹ được một gia đình Việt nhận làm con nuôi và lớn lên ở Việt-nam, lại nói tiếng Việt như ta và không thể nói sửa lời tiếng Mỹ. Như vậy, ngôn-ngữ được coi là hình thức con người thực hiện cái khả năng diễn tả bằng lời nói. Ngôn-ngữ là một sáng tác của con người: mỗi khi muốn diễn tả ý tưởng của mình, con người xử dụng những âm-thanh (cũng gọi là thoại-tố, phoneme) để tỏ bày với tha nhân; hơn nữa mỗi khi ta diễn tả một thực tại chưa từng xảy ra đến trong văn-học nước mình, ta phải vất vả dùng nhiều từ-ngữ, hoặc phải tạo ra từ-ngữ hoàn toàn mới.

Không những De Saussure phân biệt âm ngữ (langage) và ngôn-ngữ (langue), ông còn phân biệt thoại-ngữ (parole và ngôn-ngữ (langue). Bởi vì đối-tượng của ngữ-học là tiếng nói được cô đọng và trở thành phổ-quát của một dân-tộc, cho nên ông phân biệt cặn kẽ ngôn-ngữ và thoại-ngữ: thoại là tiếng nói sống động của cá nhân, cho nên thoại mang nhiều yếu-tố tâm lý riêng biệt của cá nhân, tức của người nói. Bởi vật, phân biệt ngôn-ngữ và thoại-ngữ chúng ta đã một trật phân biệt: cái có tính chất xã hội một bên, cà cái có tính chất cá nhân một bên, cái thiết yếu một bên và cái này tùy-phụ hoặc phụ tạo một bên (De Saussure, Cours de linguistique generale, Payat 1966, p.30). Nhân đó, người ta có thể ghi nhận mấy đặc tính của ngôn-ngữ như sau: a) Ngôn-ngữ là một đối tượng được xác định rõ rệt. Nó là cái thứ xã hội của ngôn-từ, độc lập đối với những cá nhân, vì ngôn-ngữ là một trao đổi và giao ước giữa những đoàn viên của một cộng đồng; - b) Vì ngôn-ngữ đã được biệt ra khỏi thoại-ngữ nên mới trở thành đối-tượng khoa học. Ta không nói những từ-ngữ nữa, nhưng không vì thế mà ta không nghiên cứu được những ngôn-ngữ đó; thực ra ta chỉ nghiên cứu một ngôn ngữ sau khi đã gạt ra một bên những yếu-tố cá-nhân và tâm-lý. – c) Âm ngữ có bản chất dị-tính, mỗi dân một thứ tiếng nói, còn ngôn-ngữ thì có tính-chất đồng đều: ngôn-ngữ là một hệ thống chặt chẽ nối buộc những hình ảnh âm-thanh nhất định với những ý-nghĩa nhất định; - d) Ngôn-ngữ là một đối-tượng cụ-thể, rất tiện cho việc nghiên cứu. Đó là những ký-hiệu được ghi bằng những âm, hoặc bằng những chữ viết (xem De Saussure, Sd trg 31-32)

Sau khi đã phân biệt rõ ràng thế nào là âm-ngữ (langage) ngôn-ngữ (langue) và thoại-ngữ (parole), chúng ra có thể xác định đối tượng của ngữ-học với De Saussure: “Đối tượng cụ-thể ta nghiên cứu là chính sản phẩm của xã-hội được kết động lại trong óc của mỗi người: đó là ngôn-ngữ. (Sd trg 44). Trong việc tìm hiểu cơ cấu của ngôn-ngữ, chúng ta sẽ lần lượt đề-cập đến ký-hiệu ngôn-ngữ, cơ-cấu ngôn-ngữ và những bình-diện ngôn-ngữ.

1. Ngôn ngữ như một ký hiệu

Ngôn-ngữ là một quy-ước bắt ta dùng những âm-tố (phoneme) nhất định để diễn tả những ý tưởng nhất định. Tính chất quy ước hiện ra rõ rệt khi  ta sơ sinh ngôn-ngữ của nhiều dân-tộc khác nhau: chẳng hạn muốn nói người chị, dân Pháp dùng chứ soeur, còn dân Anh lạo nói sister: muốn chỉ con bò cái, lại nói cow. Như vậy ngôn-ngữ hoàn toàn xây trên nguy-ước: giữa âm thanh ta dùng để gọi vật và bản-chất sự vật không có một tương-quan tự nhiên nào hết.

 

Tuy nhiên khi một dân-tộc đã dùng tiếng nào để gọi sự vật nào, thì giữa vật, đó và tiếng được dùng đó, có một tương-quan mật-thiết vô cùng. Đó là nhận-định thường tình. Về phương-diện ngữ-học, thì lại khác: mỗi ký-hiệu ngữ-học, tức mỗi danh-từ ta dùng để chỉ sự vật, không đặt liên-lạc giữa một sự vật và một danh-từ, những giữa một quan-niệm và một hình ảnh thính-giác (De Saussure, Sd trg 98) âm-thanh mà ta nghe (hoặc ta phát ra) là một hiện-tượng tâm-thần nhất thiết gợi ra quan niệm tương-ứng. Nhân đó De Saussure đã minh-họa và định nghĩa ký hiệu ngữ học như sau: Ký hiệu ngữ-học là một hình-thái hiện hữu trong tâm thần và có hai mặt, quan niệm và hình-ảnh thính-giác. Hai yếu-tố này gắn chặt với nhau và luôn gọi đến nhau (Sd trg 99).

Tóm lại, mỗi ký-hiệu ngôn-ngữ là một cái gì có hai phần: hình-ảnh thính-giác và quan-niệm. De Saussure gọi hình-ảnh thính giác là cái tác hiệu (le signifiant), nghĩa là cái gọi ra ký-hiệu, và gọi quan-niệm tương ứng là cái thụ -hiệu (le signifié), tức là cái ký-hiệu được gọi ra. Ở đây, những ai đã quen với Hiện-tượng-học không thể không liên tưởng đến cặp noeme, (hình-ảnh đối-tượng mà ta ý-thức), và Husserl gọi tương-quan mật-thiết này là mối tương-đồng (le correlate) giữa ý-thức ta và cái mà ta ý-thức. Vậy thì cặp signifiant – signifié cũng biểu hiện một tương-quan mật-thiết và nhất thiết như vậy. Nhưng có khác nhau, và khác xa lắm: trong khi Husserl để quyền quyết định và phần chủ-động cho noese, tức cho ý-thức của chủ-thể, thì De Saussure lại dành phần chủ-động cho hình-ảnh thính-giác (tức phía đối-tượng) chứ không dành cho quan-niệm (tức phía chủ-thể). Lập-trường ngôn-ngữ-học của De Saussure và môn-sinh sẽ luôn trung thành với sự lựa chọn này. Một khi đã coi ký-hiệu ngôn-ngữ là một đối-tượng khách-quan để ta nghiên cứu như thể nghiên-cứu một vật-thể -- hơn nữa một khi người ta dành phần quan trọng cho cái tác-hiệu (le significant), khoa ngôn-ngữ-học sẽ có thể hành-động như một khoa-học thực-nghiệm trong việc khảo-sát.

Khoa ngôn-ngữ-học nghiên-cứu về ngôn-ngữ, nhưng sẽ không nghiên-cứu về nội-dung của ngôn-ngữ như khoa cổ-ngữ-học và các khuynh hướng ngữ-học trước kia: khoa ngôn-ngữ-học của De Saussure và môn-sinh lấy vật-thể-tính của ngôn-ngữ, tức tính-chất âm-thanh của ngôn-ngữ làm đối-tượng khảo-sát. Đó cũng là ý-nghĩa sự đề cao hình-ảnh thính-giác trên này.

                                                                                    (Còn tiếp)

                                                                        TRẦN-THÁI-ĐỈNH

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Trần Phát - 23:54 22/05/2022
Đề xuất, thuật ngữ Siêu Tâm Lí Học rút gọn thành Siêu Tâm Học.
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt