Thuyết Duy nghiệm

Thẩm tra về giác tính con người

 

THẨM TRA VỀ GIÁC TÍNH CON NGƯỜI

 

JOHANNES HIRSCHBERGER (1900-1990)

Vũ Hoàng Lan Phương dịch

 


Vũ Hoàng Lan Phương trích dịch từ The History of Philosophy. USA: The Bruce Publising Company, 1959. | Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính. | Phiên bản đăng trên triethoc.edu.vn do dịch giả gửi.


 

David Hume (1711-1776)

David Hume (1711-1776) là người xứ Scotland, cuộc đời ông có nhiều điểm tương đồng với cuộc đời của Hobbes và Locke. Ông giữ vị trí đáng tin cậy trong gia đình những người giàu có và có địa vị cao trong xã hội; ông chu du nhiều nơi, nhất là ở Pháp, nơi ông thường xuyên lui tới cùng những nhà Bách khoa và Rousseau. Cuối cùng, ông đảm nhận vị trí thư ký bộ ngoại giao tại London. Sau năm 1769, ông nghỉ hưu và trở thành một người kín tiếng. Hume rất quan tâm đến lịch sử và là tác giả một cuốn sách viết về lịch sử nước Anh. Ông viết tác phẩm triết học đầu tiên của mình, Khảo luận về Bản tính Con người (A Treatise on Human Nature) khi ông mới hai mươi ba tuổi; nhưng tác phẩm này lại không thực sự được chào đón. Hume đã hiệu đính lại nó và từ đây, ta có được hai công trình chín muồi và rất nổi tiếng của ông, đó là: Thẩm tra về Giác tính Con người (Enquiry concerning Human Understanding) (1748) và Thẩm tra về những Nguyên tắc Luân lý (Enquiry concerning the Principles of Morals) (1751). Tác phẩm Những Đối thoại về Tôn giáo Tự nhiên (Dialogues concerning Natural Religion) của ông được xuất bản sau khi ông qua đời (1779).

* * *

Khảo luận của Hume về giác tính con người, ngay từ chương đầu tiên của nó “Về những loại triết học khác nhau”, đã chống lại siêu hình học truyền thống. Siêu hình học thực tế không phải là một khoa học. Nó hoặc là kết quả từ những nỗ lực vô ích của lòng tự phụ của con người với tham vọng làm sáng tỏ nguyên nhân của những đối tượng mà giác tính con người hoàn toàn không có khả năng tiếp cận, hoặc nó là công trình lừa lọc, gian dối của sự mê tín phổ biến, luôn sẵn sàng xâm chiếm và áp đảo tâm trí con người bằng những nỗi bất an và định kiến tôn giáo. Vì thường xuyên bị “khoa học trống rỗng” này lừa dối, nên ta sẽ nỗ lực giải quyết một lần cho tất cả những vấn đề siêu hình học không thể tiếp cận do nó đề xuất. Và điều này cần phải được thực hiện “từ một phân tích chính xác về sức mạnh và năng lực [của tâm trí con người], cho thấy rằng nó tuyệt nhiên không hề phù hợp để giải quyết những vấn đề xa xôi và khó hiểu như vậy. Ta cần phải trải qua sự vất vả gian khổ này, để có thể thanh thản về sau; và phải trau dồi siêu hình học đích thực một cách cẩn thận nhằm loại bỏ những điều sai lầm và giả tạo” (Thẩm tra; Open Court ed., trang 9).

Từ những nhận xét này, có ba điều ta cần lưu ý kỹ vì chúng có vai trò quan trọng đối với nghiên cứu của ta về Kant sau này, đó là: (1) Yêu sách của việc phê phán lý tính theo nghĩa là thiết lập những ranh giới xác định cho phạm vi của nhận thức, (2) quan niệm về siêu hình học cổ đại như là một tổ hợp của những bất khả thể về khoa học và những mê tín dị đoan, và (3) sự đảm bảo rằng nỗ lực này sẽ thực sự thúc đẩy siêu hình học đích thực phát triển. Điều sau cùng này có ý nghĩa quan trọng đối với diễn giải của ta về Kant, vì ông thường bị xem như là kẻ thù của siêu hình học.

Nguồn gốc của những ý niệm

Hume mở đầu tác phẩm Thẩm tra về Giác tính Con người bằng câu hỏi quen thuộc về nguồn gốc những ý niệm của ta (mục 2, “Về Nguồn gốc của những Ý niệm”; Open Court ed., trang 14). Giống như Locke, trước tiên, ông quả quyết rằng không có cái gọi là ý niệm và nguyên tắc bẩm sinh, rằng những nội dung của ý thức đều bắt nguồn từ kinh nghiệm giác quan. Hume gọi sự kích thích mạnh mẽ, trực tiếp của giác quan, dù là giác quan bên ngoài hay bên trong, là ấn tượng (impression); và gọi những nội dung gián tiếp do tinh thần tạo ra là những ý niệm (ideas). Ông hiểu ý niệm theo nghĩa hẹp hơn nhiều so với Locke. Với ông, tên gọi chung cho những nội dung của ý thức nói chung – cái được Locke hiểu là ý niệm – là tri giác. Sự phân biệt chính xác của Hume đã cung cấp cho ta những đặc điểm của thực tại. Vì thực tại không thể được xem như cái gì có tính siêu việt và thực sự cố hữu bên trong những đối tượng, nên khả năng duy nhất còn lại là phân biệt những nội dung đa dạng của ý thức thông qua một chuỗi những thuộc tính tâm lý và nhìn thấy được thực tại bên trong chúng. Những thuộc tính tinh thần này là những ấn tượng đầu tiên, mạnh mẽ và sống động của các giác quan. Ngược với những ấn tượng này, các ý niệm của ta thì mờ nhạt, yếu ớt và chỉ là những sự tương tự, hình thành nên thế giới thuần túy tinh thần. Trong thực tế, mọi thứ đều thuộc tinh thần và gắn liền với cấp độ ý thức. Sự phân biệt giữa ấn tượng và ý niệm của Hume phù hợp với cái được những nhà duy thực và Locke, một mặt, gọi là thế giới của những vật tự thân và mặt khác, gọi là thế giới của những nội dung của ý thức đã tái tạo nên chúng. Tuy nhiên, Hume thừa nhận rằng sự phân biệt giữa ấn tượng và ý niệm không thể giải quyết triệt để câu hỏi về nguồn gốc những ý niệm của ta.

Từ chất liệu sở đắc được từ kinh nghiệm, ta có thể kết hợp chúng lại với nhau để làm phong phú thêm cho tâm trí ta. Điều này được thực hiện thông qua sự liên tưởng của các ý niệm. Ta đã gặp qua khái niệm này trong triết học của Locke, nhưng ta lại không tìm thấy trong đó những quy luật chi phối khái niệm này. Locke cũng phân loại các ý niệm và ông cũng thấy rằng việc kết hợp chúng đã làm nảy sinh một vấn đề đặc biệt mới mẻ liên quan đến sự đồng hiện hữu của chúng. Ông chưa bao giờ thành công trong việc giải quyết vấn đề này, và lý do thất bại của ông có lẽ nằm ở chỗ ông không thể lựa chọn dứt khoát giữa thuyết duy thực và thuyết duy tâm lý. Hume giải quyết toàn bộ vấn đề bằng cách áp dụng thuyết duy tâm lý thuần túy. Đối với ông, tính tương hợp của những thuộc tính đa dạng được ta kết hợp trong các định nghĩa của ta về thực tại khách quan không được hình thành bởi nội dung hữu thể học khách quan của những sự vật, mô thức, bản chất và cấu trúc có tính mục đích của chúng. Điều này chỉ được quyết định bởi riêng mình chủ thể, người kết hợp những thuộc tính này lại với nhau. Theo đó, Hume cố gắng mang cái được ta gọi là “luật hấp dẫn” tâm lý đến cho những nội dung của ý thức. Ông quy chiếu rõ ràng đến Newton (mục 14), và chính sự quy chiếu này đã trở thành điểm vô cùng đặc trưng cho quan điểm của ông về lý thuyết nhận thức. Ông cho rằng, cũng như những vận động của các thiên thể chỉ phụ thuộc vào sự hấp dẫn giữa lượng vật chất của chúng, thì những vận động của các ý niệm của ta cũng phải được quy về một quy luật tương tự, đó là quy luật về lượng tâm lý, nếu ta được phép nói như vậy. Phát biểu này không được tìm thấy dưới dạng câu chữ rõ ràng trong các tác phẩm của Hume, nhưng đây chính là điều mà ông muốn nói đến. Do đó, ta có lý do chính đáng để nói rằng: lực hấp dẫn có ý nghĩa như thế nào đối với vật lý Newton thì sự liên tưởng cũng có ý nghĩa như thế đối với triết học Hume. Sự liên tưởng chính là quy luật tâm lý có tính nền tảng tuyệt đối.

Hume công nhận ba hình thức khác nhau của sự liên tưởng (mục 3; Open Court ed., trang 22). Theo ông, những nội dung của ý thức ta được liên kết với nhau theo những quy luật của sự tương tự, của sự liên tiếp trong không gian và thời gian, và của tính nhân quả. Diễn trình được bao hàm trong sự liên tưởng luôn thuần túy mang tính cơ học. Vấn đề này không dễ dàng bị hoài nghi, ít nhất Hume tin là như vậy. Ta dễ dàng nhận thấy được rằng một bức tranh tất nhiên sẽ dẫn dắt suy tưởng của ta đến với nguyên mẫu mà nó mô tả (quy luật về tính tương tự); việc đề cập đến một căn hộ cụ thể trong một tòa nhà hẳn nhiên đưa đến sự thẩm tra hay diễn ngôn liên quan đến những căn hộ khác (quy luật về tính liên tiếp); khi nghĩ đến một vết thương, ta không thể không nghĩ về cơn đau do nó gây ra (quy luật nhân quả).

Khi tiếp tục phát triển chủ đề này, Hume đã quy giản ý niệm về nguyên nhân thành sự tiếp diễn có trật tự của hai sự việc xảy ra trong không gian và thời gian. Vì thế, ông chỉ giữ lại hai quy luật về sự liên tưởng được đề cập ở trên gồm quy luật về sự liên tưởng tương tự và về sự liên tưởng tiếp diễn trong không gian-thời gian. Trong hai quy luật này, sự liên tưởng tương tự hay đồng dạng bị giới hạn trong phạm vi sự so sánh của tinh thần về các ý niệm, do đó bị giới hạn trong khoa học toán học-hình học (sự đồng nhất và phản ứng của Locke). Vì thế, quy luật về sự liên tưởng duy nhất có khả năng được áp dụng trong toàn bộ lĩnh vực khoa học vật lý chính là quy luật về sự liên tưởng tiếp diễn trong không gian và thời gian. Thông qua quy luật này, ý niệm về “sự vật” hay bản thể được giải thích, cũng như khái niệm của ta về tính nhân quả. Thành công của sự liên tưởng tiếp diễn bị quy định bởi kinh nghiệm và thói quen. Hume giản lược mọi trật tự trong thế giới và trong khoa học thành yếu tố thuần túy tâm lý học này. Cái có tính tâm lý triệt tiêu cái có tính hữu thể học, và tâm lý học đã thay thế cho siêu hình học cổ đại.

Khoa học

Lý thuyết này dẫn đến một khái niệm mới về khoa học, đó là khoa học tâm lý học-thường nghiệm. Hume đã phát triển khoa học này với sự tinh ròng kinh điển. Ngay từ phần đầu Mục 4 của tác phẩm Thẩm tra về Giác tính Con người, ông phân biệt giữa chân lý của lý tính và chân lý của sự kiện. Các chân lý của lý tính biểu đạt những mối quan hệ khác nhau của các ý niệm. Những chân lý thuộc loại này gồm: các chân lý hình học, đại số, và số học; nói ngắn, là mọi khẳng định chắc chắn hoặc bằng trực giác hoặc bằng sự chứng minh. Việc bình phương cạnh huyền bằng tổng bình phương hai cạnh còn lại của tam giác vuông hay 3 x 5 = một nửa của ba mươi là những định lý có giá trị hiệu lực đối với các hình và các con số, và có thể được phát hiện chỉ đơn thuần bằng thao tác của tư duy, không phụ thuộc vào những gì tồn tại trong vũ trụ. “Cho dù không hề có hình tròn hay hình tam giác nào trong tự nhiên, nhưng những chân lý được chứng minh bởi Euclid sẽ mãi mãi giữ được tính chắc chắn và hiển nhiên của chúng” (Mục 4; Open Court ed., trang 23).

Không giống như phân tích của Leibniz về những bản chất hay “những mệnh đề trong mắt Thượng đế” của Bolzano, “suy lý” của Hume không thể vén mở bất kỳ mối quan hệ hữu thể học vĩnh cửu nào. Tất cả những gì nó có thể đạt được chỉ là sự so sánh những ý niệm, giống như trường hợp của Locke. Do đó, nó không thể giải thoát chính mình khỏi thuyết duy tâm lý. Hume so sánh diễn trình của tư tưởng (noesis), chứ không phải là những đối tượng của tư tưởng (noemata). Hume không công nhận thực tại nào khác ngoài thực tại có thể được nhận thức theo kiểu tâm lý học.

Điều này được thể hiện đặc biệt rõ ràng trong học thuyết của ông về chân lý của sự kiện, do đó, cũng thể hiện rõ ràng trong lý thuyết của ông về khoa học tự nhiên. Những chân lý của sự kiện không đòi hỏi hay chứa đựng cái gọi là tính tất yếu lôgic như chân lý của lý tính. “Cái đối lập với mọi sự kiện vẫn khả hữu, vì nó không bao giờ có thể bao hàm một sự mâu thuẫn… Việc mặt trời sẽ không mọc vào ngày mai là một mệnh đề không hề kém khả niệm hơn và cũng không hàm chứa sự mâu thuẫn nhiều hơn so với mệnh đề khẳng định rằng ngày mai mặt trời sẽ mọc” (Mục 4; Open Court ed., trang 23-24). Adam dù có được phú bẩm cho năng lực suy lý hoàn hảo nhất cũng không thể từ tính lưu động và độ trong suốt của nước mà suy luận rằng nó sẽ dìm chết mình, cũng như không thể từ độ sáng và độ nóng của ngọn lửa mà suy ra rằng nó sẽ thiêu rụi mình. Theo cùng cách thức đó, tính dính chắc thực sự giữa hai mảnh đá cẩm thạch đã được đánh bóng, sự nổ của thuốc súng, sức hút của đá nam châm, việc sữa và bánh mì cung cấp thực phẩm cho con người mà không phải cho sư tử, đều không thể được diễn dịch một cách tiên nghiệm từ những khái niệm về chúng và từ việc khảo sát những cái gọi là bản chất của chúng. Trong tất cả những vấn đề trên, ta đang làm việc với quan hệ nguyên nhân-kết quả có vẻ như hỗ trợ cho mọi hoạt động-tư duy liên quan đến những sự kiện (Mục 5, 36; Open Court ed., trang 42, 55). Tuy nhiên, theo Hume – và đây được xem là một trong những giả định lớn của triết học Hume, trong đó, ông chịu ảnh hưởng từ thuyết nguyên tử cũng nhiều như từ Locke – “kết quả hoàn toàn khác với nguyên nhân và không bao giờ có thể được phát hiện từ nguyên nhân. Chuyển động của trái bi-da thứ hai hoàn toàn khác biệt với chuyển động của trái bi-da thứ nhất, không có bất cứ thứ gì trong trái bi-da này gợi ý dù là dấu vết nhỏ nhất của trái bi-da kia” (Mục 5; Open Court ed., trang 27). Ta không thể trông cậy vào bất cứ điều gì khác ngoại trừ chờ đợi kinh nghiệm.

Vậy kinh nghiệm là gì? Đối với Hume, kinh nghiệm không gì khác hơn là sự liên tưởng những ý niệm dựa trên cơ sở tính tiếp diễn trong không gian-thời gian. Sự kiện cụ thể này tiếp theo sau sự kiện cụ thể khác, và vì thế cả hai ý niệm được liên hệ với nhau. Nếu ta lại bắt gặp sự kiện thứ nhất lần nữa, sau khi đã sở đắc kinh nghiệm này, ta sẽ trông chờ sự kiện thứ hai xảy ra tiếp theo. “Nếu một vật thể có màu sắc và độ rắn chắc giống với bánh mì ta từng ăn trước đây xuất hiện trước mắt ta… ta chắc chắn sẽ đoán trước việc được cung cấp thực phẩm và được nuôi dưỡng” (Mục 5; Open Court ed., trang 32). Và đối với Hume, kinh nghiệm này không gì khác hơn là tập quán hay thói quen. Theo Hume, trong kinh nghiệm, ta không đối diện với hoạt động-tư duy (lý luận) hay với những diễn trình khác của giác tính (Mục 5), mà là với cảm xúc hay thói quen hay sự quen thuộc khiến ta trông chờ và tin rằng cái gì đó tương tự với cái ta từng trải nghiệm sẽ diễn ra, theo đó, sự kiện thứ hai sẽ xảy ra tiếp theo sau sự kiện thứ nhất.

Hai nét khác biệt đặc trưng cho quan niệm của Hume về khoa học là thuyết duy tâm lý và thuyết hoài nghi. Hai học thuyết này khiến cho thuyết duy nghiệm hiện đại thực sự là chính nó. Thuyết duy tâm lý cốt ở việc chuyển cơ sở của chân lý từ những mối quan hệ khách quan sang cho con người và những cảm xúc chủ quan của con người. Hume biểu đạt sinh động tư tưởng của mình về vấn đề này trong phần đầu tiên của đề mục “Về Tự do và Tất yếu”: “Tính tất yếu của bất kỳ hoạt động nào dù của vật chất hay tinh thần đều không nói lên phẩm tính trong tác nhân mà là trong hữu thể tư duy hay có trí tuệ có thể xem xét hành động; và nó chủ yếu nằm ở sự quy định những tư tưởng của mình để suy ra sự hiện hữu của hành động ấy từ những đối tượng đã có trước đó” (Mục 5; Open Court ed., trang 98, chú thích). Trong bối cảnh này, thuyết duy nghiệm mang ý nghĩa rằng ta cần tìm kiếm tính trọn vẹn, đầy đủ của các sự kiện trên thế giới thay vì bận tâm với việc phân tích không có hồi kết về những khái niệm. Song, trên tất cả, thuyết duy nghiệm này biểu thị sự duy chủ quan hóa và duy tâm lý hóa của khoa học, khiến cho chân lý phụ thuộc vào những cảm xúc và tình cảm của con người. Với Hume, chúng là những tiêu chuẩn nhờ đó ta biết được một sự vật là đúng thật hay sai lầm. Nếu so sánh những quan điểm này với bàn luận của các triết gia cổ đại về chân lý của sự vật hay về thế giới khả niệm, ta sẽ dễ dàng thấy được cương lĩnh cách mạng mà Hume đã nỗ lực thực hiện. Locke quả thật đã liên kết ý niệm với cái đối lập của nó, dù ông chưa bao giờ thành công trong việc giải quyết vấn đề làm thế nào ta có thể đảm bảo được rằng điều đó phù hợp với thực tại. Hume thì chỉ công nhận sự hiện hữu của riêng con người mà thôi, và nhận thức con người có được cũng giống như bức tranh mà con người tự họa nên cho chính mình. Với Hume, mọi cánh cửa tiếp cận với thực tại siêu việt đều bị đóng lại.

Hume cũng là một nhà hoài nghi. Thuyết hoài nghi của ông thể hiện ở việc ông xem cảm xúc của ta về sự kỳ vọng – mặc dù dựa trên kinh nghiệm đã có trước đó – như là cái gì không bao giờ cho phép ta biết về bất kỳ điều gì một cách chắc chắn. Do đó, mọi khoa học về sự kiện và nhất là các khoa học tự nhiên đều là vấn đề về niềm tin. Hume khẳng định rằng ở đây không có chỗ cho “sự chứng minh”, giống như trong trường hợp sự lướt qua của trực giác đối với chân lý; điều duy nhất ta có thể làm là đưa ra “những luận cứ chứng minh” chỉ có thể có giá trị khả nhiên (probable). Ông cho rằng việc mặt trời sẽ mọc vào ngày mai và việc mọi người đều phải chết chỉ có tính khả nhiên, tức có khả năng xảy ra (Mục 5, “Về tính khả nhiên”, Open Court ed., trang 40). Những kinh nghiệm của ta càng toàn diện, bao quát thì tính khả nhiên của chúng càng lớn, nhưng ngay cả trong trường hợp sự quy nạp toàn diện và hoàn chỉnh nhất thì cái tối đa ta có thể đạt được cũng chỉ là tính khả nhiên mà thôi. Do đó, học thuyết hiện đại về tính thống kê hay tính khả nhiên của những quy luật tự nhiên không phải là một khám phá mới mẻ; thật đáng kinh ngạc khi cho rằng nên xem học thuyết này như cái gì mới mẻ hay nó phải bị phản bác bởi những người tuyên bố rằng họ đặt nền tảng cho mọi nhận thức dựa trên kinh nghiệm. Thêm nữa, nếu học thuyết này đúng trong thực tế thì ta ắt chỉ có thể tin tưởng chắc chắn vào khái niệm của Hume về tính khả nhiên của nhận thức ta mà thôi. Nhưng học thuyết của Kant về giá trị hiệu lực tuyệt đối của các phạm trù – trong đó có cả những phạm trù về nguyên nhân lẫn về bản thể – dễ khiến ta tin rằng học thuyết của Hume đã hoàn toàn bị quên lãng.

Hume tin tưởng vào học thuyết về tính khả nhiên của mình vì nhiều lý do. Trước hết, thuyết duy tâm lý đã dẫn ông đến khẳng định rằng niềm tin “chỉ là một loại ý niệm vững chắc và mạnh mẽ hơn” so với loại ý niệm phát sinh từ hoạt động của trí tưởng tượng; niềm tin chẳng qua chỉ là ý niệm sống động và tươi mới ảnh hưởng đến những cảm xúc theo cách thức có thể nhận biết được và được biểu hiện bởi những cảm xúc ấy. Suy xét điển hình này của Hume khiến ông tin rằng cái ta có khả năng đạt được nhiều nhất chính là “niềm tin”. Những sự suy xét có tính lôgic cũng đưa ông đến lập trường sau cùng của mình, cụ thể là việc suy xét rằng kinh nghiệm có nguồn gốc từ những kỳ vọng của ta thì không bao giờ hoàn chỉnh, trọn vẹn. Ta cũng không thể trông cậy vào sự ổn định, bất biến của những diễn trình tự nhiên, vì cái gọi là quy luật bất biến này không dựa trên sự quy nạp hoàn hảo, và vì thế, nó vẫn luôn là một giả định không được chứng minh. Ta buộc phải chấp nhận kết luận của ông rằng những sự kiện và các khoa học dựa trên những sự kiện không thể mang đến điều gì khác hơn ngoài niềm tin. 

Từ những điều trên, ta dễ dàng thấy rằng Hume là một nhà hoài nghi cực đoan. “Loại triết học hoàn hảo nhất về tự nhiên cũng chỉ loại bỏ được chút ít sự vô minh của ta, cũng như có lẽ luân lý học hay siêu hình học hoàn hảo nhất cũng chỉ được dùng để khám phá nhiều hơn về sự vô minh đó. Vì thế, việc nhận thấy sự mù quáng và yếu đuối của con người là kết quả của mọi triết học và ta buộc phải đối diện với điều đó trong mỗi bước đi bất chấp những nỗ lực trốn tránh của mình” (Mục 5; Open Court ed., trang 29). Hume quả thực đã công nhận giá trị hiệu lực nhất định cho các khoa học duy tâm, mặc dù ông từ chối tiến xa hơn thuyết duy tâm lý. Tuy nhiên, ông đã gây tổn thất nghiêm trọng khi tước bỏ tính chắc chắn của mọi khoa học thực tồn. Kant nhận ra nguy cơ của triết học Hume chính trong vấn đề này và vì thế, ông quyết định đặt lại nền tảng cho khoa học và chân lý. Trong thực tế, một phần không nhỏ vai trò quan trọng của Hume trong triết học nằm ở sự kiện nếu không phải vì ông, có lẽ đã không có sự xuất hiện của lý thuyết phê phán nhận thức của Kant.

Chống lại siêu hình học

Những hệ quả tiêu cực của triết học Hume được minh chứng thuyết phục nhất qua thái độ của ông đối với siêu hình học truyền thống, nhất là trong những phê phán của ông về khái niệm nguyên nhân và khái niệm bản thể. Chính sự phê phán này đã đánh thức Kant khỏi “giấc ngủ giáo điều” và khiến ông đặt câu hỏi liệu có phải mọi khái niệm siêu hình học đều đáng bị hoài nghi một cách tuyệt đối hay không. Chính Kant đã mô tả sống động ảnh hưởng của Hume như sau: “Trong chừng mực lịch sử ghi lại, không có sự việc bất ngờ đơn lẻ nào lại có tính quyết định trong sự phát triển của siêu hình học ngay từ khởi đầu hơn là sự công kích của Hume chống lại nó” (Sơ luận về Bất kỳ Môn Siêu hình học nào trong Tương lai muốn có thể Xuất hiện như một Khoa học/ Prolegomena to Any Future Metaphysics, Lời tựa).

Ít nhất, siêu hình học cũng có rất nhiều việc phải làm đối với khái niệm về tính nhân quả tương tự như vật lý học. Để hiểu được điều này, tất cả những gì ta cần làm là nhìn vào luận cứ chứng minh vũ trụ học cho sự hiện hữu của Thượng đế hay vào cái gọi là những nguyên tắc được thiết định như là nguyên nhân của những hiện tượng có thể quan sát được. Như Hume đã lưu ý: “Người ta luôn luôn giả định rằng có một mối liên hệ giữa sự kiện hiện thời với những gì được suy ra từ nó” (Mục 5; Open Court ed., trang 25). Hàm ý của ông trở nên rõ ràng hơn nếu ta so sánh phát biểu này của ông với những công thức siêu hình học về nguyên tắc nhân quả: agere sequitur esse, omne ens agit sibi simile, nihil agit supra suam speciem, “nguyên nhân chứa đựng hệ quả bên trong chính bản thân nó”, “nguyên nhân to lớn hơn và sỡ hữu nhiều hiện hữu hơn so với hệ quả của nó”, và những cách thức diễn đạt tương tự khác.

Cụ thể, Hume xem xét kỹ lưỡng lý thuyết cho rằng nguyên nhân tác động định đề hóa lực, sự sáng tạo, sự ban tặng tồn tại. Ông đặt nghi vấn đối với quan điểm truyền thống đòi hỏi một sự chảy tràn từ tồn tại của nguyên nhân đến tồn tại của kết quả. Ông cho rằng quan điểm này dựa trên những giả định mơ hồ, không có cơ sở: “Không có ý niệm nào xuất hiện trong siêu hình học có thể mơ hồ và kém vững chắc hơn so với ý niệm về năng lực, lực, năng lượng hay mối liên hệ tất yếu” (Mục 5; Open Court ed., trang 63). Ông đưa ra ba phản đối cụ thể chống lại khái niệm nhân quả. Trước hết, ông khẳng định rằng ta không thể suy ra kết quả từ nguyên nhân cho trước, vì ta không thể biết những loại kết quả nào có thể được tạo ra trong bản chất của sự vật. Một phân tích về những khái niệm hay bản chất chỉ khả hữu khi ta làm việc với cái gọi là “chân lý của lý tính”, trong đó, ta so sánh ý niệm với ý niệm; điều này không bao giờ khả thi đối với những vấn đề liên quan đến sự kiện. Thứ hai, ông cho rằng kinh nghiệm của ta về thực tại không bao giờ mang đến cho ta tri giác về sức mạnh áp đảo của nguyên nhân tác động hay cung cấp cho ta thức nhận về bất kỳ loại liên hệ đích thực nào khác giữa nguyên nhân và kết quả. Một thức nhận như vậy thậm chí còn không được mang lại trong kinh nghiệm của ta về những hành động-ý chí của chính bản thân ta. Do đó, “nhìn toàn thể, xuyên suốt toàn bộ giới tự nhiên, không có bất kỳ trường hợp sự liên hệ nào mà ta có thể nhận biết được. Mọi sự kiện dường như hoàn toàn lỏng lẻo và rời rạc” (Open Court ed., trang 76). Thứ ba, ông chỉ ra rằng tất cả những gì ta thực sự thấy được là chỉ là sự tiếp diễn nhau. Khi ta trải nghiệm sự tiếp diễn cho trước với một mức độ đều đặn, ta bị cuốn vào cảm xúc kỳ vọng, theo đó, ta trông đợi một sự kiện nhất định nào đó sẽ xảy ra ngay khi ta vừa trải nghiệm một sự kiện khác trước đó được thấy là có liên kết với nó. Theo Hume, đây là tất cả những gì khái niệm về tính nhân quả đưa đến; ta không thể quan sát thấy bất kỳ một sự nối kết thực tồn nào ngoài liên hệ của chuỗi thời gian thuần túy. “Không có thứ gì khác” đằng sau khái niệm của ta về tính nhân quả. Vì thế, khái niệm truyền thống về nguyên nhân là “hoàn toàn không có ý nghĩa gì cả” (Mục 5; Open Court ed., trang 76).

Lý luận tương tự đã dẫn dắt Hume giải quyết câu hỏi liên quan đến khái niệm về bản thể. Trong tác phẩm Khảo luận về Bản tính Con người, ông sắp xếp những phản bác chống lại tính khách quan của bản thể tương tự như cách ông dùng để chống lại khái niệm nguyên nhân trong tác phẩm Thẩm tra về Giác tính Con người của mình. Theo Hume, ý niệm về bản thể là có tính cách tâm lý học chứ không phải là hữu thể học. “Ý niệm về bản thể cũng như ý niệm về thể cách (mode) không gì khác hơn chỉ là sự góp nhặt những ý niệm đơn giản được thống nhất bằng trí tưởng tượng và có một tên gọi đặc thù” (Khảo luận về Bản tính Con người, I, 1, 6; Open Court ed., trang 227). Mối liên kết gắn những ý niệm đơn giản này lại với nhau thành một tập hợp một lần nữa chính là tập quán hay thói quen, cũng giống như trong trường hợp khái niệm của ta về nguyên nhân. Và việc tìm kiếm cái gì thuộc về cấp độ thực tồn hay cấp độ siêu hình học đằng sau thói quen này hoàn toàn chỉ là một sự lãng phí thời gian. Giống như Locke, người Hume đã vay mượn các ví dụ, Hume có thể nhìn thấy trong sự thường tồn mang tính hữu thể học của bản thể chỉ là “một cái gì không nhận biết được”. Nhưng Hume còn cực đoan hơn cả Locke khi bác bỏ hoàn toàn đặc tính khách quan, thực tồn của nhân tố không được nhận biết này và trông cậy hoàn toàn vào những hiện tượng. Ông chỉ trao giá trị hiệu lực cho riêng mình các hiện tượng được ông gom lại thành những tập hợp hay “những bó”. Do đó, đối với Hume, linh hồn chỉ là “bó những tri giác” trong sự vận động và biến đổi liên tục – vì vậy, ta truy nguyên được nguồn gốc của mọi “tâm lý học không có linh hồn” là từ Hume. Thêm nữa, Hume xem liên kết có tính nhân quả đã thực hiện việc hợp nhất những “bó các tri giác” này không gì khác hơn là quy luật tâm lý học, chủ quan cần có để có thể làm cho kinh nghiệm khả hữu. Trong thực tế, chính quy luật này đã cấu thành kinh nghiệm.

Hume tin rằng, ông đã phá hủy hoàn toàn giá trị của siêu hình học cổ đại bằng sự phê phán của mình. Trong câu kết của tác phẩm Thẩm tra về Giác tính Con người, ông viết: “Khi ta lướt qua những thư viện chứa đầy các quyển sách tôn thờ những nguyên tắc này, ta phải làm gì đây? Nếu ta cầm trong tay bất kỳ tập sách nào, về thần tính hay về siêu hình học trường ốc chẳng hạn, hãy thử đặt câu hỏi rằng nó có chứa đựng bất kỳ lý luận trừu tượng nào liên quan đến lượng hay con số không? Câu trả lời là: Không. Nó có chứa đựng bất kỳ lý luận thực nghiệm nào liên quan đến những sự kiện và sự hiện hữu không? Câu trả lời vẫn là: Không. Vậy thì hãy đốt nó đi; vì nó không chứa đựng bất kỳ điều gì khác ngoài sự ngụy biện và ảo tưởng” (Open Court ed., trang 176).

Sự giới hạn của Hume vào nội dung kinh nghiệm, việc ông loại bỏ siêu hình học truyền thống như là sự ngụy biện và ảo tưởng – hay như là vùng đất thần tiên, như cách ông gọi ở đoạn cuối của phần đầu Mục 7 – trong đó, lý tính của ta không có đối tượng đích thực nào và cũng không thể hoàn tất được bất cứ điều gì cả, đã báo trước và tạo điều kiện cho tuyên cáo của Kant chống lại siêu hình học. Nếu Hume giải thích tính nhân quả chỉ như sự tiếp diễn đều đặn, thường xuyên của những sự kiện thì thuyết phê phán của ông ắt đã không bị xem là sự phủ nhận tiên đề siêu hình học cơ bản về tính nhân quả mà chỉ được xem như một diễn giải đặc biệt về nó, dù vẫn còn thiếu sót; vì, như Schopenhauer đã chỉ rõ, trong sự tiếp diễn đều đặn của ngày và đêm, chuỗi tiếp nối đều đặn của hai sự kiện này không thể đánh đồng với quan hệ nhân quả. Nguy hiểm thực sự trong những công kích của Hume nằm ở việc ông loại bỏ mọi nội dung thực tồn ra khỏi tính nhân quả và làm cho nó có tính cách thuần túy tâm lý học. Ảnh hưởng từ sự phê phán của ông đã lan rộng và đặc biệt gây ảnh hưởng đến Kant.

Triết học của Hume trong thời đại ngày nay

Thời nay, lập trường của ta đối với những vấn đề bị Hume phê phán đã thay đổi đáng kể do nhiều nhân tố khác nhau. Trước hết, Husserl và những nghiên cứu hiện tượng học của ông đã chứng minh sự thiếu sót của thuyết duy tâm lý. Kinh nghiệm chủ quan, có tính tâm lý học chỉ là một cách tiếp cận thực tại; nó không thể được đánh đồng với thực tại hay tạo nên giá trị hiệu lực của thực tại. Những nhân tố quyết định trong việc xác định chân lý và khoa học không phải là khuynh hướng tâm lý của chủ thể, mà là những hoàn cảnh khách quan của sự tồn tại. Thứ hai, tâm lý học thuần lý đã chứng minh rằng thuyết duy cảm không đủ để tự mình giải thích việc lý luận, suy lý. Ngay cả khi ta đi xa tới mức gán tính trí tuệ cho động vật, ta cũng không bao giờ gán tinh thần hay linh hồn cho chúng (xem Scheler, Địa vị của Con người trong Vũ trụ/ Stellung des Menschen im Kosmos). Hume không phân biệt triệt để hay thỏa đáng giữa con người với thú vật trong tác phẩm Thẩm tra về Giác tính Con người của mình (Mục 9). Phê phán khái quát của Leibniz chống lại thuyết duy nghiệm, cụ thể trong việc nó bỏ qua sự phân biệt thiết yếu giữa con người với thú vật trong lý thuyết nhận thức của mình (xem ở trên, phần I, mục 2, tiểu mục I, chương 8: Leibniz: Triết học vĩnh cửu) ắt hẳn nhắm vào Hume. Dựa trên cơ sở lý thuyết của mình, Hume chỉ có thể phân biệt con người với động vật qua sự khác biệt về cấp độ, theo cùng cách thức giống hệt như ta phân biệt giữa một thiên tài và một cá nhân kém tài năng hơn. Ở đây, những quan điểm duy cảm của Hume đã thúc đẩy công cuộc của thuyết duy vật.

Thứ ba, ta không còn có thể chấp nhận sự quy giản triệt để mọi thứ thành mẫu số chung nhỏ nhất của Hume nữa – một sự quy giản được thể hiện rõ qua việc liên tục nhắc lại cụm từ “không gì khác hơn là”. Hiện tượng học và hữu thể học hiện đại đã đánh thức lại sự quan tâm của ta đối với những mô thức và bản chất. Không may là toàn bộ thế kỷ XIX đã đi theo tư tưởng của Hume và xem mọi thực tại và tri giác về thực tại hoàn toàn không dính dáng và liên kết gì với nhau, giống hệt như những nguyên tử của Democritus. Đối với những nhà tư tưởng này, tất cả đều đang ở trong một trạng thái thay đổi không ngừng; chỉ có các bộ phận, các bó, các nhóm của những tri giác và sự vật thực tồn; không bao giờ có bất kỳ sự thống nhất nào của những cái toàn bộ. Quan điểm này đã không còn đứng vững được nữa. Ngày nay, ta nhận ra cả trong tâm lý học lẫn trong hữu thể học rằng thực tại là cái gì đó còn nhiều hơn những khối tập hợp của các bộ phận. Ở đó cũng có “những liên kết tinh thần” hợp nhất những thực tại đa dạng, dù ta gọi những liên kết này là những phạm trù hay Gestalts hay bản chất.

Chắc chắn rằng nhiều nhà tư tưởng – những người có lập trường đối lập với Hume khi ủng hộ giá trị của nguyên tắc nhân quả – trong thực tế đã tiếp thu thuyết nguyên tử của Hume và vì thế cống hiến hết mình cho việc hình thành những phán đoán tổng hợp tiên nghiệm nhưng không thành công. Điều này cho thấy rằng nếu ta muốn phản bác phê phán của Hume về tính nhân quả, ta phải bác bỏ giả định cơ bản của ông rằng mọi thực tại đều ở trong một trạng thái cô lập hỗn loạn. Ta không cần thiết phải đặt câu hỏi trước hết rằng “Làm thế nào tôi có thể lắp ghép lại thế giới vốn đã bị phân hóa thành những bộ phận?” Thay vào đó, ta cần yêu cầu Hume chứng minh rằng “tất cả những gì xảy ra là hoàn toàn bị tách rời và bị cô lập”.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt