Triết học Hy Lạp

Parménide: Zénon và Socrate

 

PARMÉNIDE

 

PLATON (khoảng 427-347tcn)

Lê Tôn Nghiêm dịch

 


Platon. Oeuvres complètes. Traduction nouvelle et notes par Léon Robin. Gallimard. 1950, pp. 194-197. Bản dịch của Lê Tôn Nghiêm | Phiên bản điện tử do bạn Nguyễn Văn Sướng thực hiện


 

PHẦN THỨ NHẤT

 

Những luận chứng của Zénon và sự phê phán của Socrate

Vậy vừa nghe xong, hình như Socrate đã yêu cầu đọc lại giả thuyết thứ nhất của luận chứng thứ nhất. Và khi nghe lại rồi, ông đã thăc mắc hỏi: “Thưa Zénon tiên sinh, ngài muốn nói gì qua những luận chứng đó chứ? Có phải là, nếu các sự vật là đa thể[1] thì chúng không thể vừa tương tự vừa bất tương tự với nhau được. Đó là một điều không thể vì rằng cái bất tương tự và những cái tương tự không thể là bất tương tự được, phải không? Có phải ngài muốn chủ trương như vậy không?”

- “Đúng vậy” Zénon trả lời.

- “Vậy, nếu không thể nào những cái bất tương tự lại tương tự với nhau được và những cái tương tự lại tương tự với nhau được, thì chính vì đó không thể rằng: cái đa thể có được; vì một khi được giả thiết là có đi nữa thì nó không thể nào tránh được những không thể vừa nói trên, phải không? Vì điều mà những luận chứng của ngài nhằm chủ trương, có phải không là gì khác cho bằng chỉ phấn đấu cao độ chống đối tất cả mọi hình thức ngôn ngữ thông thường, để quy định rằng: không có đa thể[2], phải không? Có phải trong tư tưởng của ngài, đó là điều mỗi luận chứng của ngài muốn chứng minh không? Đến nỗi cứ theo sự đánh giá của ngài thì bao nhiêu luận chứng đã được ngài viết ra là bấy nhiêu chứng minh ngài viện dẫn về việc không có đa thể, phải không? Đó có phải là điều ngài muốn chủ trương không, hay có lẽ tôi đã hiểu lầm ngài?”

- “Hoàn toàn không” Zénon trả lời. Trái lại, chàng đã lãnh hội được cả chủ đích của tác phẩm của tôi, một cách thực hoàn hảo”.

- “Thưa Parménide tiên sinh, hình như Socrate đã thắc mắc hỏi, tôi hiểu rằng Zénon muốn được gắn liền với ngài không phải chỉ bằng tất cả tình thân hữu với ngài, mà còn bằng chính cả tác phẩm của ngài nữa đó[3]. Nói khác đi, chính luận cương của ngài là điều ông ta không muốn viết ra đây, nhưng theo dáng vẻ của ngài, ngài khẳng định rằng: Toàn thể vạn vật chỉ là một, và ngài đã viện dẫn vô số chứng minh hùng hồn; một bên ông ta thì khẳng định rằng: không có vạn vật đa tạp, và ông ta cũng viện dẫn nhiều chứng minh rất hay. Khi mà ngài khẳng định về cái Đơn nhất, còn ngài kia lại phủ định cái Đa thể, thoạt nhìn thì hình như mỗi ngài không nói gì giống nhau cả, nhưng kỳ thực thì cả hai đã chỉ nói cùng một điều giống hệt nhau. Nên những tranh luận của các ngài chỉ có vẻ những tranh luận qua mặt chúng tôi là những người tục tử mà thôi”.

- “Thôi đi, Socrate” hình như Zénon đã lên tiếng. “Như vậy là chàng đã hoàn toàn không hiểu được thực chất của tác phẩm của ta. Tuy rằng với thính giác của những con chó của Laconnie, chàng đã săn bắt và rượt đuổi những tư tưởng theo từng vết tích một của chúng, nhưng chàng vẫn hiểu lầm và đây là hiểu lầm đầu tiên của chàng: thực thà quyển sách của ta đã không có cao vọng gì đến nỗi như chàng mường tượng rằng nó đã được viết ra để che giấu chủ đích cao cả của nó với nhân thế đâu. Nên điều chàng vừa trình bày trên kia chỉ là những gì thứ yếu. Điều thực sự quyển sách của ta nhằm là theo cách thức của nó biện hộ cho luận cương của Parménide chống đối lại những ai cố tình phỉ báng nó và, từ tính đơn nhất do nó khẳng định, những ai tự hào rút ra được những hệ luận theo đó luận cương bị chế nhiễu và tự mâu thuẫn. Như vậy là quyển sách đến để đối đáp lại những kẻ nào khẳng định về cái Đa thể, và đánh những đòn gấp bội. Hơn nữa, nó còn muốn chứng minh rằng: luận cương của họ về đa thể còn đáng buồn cười hơn luận cương về cái Đơn nhất, đó là đối với những ai am hiểu được hết những hệ luận của nó. Chính trong khí thế chiến đấu đó mà khi còn niên thiếu ta đã biên soạn ra quyển sách đó. Nhưng không biết ai đã đánh cắp mất bản thảo đó đến nỗi ta không còn biết có quyết định hạ sinh nó hay không nữa. Đó là sai lầm của chàng khi nghĩ rằng không phải với khí thế chiến đấu của một con người trẻ tuổi, mà là do tham vọng của người đứng tuổi, Socrate. Ngoài ra như ta đã nói, cách thức chàng đánh giá quyển sách đã không có gì đáng chê cả”.

- “Dạ, tôi chấp nhận sự phân giải”, hình như Socrate đáp “và tin tưởng như ngài đã nói. Nhưng đây là điều tôi muốn biết, Ngài có nghĩ rằng phải có một hình thức tự nội về tính tương tự không và đối đáp lại nó, phải có một hình thức tự nội khác, đó là bản chất của bất tương tự không? – “Và ngài có nghĩ rằng: “vào cả hai hình thức đó, tất cả chúng ta, cả tôi và cả ngài, rồi cả những gì khác mà chúng ta gọi là cái đa thể, đều thông dự không?” – Và ngài có nghĩ rằng: “Chính vì sự kiện và trong chừng mực nó thông dự vào đó thì cái gì thông dự vào tính tương tự sẽ trở thành tương tự và bất tương tự cái gì thông dự vào tính bất tương tự; và sẽ trở thành cái này hoặc cái kia, cái gì thông dự vào cái này hoặc cái kia không? Nếu, tất cả vạn vật đều thông dự vào hai hình thức đối lập nhau đó, và tự chúng tất cả vạn vật đều vừa tương tự vừa bất tương tự, do vì sự thông dự vào bên này hoặc bên kia đó, thì như vậy có điều gì đáng phải bỡ ngỡ không?” – Và ngài có nghĩ rằng: “Ngược lại, những cái tương tự tự nội đã trình bày cho chúng ta là bất tương tự, hay những cái bất tương tự là tương tự được, thì tôi sẽ coi đó là một điều kỳ diệu. Nhưng, cái gì thông dự vào những cái này cũng như vào những cái kia, mà trình bày nó bởi chi phối bởi tính chất này hay bởi tính chất kia, thưa Zénon tiên sinh, tức là không nói gì lạ thường cả, ít là đối với tôi, làm thế cũng không khác gì tuyên bố rằng là đơn nhất toàn bộ những sự vật chỉ vì chúng có chân trong cái Đơn nhất và tuyên bố là đa thể cùng một toàn bộ đó chỉ vì chúng thông dự vào tính đa tạp. Ngược lại, bản chất của cái Đơn nhất mà người ta chứng minh tự nội là đa thể; rồi cái đa thể mà người ta chứng minh là đơn nhất. Đó là điều sẽ gây bỡ ngỡ cho tôi. Về tất cả những gì còn lại tôi cũng nói như vậy. Rồi những chủng loại và những hình thức tự nội cũng vậy, nếu được trình bày như trong chúng, chúng cũng tiếp thu những đặc tính đối nghịch như vậy, thì điều đó cũng đáng bỡ ngỡ nữa không? Và công việc trong tôi, khi người ta cũng muốn trình bày tôi cũng là đa thể, tức là có bên phải, bên trái, có phía trước, phía sau, cũng như có trên, có dưới thì sao? Vì tôi nghĩ rằng tôi cũng có thông dự vào tính đa thể. Ngược lại, người ta sẽ tuyên bố rằng trong nhóm bảy người chúng ta, con người tôi là đơn nhất, chỉ vì tôi cũng tham dự vào cái Đơn nhất, nếu người ta muốn nói tôi là đơn nhất. Nếu vậy người ta sẽ chứng minh được rằng cả hai khẳng định đều đúng. Trên cơ sở của những tỉ dụ trên, ai sẽ là người nỗ lực chứng minh là đa thể và đơn nhất có cùng những đồ vật như nhau, đó là những cục sỏi, những mẩu gỗ và tất cả những gì khác, thì ta sẽ gọi là họ chứng minh chúng là đơn nhất và đa thể; như vậy không phải cái Đơn nhất họ chứng minh là đa thể cũng không phải cái đa thể họ chứng minh là đơn nhất. Như vậy họ sẽ không nói một điều gì khác thường cả, không một điều gì mà không được mọi người nhất trí. Nhưng nếu người ta hãy làm như điều tôi nói lúc nãy, nghĩa là hãy bắt đầu bằng việc phân biệt lập, theo thực tại riêng biệt của chúng, những hình thức như tính tương tự, tính bất tương tự, tính đa tạp, tính đơn nhất, tính im lìm, tính vận động, và tất cả mọi bản chất tương tự như thế; sau đó hãy chứng minh rằng giữa chúng với nhau chúng có khả năng hòa hợp và ly gián lẫn nhau; trong trường hợp này, thưa ngài Zénon, tôi sẽ bỡ ngỡ và ngây ngất biết mấy. Theo thiển ý, lập luận của ngài đã được trình bày hùng hồn và khéo léo. Nhưng xin nhắc lại, với một niềm hoan hỉ biết bao nữa, tôi sẽ hoan hô bất cứ ai có thể chứng minh được rằng: cùng những đối kháng quấn quít lấy nhau bằng muôn vàn sợi dây giữa lòng cùng những hình thức đó, đối với chúng, phía ngài đã theo đuổi chúng trong những sự vật khả giác, như thế nào, thì phía chúng tôi cũng phải có thể phát hiện thấy chúng như thế trong những sự vật[4] nào mà chỉ mình suy lý mới đạt được.



[1] Tức là nếu có nhiều sự vật khác nhau và khác nhau muôn vẻ chứ không phải chỉ duy nhất có cái một; đó là vấn đề muôn thuở của triết học duy tâm thường được gọi là vấn đề cái một và cái nhiều, ở đây chúng tôi dịch là cái Đơn nhất và cái đa tạp (chú thích của người dịch - Lê Tôn Nghiêm).

[2] Không có nhiều sự vật khác nhau, mà chỉ có một, ngoài ra không có gì khác (chú thích của người dịch - Lê Tôn Nghiêm).

[3] Học thuyết của Parménide thường được gọi là chủ thuyết Éléatisme thì chủ trương rằng: toàn thể vạn vật tuy phức tạp nhưng chung qui chỉ là một. Cùng một chủ trương đó đã được Zénon trình bày lại, nhưng dưới một hình thức tranh biện (éristique) theo đó, không có vạn vật đa tạp. Suy cho cùng cả hai hình thức đó đã cấu kết nên một khối đặc kiên cố mà ở đây Platon muốn phân tán. Vì vậy ở đây Socrate mới bắt đầu bằng cách áp đảo Zénon phải thú nhận rằng: trong trường phái Élée, vai trò của ông chỉ là vai trò thứ yếu và tác phẩm của ông chỉ là một tác phẩm nhất thời.

[4] tức là chính những hình thức – chú thích của người dịch.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt