DI SẢN CỦA DERRIDA: DÉCONSTRUCTION(1) VÀ DIFFÉRANCE(2)
Lucie Guillemette và Josiane Cossette
(Đại Học Tổng Hợp Trois - Rivières, Québec, Canada)
1.Tóm tắt
Lý thuyết ký hiệu học của Jacques Derrida nằm trong các trào lưu hậu cấu trúc, đối lập với chủ nghĩa cấu trúc Saussure (có nguồn gốc từ các lý thuyết của nhà ngôn ngữ học Ferdinand de Saussure) , theo lý thuyết cấu trúc, cái biểu đạt ( hình thức của ký hiệu ) được xem rằng sẽ dẫn dắt trực tiếp về cái được biểu đạt ( nội dung của ký hiệu) , sự kết nối đó truyền tải toàn bộ các suy nghĩ với trung tâm là lời nói, quan niệm này đã xuất hiện và tồn tại “ dai dẳng “ từ thời Platon cho tới nay. Tập trung vào xem xét việc “ viết” các ký hiệu, Derrida đã bác bỏ toàn bộ lịch sử Siêu hình học Phương Tây, thứ Siêu Hình học dựa trên cách thức vận hành của các cặp đối lập. Ông đã khởi xướng thuyết Giải Kiến Tạo (Déconstruction ) - cũng thường được gọi là Giải Cấu Trúc – các diễn ngôn. Lý thuyết này phủ định tính bất biến của cấu trúc, nó khẳng định sự vắng mặt (hoặc sự biến đổi liên tục )của cấu trúc , của hạt nhân và của những ngữ nghĩa đơn trị trong các diễn ngôn. Mối quan hệ ( trực tiếp) giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt vì thế bị thủ tiêu, chúng ta chỉ còn thấy một chuỗi vô tận các kết nối, sự “ trôi tuột” từ một cái biểu đạt này sang một cái biểu đạt khác.
2. Lý thuyết
2.1 Bối cảnh và Triết học
Thuật ngữ “ hậu cấu trúc” (poststructuralism) phản ánh một trào lưu những quan điểm phê phán đã nổi lên từ những năm 1970, chúng lật nhào cái ngai vàng của chủ nghĩa cấu trúc, với tư cách một học thuyết đang ngự trị “độc tôn” trong các lĩnh vực ngôn ngữ và văn bản. Để hiểu rõ “ chủ nghĩa “ hậu cấu trúc”, chúng ta cần xem xét mối quan hệ của nó với chủ nghĩa cấu trúc. Những phê phán “ hậu cấu trúc” được thể hiện rõ nhất trong quan niệm hậu cấu trúc trong ngôn ngữ, quan niệm này cho rằng cái biểu đạt ( hình thức của ký hiệu) không quy chiếu/ dẫn dắt về những cái được biểu đạt mang tính xác định.Đúng hơn là sẽ dẫn đến những cái biểu đạt khác .
Bằng lập luận đó, Derrida đã bác bỏ quan điểm cho rằng tính cấu trúc là một thuộc tính “cố hữu / bản thể” của mọi cấu trúc, cái quan điểm nền tảng của Cấu trúc luận mà Claude Lévi- Strauss là một người đại diện.Derrida chỉ ra rằng: ví dụ như với sự cấm kỵ của loạn luân, các sự đối lập được dựng nên ( một cách giả tạo ) trước đây kiểu như : tự nhiên/văn hóa , phổ quát/ chuẩn mực đã bị triệt tiêu. “ Sự cấm kỵ của loạn luân vừa mang tính phổ quát (tự nhiên) vừa là một sự cấm kỵ, một hệ thống chuẩn mực ( văn hóa)”.( Derrida)
Như vậy Derrida đã bác bỏ toàn bộ lịch sử Siêu hình học Phương Tây, một thứ siêu hình học “phân cấp, mang tính lưỡng phân” vẫn còn tồn tại và thống trị cho đến trước khi lý thuyết “ Giải Kiến Tạo “ của ông xuất hiện . Những phương pháp lập luận/logic trên thế giới (trước đây) cũng đều được xây dựng dựa trên cái thứ Siêu hình học đó. Sau Derrida, cái sơ đồ của Saussure ( mối quan hệ cái biểu đạt/cái được biểu đạt ) và kéo theo đó là toàn bộ chủ nghĩa cấu trúc vì vậy phải được xem xét lại.
2.2 Những quan niệm.
Để có thể trình bầy lý thuyết của Derrida một cách “dễ hiểu” , một dạng lý thuyết đồng thời thuộc về hai lĩnh vực là triết học và ký hiệu học, việc cần làm ở đây là nhắc lại những “ quan niệm “ đã tạo nên các tư tưởng của ông. Những quan niệm này đã được ông đan xen và thêu dệt, gắn kết với nhau vô cùng chặt chẽ , vì thế không thể tách riêng từng quan niệm để định nghĩa mà không cần viện dẫn đến những quan niệm khác.
2.2.1 Ký hiệu (Signe), Cái biểu đạt (Signifiant), Cái được biểu đạt (Signifié).
Với Derrida, mối quan hệ giữa cái biểu đạt-cái được biểu đạt không còn như trong chủ nghĩa cấu trúc. Có hai cách để xóa bỏ sự khác biệt giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt : “ một là, theo cách thức cổ điển, nhấn mạnh […] việc đặt ký hiệu vào trong suy nghĩ, hai là, như tôi đã tiến hành ở đây để chóng lại cách thứ nhất, là việc đặt ra sự hoài nghi về sựtồn tại của cái hệ thống mà quy tắc suy diễn ( cổ điển) nói trên đang vận hành,trước hết đó là sự đối lập giữa cái “ trực cảm được” và cái “ tri giác được”.(Derrida).
Quan niệm củaDerrida về ký hiệu vì thế luôn luôn gắn bó với cấu trúc luận của triết học Phương Tây. Sơ đồ Cái biểu đạt = Cái được biểu đạt vì thế phải được xem xét lại.
Chúng ta lấy một ví dụ về nước:
Giọt nước hồ
Cái biểu đạt “ nước”…………………. H2O bể bơi
Cốc nước mưa
Cái được biểu đạt không xác định
Khi đọc từ “nước” , người ta có thể nghĩ đến những giọt nước, nghĩ đến một cái hồ, nghĩ đến một ký hiệu hóa học H2O v.v..Chúng ta không có khả năng nghĩ đến một“hình ảnh” cố định của nước, một biểu tượng “ lý tính và phổ quát” . Như vật , mỗi một quan niệm (cái biểu đạt) mà từ “nước” thể quy chiếu vào sẽ dẫn dắt tới một cái biểu đạt khác . Chuỗi các mắt xích lần lượt đi từ cái biểu đạt này sang cái biểu đạt, sẽ là vô hạn , chúng được tạo ra từ một cuộc chơi không có điểm dừng, cho phép chúng ta “ mở ra cánh của” để thâm nhập vào văn bản, dịch chuyển văn bản, chuyển chúng từ trạng thái “ yên tĩnh “ sang trạng thái “ vận động”.
2.2.2 Viết (Écriture), Vết ( Trace), Ngữ Đồ ( Graphie), Chữ ( Gramme).
Các từ, một cách tự nhiên, sẽ phản chiếu hay “ nhắc đến “ các từ khác. Lý thuyết Grammatologie(3) (3) của Derrida kiến nghị rằng viết cũng là “khởi thủy” với cùng một nguyên cớ như lời nói, hệ quả là:
- Viết (écriture) không thể xem là một sự “tái tạo” lại ngôn ngữ nói, bởi vì đã không có cái gì ( không có ngôn ngữ viết,không có ngôn ngữ nói ) đến trước đó. Trong cách thức quan niệm đó, viết không phải là một “ ngữ đồ” ( graphie). Đơn giản, viết là một sự kể, một lời ghi của “ vết” ( trace).
- Về phần mình,“ vết” là thứ có nguồn gốc, không phải là sự vật nguyên thủy, nó vận chuyển/truyền đạt cái bất khả của căn nguyên, của hạt nhân. Nó là cái không – căn nguyên của một cái căn nguyên. Nó là “ cái căn nguyên tuyệt đối theo nghĩa tổng quát. […].Vết là một thứ “khác-biệt-triển hạn” (différance ) hé lộ ra sự có mặt của ý nghĩa” ( Derrida ). Chỉ có điều là , nếu“ Vết” […] thuộc về cùng một chuyển động của ý nghĩa , ý nghĩa này, được viết ra ( một cách tiêm nghiệm), dẫu chúng ta có viết nó ra hay không, dưới dạng này hay dạng khác, trong một yếu tố “ cảm nhận được” và “ mang tính không gian” mà người ta gọi là “ bên ngoài” ( Derrida ).
Derrida cũng nói về “ vết” như là một tiền – văn bản, “ khả năng đầu tiên của lời” ( Derrida ) và cũng là khả năng đầu tiên của “ngữ đồ” ( graphie)
Khái niệm “ ngữ đồ” cần đến khái niệm “ vết” để có thể tồn tại , nó được viện dẫn ra như “ khả năng chung của mọi hệ thống liên lạc, sự đòi hỏi của cái vết được hình thành”,khi mà chúng ta kết nối “ vết” với “ ngữ đồ” ( cử chỉ, thị giác, hình ảnh, âm nhạc, từ ngữ…) cái “ vết” này trở thành “ “chữ” ( gramme) , chỉ tới lúc này mới xuất hiện cái bên ngoài ( đối lập với cái bên trong) với tư cách là “ tính bên ngoài (có thuộc tính ) không gian và khách quan”
Cái “ văn bản-nguồn ” ( archi-écriture ) mà Derrida nói đến trên thực tế là một sự viết được phổ quát hóa với cái “différance” như một sự kiện “thời hóa”, như là vết của văn bản trong khi nói. Ví dụ những dấu chấm, đó là một yếu tố bổ xung cho lời nói, không phải là một sự tái tạo của lời nói.
2.2.3 Văn Bản (Texte), Tính Văn Bản (Textualité), Kết (Clôture), Không-Kết ( Non- Clôture )
Theo Derrida, văn bản không thể được giải thích bởi nguồn gốc ( tác giả, xã hội, lịch sử :những văn cảnh ) bởi sự nhắc lại/lặp lại là nguồn gốc ( của nó).Văn bản là viết và viết là ngôn ngữ ( không có chủ đích). Nó là ngôn ngữ trong tương quan với diễn ngôn, cái ( chủ thể ) sử dụng chúng.
Tuy vậy chỉ cóviệc đọc mới làm cho văn bản và viết trở thành khả thể. Tiền-văn bản, đó là sự đọc bao gồm/chứa đựng cả sự viết. Cái đặc trưng cho sự viết, đó là tính văn bản. Tính văn bản vừa là đường biên vừa không là đường biên của văn bản : “Người ta không thể nghĩ đến cái kết thúc của một cái gì đó không có kết thúc.Cái“kết thúc” này đóng vai trò như một đường viền bên trong bao quanh một thứ mà sự tái hiện của cái différance được lặp đi lặp lại một cách vô tận. Có nghĩa là cái không gian của trò chơi. Chuyển động này là chuyển động của thế giới giống như một trò chơi.” (Derrida)
2.3 Lý Thuyết Giải Kiến Tạo (Théorie de la Déconstruction )
Derrida đã quantâm đặc biệt đến một sự đối lập : sự đối lập giữa viết và nói. Sự tiếp cận mang tính phê phán của lý thuyết giải kiến tạo của Derrida chỉ ra cho chúng ta thấy rằng những tổ chức lưỡng hợp này không bao giờ là tương đương mà là được sắp xếp theo thứ bậc. Một cực (cái có mặt, cái tốt, lời nói thật, đàn ông .v.v..) được biệt đãi nhờ vào sự tồn tại của cực kia ( cái vắng mặt, cái xấu , lời nói dối, đàn bà.v.v.)
Trong trường hợp lời nói và chữ viết, người ta có xu hướng gán cho lời nói những phẩm chất“dương tính” và bản thể, phẩm chất của hạt nhân trung tâm và của nguyên thể.Trong khi đó chữ viết bị xếp vào “ loại hai”, một vị thế phái sinh/ phụ thuộc.Từ thời Platon , từ viết ( écrit ) đã bị xem như là sự trình bày lại của từ nói ( dit) , đó chính là cái mà Derrida gọi là truyền thống “ trọng lời” ( logocentriste ) của Phương Tây.
“ Thuyết giải kiến tạo bao gồm một tập hợp các kỹ thuật và các chiến lược đã được Derrida sử dụng để làm mất ổn định, làm nứt vỡ, làm chuyển dịch các văn bản, những văn bản ít hay nhiều mang cái đặc trưng lý tưởng hóa” ( Hottois .1998).
Tuy vậy giải kiến tạo không phải là một sự phá hủy , và thao tác giải kiến tạo được thực hành thông qua hai giai đoạn:
1/ Giai đoạn “chuyển khoản” : Bởi vì cặp đôi được tổ chức theo hệ thống phân cấp độ,việc đầu tiên cần làm là cắt đứt các mối quan hệ với quyền lực. Ở giai đoạn đầu, chữ viết phải được “nâng đỡ” hơn giọng nói, kẻ khác “nâng đỡ” hơn chính ta, vắng mặt “nâng đỡ” hơn có mặt, trực cảm “nâng đỡ” hơn tri giác.v.v..
2/ Giai đoạn “trung tính hóa” : chúng ta vứt bỏ đi các thuật ngữ đã được “nhấn mạnh thêm giá trị” ở trong giai đoạn đầu, bằng cách đó chúng ta đã bỏ rơi các ý nghĩa trước đó được neo / đính vào trong một kiểu suy tư nhị phân. Giai đoạn này sẽ làm xuất hiện các trạng thái lưỡng tính,các “ siêu -lời”, các tiền văn bản, các thuật ngữ được giải kiến tạo sẽ không còn mang cái thuộc tính / cái phẩm chất “quyết định luận” nữa.
Lĩnh vực áp dụng chủ yếu ( cho đến nay) của lý thuyết giải kiến tạo là các văn bản, chủ yếu là các văn bản lịch sử triết học Phương Tây. Các thuật ngữ mới trở nên phi-quyết định luận , trong cách tiếp cận này các văn bản trở thành không có khả năng phân dạng đến mức chúng hòa trộn những cực đối lập trước đấy làm một khối.
Cái lý thuyết này chắc chắn sẽ được các nhà văn và những nhà phê bình văn chương sử dụng nhiều, trong số đó những nhà phê bình theo thuyết “ nữ quyền” sẽ được hưởng nhiều lợi lộc nhất. Với cách tiếp cận của giải kiến tạo và các chiến lược của cái gọi là “ différance” họ sẽ sản sinh ra những quan niệm mới, chúng vượt ra khỏi các cấu trúc/ các tổ chức lưỡng phân nói chung và sự đối lập nam/ nữ nói riêng.
Giải kiến tạo ,đó là sự vượt thoát khỏi các loại đối lập “ ý niệm” cứng nhắc kiểu nam/nữ, tự nhiên/ văn hóa, chủ thể/ kháchthể, trực giác/tri giác, quá khứ/ hiện tại v.v. Và không xác quyết/minh định rằng ở các ý niệm đó có sự dị biệt giữa cái này với cái khác. Mỗi một loại đều lưu giũ các “dấu vết” của loại “đối lập” ( ví dụ : một cơ thể lưỡng tính mang dấu vết của cả hai giới đàn ông và đàn bà, những thu hoạch của một người quan sát trong một thí nghiệm khoa học, theo đuổi những mục đích khách quan,nhưng quy luật mạnh nhất chi phối giới tự nhiên đều có ảnh hưởng dội ngược lại vào các tổ chức và cấu trúc xã hội)
2.4 Lý thuyết différance
Thuật ngữ différance ( lấy từ différence =sự khác biệt , bằng cách thay chữ e bằng chữ a, hai từ này viết sẽ khác nhau nhưng khi đọc lên thì giống nhau - ND) được Derrida đưa ra lần đầu tiên vào năm 1968 trong một hội thảo tại Hội Triết Học Pháp. Thuật ngữ này là một sự tổng hợp các suy tư ký hiệu học và triết học của Derrida, tất cả những ý niệm được ông khảo sát trước đó đều tham gia vào trong lý thuyết này.
Chúng ta sẽ điểm qua ở đây một vài các khía cạnh “ ứng dụng” của lý thuyết này
1/ la différance mà Derrida sáng tạo ra đã phá hủy sự tôn thờ tính đồngnhất , sự chế ngự của Cái Tôi trên Kẻ Khác, nó biểu thị rằng không tồn tại cái căn-nguyên -nguyên - thủy. Làm khác ( différer ), đó là việc không ( bị ) đồng nhất
2/ chữ différance cho thấy một khoảng cách (của sự khác biệt) giữa cái được viết ra (mà người ta nhìn thấy sự khác biệt) với cái được nói ra (mà người ta không nghe thấy sự khác biệt) .
3/ Làm khác (différer ) , đó là chuyển dịch lại, trôi trượt, tái tạo lại trò chơi.
4/ “différance” theo Derrida không mang một ý nghĩa cố định, “đông cứng” mà là một cái gì đó đang tới, nó là sự chuyển dịch của những cái biểu đạt, biểu đạt trong từng phần và sẽ không bao giờ là những cái biểu đạt trọn vẹn, và không bao giờ chúng ta chạm tới được cái được biểu đạt cuối cùng khi mà bản thân nó không đóng vai trò cái biểu đạt của một cái gì khác.
Áp dụng những kết luận trên của Derrida vào lĩnh vực văn chương, chúng ta có thể thấy rằng, đối với bất kỳ tác phẩm văn học nào, việc nhà phê bình muốn đưa ra một kết luận “tối hậu”, một đánh giá mang tính “ chân lý” vững chắc cho tác phẩm đó sẽ luôn là một nhiệm vụ bất khả thi, thậm chí vô nghĩa. Bài phê bình ấy nếu có, với tư cách là một văn bản, sẽ lại là đối tượng nghiên cứu của một bài phê bình khác…Như vậy một bài phê bình văn học, về bản chất cũng là một tác phẩm “hư cấu”, nhà phê bình nên dồn nỗ lực của mình để biến nó thành một tác phẩm nghệ thuật hơn là “ chế tạo” nó thành một lời “tụng ca” hay một bản “cáo trạng” , một “lời kết luận đầy đủ cuối cùng ” cho một tác phẩm văn chương, bởi điều đó là bất khả.
DươngThắng dịch từ tiếng Pháp
Nguồn :http://www.signosemio.com/derrida/deconstruction-et-differance.asp.
Bản dịch tiếng Việt đăng trên trang Facebook của dịch giả: https://www.facebook.com/notes/duong-thang/di-s%E1%BA%A3n-c%E1%BB%A7a-derrida-d%C3%A9construction-1-v%C3%A0-diff%C3%A9rance-2/10151639729146137?notif_t=comment_mention
(1) Hiện nay có hai cách dịch thuật ngữ “Déconstruction” sang tiếng Việt, đó là “ Giải Cấu Trúc “ hoặc là “ Giải KiếnTạo”. Cá nhân tôi thấy rằng dùng chữ “ Giải Kiến Tạo” có phần sát với nội hàmcủa khái niệm này. Về ý nghĩa của khái niệm này, xin cung cấp thêm để bạn đọctham khảo một định nghĩa được đưa ra trong cuốn “ Từ Điển Chuyên Ngành các Thuật Ngữ Văn Học” (Lexique des Termes Littéraires ) do Michel Jarrety chủ biên. NXB Librairie Générale Français.2001
“ Déconstruction là một lý thuyết và một phương pháp phê bình bắt nguồn từ các công trình của nhà triết học Pháp Jacques Derrida ( De la grammatologie, 1967), chúng tạo ra những ảnh hưởng to lớn tại Hoa Kỳ trong những năm 1970-1980. Lý thuyết này liên quan đến việc làm phát lộ ra những áp lực, những mâu thuẫn xuyên suốt các văn bản , ngăn cản những văn bản này đạt tới một ( sự biểu đạt ) ý nghĩa trọn vẹn. sáng sủa. có thể xác định được.Lý thuyết này cho rằng tất cả những phân tích văn chương quả quyết có thể nắm bắt được ý nghĩa “hiển nhiên” của một văn bản luôn bắt nguồn từ một dạng thức quyền lực nào đó: nhân danh một chủ thể nào đó, kẻ bảo đảm có được một sự gắn kết chặt chẽ với ý đồ ( ban đầu).Người ta sẽ đẽo gọt hay bỏ qua những chi tiết làm sai lệch đi cái cấu trúc của một diễn đạt luôn không chấp nhận những vết nứt gẫy.Các nhà Giải Cấu Trúc tự đánh giá ( mình) là “ đạo đức” bởi vì họ thừa nhận tính khác biệt của văn bản, thừa nhận cái vị thế của văn bản như là một hiện tượng thuần túy ngữ nghĩa trước khi là đối tượng của một sự quan sát về tư tưởng hay đạo đức. Quá trình sáng tạo Văn chương ở đây được xem như rmột quá trình lao động để chống lại, để khắc phục sự thiếu hụt của ngôn ngữ, để vượt thoát được sự bất lực trong việc giải trình về hiện thực, đồng thời đó cũng luôn là một cố gắng vô vọng , bị kết án thất bại ngay ở bước khởi đầu, những ý nghĩa trọn vẹn sẽ chẳng bao giờ đạt tới và các văn bản chẳng bao giờ vượt thoát khỏi những mâu thuẫn, những nghịch lý của nó"
(2) Từ “Différance” xuất hiện lần đầu tiên vào 27 /1/ 1968 với tư cách là tiêu đề buổi thuyết trình hôm đó của Derrida ở Hội Triết Học Pháp. Ông đã “chế tạo” ra từ này bằng việc thay thế chữ “ e” trong từ “ Différence” ( sự khác biệt) bằng chữ “ a”. Derrida cho rằng “ Différance” khong phải là một chữ, không phải là một từ,cũng không phải là một quan niệm ! Việc hai từ “ Différance” và “ Différence” khi đọc giống nhau và khi viết khác nhau, theo Derrida đã hé lộ một sự thật rằng “ không có sự viết nào chỉ thuần túy là một hiện tượng ngữ âm” và rằng “trong mỗi lời nói đều có vết tích của sự viết đang ẩn náu ” và ông kiến nghị việc triệt tiêu sự đối lập bấy lâu nay vẫn ngự trị giữa “nói” và “viết”. Với Thuật ngữ “ Différance” , Derrida đã đẩy vấn đề đi xa hơn nữa khi cho rằng bản chất của ký hiệu này ( giống như đa phần các ký hiệu ngôn ngữ khác ) biểu thị một đặc trưng vừa khác biệt vừa đang trong trạng thái động, trạng thái " đang tới", nó biểu thị cái ý nghĩa vừa có mặt lại vừa vắng mặt và sự có mặt sẽ không bao giờ là trọn vẹn.
Trong quá trình dịch bài này , sau rất nhiều cố gắng tìm kiếm / chế tạo ra những từ tiếng Việt để có thể chuỷển ngữ được từ “ Différance” , tôi nhận ra rằng không nên và cũng thật sự là không thể tìm ra một từ nào trong tiếng Việt nào để dịch từ này, tốt hơn cả là chúng ta giữ nguyên nó như vậy trong các văn bản tiếng Việt.
(3) Trong cuốn “Từ Điển Chuyên Ngành các Thuật Ngữ Văn Học” (Lexique des Termes Littéraires) từ Grammatologie được định nghĩa như sau:
“ Thuật ngữ được Derrida sử dụng để nói tới một “ khoa học của sự viết” ( De la grammatologie, 1967), ở đây “ viết “ không còn bị đánh giá thấp trong vị thế của một thứ thay thế đơn giản cho “ sự nói” hay là vị thế của một hệ thống ký hiệu của hiện thực: “ viết “ có sự vận hành riêng biệt và duy trì một quan hệ đặc biệt phức tạp với “ý nghĩa” . Như thế , “nói” và “ viết” là ở vào vị thế bổ xung cho nhau và luôn trong tình trạng nhận thêm vào mình một cái gì đó. Hơn nữa, các văn bản nói và viết đều có thể ở trong cùng một dạng với những văn cảnh rất khác biệt, chúng không thể chỉ có một ý nghĩa duy nhất ổn định, chúng luôn cần được bổ xung/ vay mượn thêm ở những diễn giải khác. Logic của việc sản xuất ra các ý nghĩa vì thế phải vận hành theo phương thức của “ Différance”, cái ý nghĩa ( trọn vẹn) không bao giờ đạt tới, nó luôn bị biến đổi, bởi luôn có những cái biểu đạt mới đến để bổ xung cho nó, thay đổi nó , gây nhiễu nó ”
Với vốn đọc còn rất hạn hẹp của mình, tôi cũng chưa có cơ hội tìm thấy một tài liệu nào đã chuyển ngữ từ Grammatologie sang tiếng Việt, nếu bạn đọc nào biết, xin vui lòng chỉ giáo.
Ý KIẾN BẠN ĐỌC