Jean Cavaillès, Maurice Merleau Ponty, Trần Đức Thảo
ba nhà triết học “ra trường” trong những năm 1940
CLAUDE IMBERT PHẠM ANH TUẤN dịch
Bài thuyết trình của bà Claude Imbert, giáo sư Trưởng Khoa Triết ĐH Sư phạm Cao cấp Paris, tại Viện Triết học, Hà Nội, ngày 20 tháng 3 năm 2015. Phạm Anh Tuấn dịch, Thầy BÙI VĂN NAM SƠN hiệu đính, bài được in chung trong HÀNH TRÌNH CỦA TRẦN ĐỨC THẢO, HIỆN TƯỢNG HỌC VÀ CHUYỂN GIAO VĂN HÓA, NXB ĐH Sư Phạm ấn hành năm 2017). | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn do dịch giả Phạm Anh Tuấn cung cấp.
Trước hết tôi xin cảm ơn Viện Triết học thuộc Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đã cho tôi vinh dự được có dịp trao đổi tại đây. Tôi vô cùng cảm kích bởi đây là dịp để chúng ta nhìn lại, từ quan điểm triết học, những câu hỏi vốn đã từng thách thức Jean Cavaillès, Maurice Merleau-Ponty và Trần Đức Thảo vào những năm diễn ra Thế chiến II. Đây cũng là dịp hiếm hoi để chúng ta trao đổi về nội dung của những câu hỏi ấy và những hệ quả dẫn đến cho mọi lập trường triết học ngày hôm nay. Tôi xin trình bày vắn tắt bối cảnh những năm 1940 để làm rõ đầu đề tôi đặt cho bài trao đổi này.
Ngôi trường tôi nói tới ở đây là Trường Sư phạm cao cấp Paris (École Normale Supérieure), một cơ sở giáo dục cấp cao của nước Pháp được thành lập vào những năm đầu của cuộc Cách mạng Pháp 1789. Trần Đức Thảo đỗ trong kì thi vào trường năm 1938 với điểm xuất sắc. Ông bắt đầu theo học cử nhân triết học từ niên khóa 1939-1940, thời gian này Merleau-Ponty là phụ giảng môn triết học tại đây. Điều này có nghĩa là Merleau-Ponty rất gần gũi tới các sinh viên của mình. Cũng trong thời gian này Merleau-Ponty đang viết luận văn tiến sĩ Phénoménologie de la perception (Hiện tượng học tri giác) (nhận bằng tiến sĩ năm 1945), nên ông đã hướng mối quan tâm của Trần Đức Thảo tới hiện tượng học Husserl và bối cảnh triết học Đức của nó. Cavaillès trước đó mấy năm cũng làm phụ giảng tại trường Sư phạm Paris, lúc này đang là giáo sư về triết học và nhận thức luận tại Đại học Strabourg cũng vừa mới sơ tán tới Clermont Ferrand như trường Sư phạm. Tại đây Merleau-Ponty đã khuyên Thảo làm luận văn thạc sĩ, dưới sự hướng dẫn của Cavaillès. Thảo đã tập trung vào đọc và phê phán hiện tượng học Husserl, và sau này ông dùng làm cơ sở để viết phần thứ nhất trong tác phẩm quan trọng nhất của ông, Phénoménologie et matérialisme dialectique (xuất bản năm 1951) [Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng]. Nhìn trong viễn tượng của những sự chuyển giao văn hóa, Michel Espagne gần đây đã phân tích hiện tượng học và chủ nghĩa Marx đã gặp gỡ thế nào tại Pháp, chủ yếu thông qua tác phẩm nói trên của Thảo. Trong bài trao đổi hôm nay, dựa trên viễn tượng đã được ông mở ra và chứng minh bằng tư liệu, tôi tập trung vào những vấn đề triết học đặc thù của ba nhà triết học trên. Cả ba nhà triết học này đều chia sẻ cảm nghĩ chung là tất yếu phải đổi mới triết học, họ đặt cược vào lối tư duy cụ thể như Husserl đã hứa hẹn, và đồng thời khát khao muốn có lại một thuyết duy thực nào đó. Nhưng, sau khi đọc tỉ mỉ và thận trọng các văn bản của Husserl, cả ba nhà triết học này đều thất vọng. Mỗi người có sự chẩn đoán riêng, tùy theo mối quan tâm riêng biệt của mình và đã đề xuất một con đường thoát ra khỏi đó, gọi chung là con đường biện chứng. Cùng lúc, họ đã du nhập những bằng chứng mới mẻ về bản chất của hoạt động triết học và những yêu cầu cho hoạt động này: một lập trường mà ngày nay chúng ta hiểu rõ hơn và thừa nhận. Vào những năm 1940, trong bối cảnh của Thế chiến II, “ra trường” [“out of school”] có nghĩa song đôi: không chỉ là vì họ đã “học xong”, mà còn vì sự phản kháng và những vấn đề cấp bách được họ rút ra từ những gì họ đã được dạy ở trường. Cavaillès đứng đầu một mạng lưới Kháng chiến chống Đức Quốc xã chiếm đóng nước Pháp và ông bị Đức Quốc xã xử bắn năm 1944. Merleau-Ponty dự định, mượn một cách hiểu mở rộng về tri giác (perception), lên tiếng đáp lại hoàn cảnh lịch sử trực tiếp khi ấy. Năm 1945, sau khi xuất bản Hiện tượng học tri giác, ông cùng một số người sáng lập tạp chí Les Temps modernes, một tạp chí quan trọng mà ông chủ yếu là người viết các bài xã luận. Bài xã luận đăng trên số ra mắt, War took place (Chiến tranh đã xảy ra), là một tuyên ngôn. Trong bài viết này, Merleau-Ponty đã ám chỉ tới trách nhiệm của người trí thức trước thảm họa đang diễn ra ở châu Âu, và kêu gọi triết học phải đối mặt với tính cấp bách của thời hậu chiến. Thảo viết bài cho tạp chí, ông đã đặt cho triết học những nhiệm vụ mới mẻ liên quan đến tình hình và các vấn đề chính trị tại Việt Nam. Như vậy trong giai đoạn này, tạp chí Les Temps Modernes do Sartre và Simone de Bauvoir làm chủ bút, là “nhân vật chính” thứ tư và nhắm tới một lượng độc giả đông đảo: bày tỏ tiếng nói công khai trong các cuộc tranh luận, các tuyên bố, các bài tường trình sự kiện, các bài viết bày tỏ quan điểm, những bài viết mang tính can thiệp cá nhân. Nó góp thêm một nét sống động và là một sự hòa nhịp lịch sử với sự dấn thân triết học trong giai đoạn từ 1945 đến đầu những năm 1950, tức trước khi Thảo rời Pháp để trở về Việt Nam và Merleau-Ponty thôi cộng tác với tạp chí Les Temps Modernes. Sau đây tôi sẽ trình bày những vấn đề nối kết giữa Cavaillès, Merleau-Ponty và Trần Đức Thảo. Hoàn cảnh triết học trong những năm chiến tranh và những năm ngay sau “hậu chiến” khiến ta khó lòng có được một sự hình dung rõ ràng. Điều gì nhìn bề ngoài đem lại sự hứa hẹn mà ba nhà triết học này đã thẩm định, khám phá ở hiện tượng học để rồi sau đó lại bác bỏ mạnh mẽ? Tôi nhấn mạnh vào đòi hòi cấp bách của họ về sự minh giải và tính hiệu quả, và những phản bác kiên định qua đó thúc đẩy con đường thoát ra của họ, trong ba người thì Thảo là người có những sự bác bỏ dứt khoát hơn cả. Trong mức độ ba nhà triết học này gây ảnh hưởng tới những thập niên sau đó, không thể bỏ qua sự lựa chọn cụ thể của mỗi người, đặc biệt là tại Pháp và Việt Nam, cứ coi đó như là lời mở đầu cho mọi lề lối tư duy của các môn khoa học xã hội và triết học ngày nay. Tính thế khó khăn của Hiện tượng học trong những năm 1940 Điểm qua những dấu mốc, sự kiện và hoàn cảnh lịch sử:
Năm 1929, Husserl xuất bản quyển Formale und Transcendantale Logik (Lôgíc học hình thức và Lôgíc học siêu nghiệm). Cùng năm đó, ông được mời tới giảng tại Đại học Sorbonne, Cavaillès có tới dự các bài giảng của ông. Bài giảng của Husserl có tên là Cartesian Meditations (Những Suy niệm Descartes), phù hợp với bối cảnh ở Pháp khi ấy là triết học Kant đang được đưa ra thảo luận và lập trường của cái “cogito” [“tôi-tư duy”] của Descartes đang nhận được một sự quan tâm mới mẻ. Mối bận tâm lúc này là mở ra một con đường, nếu có, giữa một thuyết hậu-Kant (post Kartianism) đang gây ra tranh luận và triết học về ý thức theo định hướng hành dụng của Bergson (Bergsonian pragmatist exploration), cả hai điều này đã kéo theo một tranh luận liên quan đến triết học về ý thức của Descartes, như Sartre đã tranh luận trong tác phẩm thời kỳ đầu của mình là La Transcendance de l’égo (Sự siêu nghiệm của Tự ngã). Các bài giảng của Husserl ngay sau đó đã được Emmanuel Levinas dịch sang tiếng Pháp rồi được xuất bản trước cả ấn bản tiếng Đức. Levinas là người đầu tiên truyền bá các văn bản Husserl tại Pháp, nhất là quyển Ideen, vào cuối những năm 1920. Năm 1928, trong bối cảnh thù địch người Do Thái, Husserl đã buộc phải rời khỏi ghế giáo sư tại Đại học Freiburg, trợ lý của ông là Heidegger đã được bổ nhiệm vào chỗ khuyết này. Husserl vẫn tiếp tục nhận được nhiều sự thiện cảm nhờ công lao của ông. Trước đó một năm (năm 1928), các nhà triết học Đức và Pháp đã tổ chức một cuộc tranh luận tại Davos (Thụy Sĩ). Sebastien Bouglé, một nhà triết học kiêm xã hội học xuất chúng khi đó là Giám đốc Trung tâm tư liệu tại Đại học Sư phạm Paris rồi không lâu sau đó là hiệu trưởng Trường Sư phạm Paris, đã không thể đến dự, nhưng ông đã cử chàng trai trẻ Jean Cavaillès nhưng đã nổi tiếng nhờ các công trình triết học độc đáo. Cassirer người vừa công bố nhiều công trình về nhân học và nhất là bộ Symbolic Form (Ernst Cassirer: Philosophie der symbolischen Formen/Triết học về các hình thức biểu trưng, gồm ba tập: Ngôn ngữ (1923); Tư duy huyền học (1925) và Hiện tượng học về nhận thức (1929) (Nhđ), có nhiều ảnh hưởng đến triết học về văn hóa, nhân học triết học và khoa học luận có tham dự cuộc gặp gỡ này nhưng không thể phát biểu vì sự cố sức khỏe. Heidegger thống trị các buổi tranh luận, như là người đã phát triển hiện tượng học theo hướng thuyết hiện sinh. Hầu hết các nhà nghiên cứu dự thính đã nhiệt tình gắn khái niệm “tồn tại trong thế giới” của Heidegger với thuyết hiện sinh của Kierkegaard. Cavaillès trở về Paris đem theo một cảm giác hoài nghi và đã đăng một bản báo cáo thu hoạch trên một tạp chí của sinh viên. Ông phản đối thuyết hiện sinh đang thống trị khi đó, phản đối thái độ của Pascal và những suy niệm sau này của Pascal đã được đúc kết thành một sự đặt cược vào sự hiện hữu của Thượng đế. Lựa chọn này quả thực là một sự lựa chọn hiện sinh chủ nghĩa, song như Cavaillès, từ một trí tuệ duy lý, toán học được rèn luyện, nhấn mạnh là vẫn không làm thỏa mãn một triết học kiểu Galilei và triết học Descsartes từng thống trị thế kỷ 17 và sau đó. Giai đoạn này, Cavaillès đang làm luận văn thạc sĩ về tính xác suất ở Pascal và Port-Royal. Người hướng dẫn nghiên cứu của Cavaillès là Léon Brunschwig. Sau khi trở về Freiburg, Husserl tiếp tục với các bài giảng ông đã thực hiện ở Paris, và ông xuất bản The Origin of Geometry (Nguồn gốc của hình học) dưới hình thức một bài báo. Nội dung bài báo sau này được đưa vào quyển The crisis of European sciences (Sự khủng hoảng của các môn khoa học của châu Âu) - một đầu đề quả thực gây ngạc nhiên, một sự phủ định vào lúc đã có hàng loạt những công trình làm đổi mới toàn bộ lĩnh vực toán học. Năm 1931, Cavaillès nhận một học bổng kéo dài một năm tại Đức. Ông đã gặp mặt Husserl và ngỡ ngàng trước thái độ vị kỷ, giáo điều và cay đắng của Husserl, như chúng ta được biết qua những bức thư ông viết cho người chị gái của mình. Nhưng sự nổi lên của chủ nghĩa Quốc xã tại Đức và sự đối đầu thù địch của Heidegger với người thầy cũ của mình đã góp phần duy trì sự thiện cảm được dành cho Husserl, và uy tín của ông dẫn đến việc khám phá những bản thảo chưa xuất bản. Thiện cảm dành cho Husserl vẫn không bao giờ bị phai nhạt. Cavaillès, Merleau-Ponty và Thảo từ trước đó đã là những người dọn đường cho cuộc chuyển giao sang Pháp một phần kho Lưu trữ Husserl, được tiến hành đồng thời với việc van Breda tại Löwen (Bỉ) thu thập các bản thảo của Husserl (Xem: Bài 1 của Jean-François Courtine: Trần Đức Thảo và việc thiết lập cơ sở ban đầu của kho lưu trữ Husserl tại Paris/Tran Đuc Thao et la protofondation des archives Husserl de Paris trong tập Kỉ yếu này). Điều này đã không cản trở việc đọc cặn kẽ và có phê phán những tác phẩm đầy hứa hẹn lẫn gây thất vọng của Husserl. Husserl tận dụng di sản lôgíc học danh giá của Hi Lạp cổ đại làm xuất phát điểm, ông khẳng định rằng như thế là đủ, vào lúc mà triết học không từ bỏ việc định hình nhận thức bằng hình thức phán đoán, cũng không từ bỏ tính khái niệm bậc nhất như là cách diễn đạt đúng đắn của riêng nó. Sự thất vọng có nguyên nhân từ sự cảm nhận về một điều hứa hẹn không đạt được và Husserl không có khả năng đem lại hiệu quả hiện thực của điều được ông cho là tư duy triết học về cái cụ thể [tức tư duy hiện tượng học - khoa nghiên cứu về những bản chất cụ thể]. Ngay chính khái niệm “hiện tượng học” cũng đang bị đe dọa, đây là điều tôi chuyển sang bàn sau đây. Lịch sử lâu dài của hiện tượng học: Hiện tượng học theo cách hiểu được hình thành rồi cải tiến nơi các triết gia Hi Lạp cổ đại, từ Plato tới các triết gia Khắc kỷ ở thành Alexandria, là cách thức để phân ly và tuy vậy lại nối liền cái khả giác (the sensible) và cái khả niệm (the intelligible). Sự tương ứng này [hay sự trùng hợp trong nhận thức chủ quan giữa cái khả giác và cái khả niệm] sau đó được đánh dấu bằng Hình học Euclid là môn học đảm bảo mối quan hệ giữa các yếu tố của nó (các tiên đề, định nghĩa, định đề), tất cả các yếu tố ấy được đưa ra như là những mệnh đề, và những cấu tạo trên một mặt phẳng đạt được bằng những đường và vòng tròn. Bản thân từ “hiện tượng học” là chữ được hình thành ở thời kì tân-cổ điển, được nhà toán học kiêm triết học người Thụy Sĩ ở thế kỷ 18 dùng lần đầu tiên trong Luận văn lôgíc học của ông, Neues Organon [Bộ công cụ mới] (1754) như là lôgíc về ảo tượng (logic of appearance). Thoạt đầu Kant có ý định ghi lời đề tặng quyển Phê phán Lý tính thuần túy cho Lambert, nhưng sau đó ông đã đổi ý vì bị ấn tượng bởi sự mới mẻ về toán học của Leibniz và khả năng bao chứa của nó đối với Cơ học Newton. Kant đã vay mượn khái niệm logical common sense [lương thức chung hay là khả năng lập luận đúng đắn mà không cần đến những “tiêu chuẩn” phổ biến] của Aristoteles làm khuôn khổ lôgíc thuận tiện, để từ đó ông diễn dịch ra các phạm trù trong khuôn khổ bốn đề mục của phán đoán và đánh giá sự tương ứng giữa chúng với các chức năng toán học cơ bản trong cơ học Newton. Quyển Các Nguyên lí Siêu hình học cơ bản của Khoa học tự nhiên (Metaphysische Anfangsgründe der Naturwissenschaft) (1786) của Kant, được viết trong tâm trạng say mê Euclid, đã dùng chữ “Hiện tượng học”, ở mục cuối cùng, được xác nhận trong phần Nhận xét chung về hiện tượng học sau đó. Kant đã làm cho cách dùng chữ này được công nhận trên hậu cảnh của thuyết duy tâm siêu nghiệm, tuy vậy chữ “hiện tượng học” vẫn không thoát hẳn khỏi mối quan hệ thân thuộc mặc nhiên với tự nhiên luận của Aristoteles. Thành công này của Kant đã được xác nhận bởi lẽ ông đã đem lại một sự phát triển mới cho ngữ pháp vị từ (predicative grammar) của toàn bộ các ngôn ngữ châu Âu, và, với tính chất như vậy, ông đã liên hệ kinh nghiệm với ngôn ngữ nói thông thường, một khuôn khổ được ông mở rộng ra sau này vào cho đạo đức học [tức quyển Siêu hình học về đức lý/Metaphysik der Sitten]. Thành công này của Kant đã thúc đẩy trào lưu tân-cổ điển kéo dài bao lâu vẫn còn sự thách thức kể từ sau Galilée là thống nhất Vật lý học với Triết học. Quyển Hiện tượng học tinh thần của Hegel mở ra một giai đoạn mới, trong chừng mực nó đặt lý thuyết của Kant trước một sự biến đổi, tác động tới hiệu quả của thao tác lôgíc và tính khái niệm của chính lý thuyết này. Theo Hegel, lý tính mang những đặc điểm lịch sử qua một quá trình không do nó khởi xướng. Lịch sử đặc thù của nó được nhận ra như là một sự biểu lộ vinh quang của tinh thần, một tiến trình duy tâm rõ rệt và khá bí hiểm. Hegel gọi tiến trình này là biện chứng [dialectic]. Vào cuối những năm 1930, Kojève đã có các bài giảng dưới hình thức seminar về quyển Hiện tượng học tinh thần của Hegel, Merleau-Ponty đã tới nghe các bài giảng này. Các bài giảng sau đó đã được Raymond Quéneau biên tập thành sách và là cơ hội cho các cuộc tranh luận về cách diễn giải duy tâm hoặc mác-xít về phép biện chứng. Điều gây khó khăn nằm ở ngay cách hiểu về hiện tượng học. Husserl hiểu hiện tượng học như là một “sự kiện” tự nhiên mang tính nội tại không thể nghi vấn, nó được tiếp nhận như là một cái tiên nghiệm mang tính siêu nghiệm (a transcendental a priori) mà Hegel đã biến đổi. Bản thân lôgíc học xét như là phép biện chứng là một tiến trình hiện tượng học nền tảng. Mối quan tâm được đặt vào sự tương quan giữa hiện tượng và ngôn ngữ của nó. Cuộc nghị luận này đã tác động tới ngay chính cách hiểu về hiện tượng học và tính quan yếu của nó. Cuộc tranh biện đã diễn ra trên ba phương diện: - phương diện lôgic, liên quan đến việc sử dụng vị từ (predication) như là hạt nhân tiềm tàng của tiến trình phủ định, đồng thời bảo lưu (Aufhebung: vượt bỏ) và tính phổ biến của tiến trình này. - phương diện bản chất hay bản tính của tiến trình: ý niệm (ý thể) hoặc vật chất (ideal or material) định tính cho cuộc tranh biện. - Nội dung: tiến trình biện chứng diễn ra như thế nào và tại sao, trong đó sự hiện hữu của con người được xác định và biểu hiện trong mối quan hệ của mình với tự nhiên và xã hội như là ý thức hoặc sự tha hóa. Một khoa hiện tượng học được đem ra tranh luận: Cavaillès, Merleau-Ponty và Thảo, sau khi đọc các tác phẩm của Husserl một cách nghiêm cẩn, đã đi đến kết luận rằng có một mâu thuẫn nội tại ở trong quan niệm của Husserl về hiện tượng học về cả ba phương diện: yêu sách, phương pháp và các kết quả ông đem lại. Cavailles nhấn mạnh vào sự mâu thuẫn trong lôgíc học của Husserl; Merleau-Ponty xét lại cách hiểu về tính hiện tượng (phenomenality) xét như cái khả giác được phân biệt với cái khả niệm; còn Thảo thì bác bỏ cao vọng của Husserl về một tính “cụ thể” bao trùm toàn bộ sự cấu tạo nên thế giới. Chúng tôi sẽ giải thích ngắn gọn sự bảo lưu của mỗi người cũng như con đường thoát ra riêng của mỗi người, rồi mới có cái nhìn chung về sự hội tụ những mối hoài nghi nơi cả ba người cũng như riêng của mỗi người: thật vật, đây là một thách thức cho việc suy tưởng lại hoàn toàn mới mọi vấn đề triết học. Điểm quan trọng nhất ở đây là, cả ba người đều không đi vào bất kì một sự giải kiến tạo (deconstruction) nào như Heidegger đã làm, trái lại, điều cấp thiết ở họ là phải vạch ra một lối thoát. Triết học khi ấy đang bị đe dọa bởi tham vọng cao ngạo muốn lý giải kinh nghiệm-sống trải (lived experience) bằng một khuôn khổ gần như cổ xưa, tức bằng con đường trở về lại với cái căn nguyên (Ursprung) - một “từ khóa” nơi Husserl, và đã bị ông tát cạn hết tính chính đáng của nó. Cavaillès bàn về tiến trình hiện thực của toán học và lôgíc học của Husserl: Năm 1938, vào những ngày đầu của Thế chiến II, trong một bài nói chuyện tại Hiệp hội triết học Pháp, sự “làm giàu có” (enrichment) là từ khóa của Cavaillès, vì nó mà ông đã hiến dâng cả cuộc đời làm khoa học ngắn ngủi của mình. Khi tránh dùng chữ tiến bộ (progress) hay phát triển (development), ông đã dùng một từ ít được biết tới trong nhận thức luận (episstemology), thì rõ ràng là ông đã phản đối mọi sự quay trở về lại với cái “căn nguyên” (Ursprung). Năm 1942, Thảo tới Clermont-Ferrant [nơi trường Sư phạm Paris sơ tán], lúc này Cavaillès đang viết dở một bản thảo mà ông sẽ hoàn thành vào năm sau khi ở trong tù rồi trốn thoát để tiếp tục các hoạt động Kháng chiến, được giao thêm nhiều trách nhiệm và chuyển sang hoạt động bí mật. Bản thảo ấy được xuất bản năm 1947. Đầu đề của cuốn sách: Logic and Theory of Science (Về lôgíc học và lý thuyết khoa học) là do nhà xuất bản chọn để cho vừa nhất với nội dung súc tích và thực ra là rất khó hiểu. Nếu đọc kỹ sẽ thấy Cavaillès định nói gì: cuốn sách này không bàn tới lôgíc học cũng chẳng bàn tới lý thuyết khoa học. Cả lôgíc lẫn lý thuyết khoa học đều tiền giả định một sự quy định a priori (tiên nghiệm) về việc tạo ra tính khả niệm. Có thể coi Husserl là người quan trọng nhất bị Cavaillès phản bác lại. Trong bản luận văn tiến sĩ và các phần phụ lục về trường phái toán học của Gauss ở Königsberg, Cavaillès đã khảo sát kỹ lưỡng các tác phẩm của Hilbert và Dedekind. Ông nhấn mạnh sự sản sinh đồng thời hai điều: nhận thức toán học và cách viết mới mẻ thích đáng sử dụng vị từ để diễn đạt cái được ông gọi là cái có thể chứng minh được (the demonstrable). Ông tập trung vào khả năng giải một bài toán trong mọi khía cạnh của lời giải có tính thuyết phục của nó. Chủ nghĩa hình thức của Hilbert dưới vỏ ngụy trang của tuyên bố là trung thành với triết học phê phán của Kant trên thực tế đòi hỏi phải có sự định hình của một phép tính vị từ (functional calculus) mới mẻ, độc lập với mọi nội dung phát biểu. Cách Dedekind xử lý con số và cách tiếp cận số học của ông về tập hợp vô hạn [the infinite] đã thay thế chiến lược số học bằng khái niệm hình học về tính liên tục. Cuộc trao đổi thư từ của ông với Cantor vào những năm Cantor say sưa lao vào nghiên cứu lý thuyết tập hợp và định nghĩa có tính bản lề của ông về tập hợp vô hạn rõ ràng đã vượt ra ngoài phạm vi vai trò của một sự trình bày trực quan hóa theo kiểu biểu đồ (diagrammatic exposition). Chỉ cần nhắc tới cái được gọi là luận cứ chéo (diagonal argument) là đủ. Phép tính vị ngữ của Hilbert, cũng như phép tính số học của Dedekind, đã mở rộng một nửa thế kỷ nghiên cứu lôgíc toán, nghĩa là: cú pháp và sự biến đổi/thay đổi các quy tắc ghi ký hiệu mà không có những sự mâu thuẫn, mà trước đó Frege - là người mở đường - đã gặp phải trong tác phẩm Begriffsschrift (conceptual writing: cách ghi lại khái niệm). Xét với tính chất như vậy, việc ghi ký hiệu không cho phép phân biệt cái khả giác với cái khả niệm. Cavaillès kết luận: toán học chưa bao giờ rời bỏ cái khả giác. Cách ghi ký hiệu vị từ thể hiện một cú pháp “bình thường”, nghĩa là: tập hợp, lắp ráp, sắp xếp lại. Nó cũng là cách biểu hiện trực quan về kinh nghiệm toán học, là sự biểu diễn và nhận thức về chính quá trình toán học. Husserl đã không nhận ra được những sự kiến tạo đã tác động tới ngay chính cách hiểu về một khoa lôgíc, tránh né sự trung gian của ngôn ngữ vị từ tự nhiên. Vấn đề không chỉ liên quan đến các trường phái hình học mới, các trường phái đã bác bỏ quan niệm của Kant về trực quan [như là nền tảng của toán học] và hoàn toàn phản đối việc Husserl quy thoái trở về với lôgíc học của Euclid rồi của Aristoteles, cũng như việc Husserl buộc tội Galileo. Husserl đã bám chặt vào sự lựa chọn của Euclid từ hai mươi thế kỷ nay xét như một cái tiên nghiệm. Do đó, ông đã rút ra luận điểm về một cuộc Khủng hoảng của các môn khoa học khi tập trung vào Toán học vào lúc ông phủ nhận sự hoạt động đích thực của Toán học. Bị đe dọa bởi chính thành kiến của mình, khái niệm hiện tượng học của Husserl và yêu sách của ông về khoa hiện tượng học như là sự mô tả bậc nhất, rốt cuộc đã mất đi tính mạch lạc. Người ta đã không đọc Cavaillès như ông xứng đáng được đọc. Trong khuôn khổ buổi trao đổi hôm nay tôi không đủ thời gian để trình bày toàn bộ quá trình sự nghiệp triết học của ông. Chỉ xin nêu ba điểm chính có liên quan đến vấn đề chúng ta quan tâm hôm nay. Cavaillès đã theo dõi sự phát triển đặc thù của tri thức toán học, từ công dụng của nó trong lĩnh vực Toán-lý hay Vật lý thường nghiệm. Kant đã giữ nguyên lập trường của Leibniz, ông sao chép lực hấp dẫn vật lý của Cơ học Newton vào sự khuôn định mang tính suy lý thông thường về kinh nghiệm của chúng ta. Cuộc cách mạng Copernicus là một cách gọi phổ biến để chỉ sự sao chép có tính phê phán này: thuyết duy tâm siêu nghiệm của Kant và tính thứ nhất của một lôgíc vị từ, tức lôgíc phạm phù. Các bảng lôgíc ở quyển Phê phán thứ nhất [quyển Phê phán lý tính thuần túy] khẳng định Kant vẫn giữ nguyên lập trường “vị từ” nói trên. Một thế kỷ sau đó, sự thỏa hiệp này đã bị đánh bại bởi việc toán học chống lại việc nó được biểu đạt dưới hình thức vị từ, và trong mọi tiến trình hiện thực của chứng minh, khái niệm (concept) đối lập lại với hàm (function). Theo những nhu cầu đặc thù của nó, Toán học đã tạo ra ngôn ngữ của nó với cú pháp riêng, cùng với đó là một lịch sử thực nghiệm mà Cavaillès đã vạch lại một cách tỉ mỉ. Mặt khác, Cavaillès làm nổi bật tiến trình làm sáng tỏ các bước sáng tạo nên cú pháp ấy. Việc giải quyết một vấn đề cụ thể, sau đó là sự diễn đạt tỉ mỉ các bước của nó trao truyền lại mẫu mực của nó như là một hệ hình (paradigm). Thao tác đặc thù của việc giải quyết ấy, gói gọn trong một cú pháp gắn liền với những ký hiệu - đem lại một ngôn ngữ cho việc giải quyết những vấn đề tiếp theo. Ngôn ngữ mới này phủ định mối quan hệ vị từ mà mọi hiện tượng học trước đó đã ký thác sự xác tín, cấu trúc và hi vọng của nó vào đó. Toán học đòi hỏi ít nhất một ngôn ngữ có khả năng hỗ trợ sự quy nạp đệ quy (recursive induction) và những luận cứ chứng minh không được biết tới trong triết học Galilei vốn tiêu biểu cho thời cổ điển - nếu không kể tư duy toán học tự đổi mới chính mình của Pascal, như chúng ta sẽ thấy ở phần sau. Như vậy sự “làm giàu có” (enrichment) đích thực của Toán học đã tuyệt đối ngăn cản tính thứ nhất của vị từ và vị thế của hiện tượng học xét như là sự thiết định nền tảng. Nó đòi hỏi một sự thực nghiệm triết học cởi mở, không phủ định những phương thức của tính khả niệm [tức các môn học] đang trong quá trình hình thành. Cái giá của điều này là tính đa ngôn ngữ, là không cầu viện đến bất kỳ loại hình tâm lý học nào, ngay cả nếu như cái đó xét như là một sự gợi ý có tính giáo dục. Nó cũng “giải tán” tính ý hướng và việc ghi lại tính ý hướng trên véc-tơ chủ thể-đối tượng. Cái gì là đối tượng của toán học? Chẳng ai có thể trả lời một câu hỏi hiện tượng học kỳ quặc như vậy, chỉ đơn thuần là câu hỏi ấy không thích hợp ở đây. Cavaillès đã tham khảo dọc suốt lịch sử nhân học để chứng minh bằng tư liệu cho “tính vật chất” của việc ghi lại bằng chữ các công thức, biểu đồ, sơ đồ và các luận cứ chứng minh của toán học. Bất kỳ luận cứ chứng minh nào cũng đồng thời là một thí nghiệm về một luận cứ chứng minh là gì. Kết quả là các tham vọng của Husserl có một sự hoàn toàn mâu thuẫn, ông đã bắt yêu sách về tính hiệu quả hiện thực phải phục tùng một lôgíc siêu nghiệm bị chặn lại bởi lôgíc học của Aristoteles vốn định hình nên vũ trụ học của người Hy Lạp dù quả thực nó là xuất sắc trong một thời gian dài song nó đã lỗi thời từ lâu rồi. Tác động thứ hai của quyển Logic and Theory of science của Cavaillès là việc nó không thủ tiêu mọi sự thiết định siêu hình học về một ý thức không có khả năng đánh giá quá trình của toán học xét như là sự sản sinh ra ngôn ngữ đặc thù của riêng nó, một kiểu ý thức cưỡng lại một sự sản sinh ra tính khả niệm vốn đi liền với ngôn ngữ viết của nó. Cavaillès kết luận: Không phải là một triết học về ý thức mà là một triết học về những khái niệm mới có thể đem lại lý thuyết khoa học. Cavaillès đã quy chiếu tới Spinoza và việc Spinoza dứt khoát loại bỏ câu hỏi về nguồn gốc: Có những công cụ tự chúng rèn nên chính mình - chúng bộc lộ ra các khả năng của mình và dành được hình thái phù hợp nhất trong khi được đem ra sử dụng. Đó chính là cách hiểu về hàm toán học. Câu cuối cùng trong quyển Logic and Theory of science là ví dụ tiêu biểu cho xung năng thúc đẩy mang tính năng sản - vừa xóa bỏ đồng thời lại đề xuất một lí thuyết mới - xét như một phép biện chứng [Câu cuối cùng trong nguyên bản tiếng Pháp: “La nécessité génératrice n’est pas celle d’une activité, mais d’une dialectique”] (N.D). Hệ quả thứ ba là một dự án biên soạn. Cavaillès có ý định thực hiện một tuyển tập những tiểu luận bám sát tri thức đương thời xuất sắc nhất về hành vi và ngôn ngữ con người. Trên tờ giấy rời ông ghi chép rằng dự định này đã được thai nghén và cuốn sách sẽ được viết chung với hai nhà triết học bạn học với ông là Raymond Aron được biết đến nhờ luận văn về sự sản sinh tri thức lịch sử và Albert Lautman là người cũng quan tâm đến bước ngoặt toán học diễn ra tại Königsberg, nhất là quan tâm tới lý thuyết đa tạp phức của Riemann (Riemann varieties) đã thách thức di sản của Euclid. Tuy dự định này đã bị gián đoạn do chiến tranh, nhưng quyển Structure of Behavior (Cấu trúc của hành vi) của Merleau-Ponty (viết xong năm 1938, xuất bản năm 1943) cũng như quyển A Theory of Emotions [Một lý thuyết về cảm xúc] của Sartre là các ví dụ minh họa rõ rệt cho chương trình của Cavaillès dành cho các môn khoa học xã hội và nhân văn. Cả hai người này đều là học trò cũ và là bạn của Cavaillès. Cavaillès đã làm phơi mở ra cái khả giác (the sensible) được giải phóng trên một quy mô lớn lao vào trong văn hóa, qua “viết”, biểu đồ, lược đồ và bất cứ loại “hình vẽ” nào, từ thơ ca cho tới các môn nghệ thuật đồ họa, từ việc ghi nốt nhạc trên một khuông nhạc cho tới việc trình diễn nốt nhạc và truyền nốt nhạc đi về mặt vật chất. Một “vùng” đã bị coi nhẹ, ấy là hành vi (behavior), tức việc có thêm nhận thức qua việc sản xuất hàng loạt những văn bản, cú pháp, bản vẽ và sự truyền thông, đã giữ hai thành phần thô của một khoa hiện tượng học ở một khoảng cách xa nhau [cái khả giác và cái khả niệm]. Không nghi ngờ gì nữa, hai thành phần này là căn cứ cho một sự sản xuất có tính vật chất, có tính lịch sử về sự trao đổi, tính khả niệm, thông tin và sự chuyển giao. Merleau-Ponty và quyển Hiện tượng học tri giác (xuất bản năm 1945) Merleau-Ponty viết luận văn tiến sĩ trong thời gian chiến tranh và xuất bản thành sách với đầu đề Phenomenology of perception (Hiện tượng học tri giác). Ông giải thích với sinh viên của mình là ông có ý định xem xét lại Hegel, Husserl và Heidegger, kiểm chứng lại ngay chính cách hiểu chung và yêu sách của họ về hiện tượng học, đồng thời kiểm chứng cách hiểu ấy liệu có dọn đường cho triết học đi tới cái sống trải cụ thể, tức Lịch sử. Trong quyển Structure of Behavior (Cấu trúc của hành vi). Merleau-Ponty đã không coi phản xạ đó là cơ sở khả hữu cho những hành vi bậc cao, và qua đó bỏ ngỏ việc phân tích về hành vi biểu trưng. Cuốn sách này ngoài ra cũng báo hiệu một cách tiếp cận xa hơn từ bên trong, tức từ sự xuất hiện của một ý thức gắn liền với những động tác cử chỉ ở người, các năng lực ngôn ngữ, các khả năng thị giác. Hiện tượng học tri giác đã rút ra những kết quả mới nhất của môn tập tính học động vật (ethological) và các kết quả lâm sàng. Phương pháp của cuốn sách bao hàm cách tiếp cận cái cogito [cái “tôi-tư duy”] không phải như một bằng chứng trực tiếp, trái lại, ở trong sự sinh triển của nó, cùng với đó là một vùng của nhận thức mang tính quy tiến (progressive) vốn tồn tại cố hữu ở trong muôn vàn hành vi phong phú của con người và trong sự sống trải đắm chìm ở trong thế giới và lịch sử. Dự án này được coi là một sự hòa giải giữa “tính cụ thể” mà Husserl yêu sách và tham vọng của Hegel là nắm bắt được tiến trình của lịch sử. Từ đầu đến cuối các chương sách, mômen của cái cogito, được khoác bằng những từ ngữ của Descartes, xuất hiện muộn - ở giữa cuốn sách. Nó xuất hiện ở trong hậu cảnh là những cử chỉ thông thường (common gestures) như là một mômen hiện sinh, cảm giác, chứ không phải như là một sự suy tưởng lạc đề. Nó được dọn đường trước qua các chương có dẫn các tài liệu mới nhất về tâm lý học và thần kinh-tâm thần học. Merleau-Ponty đã đưa vào những hiểu biết của ông về lâm sàng đồng thời quan tâm tới những bệnh nhân bị những vết thương ở não trong Thế chiến I và các bước phục hồi hoặc những trải nghiệm gián tiếp (xem quyển Structure of Organism/Cấu tạo của sinh thể hữu cơ của Kurt Goldstein). Merleau-Ponty giới thiệu sự trung gian của nghệ thuật, âm nhạc và hội họa, những phương diện của các ngôn ngữ mới và sự sáng tạo nên những điểm xác định mới mẻ xét như là cần thiết để làm mở ra sự trải nghiệm không chắc chắn, thoáng qua, vô thức về thân xác con người. Cách viết chồng lấn này cũng như một chương bàn về đời sống tình dục, việc đưa tình dục vào một luận văn tiến sĩ quả thực gây sốc, là điều mới mẻ trong triết học. Trong các chương cuối, Merleau-Ponty lần tìm lại sự “gặp gỡ” với lịch sử và đời sống hiện thực, điều mà các phân tích của Husserl và Heidegger về thời gian đã đem lại sự hứa hẹn song đều đã bỏ lỡ, một sự thất bại đã quay trở lại chống lại phương pháp của họ. Hiện tượng học tri giác, nếu được hiểu theo “nghĩa đen” thì nó hoặc chỉ đơn thuần là một cách nói lặp thừa (tautology) về kinh nghiệm hạn hẹp hoặc, dù muốn hay không, đã nhìn nhận và vượt qua những giới hạn “kinh điển” về kinh nghiệm tri giác. Sự cần thiết phải có những sự trung giới mới mẻ, qua đó mở ra những mối quan hệ thật sự hiện thân cho phép biện chứng - đã không được biết đến bởi quá trình vượt bỏ (Aufhebung) đơn thuần mang tính lôgíc theo kiểu Hegel - từ nay là động lực thường xuyên cho những tác phẩm của Merleau-Ponty. Lịch sử, trong tiến trình của tính hiện đại của nó, đã trở thành mối quan tâm thực sự. Chủ thể siêu nghiệm cũng sớm tỏ ra cho Merleau-Ponty như là vòng tròn luẩn quẩn, giả định một giải pháp độc đoán trước khi vấn đề được minh giải một cách đúng đắn. Trong một bài viết cho một cuộc hội thảo (The philosopher and his shadow/Triết gia và cái bóng của mình), Merleau-Ponty kết luận rằng chủ thể siêu nghiệm là trò lừa phỉnh chuyên nghiệp của nhà triết học. Husserl là cái bóng của chính dự phóng của ông. Một khuôn khổ tư duy tĩnh tại đã ngăn cản một sự nhận biết sáng suốt về quãng thời gian giữa hai cuộc thế chiến. Cùng năm ông xuất bản quyển Hiện tượng học tri giác, Merleau-Ponty đã viết bài xã luận cho số ra mắt của tạp chí Les Temps modernes khi ấy là tạp chí xuất sắc nhất, và có lẽ là tạp chí sắc bén nhất ở châu Âu trong giai đoạn hậu chiến khó khăn. Ông cảnh báo mọi sự tự hài lòng với quá khứ: “chúng ta là ý thức đã bị lột trần trụi” - “bị lột trần trụi” theo cách hiểu của Kinh Thánh nghĩa là bị đuổi khỏi Vườn địa đàng hay nói như là nhà triết học, bị đuổi ra khỏi tháp ngà. Lần đầu tiên con người ý thức về sự tồn tại của mình không chỉ là trần truồng mà là bị lột trần truồng, bị cởi bỏ mọi thứ che đậy, bị lấy đi mọi khả năng tự vệ, đang đòi hỏi phải có những trí tuệ mới mẻ, những công cụ thuận tiện, được làm ra bằng trách nhiệm của chính mình. Trong các bài giảng tại Collège de France sau năm 1952, cũng như trong các bài báo và bản thảo, tạm gác lại những mối quan tâm cũ của ông đối với tâm lý học, Merleau-Ponty chuyển hướng mối quan tâm tới hội họa, tới các bức vẽ, tìm thấy ở các tác phẩm và trước tác của Cézanne việc đưa thân xác con người vào trong thế giới. Tiểu luận cuối cùng của ông, Eye and the Mind (1961) chứng thực cho sự đầm mình về thân xác của ta vào trong thế giới: bao lâu ta còn nhìn thấy, thì chừng ấy ta còn khả kiến và là bộ phận của thế giới khả kiến. Thực thế, ông đã nối kết hội họa với một ngôn ngữ được giải phóng khỏi sự khẳng quyết, mở ngỏ cho sự thể nghiệm, phóng chiếu vào trong hiện tại cái nhân tố nhân học không ngừng đổi mới - một con đường vương giả để biểu lộ sự thực hành ngôn ngữ của chúng ta về mặt thể xác và tính phức tạp của cú pháp khi dùng ngôn ngữ để tiếp cận chủ nghĩa hiện thực. Một nhiệm vụ tái định nghĩa lại phép biện chứng, được làm phong phú thêm nhờ việc đặt tên cho “kinh nghiệm” dưới những kiểu loại rất khác nhau, hàm chứa yếu tố thông tin lẫn tính vật chất bí ẩn của nó. Ở những trang cuối của quyển Adventures of Dialectics (1954) [Những cuộc phiêu lưu của phép biện chứng], rõ ràng là muốn nói với Sartre, Merleau-Ponty đã nhấn mạnh một cách hiểu còn dang dở về nhiệm vụ nói trên vào lúc mà chúng ta chỉ mới bắt đầu nhận thức được cái “có tính xã hội” là gì. Một vấn đề ban đầu đòi hỏi phải có, liên quan tới phương tiện và những sự trung giới, để đối diện với lịch sử đang trong quá trình tạo thành: “Chúng ta có lừa bịp không nếu đòi hỏi phải kiểm tra các quân xúc xắc trước khi gieo xúc xắc?” Trong khi Cavaillès đã cho thấy trí tuệ toán học đắm mình mật thiết ra sao ở trong cái khả giác (the sensible), thì Merleau-Ponty kiên quyết cho rằng cái khả giác là cái hỗ trợ hoạt động cho ý thức và những cú pháp chuyển đổi một tình cảm tự nhiên được mọi người chia sẻ thành một ngôn ngữ. Cả hai đều nhấn mạnh cái bản tính biện chứng, mang tính lịch sử, được triển hạn của tiến trình như vậy. Thảo bày tỏ sự kính trọng đối với cả hai. Những câu hỏi còn bỏ ngỏ của Trần Đức Thảo:
Đến đây, tôi đã phác qua một bức tranh tinh thần chung, đồng thời nó cũng đã tạo nên một tình bạn gắn bó. Mối quan hệ thầy trò mau chóng chuyển thành một sự cộng tác. Cả ba nhà triết học đều vấp phải cùng một sự phản bác cốt lõi: không chỉ là một sự mâu thuẫn giữa một bên là tầm vóc kinh điển của cương lĩnh Husserl và bên kia là sự không đáp ứng được kỳ vọng về mặt lôgíc học, mà ngoài ra còn cả việc khó hiểu là Husserl không nhận ra được những mối bận tâm đương thời. Điều này đánh thức một mối quan tâm “hoài cổ” tới phương pháp và tham vọng của Hegel, gợi lên tên tuổi của Marx. Năm 1948, Merleau-Ponty mời Thảo viết cho tạp chí Les Temps modernes một bài phê bình về các bài giảng của Kojève về quyển Hiện tượng học tinh thần của Hegel. Các bài giảng này đã được Raymond Queneau biên tập thành sách với đầu đề Dẫn nhập vào việc đọc Hiện tượng học tinh thần của Hegel. Trong một bài viết ngắn giới thiệu bài điểm sách này của Thảo, Merleau đã nêu bật sự đặt cược có tính phê phán: Aufhebung (“sự vượt bỏ”) là một tiến trình duy vật hoặc duy tâm? Kojève nghiêng về thuyết duy tâm, đã mô tả mối quan hệ không ổn định giữa hai đối cực: làm chủ và làm nô xét như là hạt nhân của phép biện chứng. Không đả động gì đến cả hai cách diễn giải, Merleau-Ponty viện đến một khái niệm ẩn dụ mượn từ môn Thực vật học, khái niệm “nứt ra” (dehiscence) - khi hai bộ phận của một cái cây, chẳng hạn nụ sinh ra từ thân cây, hoa sinh ra từ nụ hay quả sinh ra từ hoa, chúng phát triển thành những phần tách rời nhau, cá biệt hóa. Thật vậy, chiến lược của Hiện tượng học tri giác là một kiểu sinh sản như thế: tác giả ra sức theo dõi sự sản sinh ra các quá trình tinh thần mang tính khách quan dựa trên những sự hỗ trợ công khai từ những hiệu ứng và phản ứng tinh thần và thể xác. Quyển Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng được Thảo viết bằng tiếng Pháp và được một nhà xuất bản của người Việt ấn hành tại Pháp vào năm 1951, đã được giới triết học hào hứng đón nhận và ngợi ca Thảo đã làm chủ được việc minh giải thực trạng của triết học. Thảo đã dẫn chứng rộng rãi từ bối cảnh tư liệu lịch sử, hầu như mang tính “phả hệ” và duy vật về các điều kiện biện chứng đương đại cho sự tồn tại của công dân, sự cam kết xã hội và ý thức. Phần thứ nhất của tác phẩm là sự đánh giá có phê phán về Hiện tượng học của Husserl dựa theo bản luận văn thạc sĩ của ông. Sau khi tiếp thu Cavaillès qua việc phân tích sâu và cặn kẽ Logíc học siêu nghiệm của Husserl, Thảo đã đi đến khẳng quyết rằng quyển Ideen/Các Ý niệm dẫn đạo của Husserl, dù có vẻ có nhiều hứa hẹn, song chỉ đơn thuần liệt kê những sự kiện tâm lý. Quyển Experience and Judgment/Kinh nghiệm và Phán đoán khẳng định Husserl thường xuyên phải “đúc ra” thuyết siêu nghiệm. Ông đã phải trả giá đắt cho việc quy chiếu tới Descartes, rơi vào sự mâu thuẫn khi bàn về ý thức cụ thể, vì vừa không thể không bám chặt vào cái cogito siêu nghiệm, vừa không có những bước đi theo trình tự của những suy niệm kiểu Descartes. Trong phần hai của quyển Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng, Thảo đã đi vào một khái niệm kiến tạo mang tính biện chứng về ý thức khách quan trong lịch sử. Điểm nổi bật thứ nhất của phần này là một viễn tượng bao quát và táo bạo, đi từ những biểu hiện đầu tiên của sự sống ở những vi sinh vật, nơi mỗi bước đều minh họa một mối quan hệ biện chứng với môi trường xét như là sự chiếm lĩnh sự sống một cách hiện thực. Sự phát triển của hành vi ở loài vật và ở người, được khai thác từ các nhà tập tính học người Đức như Koehler hay nhà tâm lý học trẻ em như Piaget, tiếp theo đó là những kiến thức dân tộc học mới nhất về các xã hội thờ vật tổ ở châu Úc, khi đó được coi là tiêu biểu cho các xã hội nguyên thủy. Thảo vượt lên khỏi khuôn khổ Âu Châu vốn mang tính độc quyền trong những nghị luận hiện tượng học, hoặc như là một yêu sách độc quyền như nơi Husserl, hoặc như là một hệ quả mặc nhiên của cái khuôn khổ đã được vạch ra từ thời Khai minh và trong lịch sử triết học Đức. Thảo bắt đầu từ những biểu hiện đầu tiên của sự sống, trước khi có bất kỳ sự phân lập văn hóa nào, kể cả của châu Á. Sự xuất hiện của ý thức, cùng với những mômen của sự tha hóa và những đòi hỏi về quyền tự do, đã xảy ra ở khắp nơi theo những bước đi và trong những điều kiện tương tự như nhau. Điểm nổi bật thứ hai là ý thức con người. Ý thức con người được định hình qua quá trình của những nội dung cụ thể của nó, chứ không phải được định tính bằng việc thiết định một cái cogito. Do đó, ý thức là một sự phát triển ở trong một hoàn cảnh, như ngày nay chúng ta phân loại thành những trạng thái khác nhau của sử tính (historicity) (tiến hóa luận, nhân học, lịch sử và phả hệ). Vì lẽ đó, Thảo đã lựa chọn một số ví dụ quan trọng, rồi từ đó ông dẫn chứng bằng tư liệu về sự “trở thành” của chủ nghĩa cá nhân và sự tha hóa. Điển hình cho sự lựa chọn ấy là cách ông định vị, dựa vào môn dân tộc chí về châu Úc, một bên là mối quan hệ giữa việc chiếm hữu vũ khí và công cụ làm của riêng ở xã hội săn bắt hái lượm, và một bên là trạng thái cảm xúc bẩm sinh của tính vị kỷ. Luận điểm của ông tương tự như luận điểm của Rousseau trong Luận văn về nguồn gốc của sự bất bình đẳng, nhưng giai đoạn ông nghiên cứu là giai đoạn trước khi xuất hiện việc một ai đó rào chắn một mảnh đất lại và tuyên bố chiếm hữu làm lãnh thổ của riêng, như vậy là trước khi nông nghiệp ra đời. Ở giai đoạn này tính phản tư (reflexivity) bắt đầu bằng lòng kiêu hãnh và sự thần thánh hóa các công cụ của mình, và tính vị kỷ đối ứng với nó một cách huyền bí. Bổ sung cho luận điểm buộc tội của Rousseau đối cho người đầu tiên đã rào kín một mảnh đất để chiếm làm của riêng, Thảo có một chú giải cho thấy ở người này một thái độ tự mãn ngất ngây nhiều hơn là sự lừa dối, một sự tự cho phép mình thỏa hiệp theo cách nào đó, thái độ này đã tồn tại dai dẳng trong suốt sự phát triển của loài người, từ các bộ tộc nguyên thủy đến các xã hội kinh tế phức tạp. Mỗi bước đi trong lịch sử của sự tha hóa đều song hành với một sự thỏa mãn đem lại sự mê hoặc bí ẩn, một sự thương thảo bồi hoàn cho sự tha hóa. Ở phần sau, khi tập trung vào Ai Cập, Thảo đã tăng cường tính liên kết giữa những thiết chế pháp lý, những quy điều tín ngưỡng và những lế hiến sinh như mới được nghiên cứu bởi một nhà sử học người Bỉ, J. Pirenne. Hai thành tố này bây giờ đã làm phong phú cho phả hệ của ý thức: tính đa bội của những hình ảnh, đồ vật, những bức bích họa, điêu khắc, trước tác, những nghi thức mai táng qua đó tạo ra một mối quan hệ phức tạp với thế giới bên kia, và một ý thức bù đắp trong nghi lễ mà mọi người đều dự phần. Hai thành tố này cũng được cụ thể hóa thành những định chế ở trong cảm thức về nghĩa vụ và tập tục đặc trưng về sự trao đổi lễ vật với những thần linh cai quản các sức mạnh tự nhiên [tức sự cúng tế]. Thảo thấy Pirenne đã tăng cường một mắt xích ở khái niệm về một ý thức hiện thực liên kết con người, nghĩa vụ, cống nạp, cung ứng và vật phẩm. Những thiết chế này là bước chuẩn bị cho sự phát triển của quyền sở hữu ở trong các xã hội phong kiến, tư sản và công nghiệp, và cách thức mà ý thức thương thảo về sự phục tùng của nó. Ngày nay người ta có lẽ gặp phải một chút lúng túng khi đọc sự tổng quan lịch sử táo bạo này của Thảo. Tuy vậy, sự tổng quan này đòi hỏi phải được nghiên cứu nhiều, hơn là người đọc chỉ giữ thái độ thận trọng khoa học đối với những nhược điểm hiển nhiên về chuyên môn. Thảo đã hòa điệu với những yêu cầu mới mẻ của việc dẫn chứng bằng tư liệu trong môn xã hội học: các nhà dân tộc chí nghiên cứu về châu Úc mà ông đề cập là những học trò của Durkheim. Marcel Mauss [Xem: Marcel Mauss, Luận về biếu tặng (1925) - Hình thức và lý do của sự trao đổi trong các xã hội cổ sơ, bản dịch của Nguyễn Tùng, NXB Tri thức, 2011, 2012]. đã gắn hiện tượng trao đổi, thậm chí sự trao đổi đã đi tới sự xung đột như ở tập tục potlatch của người Da đỏ ở vùng Bắc Mỹ, với quá trình của sự thừa nhận lẫn nhau. Pirenne đã mở ra một chương về Ai Cập trong lĩnh vực nghiên cứu về lịch sử các thiết chế cổ xưa vốn cũng được Louis Gernet ở Pháp mở mang qua những công trình nghiên cứu về các thiết chế pháp lý ở Hi Lạp thời tiền-cổ đại và cổ đại. Họ đã mở đường cho cách tiếp cận của Fernand Braudel khi nghiên cứu các tập tục trao đổi ở thế giới Địa Trung Hải. Braudel định nghĩa cả một mạng lưới xã hội cùng với một thời gian dài và một kỷ nguyên địa lý đòi hỏi phải có một cách tiếp cận “dài hạn” (longue durée) trong nghiên cứu lịch sử, hầu như dựa trên cơ sở của môn nhân học, thích hợp hơn với việc nắm bắt được những thay đổi kinh tế và xã hội so với việc chỉ nắm bắt một lịch sử dân tộc cục bộ. Cách tiếp cận này cũng đem lại cơ sở lịch sử về cách thức con người sống và duy trì những sở thích trong lối sống của mình. Những ví dụ rải rác mà Thảo tham khảo đã giới thiệu những tư liệu mới mẻ hướng ra bên ngoài thế giới phương Tây. Những tư liệu mới mẻ này giúp làm sáng tỏ những thể cách phức tạp của ý thức liên quan đến những thiết chế vốn đã định hình từ lâu những trí tuệ cá nhân. Một lần nữa, cái ego có tính bản thể kiểu Descartes chỉ là một giai đoạn ở trong phạm vi triết học Tây phương mà thôi. Lịch sử quét sạch mọi thứ, nhưng cái đầu tiên néo nó lại là tính chủ thể ở trong cái hiện tại sống động, một khái niệm Thảo mượn của Husserl và bàn khá dài về nó. Ông dành một cước chú dài khác thường cho một trường hợp cốt yếu: khi mỗi khoảnh khắc của một biến cố trôi qua nó được ghi lại (inscription) và còn được lưu giữ (retention) ở trong ý thức [ý thức cụ thể hay là một hình thái ý thức], qua đó nó kết nối với cuộc sống, với sự “mã hóa” cá nhân, tức sự vượt bỏ và thông tin (Aufhebung and information), trước khi có bất kỳ sự quy định rõ nào bằng ngôn ngữ công khai. Sự xuất hiện của tính người này không đòi hỏi phải có bất kỳ “người đầu tiên” nào quy định rõ ra cái ở đây và bây giờ. Nó được đồng nhất hóa với tiến trình biện chứng đầu tiên, tức việc chuyển đổi kiện tính (factuality) thành sự lưu lại dưới dạng ký ức (tinh thần). Ở chỗ này Thảo loại bỏ hoàn toàn sự phân tích của Husserl về ý thức thời gian khỏi mọi sự định hình ngôn ngữ, nhất là những gì thừa hưởng từ sự quy định về thời gian trong các hình thái ngữ pháp của tiếng Hy Lạp về quá khứ hoàn thành (past perfect) hoàn toàn xác định, và tương lai bất định mà Husserl đã đổi tên bằng những từ ngữ tâm lý học (sự lưu giữ (retention) và sự dự đoán (anticipation)) - Thảo coi thao tác này của ý thức là một tiến trình vật chất tới ngưỡng (liminal) của việc ghi nhận thành ký ức (registration) và tiến trình phủ định biện chứng tối thiểu đồng thời bảo lưu cái bị phủ định, tức một cái “ngưỡng” trước khi có bất kỳ sự diễn đạt nào bằng lời nói, bằng chữ viết hay hình vẽ, tức trước khi có ý thức người. Sự chủ thể hóa (subjectivation) được tự nhiên hóa (naturalized), tiến trình biện chứng của nó có trước từ lâu sự xung đột giữa chủ và nô, và điều này phủ nhận cách lý giải duy tâm của Kojève về phép biện chứng của Hegel. Trên cây cầu của ý thức bắc qua lịch sử này, các bước đi trải dài của nó giữ lại cái gì đó thuộc về những cột mốc quan trọng của Hegel cũng như những điểm mốc của Marx, Thảo chú ý tới các nhà biện sĩ của Hi Lạp cổ đại, mối quan tâm của họ dành cho lập luận cá nhân xét như là một đối thủ của triết học chính trị của thành quốc Athens. Sự khôi phục đáng lưu ý này được khởi đầu bởi Brochard cách đây một vài thập niên, sau đó được đưa vào chương trình giảng dạy về Lịch sử triết học Hy Lạp cổ đại - dù sao như thế cũng tốt hơn chúng ta nghĩ. Chuyện này xảy ra khi mối quan tâm ngày càng tăng được dành cho các tầng ngôn ngữ (layers of language) và các quá trình căn bản của ngôn ngữ, nơi khai sinh của phép biện chứng. Do đó chúng ta không thể bỏ qua những gì Plato đã vặn lại một biện sĩ phô trương kiến thức khi người này tuyên bố là tự mình đã làm ra mọi thứ mình đang sở hữu: quần áo, thắt lưng và giày, mọi hàng hóa anh ta dùng và kỹ năng hùng biện của chính anh ta. Plato đã mỉa mai bác lại: Anh học tiếng Hy Lạp từ ai? Khi nói vậy, Plato ngụ ý muốn nói rằng mỗi ngôn ngữ, là cơ sở cho ý thức và sự trao đổi, được gắn chặt ở trong những từ ngữ cụ thể, được bổ sung những sự qui định về cú pháp, là một tài sản chung, được truyền thừa như một di sản, tạo ra sự tiếp xúc mạnh mẽ với thế giới bằng những đơn vị thông tin làm trung gian cho những mối quan hệ với người khác - và với chính mình. Chúng ta cũng có thể nhắc tới sự phản bác của Wittgenstein về mọi ngôn ngữ riêng tư. Vấn đề cốt lõi của ngôn ngữ giữ vị trí nổi bật rõ ràng trong những trước tác sau này của Thảo, mặc dù ông không có đầy đủ cơ hội để chứng minh lời phát biểu của mình tại thời điểm ông hoàn toàn thiếu sự tiếp xúc với sự phát triển của môn nhân học và những nghiên cứu ngôn ngữ học. Ông có nhắc đến Saussure trong một bài báo đăng trên tạp chí của Pháp năm 1974, De la phénoménologie à la dialectique matérialiste de la conscience (1974)/Từ hiện tượng học tới phép biện chứng duy vật về ý thức. Trong bài báo này Thảo đã xác nhận sự phê phán của mình ở giai đoạn trước đó về tính ý hướng (intentionality), đưa ra một bước đi mới mẻ nhằm mở rộng tiến trình biện chứng sang ngay chính cơ cấu của ngôn ngữ, ưu tiên cho sự trao đổi, cho rằng một sự gắn chặt vào lịch sử phải được giải thích như một sự gắn chặt vào lịch sử nói chung. Bài báo cũng dẫn chứng tư liệu theo cách mới mẻ, phong phú bằng những phương tiện gián tiếp: động tác dùng bàn tay để chỉ trỏ thay vì cầm nắm, một năng lực điển hình ở con người, nhờ đó tính vật chất của đối tượng được chuyển hóa thành tính vật chất của thông tin, được thay đổi để cho phù hợp với tâm trạng khi đưa ra sự cảnh báo, khi bày tỏ sự ưa thích, nghĩa vụ - cái cơ cấu nằm bên dưới mọi phát biểu và bên dưới mọi trường hợp của sự trao đổi hay sự sản sinh ra pháp luật. Cũng mối quan tâm tới ngôn ngữ đã khuyến khích Thảo biện hộ cho kiệt tác của văn học và thơ ca Việt Nam là Truyện Kiều của Nguyễn Du. Sự đặt cược ở đây là đề cao việc sáng tạo thi ca mà Thảo nghĩ là có ý nghĩa quan trọng hơn nội dung của cốt truyện gây tranh cãi xảy ra ở Trung Hoa thời phong kiến. Chẳng ai nghe Thảo cả. Ngày nay việc ngày càng nhấn mạnh nhiều hơn tới ngôn ngữ trung gian (mediating language) đã bỏ lại ở một khoảng cách xa hướng đi trực tiếp táo bạo duy tiến hóa luận trong luận điểm cũ của ông, khi đó, để chống lại tính chủ thể của mọi kinh nghiệm hiện tượng học, ông đã thẳng thừng nâng cao giá trị cho nội dung khách quan xét như là nội dung nói chung. Điều này chứng minh cho việc sau này trong tiểu sử tự thuật của mình (1992), ông đã tuyên bố rằng đã xét lại dự phóng ban đầu của mình: “phần hai của Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng kết thúc trong ngõ cụt mà tôi hi vọng sẽ vượt qua được nhờ cuộc cách mạng Việt Nam”. Sau khi trở về Việt Nam, Thảo được giao một vị trí ở Đại học, ví trí ấy không chỉ đơn thuần là dạy học. Ông có nhiệm vụ chuyển giao hiểu biết của mình sang tiếng Việt vì lẽ ông có sự hiểu biết cặn kẽ có phê phán về hiện tượng học và cá nhân ông là người nhiệt tình với phép biện chứng mác-xít. Đây là nhiệm vụ trước mắt, công việc chính của ông là tìm hiểu tiến trình biện chứng mà trước đó ông đã nhận dạng ra nó dọc theo một tiến trình văn hóa mà ông đã có được một số thức nhận về nhân học ở trong đó. Tiến trình văn hóa ấy sớm bị phân tán đi trong nhiều phương tiện truyền thông khác nhau, mở ra những tra vấn chưa được khép lại. Như vậy, mọi văn hóa trước khi có chữ viết và có chữ viết đều có thể được làm cho phù hợp với truyền thống sáng tác lâu đời của châu Á cũng những phương án lựa chọn của phương Tây. Như Thảo vẫn nhấn mạnh, sự tha hóa diễn ra qua những phương thức của nhận thức và ý thức. Sự tha hóa cũng chính là việc khẳng định sự chiếm hữu của một cái Tôi-tư duy (cogito), mỗi bước đi tự nó đều có nguy cơ tha hóa. Tuy vậy, cũng như sự trao đổi luân phiên vị trí giữa chủ/nô, sự tha hóa được mỗi cá nhân nhận biết như là tốt hơn sự bị tước đoạt. Đối với Thảo, một nhà triết học biện chứng duy vật chủ nghĩa thì bằng chứng này không thể bị bỏ qua trong lịch sử của ý thức. Dựa vào bằng chứng này, giờ đây Thảo giả định về một sự tha hóa ở trong lịch sử của ngôn ngữ và sự truyền thông như là xảy ra đồng thời với sự “trở thành” của người - khái niệm của ngôn ngữ được mở rộng ra đến đâu thì nó cũng được mở rộng ra đến đó. Đến đây, ý tưởng về một ngôn ngữ triết học với những kích thước cú pháp thích hợp với thuyết duy thực mà nó mong muốn trong suốt quá trình tiến bộ của chủ thể tính đã tỏ ra là một thời đoạn của triết học châu Âu đã được biến đổi đi qua triết học Descartes, Galilei, thời Khai minh, triết học siêu nghiệm Đức, mà triết học hiện sinh theo hướng biện chứng không thể cố tình bỏ qua ngõ cụt của mình. Tham vọng kết nối từng bước quá trình phát triển lịch sử-văn hóa lâu dài với quá trình của ý thức và ngôn ngữ đã tỏ ra là một sự thách thức bất khả thi. Dịch thuật đã trở thành một câu hỏi ngôn ngữ học hàng đầu, đi vào việc chuyển tải những khái niệm Tây phương vào một ngôn ngữ mà tính phân tiết khái niệm vẫn còn chưa xóa hết được quá khứ của nó, đó là quá khứ của tiếng Hán (sinogramme) như là loại hình ngôn ngữ đơn lập đặc thù. Thảo bị đẩy ngược trở lại với nhiệm vụ không dễ dàng mà ông chưa được chuẩn bị, tức diễn đạt những luận điểm mác-xít bằng một tiếng Việt học thuật vẫn còn đang chờ đợi được sáng tạo nên. Như vậy, Thảo đã liên tục vấp phải trở ngại ngôn ngữ và việc sử dụng ngôn ngữ ở mọi thời kỳ trong sự nghiệp triết học, chính trị và công dân của mình. Trải nghiệm này bắt đầu tại Pháp khi ông phải chuyển nghĩa chữ Aufhebung theo cách hiểu hiện thực về chữ này theo hướng duy vật-mác-xít, dựa theo lập trường nhân học của Thảo, sang tiếng Pháp triết học, nghĩa là sang ngôn ngữ của Descartes đã được tạo ra ở thời đoạn của triết học Galilei. Trong Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng, Thảo đã đối diện một nhiệm vụ mà Kojève, Queneau, Sartre và Merleau-Ponty cũng gặp phải, nhưng Thảo đã chia vấn đề ra làm hai phần. Phần thứ nhất là “dọn sạch mặt bằng” - sau khi Cavaillès là người đã truất bỏ một ngôn ngữ vị từ cổ điển mà Husserl đã cực kỳ ca tụng, ngay khi ông [Cavaillès] xem xét đến những hình thái trí tuệ mới mẻ được ông lấy dẫn chứng ở trong môn toán học. Phần thứ hai, đi theo mạch nguồn nhân học, tức là thử (với sự thành công hạn chế như Thảo đã ghi nhận) phục hồi lại một nguồn mạch nhân học, khảo sát cặn kẽ sự tiếp cận của cá nhân với ngôn ngữ và sự khách thể hóa sau đó thành hình ảnh, chữ viết, thể chế và luật pháp. Vì thế mới có một chú thích dài về cách dịch gần sát chữ Aufhebung của Hegel thành hiện tại sống động (living present). Chú thích này thực ra là hướng tới phần hai của cuốn sách trong khi ông đọc “ngang thớ” Những bài giảng về ý thức về thời gian bên trong của Husserl vốn gắn liền một cách minh nhiên với những lựa chọn về một văn cảnh ngữ pháp tiếng Hy Lạp cổ đại. Sau khi trở về Việt Nam, ông tập trung vào việc “viết ra” lòng tin vững chắc của mình vào phép biện chứng, bằng một thứ tiếng Việt được tạo ra hoàn toàn mới, thoát khỏi hậu cảnh Trung Hoa của những thuật ngữ liên quan đến các khái niệm. Hiệu quả hiện thực của mọi sự chuyển giao triết học (philosophical transfer) vượt lên trên sự dịch thuật hay sự truyền tải đơn thuần, ngay sau khi đã ước định được các điều kiện của sự chuyển giao một cách rõ ràng. Điều kiện đầu tiên là mang tính tổng quát. Như Philippe Papin đã nhận xét, sự thành công của mọi sự chuyển giao không chỉ được đo ở việc tiếp nhận về mặt sự kiện mà còn được đo ở việc nó đáp ứng những nhu cầu và đòi hỏi đang được bàn tới, ở việc nó thúc đẩy những khả năng tiềm tàng nào đó của ngôn ngữ tiếp nhận qua đó làm cho sự chuyển giao ấy có đủ tư cách và khuyến khích nó xuất hiện ra. Như vậy, sự tiếp nhận và những tác động do sự tiếp nhận giải phóng ra là một sự trắc nghiệm cho sự chuyển giao. Điều kiện thứ hai là có tính đặc thù đối với nước Pháp những năm 1940. Tính hấp dẫn đầy nghi vấn của Hiện tượng học Husserl lại càng hấp dẫn hơn ở việc nó cạnh tranh với triết học duy tâm Hegel, đã dọn đường cho sự thoát khỏi di sản triết học của thành Alexandria [sự ảnh hưởng của triết học Hy Lạp cổ đại] như được chuyển tiếp qua sự lựa chọn lôgíc học của Kant. Sự chuyển giao phép biện chứng này, dù của Hegel hay của Marx, đã thẩm định được tính chất liệu của ngôn ngữ nhưng vẫn không thể thoát khỏi việc thực nghiệm để làm cho nó có thể hiểu được, khi áp dụng vào sự truyền thông đang hiện hữu với những phương tiện, yêu cầu và khao khát của nó. Mấy năm trước, Benjamin đã giải thích việc dịch Baudelaire, mà bản thân ông đã từng thử nghiệm, đã đưa vào ngôn ngữ tiếp nhận nó ra sao một sự trải nghiệm mà bản thân nó không có. Nó mở đầu cho một phong trào của chủ nghĩa hiện đại mà chúng ta hiện vẫn chưa và sẽ không bao giờ kết thúc với nó. Song, Benjamin trong tiểu luận của mình vẫn chưa xem xét câu hỏi sâu xa của việc dịch những cú pháp then chốt mang tính đổi mới [Xem: Walter Benjamin: Die Aufgabe des Übersetzers/Nhiệm vụ của dịch giả, trong Tập hợp tác phẩm (Gesammelte Schriften), tập IV/1, tr. 9-21. Frankfurt/M 1972, bản dịch tiếng Anh: “The Task of the Translator” (Introduction to a Baudelaire translation, 1923), translated by Harry Zohn, 1968 (Nhđ)]. Đối diện những thách thức ngày hôm nay: Năm 1950, năm đó Thảo vẫn còn sống tại Paris, Thảo đã cho xuất bản một cuốn sách mỏng bằng tiếng Việt có đầu đề: Triết lý đã đi đến đâu?, đây quả thực là một câu hỏi thỉnh thoảng lại được lặp lại. Cavaillès và Merleau-Ponty đã đối diện với việc “làm giàu có thêm” ý thức và ngôn ngữ xét như một quá trình sáng tạo vẫn còn bị bỏ qua, Cavaillès đi theo hướng nghiên cứu về toán học hiện đại, còn Merleau-Ponty thì theo hướng nghiên cứu các sản phẩm hình ảnh, văn học, hội họa và điện ảnh. Hai người đã mở đường đi từ hành vi tri giác tới sản phẩm trung gian của ham muốn tiếp cận hiện thực, như Merleau-Ponty đã giải thích trong tiểu luận cuối cùng của ông là The Eye and the Mind [Con mắt và trí tuệ] (1961). Hướng nghiên cứu hay công trình nghiên cứu này đã được phát triển trong những thập niên sau đó; trong triết học thì ưu tiên cho câu hỏi luôn “bỏ ngỏ” về duy thực luận (realism) thay cho sự diễn đạt chung quyết bằng một ngôn ngữ mệnh đề mà sự trắc nghiệm của nó là đúng/sai. Mối quan tâm của triết học được chuyển từ mô tả hiện tượng học sang trách nhiệm tạo ra và sử dụng các ngôn ngữ đa dạng. Cho phép tôi kết luận bằng một vài nhận xét cuối cùng về những hệ lụy của yêu cầu đòi hỏi của duy thực luận đã tác động tới ngay chính việc tạo ra ngôn ngữ, những hệ lụy từ khuôn khổ mang tính “tuyên bố” và “mệnh đề” đầy hấp dẫn của ngôn ngữ. Đây là vấn đề chung của cả ba nhà triết học mà tôi vừa nêu. Theo Thảo thì tiến trình biện chứng không phải là được cấy ghép thêm vào một ngôn ngữ có sẵn; nó đã là ý thức nằm bên dưới tiến trình ấy và bên dưới ngôn ngữ xét như một quá trình sống động, hiện thực, liên tục tái khởi đầu của việc chọn lọc và bảo tồn những gì là tất yếu cho sự sống, gắn liền với những sự nhận ra lần đầu tiên đem lại sự hãnh diện và tính tự ngã. Hệ quả rắc rối của nó là tiến trình khởi đầu này lại là một bước tiến trực tiếp đến sự tha hóa. Thảo đã bỏ dở một công trình triết học ở tại chính điểm này để can thiệp vào hiện tại lịch sử. Nếu can thiệp vào đó, ông buộc phải coi lịch sử như là sự bện xoắn của muôn vàn sợi chỉ ở đó sự tha hóa là sợi chỉ hiển nhiên nhất. Tình thế khó xử thấy rõ nhất là những lịch sử khác nhau, tiến trình của các sự kiện, con người với tư cách loài là kẻ làm ra tính khách quan, và chủ nghĩa duy thực mà mỗi ý thức cá nhân luôn đòi hỏi, lại không có chung tiết điệu. Chúng hầu như không gặp nhau ở trong bất cứ tính khái niệm tương đồng nào. Vào những năm 1940, và thông qua Cavaillès và Merleau-Ponty, chính khái niệm lịch sử xét như là hậu cảnh và sự vận động toàn cầu đã bị giáng cấp - từ chỗ là một tiến trình khách quan nối kết thế giới, thành một nhiệm vụ hoàn toàn bất khả thi là viết dưới dạng ngụy trang bằng câu chuyện kể. Lịch sử cũng từ bỏ địa vị của một lực lượng xã hội bùng phát lên từ những sức mạnh tự nhiên. Những câu hỏi trước mắt là sự hình thành các tầng lịch sử, sự xác định giới hạn các giai đoạn lịch sử có ý nghĩa để đưa ra nghiên cứu. Đó là những hệ quả hậu-chiến của trường phái nghiên cứu lịch sử Annals ở Pháp [trong đó có Braidel được nói tới ở trên trở về trước]. Hướng nghiên cứu lịch sử mới mẻ này gạt sang một bên sự mong muốn tham gia vào những gì đang xảy ra, nhường việc này cho những bài xã luận, tiểu luận (xem L’étrange défaite [Thất bại kỳ lạ] của Marc Bloch), tiểu thuyết (xem La route des Flandres [Con đường xứ Flandre] của Claude Simon hoặc Un Balcon en forêt [Một bao lơn trong rừng] của Julien Gracq) hoặc điện ảnh (xem Nuit et brouillard [Đêm và sương mù). Một lần nữa chúng ta lại bị đẩy ngược trở lại với dự phóng của Cavaillès là biên soạn một tuyển tập tiểu luận dành riêng cho các môn khoa học nhân văn, điều mà Merleau-Ponty đã thử tích nhập vào Hiện tượng học tri giác rồi sau đó được thăm dò. Bản thân cuộc đời của Cavaillès cũng đã là một sự thực nghiệm bất ngờ những tiết điệu của lịch sử. Khi ở trong tù, ông đã viết về sự sản sinh ra tính khả niệm của môn toán học và nhịp điệu và động cơ nhân học chậm rãi của nó. Khi ông hằng ngày đem mạng sống của mình ra đặt cược, khi ông tham gia phong trào Kháng chiến. Bản chất đích thực của các môn khoa học nhân văn bao hàm tính đa dạng này của các vấn đề đang được đưa lên bàn nghị sự. Nhận thức triết học không thể thoát khỏi việc phải đối diện với những nấc thang khác nhau và tính ngẫu nhiên nào đó ở trong những sự nhập cuộc gắn chặt nhất với những sự cam kết hiện thực và hiện sinh. Trong quyển Những cuộc phiêu lưu của phép biện chứng (Adventures of Dialectics) (1954) Merleau Ponty đã có một phát biểu và cũng là một lời cảnh báo dành cho Sartre: Chúng ta mới chỉ đang bắt đầu hiểu về cái “có tính xã hội” là gì - và ngôn ngữ là có tính xã hội. Sau hơn một thế kỷ, phép biện chứng Hegel/Marx tỏ ra là một quá trình ta phải dấn thân vào đó hơn là nó có thể được nhận thức bằng khái niệm, dù là biện chứng Hegel hay theo là biện chứng duy vật hoặc ngược lại. Levi-Strauss trong chương cuối của quyển Tư duy hoang dã (1962) (La Pensée sauvage) trong khi trả lời Sartre đã xác nhận lời cảnh báo trên. Sartre đã cáo buộc nhà nhân chủng học này vì chỉ chú tâm vào phân tích, minh giải những biểu tượng, Levi Strauss đã vặn lại rằng một bước ngoặt biện chứng gián tiếp là nằm trong bản chất của mọi sự minh giải những hình thái sáng tạo [các bộ môn] và các hình thái nhận thức, tức đó là nơi tiếp nhận và môi trường trung giới của thông tin. Ngày nay không ai phản đối việc đó là con đường chúng ta rút ra những tài nguyên cho mình từ những gì không thuộc con người và là cách thức chúng ta kiến tạo nên “hình thể” cho những mối quan hệ xã hội của mình. Những “biến số” không thể bị loại trừ này của sự trao đổi của con người với môi trường, qua rất nhiều trung gian của môn nhân học, xã hội, khoa học diễn ra song song và định hình nên những mối quan hệ của chúng ta với tự nhiên và giữa chúng ta với nhau, đã làm suy yếu một cách tuyệt đối nền tảng của thuyết siêu nghiệm cũng như mọi cương lĩnh biện chứng muốn bao trùm lên tất cả. Một nhận thức như vậy sẽ không bao giờ còn hòa hợp trở lại với triết học cổ điển, với khoa học kiểu Newton hay sự minh nhiên kiểu Descartre [hay là sự “không còn hoài nghi”]. Giờ đây chúng ta e rằng phẩm cách “biện chứng” vốn là ngôn ngữ thông thường đối với thế hệ những nhà triết học trong một hoặc hai thập niên vừa qua thì nay có thể chỉ là một sự lựa chọn thứ hai sau sự lựa chọn tốt nhất. Do đó một điều kiện cho mọi sự đi đến một nhận thức triết học là nhận thức đầy đủ về sự tiếp cận, hiển nhiên là gián tiếp song cách nào đó là phức tạp, vào hiện tại của chính nó. Vì lẽ đó, cần thiết phải xem xét tính đa tạp của những ngôn ngữ giàu thông tin và ý nghĩa nhất là một nhiệm vụ của chủ nghĩa hiện đại. Ngôn ngữ triết học bác bỏ bất kỳ một sự tổng hợp mang tính đỉnh cao nào, bằng chứng về một sự sản sinh riêng biệt ra những ngôn ngữ trung gian với tiết điệu và lịch sử đặc thù của chúng, là thừa nhận rằng ta chỉ có một kết luận nhất thời mà thôi. Chúng ta nên chấp nhận Khai minh là một công cuộc sản sinh phi tập trung hóa, hàm ý là mọi sự chuyển giao và dịch thuật chắc chắn là có ích, song không sự dịch thuật hay chuyển giao đơn thuần nào có thể được thực hiện trọn vẹn và tối hậu. Ngày nay đây là một tiến trình mang tính cá nhân cũng như xã hội, là cái mà không một sự đánh giá văn hóa hay yêu sách về bản sắc nào có thể cho phép bỏ qua. Claude Imbert, Đại học Sư phạm Cao cấp Paris Phạm Anh Tuấn dịch |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC