CHỦ NGHĨA NHÂN VĂN
DƯỚI THỜI KỲ VĂN HÓA PHỤC HƯNG
ĐẶNG THAI MAI (1902-1984)
Hãy nhắc lại một ký ức nhà trường.
Vào khoảng trước sau thế kỷ XIV, lịch sử văn hóa nhân loại đã chứng kiến một cách mạng tư tưởng rất vĩ đại. Cuộc vận động bắt đầu ở Ý, rồi từ cuối thế kỷ X, đến giữa thế kỷ XVI, sẽ tràn lan dần dần khắp miền Tây Âu.
Trên quá trình phát triển, trào lưu mới này đã át hẳn thế lực của nền học thuật Trung cổ và gây dựng cho các dân tộc phương Tây một đời sống tinh thần mới mẻ, bạo dạn, chưa bao giờ thấy trong lịch sử. Dưới ảnh hưởng của sự cải tạo tư tưởng, con người phương Tây đã thoát ly khỏi hẳn “cái bầu trời ảm đạm của đêm trường Trung Cổ” mà bước vào một đời sống mới. Như được một luồng sinh khí mầu nhiệm vừa thổi vào trong mạch máu, một mặt Châu Âu từ đấy ngày càng càng tiến bộ và đã có nguy cơ vượt hẳn các dân tộc khác suốt mấy thế kỷ ròng về tất cả các phương diện kinh tế, chính trị và văn hóa.
Trong lúc say sưa với những kết quả vừa thâu lượm được trên đường tranh đấu cho tư tưởng mới, các nhà trung kiên cuộc vận động đã đặt cho thời kỳ đó một cái tên khá lừng lẫy là thời kỳ “Văn hóa tái sinh” hay thời kỳ “Văn hóa sống lại”[1]. Lịch sử văn hóa ngày sau sẽ thể theo nhiệt tình của họ mà giữ cho cuộc vận động cái danh từ vinh diệu đó.
Tư tưởng trung tâm, tư tưởng lãnh đạo cuộc vận động Văn hóa phục hưng là chủ nghĩa nhân văn.
* *
*
Nói một cách sơ lược, thì chủ nghĩa nhân văn là một hệ thống tư tưởng lấy cõi người, lấy con người làm trọng. Các nhà nhân văn chủ trương rằng: công cuộc kiến thiết văn hóa là một công cuộc của người và lấy con người, lấy cõi đời làm bản vị.
Nếu chỉ có thế thôi, thì chủ nghĩa nhân văn có gì là lạ, là cao sâu, là vĩ đại?
Sự thực thì mọi chân lý khi đã được phát minh bao giờ cũng có vẻ tầm thường. Đặc tính của chân lý trước hết là giản dị. Nhưng nếu ta nghĩ kỹ lại thì sự phát minh chân lý không phải là việc dễ dàng; và chân lý cũng không đơn giản như những khối óc nông nổi vẫn tưởng. Đối với những người ngày nay, có gì dễ dàng bằng những tri thức như là sự chuyển vận của quả đất xung quanh mặt trời, hoặc một khối nặng bao giờ cũng rơi xuống đất theo sức hút của trọng tâm. Nhưng xưa nay tư tưởng loài người đã sản xuất được mấy Copernic, hay Galilée, mấy Newton?
Câu chuyện con người là một câu chuyện khá phức tạp. Đối với bản thân mình, con người xưa nay vẫn là một hiện tượng bí mật, khó hiểu. Sống, thác, rủi, may, cực khổ hay sung sướng là những vấn đề đặt ra có mấy ngàn năm nay mà giờ đây vẫn chưa có câu trả lời dứt khoát. Sự sống đã nêu ra bao nhiêu câu hỏi về nguồn gốc, về cứu cánh, về ý nghĩa, về mục đích, về vận mệnh, ai là người giải quyết được bấy nhiêu điều thắc mắc của tâm hồn? Sinh lý, tâm lý con người là những khoa học thiết tha nhất đối với đời sống, nhưng hai ngành khoa học này thành lập đến nay đã được bao lâu? Và trình độ trí thức chúng ta về hai ngành học đó hiện nay đã có gì đáng cho nhân loại tự hào? Hơn hai nghìn năm nay, Socrate đã đề nghị với chúng ta: “Hẵng tự biết lấy mình”. Nhưng từ bấy đến nay, ai đã thỏa mãn được lời dặn của nhà đại triết học Hy Lạp?
Ngay trong các công trình kiến thiết của nhân loại, xưa nay, đối với con người, với khả năng và giá trị của con người, từ tình cảm cho đến nghị lực, từ tâm tư cho đến hành động, con người vẫn bị hoài nghi, khinh rẻ. Tình cảm trí tuệ, nghị lực của ta, ta thấy là quá chật hẹp, quá bạc nhược! Và quá ngắn ngủi, qua bấp bênh là đời sống của con người, là tác dụng của việc người. Vận mệnh của con người, con người cũng đã vui lòng đem “phó cho Ông Xanh”. Thành bại trong công việc hằng ngày là tùy sự định đoạt của Trời, Phật, Thánh thần. Mọi phát kiến về khoa học, về tư tưởng về nghệ thuật là câu chuyện “thần linh phù hộ”... Nói rằng mấy ngàn năm nay, một bầu “âm khí nặng nề” đã phủ kín cả gầm trời tư tưởng của con người, tưởng cũng chẳng phải quá lời.
Nhận con người làm bản vị cho mọi công việc kiến thiết, trước hết là thừa nhận năng lực của con người trong sự nghiệp kiến thiết. Cũng là thừa nhận tính cách người – trái với tính cách thần linh của mọi hệ thống tôn giáo. Cũng là chủ trương rằng: văn hóa phải thích ứng với cõi người, phải có tính cách nhân đạo, phải chống lại những lực lượng trái với quyền lợi của sự sống, bất kỳ là lực lượng nào, từ đâu mà đến. Và cũng nói rằng: mọi công cuộc kiến thiết của con người cũng chỉ có giá trị trong một thời kỳ, một xã hội. Với tính cách có điều kiện tương đối ấy, văn hóa loài người cần phải luôn luôn đổi mới để cho thích hợp với đời sống.
Bao nhiêu nhận định về tư tưởng, về hành động của con người, ngày nay có vẻ quá thông thường. Nhưng trước đây năm thế kỷ, tai con người Trung Cổ nghe ra có khác nào những tiếng nổ rung trời chuyển đất của một kho đạn đang bùng cháy! Tính cách “phá hoại” của chủ nghĩa nhân văn là ở chỗ đó. Năng lực kiến thiết của chủ nghĩa nhân văn là ở đó. Năng lực kiến thiết của chủ nghĩa nhân văn cũng là ở chỗ đó: con người là bản vị của mọi sự trạng trong cõi người.
Trong nhận định của một số người, dường như xưa nay chỉ có một tư trào nhân văn chủ nghĩa: ấy là chủ nghĩa nhân văn của thời kỳ Văn hóa phục hưng.
Sự thực thì đó không phải là tư trào nhân văn đầu tiên, và cũng chưa phải là tư trào cuối cùng.
Tuy vậy, chủ nghĩa nhân văn của thời kỳ Văn hóa phục hưng vẫn là một tư trào mạnh mẽ, dồi dào nhất trong các tư trào nhân văn từ xưa cho đến đầu thế kỷ XX này.
Bởi vậy, trước khi nói đến lịch sử nhân văn chủ nghĩa, cũng nên hiểu qua chủ nghĩa nhân văn dưới thời kỳ Văn hóa phục hưng.
* *
*
Để nhận định nội dung, địa vị, tác dụng và ảnh hưởng của tư trào một cách thấu đáo, trước hết nên có một khái niệm rõ rệt về con người, về học thuật Tây Âu thời kỳ Trung Cổ, trước khi cuộc vận động Văn hóa phục hưng bắt đầu.
Dưới thời Trung Cổ, học thuật ngự trị Âu châu là Kinh viện học (la scolastique). Kinh viện học là một hệ thống ý thức đặc biệt cho xã hội phong kiến Tây Âu. Nền tảng của học vấn là tinh thần tín ngưỡng dưới nguyên tắc quyền uy. Tất cả tri thức về vũ trụ, về nhân sinh, tất cả chân lý phải tìm trong tập Kinh Thánh do Giáo hội La Mã giải thích và ban bố. Một ý tưởng, một lời nói không được phái Giáo hội La Mã thừa nhận, chuẩn y, lập tức bị liệt vào hạng tà thuyết của Ác ma và phải trừng trị đến cực hình. Trước hết, kiếp người là một kiếp tội lỗi. Tuy nhiên ngoài vũ trụ cũng như xác thịt của con người đều đầy rẫy những tội ác. Phải đàn áp tự nhiên mà thờ Chúa. Phải hy sinh phần xác thịt mới cứu được phần hồn. Con đường “chuộc tội” con đường “tự cứu” là con đường tín ngưỡng. Cần phải tin. Tin một cách mù quáng, ngây thơ. Lý tính chỉ đưa người đến chỗ chết. Ham chuộng sự hiểu biết theo lý tính và nguồn gốc mọi tội lỗi. Phải xỉ rủa vào lý tính. Lý tính phải biết tự kinh miệt; con người phải biết khinh rẻ lấy tự mình.
Cố nhiên, mặc dầu mọi sự hành hạ, lý tính của con người vẫn chưa chết hẳn. Lý tính vẫn nhớ rằng: xưa kia, cổ học vấn dành cho nó một địa vị vẻ vang trong tư tưởng. Hồi đó tín ngưỡng chưa khuynh loát tinh thần phê phán của con người Hy Lạp. Bản tính con người cho đến phần xác của nó, cũng như thế giới vật chất, còn được tôn trọng. Người ta đã bạo dạn học hỏi, xem xét, suy nghĩ về sự lẽ trong trời đất, trong xã hội, trong tâm hồn. Triết học Hy Lạp vẫn yêu chuộng tinh thần khoa học. Lý tính chưa quên. Bởi vậy trong những ngày tối tăm nhất của tư tưởng nhân loại, từ giữa thế kỷ XII có một lúc triết học Platon vẫn được các nhà học giả chú trọng. Tiếp theo đó, đến thế kỷ thứ XIII, XIV, học thuyết của Aristote với ít nhiều yếu tố khoa học như là óc quan sát, tinh thần phê phán, phương pháp phân tích sự vật lại được hoan nghênh. Nhận thấy ảnh hưởng của một tư trào có tính cách bài giáo của thuyết phiếm thần (Panthéisme) trong công chúng, giáo hội đã đối phó lại với một chính sách rất khéo léo. Nhà thần học Thomas d’Aquin (1226-1274) chủ trương rằng: chỉ giáo của Đạo Gia tô rất có thể đi đôi được với chủ nghĩa Aristote. Rồi các trường thần học, các trường đại học vẫn được phép giảng các tác phẩm của Aristote. Nhưng trong khi đó triết học Kinh viện đã nêu ra một sự phân biệt căn bản. Người ta sẽ chỉ thừa nhận uy quyền Aristote trong phạm vi khoa học mà thôi. Aristote rất có thể giải thích vũ trụ và nhân sinh bằng lý tính, bằng kinh nghiệm. Nhưng “lẽ cuối cùng” của mọi sự vật trong giời đất[2] trong cõi người là thuộc về một lĩnh vực khác, ngoài sự có thể hiểu được của con người. Giáo chỉ của sáng thế kỷ là những tín điều mà lý tính không bao giờ dò xét, đo lường được. Những vấn đề siêu hình học như là Nhất vị tam thể (La Trinité) – Tội lỗi nguyên thủy (Péché originel) Cứu thế (la Rédemption), Hồng ân Chúa ban (la Grâce divine) là ở trong địa hạt huyền bí. Cái “biết” ở đây là nhờ sự ám trợ mầu nhiệm của Chúa. Cái “biết” ở đây là một câu chuyện tín ngưỡng. Aristote và lý tính con người không thể giải thích được bấy nhiêu bí ẩn. Tín ngưỡng cũng không cần giảng giải cho bấy nhiêu huyền bí cao siêu. Cho nên khoa học cứ việc phát triển, triết học cứ việc suy nghĩ, tìm tòi nhưng nhiệm vụ triết học là phải phụng sự thần học trước hết. Lý tính chỉ có thể khấu đầu trước bàn thờ và tụng niệm. Tôn giáo là một lĩnh vực siêu lý.
Kể ra trên bước đường tiến bộ của khoa học Trung cổ, tri thức của Aristote về vũ trụ, về nhân sinh hồi này nhiều điểm đã bị kinh nghiệm và phát kiến mới vượt qua rồi. Những nguyên tắc khoa học của Aristote cũng không có lực lượng gì bài giáo mạnh mẽ lắm. Nhưng giáo hội vẫn quan tâm về chỗ đó: Giáo hội sẽ cố sức sa thải hết mọi yếu tố “nguy hiểm” trong tinh thần khoa học của Aristote mà chỉ cho truyền bá phần luận lý hình thức của các nhà đại triết học Hy Lạp. Thế là Aristote được “phong thần”, được có một bài vị trong Kinh viện học, nhưng trong lúc đó học thuyết của Aristote đã phải biến chất để làm “con rối của thần học”. Một mặt nữa, dưới nguyên tắc quyền uy, triết học của Aristote dần dần lại cũng đẫm màu sắc tôn giáo. Uy tín của Aristote luôn luôn được nhắc lại trong công thức “Magister dixit” (“Tôn sư đã nói rằng”). Và khi một ý kiến, bất kỳ sai lầm đến đâu, đã có đeo cái bùa “Magister dixit” thì anh hãy cất mũ đi, cúi đầu xuống và quỳ gối, lượm tay mà tụng niệm, mà hãy tin tưởng kỹ vào! Đừng cãi cọ, phê phán, bàn bạc, suy nghĩ làm gì nữa!... Vì....rằng....
Nghệ thuật Trung Cổ còn ghi lại đến ngày nay những nét mặt của con người thời đại. Con người chỉ có một địa vị hết sức mong manh trong các tác phẩm văn học và hội họa. Con người Trung Cổ là một giống sinh vật thô sơ mộc mạc. Cặp mắt lờ đờ, ngớ ngẩn bộc lộ một tâm trạng sợ sệt và đầy rẫy những màu sắc mê tín. Đời sống hiện tại là kết quả của tội lỗi nguyên thủy. Mặt đất là một thung lũng đầy những mồ hôi, nước mắt. Sống là một cuộc mê mộng dưới ánh sáng leo loét, viễn vông của quan niệm siêu hình. Vận mệnh bóp chẹt con người dưới những lực lượng cay nghiệt, vô tình, không thể hiểu được của thần thánh, của ma quỷ, của những ai có quyền thế, địa vị. Tôn giáo, pháp luật, luân lý là ý chí của Nhà trời; mọi sự suy nghĩ, cố gắng, lo toan, làm lụng đều vô ích. Con người chỉ là “biểu tượng đơn chiếc của một tập đoàn: nòi giống, dân tộc, quê hương hoặc họ hàng”. Nó chưa hề có ý thức rõ rệt về vũ trụ, về nhân sinh, về xã hội, về cả tâm hồn của nó nữa.
Ta hằng nhìn bộ mặt con người trên các tác phẩm mỹ thuật của thời đại: nó rất ít sinh sắc và thiếu hẳn yếu tố cá tính. Ngay trong chân dung các bậc vua chúa cũng vậy: Cơ hồ như bộ mặt nào cũng giống bộ mặt nào. Khó nhìn thấy những nét riêng cá biệt. Chỉ có một bộ phận duy nhất, một bộ mặt ước lệ của ông vua Trung Cổ. Không có ý thức rõ rệt về nhân cách. Điển hình nghệ thuật cũng chỉ đi đến con đường ước lệ. Nói như Jacob Burckhardt, một nhà sử học thế kỷ XIX, một chuyên gia về lịch sử Trung Cổ và thời kỳ Văn hóa phục hưng: “Nghệ thuật chỉ là một lối biểu hiện, không có một cốt cách nào để mô tả đời sống phần hồn và đời sống tập đoàn”. Đặc sắc của đời sống là sùng bái cái siêu tự nhiên của Tôn giáo, là mơ tưởng đâu đâu những hạnh phúc xa xăm trên Thượng giới. Còn ngoài ra bao nhiêu cảm giác về hình thể, màu sắc luôn luôn biến đổi trong cõi đời thực tế của mặt đất đều hết sức lu mờ. Ngay cả cái cõi đời thực tế này nữa, trong sự phô diễn của nghệ sĩ, nó chỉ có một tính cách lý tưởng, không hề có cơ thêm và chỉ có ý nghĩa tượng trưng mà thôi.
Cách đánh giá có phần thiên lệch. Tuy vậy thành kiến đối với Trung Cổ này đã hình thành từ trước đây từ thế kỷ XVI. Và ngày nay vẫn có những người tin vào quan điểm đó.
Chủ nghĩa nhân văn phát động ở Ý giữa lúc xã hội Tây Âu bước vào một cuộc chuyển biến lớn. Khuôn khổ của chế độ phong kiến bắt đầu rạn nứt với sự phát triển của các thành thị. Kinh tế nông thôn trong kích thước tẳn mẳn của lĩnh thổ thuộc về quyền sở hữu của các vua, chúa, địa chủ phong kiến, với những quy mô quá chật hẹp, những phương tiện sản xuất thô sơ không thể thỏa mãn được những nhu cầu của xã hội mới. Công cuộc mậu dịch hồi này tiến hành trong một phạm vi rộng với những số lượng to tát, thúc đẩy công nghiệp chuyển hướng và sản xuất theo nhịp tiêu thụ của thị trường. Tư bản dần dần tích lũy lại trong các thành phố như Venise, Naples, Florence là những đại bản doanh của giai cấp tư bản mới chớm nở.
Xã hội tư bản đã gây dựng cho tinh thần tiến thủ của mọi người một trường hoạt động rộn rịp, mênh mông. Người khôn, của khó, tha hồ cho ai có sức đua chen. Cuộc tranh đấu cho cuộc sinh tồn bắt buộc con người phải lĩnh hội cho thấu triệt mọi phương tiện, mọi khả năng riêng biệt của mình: trí khôn, sức khỏe, can đảm, tài lợi dụng thời cơ, hoàn cảnh! Do đó ý thức của người ta về cá tính càng ngày càng sáng suốt, sâu sắc. Từ thế kỷ XIII, XIV, khá nhiều nhân cách táo tợn, liều lĩnh, tinh ranh đã xuất hiện. Họ là con buôn hoãnh tài, hôm nay còn là chủ lái, mai kia bỗng thành một nhà... chính trị. Họ là bọn Condottieri, một lũ lục lâm, vong mạng, có gan làm giặc, có chí làm vua. Hai bọn quý tộc này, quý tộc tiền và quý tộc liều mạng đã xóa bỏ cả giới hạn đẳng cấp trong xã hội và đảo lộn hết mọi giá trị luân lý ngàn xưa. Tập gia phả và huân chương của các tiền triều không còn là một đảm bảo quyền lợi cho bọn “con cha cháu ông nữa”. Giá trị của con người không phải ở chỗ đẻ (la naissance), mà ở chỗ biết làm giầu, biết lập thân.
Đời sống của một cuộc tranh đấu gay go không tư tình, vị nể một ai. Châm ngôn của thời đại sắt gang này là ích kỷ, làm tiền và hưởng thụ. Người ta có thể cởi bỏ hết những sự ràng buộc của cương thường, tôn giáo, miễn là thành công! Những hành động xấu xa, những tội lỗi như gian trá, dâm dục, rượu chè, cờ bạc, loạn luân, giết người có lúc tiến hành với những quy mô to tát, ghê tởm. Trong các lâu đài, cung điện mới, bọn hãnh tiến sẽ đua sức với các vương hầu trụy lạc mà sống đời hoang dâm, vô độ. Sự hưởng thụ khoái lạc chỉ biết một giới hạn là sức tìm tòi và ăn chơi của mọi người. Khi đồng tiền đã dồi dào, thì các ông Hoàng, các bà Chúa vương hầu mới, các tiểu thư quý tộc tiền, lẽ tất nhiên cũng nghĩ đến việc trang điểm nhà cửa và vẻ đẹp của thân thể. Văn thơ, hội họa, âm nhạc, khiêu vũ được họ khuyến khích để tô điểm đời sống trong gia đình. Một số quý tộc mới và cũ sẽ là những Mạnh thường quân của nghệ thuật. Người ta gọi họ là những vị Mécènes. Người đàn bà biết để ý đến gia chính, đến giáo dục nhi đồng. Đời sống xa xỉ yêu chuộng những hương hoa phấn sáp hiếm có từ phương xa đưa lại. Cảnh vật thôn quê đã được người ta thưởng thức: tự nhiên cũng như xã hội là một khung cảnh để con người vận dụng trong sinh hoạt. Sống là một tác phẩm nghệ thuật, có ý thức và tự do. Trước sự nhu cầu của lẽ sống, mọi năng lực, mọi dục vọng của con người để giải phóng cho cá tính đều tỉnh dậy. Trên bước đường phát triển, cá nhân chủ nghĩa như một cuộn sóng thần cuồn cuộn đổ xuống, tràn ngập cả xã hội phong kiến. Ý thức hệ của một giai tầng lâm vào tình thế phá sản; pháp luật hết tôn nghiêm, thánh hiền hết tài giỏi, thần linh hết mầu nhiệm!
Về phương diện chính trị, chế độ phong kiến là một lực lượng lỗi thời, một lực lượng chia rẽ. Nước Ý thủ đô của Châu Âu, trong vòng mấy thế kỷ gần đây, đã bị chia năm xẻ bảy, rên rỉ dưới gót sắt tàn bạo của bọn xâm lăng miền Bắc từ Pháp, từ Đức tràn sang. Một bọn tàn bạo (tyrans) bản xứ đủ thế lực để giày xéo lên dân Ý mà không có gan sức để chống ngoại xâm. Người Ý càng nhớ lại trang sử hiển hách của thời kỳ Cộng hòa ngày xưa, lại càng tím gan tím ruột với tình thế hiện tại. Bọn tư sản sẽ nhận lấy nhiệm vụ phục hưng nước Ý. Họ sẽ hợp sức với một vài hoàng tộc để xây dựng một chế độ vương quyền, để đánh đổ bọn phong kiến địa chủ, và để xây dựng một nền quân chủ tập trung có tính cách dân tộc.
Từ thế kỷ XIII trở đi, nhờ sự tiến bộ của kỹ thuật, sự phát triển của phương tiện giao thông, sự trao đổi về sách cũ, sách mới bên cạnh nền học thuật chính thức, bên cạnh kinh viện học, người ta đã thấy nảy nở một nguồn tư tưởng lành mạnh, bạo dạn. Kho tàng tư tưởng Hy Lạp, khoa học Ả Rập kích thích tinh thần học hỏi với người xưa, với ngoại quốc. Đi đôi với những cuộc thám hiểm, những đạo quân viễn chinh, với sự phát triển công nghệ và thương mại, là những cuộc phát kiến về văn hóa, về khoa học, về phong tục của xã hội Đông Âu và Tiểu Á Tế Á. Cảnh vật xa lạ trình bày trong các bài bút ký của các nhà du lịch gây nên những thắc mắc, những tâm trạng mới. Một thị dã mênh mông quyến rũ cặp mắt hiếu kỳ của thời đại. Nước Ý có thể tự hào là có những vườn hoa, những vườn bách thú đầu tiên ở châu Âu Trung Cổ. Vạn vật học và vật lý học bước vào giai đoạn thực nghiệm. Dưới ảnh hưởng của văn hóa cổ điển và của các phát minh mới về kỹ nghệ, học thuật đã có một cơ sở mới, để ấn bước trên đường nhận xét tâm giới, vật giới, vũ trụ, xã hội bằng những phương pháp khoa học.
* *
*
Tinh thần nhân văn trong xã hội có giai cấp, trước hết, là một tinh thần tranh đấu ở Tây Âu, dưới thời kỳ Văn hóa phục hưng, chủ nghĩa nhân văn là một phong trào chống chế độ phong kiến, do tư tưởng tư sản phát động. Tranh đấu cho giai tầng tư sản các thành thị chống với phong kiến. Tranh đấu cho dân tộc Ý chống với cuộc xâm lăng của những dị tộc.
Trên lập trường tư tưởng chống phong kiến, chủ nghĩa nhân văn bao hàm hai yếu tố chính: yếu tố tri thức và yếu tố luân lý.
Về phương diện tri thức, chủ nghĩa nhân văn nêu cao giá trị và tác dụng của lý tính để chống với nguyên tắc quyền uy của học thuật phong kiến. Nhà nhân văn chủ nghĩa đi vào lĩnh vực tư tưởng, với khối óc tự do sẳn sàng kiểm điểm lại các giá trị cũ và phê bình cả giáo chỉ của Kinh thánh. Nhưng chủ nghĩa hoài nghi, nếu đi đến tuyệt đối, sẽ chỉ đưa tri thức đến chỗ bỡ ngỡ, lưỡng lự, siêu thoát. Động cơ chính của công việc xây dựng giá trị mới là một tinh thần tích cực, căn cứ vào thực nghiệm. Tự nhiên (la Nature) đối chọi với Chúa Trời (Jehovah). Lẽ phải chống với tín ngưỡng. Lý trí muốn xây dựng phải theo một kỷ luật hợp lý, kiểm điểm theo thực tế. Mọi công việc xây dựng của trí thức đều lệ thuộc vào tính cách người, với sự nhu cầu của đời sống con người. Bênh vực tinh thần tự do, tinh thần phê bình, chủ nghĩa nhân văn yêu trọng tự nhiên, cái tự nhiên trong thiên tính của con người cũng như cái tự nhiên trong bản sắc của sự vật. Một mặt nữa, chủ nghĩa nhân văn đặc biệt chú trọng đến di sản văn hóa của dân tộc, để xây dựng cho dân tộc một nền văn hóa mới. Văn chương của Dante, Pétrarque, Boccace là tinh thần dân tộc Ý Đại Lợi. Sau đó phái Văn tinh hay Thất tinh (La Pléliade) ở Pháp bước vào văn đàn với một bản tuyên ngôn có tính cách tranh đấu: Bảo vệ và phát huy tiếng nói nước Pháp.
Chống với luân lý phong kiến, tư tưởng nhân văn cũng đứng trên hai lập trường cá nhân và dân tộc để phê bình, để kiến thiết. Nhân văn chủ nghĩa trong thời kỳ đầu là một tinh thần hoạt động, một tinh thần chiến đấu. Cá tính đã bạo dạn phê bình những giáo điều cũ đang ràng buộc con người trong xiềng xích một hệ thống luân lý giả dối hẹp hòi. Con người lý tưởng hồi này không phải là một đấng thánh – Le Saint – xanh xao vàng vọt, chỉ biết quỳ lại và tụng niệm. Con người phải lành mạnh, phải tự do phát triển và yêu chuộng hành động. Nó hoạt động để cho tự mình có thể phát triển, cho thời đại có thể tiến bộ. Tư tưởng của Boccace là tư tưởng khỏe khoắn trong suy nghĩ và hưởng thụ. Văn chương Coccace luôn luôn châm biếm những người không sống theo luật tự nhiên. Sau này nhà văn nước Pháp Rabelais sẽ tiếp tục công cuộc phản kháng tư tưởng kinh viện học. Dưới ngòi bút của Rabelais, toàn thể các hạng người đại biểu cho chế độ phong kiến đã được đưa ra làm bia cười cho độc giả. Bọn kinh viện học sẽ đội những danh hiệu gàn dở là Sorboneur, Sorbonien, Sorbornard. Các nhà tu hành là một lũ “dốt nát ăn không ngồi rồi, vô ích cho xã hội, bẩn thỉu, tục tằn, lẩm bẩm tụng chuỗi Kinh cầu nguyện nhưng không để ý gì đến cầu nguyện, vì tâm hồn chúng còn lởn vởn trong bếp kia!” Chúng trú ngụ trên một hòn cù lao, giữa những tiếng chuông thường xuyên. Chúng là những con chim rất quái gở, giống người nhưng lại có một bộ lông kỳ quặc, đủ màu đen, trắng, xanh, xám và đỏ. Tên chúng là tên những giống chim kỳ quái: clergaulx, cardigaulx; giống papegaulx[3] là một giống độc nhất (có một, không nên lầm nghĩa). Mấy con cái là clergesses hoặc monegesses… Rabelais còn công kích cả tổ chức chế độ chính trị, từ bọn quan tòa, thầy cúng, bọn thầy kiện chuyên môn đục khoét dân cho đến bọn vua chúc phong kiến say sưa với máu người trong cuộc chiến tranh phi nghĩa.
Triết học Rabelais là tư tưởng chống với mọi trạng thái tự nhiên, trái thiên tính. Lực lượng phản động là con ác quái Antiphysic (phản tư nhiên). Tượng trưng sự sống lý tưởng là tòa đền Thélème trước cửa vẽ một chai rượu. Phải về với tự nhiên, ăn no, uống say, học cho rộng, biết cho nhiều, và hưởng thu và phát triển thân thể cho hết sức tự do.
Riêng về nước Ý, thì nhân văn chủ nghĩa có một tinh thần tranh đấu cho quốc gia cho dân tộc chống với bôn Germains, đồng thời chống với giai tầng phong kiến bản xứ. Cổ học còn có nghĩa gọi hồn cố quốc, cổ động nhân dân, để xây dựng nên một nước Ý hùng cường. Trong ý thức hệ của chế độ tư bản, giai cấp tân tiến đã tỏ rõ ý chí muốn thay thế cho các địa chủ phong kiến để giải phóng dân tộc, đưa nước Ý thoát ly khỏi sự áp bức của bọn địa chủ.
Nhiều nhà phê bình văn học vẫn cho rằng tinh thần của chủ nghĩa nhân văn là “về với cổ đại”. Đành rằng các nhà nhân văn chủ nghĩa đều là những nhà văn uyên súc, họ đọc Platon, Aristote Epicure, Zénon.. họ đã dẫn giải Homère, Sophocle, Horace, Cicéron, Virgile, đã hiểu thấu tư tưởng và nghệ thuật La Mã dưới triều đại Auguste. Tuy vậy, nói là họ đã học thì đúng hơn là nghĩ rằng họ có xu hướng về với thời cổ. Họ không sùng bái thời cổ vì thời cổ. Họ thông thuộc khoa học hiện đại của thời kỳ mới nữa. Léonard de Vinci là nhà học sĩ, điêu khắc, nhà kiến trúc sư, nhưng cũng là một nhà toán học, nhà kỹ sư, nhà khoa học tự nhiên, nhà giải phẩu và nhà địa chất học nữa. Các nhà nhân văn chủ nghĩa trong khi nghiên cứu văn cổ đâu có phải chỉ tìm một mối an ủi yếu đuối cho lòng tự ái hoặc một lý do để trốn tránh hiện tại. Cổ học của họ có một tinh thần khoa học và một công dụng thực hành. Cổ học Hy Lạp dưới ánh sáng của tinh thần mới đã tươi sáng thêm và có một sắc khí mới. Học cổ không phải là cứu cánh, mà chỉ là một phương tiện để chống phong kiến, chống dị tộc, để xây dựng văn hóa mới. Tinh thần nhân văn là tinh thần tranh đấu cho một tư tưởng, một chế độ tiến bộ hơn, một đời sống lành mạnh, đầy đủ, công bình hơn đời sống phong kiến.
Chủ nghĩa nhân văn bắt đầu phát đạt ở, Florence vào quãng đầu thế kỷ thứ XV. Trường Đại học Plorence mở một ban dạy văn Hy Lạp. Cosme de Médicis thiết lập thư viện công cộng đầu tiên cho thị xã. Từ Florence, cuộc vận động về sau sẽ lan đến Rome. Giáo hoàng Nicolas V cũng đặt một thư viện trong điện Vatican. Sau đó một thời gian, chủ nghĩa nhân văn trở lại về xứ Toscane. Dưới sự lãnh đạo của Marsile Ficin, tư tưởng Platon, trước kia bị triết học Aristote che mờ, lại được truyền bá huy hoàng. Marsile Ficin cùng với Jean Pic de la Morandole đã dám “chú thích Kinh thánh với tinh thần độc lập”. Trong lúc đó Ange Poli-tien trong các tác phẩm và trong các bài diễn giảng, đã góp sức rất nhiều vào sự phát huy tinh túy cổ học. Vào khoảng cuối thế kỷ XV, vì tình hình chính trị nên công cuộc vận động nhân văn chuyển qua Venise, do nhà xuất bản trứ danh là Alde Manuce I’Ancien bị loạn lạc, thì đại bản doanh của phong trào lại rút về Rome một lần nữa, cho đến khi “Thành phố Thánh” bị vây phá (Sac de Rome, 1527). Trong khi đó thì từ nước Ý, tư tưởng nhân văn được truyền khắp Tây Âu, qua Hòa Lan với học giả Erasme, qua Đức với J. Reuchlin, qua Pháp với Guilaume Bude. Ở Pháp, tư tưởng nhân văn sẽ có một địa điểm thuận tiện để biểu hiện vào tư trào Văn nghệ phục hưng, với học viện Collège de France thiết lập ở Paris vào khoảng 1530. Phái thi sĩ Văn tinh (la Pléiade) đại biểu cho tinh thần văn học sẽ rèn luyện cho văn học Pháp một lối thơ vừa tao nhã vừa uyên bác để phụng sự nước Pháp. Về văn xuôi, văn học thế kỷ thứ XVI, nước Pháp đã sản xuất được hai nhà văn vĩ đại. Rabelais đại biểu cho khuynh hướng của đầu thế kỷ, cho tinh thần tranh đấu nồng nàn và một lạc quan chủ nghĩa say sưa, ồn ào, một nhà nhân văn thứ hai đã có dịp suy nghĩ kỹ nhiều trên kinh nghiệm của các thế hệ trước, là Michel de Montaigne. Vào cuối thế kỷ XVI, Montaigne sẽ đưa ra một lối văn uyển chuyển, mềm mại, một tư tưởng hoài nghi, bao quát mọi học thuyết, mọi lý tưởng xưa và nay. Trong lúc người ta tán dương Platon hay Aristote, trong khi bọn này tán thành Giáo hội La Mã, bọn kia ủng hộ Luther và Calvin thì Montaigne chỉ thỏ thẻ một câu hỏi khe khẽ: “Que sais – je?” (Biết là tôi có biết gì không?” trong một nụ cười tủm tỉm. Nhưng nụ cười hoài nghi của Montaigne vẫn có ý nghĩa tìm tòi, phê bình, dọn đường cho tư tưởng mới, không phải là trùm mền ngủ kỹ như các nhà Agnosticisme (phái Bất khả tri luận) sau này.
Trên quá trình phát triển của chủ nghĩa nhân văn, tinh thần tranh đấu dần dần cũng thuần thục lại. Dưới ảnh hưởng phê bình của kinh nghiệm, những nét phức tạp càng ngày càng giản dị bớt, những cử chỉ ồ ạt lúc đầu sẽ nhuần lại và bao nhiêu ngóc ngách cũng được gọt giũa dần. Phong trào kém vẻ bạo dạn, nhưng mọi sự lố lăng, hỗn độn đã bị sa thải. Tư trào nhân văn đã đi đến chỗ thanh tao, nhã nhặn như một giòng nước chảy vào vùng đồng bằng dã thành một con sông rộng rãi, êm đềm, trong trẻo. Công trình nghiên cứu, phê bình, sáng tác của mấy thế hệ triết học, văn học, ngữ học và nghệ thuật đã chuẩn bị nền móng cho văn phái cổ điển sắp xuất hiện, Chủ nghĩa nhân văn tư bản đã phát triển đến hạn độ tối cao của nó.
* *
*
Từ nửa thứ hai thế kỷ XIII cho đến thế kỷ XV, nước Ý là lực lượng trung kiên của chủ nghĩa nhân văn. Những bậc thiên tài trác tuyệt đã xuất hiện trong văn học và nghệ thuật, đại biểu cho khuynh hướng tiến bộ. Tác phẩm của họ đã in rõ nhãn hiệu của thời đại: tinh thần khoa học, tinh thần dân tộc và cá nhân chủ nghĩa. Camabue (1246-1032), Gioto (1266 – 1336) và Massacio hướng dẫn hội họa về với tinh thần tự nhiên của nghệ thuật Hy Lạp. Brunellesco (1367 -1446) xây dựng lại nền nếp kiến trúc cổ điển, ngọn dao trổ của Nicolas de Pise hoàn hồn cho nghệ thuật điêu khắc, Ghiberti (1378 -1455) Donatello (1386 – 1466) bước vào nghệ thuật tả chân. Những bức họa phong cảnh bắt đầu ra mắt công chúng. Luật viễn cận và họa khỏa thân đã được thông dụng trong hội họa để mô tả con người, từ cơ thể, nhan sắc, tinh thần của nhân vật cho đến khung cảnh hoạt động của đời sống. Nét mặt, cử chỉ, nếp áo trong họa phẩm muốn bộc lộ cả một tâm trạng, một tư cách, một cá tính riêng biệt. Nghệ thuật đã đẵm một vẻ nhục cảm, chan chứa ý vị trần tục, vật chất, chân thật chống lại lý tưởng thượng giới ngày xưa.
Nhờ sự gặp gỡ may mắn của cổ đại và hiện đại, của Á và của Âu, của văn hóa miền Nam và văn hóa miền Bắc, bao nhiêu ảnh hưởng, bao nhiêu phái hệ đã được tham bác lại, cọ xát nhau, sửa chữa cho nhau, hòa hợp cùng nhau, Do đó, nghệ thuật giàu hẳn lên và trẻ hẳn lại. Trong nền nghệ thuật mới, bao nhiêu tinh thần đã quy tụ: chủ nghĩa tự nhiên có tính chất chủ quan của nghệ thuật Gothique, tác phong trang nghiêm, lạnh lùng và kết cấu minh bạch, phân lượng cân xứng giữa tinh thần cổ điển, cái thâm trầm của tư tưởng miền Bắc cho đến chủ nghĩa thần bí của nghệ thuật Byzantin, di sản của Hy Lạp, La Mã, văn hóa Trung Cổ Pháp và mọi sự tiến bộ hiện đại về toán học, về y học, về lịch sử, đều có cống hiến cho nghệ thuật mới. Người ta đã nhận thấy ở đây tất cả cái nhiệt tình của thời đại, sự sáng suốt của khối óc, của cặp mắt vừa được mở rộng trước một vũ trụ mênh mông, thiên hình vạn tượng. Xu thế lịch sử đã chuẩn bị những điều kiện khách quan đầy đủ cho một lớp thiên tài mới có thể xuất hiện: Léonard de Vinci (1452 – 1519), Michel Ange (1475–1564), Le Corrège (1499–1534), Gior-gione (1477-1511), Le Titien (1477-1576). Nhưng nói đến nhân văn chủ nghĩa Ý, trước hết phải nói đến văn học. Mà nói đến văn học Ý là phải nhắc đến sự nghiệp của ba nhà văn hào có công nhiều hơn hết trong sự xây dựng nền văn học tân tiến: Dante, Pé trarque và Boccace.
Dante (1265-1321) là một nhà thi sĩ quý tộc, đại biểu cho thời kỳ quá độ. Nhân sinh quan của Dante chưa thoát khỏi hẳn khuôn sáo của lên luân lý phong kiến. Dante đã thi vị hóa cái chủ nghĩa cấm dục (ascétisme) của tôn giáo Gia Tô. Tập Thần khúc là tiểu truyện của một tâm hồn đã từng mê mẩn trong cõi dục tình, và được ái tính cứu vớt, rồi sống lại cái đời sống sáng sủa hạnh phúc bên cạnh Chúc. Một nhà thi sĩ, tức Dante, vừa lùi bước khoảng nửa đời người trên đường đời, đã bị lạc đường vào một cảnh rừng âm u. Trong khi hoảng hốt, thi sĩ bỗng thoảng nghe giọng nói của cô tình nhân ngày trước là Béatrice. Béatrice sẽ tìm cách cứu người cũ. Rồi tình cờ thi sĩ gặp một tiền bối trong làng thơ Ý Đại Lợi là Virgile. Virgile sẽ dẫn bạn đồng nghiệp trẻ tuổi đi xem địa ngục. Đây là chỗ để trừng trị tội lỗi của những bọn người lừa thầy, dối bạn, trốn chúa, lộn chồng. Bao nhiêu kẻ tham lam, dữ tợn và không tin đạo, đang quằn quại trong vạc dầu sùng sục sôi, trên ngọn lửa lu mờ, rùng rợn, khét lẹt mùi âm phủ. Sau đó Virgile dắt Dante đi xem quang cảnh vùng tĩnh thổ tẩy oan là chỗ tạm trú của những người đã biết sám hối. Ra khỏi tĩnh thổ, Virgile sẽ cho Dante gặp Béatrice trên một đỉnh núi. Dante thú mọi tội lỗi với người yêu và cả hai người đều bay lên thiên đường, chỗ hưởng thụ vĩnh viễn, thuần túy của những linh hồn trong trắng, sống trong thể phách thiên thần. Kết cục câu chuyện là nhờ sự giác ngộ thần bí của ái tình – ái tình trước hết là một linh tính, hay thần tính (spiritualité), - nhờ sự giúp đỡ của Béatrice, nhà thi sĩ đã tẩy hết mọi ô uế trong cõi đời nhục dục để sống trong một đời sống thần tính, trong hạnh phúc thuần túy, vĩnh viễn.
Trong tập thơ, mọi nhân vật và sự trạng đều có ý nghĩa tượng trưng. Dante là tượng trưng cho tính người, Virgile là lý tính, Béatrice là tín ngưỡng. Cuộc du lịch của thi sĩ là hình ảnh của phần hồn đi từ tội lỗi, qua tĩnh thổ đến thiên đường, Cái rừng âm u làm cho nhà thi sĩ lầm đường lạc lối cũng là cõi người mù quáng, đen tối và đầy những dục vọng điên cuồng, hư hốt. Tập Thần khúc, xét về phương diện đó, là tác phẩm đại biểu cho luân lý Trung Cổ.
Nhưng tác phong của Dante đã bao hàm nhiều yếu tố mới. Trước hết, mặc dầu có chịu ảnh hưởng của văn học quý tộc Pháp, Dante là người đầu tiên đã chống với khuynh hướng của những người chỉ biết tán dương văn chương nước ngoài mà không chú trọng đến việc xây dựng văn học dân tộc. Tác phẩm của Dante là một trong những tác phẩm đầu tiên nói bằng tiếng nói của dân chúng Ý. Hơn thế nữa, Dante đã bắt đầu chú trọng đến lối văn phân tích. Tập Đời Sống Mới – La vite nuova- đã đánh dấu cho nền văn học có tính cách quan sát, đã mạnh bạo bước vào lĩnh vực của nội tâm. Tập Thần khúc tiếp theo đó, sẽ trổ những nét miêu tả tâm lý chắc chắn, sâu sắc hơn. Ngay như nội dung của tập thơ Thần khúc, ngoài cái ý nghĩa trong giáo vá giáo huấn ra, chúng ta cũng nên nhận thấy một ý nghĩa rộng rãi hơn thế nữa. Nhà phê bình văn học Thụy Sĩ Jacob Burckhardt đã nói đến cái tinh thần bách khoa của Dante. Sự thực thì các độc giả tư sản hồi đó đã đọc được trong tác phẩm của Dante bao nhiêu kiến văn và phát minh về khoa học tự nhiên lúc bấy giờ. Nhân sinh quan trong tập Thần khúc tuy chưa tiến bộ kịp thời đại nhưng người ta đã nhìn thấy trong văn chương của Dante nhiều yếu tố khoa học và dân tộc khá rõ rệt.
Pétrarque (1304 -1374) là một thiên tài vĩ đại, là một nhà học giả uyên thâm đã có công lao nhất trong nên nhân văn Ý. Quê ở Florence, Pétrarque từ thở bé đã phải theo cha qua Provence bên Pháp. Ông thân sinh là một nhà ái quốc, bị trục xuất khỏi đất Ý đồng thời với Dante. Từ thuở thơ ấu cho đến trưởng thành, Pétrarque đã được giáo dục trong học thuật và văn nghệ Trung Cổ nước Pháp. Trong ánh sáng ấm áp của gầm trời Pro-vence, Pétrarque đã học tập, nghiên cứu nhiều về văn học cổ đại. Pétrarque đã ở Montpellier, Provence, Bologne và đã du lịch khách các đô thành lớn như Paris, Aix-la-chapella, Cologne. Khi trưởng thành, cuộc gặp gỡ giữa Pétrarque với một tiểu thư quý tộc, cô Laure, đã xúc động một nguồn thơ trong tập Le Rime[4]. Thơ trữ tình của Pétrarque kết tinh trên hai truyền thống: ái tình lý tưởng của Platon và tinh thần sùng bái nữ tính của các thi ca troubadours[5] Pháp. Thời kỳ đó cũng là thời kỳ Giáo hoàng La Mã bị dân chúng phản kháng, phải trốn sang Avignon, sống dưới sự bảo hộ và quản thúc của một Hoàng gia Pháp. Và cũng là hồ nước Ý bị một bọn bạo chúa (tyrans) chia năm xẻ bày dưới chế độ phong kiến để làm mồi cho sự xâm lăng của bọn Barbares miền Bắc. Cố đô tráng lệ nhất đã điêu tàn. Đế quốc La Mã hùng mạnh ngày xưa chỉ còn là một ký ức xa xăm, tủi hổ. Suốt đời Pétrarque, tình hoài cố quốc sẽ là động cơ chính trong công trình nghiên cứu cũng như trong sáng tác. Cũng có một lúc nhà văn sĩ dường như muốn bước vào hoạt động chính trị. Cho nên khi được tin Rienzo khởi nghĩa, chống với bọn quý tộc phong kiến và có mục đích thống nhất nước Ý thành một nước cộng hòa, thì trong một bức thư nồng nàn, Pétrarque đã nhiệt liệt hoan nghênh cái lý tưởng ái quốc của nhà chí sĩ cách mạng, Nhưng với cái khí phách anh hùng, Rienzo vẫn là một tay cường bạo, độc đoán, nhiều tham vọng hơn tài đức. Ảo tưởng lập lại một đế quốc La Mã chung quy thất bại. Từ đó về sau, Pétrarque sẽ chuyên tâm nghiên cứu những bản thảo cổ văn và xây dựng cho nước Ý một nền văn học mới. Lòng ái quốc của nhà văn đã được một mối an ủi. Đời sống đã có một ý nghĩa. Bao nhiêu hy vọng phục hưng cố quốc còn bỡ ngỡ lẻ loi của thế hệ, đang chờ một tác phẩm đứng đắn, có thể biểu hiện mọi giá trị ngày xưa cùng với hy vọng trước mắt của dân tộc. Pétrarque sẽ gom góp những yếu tố nào đó vào trong những áng văn chương mới. Cũng là một cách xây dựng lại đế quốc La Mã, xây dựng lại cái huy hoàng của đế quốc về phương diện văn hóa, - sau khi Rienzo đã thất bại về phương diện chính trị.
Dưới dấu hiệu hoài cổ, Pétrarque đã viết nhiều bài văn chương hùng hồn có tính cách hiệu triệu. Kết quả thực tế về phương diện chính trị có thể nói là không có gì, Nhưng về phương diện tâm lý, biết bao nhiêu độc giả đã ngậm ngùi sau khi nhận thấy trong tác phẩm của Pétrarque cả một thời cổ phồn hoa, anh dũng dưới chế độ Cộng hòa La Mã, rồi vô tình đem so sánh với cảnh tượng suy vi của nước Ý Trung Cổ.
Là vì buồng tim của Pétrarque quả đã hồi hộp, thiết tha với tiền đồ tổ quốc cũng như tâm hồn nhà học giả đã tắm kỹ trong ký ức lẫy lừng của lịch sử. Là vì Pétrarque quả có một sức tưởng tượng dồi dào, những cảm giác thâm trầm, một nghệ thuật vững chắc để đánh mạnh vào tâm khảm người độc giả. Nhiều nhà văn học Ý đã nhận rằng: thi ca, văn chương của Pétrarque có những âm hưởng du dương, những tiết tấu nhẹ nhàng của Virgile và lối văn mạch lạc, khúc chiết của Cicéron để gợi lại bầu không khí xã hội, chính trị văn hóa cổ La Mã và bóng dáng của những vị anh hùng dân tộc ngày xưa. Tập sách “ký ức về thân thế các vĩ nhân” đã nhắc lại cho thanh niên nước Ý tất cả công trình và ý chí tất cả công trình và ý chí xây dựng của những người công thần lập quốc. Lịch sử của các bậc vĩ nhân đã hỗn hợp với lịch sử của La Mã. Thư từ của Pétrarque viết cho người đương thời cũng nhan nhản những danh ngôn, tiểu truyện và triết lý của các nhà triết học và văn học thuở trước, là những bài học dạy cho người ta biết khinh miệt cái bả phù hoa, danh lợi, biết yêu chuộng đời sống ẩn dật, thanh tao và cần mẫn trong khung cảnh điền viên. Trong các bức thư đó, thỉnh thoảng Pétrarque vẫn có những lời ủy khúc kín đáo, thâm trầm về thân thế, về tư tưởng, về tình cảm của mình. Nhưng bấy nhiêu tâm sự không bao giờ ướt át, lãng mạn. Văn chương, tư tưởng của Pétrarque vẫn lột thoát cái vỏ ích kỷ, tự kiêu của tinh thần duy ngã, và vượt khỏi những giới hạn quá chật hẹp, cái tính cách nhất thời của thời sự, để tóm lấy những chân lý trường cửu của nhân loại.
Người đương thời lắm lúc phê bình Pétrarque một cách quá nghiêm khắc về thái độ chính trị. Người ta trách Pétrarque kém tinh thần “chiến sĩ”. Tệ hơn nữa là sau khi Rienzo thất bại, Pétrarque không hề từ chối những huy chương mà con tyrans Ý đã tăng cho nhà học giả. Nhưng lịch sử đã tha thứ nhiều (lịch sử bao giờ cũng rộng lượng với thiên tài) cho một người đã có công to trong công cuộc xây dựng văn học nước Ý. Pétrarque không có cốt cách của con người “sinh ra làm chuyện chiến sĩ”. Khuyết điểm của Pétrarque về phương diện văn học là chưa chú trọng đến tinh thần tự nhiên trong văn học Hy Lạp. Đến tuổi già Pétrarque mới đọc nguyên văn và dịch Homère. Thế rồi Pétrarque vẫn rụt rè trước nhân sinh quan mới của Hy Lạp, La Mã và nền luân lý của xã hội mới. Pétrarque kịch liệt công kích tinh thần tiến bộ và tán tụng đời sống khổ hạnh của giáo hội và tông đồ. Đó là trách nhiệm chung của thiên tài và thời đại. Về vấn đề nhân sinh quan này, Boccace sẽ bổ khuyết cho Pétrarque.
Boccace (1314-1375) là người “bố đẻ của văn học mới nước Ý”. Văn chương Boccace là một lối văn trịnh trọng, đào luyện trong tinh thần cổ điển “latin”. Boccace đã sống trong triều đình hoàng gia Anjou ở Naples giữa đám vương hầu cùng các bà, các cô quý phái. Tiệc tùng, khiêu vũ, âm nhạc trong cung điện đương thời, văn chương của Cicéron và Tite Live trong văn học “latin”, tiểu thuyết kỵ sĩ, thi ca troubadours trong văn học Pháp, đều là những nguồn cảm xúc trực tiếp và gián tiếp của Boccace.
Trong mạch tư tưởng của giai tầng tư sản mới chớm nở, Boccace sẽ nêu cao ý thức và địa vị của con người, Dante và cả Pétrarque nữa, đứng về một phương diện mà nói, vẫn chưa dám dấn bước trên vấn đề giải phóng cá tính. Boccace sẽ ca tụng những nhân cách vĩ đại đã trỗi lên trên tập đoàn, trên giống nòi, trên gia tộc để lập thân, để phát triển lên đến trình độ trác tuyệt. Tập đại tác của Boccace là bộ Le Décaméron (câu chuyện mười ngày). Tên tập sách có vẻ mù mờ. Nhưng câu chuyện hết sức giản dị. Coccace cho độc giả biết rằng vào khoảng 1348 trong khi dịch hạch hoành hành ở Naples thì bảy cô phụ nữ và ba chàng thanh niên tình cờ gặp nhau trước một tòa nhà thờ. Rồi lẽ tự nhiên là trò chuyện đến cái tai nạn chung của thiên hạ, đến cái chết đang rình bắt mọi người. Bỗng nảy ra một ý kiến: đường nào cũng chết chi là ăn chơi cho thỏa. Thế là cả chục anh, ả đem nhau đến Florence thuê một cái biệt thự, sống một cuộc đời hưởng thụ vô cùng xa xỉ, ngày đêm tiệc tùng, xướng hát, khiêu vũ, chuyện trò, đùa bỡn. Đặc sắc của chương trình là cả tụi mười người sẽ thay nhau mỗi người làm vua một ngày, hay nói là đóng vai vua thì đúng hơn. Thế nhưng tình cờ đến cuối ngày thứ mười thì bệnh truyền nhiễm cũng đỡ ở thành phố. Khi ấy mỗi người về một ngả. Câu chuyện không có gì mê ly, cảm động hay hồi hộp, hùng tráng. Nhưng cốt truyện nhẹ nhàng đó là một dịp để Boccace theo một tinh thần mới mà kể lại trong tiếng nói của dân chúng những câu chuyện cũ của dân tộc. Người ta thường chỉ để ý đến chỗ thô tục, phàm phu và đùa bỡn của mấy truyện ngắn trong tập Le Décaméron. Nhưng nếu ta so sánh nội dung tác phẩm của Boccace với tập “Thần khúc” của Dante thì ta sẽ nhận thấy ý nghĩa mới mẻ của tập sách. Công cuộc hành động của tập “Thần khúc” tiến hành một bầu không khí tôn nghiêm, ảm đạm, đầy rẫy những tiếng rên rỉ, hoặc những hình ảnh mơ màng của một thế giới ngoài cõi người. Trong “Câu chuyện mười ngày” sống là sự thực, là ăn chơi, đùa bỡn, vui vẻ. Nhân vật của Dante nhìn lên thượng giới và xa lánh cõi trần. Nhân vật của “Câu chuyện mười ngày” là bọn người vừa thoát khỏi đời sống Trung cổ, đang sống trong một khung cảnh vật dồi dào, đầy khoái lạc và thi vị. Tình cảm tự nhiên của họ bắt nguồn trong những cảm xúc trực tiếp. Họ khinh miệt giai cấp quý tộc và yêu cầu cho “giai tầng thứ ba” một đời sống bình đẳng với bọn vương hầu và giáo sĩ. Các nhà tu hành trong “Câu chuyện mười ngày” là những tâm hồn mắc bệnh, hoặc là một lũ giả dối điên rồ, nói nhảm, làm trò cười cho người đời. Ái tính theo Dante là tội lỗi cần phải sám hối, phải tẩy uế trên đỉnh núi tĩnh thổ. Boccace sẽ bênh vực, tán dương ái tình. Ngay cả tình yêu của xác thịt, cái nhục dục ghê tởm trước giáo chỉ Gia Tô. Boccace cũng cho rằng đó vẫn chỉ là một bản năng hợp lý. Con người tự nhiên không phải là con người tội lỗi và không việc gì chúng ta phải sống theo triết lý khắc kỷ và chủ nghĩa diệt dục. « Người không phải là sắt, là đá, người là huyết, là thịt. Sống trái với mệnh lệnh của tự nhiên, trái với yêu cầu của sinh lý, sống đui trước màu sắc của vẻ đẹp, sống điếc trước tiếng gọi của xác thịt là vô phúc ! ». Trong mấy chục thiên truyện ngắn, Boccace chứng minh rằng : tình ái là ngọn nguồn vui, ngọn nguồn khỏe của mọi người và của các thầy tu nữa.
Nhân sinh quan của Boccace ngày nay xem ra có vẻ nông nổi và thô tục, giai cấp tư sản trên con đường suy vong đã đề cao chủ nghĩa tính dục, chủ nghĩa cá nhân thành một thứ triết lý sống đồi trụy. Nhưng ánh sáng của lịch sử Trung cổ, nó vẫn đại biểu cho tinh thần tranh đấu của giai cấp tư sản đang tiến công vào lũy thành phong kiến về tất cả các phương diện kinh tế, chính trị và văn hóa.
Nhà in TƯ TƯỞNG
Liên khu IV Thanh Hóa, 1949
Nguồn: Đặng Thai Mai - Tác phẩm, Nxb. Văn Học, Hà Nội, 1978, tr. 326-355. Bản điện tử do triethoc.edu.vn thực hiện.
[1] Ngày nay, danh từ được thông dụng trong tiếng Hán là: Văn hóa phục hưng. Từ này đúng với nội dung của phong trào hơn.
[2] Chữ dùng trong nguyên bản – chú thích của triethoc.edu.vn.
[3] Tất cả các loại tên “chim” kỳ quái này đều đặt theo tên các chức sắc nhà thờ thiên chúa giáo, ví dụ pape-gaulx là do chữ pape (giáo hoàng)…
[4] Le rime. Đọc theo tiếng Ý là ri mê “Lé ri mé” chớ lầm với chữ rime trong tiếng Pháp.
[5] Troubadours: Thi sĩ hát rong ở miền nam nước Pháp xưa.
Ý KIẾN BẠN ĐỌC