Thuyết Duy tâm Đức

Hiện tượng học Tinh thần. Lời dẫn nhập. Chú giải 2.2. "Ý thức"

HIỆN TƯỢNG HỌC TINH THẦN - MỤC LỤC

 

TOÁT YẾU VÀ CHÚ GIẢI DẪN NHẬP (§§73-89)

--------o0o-------

 

LỜI DẪN NHẬP

 

CHÚ GIẢI DẪN NHẬP (§§73-89)

 

BÙI VĂN NAM SƠN

 


Georg Wilhelm Friedrich Hegel. Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn có sự cho phép của dịch giả.


 

 

2.2 “Ý thức”

Như đã biết, công thức đầy ấn tượng của việc phê phán nội tại của Hegel đối với sự phê phán nhận thức của thời cận đại (từ Descartes đến Kant) là: hãy “bất tín nhiệm sự bất tín nhiệm” và “sự e ngại trước sai lầm là sự e ngại trước chân lý”. Ông không khẳng định suông như thể chỉ cần “bất tín nhiệm sự bất tín nhiệm” là đủ để khôi phục lại sự tín nhiệm đã mất, mà còn đưa ra lập luận của mình để điều chỉnh lại những tiền đề của truyền thống phê phán nhận thức liên quan đến hai vấn đề then chốt: “ý thức” và “kinh nghiệm”.

2.2.1 Ý thức như là “ý thức tuyệt đối”:

Theo Hegel, nguyên nhân đưa đến quan niệm cho rằng nhận thức là “công cụ” hay “môi trường” (§72) và từ đó, phân cắt giữa bản thân ta và việc nhận thức cũng như giữa nhận thức và cái tuyệt đối là do một quan niệm sai lầm về “ý thức”. Ông nhận định: khái niệm về ý thức theo kiểu của Descartes đối lập lại với đối tượng và là điểm xuất phát cơ bản của nhận thức là không có chỗ đứng trong một nền triết học đúng thật: khái niệm ấy không có tính chân lý. Cái “Cogito” của Descartes theo nghĩa một Tabula rasa của một ý thức trống rỗng có trước mọi kinh nghiệm lẫn cái “Tôi-tư duy” thuần túy “đi kèm theo mọi biểu tượng” của Kant đều là những ảo ảnh, những sản phẩm hoang đường của đầu óc không hề có thật trong kinh nghiệm hiện thực.

Vậy, “ý thức” là gì, theo Hegel? Hegel nhắc lại “những quy định trừu tượng về cái biết và về chân lý như chúng thường xuất hiện nơi ý thức. Ý thức vừa phân biệt chính mình với đối tượng, vừa đồng thời, quan hệ với đối tượng. Nói cách khác, có một đối tượng cho ý thức, và phương diện của mối quan hệ hay của sự tồn tại cho ý thức được xem là cái biết (hay nhận thức). Rồi ta lại phân biệt cái tồn tại này cho ý thức với cái tồn tại-tự mình. Cái có quan hệ với cái biết cũng lại được phân biệt với cái tồn tại-tự mình và cái tự-mình này được thiết định như là tồn tại ở bên ngoài mối quan hệ: phương diện của cái tự-mình này được gọi là chân lý hay sự thật. Vậy, theo Hegel, cái biết và chân lý phân biệt với nhau giống như giữa cái tồn tại-cho-ý thức với cái tồn tại-tự mình của đối tượng. Cái biết là phương diện quan hệ của đối tượng với ý thức (cái tồn tại-cho ý thức hay cái tồn tại tương quan), còn chân lý là sự độc lập của đối tượng hay của sự tồn tại đối với ý thức (cái tồn tại-tự mình hay cái tồn tại khách quan). Điểm mấu chốt của Hegel là: cả hai quy định này của đối tượng hay của tồn tại, tức cái tồn tại-tự mình lẫn cái tồn tại-cho ý thức của nó đều rơi vào bên trong ý thức, bởi bản thân ý thức là cả hai: vừa quan hệ với chính mình, vừa tự phân biệt mình với cái khác. Do đó, theo Hegel, không thể đặt câu hỏi như Descartes hay Kant rằng làm sao một ý thức dị biệt triệt để với đối tượng lại có thể quan hệ được với đối tượng, vì, trong sự thật, ý thức bao giờ cũng quan hệ với cái được nó phân biệt như là đối tượng. Cho nên, về mặt thuật ngữ, Hegel cũng gọi ý thức là “tồn tại tự-mình và cho-mình”, với ý nghĩa là: ý thức là một tồn tại vừa quan hệ vừa độc lập với một cái gì tự-mình cũng đang tồn tại cho ý thức. Ý thức không phải là một tồn tại có trước hay bên cạnh cái tồn tại tự-mình và cho-mình mà là bản thân cái tồn tại này chứ không thể là cái gì khác được. Như thế, nếu xuất phát từ một sự “phân biệt” hay “dị biệt” (Unterschied) giữa bản thân ta với tư cách là “Cogito” hay “Tôi-tư duy” đối lập lại với việc nhận thức là việc làm sai lầm, vì ta chính là sự nhận thức, với tư cách là ý thức.

Với các lập luận trên, ta dễ dàng nhận ra: Hegel đã gán cho ý thức cấu trúc của mô hình tư biện cơ bản của ông (Chú giải dẫn nhập: 1.4). Ý thức là sự thống nhất giữa tồn tại-tự mình và tồn tại-cho mình, giữa sự phân biệt và sự quan hệ, giữa dị biệt và nhất thể, giữa sự không-đồng nhất và sự đồng nhất. Ông bác quan niệm của Descartes rằng ý thức và đối tượng đứng mỗi bên một nơi, trái lại, ý thức là sự thống nhất giữa ý thức và đối tượng. Theo đó, không còn cơ sở để cho rằng còn có một cái tồn tại-tự mình (hay tự thân) nào đứng ở bên ngoài cái tồn tại-tự mình và -cho mình, hay không rơi vào trong sự thống nhất này của cái tồn tại-tự mình và cái tồn tại-cho mình, vì cái tồn tại-tự mình và -cho mình là sự thống nhất giữa ý thức và đối tượng: cái “tồn tại-tự mình” hay “tự thân”, tức sự quy định về tính độc lập của đối tượng đối với ý thức cũng là một sự quy định của bản thân ý thức và sẽ không có ý nghĩa gì cả nếu độc lập với ý thức. Nói cách khác, nếu tôi đề ra tư tưởng về một sự độc lập của đối tượng đối với ý thức thì, theo Hegel, chính tôi đã ở trong vị trí của ý thức chứ không phải ở bên ngoài nó. (Cũng vì thế, Hegel xem luận điểm của Kant về “vật-tự thân” không thể nhận thức được là “vô-tư tưởng”).

Nếu ta thấy bỡ ngỡ và lạ lùng trước quan niệm trên đây của Hegel về ý thức thì Hegel cho rằng đó là do ta đã quen xem loại ý thức phân biệt chính mình với đối tượng là toàn bộ ý thức. Theo ông, ta đã quên rằng chính ta có ý thức về việc phân biệt giữa đối tượng và ý thức và như thế là không hề rời khỏi phạm vi của ý thức! Cái ý thức toàn bộ ấy không còn có gì ở bên ngoài nó; nó không phụ thuộc vào cái gì ở bên ngoài, và theo nghĩa đó, nó là tuyệt đối. Thuyết “toàn bộ về ý thức” (Holismus, từ gốc Hy Lạp: tò hólon: cái toàn bộ) cho rằng tất cả đều là ý thức ở trong ý thức, và đối tượng cũng là “cái khác” của ý thức; ý thức hiểu đúng nghĩa bao giờ cũng là ý thức tuyệt đối, ngay từ hình thái sơ khai nhất của nó là “sự xác tín cảm tính” như ta sẽ gặp ở Chương I của quyển sách. Như vậy, tại sao lại có HTHTT như là khoa học về cái biết hiện tượng học để trình bày về “ý thức tự nhiên” và các “hình thái” của nó?

2.2.2 “Ý thức tự nhiên”, “các hình thái của ý thức”, “sự đào luyện”:

Trong §77, Hegel định nghĩa việc trình bày “cái biết hiện tượng học” như là “con đường đi của ý thức tự nhiên vươn đến Tri thức đúng thật”. Vậy, “ý thức tự nhiên” (natürliches Bewußtsein”) là gì? Chữ “tự nhiên” ở đây, theo Werner Marx(1), không nên hiểu theo nghĩa là bản tính tự nhiên của con người (qua đó, HTHTT là một môn Nhân loại học như cách hiểu của Feuerbach) mà gắn liền với quan niệm của Hegel về “ý thức” như đã nói trên. “Tính tự nhiên” không có nghĩa là “tính thể xác”, “bản tính hữu cơ vĩnh cửu” mà, như bản thân phần “Nhân loại học” (Anthropologie) của Bách khoa thư sau này sẽ cho thấy: việc thắng vượt đối với bản tính hữu cơ đang kiềm tỏa Tinh thần chính là ở chỗ Tinh thần ngày càng thức tỉnh để tiếp tục phát triển thành “ý thức”, rồi từ đó, tiến lên “Tự-ý thức” và “Lý tính”. Vậy, chữ “tự nhiên” ở đây có nghĩa là cái gì kiềm tỏa, quy định, nhưng vẫn trong “môi trường của ý thức”. Nói cách khác, ở đây đang có một “bản tính vô cơ” (§28) đang kiềm tỏa ý thức. “Bản tính vô cơ” chính là “những hoàn cảnh, tình thế, những thói quen, tôn giáo v.v… đang có sẵn”, tức tất cả những điều kiện quy định mà ý thức đang phải chịu đựng. “Ý thức tự nhiên” thấy mình thống nhất một cách trực tiếp với toàn bộ hoàn cảnh đang quy định mình, thậm chí xem tình cảnh ấy là “tự nhiên”, là “tốt theo kiểu của nó” (“in seiner Art gut sei”) và bảo vệ nó một cách nhiệt tình và đầy tự phụ”. Sự thống nhất trực tiếp của ý thức và hoàn cảnh đang quy định nó được Hegel gọi là “hình thái của ý thức” (Gestalt des Bewußtseins) (§87). (Sau này trong hệ thống và ngay cả trong Lời Tựa HTHTT, Hegel đã không còn nhắc đến chữ “hình thái của ý thức” đã được vượt qua này). Như thế, “ý thức tự nhiên” xuất hiện ra trong một loạt những “hình thái” tùy theo hoàn cảnh đã biến đổi, do đó, ý thức không phải là “bản tính tự nhiên vĩnh cửu” mà mang tính lịch sử. Ý thức tự nhiên biến đổi khiến cho các hình thái của nó lần lượt “được bỏ lại phía sau”. Sự biến đổi từ hình thái này sang hình thái khác của ý thức tự nhiên chính là sự đào luyện (Bildung) của nó(1).

Tham gia vào việc đào luyện ý thức tự nhiên “từ thời xa xưa” (§33) là triết học. Triết học “tiêu trừ” (“tilgen”) quan niệm của nó về một “tính hiện thực trực tiếp”. Triết học quy hiện thực thành “những chữ viết tắt”, tức thành những quy định tư duy đơn giản (§29), qua đó tẩy sạch cá nhân ra khỏi cách nhận thức cảm tính-trực tiếp và biến “nội dung” của nhận thức thành cái gì “được suy tưởng”. Toàn bộ những gì được suy tưởng (những quy định tư tưởng) được Hegel gọi là “Bản thể”. Bản thể này – qua tiến trình được đào luyện – trở thành “sở hữu” của Tự ngã, nhưng vẫn mới theo kiểu trực tiếp. Cá nhân còn phải “tiêu thụ bản tính vô cơ này của mình và chiếm lĩnh nó cho mình” (§28). Nói khác đi, ý thức ngày càng xóa bỏ “tính tự nhiên” quy định mình cho đến khi “tính tự nhiên” này hoàn toàn “được tiêu hóa” hết. Nhưng, việc “tiêu thụ và tiêu hóa” mọi nội dung quy định mình không có nghĩa là “trừu tượng hóa”, loại bỏ chúng để quay về với cái Tôi thuần túy của mình, bởi, theo Hegel, như thế chỉ đạt được cái Tôi “trống rỗng, khô cằn”. Trái lại, sự đào luyện của ý thức là một sự giải phóng khỏi sự thống trị của tính tự nhiên theo nghĩa thấu hiểu tính hợp lý tính của tính đối tượng khách quan – dù đó là môi trường, hoàn cảnh tự nhiên hay các định chế, lề lối tư duy, sinh hoạt của một dân tộc hay thời đại –, để trở nên có ý thức về sự đồng nhất của mình với tính khách quan này. Qua sự thấu hiểu bằng Khái niệm (Begreifen) về tính khách quan như là về một tính khách quan hợp lý tính, được tư tưởng xuyên suốt sẽ vượt qua sự ngăn cách giữa ý thức và tính đối tượng khách quan (theo nghĩa rộng của “toàn bộ hoàn cảnh” nói trên) và khắc phục sự lệ thuộc của ý thức vào tính khách quan. Tất cả những điều nói trên tạo nên kinh nghiệm của ý thức.

 



(1) Marx, Werner: Hegel Phänomenologie des Geistes. Die Bestimmung ihrer Idee in “Vorrede” und “Einleitung”/HTHTT của Hegel. Xác định ý tưởng của nó trong “Lời Tựa” và “Lời dẫn nhập”. Frankfurt/M, 1971, tr. 21 và tiếp.

(1) H. F. Fulda (trong “Das Problem einer Einleitung in Hegels Wissenschaft der Logik”/“Vấn đề về một sự dẫn nhập vào Khoa học Lô-gíc của Hegel”, Frankfurt/M, 1965, tr. 217 và tiếp) phân biệt bốn ý nghĩa của chữ “lịch sử” và “tính lịch sử” trong triết học Hegel: lịch sử của Tinh thần tuyệt đối, lịch sử thế giới, lịch sử triết học và lịch sử của sự đào luyện. Đó là bốn ý nghĩa trong hệ thống đã hoàn tất của “Bách khoa thư”. Còn trong HTHTT, lịch sử thế giới và lịch sử của sự đào luyện hòa quyện thành một thể thống nhất gọi là: lịch sử “hiện thực” về lịch sử đào luyện ý thức thành khoa học. Nói một cách chặt chẽ, HTHTT tuy trình bày một lịch sử đào luyện, nhưng chủ thể của nó không phải là Tinh thần tuyệt đối mà là hình thức “xuất nhượng” của nó, tức là sự “xuất hiện ra” trong hình thức “ý thức”.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt