Tư tưởng Việt Nam

Nho giáo và tình trạng hòa đồng với Phật giáo và Đạo giáo

NHO GIÁO VÀ TÌNH TRẠNG HÒA ĐỒNG
 
VỚI PHẬT GIÁO VÀ ĐẠO GIÁO
 
 
TRẦN ĐÌNH HƯỢU (1927-1995)
 


 

 

 

Có ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống tinh thần ở Việt Nam trước đây là ba học thuyết tôn giáo Nho, Phật, Đạo, thường gọi là Tam giáo. Nho và Đạo ra đời ở Trung Quốc, từ đó trực tiếp truyền vào nước ta. Còn Phật giáo ra đời ở Ấn Độ, đầu tiên theo đường biển phía Nam, sau theo cả đường bộ phía Tây mà vào, từ rất sớm Luy Lâu (Thuận Thành – Hà Bắc) đã thành một trung tâm Phật giáo lớn, nhưng từ thế kỷ thứ VII lại gắn bó chặt chẽ với Phật giáo Trung Quốc chuyển theo xu hướng Thiền tông, kết hợp với nhiều yếu tố Tĩnh độ và Mật giáo. Tam giáo cùng tồn tại, ít xung khắc mà thường khi lại kết hợp với nhau. Trong đó Nho giáo giữ địa vị chi phối nhiều mặt.
 
Nho giáo do Khổng Tử (551-479 tr. C.N.) mở đầu. Cũng giống tình hình chung ở các nước Đông Á khác, chi phái Nho giáo có ảnh hưởng lớn là chi phái của Mạnh Tử (372-289 tr.C.N). Nho giáo vì vậy cũng gọi là học thuyết Khổng Mạnh. Từ thế kỷ thứ II đời Hán tư tưởng Khổng Mạnh đã được truyền bá vào Việt Nam. Nhưng mãi đến thế kỷ XIV-XV, nó mới có ảnh hưởng lớn.
 
Nho giáo là một học thuyết đạo đức-chính trị, khuyên con người không nên lo nghĩ, bàn bạc về những chuyện cao xa ở kiếp sau, ở thế giới bên kia, mà nên quan tâm đến sự sống, đến cuộc đời hiện thế. Nó chủ trương con người có trách nhiệm, thương yêu con người và vì đời, cứu đời. Mối lo lắng của họ là xã hội loạn ly do con người tham lam, chạy theo dục vọng gây ra tranh giành, kiện tụng, chiến tranh. Phương sách cứu đời của Nho giáo là xây dựng một xã hội hòa mục, ổn định, trật tự giống như một gia đình êm ấm cha từ, con hiền, anh em, vợ chồng thuận hòa, trên thương dưới và dưới nghe trên. Trật tự trên dưới thuận hòa như vậy, theo Nho giáo là biểu hiện của Đạo lý trong trời đất. Cho nên không chỉ cần làm cho trật tự đó ngự trị trong gia đình mà còn cần cho nó ngự trị cả trong xã hội, trong quan hệ giữa mọi người, trong quan hệ với nhà nước. Trong phạm vi xã hội trật tự trên dưới được thiết lập theo quan hệ họ hàng thân sơ, theo tuổi tác lớn nhỏ, theo tước vị cao thấp. Đứng đầu mọi dãy trật tự là thiên tử. Thiên tử hay hoàng đế vừa là chúa, vừa là cha, là thầy của mọi người. Thiên tử hay vua đối với dân cũng như cha đối với con, có trách nhiệm thương yêu, chăm lo nuôi nấng, dạy dỗ. Mà dân đối với vua cũng như con đối với cha, có trách nhiệm thương yêu, phục tùng, biết ơn và lo báo đáp với tấm lòng trung nghĩa. Làm cơ sở cho xã hội tốt đẹp là những gia đình êm ấm, là làng nước có trật tự trên dưới phân minh, là quốc gia thống nhất vào ngôi vua chính thống. Vua sắp xếp cho thần dân mỗi người có phận vị rõ ràng và thần dân theo phận vị mà sống, ăn mặc nói năng, hành động theo lễ quy định. Để đạt đến xã hội lý tưởng như vậy, mọi người từ thiên tử đến dân thường đều phải lo tu dưỡng đạo đức. Nhà nước phải quan tâm hàng đầu đến việc giáo hóa, dạy dỗ cho mọi người sống theo đạo đức nhân nghĩa, trung hiếu, lễ nhượng, yên phận, yên mệnh. Trị nước, trị dân tức là công việc của người làm vua, làm quan, theo Nho giáo, chính là công việc của kẻ làm cha mẹ dân: tu thân và treo gương, thương yêu và chăm lo cho dân, giáo hóa cho dân giữ cương thường, đặt lên hàng đầu việc dùng đức, dùng lễ nhạc để giáo hóa chứ không phải dùng pháp luật, thưởng phạt để cưỡng chế.
 
Nho giáo chủ trương xây dựng một đất nước thống nhất, một chính quyền tập trung, một xã hội trật tự từ xóm làng đến triều đình. Cho nên các triều đại phong kiến Việt Nam sau những chiến thắng oanh liệt đối với quân Tống (thế kỷ XI), quân Nguyên (thế kỷ XIII), quân Minh (thế kỷ XV) đứng trước lãnh thổ rộng lớn thu về trong tay với nền độc lập vững vàng và trước nhiệm vụ sẵn sàng chống ngoại xâm từ Trung Quốc ở phương Bắc và cả từ Chiêm Thành ở phương Nam, đều có ý thức lựa chọn Nho giáo làm quốc giáo. Từ đời Lý đã lập Văn Miếu, lập Quốc tử giám (1070) tổ chức thi cử (1076) mở đầu cho việc để cao Nho giáo, tổ chức giáo dục và khoa cử theo Nho học.
 
Từ đó về sau, Nho học càng ngày càng phát đạt. Những người theo Nho học, đậu đạt trong các kỳ thi được giao cho nắm giữ hầu hết các chức vụ quan trọng trong chính quyền. Nhất là từ thế kỷ XV, khi Nho giáo thành độc tôn, khoa thi mở đều đặn, người đi học càng ngày càng đông từ kinh đô cho đến tận thôn xóm hẻo lánh. Chỉ tính cho đến cuối thế kỷ XVIII đã có 2335 người đậu Tiến sỹ, trong đó có 30 Trạng nguyên, chỉ hơn 30 năm thời Lê Thánh Tông đã có đến 501 Tiến sỹ, 9 Trạng Nguyên. Nho giáo được lựa chọn vì lý do chính trị và phát triển sâu rộng nhờ chế độ giáo dục và khoa cử của nhà nước. Nho học chiếm lĩnh đời sống tinh thần. Tư tưởng Khổng Mạnh, kinh truyện Nho giáo, theo cách chú giải của Chu Hy (1130-1200) được sùng bái, coi là chuẩn mực của mọi tư duy, ngôn luận và hoạt động học thuật, nghệ thuật. Tuy Nho học thịnh vượng, có nhiều nhà nho và nhiều danh nho như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Võ trường Toản… nhưng nhà nho Việt Nam thường không câu nệ mù quáng theo lý thuyết Nho giáo. Không ai chuyên về tư tưởng triết học hay nghĩa lý Kinh học. Cả các danh nho cũng là những nhà thơ, họ viết văn, viết sử, dạy học. Về cách sống cách suy nghĩ họ gần với các nhà nho nghệ sỹ như Hàn Dũ, Tô Đông Pha hơn là với các nhà tư tưởng như Chu Hy, Đổng Trọng Thư. Cốt cách nghệ sỹ đó làm đa số nhà nho Việt Nam dễ tiếp nhận tư tưởng Phật giáo, tư tưởng Đạo gia là những học thuyết giúp họ sống tự do tự tại, phóng khoáng hòa với thiên nhiên, gần gũi nhân dân thôn xóm. Trong triết lý sống họ có thích thú Lão Trang và Phật thì cũng rất ít người trong đám trí thức đó có hứng thú với triết lý giải thoát, xuất thế của Phật, Đạo.
 
Thái độ hòa đồng, khoan dung, ít câu nệ về tư tưởng, tôn giáo như vậy cũng lại biểu hiện trong nhân dân nhưng theo một cách khác. Người Việt Nam thờ cúng tổ tiên, ứng xử trong các quan hệ với gia đình, họ hàng, xóm giềng, với vua quan theo những chuẩn mực lễ nghĩa Nho giáo. Nhưng họ cũng thờ Phật, thờ Thần, cầu cúng ở đạo quán. Nói chung họ sống theo quan niệm thương người, làm việc thiện, tôn trọng kỷ cương. Có chăm lo làm việc thiện, cứu giúp người thì cũng không phải để thành Phật, thành Tiên gì.
 
Giữa ba học thuyết tôn giáo đều có ảnh hưởng, ít nhiều có khác nhau theo từng vùng, từng tầng lớp xã hội, Nho giáo bám chắc vào cơ chế chính trị-xã hội, vào chế độ giáo dục khoa cử, vào từng lớp trí thức làm chủ học thuật văn hóa nên có ảnh hưởng sâu sắc nhất.
 
Do ảnh hưởng Nho giáo, một mặt nhà nước phong kiến Việt Nam đã quan tâm nhiều đến mở mang giáo dục, chú ý đào tạo nhân tài, sưu tầm và biên soạn sử sách; mặt khác nhân dân vì vậy cũng trở thành hiếu học, tôn sư trọng đạo, quý trọng văn hóa, cả hai phía góp phần làm cho nước ta thành nước có văn hiến sớm hơn nhiều nước khác. Với nền kinh tế nông nghiệp, với cuộc sống định cư thành làng họ, Nho giáo cũng góp phần củng cố trật tự xã hội, củng cố tình làng nghĩa xóm và khi gặp nạn nước, nhiều người vì nghĩa khí mà chiến đấu hy sinh anh hùng. Tinh thần sùng thượng đạo đức nhân nghĩa, hòa với truyền thống nhân ái, hòa đồng đi từ Phật giáo góp phần giáo dục làm cho con người bớt tàn bạo. Mặt khác Nho giáo cũng dạy người ta thờ cúng tổ tiên, thờ các vị thần chính trực bảo quốc hộ dân mà chống thờ cúng nhảm nhí. Tuy vậy, Nho giáo đề cao văn hiến lễ nhạc, đề cao việc học nhưng chỉ học văn và sử, coi thường khoa học kỹ thuật. Về sau gắn với chế độ khoa cử, việc học tuy mở rộng nhiều nhưng lại kinh viện, từ chương và nhằm kiếm chác danh vị. Lối giáo dục của Nho giáo không làm cho con người thích tự do, tự lập tự cường, sống dựa vào nghề nghiệp mà thích quấn quýt lấy gia đình, họ hàng, thích sống bằng danh vị, chờ đợi ơn trên. Sống êm ấm, hòa mục, trật tự, ổn định không phải không có mặt hấp dẫn. Nhưng sống như vậy cũng đòi hỏi giữ yên, ít xáo trộn, nhân nhượng và nghe theo bề trên, không dễ chấp nhận cải cách để tiến bộ, không dễ chấp nhận dân chủ. Nho giáo không thể thích hợp với xã hội hiện đại.
 

Nguồn: http://nguyenducmau.blogspot.com 
 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt