Số phận di cảo triết học của triết gia lữ hành Trần Đức Thảo
Trò chuyện với TS Phạm Thành Hưng, người tổ chức bản thảo cuốn sách “Triết gia lữ hành Trần Đức Thảo” ra mắt bạn đọc thời gian gần đây.
Cách đây gần nửa năm ông Nguyễn Việt Phương, thư ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng bàn giao lại cho người đại diện NXB ĐH Quốc gia HN toàn bộ di cảo triết học của cố GS Trần Đức Thảo.
Cho đến nay di cảo này vẫn nằm im lìm trong hốc tủ. Chúng tôi đã trao đổi với TS Phạm Thành Hưng, giảng viên Khoa Văn trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) nguyên Phó giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản (NXB) ĐHQGHN – người đang tạm thời quản lý tập di cảo triết học quý giá đó.
Thưa ông, NXB ĐHQGHN đã nhận bàn giao từ Nhà thơ Việt Phương tập bản thảo chưa công bố của cố GS Trần Đức Thảo như thế nào?
Mọi việc bắt đầu từ khi phát hành cuốn sách “Triết gia lữ hành Trần Đức Thảo”. Đây là một ấn phẩm bao gồm chủ yếu là các bài viết về Giáo sư Thảo nhân dịp an táng lọ tro di hài ông từ Paris về Hà Nội năm 1993 và nhân dịp ông được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000.
Tôi nói là “chủ yếu”, vì ngoài các bài báo của các học giả, nhà văn, nhà báo ở trong và ngoài nước, cuốn sách còn có phần mang tính chất phụ trương tham khảo, bao gồm một số tiểu luận chính trị, văn học của GS Thảo vốn gây nhiều tranh cãi và góp phần làm nặng nỗi oan khuất của ông.
Những trang cuối cùng của cuốn sách là phần Thư mục khoa học, có chức năng giúp đỡ cán bộ sinh viên tra cứu nếu có điều kiện. Cuốn sách này đã được Cục Xuất bản (Bộ Văn hóa – Thông tin) trợ giá. Tuy nhiên, điều rất mừng là cuốn sách khi xuất bản không cần sự trợ giá, không cần bù lỗ.
Sau khi ra đời, nó đã được đông đảo sinh viên, học giả hào hứng tìm đọc. Sách có mặt ở Thư viện Viện nghiên cứu Kinh tế Chính phủ. Nhà thơ Việt Phương (thành viên của tổ nghiên cứu giúp việc Thủ tướng) đã gọi điện cho tôi, góp ý cho cuốn sách.
Phần Thư mục khoa học đã được ông chú ý nhiều, vì còn thiếu nhiều công trình của GS Thảo và các bài viết về GS Thảo. Cuối cuộc điện thoại, nhà thơ Việt Phương khiến tôi giật mình khi thông báo: “Khi còn sống, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận được nhiều tập bản thảo, đủ cả đánh máy lẫn viết tay, tiếng Pháp lẫn tiếng Việt của GS Thảo gửi tặng.
Thủ tướng thường đọc rất kỹ và giao cho tôi bảo quản. Thủ tướng dặn tôi: phải tìm cách xuất bản dần. Chọn mặt gửi vàng, nay tôi phó thác lại cho nhà xuất bản Đại học Quốc gia HN các anh”.
Vậy là từ một cuốn sách mỏng về GS Thảo, đồng chí thư ký của cố Thủ tướng đã tin tưởng, quyết định “chọn mặt gửi vàng” cho Nhà xuất bản?
Tôi nghĩ, một cuốn sách tuy mỏng nhưng hoàn toàn có thể đủ sức nặng thuyết phục. Sự thật không cần nhiều lời, quan trọng là động cơ và cái tâm của người biên tập sách.
NXB ĐHQGHN được tin cậy gửi gắm, theo tôi, xuất phát từ mấy ly do sau. Thứ nhất, đây là một NXB tuy còn trẻ nhưng lại là lớn nhất trong hệ thống các nhà xuất bản đại học trong cả nước. Nó có chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, đào tạo đại học và sau đại học.
Trong di cảo của GS Thảo, có rất nhiều tập giáo trình, chuyên luận có chức năng phục vụ học đường. Thứ hai, NXB đã từng xuất bản hai cuốn sách nổi tiếng của GS Thảo, cuốn “Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng” và “Sự hình thành con người”.
Đó là hai cuốn GS Thảo viết bằng tiếng Pháp, lâu nay được dịch ra nhiều thứ tiếng, chỉ phục vụ độc giả nước ngoài, sau bao năm lưu lạc, năm 2002 mới được Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn tổ chức dịch sang tiếng Việt.
Việc NXB ĐHQGHN xuất bản, đã góp phần “hồi hương” hai công trình đó trở lại Việt Nam. Thứ ba, GS Thảo chính là GS cũ của ĐHQGHN.
Có thông tin hiện tại Đại sứ quán Việt Nam tại CH Pháp còn đang chờ bàn giao tận tay người thân GS Thảo 8 thùng tài liệu nữa. Điều đó có đúng không, thưa ông?
Tôi không tin, đó chỉ là phán đoán của cá nhân một đồng chí cán bộ xuất bản vốn là khách mời tới dự Lễ giới thiệu sách “Triết gia lữ hành Trần Đức Thảo” do Thư viện quốc gia Việt Nam và NXB ĐHQGHN phối hợp tổ chức ngày 31/5/2006.
Nếu có còn 8 thùng đó thật thì chúng ta cũng mừng, cũng hy vọng tới một di cảo đồ sộ hơn. Nhưng theo tôi, đó chỉ là những thùng sách tiếng Pháp mà GS Thảo mua được trong những tháng làm việc ở Paris.
Do đâu mà ông lại khẳng định như vậy?
Tôi đang có trong tay biên bản kiểm kê tài sản của GS Thảo do Đại sứ quán Việt Nam ở Paris lập sau khi ông qua đời. Nội dung biên bản cho biết: Vì cước máy bay đắt nên các đồng chí lãnh đạo sứ quán ta khi đó đã chọn những bản thảo và các tài liệu có giá trị nhất của GS Thảo, chuyển vào thùng hành lý máy bay về nước.
Thùng tài liệu đó ai đã nhận bàn giao ở sân bay, ai đang bảo quản, tôi không rõ. Số sách vở tài liệu còn lại ở Sứ quán hiện tại là 2 hay 3 thùng gì đó, chỉ là sách in, không có bản thảo viết tay đâu.
Nói như vậy để thấy rằng, ngoài các tập bản thảo từ cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, di cảo triết học của GS Thảo còn có ở va ly tài liệu gửi kèm với lọ tro di hài. Chúng ta phải có trách nhiệm tìm kiếm chiếc va ly đó để hoàn chỉnh kho tài liệu di cảo.
Sau khi nhận bàn giao, NXB ĐHQGHN đã có kế hoạch in ấn, công bố chưa?
Hiện NXB ĐHQGHN chưa thể tiến hành. Vì đây là một công việc không thực hiện một sớm một chiều được. Thứ nhất, tập tài liệu di cảo đó đòi hỏi phải có sự thẩm định hết sức thận trọng về mặt khoa học, để xem cái gì nên in cái gì tạm thời để lại.
Theo đánh giá bước đầu của tôi, ngoài các bản thảo tiếng Pháp đòi hỏi phải có các chuyên gia dịch thuật, trong tập di cảo đó có những bản thảo viết lần thứ nhất, bản thảo viết lần thứ hai, thứ ba… thuộc một công trình đã công bố.
Tuy nhiên, các bản thảo đó vẫn có giá trị học thuật. Làm triết học trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt, ngòi bút của triết gia tất yếu chịu sự tác động của đời sống chính trị bên ngoài thư phòng. Vì vậy có thể bản thảo viết lần thứ nhất lại gần với chân lý khoa học hơn bản công bố cuối cùng.
Nếu điều kiện tài chính cho phép, tôi nghĩ, cần in toàn bộ các bản thảo đó để sinh viên, cán bộ nghiên cứu của chúng ta nắm bắt được diễn biến tư tưởng của tác giả và những lộ trình tư duy đi tới hình thành một cuốn sách triết học thời đất nước chiến tranh.
Lý do thứ hai khiến NXB ĐHQGHN chưa thể tiến hành xuất bản gấp tập di cảo đó còn là ở chỗ vấn đề bản quyền tác giả. GS Thảo mất, không để lại di chúc về quyền thừa kế.
Tuy vậy, theo TS Cù Huy Chử, người rất gần gũi GS Thảo những năm cuối đời, GS Thảo có nguyện vọng in sách của mình ở hai nơi: Một là NXB Chính trị Quốc gia (vì theo ông, đó là cơ quan xuất bản của một Đảng mà suốt đời ông phụng sự, trung thành – TMT), hai là Đại học Tổng hợp HN, nơi ông đã từng đứng trên bục giảng. NXB Chính trị Quốc gia đã có liên hệ với người thừa kế pháp luật của GS Thảo để xin toàn quyền xuất bản. Gần đây, một tổ chức của UNESCO đã đặt vấn đề “mua” toàn bộ di cảo để dịch và xuất bản thành hệ thống. Tôi cũng tin rằng nhiều tổ chức phi chính phủ nước ngoài sẵn sàng giúp chúng ta công bố toàn bộ di sản triết học của GS Thảo.
Tôi hy vọng rằng, những tập tài liệu di cảo của triết gia Trần Đức Thảo đang nằm im lìm, rải rác cả hai miền Nam Bắc, cả trong nước lẫn nước ngoài sẽ được tập hợp đầy đủ “Châu về Hợp Phố”, Toàn tập Trần Đức Thảo sẽ sớm ra mắt, cho hôm nay và cho mai sau.
Ông Phạm Thành Hưng cho biết thêm sáng ngày 7/11, ông đã làm việc với PGS Vũ Đức Liệu, Hiệu phó trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Ông Liệu hứa sẽ triển khai việc dịch thuật di cảo của cố GS Trần Đức Thảo để phục vụ công tác nghiên cứu trong thời gian sớm nhất.
Theo ông Hưng, khó khăn nhất trong quá trình dịch và công bố di cảo của GS Thảo là những người giỏi tiếng Pháp thì không hiểu triết học, người giỏi triết học thì lại không biết tiếng Pháp. Nó đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa dịch thuật và nghiên cứu.
Trần Minh Tuấn
(thực hiện)
Nguồn: tienphong.vn
Ý KIẾN BẠN ĐỌC