“TRÒ CHƠI NGÔN NGỮ” TRONG WITTGENSTEIN VÀ LUẬN ĐỀ “NGÔN NGỮ LÀ NGÔI NHÀ CỦA TỒN TẠI” CỦA MARTIN HEIDEGGER BÙI VĂN NAM SƠN
Bài viết dưới đây của tác giả Bùi Văn Nam Sơn nguyên là lá thư ông trả lời cho một học giả về ba vấn đề: 1) trò chơi ngôn ngữ trong Wittgenstein; 2) câu nói của Heidegger: “ngôn ngữ là ngôi nhà của Tồn tại”, và 3) tại sao tác giả không dùng chữ “hữu thể” như mọi người đã dùng để dịch chữ Sein/Being của Martin Heidegger. Chúng tôi mạn phép cắt phần thăm hỏi của lá thư và cũng xin mạn phép không nêu danh vị học giả ấy để lá thư riêng tư trở thành bài viết dành cho mọi người. Xin trân trọng giới thiệu bạn đọc bài viết thú vị này. Tên bài viết do chúng tôi tạm đặt. [Triethoc.edu.vn]
1. “Trò chơi ngôn ngữ” trong Wittgenstein: - Wittgenstein rất bận tâm với việc thử nghiệm bằng tư tưởng và cách viết. Ông luôn thấy chúng không hòa hợp với nhau: thiếu một mối dây liên kết và một hình thức trình bày thẩm mỹ. Ai cũng biết tài nghệ lập ngôn của ông, nhưng chỗ mạnh của ông lại ở chỗ biết tỉnh lược, ở phần “vô ngôn” của văn bản. Quyển “Tractatus” thoạt nhìn có vẻ “hệ thống” (phân mục, đánh số thứ tự rành mạch), nhưng tư tưởng trong đó thật ra lại không có tính “hệ thống”. Khi càng có ý định mang lại tính hệ thống cho tư tưởng của mình, ông càng thấy nó đi ngược lại phong cách suy tư của ông. Dần dần, ông từ bỏ việc tự trói buộc mình, để tư tưởng tuôn trào tự do, mang nhiều giọng nói khác nhau và sử dụng nhiều ẩn dụ. Cách viết này cho thấy ông để mở kết quả, hình thành nhiều “chỗ trống” và “vô ngôn”. Ông chấp nhận điều này như một “sự thật” không tránh khỏi: “Làm sao ta có thể giải thích cho ai đó biết một trò chơi là gì? Tôi cho rằng ta sẽ mô tả cho anh ta những trò chơi và có thể bổ sung vào việc mô tả ấy câu nói: “đó, và những thứ giống như thế, người ta gọi là “trò chơi”. Và phải chăng bản thân ta biết nhiều hơn? Phải chăng chỉ vì ta không thể nói chính xác cho người khác biết một trò chơi là gì? – Nhưng, đây không phải là việc không biết. [Bởi] quả thật ta không biết những ranh giới, vì không có ranh giới nào được vạch ra hết”. (“Những nghiên cứu triết học” / PU, §69 và tiếp). Nhận định này đánh dấu một bước ngoặt trong tư tưởng của ông. Khái niệm “Trò chơi ngôn ngữ” trở thành mối dây liên kết. 1.1. Từ ngữ pháp đến trò chơi ngôn ngữ Thật ra Wittgenstein đã nói khá sớm đến khái niệm “trò chơi ngôn ngữ” (Sprachspiel) (từ năm 1931) nhưng chưa thể triển khai vì nó bị lấn át bởi các khái niệm như “quy tắc” và “ngữ pháp”. Quy tắc rất quan trọng, vì nó phân biệt việc nói với hành vi nói chung, phân biệt ngôn ngữ - như một hệ thống - với hành động nói chung. Nhưng, Wittgenstein lại sớm nhận ra nhiều vấn đề nảy sinh khi quy tắc được đưa vào sử dụng. Bao lâu quy tắc còn nằm trong hệ thống ngữ pháp, nó quy định việc sử dụng ngôn ngữ một cách dễ dàng: “vị trí của một từ trong ngữ pháp chính là ý nghĩa của nó” (Ngữ pháp triết học, PG, tr. 59). Nhờ đó, nó có thể diễn tả sự đa dạng của những trường hợp áp dụng ngôn ngữ một cách có hệ thống và nhất là: phi-thời gian. Nhưng khó khăn lớn nhất nảy sinh: việc sử dụng quy tắc trong tương lai và trong hiện tại. Ta nghĩ rằng quy tắc được xác lập trong hiện tại cũng có thể được thực hiện trong tương lai. Nhưng, ông hỏi: “Tôi làm sao biết hết ngay một lúc toàn bộ cách áp dụng một từ?” Thế là, từ những năm 1930, Wittgenstein bắt đầu nối kết khái niệm “quy tắc” với khái niệm “trò chơi”. Lúc đầu, “trò chơi” chỉ là ẩn dụ để hỗ trợ cho khái niệm ngữ pháp, nhưng dần dần có vị trí độc lập, khi bắt đầu có quan niệm về ngôn ngữ như là hành động: từ “ngữ pháp” và “bảng quy tắc” ra đời “những luật chơi” (quy tắc của trò chơi). Ngày 30.10.30 đánh dấu sự khai sinh một định nghĩa mới “Việc hiểu ngôn ngữ hầu như một trò chơi dường như là bối cảnh để trên đó một mệnh đề cá biệt mới có được ý nghĩa”. Khác với quan niệm về ngữ pháp, quan niệm về trò chơi ngôn ngữ có sự quy chiếu rõ rệt với thời gian, theo nghĩa: trò chơi hình thành những đơn vị thời gian với sự bắt đầu và kết thúc. Trò chơi ngôn ngữ là những thời đoạn trong tiến trình cuộc sống, vì chúng mang lại cấu trúc, hình thái và phương hướng cho tiến trình ấy. Ngôn ngữ bắt đầu mang kích thước năng động của sự triển khai trong thời gian. Trò chơi ngôn ngữ thể hiện tính bất liên tục của ngôn ngữ: việc bắt đầu một trò chơi cắt đứt dòng chảy của cuộc sống và cho ra đời một “sự biến” theo những quy tắc riêng. Nói cách khác, sự xuất hiện của một trò chơi ngôn ngữ từ dòng chảy của đời sống cũng có nghĩa là một sự cắt đứt với thời gian của “Praxis”: ra đời một “sự biến” mới mẻ với sự khởi đầu và kết thúc, một cấu hình với thời gian của riêng nó. Các trò chơi ngôn ngữ cũng được cấu trúc hóa bằng các nguyên tắc, nhưng theo ý đồ của con người hành động. Những quy tắc ấy ra đời ngay trong diễn trình chơi, trong cấu trúc vật chất của đối tượng và bối cảnh xã hội. Ông nói rõ hơn định nghĩa trên: “việc sử dụng một từ ở trong Praxis (thực hành xã hội) chính là ý nghĩa của nó”. Do đó, Wittgenstein không dùng từ “áp dụng quy tắc” nữa, mà dùng từ “thực tập” (Übung). Điều này có nghĩa: trò chơi tự biến đổi trong Praxis (thực hành) của việc “thực tập”. Ta có thể xác định chính xác ranh giới thời gian của một trò chơi (lúc bắt đầu, lúc kết thúc), nhưng không thể phân định rành mạch các trò chơi khác nhau. 1.2. Các đặc điểm khác của trò chơi ngôn ngữ 1.2.1. Tính mở ngỏ và năng sản của ngôn ngữ Ta quen cho rằng có những sự khác biệt và phân biệt rõ rệt giữa những sự việc khác nhau trong thế giới cũng như trong tư duy. Ngược lại, với Wittgenstein, không có những quan hệ cứng nhắc như thế. Các trò chơi ra đời, được chơi, rồi kết thúc, bị quên đi và các trò chơi mới lại ra đời. Cái nền chung của chúng là cuộc sống. Thay cho việc tái lập trật tự của những khái niệm và sự việc, Wittgenstein đề ra một nguyên tắc khác: sự tái tạo liên tục những cấu trúc mới trong thế giới cũng như trong tư duy. Các cấu trúc ấy không quy định thế giới và tư duy một cách lâu bền, trái lại, chỉ có hiệu lực cho từng nhát cắt của đời sống và từng phương diện của tư duy. Ở đây không có một nguyên tắc phổ biến mà chỉ có thể nêu những trường hợp làm ví dụ. Những trường hợp xuất hiện trong thực tiễn cho ta thấy những điểm chung, chẳng hạn: các trò chơi có một “chủ đề” nhất định nào đó. Có vô số loại áp dụng khác nhau của những cái được ta gọi là “ký hiệu”, “từ”, “câu”… Tính đa tạp này không phải là cái gì cố định, được mang lại một lần là xong mà là một chuỗi những trường hợp điển hình được xếp thành những “chủ đề”: vd: ra lệnh/làm theo lệnh; mô tả hay đo đạc một đối tượng; tạo ra một đối tượng dựa theo sự mô tả (bản vẽ); tường trình một diễn biến v.v.. Như thế, các quy tắc trò chơi ngôn ngữ có một diện mạo mới: dù chúng hướng dẫn trò chơi, nhưng chỉ xuất hiện trong bản thân quá trình trò chơi, trong “sự biến” hiện thực và sự biến này tác động trở lại đối với quy tắc, nội dung và hiệu lực của chúng. Luật chơi thực sự là gì, điều ấy thể hiện trong bản thân trò chơi. Không có gì bảo đảm rằng ngôn từ tôi đang dùng bây giờ sẽ có cùng một nội dung khi tôi dùng trở lại. “Ta có thể thay đổi luật chơi theo nhu cầu”. (“Các nghiên cứu triết học”, PU, §83 và tiếp). 1.2.2. Trò chơi ngôn ngữ vận hành như thế nào? Trò chơi ngôn ngữ khác với hầu hết các trò chơi khác (như trò chơi của trẻ con, chơi đấu thể thao, diễn kịch…) ở chỗ: các trò chơi khác đều là những sự biến tự trị, tách rời khỏi thế giới thông thường thông qua khuôn khổ giao tiếp của riêng chúng. Bên trong khuôn khổ này, chúng vận hành theo một kiểu cách riêng biệt, khác với thế giới thường ngày, nghĩa là, trong một thế giới riêng của chúng (vd: sân khấu quy chiếu đến thế giới thông thường, nhưng cải biến nó bằng những phương tiện đặc thù). Ngược lại, trò chơi ngôn ngữ không tách biệt với môi trường sống chung quanh bằng một khuôn khổ riêng. Nó thuộc về đời sống. Trong khi tự tổ chức, nó mang lại cấu trúc cho các diễn trình của cuộc sống, tức, tạo nên một trật tự ngôn ngữ cho thế giới. Bên trong trật tự này, khác với các trò chơi khác, trò chơi ngôn ngữ có thể mang lại sự đúng/sai. Khi tham gia vào trò chơi ngôn ngữ, người nói nhận ra rằng: - với trò chơi ngôn ngữ, một tình thế mới bắt đầu: qua sự lựa chọn trò chơi ngôn ngữ, một chủ đề được tạo ra với các yêu cầu nhất định của luật chơi. - trò chơi ngôn ngữ kiến tạo nên một thế giới nhân tạo mang cấu trúc có tính ý hướng. Nhưng trong bản thân trò chơi lại không có yếu tố nào thể hiện rõ ý hướng hay ý đồ. Người tham gia trò chơi có thể theo đuổi những ý đồ rất khác nhau. Luật đá bóng chỉ cho biết cầu thủ có thể thắng hoặc thua, nhưng không cho thấy ý đồ để giải trí, rèn luyện sức khỏe hay để được nổi tiếng… Như thế, trò chơi là cái vỏ rỗng của những khả thể cần phải được “lấp đầy” (remplissage). Trò chơi ngôn ngữ cũng có nét tương tự: nó tạo ra một “ngữ cảnh”, nhờ đó ta hiểu được một sự việc, một hành vi, đồng thời cấu trúc của nó bao giờ cũng mang tính chất đa-viễn tượng (người nói/người nghe; người ra lệnh/người tuân lệnh; người bán/người mua…).
Tóm lại, với Wittgenstein hậu kỳ, tất cả những gì có mặt trong một hình thức nhất định của đời sống đều được đan dệt chặt chẽ trong một “tấm thảm chung” của đời sống. 2. M. Heidegger: “ngôn ngữ là ngôi nhà của Tồn tại” Theo tôi thì đây là một trong những chủ đề bí hiểm nhất mà cũng gây tranh cãi nhiều nhất trong tư tưởng Heidegger. Khó mà diễn giải ngắn gọn quan niệm này khi nó là một bộ phận gắn liền với toàn bộ diễn trình tư tưởng của Heidegger. Vì thế, chỉ xin nói vắn tắt những gì tôi hiểu về vấn đề này. Heidegger hiểu chân lý như một sự khai mở (aletheia), một sự “diễn ra”. Chân lý diễn ra trong các hình thức như nghệ thuật, khoa học hay kỹ thuật thì bao giờ cũng là một “sự biến” ngôn ngữ. Do đó, cần làm rõ ngôn ngữ là gì. - Heidegger phản đối quan niệm thông thường xem ngôn ngữ đơn thuần như một công cụ để thông báo và giao tiếp. Theo cách nhìn của ông, quan niệm ấy là nền móng của “kỷ nguyên kỹ thuật”, bởi tư duy tính toán chỉ biết sử dụng thông tin để tổ chức việc thống trị những cái đang tồn tại (die Seienden/the beings). Rồi cũng chính lối tư duy ấy đặt con người vào vị trí trung tâm của mọi cái tồn tại, đối lập với ngôn ngữ. Khi con người nghĩ rằng mình là chủ nhân của ngôn ngữ thì đã đánh lạc mất bản chất của nó. Trái lại, theo ông, con người là kẻ tham dự vào một ngôn ngữ không do bản thân mình tạo ra. Con người gắn liền với một quá trình di sản, do đó, phải có cách ứng xử thích ứng với di sản ngôn ngữ ấy. Vì thế, trong “Der Satz vom Grund” (GA 10, tr. 143), ông có cách nói ngược lẽ thường: “Tiếng nói nói, chứ không phải con người nói. Con người chỉ nói, khi tương ứng với ngôn ngữ”. “Từ ngữ mang lại sự Tồn tại cho sự vật”. “Trước khi nói là một sự lắng nghe”. Với cách nói “lặp thừa” (Tiếng nói nói/Die Sprache spricht), Heidegger muốn tránh việc quy hiện tượng ngôn ngữ vào một cái gì khác hơn là bản thân ngôn ngữ. - Ngôn ngữ vượt ra khỏi chức năng là phương tiện đơn thuần của sự truyền thông, vì nó có chức năng “mở ra một cõi sống”. Nếu tác phẩm nghệ thuật mở ra một cõi sống như là chỗ cho chân lý “diễn ra” (xem: Nguồn gốc của tác phẩm nghệ thuật, BVNS dịch và chú giải, sắp xuất bản), nếu công trình kiến trúc mở ra một cõi sống cho con người cư ngụ (xem: Xây Ở Suy Tư; BVNS dịch và chú giải, sắp xuất bản), thì điều này càng đúng với ngôn ngữ, nhất là ngôn ngữ “thi ca”. Trong ngôn ngữ “không tính toán” của thi ca, ta tiếp xúc được sự Tồn tại (Sein/Being) như cái Toàn bộ. Ngôn ngữ là nơi chốn để Tồn tại xuất hiện. Trong chừng mực ngôn ngữ được suy tưởng như là nơi chốn, thì Tồn tại hầu như “cư lưu” trong đó. Vì thế, Heidegger gọi ngôn ngữ là “ngôi nhà của Tồn tại”. (Holzwege, GA 5, tr. 310) và “Con người là kẻ mục tử của Tồn tại” (Brief über den Humanismus, 1945). - Nhưng ngôn ngữ, nhất là ngôn ngữ “thi ca”, mở ra cõi sống như thế nào? Khác với những mệnh đề lôgíc, “thi ca” luôn mở ra những khoảng trống, những chỗ bỏ ngỏ. Chính trong phần “vô ngôn” ấy mới dành không gian cho những mối quan hệ của thế giới sống vốn không được nói lên bằng ngôn ngữ. Những dư âm, những “ý ở ngoài lời” trong ngôn ngữ “thi ca” làm cho thế giới sống giàu có những quan hệ, những mối tương thông. Đó là những chỉ báo ngữ nghĩa làm cho cõi sống hay thế giới trở thành một hiện tượng ngôn ngữ: việc cư lưu không thể diễn ra trong một không gian câm nín, trái lại, mọi sự vật trong thế giới đều tràn ngập những vọng âm. Trong khi đó, tính chức năng thuần túy của một thế giới kỹ thuật thì nghèo những mối quan hệ, những chỉ báo ngữ nghĩa. - Như thế, theo Heidegger, “thi ca” không chủ yếu phát biểu về những sự vật riêng lẻ mà tập trung vào mối quan hệ giữa chúng. Chính mối quan hệ mới tạo ra một trường ý nghĩa (vd của ông: quà tặng hay chiếc vại chỉ có thể được suy tưởng trong mối quan hệ chứ không phải nơi bản thân chúng). Khi “thi ca” nói lên mối quan hệ ấy, nó dựng lên một cõi sống như một toàn thể liên đới, “đi trước” hay “có trước” những sự vật riêng lẻ. Qua việc dựng lên cõi sống, “thi ca” cung cấp cho con người hữu tử chỗ cư lưu. Đó là cách hiểu của Heidegger về đoạn thơ nổi tiếng của Hölderlin: “Con người cư lưu trên mặt đất này; đầy cống hiến, nhưng như một “thi sĩ”” (Voll Verdienst, doch dichterisch, wohnet/Der Mensch auf dieser Erde”). “Một cách thi ca” hay “như một thi sĩ” có nghĩa là mở ngỏ trước những chân trời ý nghĩa. - Vậy, theo Heidegger, con người không bao giờ hoàn toàn chiếm hữu hay làm chủ toàn bộ ngôn ngữ. Người “thi sĩ” cũng không thể tự sức mình thiết lập được cuộc cư lưu, trái lại, cần dựa vào ngôn ngữ. Heidegger gọi “thi sĩ” như thế là “dichtender Dichter” (Bùi Giáng dịch rất hay là “thi dựng thi nhiên”). Phải chăng con người – như là chủ thể tích cực-chủ động – đã bị giải thể để thay vào đó một con người thụ động, chỉ biết lắng nghe và tự giới hạn vào những gì mà Tồn tại (cách nói khác của Ngôn ngữ/Logos hay Thượng đế!) ban phát cho mình? Theo Heidegger, chính việc vượt qua cách hiểu về ngôn ngữ như là phương tiện truyền thông đơn thuần, con người thời đại mới mở rộng biên độ quan hệ với thế giới: chỉ khi nhận ra rằng ngôn ngữ không phải là một thứ “phụ tùng” trong một thế giới đơn thuần kỹ thuật mà là “ngôi nhà của Tồn tại”, thì một cõi sống, một thế giới mới mẻ mới có thể “xảy ra” (ereignen). 3. Tại sao tôi dịch chữ Sein/Being của Heidegger là “Tồn tại”? Tôi cũng băn khoăn nhiều khi thử dịch từ hệ trọng này của Heidegger, trong khi đã có nhiều cách dịch khá phổ biến trong tiếng Việt: Hữu thể, Tính thể, Thể tính v.v.. Theo tôi, trước hết cần hiểu Heidegger muốn nói gì với từ này để tránh những ngộ nhân. Heidegger dùng chữ “das Sein” (danh từ). Động từ là “sein”: tồn tại, là (to be). Trong tiếng Đức, người ta được phép dùng động từ làm danh từ (vd: “Das Rauchen ist ungesund/Smoking is unhealthy/Hút thuốc có hại cho sức khỏe. Câu này thực ra là: Es ist ungesund zu rauchen/it is unhealthy to smoke). Vì hai câu có vẻ nói cùng một việc, nên dễ gây hiểu lầm khi dịch. Lẽ ra, chữ “Sein” phải dịch ở dạng động từ (được danh từ hóa) mới đúng nghĩa. Tiếng Việt cho phép làm điều ấy với từ “Tồn tại”, trong khi tiếng Anh không thể dịch là “The To Be”, nên đành phải dịch là “Being”. Như thế, vấn đề then chốt trong triết học Heidegger: “die Frage nach dem Sinn von Sein”/“câu hỏi về ý nghĩa của Tồn tại”, thường được dịch (từng chữ!) sang tiếng Anh là “the question of the meaning of Being”, trong khi lẽ ra phải là: “to question what it means to be”. (Xem: Michael Gelven. A commentary on Heidegger’s Being and Time, The translation of Sein, tr. 5). Chuyện có vẻ tầm thường này lại có ý nghĩa cực kỳ hệ trọng đối với Heidegger. Với ông, Sein/Being/Tồn tại không bao giờ được phép suy tưởng như là một sự trừu tượng hay một “thực thể”, “hữu thể”, “bản thể”. Chữ Sein/Being/Être/Tồn tại (viết hoa!) không có dạng số nhiều; trong khi đó chữ das Seiende (có dạng số nhiều: die Seienden) có thể dịch sang tiếng Anh là being/beings/cái tồn tại/những cái tồn tại (viết thường!) theo nghĩa là thực thể, hữu thể. Tuy vậy, tiếng Anh vẫn tránh dịch “das Seiende” là “entity” có vẻ cứng nhắc, và thường dịch là being/beings để lưu giữ dấu vết của động từ sein/to be/tồn tại. Cũng thế, trong tiếng Pháp, thường được dịch là étant(s), thay vì entité(s). Tại sao sự phân biệt ngữ pháp này lại là cơ sở cho một cuộc cách mạng trong bản thể học theo quan niệm của Heidegger? Bản thể học trước Heidegger bận tâm với hai câu hỏi: - nếu có một khái niệm hay ý niệm, ta hỏi: nó có tồn tại không? - và, nếu có, tồn tại thuộc loại gì? (vd: Thượng đế, tinh thần, linh hồn, vật chất có tồn tại không? thuộc loại gì?...). Từ đó, đi tới xác định cái “tồn tại thứ nhất” (prote ousia: bản thể) (Aristoteles) và các “tồn tại phái sinh” (tùy thể), vd: Socrate là bản thể, hiền minh là tùy thể v.v.. Heidegger cho rằng còn có một câu hỏi cơ bản hơn: “tồn tại có nghĩa là gì?”. Khi đặt câu hỏi này, quả có một sự “chuyển đổi hệ hình” tư duy. Tôi có thể hỏi hai câu trước (có tồn tại không? thuộc loại gì?), nhưng làm sao hỏi về bản thân sự tồn tại được? Tôi không thể hỏi Tồn tại có tồn tại hay không, cũng như không thể hỏi nó thuộc loại gì. Do đó, câu hỏi thoạt nhìn có vẻ lạ lùng, thậm chí, không chính đáng. Nhưng, thật ra đây là câu hỏi duy nhất có thể hỏi. Bởi nó không hề trừu tượng mà là trực tiếp và cụ thể nhất trong mọi câu hỏi. Thử so sánh hai câu hỏi: “nhà tù là gì?”, đó là câu hỏi về một thực thể, một cái tồn tại, ta trả lời bằng cách mô tả một nhà tù qua những thực thể vật chất: gạch, đá, song sắt... Nhưng nếu hỏi: “Ở tù có nghĩa là gì?”, ta trả lời bằng rất nhiều nghĩa: là có tội, là mất tự do, là v.v.. Câu hỏi trước liên quan đến những thực thể, những cái tồn tại (tường, song sắt…); câu hỏi sau quy chiếu đến những ý nghĩa. Vậy, tùy theo cách hỏi thế nào, ta sẽ có cách trả lời thế ấy. Nhưng, câu hỏi nào “có trước” hay “cơ bản” hơn? Rõ ràng đó là câu sau, vì ý nghĩa sẽ có trước và quy định thực thể: có việc ở tù mới có việc xây nhà tù! Trong triết học, nếu thay vì hỏi: “Tinh thần là gì? Lý trí là gì?” (câu hỏi về hữu thể), ta hỏi: “Suy tư có nghĩa là gì?”, ta sẽ tránh được các câu hỏi siêu hình học (hữu thể ấy có tồn tại không? thuộc loại gì?) mà lại đi sâu được vào điều ta thực sự muốn biết. Cũng thế, thay vì hỏi: “Thượng đế có tồn tại không?”, ta hỏi: “Việc tôn thờ một cái gì thiêng liêng mà siêu việt có nghĩa là gì?”, hay thay vì hỏi: “Thế giới bên ngoài có tồn tại không?”, ta hỏi: “Tồn tại hay sống trong thế giới có nghĩa là gì?” v.v.. Ta không hỏi “con người là gì?”, rồi mới tự hỏi “con người có ý nghĩa gì”, trái lại, ta bắt đầu với câu hỏi “làm người có nghĩa là gì?” rồi mới biết “con người là gì?”. Qua đó, ta lật ngược toàn bộ cách tiếp cận siêu hình học truyền thống. Khi đặt câu hỏi cơ bản về ý nghĩa của tồn tại, Heidegger còn muốn khắc phục sự đe dọa lớn nhất của thời đại là chủ nghĩa hư vô (giống như Descartes trước đây muốn khắc phục chủ nghĩa hoài nghi, và Kant muốn khắc phục chủ nghĩa tương đối trong luân lý), bởi chủ nghĩa hư vô muốn phủ nhận ý nghĩa của mọi sự tồn tại, nhất là sự tồn tại của con người. Sự phân biệt này hệ trọng đến nỗi được Heidegger mệnh danh là “sự dị biệt bản thể học” (ontologische Differenz) giữa câu hỏi bản thể học (đích thực) về (ý nghĩa của) Sein/Being/Être/Tồn tại và câu hỏi vật thể học (ontisch) về những cái tồn tại (die Seienden/beings/étants). Từ nhận thức đó, tôi vui mừng thấy từ “tồn tại” trong tiếng Việt vừa có thể dùng như danh từ, vừa như là động từ, thỏa ứng với từ Sein/Being, trong khi các từ khác (hữu thể/thể tính/tính thể…) dù muốn hay không, dễ gây ngộ nhận vì còn mang màu sắc của tư duy siêu hình học truyền thống mà Heidegger muốn vượt qua. Ngay cả trong giai đoạn sau “khúc quanh” (Kehre/Turn), Heidegger vẫn yêu cầu đừng hiểu Sein/Being là một hữu thể, bản thể hay thực thể (dù có người phê bình Heidegger, cho rằng từ Sein trong giai đoạn hậu kỳ của ông ít nhiều mang màu sắc “thần bí” không khác gì “Thượng đế” trong thần học hay “Tinh thần tuyệt đối”/Ý niệm tuyệt đối của Hegel và còn gọi ông là “một Hegel không triệt để”!). Trước sau, ông vẫn muốn tránh lối “hữu thể hóa”, “bản thể hóa” nó, nên luôn cố ý viết theo dạng “động từ” (das Sein west/the Being essences/Das Nichts nichtet/The Nothing nothings) cho dù… trái ngữ pháp, bởi không hề có động từ wesen/to nothing trong tiếng Đức lẫn tiếng Anh! Theo tôi, ta có quyền lý giải nhiều cách khác nhau, nhưng thiết tưởng nên tôn trọng yêu cầu của ông khi dịch thuật. 20.04.2011 Nguồn: Tác giả Bùi Văn Nam Sơn gửi cho Triethoc.edu.vn |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC