Trần Đức Thảo

Báo cáo (I) về cuốn "Recherches sur l'origine du langage et de la conscience"

 

BÁO CÁO VỀ CUỐN

RECHERCHES SUR L’ORIGINE DU LANGAGE

ET DE LA CONSCIENCE

BÁO CÁO THỨ NHẤT

 

TRN ĐC THO (1917-1993)

 

Trong cuốn sách của tôi in năm 1973, thì hai phần đầu là chủ yếu và cơ bản, không có vấn đề gì và đóng góp được nhiều để làm cho chủ nghĩa Mác-Lênin thắng lợi trên một vấn đề trung tâm của khoa học liên quan chặt chẽ với vấn đề cơ bản của triết học: giữa vật chất và ý thức phản ánh đúng đắn sự vận động của vật chất?

Trong phần thứ ba tôi đã phê phán luận phân tâm (psychanalyse) về cơ bản: bác bỏ toàn bộ lý luận và tất cả các khái niệm của Freud, đặc biệt là cái khái niệm “kích thích bản năng” (pulsion). Nhưng đồng thời tôi lại cho rằng có thể liên hệ các giai đoạn phát triển tình cảm của trẻ em từ 2 đến 5 tuổi theo như Freud đã mô tả, với những giai đoạn phát triển xã hội ở thời Cổ Thạch: điều ấy là sai.

Sở dĩ có Phần thứ ba như thế, là vì đến hết Phần thứ hai, nghiên cứu xong tiếng nói hỗn hợp (langage syncrétique) của Tiền nhân, tôi đã đứng trước một cái bế tắc: là không thấy cách gì để tiến lên tiếng nói có ngữ pháp của người ta. Do đấy mà tôi đã phải đi con đường vòng: tìm hiểu quá trình phát sinh xã hội loài người, để từ đấy mà có cơ sở soi sáng quá trình xây dựng tiếng nói có ngữ pháp. Vì quen thuộc với phương pháp so sánh những giai đoạn phát triển của trẻ em với những giai đoạn phát triển của giống người trong tiền sử, nên tôi đã gặp tác phẩm của Freud: chỉ có ở đấy là có một đề án tương đối rõ ràng về những giai đoạn phát triển tình cảm và quan hệ gia đình của trẻ em, mà có thể mang so sánh một cách tương đối thuận tiện với những tài liệu khảo cổ học về thời Cổ Thạch, để tìm hiểu quá trình phát sinh xã hội loài người.

 Trên những tài liệu rất thiếu sót về tiền sử loài người cũng như về luận phân tâm của Freud, tôi đã không nhận ra các mặt phức tạp của vấn đề, và có cảm tưởng như có thể liên hệ một cách tương đối dễ dàng cái bức tranh vẽ của Freud về những giai đoạn phát triển của trẻ em với những giai đoạn xây dựng xã hội thời Cổ Thạch. Tôi đã viết phần thứ ba cuốn sách Recherches v.v… như một sơ đồ vẽ thử để sau này sửa chữa và tiến lên vẽ một bức tranh chính xác hơn.

Sau khi đưa in cuốn sách, thì tôi nhận ra rằng phần thứ ba như thế cũng không mang lại được kết quả gì có thể giúp ích, để thoát ra khỏi cái bế tắc ở cuối Phần thứ hai. Tức là nó không đóng góp được gì để tiến từ tiếng nói hỗn hợp lên tiếng nói có ngữ pháp. Thậm chí nó lại đưa đến một bế tắc mới là với cái giả thuyết như thế, thì không thể nào giải thích được lệ ngoại hôn.

Do đấy thì phải nghiên cứu lại tất cả. Và căn cứ vào nhiều tài liệu, thì tôi thấy cái cảnh tượng khác hẳn.

*

*      *

Trong Phần thứ ba của cuốn Recherches v.v…. tôi đã xuất phát từ một quan niệm phổ biến trong giới nghiên cứu từ cuối thế kỷ XIX cho đến mấy năm gần đây: là đời sống của khỉ được tổ chức theo lối “gia đình động vật” (famille animale, harem) trong ấy có một con khỉ đực mạnh khỏe thống trị khỉ cái và giữ độc quyền sinh dục bằng bạo lực. Tức là tổ tiên khỉ của giống người cũng đã sống như thế.

Nhưng những công trình quan sát khoa học từ hơn 10 năm gần đây đã chứng minh rằng cái thực tế là khác hẳn. Tổ chức “gia đình động vật” chỉ có ở ba loài khỉ hạ cấp (Cercopithecidae). Trong các loài khác, tức là đại đa số, khỉ hạ cấp thì có tổ chức ngôi thức, tức là ai ở cấp trên thì có ưu tiên về mọi hưởng thu, trong ấy có sự hưởng thụ sinh dục, nhưng không phải là độc quyền. Vấn đề cơ bản trong tập đoàn khỉ bao giờ cũng là bảo vệ chống kẻ thù chung, ổn định quan hệ nội bộ, giúp đỡ lẫn nhau, nhất là trong việc nuôi con.

Lến đến khỉ cao cấp (Pongidas), thì hoàn toàn không còn mâu thuẫn gì về sinh dục nữa.

Khỉ Orang có những đôi lứa ngắn hạn (vài ngày), sau đấy thì con đực lại đi chỗ khác - Khỉ Gorille và Chimpanzé thì có quan hệ sinh dục hoàn toàn tự do. Ví dụ như Jane Goodal đã quan sát trường hợp một con khỉ cái Chimpanzé thì có quan hệ sinh dục hoàn toàn tự do. Chimpanzé giao kết với 7 con khỉ được trong vòng 20 phút. Và trong đám 7 con khỉ đực ấy thì có một con rất trẻ.

Cũng phải nói rõ thêm rằng những khỉ đực hay di chuyển từ tập đoàn này sang tập đoàn khác, do đấy thì ít khi có vấn đề giao kết giữa mẹ và con hay anh chị em. Nhưng lẽ cố nhiên, cái xu hướng “ngoại hôn” như thế cũng chỉ là kết quả của xu hướng di chuyển tự phát, không phải là vấn đề “kỷ luật” hay cưỡng bách.

Tức là vấn đề “ghen tuông động vật” (jalousie animale) đã được giải quyết xong ở trình độ khỉ cao cấp, ít nhất là vấn đề sinh dục. Phải nói thêm rằng trong sinh hoạt tập đoàn nói chung, những khỉ cao cấp có khi đe dọa nhau, nhưng rất ít khi đánh nhau. Nếu họa là có đánh nhau, thì cũng không cắn nhau. Trong số 50 con khỉ Chimpanzé sống trong rừng, mà Kortland đã có dịp quan sát, không có con nào mang vết thương. (Xem thư mục và xuất xứ trong Le langage secret des animaux của Vitus B. Droscher và trong số 5 tạp chí Dân tộc học Liên Xô (    - 1974).

Theo ức thuyết của hai nhà bác học Liên Xô V. Q. Wagner và N. A. Tikh, chế độ xã hội đầu tiên của giống người phải là mẫu quyền (xem trong Tiền sử của xã hội của N. A. Tikh).

Sở dĩ là vì trong những tập đoàn khỉ, có mâu thuẫn giữa “hai đường lối” phát triển: “Đường lối đực” theo kiểu ngôi thứ thống trị (hiérarchie de nominance) và “Đường lối cái” có tính chất “dân chủ” tức là bình đẳng tương trợ. Những con khỉ cái giúp đỡ nhau trong việc chăm nom cho con, bảo vệ con và bảo vệ lẫn nhau, nuôi con giúp nhau. Có quan hệ mật thiết và lâu dài giữa khỉ mẹ với con gái. Đến lúc con gái lại có con, thì bà có thể cho cháu bú để giúp đỡ mẹ. Giữa khỉ cái với nhau cũng có quan hệ ngôi thứ, nhưng không rõ ràng và nặng nề như giữa khỉ đực. Cái xu hướng chung của nhóm khỉ cái trong tập đoàn là dân chủ. Khi tập đoàn tổ tiên khỉ chuyển lên xã hội cộng đồng nguyên thủy của người, nhờ phát triển lao động tập thể, thì lẽ cố nhiên là xu hướng dân chủ đã phát triển và xu hướng ngôi thứ thống trị đã giảm đi. Tức là “đường lối cái” đã thắng thế “đường lối đực”. Như thế là những người đàn bà đầu tiên đã đặt chế độ mẫu quyền. Một bằng chứng là ngày nay giữa trẻ con ta, những em gái thường nói được nhiều hơn và lưu loát hơn những em trai cùng tuổi. Điều ấy chứng minh rằng từ khỉ lên người, tập thể nữ đã có vai trò xã hội quan trọng hơn là tập thể nam, do đấy mà có dịp nói nhiều hơn.

Đối chiếu với những tài liệu linh trưởng học (primatologie) cổ sinh vật học, khảo cổ học và tiếng nói của trẻ em, tôi thấy rằng có thể bổ sung nhiều luận điểm ủng hộ ức thuyết ấy:

1)  Ngay ở lớp khỉ, đã có những tập đoàn mẫu quyền: Ví dụ như ở hai địa điểm khỉ ma-các Nhật Bản (Macaca fustâc), nhưng khỉ cái đoàn kết với nhau, đặc biệt con gái suốt đời ở gần mẹ, do đấy mà nhóm khỉ cái nắm vững quyền thống trị. Những con khỉ đực không chịu thì bị trừng phạt ngay.

2) Khi nghề săn phát triển trong những tập đoàn tiền nhân, thì phải có phân công lao động giữa nam và nữ: nam đi săn, nữ hái lượm và nuôi con. Nghề hái lượm phát triển, thì có dự trữ thực vật, nhờ những dự trữ này mà nhóm nữ đảm bảo sinh sống cho toàn thể tập đoàn trong những ngày mà kết quả đi săn của nhóm nam không được bao nhiêu. Tức là kinh tế nữ có tầm quan trọng lớn hơn kinh tế nam, do đấy mà nhóm nữ đã nắm quyền quản lý những công việc chung của xã hội.

Có chế độ mẫu quyền thì tất nhiên phải đặt lệ ngoại hôn, vì đây là một điều cần thiết, để đảm bảo uy thế cho ban lãnh đạo nữ.

Theo những di tích nghệ thuật, thì chế độ mẫu quyền đã kéo dài suốt thời Cổ Thạch. Mà vì ngày ấy số đàn ông là đông hơn số đàn bà, nên một số nữ đã có hai chồng thức là theo chế độ đa phu (polyandrie).

3)  Dựa vào ức thuyết mẫu quyền nguyên thủy, thì có thể thống nhất các loại tài liệu, để soi sáng các giai đoạn tiến hóa từ khỉ lên người tương đương với những giai đoạn phát triển tiếng nói của trẻ em từ năm thứ hai, năm thứ sáu: như thế là giải quyết vấn đề nguồn gốc của xã hội, đồng thời giải thích bước tiến hóa tiếng nói hỗn hợp lên tiếng nói có ngữ pháp.

*

*      *

Theo những việc tóm tắt trên đây, thì hoàn toàn không có quan hệ gì giữa tiền sử loài người với học thuyết của Freud và những giai đoạn phát triển của trẻ em. Từ khỉ lên người và suốt thời Cổ Thạch, không có vấn đề mâu thuẫn xung đột vì sinh dục. Cũng phải nói rằng học thuyết của Freud về những mặc cảm nhi đồng chỉ dựa trên một số rất ít trường hợp quan sát trong điều kiện sinh hoạt tư sản ở Tây phương. Sự quan sát lại tiến hành theo quan điểm và những khái niệm cực kỳ duy tâm chủ quan, thực chất là mê tín, của luận phân tâm. Trong những tài liệu chuyên môn về nhân chủng học, cũng không ai kể đến học thuyết Freud, vì trên thực tế thì không có gì đáng kể.

Trong phần thứ ba cuốn sách của tôi in năm 1973, tôi đứng vững trên quan điểm Mác-Lênin, do đấy mà tôi đã bác bỏ toàn bộ lý luận và các khái niệm của Freud. Nhưng vì thiếu tài liệu cụ thể, nên tôi đã sai lầm về sự việc. Với những việc thực tế mới thu thập được, tôi thấy không có lý do gì để nhắc đến luận phân tâm nữa.

Tháng 1-1975.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt