Chủ nghĩa hậu hiện đại

Jacques Derrida, người “giải kiến tạo tư duy”

 

Jacques Derrida, người “giải kiến tạo tư duy”

CATHERINE HALPERN

 

Triết gia Jacques Derrida vốn là một kẻ gây rối. Ông là một người không nhiều người hiểu, thậm chí bị gièm pha tại Pháp, nơi ông trở nên nổi tiếng nhờ có lập trường chính trị rõ ràng, nhờ công khởi xướng giải kiến tạo luận, một lý thuyết cố gắng làm cho cái tiềm ẩn trong văn bản nổi lên bề mặt. Mặc dù thế, trên bình diện quốc tế, ông rất được nhiều người quan tâm.

Mùa xuân năm 1992, Trường Đại học danh tiếng Cambridge rối loạn cả lên. Nguyên nhân: trao bằng tiến sĩ danh dự cho Jacques Derrida. Một phong trào chống đối ông đã dấy lên ngay tại nơi mà triết lý phân tích và tư duy logic rất được coi trọng. Vụ việc vượt qua khuôn viên trường đại học để rồi được đăng tải trong Times ngày 9 tháng 5 năm 1992. Nhiều giảng viên đại học có uy tín, trong đó có triết gia người Mỹ Wil­lard Quine, ký một bức thư ngỏ nhằm thay đổi kết quả biểu quyết và gây trở ngại cho người mà theo họ không phải là một triết gia thực thụ. Những kẻ chống đối ông giải thích rằng nếu như Derrida có chút uy tín, thì chủ yếu là ở trong các khoa văn và điện ảnh. Derrida dường như không tôn trọng “các quy chuẩn về tính rõ ràng và chính xác” cần có trong triết học và ông sử dụng những lời lẽ pha trò theo kiểu những người theo chủ nghĩa đađa. Văn phong mù mờ của ông chỉ là một cách giấu diếm một cách khéo léo những luận điểm trống rỗng và tầm thường của mình. Thật không may cho những kẻ chống Derrida: ngày 12 tháng 6, triết gia người Pháp được đích thân Hoàng tử Philip, Viện trưởng Viện đại học, trao phần thưởng danh giá đó.

Derrida từng đối mặt với nhiều kẻ gièm pha khác. Đó không phải là lần đầu tiên ông bị công kích. Bản thân ông cũng đấu đá thường xuyên mà không thấy chán, chẳng hạn như với Michel Foucault hay Jüren Habermas. Trước đây, một cuộc tranh luận nảy lửa với triết gia người Mỹ John R. Searle đã cho thấy một cuộc đối thoại đầy nguy nan – và có thể là bất khả – giữa hai quan niệm về triết học: quan niệm phân tích hay còn gọi là quan niệm theo kiểu Anh Mỹ (anglo-saxon) vốn gắn liền với tính mạch lạc và tính lập luận, và truyền thống gọi là “lục địa” vốn quan tâm nhiều hơn đến việc diễn giải các văn bản triết học truyền thống. Derrida thích phô bày những vùng tối và không ngại dùng mẹo. Platon, Rousseau, Husserl, Freud, Heidegger thậm chí cả Lévi-Strauss được ông phân tích một cách khắt khe, tỉ mỉ. Ông tỉ mỉ đọc đi đọc lại, phân tích kỹ lưỡng và cạn kiệt các văn bản, đưa ra ánh sáng những gì bị kìm nén, ẩn giấu trong văn bản, làm cho văn bản nói lên một điều gì đó hoàn toàn khác với những gì văn bản có vẻ biểu nghĩa: “Văn bản chỉ là văn bản nếu người đọc lần đầu không thấy được quy luật bố cục và quy tắc kết cấu của nó. Văn bản luôn luôn vô hình.” Đó là đặc điểm của “giải kiến tạo”, khái niệm đã đi khắp thế giới, và không phải không bị hiểu sai. Giải kiến tạo không phải là phá hủy, đó trước hết là chỉ ra những bánh xe của văn bản, làm sáng tỏ cái gì đó hàm ẩn, cái gì đó không thể nhận ra để xem xét lại các tiền giả định và mở ra những hướng đi mới. Đó là công lực hủy kiến tạo của nó. Habermas, trong Diễn ngôn triết học về tính hiện đại, chỉ trích Derrida vì ông đọc các văn bản triết học như đọc những văn bản văn học. Hiểu nhầm. Trên thực tế, Derrida muốn cho người đọc thấy rõ cái bóng mờ sau ẩn náu đằng sau sự sáng sủa hão huyền, và phá hủy sự minh bạch trong một số cặp đối lập: viết và nói, văn học và triết học, con người và động vật… Để làm được điều đó thì không thể nào bưng bít nguyên bản: “Nhà văn viết bằng một ngôn ngữ và bằng tư duy logic. Theo định nghĩa, diễn ngôn của anh ta không thể chế ngự tuyệt đối hệ thống, quy luật và đời sống riêng của ngôn ngữ hay logic đó. Anh ta chỉ sử dụng ngôn ngữ và logic đó khi bị hệ thống của chúng chế ngự, theo một cách nào đó và đến một điểm nào đó. Và việc đọc văn bản luôn phải nhắm đến một mối tương quan nào đó mà bản thân nhà văn không nhận ra giữa cái mà anh ta điều khiển được và cái mà anh ta không thể điều khiển trong sơ đồ ngôn ngữ mà anh ta sử dụng.”

Nếu như Derrida tìm cách chỉ ra những bờ rìa của văn bản, hẳn là vì chính bản thân ông cũng đang đứng ở ngoài rìa. Xem ra, không có gì khiến người ta nghĩ chàng thiếu niên khỏe mạnh và mê bóng đá ở ngoại ô Alger sẽ trở thành một triết gia. Ông đã trải qua sự ruồng bỏ lần đầu trong chiến tranh, khi chế độ Vichy đuổi ông ra khỏi trường trung học vì ông là Do thái. Điều đó, dẫu có ngắn ngủi, đã ăn sâu vào trí não ông. Khi Derrida chọn triết, ông âm thầm nuôi khát vọng của một nhà văn. Khát vọng văn chương của ông vẫn luôn được thể hiện một cách kín đáo trong văn phong rất chau chuốt, trong việc ông quan tâm đến vấn đề viết văn, trong nghệ thuật khai thác các khía cạnh của ngôn ngữ và trong việc làm cho ngôn ngữ ngân lên một cách độc đáo.

Khi đến Paris học lớp dự bị sư phạm tại Louis-Le-Grand, ông thâm nhập một thế giới mới và phải học các quy tắc của thế giới đó một cách vất vả và mạnh bạo. Tốt nghiệp đại học sư phạm, rồi nhận được bằng thạc sĩ triết học, ông được phong trợ giảng tại Trường Đại học La Sorbonne rồi giảng dạy tại Trường Đại học Sư phạm Paris. Một quá trình tiến thân đầy triển vọng. Những công trình khoa học đầu tiên của ông được quan tâm theo dõi. Nhưng dần dà, Derrida chiếm một vị trí riêng trong giới trí thức. Không hoàn toàn rũ bỏ các mối ràng buộc, ông sống và làm việc tự do với những chuẩn mực hàn lâm. “Tôi cố gắng đứng trên đường biên diễn ngôn triết học”, ông giải thích. Với những bài viết vừa lạ vừa phiền nhiễu, như Glas, trong đó, sử dụng lối dàn trang hai cột, ông đồng thời làm sống lại cả Hegel lẫn Genet, hay Bưu thiếp, một công trình trong đó có sự pha lẫn giữa hư cấu và triết học xung quanh những bức thư tình… Vị thế của Derrida khiến cho nhiều người khó chịu, tức tối; các trường đại học không đoái hoài gì đến ông. Ông phật lòng trong thời gian khá dài khi, vào năm 1981, Trường Đại học La Sorbonne không cho ông vị trí mà ông yêu thích. Mười năm sau, Bourdieu không thành công trong việc tiến cử ông vào ghế giáo sư tại Collège de France. Không có gì đáng ngạc nhiên khi, vào năm 1983, ông là đồng sáng lập Trường Triết học quốc tế, một trường có tham vọng mở ra một không gian mở và đa ngành, thoát khỏi những vướng bận nặng nề của các trường đại học. Cuối năm đó, Trường khoa học xã hội cao cấp, cũng là một trường phi điển hình, tiếp nhận ông với vài trò là cố vấn học tập. Chân trong chân ngoài, Derrida ở giữa hai và thường bị đánh giá một cách ngờ vực. Derrida không bị cô lập – ông có những người rất thân cận như Jean-Luc Nancy, Sarah Kofman, Philippe Lacoue-Labarthe, Hélène Cixous… –, nhưng không phải vì thế mà ông không bị đồng nghiệp chống đối.

Công chúng Pháp biết ông nhiều hơn với tư cách là một người dấn thân chính trị. Vì bảo vệ những người ly khai nên tháng 12 năm 1981 ông bị bắt tại Prague với cái cớ là buôn thuốc phiện. Được nhanh chóng trả tự do nhờ sự can thiệp của chính quyền Pháp, lần đầu tiên ông xuất hiện trên màn hình. Trên mặt trận này, ông cũng không ngại đứng riêng ra và tỏ ra mình là kẻ lập dị. Trong những năm 1960, 1970, trong khi mà chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa Mao Trạch Đông kết nạp được ngày càng nhiều trí thức thì ông lại từ chối nhượng bộ mọi hăm dọa lý thuyết và tỏ ra cẩn trọng. Ông cũng không muốn thề thốt trung thành với tư tưởng tự do vốn thịnh hành từ những năm 1980. Năm 1993, trong cuốn Spectres de Marx, ông phản đối diễn ngôn về sự kết thúc của các hệ tư tưởng và nhắc lại rằng “chưa bao giờ trên trái đất lại có nhiều đàn ông, đàn bà và trẻ con bị bắt làm nô lệ, bị bỏ đói hay bị giết chóc như vậy.” Theo năm tháng, sự dẫn thân chính trị của càng ngày càng được bộc rõ. Việc gì ông cũng tham gia, từ việc ủng hộ Nelson Mandela, những người nhập cư trái phép, Châu Âu, hôn nhân đồng tính đến việc phản đối chiến tranh tại Irak… Tại Pháp, con người công chúng của ông rất được nhiều người biết, trong khi con người triết gia của ông lại chưa được công nhận.

Vị trí không xứng đáng tại Pháp tương phản với sự thành công rất sớm của ông trên trường quốc tế. Năm 1966, tại một hội thảo đáng nhớ về cấu trúc luận tại Baltimore, với sự góp mặt của khoảng mười hai nhà tư tưởng người Pháp (trong đó có Roland Barthes và Jacques Lacan), tham luận của Derrida đã thu hút được sự chú ý. Đó là khởi đầu cuộc phiêu lưu tại nước Mỹ của Derrida. Sau đó, ông trở thành giáo sư thính giảng tại Yale, tại Cornell, tại Irvine… Cơn sốt giải kiết tạo lan ra, nhất là trong các khoa văn. Cho dù tư tưởng của ông cực kỳ khó tiếp nhận, Derrida giờ đã trở thành con cưng của các giảng đường đại học tại Mỹ. Ông hiện thân cho tư tưởng phá hoại, phiền nhiễu và ẩn chứa trong đó là các lý thuyết về tranh đấu, nhất là lý thuyết hậu thực dân, nữ quyền, gay hay pê-đê, nhờ một số dịch giả như Gayatri Spivak hay Judith Butler. Cộng tác cùng Deleuze, Foucault, Baudrillard hay Lacan, dưới cái mác “French Theory”, tư tưởng của ông tiếp liệu cho một hộp đựng công cụ phê bình và phản kháng. Đôi khi không phải không có những lỗi hiểu sai và nhầm lẫn, nhưng với bút lực rất dồi dào. Derrida nhanh chóng được toàn thế giới mời gọi. Luôn ở giữa hai chuyến bay, hội nghị, hội thảo liên tiếp, theo năm tháng, ông đi khắp thế giới để truyền bá tư tưởng triết học của mình với tốc độ chóng mặt mà chỉ có cái chết mới bắt ông phải nghỉ chân. Bệnh ung thư tuyến tụy đã kết liễu đời ông ở tuổi 74. Derrida để lại một số lượng tác phẩm đồ sộ, hơn tám mươi đầu sách (chưa kể khoảng năm mươi công trình in lại các bài tham luận mà ông đã trình bày tại các hội thảo, sẽ được in tại NXB Galilée), trong đó ông đề cập đến các chủ đề phong phú như viết văn, lòng hiếu khách, phân tâm học, chứng cứ, tình bằng hữu, nghệ thuật hay vấn đề dân chủ.

Sáu năm sau khi ông mất, hẳn những cái đầu đã bớt nóng và đam mê đã bớt mãnh liệt. Giờ đây, có thể hướng về triết học với một độ lùi nào đó? Dù gì đi nữa, đó là thách thức của Benoît Peeters, người vừa xuất bản cuốn sách tiểu sử của Derrida tại NXB Flammarion. Ba năm điều tra, hàng trăm chứng cứ, một số lượng lưu trữ khổng lồ được khai thác… với mong muốn làm sáng tỏ một chặng đường mà không sa vào việc tô hồng tiểu sử hay chế giễu lộ liễu. Benoît Peeters có thể có độ lùi một cách dễ dàng hơn khi ông không phải là một triết gia chuyên nghiệp. Người đã từng ký tiểu sử của Paul Valéry và của Hergé không có ý định đưa ra một cách phân tích mới về trước tác của Derrida mà chỉ cố gắng viết nên một câu chuyện, một câu chuyện được đọc như một tiểu thuyết, kết hợp giữa lịch sử tri thức và lịch sử cá nhân, làm sáng tỏ bối cánh lịch sử, quá trình ra đời của các tác phẩm và quá trình tiếp nhận các tác phẩm đó. Một chuyến phiêu lưu đầy phấn khích và tham vọng là những gì ông miêu tả trong Ba năm cùng Derrida. Những cuốn sổ ghi chép của người viết tiểu sử (Trois ans avec Derrida. Les carnets d’un biographe), cuốn sách được xuất bản cùng thời điểm đó.

Đó là một công việc đầy rủi ro. Làm sao có thể quy giản tư tưởng của một người thành những sự kiện tầm thường của cả cuộc đời? “Ông đã sinh ra, ông đã tư duy, ông đã chết”: Heidegger đã tóm tắt cuộc đời của Aristote một cách ngắn gọn như vậy. Sao lại chú trọng đến những tiểu tiết cuộc đời của một triết gia? Làm sao hiểu được trước tác của ông? Theo thói quen, các triết gia không ưa chăm chăm vào việc nhìn nhận tiểu sử. Nhưng về điểm này nữa, Derrida cho người ta thấy sự khác biệt của mình. Bản thân ông đã phát tán trong nhiều cuốn sách một phần tiểu sử, đôi khi được mã hóa, nhất là trong Giãi bày vòng vo, Bưu thiếp, Đơn ngữ của kẻ khác hay Ngược lối, “Tôi thuộc số ít người đã thường xuyên nhắc nhở ông: cần phải nghiên cứu tiểu sử của các triết gia và sự dấn thân, đặc biệt và sự dấn thân chính trị của bản thân họ, dù đó là Heidegger hay Hegel, Freud, Nietzsche, Sarte hay Blanchot, v.v…” Trong đối thoại với Philippe Lacoue-Labarthe và Jean-Luc Nancy, Derrida nhắc lại sự ám ảnh của ông đối với khái niệm “dấu ấn”, một khái niệm luôn gợi nhớ những gì người ta để lại sau khi chết: “Trong viễn tưởng của tôi về cái chết, […] có một ý nguyện di chúc luôn tiềm ẩn, tức là mong muốn có gì đó sống sót, hoặc để lại, hoặc lưu truyền – một di sản hay cái gì đó mà tôi không mong muốn, cái gì đó không bao giờ trở lại với tôi nhưng có thể sẽ tồn lưu… Điều này chính là cảm giác luôn ám ảnh tôi, không chỉ vì những gì mà người ta gọi là tác phẩm hay sách vở, mà còn vì một cử chỉ thường nhật, bình thường nào đó. Cử chỉ này làm chứng cho điều đó, lưu giữ điều đó trong trí nhớ khi tôi không còn trên đời này nữa.”

NGUYỄN DUY BÌNH dịch từ Télérama số 3174

Nguồn: Văn nghệ Trẻ số 22 (760) ra ngày 29.5.2011. Bản điện tử: phebinhvanhoc.com.vn

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt