CHỮ ĐẠO TRONG SÁCH LÃO TỬ QUA
LỜI GIẢNG CỦA GIÁO SƯ CAO XUÂN HUY
PGS.TS. ĐÀO THÁI TÔN
Nguyên CB Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Đào Thái Tôn. “Chữ ‘Đạo’ trong sách Lão tử qua lời giảng của giáo sư Cao Xuân Huy”, in trong Tạp chí Hán Nôm, Số 6 (109) 2011, tr.32-36.
Tại quận Bình Thạnh - thành phố Hồ Chí Minh có một con đường được mang tên Cao Xuân Huy. Giáo sư Cao Xuân Huy (1900 - 1983) là một nhà giáo mẫu mực, tận tuỵ; nhà Đông phương học sâu sắc được giới học thuật trong nước và quốc tế vô cùng mến mộ. Những năm cuối đời, ông là linh hồn của lớp Đại học Hán học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1965 - 1968), người thầy có công lao to lớn trong việc dạy dỗ hầu hết lứa cán bộ nòng cốt trong Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện nay. Có thể nói, Giáo sư Cao Xuân Huy như một cây đại thụ xum xuê, tỏa bóng bao trùm lên ngành Hán học Việt Nam hôm nay. Có điều, trọn nửa thế kỷ đứng trên bục giảng, ông không hề để lại một bộ giáo trình chính thức nào về các tác phẩm triết học kinh điển - nhất là các bài giảng sâu sắc của ông như Kinh Dịch, Trang Tử, Lão Tử - những bài giảng đã khiến giới học thuật nước ta tôn xưng ông là nhà Đạo học.
Chúng tôi muốn trình bày một phần bài giảng của ông về sách Lão Tử, nhằm lưu lại chút "tinh anh" của một bậc thầy mà "thể phách" đã hoà vào "cõi Đạo", hy vọng được bạn đọc xem như một chút tư liệu tham khảo trong cuộc hành trình tìm hiểu Triết học phương Đông.
1. Ảnh hưởng sâu rộng của sách Lão Tử ở Trung Quốc và ở Châu Phi
Sách Lão Tử đã được chú giải ở cuối đời Chiến quốc. Đầu đời Tần, Hàn Phi Tử là nhà duy vật rất lớn nhưng thế giới quan của ông cũng phải dựa vào Triết học tự nhiên của Lão Tử. Vương Sung cũng vậy.
Chúng ta thấy rằng ở phương Tây có rất nhiều nhà Triết học tự nhiên với rất nhiều hệ thống triết học. Còn ở Trung Quốc thì chỉ có Lão Tử mà thôi. Lão Tử là nhà triết học tự nhiên đầu tiên của Trung Quốc. Sau này ở Trung Quốc, không ai là không phải dựa vào triết học tự nhiên của ông (kể cả Kinh dịch).
Không phải chỉ ở lĩnh vực triết học mà các nhà sử học, chính trị cũng chịu ảnh hưởng của Lão Tử rất lớn, chẳng hạn hai cha con Tư Mã Thiên, Giả Nghị. Đến đời Ngụy, một nhà Nho kiệt hiệt là Dương Hùng cũng bắt chước Lão Tử. Ngay như Vương Bật và Hà Yến - con ghẻ của Tào Tháo, cũng để công chú giải Lão Tử. Đào Tiềm cũng vậy. Đến đời Đường, các nhà thơ nổi tiếng như Lý Bạch, Vương Duy cũng chịu ảnh hưởng của Lão Tử. Đến đời Tống thì "Ngũ tử (năm nhà triết học) là: Chu Đôn Di, Trương Tử, Thiệu Tử, Trình Hiệu, Trình Di - và ngay cả Chu Hy (Nam Tống) nữa - nói chung đều lấy vũ trụ quan trong Lão Tử cả; còn về mặt tâm lý thì họ vay mượn Phật giáo.
Vì sao như vậy? Vì nhà Nho không có triết học tự nhiên, không biết đến khái niệm vũ trụ quan, nên phải vay mượn. Tống Nho phản lại Khổng Tử chính là ở chỗ này đây. Vì Khổng Tử làm gì có triết học tự nhiên như họ khoác vào (…).
Ở Phương Tây, Lão Tử được người ta biết đến vào thế kỷ XIX. Bản in đầu tiên là bản dịch của Rêmuyda. Sau bản đó, bản Pháp văn của Duyliiêng đã làm cho giới học thuật có nhiều suy nghĩ. Ở Đức, Hêghen cũng nghiên cứu Lão Tử rất kỹ. Ông cho rằng tư tưởng của Lão Tử là đại biểu cho tinh thần Đông phương cổ đại. Đến nay (1966), ở Châu Âu đã có tới hàng chục bản dịch, hàng trăm bản chú giải về Lão Tử. Sau cuộc Đại chiến thế giới lần thứ hai, do sự khủng hoảng về mặt tư tưởng, sinh viên Đức tìm đến với Lão Tử như tìm đến cuốn sách gối đầu giường; vì thế có bản dịch ra hàng mấy ngàn cuốn, được bán hết ngay. Đặc biệt người đầu tiên đã làm hẳn một thư mục những sách viết về Lão Tử ở Châu Âu, là Zenker Hest qua bản dịch ông.
Như vậy Lão Tử thực chất là một tác phẩm triết học mà hạt nhân của nó là vấn đề bản thể luận. Lão Tử là nhà triết học tự nhiên đầu tiên, vĩ đại của Trung Quốc. Đạo đức kinh của ông không phải là cuốn sách bàn về đạo đức như nhiều người lầm tưởng. Nó càng không phải là cuốn sách phù thủy hay nói về phép luyện đan để tìm thuốc trường sinh mà một số người từ đó đặt tên cho cái gọi là Lão giáo - tồn tại song song với Phật giáo và Nho giáo ở Việt Nam sau này.
2. Triết học tự nhiên của Lão Tử
Khác với khoa học tự nhiên mà đối tượng nghiên cứu của nó là từng bộ phận cục bộ của tự nhiên, triết học tự nhiên có đối tượng nghiên cứu là vũ trụ. Nó muốn tìm cho ra được cái tổng nguyên nhân (nguyên nhân duy nhất, đầu tiên) của các hiện tượng; tìm cho ra cái tổng động lực, tổng quy luật của sự vật. Phần chủ yếu của triết học tự nhiên là bản thể luận (cái thể chất căn bản) làm nên vũ trụ. Nói cho dễ hiểu: muôn đời các nhà triết học tự nhiên đã vật lộn để giải đáp cho một câu hỏi tận cùng của đứa trẻ con. Đứa trẻ con hỏi: Ai sinh ra bố? Đáp: Ông. Lại hỏi: Ai sinh ra ông? Đáp: Cụ… và cứ, cứ thế, nó hỏi mãi, hỏi mãi thì sẽ thành câu hỏi "bất tri" - chẳng khác gì các nhà triết học hỏi nhau: Ngoài Thái dương hệ này là cái gì ? Là X. Vậy ngoài X là gì?… Không ai trả lời được! Vì thế mới sinh ra các nhà triết học cổ Hy Lạp, Kant, Mác v.v… Bằng trí tuệ của mình, các nhà triết học ấy đã ra sức đưa ra cái bản thể trong hệ thống triết học của mình.
Tuy nhiên, không phải thời nào cũng có triết học tự nhiên. Nếu như triết học tự nhiên đã có ngay từ đầu ở Hy Lạp, thì ở Trung Quốc, Khổng Tử không có triết học tự nhiên. Ấn Độ là nước đứng đầu thế giới về những triết học tự nhiên với những hệ thống đồ sộ dựa vào khoa học tự nhiên. Triết học đó ở trong Bà La Môn giáo. Phật giáo ban đầu chưa có triết học tự nhiên. Sau này, phái Đại thừa lên, mới dựng được ra hệ thống triết học lớn, nhưng so với Lão Tử, không thể có tầm sâu sắc bằng. Nhà triết học tự nhiên đầu tiên, vĩ đại nhất Trung Quốc là Lão Tử. Sau này Vương Sung và những người khác rồi đến ngay cả các đại biểu lớn của Tống Nho như Trình Di, Trình Hạo, Chu Hy - những người được so sánh với Kant, Hêghen, Pis ở Đức chăng nữa, thì về thực chất, đó chỉ là những nhà triết học đã lấy triết học tự nhiên của Lão Tử khoác vào trước tác của họ mà thôi. Ở Pháp, đến thế kỷ XVIII cũng không có triết học tự nhiên.
Vậy thì bản thể luận trong triết học tự nhiên là gì? Ta biết rằng vũ trụ nhất định phải có bản chất của nó. Bản chất đó chắc chắn là sâu sắc hơn bản chất của các vật đặc thù, nên người ta gọi là bản thể (thể chất căn bản). Mỗi vật trong vũ trụ - như mặt trăng, mặt trời, sông, núi… đều chỉ là những hiện tượng trong vũ trụ. Hiện tượng là gì? Đó là cái "tượng" được "hiện" ra. Còn hình tượng là những cái mà mình thấy được "hình ảnh" của nó bằng "tưởng tượng". Hiện tượng và Phénomène chỉ là ấn tượng bằng tưởng tượng của con người với cái chủ quan của con người, chứ không phải là vật có thật. Bởi vì tất cả mọi cái mà ta thấy được đều là thông qua cảm giác của ta. Như vậy hiện tượng không phải là những cái bản chất bên trong của sự vật. Hiện tượng là vật không thể biết được.
Trái với hiện tượng, bản thể luận trong triết học tự nhiên đã đặt ra những vấn đề cơ bản. Đó là vấn đề: hữu - vô; đa - nhất; động - tĩnh; tâm - vật. Thiên tài của Lão Tử là ở chỗ ông đã giải quyết thấu đáo những vấn đề này trong tác phẩm của mình, thoả mãn được chúng ta về mặt lý trí.
a. Vấn đề hữu - vô 有無. Người ta gọi bản thể của vũ trụ là cái hữu 有hay cái tồn tại. Cái hữu được gọi là cái tồn tại. Theo tri thức dung tục thì "tôi", "cái cột", "cái ấm"… là có (hữu 有). Nhưng trong khoa học, vị tất cả đã có. Đó chỉ là hiện tượng, chỉ có một cách tương đối thôi. Chỉ có bản thể của vũ trụ mới là có thật. Cái có thật đó là cái trường tồn. Như vậy, cái bản thể mà triết học tự nhiên cho là có (hữu) thì tri thức thông tục, cảm giác thông tục lại cho là không (vô 無).
Mỗi trường phái triết học tự nhiên đều quan niệm bản thể vũ trụ khác nhau. Nhưng tất cả đều xem bản thể này là tổng động lực của các hiện tượng và có chung một tính chất là trường tồn. Mặt trời không phải là trường tồn vì nó cũng sẽ có thời gian tồn tại của nó. Mác cho rằng vật trường tồn là bản thể của thế giới. Bản thể này là "tự căn tự bản", tự nó làm gốc làm rễ cho nó, ngoài nó ra, không có cái gì trong vũ trụ có thể "tự căn, tự bản" được. Vì vậy mà bản thể là "vô thủy vô chung 無始無終" (không có mở đầu, không có kết thúc). Trong đầu của chúng ta, với những tri thức dung tục, ta luôn bị quan niệm về thời gian ám ảnh, cho nên ta không quan niệm được thế nào là "vô thủy" - Nó như đứa trẻ cứ muốn hỏi mãi về nguồn gốc của cha, ông, cụ, kị v.v… đến X tức là đến cái “tổng nguyên nhân” của các nhà triết học.
Thì ra, lý trí của con người đòi hỏi cứ đi lên mãi để tìm cái mở đầu (thủy始) và không bao giờ làm thoả mãn; nhưng đồng thời cũng có cái nhu sách của loài người là hy vọng tìm thấy có một cái gì đó là tận cùng (chung 終).
Đây là một lầm lẫn của nhận thức. Lầm lẫn này có nguyên nhân sâu xa là con người ta bị trói buộc bởi cái quan niệm, cái "hiện tượng" là không gian và thời gian… Chỉ có vật "Vô thủy vô chung", chỉ có bản thể là vật sinh ra tất cả. Nếu như trong vũ trụ có cái gọi là "không gian" và "thời gian" thì chính là Bản thể đã sinh ra không gian, thời gian ấy. Cái sai lầm của chúng ta là quan niệm không gian thời gian như cái hộp, cái dây mà tất cả những Être đều nằm trên và nằm trong cái dây cái hộp đó.
Nhưng nếu công nhận rằng bản thể sinh ra không gian và thời gian thì ta sẽ được thỏa mãn hoàn toàn về lý trí, sẽ thoát ra khỏi câu hỏi của đứa trẻ con trên kia. Và như vậy ta sẽ đi rất lanh từ trực quan dựa trên kinh nghiệm để "bay" đến cái "Đạo" cái bản thể của Lão Tử. Thiên tài của Lão Tử chính là ở chỗ này. Ông đã đặt vấn đề bản thể luận một cách vô cùng sâu sắc. Rồi ta sẽ thấy, chữ "Đạo" của ông chính là chữ "vật chất" của chủ nghĩa Mác. Đó chính là bản thể luận trong triết học tự nhiên của Lão Tử. Chúng ta sẽ rất thú vị khi thấy được rằng Triết học của Mác cũng cho rằng không gian và thời gian ở trong vật chất, nó là hai đặc tính của vật chất chứ không phải là sợi giây và cái hộp chứa những Être. Không gian và thời gian chỉ là sự trừu tượng của con người.
b. Vấn đề đa - nhất多一. Đi tìm tổng nguyên nhân, tổng độc lực của vũ trụ, các nhà triết học trong lịch sử đã có nhiều giả thiết khác nhau. Triết học Bà La Môn, cho tổng nguyên nhân đó là thủy 水(nước), hỏa 火(lửa) thổ 土(đất), phong 風(gió). Bốn cái đó sinh ra mọi vật. Đó là Đa nguyên luận.
Còn tôn giáo Ba Tư cho rằng vũ trụ có hai lực lượng luôn đấu tranh với nhau, sinh ra vạn vật, là ác và thiện. Đó là Nhị nguyên luận.
Các Mác thuộc Nhất nguyên luận. Ông cho rằng mọi vật đều do một bản thể (là vật chất) sinh ra. Còn Lão Tử thì gọi bản thể đó là cái Đạo 道. Như vậy là trước Mác, Lão Tử đã là nhà triết học nhất nguyên luận xuất sắc. Nhưng vì sao Lão Tử bội trì với Mác? Vì sao phép biện chứng của Lão Tử là tuần hoàn mà Mác lại là cách mạng? Vấn đề đó chúng ta sẽ tìm hiểu qua văn bản cụ thể.
c. Vấn đề động - tĩnh 動靜. Nếu bản thể là trường tồn, là tự căn tự bản, "vô thủy vô chung" thì nó phải tĩnh, phải bất di bất dịch. Vì thế nhiều nhà triết học cố chứng minh bằng được rằng, tất cả các hiện tượng động trong vũ trụ chỉ là ảo giác mà thôi; rằng mũi tên bắn đi, ta tưởng nó là động 動nhưng kỳ thực là tĩnh 靜, vì động là ảo giác; rằng thấy Asin chạy rất nhanh, ta tưởng có thể theo kịp con rùa, nhưng thực ra Asin không bao giờ theo kịp con rùa được v.v…
Thiên tài của Lão Tử chính là ở chỗ này đây. Thiên tài đó không chỉ là ở chỗ trước triết học Mác hàng ngàn năm, ông đã phủ định, đã quét sạch những gì là sai trước khi vào định nghĩa cái bản thể - trong câu mở đầu của Đạo đức kinh - “Đạo khả đạo, phi thường đạo; Danh khả danh, phi thường danh" mà còn là ở chỗ, cũng đi trước các nhà triết học khác hàng ngàn năm, ông đã giải quyết trọn vẹn vấn đề động - tĩnh trên đây bằng phạm trù "Đức" 德mà chúng ta sẽ tìm hiểu qua văn bản.
d. Vấn đề tâm - vật 心物. Vậy thì cái bản thể, cái "Đạo" của Lão Tử là tâm hay là vật ? Là tinh thần hay là vật chất? Năm 1958, ở Trung Quốc có một Hội nghị Triết học toàn quốc họp tại Bắc Kinh để thảo luận xem Lão Tử là nhà triết học duy tâm hay duy vật nếu nói đến cùng. Đại đa số lúc ấy cho Lão Tử là duy tâm. Nhưng điều này còn phải trao đổi. Không phải ngẫu nhiên mà trước đó từ Tư Mã Quang, Vương An Thạch, Tô Triệt (em Tô Thức) đều đã làm sách chú giải Lão Tử. Đến đời Thanh, người ta thấy từ Tất Nguyễn, Tôn Di Nhượng, Ngụy Nguyên, Du Việt đều có tác phẩm huấn hỗ sách Lão Tử. Các nhà văn thuộc Đồng Thành văn phái cũng đều viết về Lão Tử. Gần hơn, Lương Khải Siêu, Cao Hanh đều có viết về Lão Tử - đặc biệt là cuốn sách huấn hỗ Lão Tử của Cao Hanh, do nhiều tư tưởng giống mới Mác, nên đã được in lại.
Như vậy là bốn vấn đề chủ yếu của bản thể luận mà Lão Tử đã đặt ra từ rất sớm. Theo Lão Tử, "Đạo" 道(bản thể) là cái "thường hữu", "thường vô". "hữu" hay "vô" đều là trường tồn. Ta cần hiểu "hữu" ở đây là sự tồn tại với cái ý nghĩa tồn tại một cách tuyệt đối, hằng thường, vĩnh cửu. Còn "vô" là đối lập với cái hữu cụ thể, tức là tất cả mọi vật có trong thời gian và không gian mà không phải là bản thể, chứ "vô" không có nghĩa là không.
*
* *
Trên đây là một số lời giảng của cố Giáo sư Cao Xuân Huy về sách Lão Tử. Tôi không tham khảo thêm các sách vở khác rồi tự tiện "gia công" vào lời giảng khi biên soạn bài này, vì sợ sẽ lạc mất cái "chân truyền" của Giáo sư - một người vốn đầy đủ bản lĩnh và uy tín để luận giải nhiều vấn đề học thuật độc lập và bất ngờ với các học giả trong, ngoài nước.
Tôi đã gắng trung thành. Nhưng, nếu còn điều gì bất cập, xin được hiểu cho rằng: trình độ của một sinh viên hơn bốn mươi năm trước đây, không dễ gì tiếp nhận trọn vẹn những lời dạy cao siêu của Giáo sư Cao Xuân Huy. Nếu tôi hiểu sai, ghi sót một ý tưởng nào đó của thày, thì đó là điều cũng có thể xảy ra.
Dù vậy, đến nay đọc lại những lời giảng từ hơn bốn mươi năm trước, tôi vẫn thấy nhiều điều bổ ích, vẫn xem như một kỷ niệm, một hạnh phúc của quãng đời thanh niên, khi nhiều người thân đang lao vào cuộc chiến tranh quyết liệt (1965 - 1968) thì số phận đã cho tôi trở thành một học trò nhỏ của Giáo sư Cao Xuân Huy. Tôi mong và tin rằng trong thế kỷ XXI, đất nước thanh bình của chúng ta sẽ sản sinh được những giáo sư chuyên ngành có tầm cỡ Cao Xuân Huy trên bục giảng dạy bậc đại học./.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC