Tưởng nhớ triết gia Trần Đức Thảo nhân dịp 20 năm ngày mất của ông
LÔGIC BIỆN CHỨNG NHƯ LÀ ĐỘNG LỰC PHỔ BIẾN CỦA THỜI GIAN HÓA
TRẦN ĐỨC THẢO (1917-1993)
Aristoteles định nghĩa thời gian là số vận động theo trình tự trước sau. Từ đó suy ra rằng khoảnh khắc mà số vận động này được xác định bằng kim đồng hồ tự nó biểu hiện như là một giới hạn tách bạch quá khứ với tương lai, và đồng thời nối kết chúng một cách thụ động bằng tính liên tục đơn thuần sao cho cái khoảnh khắc này vẫn còn bất động trong trạng thái tức thời như một điểm của nó. Tính bất động như thế của khoảnh khắc xét như là khoảnh khắc khiến cho sự vận động của các sự vật trở nên không thể hiểu được, bởi lẽ vận động này ắt sẽ lần lượt trùng khít với vô hạn các vị trí tĩnh tại thuần túy. Rõ ràng, điểm chỉ là một sự trừu tượng, cho dù nó cần thiết cho việc tính toán. Nhưng để định nghĩa khoảnh khắc là một điểm, ta phải coi cái trừu tượng ấy là một thực tại, điều này đồng nghĩa với việc thủ tiêu bản thân cái tương lai.
Chỉ ở đầu thế kỷ 20, cùng với sự phát triển của phương pháp hiện tượng học, Husserl, ở giai đoạn hoạt động sáng tạo thứ ba của ông, mới có thể đề cập được vấn đề vận động thời gian trong cái Hiện tại sinh động, và vượt qua những khó khăn nan giải của Aristoteles bằng cách làm sáng tỏ phép biện chứng về cái khoảnh khắc trong chính cái khoảnh khắc.
Đúng là lối suy xét của Husserl về cái Hiện tại sinh động bị giới hạn vào lĩnh vực của tính chủ quan của sự trải nghiệm thuần túy xét như là sự trải nghiệm thuần túy. Tuy nhiên, ta có thể lấy lại cái cốt yếu trong nội dung của nó, với những sự phát triển và những biến đổi tất yếu, để xây dựng một lôgic biện chứng như là động lực phổ biến của thời gian hóa, nói cách khác, như là một lôgic tổng quát của cái tồn tại trong sự vận động và sự trở thành, cả mặt khách quan lẫn mặt chủ quan, của nó.
Một lôgic như thế ắt sẽ mở đường cho nhiệm vụ mà Husserl đã để lại cho hậu thế trong công trình Krisis, [đó là] xây dựng một quan niệm thực sự có tính cách phổ quát luận về các khoa học chính xác, các khoa học lịch sử, các khoa học xã hội và nhân văn, để ta có thể đến được một cách hiểu thực sự thuần lý vấn đề về con người và các giá trị của con người trong tính phức tạp biện chứng, [tức] một quan niệm toàn cầu luận về về lịch sử loài người.
Ta có thể mô tả rõ thêm về cái Hiện tại sinh động qua việc xem xét hoàn cảnh của cái Bây giờ hiện thực, và qua việc làm sáng tỏ cái hiện tại của quá khứ còn lưu bên trong (rétention intérieure) cái khoảnh khắc hiện tại, trong dòng chuyển dịch của cái Bây giờ sang cái hiện tại của tương lai đang vươn tới (protention). Như vậy, ta có được biểu đồ thời gian hóa:
Chuỗi thời gian luôn chứa đựng trong bề sâu một sự lắng đọng từ cao xuống thấp, diễn tiến như là cái hiện tại của quá khứ còn lưu lại trong ý thức từ thấp lên cao.
Cái hiện tại của quá khứ còn lưu lại Q[1] [tạm gọi tắt là “cái hiện tại Q], kết quả của những sự lắng đọng L ở khoảnh khắc K, nhận thấy chính nó trong mối liên hệ với Hoàn cảnh của cái Bây giờ B trong khoảnh khắc K ấy.
Cái tồn tại còn hiện diện trong cái hiện tại Q, nhờ những mối liên hệ với Hoàn cảnh B ấy, gây áp lực lên cái cái tương lai sắp xảy ra, hay cái hiện tại của tương lai đang vươn tới.
Ta hãy đặt vào dấu ngoặt đơn cái hiện tại Q và cái Bây giờ B: (QB), để cho thấy rằng nội dung của Q được kế thừa từ quá khứ với tính cách là cái vẫn còn hiện diện, lưu chuyển trực tiếp vào cái Bây giờ B và hòa trộn với nó, vì rõ ràng nó là cái Bây giờ vẫn còn hiện diện. Và chính cái Bây giờ này, mang trong nó cái hiện tại Q của quá khứ vẫn còn là cái Bây giờ đang hiện diện của nó, đang trôi qua và sẽ trôi qua đến cái sắp xảy ra của tương lai trong cái hiện tại của tương lai đang vươn tới T [tạm gọi tắt là cái hiện tại T]:
“cái Hiện tại đang trôi qua, là cái Hiện tại của vận động trôi qua, đang trôi qua và sẽ trôi qua. Cái bây giờ, tính liên tục của quá khứ và chân trời sinh động của tương lai, được phác thảo trong cái hiện tại T, là ý thức “đồng thời”, và “cái đồng thời” này là “cái đồng thời” đang trôi qua” (Husserl, C2 I 1932-1933 – được trích trong Trân duc Thao, Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng, tr. 143. Chú thích).
Ta có thể lưu ý rằng Hoàn cảnh của cái Bây giờ B, được biểu thị ở đây bằng ký hiệu là một đường thẳng đứng ở trên B, thực sự chứa toàn bộ trạng thái thế giới.
Và chính trong sự nối kết đồng thời với trạng thái thế giới ấy mà di sản của cái hiện tại Q của quá khứ hòa lẫn với cái Bây giờ hiện thực gây áp lực ấy lên cái sắp đến của tương lai với tính cách là cái hiện tại T (protention).
Lý thuyết cổ điển về thời gian chỉ xem xét tính chất tuyến tính của hiện tượng trôi qua đơn giản, vốn là cái dẫn đến lối định nghĩa được toán học hóa, bằng đơn vị đo của đồng hồ, coi thời gian là số vận động theo trình tự trước sau.
Kết quả là, cái khoảnh khắc hiện tại, như là giới hạn đơn thuần giữa quá khứ và tương lai, được quy giản một cách trừu tượng vào một điểm bất động. Vận động và trở thành trở nên bất khả lĩnh hội, và có thể lại càng không có vấn đề về thực tại lịch sử và về chiều hướng tác động của lịch sử. Thời gian được quy giản vào chiều thứ tư của không gian, tức là chiều, bằng cách thủ tiêu sự phong phú của các quan hệ thực, đi đến chỗ trừu tượng hóa mối quan hệ nhân quả, với những phương thức tác động tương hỗ khác nhau như là những phức hợp các quan hệ nhân quả.
Chỉ với lối xem xét cái Hiện tại sinh động, được hiểu trong tính hiện thực tác động của nó là bản thể tự thiết định như là chủ thể, mà thời gian có vẻ như tự nó cấu tạo trong cái Hiện tại nguyên thủy này trên ba hướng trong sự nối kết luôn mang tính biện chứng: hướng chiều dọc của sự trôi qua xét như là sự trôi qua, hướng chiều sâu của sự lắng đọng của cái hiện tại Q, và hướng chiều ngang (en concomitance) của những sự nối kết với trạng thái của thế giới. Và ta cũng lưu ý là trạng thái thế giới này bao gồm trong nó nhiều tầng được hình thành theo dòng lịch sử và chồng chất lên nhau có hệ thống.
Sự phát hiện của Husserl về cái Hiện tại sinh động cùng với bộ ba hướng thời gian hóa của ông, vì thế, đã đặt ra nhiệm vụ là triệt để tổ chức lại phương pháp tư duy cùng với việc cấu tạo nên một lôgic mới như là Lôgic của thời gian hóa trong cái Hiện tại sinh động – hay Lôgic của cái Hiện tại sinh động, lôgic mới này mở ra những viễn tượng cho một giải pháp cụ thể, cả lý thuyết lẫn thực hành, về những vấn đề nền tảng của truyền thống triết học: cái phổ biến, cái đặc thù và cái đơn nhất, tất yếu và ngẫu nhiên, trung giới, phủ định, tự phủ định và phủ định của phủ định, mâu thuẫn, bản chất và hiện hữu, chất và lượng, tồn tại tự mình, tồn tại cho cái khác, tồn tại cho mình, đại lượng, hạn độ và quá hạn độ, nô lệ và tự do.
Giữa dữ kiện đã sở đắc của cái hiện tại Q như là di sản của quá khứ, và áp lực của cái hiện tại T (tension protentionnelle) đối với cái sắp tới của tương lai, đương nhiên là có một sự đối lập nền tảng, sự đối lập này xác định mâu thuẫn bên trong của thực tại đang hiện diện trong cái khoảnh khắc, tức mâu thuẫn luôn bao hàm tính thống nhất của nó, và sự đấu tranh của các mặt đối lập của nó.
Tính thống nhất của mâu thuẫn giữa cái hiện tại Q (rétention) và cái hiện tại T (protention) thiết định thực tại của cái khoảnh khắc hiện tại trong tính đồng nhất của sự tồn tại của nó dựa theo hình thức lôgic trực tiếp của nó: (1) cái tồn tại thì tồn tại.
Đồng thời, sự đấu tranh của những mặt đối lập, tức sự đấu tranh của cái sẽ đến của cái hiện tại T của tương lai với quá khứ của cái hiện tại Q, làm cho chính cái thực tại đang hiện diện ấy chìm vào trong sự vận động tiêu biến của nó, như được biểu hiện trong hình thức lôgic biện chứng được trung giới hóa:
1. Cái tồn tại thì tồn tại;
và đồng thời, cái tồn tại và không tồn tại theo nghĩa là cái không còn tồn tại.
Sự biến mất của cái Bây giờ trong quá khứ được biểu hiện trong hình thức phủ định trực tiếp của lôgic của thời gian hóa: (2) cái không tồn tại thì không tồn tại.
Tuy nhiên, quá khứ trong sự vận động tiêu biến của nó vẫn được duy trì trong sự lắng đọng của cái hiện tại Q, được biểu thị trong hình thức lôgic biện chứng được trung giới hóa của nó:
2. Cái không tồn tại thì không tồn tại;
và đồng thời, trong hình thái của cái không còn tồn tại, nó vẫn còn tồn tại.
Một cái hiện tại Q được lắng đọng như thế hoàn tất sự vận động nội tại của cái khoảnh khắc hiện tại, cái thiết định thực tại của cái khoảnh khắc ấy trong sự tồn tại đã hoàn tất của nó, như được biểu hiện trong hình thức lôgic trực tiếp toàn bộ của nó:
(3) Cái tồn tại thì hoặc là A hoặc là không-A; không có cái thứ ba.
Đồng thời, việc hoàn tất sự vận động nội tại của cái khoảnh khắc hiện tại K gây ra, qua chính cái hiện tại Q được lắng đọng ấy, bước chuyển sang cái khoảnh khắc K theo sau, được biểu hiện trong hình thức lôgic biện chứng được trung giới toàn bộ của nó:
(3) Cái tồn tại thì hoặc là A hoặc là không-A;
và đồng thời, trong hình thái của tồn tại đã xuất hiện của tương lai; nó là chính nó và là một cái khác.
Chính nó và một cái khác, tức là, trong vận động nội tại của bản thân khoảnh khắc K, bước chuyển sang cái khoảnh khắc K1.
Tóm lại, trong vận động nội tại của cái khoảnh khắc hiện tại xảy ra một bước chuyển kép: cái khoảnh khắc là cái khoảnh khắc của bước chuyển từ quá khứ vẫn còn hiện diện sang cái sắp đến của tương lai, từ cái hiện tại Q sang cái hiện tại T. Và bước chuyển này được hoàn tất với tư cách là bước chuyển của cái khoảnh khắc hiện thời sang cái khoảnh khắc tiếp theo.
Quả thực, sự lắng đọng của bản thân khoảnh khắc K trong sự vận động “trôi qua, đang trôi qua và sẽ trôi qua” riêng của nó, đã tạo ra một cái hiện tại Q nội tại của chính nó trong dòng trôi của cái Bây giờ B của nó và dưới cái hiện tại T, sao cho cái hiện tại Q nội tại ấy xuất hiện ra như là tương lai sắp đến trong và dưới cái hiện tại T. Và cái sắp đến này của tương lai xét như là sự xuất hiện của tương lai sắp đến rõ ràng là làm cho cái khoảnh khắc hiện thời K được hoàn tất, sự hoàn tất đã thực hiện xong bước chuyển của nó sang cái khoảnh khắc K1 kế tiếp.
Tại khoảnh khắc K1, cái hiện tại Q nội tại của khoảnh khắc đi trước được tự do qua việc nhận thấy nó trong mối liên hệ với hoàn cảnh mới xét như là hoàn cảnh của cái Bây giờ B1 trong cái khoảnh khắc K1.
Bước chuyển của mỗi khoảnh khắc hiện tại K sang khoảnh khắc kế tiếp K1, do đó, đã được thực hiện trong vận động nội tại của bản thân khoảnh khắc K, như là sự hoàn tất của vận động “trôi qua, đang trôi qua và sẽ trôi qua”, sao cho bước chuyển được thực hiện ấy tự nó là một sự trôi chuyển từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác.
Như vậy, vận động nội tại của mỗi khoảnh khắc được biểu hiện như là một khoảng thời gian. Và sự liên tục của trạng thái trôi chuyển từ khoảng thời gian này sang khoảng thời gian khác được định nghĩa là dòng thời gian.
ĐINH HỒNG PHÚC dịch từ nguyên bản tiếng Pháp
Hiệp Bình Chánh, ngày 02.02.2013,
hiệu chỉnh và hoàn tất ngày 30.04.2013
[1] Các thuật ngữ và ký hiệu Trần Đức Thảo biểu thị cho biểu đồ này:
Pháp |
Anh |
Việt |
Rétention R |
Retention R |
Cái hiện tại của quá khứ còn lưu lại Q [hay cái hiện tại Q] |
Maintenant M |
Now N |
cái Bây giờ B |
Protention P |
Protention P |
Cái hiện tại của tương lai đang hướng tới T [hay cái hiện tại T] |
Instant T |
Instant T |
Khoảnh khắc K |
Sédiments S |
Sediments S |
Những lớp lắng đọng L |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
sáng thứ 7, miền Bắc mưa và lạnh...