Trần Đức Thảo

Báo cáo (II) về cuốn Recherches sur l'origine du langage et de la conscience


BÁO CÁO (II) VỀ CUỐN

RECHERCHES SUR L’ORIGINE DU LANGAGE

ET DE LA CONSCIENCE

 

TRN ĐC THO (1917-1993)

 

Ức thuyết mẫu quyền nguyên thủy, mà tôi đã trình bày tóm tắt trong Báo cáo trước, là phù hợp về căn bản với những chỉ dẫn của Ăng-ghen trong “Nguồn gốc của gia đình, tư hữu và nhà nước”.

I)  Ăng-ghen nói rằng quan hệ sinh dục quần hôn là thuộc về “giai đoạn chuyển biến từ động vật lên người” (Nguồn gốc gia đình … Ed. soc. tr. 39). Tất cả vấn đề đặt ra là đặt giai đoạn chuyển biến như thế vào thời nào?

Ở cuối thế kỷ XIX, khi Ăng-ghen viết cuốn Nguồn gốc của gia đình các tài liệu về đời sống của khỉ chỉ ghi chép những câu chuyện hoang đường của các nhà đi săn hoặc đi du lịch kể lại. Do đấy mà Ăng-ghen đã cho rằng quan hệ sinh dục trong những tập đoàn tổ tiên khỉ nhân hình của chúng ta được tổ chức theo lối “gia đình động vật” (famille animale), tức là một con khỉ đực giữ độc quyền sinh dục, áp bức một hoặc một số khỉ cái và khỉ con. “Gia đình động vật” như thế thì tồn tại được là nhờ dựa vào “tính ghen tuông động vật” (jalousie animale) của con khỉ đực làm chủ. Tức là giai đoạn chuyển biến từ động vật lên người phải đặt sau giai đoạn tổ tiên khỉ nhân hình của con người.

 Nhưng theo những công trình quan sát khoa học chính xác tiến hành tư hơn 10 năm gần đây về đời sống của khỉ trong điều kiện thiên nhiên, thì tổ chức “gia đình động vật” và “tính ghen tuông động vật” nói chung chỉ có ở trình độ khỉ hạ cấp (Cercopithecidae). Lên đến khỉ nhân hình (Pongidas), thì quan hệ sinh dục là tự do. Và đặc biệt là loài Chimpanzé là loài khỉ nhân hình gần gũi nhất với con người, thì chúng ta có đầy đủ bằng chứng cụ thể rằng có quan hệ sinh dục quần hôn (xen Jane Goodall, trong Primata Behavier, tr. 451-455).

Tức là “giai đoạn chuyển biến từ động vật lên người” phải đặt ngay vào thời tổ tiên khỉ nhân hình của con người. Quan niệm này có thể được chứng minh bằng nhiều sự việc khác.

Ví dụ như các nhà quan sát đã quay phim một tập đoàn khỉ  Chimpanzé sống tự do ở đồng cỏ hoang vu (cavaane) ở Guinée, gặp một con báo và chạy đi bẻ cây, để dùng làm gậy đánh chết con báo một cách rất chính xác. Điều này cho phép chúng ta nói rằng tổ tiên khỉ nhân hình của con người đã quen dùng dụng cụ, để bảo vệ chóng ác thú và đi săn, tuy chưa biết mang dụng cụ một cách thường xuyên cùng với mình. Việc này chỉ xuất hiện ở trình độ sau, tức là trình độ Tiền nhân.

Nhưng riêng thói quen dùng dụng cụ cũng đã đủ để chứng minh rằng giai đoạn khỉ nhân hình chính là bước đầu chuyển biến từ động vật lên người. Và ở đây đã xuất hiện quan hệ sinh dục quần hôn: tức là vấn đề “ghen tuông động vật” đã được hoàn toàn giải quyết. Chính nhờ thế mà tổ tiên khỉ nhân hình của chúng ta đã rảnh tay, để phát triển thói quen dùng dụng cụ: vì thế mà đến một lúc nào đấy đã tiến lên được trình độ Tiền nhân, tức là mang dụng cụ thường xuyên cùng với mình.

II)  Theo Ăng-ghen sau giai đoạn quần hôn thì xuất hiện “gia đình đồng huyết”, tức là quan hệ sinh dục vẫn được tự gio giữa nam, nữ cùng lứa tuổi, nhưng đã có lệ cấm sinh dục giữa lớp cha mẹ và lớp con. Chính điều này là phù hợp với giai đoạn phát triển của Tiền nhân.

Vì một khi lao động tập thể đã phát triển, thì tất nhiên phải có tổ chức, có lãnh đạo, và lẽ cố nhiên là những người đứng tuổi đã lãnh đạo đám thanh niên. Và để đảm bảo uy tín cho cấp lãnh đạo như thế, thì phải cấm inh dục giữa lớp cha mẹ và lớp con.

III)  Sau gia đình đồng huyết, theo Ăng-ghen thì xuất hiện lệ ngoại hôn, trong khuôn khổ của chế độ mẫu quyền. Điều này là xuất phát từ sự thành hình của “kinh tế nội trợ cộng sản chủ nghĩa”. Ăng-ghen nói: “Kinh tế nội trợ cộng sản chủ nghĩa có nghĩa là uy quyền của người đàn bà trong nhà… nó là cơ sở thực tế của cái ưu thế của phụ nữ hoàn toàn phổ biến ở thời nguyên thủy” (Nguồn gốc của gia đình…, tr. 50, Ed. Sociales).

“Kinh tế nội trợ xã hội chủ nghĩa” bắt đầu có từ lúc mà nhóm nữ chuyên môn hái lượm đã tích lũy những dự trữ thực vật, trong khi nhóm nam làm nghề săn thì không có cách gì để giữ lâu dài thịt của những động vật săn được. Ưu thế của kinh tế nữ đã tạo nên ưu thế xã hội của nhóm nữ trong tập đoàn. Hiện nay trong các tài liệu nhân chủng học, có đủ sự việc để chứng minh rằng điều ấy được thực hiện trong giai đoạn chuyển biến từ Tiền Nhân lên người.

Tức là ở đầu thời Cổ thạch đã có chế độ mẫu quyền. Chế độ này tạo nên lệ ngoại hôn, vì lệ ngoại hôn là điều kiện để củng cố uy thế của tập thể nữ.

Mà vì ngày ấy số đàn ông là đông hơn đàn bà, nên cũng phải có chế độ đa phu (polyandrie). Trong chế độ mẫu quyền thì quan hệ đa phu là một điều dễ hiểu, cũng như quan hệ đa thê trong chế độ phụ quyền. Hiện nay ở một số dân tộc lạc hậu ở Bắc Aán Độ, Nigerie, v.v… vẫn còn duy trì chế độ đa phu.

Tóm lại những tài liệu nhân chủng học hiện đại chứng minh rằng những lời chỉ dẫn của Ăng-ghen về căn bản là hoàn toàn đúng.

Trong cuốn Nhập đề luận phân tâm (Introduction à la psychanalyse) Freud nói:

“Nhờ áp dụng phép phân tâm vào những triệu chứng bệnh tâm thần, chúng ta đi đến chỗ nhận ra những sự kiện của tuổi nhi đồng ở đấy lực sinh dục (libido) đã cố định, những sự kiện này là nguồn gốc của những triệu chứng kia. Nhưng có một điều lạ, là những cảnh nhi đồng ấy không phải là bao giờ cũng có thật. Thực ra, trong đa số trường hợp, nó không có thật, mà có khi nó lại hoàn toàn mâu thuẫn với cái thực tế lịch sử. Tình hình như thế làm cho chúng ta rất lúng túng.

“Cái rắc rối trong tình hình ấy là chúng ta khinh rẻ thực tế khách quan, chúng ta không kể gì đến sự khác nhau giữa cái thực tế với cái tưởng tượng.

“Bệnh nhân cũng khó mà hiểu được, khi chúng ta khuyên anh ấy cứ đánh đồng loạt cái thực tế với cái tưởng tượng, và không cần phải đặt vấn đề những sự kiện của thời nhi đồng của anh ấy, mà chúng ta muốn soi sáng, theo như anh ấy kể lại là có thật hay không.

“… Người ta có cảm tưởng như là tất cả những sự kiện của thời nhi đồng như thế là yếu tố cần thiết, tất yếu, của bệnh tâm thần. Nếu những sự kiện đã xảy ra thật, thì càng hay. Nhưng nếu nó không đúng với sự thật, thì nó được nặn ra theo một vài dấu tích nào đấy bổ sung bằng tưởng tượng. Kết quả là như nhau. Tôi chưa bao giờ thấy một sự khác nhau gì trong kết quả, dù những sự kiện của thời nhi đồng là có thật hay chỉ là tưởng tượng… Nhưng vì sao lại cứ phải nặn ra những câu chuyện như thế? Vì sao bao giờ cũng cứ thấy đặt ra chừng ấy những cái tưởng tượng nguyên thủy (fantasie primitives) ấy là một di sản của giống loài (patriomine phylogénique). Nhờ những tưởng tượng nguyên thủy ấy, một người trở lại đời sống nguyên thủy, khi mà đời sống của bản thân mình tỏ ra quá nghèo nàn. Tất cả những thứ tưởng tượng mà bệnh nhân kể cho ta nghe trong cuộc phân tâm, thì ngày xưa ở những giai đoạn nguyên thủy của gia đình con người, rất có thể là những sự kiện tưởng tượng ấy đã có thật. Và trẻ em ngày nay, khi tự do tưởng tượng, thì cũng chỉ lấy cái sự thật tiền sử, để bổ sung cho những chỗ thiếu sót trong cái sự thật cá nhân của mình. Tôi đã nhiều lần có cảm tưởng rằng tâm lý học của bệnh tâm thần có khả năng mang lại cho chúng ta nhiều sự hiểu biết hơn là tất cả cả nguồn tài liệu khác về những giai đoạn nguyên thủy của quá trình phát triển loài người”. (S. Freud, Introduction à la psychanalyse, Payot, tr. 394-399).

Nhưng nói rằng phép phân tâm “không kể gì đến sự khác nhau giữa cái thực tế với cái tưởng tượng”, thì chính là công nhận rằng nó không cần gì đến cái thực tế.

Những cảnh tượng của thời nhi đồng, mà thầy thuốc phân tâm làm cho bệnh nhân “nhớ lại” là có thật hay không, vấn đề ấy không đặt ra, vì dù có hay không thì cũng thế thôi: “Kết quả là như nhau”. Freud khẳng định rằng ông ấy “chưa bao giờ thấy một sự khác nhau gì trong kết quả, dù những sự kiện của thời nhi đồng là có thật hay chỉ là tưởng tượng”. Tức là phép phân tâm không cần đến những sự kiện có thật: nó chỉ cần đến một số hình ảnh thuần túy, theo đúng một kiểu mẫu đã cố định, và coi như thuộc về thời nhi đồng của bệnh nhân, nhưng không cần phải có thật trong thời nhi đồng ấy.

Như thế thì chúng ta cũng hiểu rõ vì sao thầy phân tâm “cứ thấy (bệnh nhân) đặt ra chừng ấy câu chuyện, với cùng nội dung như nhau”. Đấy chính là vì bệnh nhân suy diễn theo đúng sự ám thị của thày thuốc, rồi lại tự ám thị như thế, và kết quả tất yếu là tạo nên cho bản thân mình cái cảm tưởng chủ quan rất rõ là mình đã “thực sự” sống như thế ở tuổi nhi đồng! Sở dĩ các bệnh nhân bao giờ cũng cứ đặt ra chừng ấy câu chuyện với cùng nội dung như nhau”, thì chính là vì thầy phân tâm bao giờ cũng ám thị cao độ những câu chuyện ấy!

Nhưng như thế thì phải chăng những hình ảnh nhi đồng ấy - không phải là những tượng hình thần thoại, mà thầy thuốc phân tâm dùng “để tác động tinh thần” bệnh nhân, cũng giống như những thần thoại mà bọn thầy mo hát lên khi cúng tế, do đấy mà làm cho bệnh nhân xúc động và phản ứng? Mà vì cái xúc động và phản ứng gây nên như thế là thực sự, tức là nó động viên sinh lực cơ thể, ảnh hưởng đến tuần hoàn và trạng thái của các tế bào, đặc biệt là tế bào thần kinh, nên cũng có một vài trường hợp giải quyết được một số triệu chứng bệnh.

Để phân biệt phép phân tâm với phép mo, Freud nói rằng những hình ảnh nhi đồng, dù chỉ là tưởng tượng, nhưng vẫn có cơ sở thực tế, vì nó là “di sản của giống loài”. Theo Freud thì nó xuất phát từ câu chuyện “Người Cha nguyên thủy” (Le Père primitif) ở thời tiền sử. Nhưng trên thực tế thì câu chuyện này là không dựa vào đâu, và chính Freud đã phải gọi nó là “một thần thoại khoa học” (un mythe scientifique).

Quả thật đấy là một thần thoại, nhưng nó không có gì là “khoa học”. Trong báo cáo trước, tôi đã trình bày rằng các tài liệu nhân chủng học hiện đại chứng minh rằng trong tất cả quá trình tiến hóa lên từ khỉ thành người, và suốt thời Cổ Thạch, tức là từ Người khéo (homo habilis) đến Người khôn (homo sapiens), là người bây giờ, không hề có vấn đề mâu thuẫn, xung đột vì sinh dục. Chế độ ngoại hôn đã được đặt ngay từ đầu thời Cổ thạch, tức là đến những thời sau nếu có vấn đề mâu thuẫn vì sinh dục, thì đấy chỉ có thể là trường hợp cá biệt: nó không thể nào chuyển vào di sản của giống loài. Lại càng không thể nào có bất kỳ cái gì giống như câu chuyện: “Người Cha nguyên thủy”.

Tức là phép phân tâm không có chỗ dựa trong khoa học. Nó là một nghệ thuật tế nhị ám thị bệnh nhân và làm cho bệnh nhân tự ám thị những câu chuyện sinh dục nhi đồng theo đúng kiểu như Freud đã đặt ra, để tác động tinh thần. Theo sự phân tích tỉ mỉ của Lévy-Strauss trong cuốn Anthropoligic structurale, thì phương pháp đặt chuyện ra như thế về căn bản không khác gì phương pháp cúng tế của đám thầy mo: chỉ khác về  hình thức thực hiện, còn cái cấu trúc cơ bản là như nhau. Đấy là hai biến hình của cùng một cấu trúc.

Ở Liên Xô và trong cả phe xã hội chủ nghĩa phép phân tâm vẫn được coi như một loại phép mo. Mọi người đều biết rằng những phép mê tín cổ truyền của thày mo, thày phù thủy, thày tu v.v… có hiệu nghiệm trong một số trường hợp nào đấy, giải quyết một số triệu chứng bệnh tâm thần. Đấy là lý do vì sao cũng không có gì đáng ngạc nhiên, khi ta thấy phép phân tâm, trong một số trường hợp nhất định, cũng có tác dụng chữa được một số triệu chứng: đấy là một trường hợp tác động tinh thần tức là tác động thần kinh, do đấy mà ảnh hưởng đến cơ thể.

*

*      *

Phép phân tâm của Freud là xây dựng trên một quan điểm về con người mà có thể tóm tắt như sau: bản chất của con người là bản năng sinh dục, nó phát triển từ thời sơ sinh. Quá trình diễn biến sinh dục trong 5 năm nhi đồng là quyết định bản cách con người. Sau đấy thì những mặc cảm sinh dục nhi đồng bị “áp bức” (refoulé) và chuyển vào “vô thức” (inconscient), nhưng theo Freud thì nó vẫn biểu hiện dưới hình thức này hay hình thức khác, và chính nó là nội dung thực sự của tất cả đời sống con người, kể cả đời sống xã hội. Theo Freud thì tất cả các thiết chế và tư tưởng xã hội, như tôn giáo, đạo đức, Nhà nước, nghệ thuật, triết học, khoa học, v.v… đều là xuất phát từ câu chuyện “Người Cha nguyên thủy” tức là những diễn biến sinh dục trong cái “đàn người nguyên thủy” (la horde primitive).

Freud nói: “Bản chất sâu xa và vĩnh cửu của con người là sự tổng hợp những kích thích bản năng (impulsions) xuất phát từ một tuổi trẻ đã trở thành tiền sử (l’inteprétation des rêves, PUP, p. 15)

“Trẻ em đến năm thứ 4, thứ 5 đã hoàn toàn thành hình, và sau đấy thì nó chỉ biểu hiện những cái gì đã tích lũy xong ở tuổi nhi đồng như thế” (Introduction à la psychanalyse, Payot, p. 382).

Nói như thế thì tất cả đời sống con người, dù là con người cá nhân hay con người xã hội, đều không thể nào còn được giá trị gì nữa. Trong cuốn Trois essais sur la sexualité Freud đã khẳng định dứt khoát rằng “trẻ em là nghịch dâm” (l’enfant est un pervere). Tức là hai đoạn trích dẫn trên kia có nghĩa là: “bản chất con người là cái tính nghịch dâm nhi đồng, và tất cả đời người sau tuổi lên 5 chỉ là biểu hiện dưới hình thức này hay hình thức khác, - trá hình (déguisé), cao thượng hóa (sublimé) v.v… những mặc cảm sinh dục nghịch dâm của tuổi trẻ như thế”. Phép phân tâm được áp dụng vào tất cả đời sống con người để “chứng minh” cái chủ nghĩa toàn sinh dục ấy. Vì theo lối suy diễn của Freud thì từ bất kỳ cái gì trong đời sống con người bình thường cũng như của bệnh tâm thần, nhà phân tâm cũng có thể đi tới một hình ảnh sinh dục nhi đồng ly kỳ. Freud tuyên bố: “Nếu không kể đến số lượng, thì có thể nói chắc chắn rằng tất cả chúng ta đều là bệnh nhân, tức là bệnh nhân tâm thần vì những điều kiện tạo nên triệu chứng bệnh cũng có trong con người bình thường” (Introduction à la psychanalyse, tr. 385).

Ví dụ như Freud giải thích quá trình sáng tác nghệ thuật như sau: “Nhà nghệ sĩ là một người hướng về nội tâm đến một mức gần như mắc bệnh tâm thần. Vì có nhiều kích thích bản năng và những đòi hỏi rất mạnh, nên anh ta muốn chiếm đoạt danh vị, quyền lực, của cải, vinh quang và tình yêu của đàn bà. Nhưng anh ta không có đủ năng lực để đạt được những thỏa mãn như thế. Do đấy thì cũng giống như tất cả mọi người bất mãn, anh ta xa rời thực tế và tập trung ý tứ, và cả lực sinh dục (libido) của mình vào những ham muốn, khát vọng trong đời sống tưởng tượng… Anh ta tạo nên cho những giấc nửa tỉnh nửa mơ của mình một hình thái chọn lọc trong ấy đã gạt bỏ những cái gì cá biệt để có thể làm cho người ngoài chán nản, và như thế là nó trở thành một nguồn hưởng lạc cho người khác… Nhà nghệ sĩ tạo nên cho người khác một phương tiện, để lại những nguồn hưởng lạc, mà họ đã mất, những nguồn hưởng lạc của cái vô thức của bản thân họ. Như thế là anh ta thu hút được lòng biết ơn và cảm phục của họ. Và cuối cùng thì chính nhờ sự tưởng tượng, mà anh ta chiếm đoạt được những cái mà trước kia chỉ có trong sự tưởng tượng của mình: danh vị quyền lực và tình yêu của đàn bà” (Introduction à la psychanalyse, tr. 403-404).

Tóm lại, đông cơ tư tưởng căn bản của nhà nghệ sĩ theo Freud là cái mâu thuẫn giữa những khát vọng cá nhân rất lớn (danh vị, quyền lực, đàn bà) với tình trạng bất lực trong đời sống thực tế. Thế là anh ta tìm một cách tự thỏa mãn trong tưởng tượng cái lực sinh dục ám ngự trong “vô thức” (“trở lại những nguồn hưởng lạc của cái vô thức”, tức là khai thác cái lực sinh dục nghịch dâm xuất phát từ thời nhi đồng). Và như thế là anh ta được mọi người cảm phục. Nhờ đấy mà nhà nghệ sĩ có đủ điều kiện để thỏa mãn trong thực tế cái lòng ham muốn danh vị, quyền lực và đàn bà!

Ngay khi xuất hiện, từ đầu thế kỷ XX luận phân tâm của Freud đã vấp phải sự phản kháng kiên quyết của tất cả các tầng lớp lành mạnh trong giới trí thức Tây phương. Mọi người cảm thấy rằng phép phân tâm là một thứ kỹ thuật tế nhị giải tán tất cả những cái gì được coi là giá trị của con người. Theo truyền thống tiến bộ, xuất phát từ phong trào cách mạng dân chủ, con người về căn bản là tốt đẹp. “Tất cả mọi người sinh ra là tự do, bình đẳng…” như đã nói trong Tuyên ngôn nhân quyền, do đấy mà nó có quyền được trọng, quyền làm chủ đời sống của mình. Đấy là chủ nghĩa nhân đạo cổ điển, cơ sở lý luận của nền dân chủ Tây phương. Khi quy kết khoa học, nghệ thuật đạo đức vào lực sinh dục (libido) coi đấy chỉ là những biến hình “cao thượng hóa” của mặc cảm nghịch dâm mà Freud đã gắn cho tuổi nhi đồng, thì rõ ràng phép phân tâm thủ tiêu tất cả giá trị của đời sống con người, con con người là xấu về bản chất, tức là tỏ ra đối kháng với tất cả truyền thống dân chủ và nhân đạo từ cổ đến kim

*

*      *

 Đứng trước những ý kiến phản đối, Freud và những người theo ông vẫn đáp lại rằng quả thật luận phân tâm vẽ ra một bức tranh hết sức bi quan về con người, nhưng không có cách gì khác: vì theo họ thì chính đấy là “khoa học”.

Thực ra, ngay trong trường phái của Freud, đã có nhiều người, xuất phát từ kinh nghiệm chuyên môn, kiên quyết phản đối quan điểm và phương pháp của luận phân tâm.

Đặc biệt Alfred Adler, rút kinh nghiệm thực hành phép phân tâm, đã hoàn toàn bác bỏ chủ nghĩa sinh dục của Freud, xây dựng một học thuyết mới lấy tên là Tâm lý học cá nhân (Psychologie individuelle), và trên cơ sở ấy thì sáng lập một trường phái mới. Trường phái này không được tiếng tăm ra ngoài, vì nó không làm chính trị như trường phái của Freud. Tuy nhiên nó vẫn thịnh hành trong chuyên môn. Đặc biệt một thành công xuất sắc của Adler và những người theo học thuyết của ông là đã xây dựng được những tổ chức hướng dẫn cho các gia đình và thày giáo, để giáo dục cải tạo những trẻ em khó bảo, hư hỏng hoặc lưu manh hóa. Phải nói rằng trong vấn đề này Freud và trường phái phân tâm chưa bao giờ đóng góp được gì đáng kể.

Theo Adler thì những hiện tượng sinh dục mà Freud nêu lên làm ý nghĩa của đời sống, thì trên thực tế chỉ là những tượng hình (symboles), nó không thể nào quy định ý nghĩa cơ bản tức là cái động cơ thực sự.

Ví dụ như truyền thống cổ Hy Lạp có để lại câu chuyện Hippias, sau khi bị trục xuất khỏi Athènes, đã tập hợp một đội quân và trở về chiếm lại đất nước. Trong đêm trước ngày ra trận, Hippias đã ngủ mê thấy mình nằm với mẹ. Ông ta cho rằng đấy là một điềm báo tin ngày mai sẽ thắng trận. Vì theo quan niệm phổ biến thì đất nước là mẹ.

Theo phép phân tâm của Freud, thì nội dung ý nghĩa cơ bản, động cơ tư tưởng của giấc mơ là câu chuyện “loạn dâm” với mẹ ở tuổi nhi đồng. Câu chuyện ấy đã chuyển vào “vô thức”, nhưng đồng thời cái lực sinh dục nhi đồng như thế, theo Freud, thì vẫn là động cơ cơ bản trong tâm thần của Hippias: đặc biệt nó đã biến thành cái tư tưởng về chiếm lại đất nước, vì coi đất nước như mẹ. Do đấy mà có giấc mơ nằm với mẹ, Hippias đã cho rằng thế là hôm sau sẽ chiến thắng.

Nhưng Adler đã vach ra rằng nói như thế thì là nói ngược. Cái động cơ tưởng thực sự của Hippias thì chính là muốn chiếm lại đất nước, để lên nắm chính quyền. Nhưng trong khi ngủ thì chức năng trí óc hạ xuống, người mê không vận dụng được khái niệm chính xác nữa, tức là chỉ nói lên cái ý muốn của mình bằng những tượng hình đơn giản hóa. Đất nước cũng giống như người mẹ, do đấy thì cái hình ảnh nằm với mẹ là tượng hình để nói lên rằng: “Ngày mai sẽ thắng trận”. Động cơ tư tưởng là xuất phát từ quan hệ xã hội hiện tại. Còn cái cảnh tượng nhi đồng thì chỉ là một tượng hình để nói lên cái ý muốn hiện tại. Cũng giống như con chim bồ câu là tượng trưng cho hòa bình: người ta vẽ chim bồ câu để nói lên ý muốn hòa bình, chứ không phải là đấu tranh cho hòa bình để được con chim bồ câu!

Lẽ cố nhiên mỗi trường hợp một khác. Tức là cái hình ảnh nhi đồng có thể được dùng làm tượng hình cho nhiều tư tưởng khác nhau. Trong bất kỳ trường hợp nào, thì cái ý nghĩa cơ bản tức là cái động cơ tư tưởng thực sự cũng là xuất phát từ vấn đề hiện tại.

Adler cũng vạch ra rằng những cảnh tượng nhi đồng như con nằm với mẹ, chỉ có ý nghĩa sinh dục đối với người lớn. Còn đối với trẻ em, chưa có quan hệ sinh dục, thì cũng chưa có ý nghĩa sinh dục. Mặt khác những cảnh tượng như thế nhiều khi cũng chỉ là có người ngủ mê, hay bệnh nhân tâm thần tự đặt ra, để tạo nên những hình ảnh tượng trưng cho những mối lo hiện tại của mình. Vì như Freud đã nói trong đoạn dẫn ở trên: những “sự kiện” của thời nhi đồng có thật hay không, vấn đề ấy không cần phải đặt ra. Dù có hay không thì cũng thế thôi: “kết quả là như nhau” vì nó chỉ là tượng hình và chỉ có vai trò tượng hình.

Theo Adler thì quan hệ của trẻ em với gia đình chính là một loại quan hệ xã hội. Quan hệ giữa mẹ với con là quan hệ xã hội đầu tiên. Vấn đề cơ bản không phải là mẹ cho con bú. Mẹ nuôi con bằng lọ sữa bò thì cũng thế thôi. Vấn đề cơ bản là ở thái độ cư xử của người mẹ: quý trọng con như một con người, một thành viên của xã hội, hoặc ngược đãi, ruồng bỏ, hoặc quá nuông chiều v.v… Tư tưởng và tình cảm của người mẹ thể hiện trong phương pháp đối xử với con, và chính đấy là nhân tố cơ bản xây dựng bản cách (personnalité) đầu tiên của đứa bé.

Đối với bố thì cũng thế. Trong gia đình phụ quyền, người cha có uy thế, nên có khi đứa bé tự cảm thấy lép vế, thấy bố đè bẹp cái bản cách của mình: do đấy mà đứa bé thích mẹ hơn là bố, vì gần mẹ thì cảm thấy mình vững chắc hơn. Nhưng cũng có nhiều trường hợp mà bà mẹ không khéo, hoặc hay giận dữ, đứa bé bị vấp váp với mẹ thì đi tìm sự an ủi với bố, nếu thấy bố hiền lành hơn. Ở cù lao Trobriand, truyền thống mẫu quyền còn mạnh, người ta cho rằng đàn ông không có đóng góp gì trong việc sinh đẻ, người bố chỉ coi như bạn chứ không có quyền gì trong gia đình, do đấy thì trên thực tế cũng không có vấn đề mâu thuẫn với con, theo như Malinowsky đã quan sát tại chỗ.

Tất cả vấn đề là làm thế nào cho trẻ em tự tin, tự hào. Nếu thái độ đối xử của cha mẹ tỏ ra vụng về, hoặc vô tình, bạo ngược, thì đứa bé cảm thấy bản cách của mình bị hạ thấp, xúc phạm: do đấy thì nó có phản ứng tự ái; nếu tình trạng kéo dài thì nó trở thành tự ty. Rồi chống lại tư tưởng tự ty thì nó lại thành tự cao, tự đại, phản ứng lung tung, tỏ thái độ bạo ngược. Có nhiều nguyên nhân phức tạp, tạo nên tình trạng vừa tự ty, vừa tự cao, làm cho trẻ em trở thành khó bảo[1]. Nếu tình hình ấy phát triển và khi lớn lên cũng không giải quyết, thì đến tuổi thiếu niên, thanh niên, trẻ em có thể bị hư hỏng, lưu manh hóa.

Cũng có thể là khi đứng trước hoàn cảnh khó khăn, bế tắc, tư tưởng vừa tự ty vừa tự cao phát triển quá chừng, thì tạo nên bệnh tâm thần. Con người không giải quyết được vấn đề trong xã hội thực tế, thì xoáy vào đời sống nội tâm, cư xử giả tạo. Một mặt thì tự hạ thấp mình với một thứ thích thú trái ngược, theo lối ăn vạ, mặt khác thì lại tự cao tự đại, theo lối xâm phạm hoặc thoát ly. Triệu chứng bệnh tâm thần là một thứ tiếng nói giả tạo mà bệnh nhân trong tình trạng bất lực cố dùng để tự khẳng định mình trong tưởng tượng vì cảm thấy cái bản cách của mình đã bị hạ thấp, mà cũng không có cách gì để tự khẳng định mình trong đời sống thực tế.

Nhưng vì sao khi tự cảm thấy mình lép vế, con người phản ứng tự ty, rồi lại trở thành tự cao? Trong một thời gian đầu Adler cho rằng đấy là vì bản chất con người là cái “ý chí tự cường” (volonté de puissance). Khái niệm này là có tính chất siêu hình duy tâm, trên thực tế thì nó không giải thích được gì. Nguồn gốc lịch sử của nó là ở quan niệm phản động của Nietzsche về “người siêu nhân” (le surhomme), mà đặc điểm là có một “ý chí tự cường” phi thường. Trong Adler, khái niệm “ý chí tự cường” mang một nội dung khác, không phản động như trong Nietzsche, nhưng vẫn là duy tâm mơ hồ.

Nhưng trong giai đoạn sau, Adler đã bỏ rơi cái khái niệm “ý chí tự cường” và cho rằng bản chất con người là “tính tình xã hội” (sentiment social). Bình thường thì cái tính tình xã hội của con người được thực hiện trong những quan hệ xã hội thực tế, do đấy mà nó tạo nên tâm trạng tự tin, tự hào, nâng cao cái “cảm thức bản cách” (sentimental de la personnalité). Nhưng khi vấp váp phải quá mức, mà con người trở thành tự ty, thì cái tính tình xã hội không thể hiện được trên đời sống xã hội bên ngoài: do đấy mà nó xoáy vào bên trong, xây dựng một thứ xã hội giả tạo trong nội tâm, ở đấy bệnh nhân tự đặt mình lên trên hết, tưởng tượng rằng bao giờ mình cũng hơn người.

Khái niệm “tính tình xã hội” có nội dung cụ thể hơn và tiến bộ hơn là khái niệm “ý chí tự cường”. Tuy nhiên cái “tính tình xã hội” của Adler như thế vẫn còn là chung chung và theo quan điểm duy tâm. Ông cho rằng tính tình xã hội là bản chất của linh hồn mỗi người. Tức là cái xã hội bên ngoài được xây dựng nhờ “tính tình xã hội” đã có bên trong mỗi cá nhân.

Nói như thế thì rõ ràng là đi ngược với thực tế. Vì trên thực tế thì không phải là cái “tính tình xã hội” của con người tạo nên quan hệ xã hội, mà chính những quan hệ xã hội khách quan được phản ánh trong cái tính xã hội của mỗi người. Chỉ có theo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin, đặc biệt là nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử: “Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là toàn diện các quan hệ xã hội”, thì chúng ta mới có thể hiểu đúng đắn quá trình diễn biến tâm thần của mỗi người: một mặt là tự tin, tự trọng, tự hào, một mặt là tự ái, tự ty, tự cao.

Cũng vì quan điểm duy tâm, nên Adler chỉ hiểu cái tính tình xã hội một cách chung chung, không phân tích cụ thể các quan hệ xã hội trong lịch sử, không nắm được cái cơ bản nhất trong bản cách con người thời nay là quan hệ giai cấp, tính giai cấp.

Cũng do đấy mà Adler cho rằng đến tuổi lên 5, bản cách con người về căn bản là đã hoàn thành. Đấy là một sai lầm rất lớn, vì như thế thì tựa hồ như những quan hệ xã hội thực sự hiện hành, đặc biệt là những quan hệ giai cấp, không có ảnh hưởng gì đáng kể đến bản cách? Adler khác Freud ở chỗ mà ông cho rằng cái kết quả mà 5 năm tuổi nhi đồng để lại, không phải là tổng hợp những “sự kiện” và “phức cảm” nhi đồng như Freud tưởng. Theo Adler thì thành tựu 5 năm tuổi nhi đồng là cái “lề lối sống” (style de vie), tức là cái cách riêng của mỗi người vận dụng những quan hệ xã hội: đấy là một bước tiến bộ quan trọng của Adler so với Freud. Nhưng khi ông lại nói rằng cái lề lối sống ấy từ tuổi lên 5 trở đi là không thay đổi nữa, thì chính ông lại sa vào cùng một sai lầm như Freud: ông không hiểu gì về những quan hệ xã hội hiện thời mà cơ bản nhất là quan hệ giai cấp.

Trên thực tế thì bản cách con người được xây dựng trên suốt cuộc đời. Những cấu trúc đã được xây dựng ở tuổi nhi đồng thì không mất đi, nhưng bắt đầu từ tuổi thiếu nhi thì nó phải mang một nội dung ngày càng mới, bản thân nó trở thành một hình thức thứ yếu gắn liền và phụ thuộc vào những cấu trúc mới, mà cơ bản nhất là cấu trúc giai cấp, ý thức giai cấp.

Cái cơ bản trong con người không thể nào thuộc vào cái dĩ vãng, nó chỉ có thể có trong hiện tại. Tuy nhiên, cái hiện tại vẫn mang trong bản thân mình cái di sản còn lại của dĩ vãng. Do đấy, muốn hiểu rõ bản cách của một người thì phải xét tất cả tiểu sử từ khi mới ra đời. Tức là phải xem cả cái quá trình xây dựng những quan hệ xã hội của người ấy từ tuổi sơ sinh. Quan hệ giữa mẹ (hoặc người thay thế mẹ) với con chính là quan hệ xã hội đầu tiên. Nó là quan hệ đối xử giữa người với người, và được quy định theo truyền thống dân tộc, tập quán giai cấp. Trẻ em lớn lên qua nhiều giai đoạn và ở mỗi giai đoạn thì nó tiến lên những quan hệ xã hội mới, do đấy mà xây dựng bản cách của mình ở một trình độ cao hơn. Đến khi đi vào quan hệ sản xuất, ở tuổi thanh niên, thì bản cách chín mùi, đấy là lúc “thành người”. Và khi thay đổi quan hệ sản xuất, quan hệ giai cấp, thì con người trở thành mới, bản cách con người biến chuyển về căn bản. Cái dĩ vãng dù quan trọng thế nào, thì cũng không phải là căn bản.

Tóm lại Adler đã có công phê phán Freud trên cơ sở chuyên môn và về phần này thì tài liệu của ông có giá trị lớn. Nhưng khi ông đi vào xây dựng tâm lý học cá nhân (psychologie individuelle) thì ông đã vận dụng nhiều khái niệm “ý chí tự cường” (volonté de puissance) thì lẽ cố nhiên là chúng ta không kể đến, vì chính Adler sau này cũng đã bỏ rơi nó đi. Nhưng cả cái khái niệm “tính tình xã hội” hoặc những khái niệm khác của Adler như tự ty, tự cao v.v… thì cũng phải phê phán và xây dựng lại hoàn toàn theo quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, với những tài liệu của ta.

Nói chung, trong khoa học xã hội và khoa học về con người, chúng ta không thể nào tiếp thu một cách đơn thuần bất kỳ cái gì của những tác giả tư sản, dù là tư sản tiến bộ như Adler. Chúng ta chỉ có thể và rất cần nghiên cứu, phê phán những khái niệm, kiểm tra và quan sát lại các hiện tượng, nhận định lại các sự việc theo quan điểm Mác-Lênin. Tức là khi xây dựng học thuyết thì phải xây dựng trên cơ sở của ta, dựa vào kinh nghiệm của các nước xã hội chủ nghĩa anh em.

Sao chăng nữa, Adler đã hướng về phía tiến bộ, và đấy là điều mâu thuẫn cơ bản của ông với Freud. Quan điểm của Freud thể hiện rõ ràng trong học thuyết phân tâm về xã hội và con người xã hội. Theo luận phân tâm thì “Con người là một vật sống trong đàn (horde), tức là thành viên của một đàn có thủ lĩnh chỉ huy (L’homme est un animal de horde, c’est-à-dire un élément constitutif d’une horde conduite par un chef - S. Freud, Essais de psychanalyse, Fayot, p. 136). Nghĩa của chữ “đàn” ở đây là quy đinh theo cái “đàn nguyên thủy” (la horde primitive) trong học thuyết của Freud, tức là một đàn dưới quyền thống trị tuyệt đối của một con đực hùng mạnh. Đấy là cấu trúc của đàn khỉ (theo quan niệm phổ biến từ cuối thế kỷ XIX đến hơn 10 năm gần đây), mà khi tiến lên thành “đàn người nguyên thủy” (theo quan điểm của Freud) thì có “Người Cha nguyên thủy” đứng đầu, mê hoặc và đàn áp tàn nhẫn vợ con trong đàn.

Như thế là trong đời sống xã hội của người ta, Freud không kể gì đến nhân dân, giai cấp, v.v.v… mà chỉ quan niệm đồng loạt tất cả các tập đoàn xã hội đều là “đàn người” (foule). Freud nói: “Cái đàn người như thế có thể coi là sự phục sinh của cái đàn người nguyên thủy” (La foule nous apparait sinsi comme une résurrection de la horde primitive - Essais de psychanalyse, tr. 138).

Do đấy thì đặc điểm của đàn người, tức là của bất kỳ tập đoàn xã hội nào, theo quan điểm của Freud, là có “một cá nhân hùng mạnh phi thường thống trị, số đông người ngang hàng với nhau” (un individu d’une puissance extracrdinaire dominent une foule de compagnons égaux - Esssai de psychanalyse, tr. 137), giống như “người Cha nguyên thủy” thống trị vợ con theo lối mê hoặc và đàn áp. Freud nói: “Người cầm đầu đàn người bao giờ cũng là hiện thân của người Cha nguyên thủy mà ai cũng phải khiếp sợ. Cái đàn người bao giờ cũng khao khát phục tùng (tr. 143). Về tâm lý của người Cha nguyên thủy, là kiểu mẫu của “người cầm đầu đàn người”, tức là kiểm mẫu của thủ lĩnh bất kỳ xã hội nào, thì Freud nói: “Người Cha nguyên thủy là tự do. Ông ấy không yêu ai ngoài bản thân mình. Ông ấy chỉ công nhận giá trị người khác chừng nào mà họ phục vụ nhu cầu của bản thân ông ấy” (tr. 139).

Freud cho rằng cấu trúc của bất kỳ xã hội nào cũng là cái quan hệ “sinh dục” giữa ở trên là một cá nhân toàn quyền độc đoán, mê hoặc và đàn áp, và ở dưới là cái đám đông người đều “khao khát phục tùng”!

Về phần Adler, thì khi đặt cái “tính tình xã hội” làm bản chất của con người, ông không đi xa hơn quan điểm dân chủ và nhân đạo tư sản. Nhưng đấy cũng là một bước tiến bộ lớn so với Freud. Nhờ thế mà Adler và trường phái của ông đã có một số thành công, đặc biệt là trong việc xây dựng những phòng hướng dẫn phụ huynh và thầy giáo để giáo dục trẻ em khó bảo, và những cơ sở cải tạo trẻ em hư hỏng. Nhưng lẽ cố nhiên là việc ấy cũng chỉ làm theo xu hướng rất hạn chế của xã hội tư sản.

Sao chăng nữa, khái niệm “tính tình xã hội” của Adler cũng đã chứng tỏ rằng cái bí quyết của vấn đề cá nhân và bản cách con người chính là ẩn nấp trong cái bản chất xã hội của nó. Mà rõ ràng muốn nắm vững bản chất xã hội của con người, thì phải đặt vấn đề toàn diện theo quan điểm Mác-Lênin.

*

*     *

Hiện nay chúng ta có đầy đủ điều kiện để áp dụng trực tiếp phép biện chứng duy vật và lịch sử vào vấn đề cá nhân và bản cách con người, không cần phải kể đến bất kỳ học thuyết tư sản nào, dù là tư sản tương đối tiến bộ như Adler.

Điều kiện căn bản là phải xuất phát từ quá trình phát sinh cá nhân và bản cách con người từ sự tiến hóa của động vật. Đại khái chúng ta có thể phân biệt mấy giai đoạn như sau:

1)  Lúc đầu xuất hiện cơ thể sống dưới hình thức đơn bào. Những vật đơn bào có thể chia xẻ và khôi phục, và cái năng lực ấy được duy trì trong những vật đa bào đầu tiên cho đến lớp Giun. Nếu chúng ta cắt một con giun đất ra làm đôi, thì hai nửa giun lại khôi phục thành hai con giun hoàn toàn.

2)  Cá thể (individu) là cơ thể sống không thể chia cắt được (indivis), xuất hiện ở một số loài Giun và phát triển sau đấy.

Cá thể như thế thì nói chung là hoạt động theo bản năng, tức là theo hệ thần kinh tự động. Tức là nó chưa có “cá tính”, đứng trước cùng một hoàn cảnh, thì hai con cá hay hai con rắn phản ứng đại khái như nhau.

Quá trình cá tính hóa cá thể (individualisation de l’individu) chỉ có thể thực hiện trong đời sống tập đoàn, trong ấy mỗi con vật có một vai trò càng ngày càng mang những nét đặc biệt: từ đấy xuất phát ra cá tính (individualité).

3)  Cá thể có cá tính được xây dựng nhờ hoạt động thần kinh cao cấp trong điều kiện sinh sống tập đoàn.

Đời sống tập đoàn là một nguồn kích thích mới, cao hơn là sức mạnh của bản năng. Ví dụ như trong một đàn cừu ăn cỏ, thì mỗi con cừu ăn được nhiều hơn là nếu nó ăn riêng một mình. Tức là cái hình ảnh tri giác của những con cừu xung quanh có tác dụng kích thích mỗi con cừu trong tập đoàn và tạo nên cho nó một sinh lực mới, làm cho nó tiêu thụ được nhiều nhiều cỏ hơn là nếu nó chỉ hoạt động theo hệ thống phản xạ, kể cả phản xạ có điều kiện theo nghĩa thường, tức là theo bản năng nói chung.

Rõ ràng ở đây chúng ta đứng trước một sự việc cơ bản và đặc thù của đời sống tập thể, nó xuất phát từ những tập đoàn động vật và sẽ phát triển vô hạn định trong xã hội loài người.

Trong bộ Tư bản, Mác nói: “Chỉ riêng sự có mặt cùng nhau trong xã hội (le seul contact social) đã tạo nên một sự thi đua và một sự kích thích năng lượng thần kinh (espirít animaux, animal spirits) nâng cao khả năng làm việc của mỗi cá nhân, do đấy mà 12 người lao động cùng với nhau trong một ngày, tất cả là 144 giờ công tập thể, thì sản xuất được nhiều hơn là 12 công nhân cá thể làm việc mỗi người 12 giờ, hoặc một công nhân cá thể làm việc 12 ngày liền. Đấy là vì con người, do bản tính của nó (par nature), là một động vật xã hội” (Le capital I, 2, tr.19, Editions sociales). Tức là không kể gì đến những vấn đề kết hợp động tác, giúp đỡ lẫn nhau v.v…, chỉ riêng sự có mặt cùng nhau và làm việc bên cạnh nhau cũng đã đủ để tăng năng suất lao động. Sở dĩ là vì sự có mặt cùng nhau như thế tạo nên cho mỗi cá nhân một hình ảnh tri giác tập thể làm kích động thần kinh, do đấy mà nâng cao sinh lực của cơ thể, làm cho mọi người có hứng thú hoạt động nhiều hơn.

Rõ ràng ở đây đã xuất hiện một nguồn năng lượng mới, dưới hình thái đơn giản nhất, nguyên thủy nhất: cái quan hệ cùng nhau có mặt ở một nơi, đã có ở những tập đoàn động vật đơn giản như đàn cừu, chính là hạt nhân của tất cả những quan hệ xã hội trong những tập đoàn động vật và trong xã hội con người.

Tức là sự kích thích lẫn nhau trong đời sống chung (mà dù không làm gì, chỉ trong thấy nhau cũng đã là đủ để kích thích nhau) tạo nên một hình thái mới của năng lượng thần kinh mà chúng ta có thể gọi là năng lượng tâm thần (énergie psychique), vì nó cao hơn là cái năng lượng thần kinh thông thường xuất phát từ bản năng.

Những tập đoàn động vật càng ngày càng tiến hóa, thì phát triển những quan hệ đối xử tập thể phức tạp với những dấu hiệu (âm hiệu và chỉ hiệu) ngày càng có ý nghĩa. Do đấy mỗi cá thể ngày càng có vai trò, và quá trình ấy tạo nên những thái độ cư xử đặc biệt, tức là tạo nên cá tính.

Một ví dụ điển hình là câu chuyện con khỉ Chimpanzé Mike, mà Jane Goodall đã tường thuật (xem trong Le langage secret des animaux của Vitus B. Droscher, tr. 222-223). Mike trước kia đứng bậc dưới, cấp giữa, trong hệ thống ngôi thứ của tập đoàn. Một hôm nó vấp phải những bi-đông dầu hỏa đã dùng hết và bỏ ở gần lều của nhà quan sát. Nó nắm lấy những bi-đông ấy và vứt tứ tung, tạo nên tiếng vang điếc tai. Thế là những con khỉ khác rất cảm phục, và đưa Mike lên làm thủ lĩnh tập đoàn.

Tiêu chuẩn chủ yếu thường dùng để xếp ngôi thứ là tiêu chuẩn sức mạnh cơ thể và về mặt này thì Mike là một thành viên kém trong tập đoàn, vì trước kia nó chỉ được xếp vào phần dưới. Nhưng bây giờ nó đã chứng tỏ một cá tính mạnh. Đấy không phải là sức mạnh cơ thể, mà chính là sức mạnh tâm thần. Thái độ cư xử mạnh bảo của Mike là xuất phát từ kinh nghiệm đối xử của nó trong tập đoàn.

Do sự phát triển của năng lượng tâm thần trên cơ sở hoạt động dấu hiệu, nên trong những tập đoàn khỉ Chimpanzé, vấn đề tranh giành ngôi thứ ít khi gây nên những hành động đánh nhau hay dọa nạt nhau như trong những tập đoàn khỉ hạ cấp. Những con khỉ Chimpanzé thường giải quyết vấn đề địa vị trên dưới bằng cách thi đua biểu dương thể lực: ví dụ như nhổ cây, bẻ cành, đánh đu, nhảy múa, v.v… Đấy là những tượng hình tương đối mới, vì chúng không có trong kho tàng dấu hiệu di truyền của loài. Nhưng sao chăng nữa, những tượng hình chỉ hiệu như thế vẫn còn là thuộc truyền thống tập đoàn.

Nhưng đến câu chuyện khỉ Mike, thì chúng ta thấy một tiến bộ có tính chất sâu sắc. Mike không đủ sức cơ thể để thi đua biểu dương thể lực như những con khỉ mạnh đầu đàn. Nhưng nó lại sáng tạo nên được một tượng hình cá biệt uy hiếp tập đoàn, làm cho những con khỉ mạnh hơn nó nhiều cũng phải hàng phục. Tức là trong quá trình hoạt động dấu hiệu trước kia, Mike đã phát triển được năng lượng tâm thần đến một mức độ cao, do đấy mà nó đã đi xa hơn cái vốn dấu hiệu truyền thống của tập đoàn, tự khẳng định mình với một cá tính độc đáo.

Như thế là những kinh nghiệm đối xử trong đời sống tập thể tạo nên cho mỗi cá thể một cái vốn năng lượng thần kinh kiểu mớitức là năng lượng tâm thần với một cấu trúc cá biệt. Do kinh nghiệm, một con khỉ có thể trở nên rụt rè, cẩn thận, hoặc lung tung, phiêu lưu, hoặc hách dịch, xâm phạm, hoặc êm đềm, trìu mến, v.v… Lẽ cố nhiên cái cá tính được xây dựng như thế cũng có nền tảng trong những đặc điểm cơ thể, nhất là trong cấu tạo thần kinh. Nhưng tất cả những đặc điểm cơ thể vẫn phải thông qua quan hệ đối xử xã hội, thì mới có thể thành hình cá tính. Tức là quá trình phát triển những quan hệ đối xử xã hội đồng thời cũng là quá trình cá tính hóa cá thể (individualisation de l’individu).

Trong những tập đoàn khỉ có một số cử chỉ liên đới rất có ý nghĩa, như trường hợp cả tập đoàn tỏ thái độ thương tiếc một thành viên mới chết; hay khi một con khỉ bị tách ra khỏi tập đoàn thì nó la hét hàng tuần; hoặc khi có kẻ thù tấn công thì thủ lĩnh đứng ra bảo vệ, để tập đoàn rút lui an toàn; khi một con khỉ lâm nguy thì một con khác đến cứu và tất cả tập đoàn theo dõi, đe dọa và thóa mạ kẻ thù v.v… Những hành động như thế chứng minh rằng mỗi cá thể là liên đới với tập đoàn và cả tập đoàn là liên đới với mỗi cá thể. Tức là mỗi con khỉ phải có trong trí óc một cái hình ảnh thường trực của tập thể thống nhất với cái hình ảnh cơ thể bản thân (image du corps propre), chính sự thống nhất hai hình ảnh như thế làm cho nó hành động liên đới với tập đoàn, do đấy thì cả tập đoàn cũng hành động liên đới với mỗi thành viên của mình.

Trong bộ Tư bản Mác đã nói: “Con người trước hết trông thấy mình trong người khác như trong tấm gương. Chỉ có nhờ cái quan hệ của nó với người Paul là một thực thể giống như nó, thì người Pierre mới có quan hệ với bản thân mình với tư cách là một con người”[2]

Ở những tập đoàn động vật, hoạt động của mỗi con vật nói chung vẫn còn là theo bản năng. Bản năng cùng với những phản xạ có điều kiện (theo nghĩa thường), tức là năng lượng thần kinh theo nghĩa thường, giữ vai trò cơ bản. Còn hình thái mới của năng lượng thần kinh, tức là năng lượng tâm thần (énergie psychique), thì chỉ có vai trò thứ yếu. Do đấy thì cá tính của động vật, kể cả khỉ nhân hình chỉ có thể là rất hạn chế. Một cá thể có cá tính mạnh như khỉ Mike, thì về căn bản trong đời sống bình thường cũng vẫn hoạt động giống như bất kỳ con Chimpanzé nào khác, tức là theo bản năng.

4)  Nhưng lên đến con người thì lại khác hẳn. Với sự phát triển của lao động và tiếng nói, những quan hệ xã hội được hệ thống hóa thành một thể thống nhất trên cơ sở phương thức sản xuất, do đấy mà cái tập đoàn khỉ nhân hình đã trở thành xã hội con người.

Theo đấy thì năng lượng tâm thần, xuất phát từ những tiếng gọi của xã hội, cũng thống nhất trong một cấu trúc tập trung, là bản cách. Cái cá tính của động vật tập đoàn trở thành bản cách của con người sống trong xã hội.

Một khi năng lượng tâm thần đã thống nhất như thế, thì nó thống trị hoạt động phản xạ kể cả phản xạ có điều kiện, tức là hoạt động bản năng nói chung. Tức là trong con người, bản năng là sự phụ thuộc vào hệ thống tâm thần của bản nhân (la personne), hệ thống này là phản ánh hệ thống quan hệ xã hội.

Nhưng nếu như thế thì sao mỗi người lại có cái bản cách riêng của mình? Lẽ cố nhiên mỗi người có những đặc điểm cơ thể, đặc biệt là trong cấu tạo thần kinh (constitution nerveuse). Nhưng đấy không phải là cái cơ bản. Sở dĩ mỗi người có một cách cư xử riêng biệt, là do quá trình xây dựng những quan hệ xã hội trong bản thân mình. Trong cùng một giai cấp, một tập đoàn xã hội, thì mỗi người đã đi vào giai cấp ấy, tập đoàn ấy một cách khác. Nếu xét từ tuổi sơ sinh thì mỗi người có nhiều đặc điểm trong cả quá trình xây dựng những quan hệ xã hội trong bản thân mình. Quan hệ giữa con với mẹ (hay người nào thay thế người mẹ) là quan hệ xã hội đầu tiên, nó được quy định theo truyền thống lịch sử.

Ví dụ như ở những cù lao Alor, cha mẹ rất ít trông nom đến con, và để cho trẻ em sống với nhau. Ở Tân Guinée trong dân tộc Mundugmor, các bà mẹ rất ghét con, chỉ cho con bú theo mức tối thiểu, khi ẵm thì không đỡ, thường bỏ con vào một cái nôi rất bất tiện. Trái lại, trong dân tộc Arespean cũng sống gần đấy, thì các bà mẹ lại bế con một cách trìu mến cho đến khi con ngủ v.v… Lẽ cố nhiên những phương pháp cư xử khác nhau của người mẹ cũng tạo nên cho con em những mầm mống bản cách khác nhau. Tiếng của mẹ gọi con là tiếng gọi đầu tiên của xã hội, gợi nên cho đứa bé mầm mống bản cách con người.

Đến năm thứ 2, trẻ em bắt đầu nhận ra bố. Đến năm thứ 3, 4, trẻ em đã có quan hệ với nhiều người thân. Vào tuổi thiếu nhi thì đứa bé có quan hệ ngoài gia đình, với láng giềng, trường học, dần dần hình dung đất nước. Đến tuổi thiếu niên thì đã bước đầu xây dựng khái niệm thế giới, tiến lên lý tưởng phổ cập. Đến tuổi thanh niên thì đi vào quan hệ sản xuất, đảm nhiệm chức năng xã hội.

Như thế là bản cách được xây dựng qua nhiều giai đoạn. Ở mỗi giai đoạn trẻ em tiến lên một trình độ quan hệ xã hội mới, sâu rộng hơn, phức tạp hơn và phản ánh những quan hệ ấy trong bản cách của mình. Tức là bản cách được phát triển theo sự phát triển của những quan hệ sản xuất mà nó phản ánh. Và lẽ cố nhiên ở mỗi bước tiến lên, mỗi đứa trẻ em gặp những hoàn cảnh riêng, có những phản ứng riêng. Dù là hai anh em đẻ sinh đôi, lớn lên cùng với nhau trong gia đình, thì cũng không thể nào có quá trình phát triển quan hệ xã hội hoàn toàn giống nhau. Thái độ của cha mẹ và anh chị em đối với hai em bé có thể có những chỗ khác nhau (so sánh, phân biệt v.v…). Lớn lên thì lại có những gặp gỡ khác nhau, những ảnh hưởng xã hội khác nhau tạo nên những phản ứng khác nhau. Do đấy thì theo từng bước phát triển quan hệ xã hội, bản cách mỗi người được xây dựng một cách khác. Và cuối cùng khi đi vào đời sống tự túc ở tuổi thanh niên, thì rất có thể là hai người theo hai con đường khác nhau. Nhất là khi trong xã hội có những biến chuyển lớn, có thể là một người theo cách mạng, một người bàng quan hoặc theo phản động.

Nhưng nếu xét toàn diện, lấy đại đa số làm quyết định, thì tất nhiên là trong mỗi giai cấp, mỗi tập đoàn xã hội, có những nét chung cho quá trình xây dựng mọi người, tức là tối đại đa số người của giai cấp ấy, tập đoàn xã hội ấy. Và như thế thì có bản cách chung của giai cấp, của tập đoàn xã hội, bản cách của dân tộc. Giai cấp công nhân nói chung, tức là tối đại đa số người công nhân, là cách mạng, do đấy thì bản cách của giai cấp công nhân là bản cách con người cách mạng, với những đặc điểm lịch sử của giai cấp công nhân.

Bản cách là cấu trúc tập trung của năng lượng tâm thần. Năng lượng tâm thần là xuất phát từ những tiếng gọi lẫn nhau trong xã hội, do đấy thì bản cách là phản ánh toàn diện những quan hệ xã hội đứng về phương diện một cá nhân hay một tập đoàn xã hội, theo quá trình xây dựng tính xã hội của cá nhân ấy hay tập đoàn ấy. Tức là bản cách được quy định theo tiểu sử và lịch sử. Nhưng cũng phải nhấn mạnh rằng trong ấy cái căn bản bao giờ cũng là cái hiện tại ở mỗi giai đoạn. Mà trong cái hiện tại của người lớn, thì cái căn bản nhất là quan hệ giai cấp, tính giai cấp. Cái dĩ vãng, từ tuổi sơ sinh, chỉ có thể ảnh hưởng đến hình thức, lề lối làm việc, xây dựng tượng hình. Còn nội dung và thực chất của bản cách, ý nghĩa cơ bản, và cả cái hình thức toàn diện, là quy định theo hiện tại. Lẽ cố nhiên cái hiện tại cũng phải định nghĩa trên một giai đoạn khá dài, bao hàm một phần dĩ vãng và tương lai, không phải đơn thuần là cái hiện tại trước mắt. Nói chung thì khái niệm “hiện tại” dùng ở đây thì đối với người lớn là bao hàm thời gian xây dựng tính giai cấp, là cái cơ bản nhất trong bản cách con người.

Nếu cái cơ bản không phải là cái hiện tại, thì không bao giờ có thể có vấn đề cải tạo con người, tức là cải tạo bản cách. Ở Liên Xô, Makarenkô đã có những thành công rực rỡ bằng cách xây dựng đời sống mới, lao động tập thể, với kỷ luật đặt ra là dứt khoát không kể đến dĩ vãng của các em, mà cũng không cần phải biết đến. Rõ ràng những thanh niên đã qua sự giáo dục như thế, đã tự tạo cho mình một bản cách mới về căn bản, bản cách con người lao động xã hội chủ nghĩa. Cái dĩ vãng không phải là cái cơ bản.

Nhưng lẽ cố nhiên là nếu chúng ta hiểu rõ được những quy luật phát triển của bản cách con người trong quá trình xây dựng những quan hệ xã hội từ tuổi sơ sinh, thì điều ấy sẽ giúp đỡ được nhiều cho các phụ huynh, bảo mẫu và thấy giáo. Vấn đề này đòi hỏi nhiều công trình nghiên cứu cụ thể theo quan điểm khoa học chân chính của chủ nghĩa Mác-Lênin, đường lối cách mạng của Đảng và tinh thần dân tộc

*

Nguồn gốc của năng lượng tâm thần trong những tập đoàn động vật cũng là bí quyết của vấn đề nguồn gốc của tiếng nói và ý thức. Vì không trông thấy điều này, nên trong cuốn Recherches sur l’origine du langage et de la conscience, tôi đã vấp phải tình trạng bế tắc, khi đi vào giai đoạn quyết định nhất, là giai đoạn chuyển biến từ tiếng nói hỗn hợp của Tiền nhân lên tiếng nói có ngữ pháp của Người. Tôi đã tìm con đường vòng bằng cách đi vào vấn đề nguồn gốc của xã hội. Nhưng vì thiếu tài liệu về quan hệ xã hội trong những tập đoàn khỉ, nên tôi đã phải quay về tâm lý nhi đồng, ở đấy cũng chỉ có tài liệu của Freud là đưa ra một đề án tương đối rõ ràng và những giai đoạn phát triển quan hệ gia đình của trẻ em.

Tôi đã bác bỏ toàn bộ quan điểm của Freud, đặc biệt là cái nguyên lý cơ bản của ông lấy cái “kích thích bản năng” (pulsion) làm nguồn gốc của năng lượng và đời sống tâm thần.

Nhưng cũng vì chưa nắm được nguồn gốc thực sự của năng lượng tâm thần trong quan hệ xã hội, chưa thấy cái quan hệ cụ thể giữa xã hội với tâm thần, nên tôi cũng không đưa ra được bằng chứng chính xác, để phê phán triệt để học thuyết của Freud. Do đấy mà khi cụ thể đi vào những giai đoạn phát triển của trẻ em, tôi đã thiếu kiểm tra những nhận định của Freud, và như thế là sai lầm về sự việc.

Tháng 2-1975



[1] Nhưng trẻ em được quá nuông chiều, thì đã đi đến những đòi hỏi quá đáng, không thể thỏa mãn được, do đấy mà trở thành bất mãn, tự ái, tự ty, tự cao. Trong gia đình, quan hệ giữa anh chị em ở tuổi nhi đồng có khi lại quan trọng hơn là quan hệ với cha mẹ.

[2] Tư bản, trong Marx-Engels Werke, T. 23, tr. 193. Dietz Verlag-Berlin.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt