Triết học Đông phương

Học thuyết Khổng Tử

 

KHỔNG TỬ

孔子

 

CAO XUÂN HUY

 


Cao Xuân Huy. Tư tưởng phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu. "Đề cương bài giảng triết học cổ đại Trung Quốc". Nxb. Văn học, 1992.


 

I. TIỂU SỬ

Khổng Tử sinh ở nước Lỗ 鲁 (nay là huyện Khúc Phụ, tính Sơn Đông) vào năm thứ 21 Chu Linh Vương, tức là năm 22 Lỗ Tương Công (551 trước CN)

Tổ tiên họ Khổng là Vi Tử, thứ huynh của Ân Trụ, được Chu Thành Vương phong làm chư hầu ở nước Tống. Người đầu tiên lấy họ Khổng là Khổng Phụ Gia, làm quan Tư mã nước Tống bị Hoa Đốc giết, con cháu lánh nạn sang nước Lỗ. Cha Khổng Tử là Thúc Lương Hột, cháu năm đời của Khổng Phụ Gia, làm quan Đại phu ấp Thưu. Thúc Lương Hột lấy vợ họ Thi, không có con trai, lúc về già, lấy vợ kế, tên là Trung Tại, họ Nhan. Trưng Tại đi cầu tự ở núi Ni Khưu 尼丘 sinh được Khổng Tử cho nên đặt tên là Khưu, tự là Trọng Ni.

Khổng Tử mồ côi cha từ lúc 3 tuổi. Năm 19 tuổi, Khổng Tử lấy vợ, được một năm thì sinh con trai, đặt tên là Lý, tự là Bá Ngư.

Lúc thiếu thời, Khổng Tử nghèo khổ, năm 20 tuổi làm chức lại giữ kho; năm 21 tuổi, làm chức lại coi việc chăn nuôi. Theo sách Thông khảo, thì năm 22 tuổi, Khổng Tử đã bắt đầu dạy học. Theo sách Khổng Tử gia ngữ và sách Sử ký (thiên Khổng Tử thế gia và Lão Tử, Hàn Phi liệt truyện) thì năm 34 tuổi Khổng Tử đến Lạc Dương ra mắt Lão Tử.

Năm 35 tuổi, nước Lỗ có loạn, Khổng Tử tránh sang nước Tề, ở đó Khổng Tử làm gia thần cho Cao Chiêu Tứ, để được tiến dẫn lên Tề Cảnh Công (theo Sử ký). Cảnh Công hội Khổng Tử về đạo trị nước, Khổng Tử đáp: "Vua cho ra vua, tôi cho ra tôi; cha cho ra cha, con cho ra con"; (Quân quân, thần thân, phụ phụ, tử tử). Cảnh Công muốn trọng dụng Khổng Tử, nhưng nghe lời Án Anh, rồi lại thôi. Năm 36 tuổi, Khổng Tử trở về nước Lỗ và ở lại đó 15 năm, vừa san định Kinh thi, Kinh thư, Kinh lễ, Kinh nhạc vừa dạy học. Học trò Khổng Tử ngày càng đông, nhiều người ở phương xa đến, có đủ con nhà quý tộc, trung lưu, bình dân. Có những người làm quan Tế, quan Đại phu ở các nước, Tử Cống làm Tướng quốc nước Vệ và có đi sứ nhiều nước. Theo Lã thị Xuân thu và Sử ký thì cuối đời Khổng Tử, số học trò lên đến 3.000 người.

Năm 51 tuổi, Khổng Tử ra làm quan Tế ở đất Trung Đô, rồi lên chức Tư không, rồi lại lên chức Đại tư khấu, sau đó lại quyền chức Tướng quốc - Sử ký nói rằng năm Khổng Tử 50 tuổi, Công Sơn Bất Nữu (tức là Công Sơn Phất Nhiễu ở sách Luận ngữ) giữ đất Phí đê làm phản. Quý thị (quyền thần nước Lỗ), cho người đến mời Khổng Tử, Khổng Tử muốn đi, Tử Lộ không bằng lòng, Khổng Tử bèn không đi. Tứ thư vị căn thì chứng minh rằng việc Công Sơn Phất Nhiễu xảy ra lúc Khổng Tử đã làm quan Tế ở đất Trung Đô, Khổng Tử quyền chức Tướng quốc nước Lỗ có làm mấy việc lớn:

1) Việc tước bỏ ba cứ điểm (Hậu, Chí, Thành) của bọn quyền thần nước Lỗ (sai Tử Lộ san phẳng ba cứ điểm đó).

2) Cuộc hội minh với nước Tề ở Giáp Cốc, trong đó Khổng Tử đã phát hiện âm mưu bạo lực của nước Tề, cứu thoát Lỗ Hầu và nâng cao uy thế của nước Lỗ (theo Tả truyện).

3) Việc giết biện sĩ là Thiếu Chính Mão để bảo vệ chân lý (theo Tuân Tử, và Khổng Tử gia ngữ, nhưng Chu Hy nói: "Chắc là các nhà Nho nước Tề, nước Lỗ căm giận việc Phu tử mất chức, cho nên đặt ra chuyện này để khoa trương cái quyền của ngài"). Sử ký nói rằng Khổng Tử làm cho nước Lỗ trở nên thịnh trị, đến nỗi nước Tề phải sợ, bèn tuyển 80 người con gái đẹp: đều mặc áo nhiều màu, múa khúc nhạc khang, và 30 tứ ngựa hay (mỗi tứ 4 con) đem dâng vua nước Lỗ Từ đó Lỗ hầu say mê nữ nhạc và ngựa hay, lười bỏ chính sự. Khổng Tử thấy vậy bèn bỏ nước Lỗ mà đi, lúc bấy giờ đã 56 tuổi.

Cuộc "chu du liệt quốc"; của Khổng Tử kéo dài 14 năm (theo Sử ký).

Khổng Tử bỏ nước Lỗ đi sang nước Vệ, ở 10 tháng, muốn sang nước Trần, đi qua đất Khuông. Trạng mạo Khổng Tử giống Dương Hổ, người thù của đất Khuông, người đất Khuông đem binh vây Khổng Tử. Tử Lộ (một dũng sĩ, là một trong những học trò đi theo Khổng Tử) muốn cự chiến. Khổng Tử nói: "Nếu trời chưa muốn dứt hẳn nền văn hóa này thì người nước Khuông làm gì được ta!" (Luận ngữTử Hãn).

Bèn bảo Tử Lộ hát và gây đàn, Khổng Tử họa theo, xong ba bài hát, thì người nước Khuông vào xin lỗi, vì đã nhận lầm Khổng Tử là Dương Hổ, rồi rút quân.

Sau đó, Khổng Tử đi qua đất Bồ rồi lại trở về nước Vệ. Ở đó, Khổng Tử ra mắt phu nhân của Vệ Linh Công tên là Nam Tử, rồi bỏ nước Vệ sang nước Tào, lại từ nước Tào sang nước Tống. Quan Tư mã nước Tống là Hoàn Khôi muốn giết Khổng Tử, Khổng Tử nói: "Trời sinh đức ở nơi ta, Hoàn Khôi có muốn giết ta cũng không làm gì được!"(Luận ngữ).

Năm sau, Khổng Tử sang nước Trịnh rồi lại sang nước Trần, ở lại đó 3 năm, rồi đi qua đất Bồ để trở lại nước Vệ. Linh Công hỏi binh pháp, Khổng Tử nói chưa học binh pháp, chi học lễ mà thôi. Lúc bấy giờ, ở nước Tấn, Phật Bật làm phản, cho người mời Không Tứ, Khổng Tử muốn đi, Tử Lộ không chịu, rồi lại thôi.

Khổng Tử lại bỏ nước Vệ để sang nước Trần. Ở khoảng giữa nước Trần và nước Sái, Khổng Tử hết lương, đệ tử đều mệt lả, không ai dậy nổi (theo Luận ngữ).

Năm thứ 6 Lỗ Ai Công, Khổng Tử từ nước Sái sang nước Diệp, rồi trở lại nước Sái. Sở Chiêu Vương sai người đến rước Khổng Tử sang nước Sở, muốn lấy đất Thư Xã 700 dặm phong cho Khổng Tử. Lệnh doãn Tử Tây nói rằng:

"Nhà vua sai sứ thần đi các nước, có ai bằng Tử Cống không? Phụ tướng có ai bằng Nhan Hồi không? Tướng súy có ai bằng Tử Lộ không? Quan doãn có ai bằng Tể Dư không? Xét như Văn Vương, Vũ Vương làm quân trưởng một trăm dặm mà cuối cùng trở thành đấng vương gia trong thiên hạ. Nay Khổng Khưu được giữ đất đai, lại có đệ tử hiền tài làm phụ tá, thì đó không phải là cái phúc của nước Sở" (theo Sử ký).

Sở Chiêu Vương bèn thôi.

Mùa thu năm ấy, Sở Chiêu Vương mất, Khổng Tử . 67 tuổi, lại từ nước Sở trở về nước Vệ.

Sử ký nói rằng năm thứ 11 Lỗ Ai Công, học trò Khổng Tử là Nhiễm Hữu làm tướng cho Quý thị, đem quân đánh nước Tề, đại thắng. Quý thị bèn cho người mang lễ đi rước Khổng Tử về nước Lỗ. Nhưng rút cục, nước Lỗ cũng không biết dùng Khổng Tử, mà Khổng Tử cũng không muốn làm quan.

Cũng theo Sử ký, Khổng Tử bắt đầu làm Kinh Xuân thu vào năm 14 Lỗ Ai Công, nhân việc nhà vua đi săn, bắt được kỳ lân.

Hai năm sau, Khổng Tử mất, tức là năm 16 Lỗ Ai Công, năm 41 Chu Kính Vương (479 trước CN), thọ 73 tuổi.

 

II- SÁCH LUẬN NGỮ

Sách Hán thư, mục Nghệ văn chí, có nói:

"Sách Luận ngữ là những lời (ngữ) của Khổng Tử ứng đáp cho đệ tử và người đương thời, và những lời, các đệ tử nói với nhau mà có thưa với phu tử. Lúc bấy giờ các đệ từ đều có những điều ghi được. Khi Phu tử mất rồi, môn nhân cùng nhau góp lại mà bàn bạc (luận), sắp xếp. Vì vậy cho nên gọi là "Luận ngữ".

Trịnh Huyền nói:

"Đáp ứng và tự thuật thì gọi là "ngữ". Vì sách này toàn chép những lời của Trọng Ni đáp ứng đệ tử và những người đương thời, cho nên gọi là "ngữ". Chữ "ngữ" ở dưới chữ "luận"; là vì tất phải trải qua bàn bạc (luận) thu xếp (soạn) rồi mới chép" (Chu Lễ chú).

Sau ngọn lửa đốt sách của nhà Tần, nhà Hán dựng nghiệp, ra tay tìm tòi sách cổ. Lúc bấy giờ có ba bản Luận ngữ.

1/ Bản của nước Lỗ (Lỗ Luận ngữ cũng gọi tắt là "Lỗ luận"), do Hạ Hầu Thắng, Hạ Hầu Kiên, Tiêu Vọng Chi v.v.. truyền thụ. Đó là bản hiện hành.

2/ Bản của nước Tề (Tề Luận ngữ, cũng gọi tắt là "Tề Luận", do Vương Cát, Chu Kỳ, Vương Khanh, Cống Vũ v.v.. truyền thụ. Ngoài 20 thiên của bản "Lỗ Luận", bản này còn có thêm 2 thiên Vấn Vương và thiên Tri đạo. Trong 20 thiên kia, cũng có một ít chương, một ít câu mà bản "Lỗ luận" không có (theo Hà Yến, Luận ngữ tập giải tự). Bản này không còn nữa.

3/ Bản cổ gọi là Cổ văn Luận ngữ, "Cổ Luận ngữ" hay "Cổ Luận" do Lỗ Cung Vương đời nhà Hán phát hiện trong khi giữ ngôi nhà cũ của Khổng Tử để xây dựng cung thất. Bản này viết bằng chữ khoa đẩu. Nó cũng không có hai thiên, Vấn Vương và Tri đạo của bản "Tề luận", nhưng lại cắt chương cuối cùng của thiên Nghiêu viết, để làm riêng một thiên, thành ra cả thấy có 21 thiên. Thứ tự các thiên cũng không giống với "Tề luận" và "Lỗ luận";. Bản này do Bác sĩ Khổng An Quốc đời Hán Vũ Đế truyền thụ, về sau do Mã Dung chú giải.

Cuối đời nhà Hán, Trịnh Huyền làm chú giải cho "Lỗ Luận" có tham khảo "Tề Luận" và "Cổ Luận".

Đời nhà Ngụy thì có Trần Quần, Vương Túc, Chu Sinh Liệt, mỗi người làm một bản Luận ngữ nghĩa thuyết. Hà Yến tổng hợp 13 chú giải mà làm ra sách Luận ngữ tập giải, rất có uy tín.

Sau đó, qua các thời đại, những công trình chú giải và khảo chứng sách Luận ngữ đạt một số lượng rất lớn, Tựu trung, chỉ tạm kể ra đây:

Luận ngữ nghĩa sớ của Hoàng Khán (Đời nhà Lương, Nam Bắc triều).

Luận ngữ chương cú tập chú của Chu Hy, đời nhà Tống, đã trở thành sách giáo khoa.

Luận ngữ chính nghĩa của Lưu Bao Nam, đời nhà Thanh.

Luận ngữ chú sớ hiệu khám ký của Nguyễn Nguyên, đời nhà Thanh.

Sách Luận ngữ là tư liệu có giá trị khoa học lịch sử nhất để nghiên cứu thân thế và tư tưởng của Khổng Tử. Tư liệu có giá trị thứ hai là Kinh Xuân thu - Khổng Tử gia ngữ cũng chép lời nói, việc làm của Khổng Tử, nhưng đó là một tác phẩm ngụy tạo của Vương Túc đời Ngụy, trong đó có rất nhiều chuyện hoang đường, phản khoa học; Khổng Tử thế gia trong Sử ký cũng sử dụng nhiều tư liệu không có giá trị khoa học.

 

III. HỌC THUYẾT CỦA KHỔNG TỬ

A. Thế giới quan

1) Khổng Tử không có triết học tự nhiên

Khổng Tử không hề đặt ra những vẫn đề về bản chất của vũ trụ, về khởi nguyên của vũ trụ, những vấn đề đa nhất, tâm vật, hữu vô, động tĩnh v.v... Trong sách Luận ngữ, không phải không có những tri thức về các hiện tượng tự nhiên, nhưng trong cả bộ sách ấy không có một mệnh đề nào thực sự xuất phát từ nhu cầu khám phá, lý giải hiện tượng tự nhiên mà đặt ra. Những nhận thức về các hiện tượng tự nhiên chỉ được dùng như các ẩn dụ để làm nổi bật những ý niệm chính trị hay đạo đức. Chẳng hạn:

"Thành lúa mà không đâm bông cũng có, đâm bông mà không hết hạt cũng có" (tu dưỡng đạo đức không có kết quả).

"Trị dân là cốt ở đức, ví như sao bắc cực, cứ ở chỗ mình mà các sao đều chầu về" (gương mẫu đạo đức trong chính trị).

Trong tư tưởng của Khổng Tử, đối tượng của tri thức, của sử học, không phải là hiện tượng tự nhiên, mà lại là "Thi, Thư, Lễ, Nhạc", tức là cái tôn giáo và cái văn hóa truyền thống của nhà Tây Chu.

"Không học Thi thì không lấy gì mà nói, không học lễ thì không tự lập được".

"Tiểu tử sao chẳng học Thi...? Học thì hứng khởi được, quan chiêm được, quần tụ được, oán thán được".

Ở Trung Quốc, nhà tư tưởng đầu tiên là Khổng Tử, vào ở cuối đời Xuân thu; người thứ hai là Mặc Tử, vào đầu đời Chiến quốc, mà những vấn đề của hai người đặt ra đều là những vấn đề đạo đức, chính trị, nhân sinh; đối tượng nghiên cứu của họ cũng ở trong phạm vi nhân sự; nhận thức về tự nhiên của họ còn khá ít ỏi. Phải chờ đến giữa đời Chiến quốc, mới có những nhà tư tưởng, như tác giả của sách Lão Tử, tác giả của Kinh dịch v.v... dựng lên những hệ thống triết học tự nhiên đồ sộ. Trái lại, ở Hy-lạp thì ngay từ đầu, các nhà tư tưởng như Thalès, Anaximandre, Anaximène, v.v... đều đã nêu lên và giải đáp những vấn đề về căn nguyên của vũ trụ, và họ cũng theo đuổi việc nghiên cứu khoa học tự nhiên. Phải chờ đến Socrate thì vấn đề nhân sinh quan mới trở thành trung tâm của triết học. Sở dĩ quá trình phát triển của tư tưởng Trung Quốc đi ngược hướng với Hy-lạp như vậy, là vì ở Trung Quốc sắt được phát hiện sau khi hình thành chế độ nô lệ, cho nên lực lượng sản xuất bạc nhược, thị tộc được duy trì, giai cấp quốc dân đẻ muộn và yếu ớt, và vấn đề nhận thức tự nhiên và chinh phục tự nhiên, không cần đặt ra một cách gấp rút để giải quyết những vấn đề xã hội.

2) Thế giới quan tôn giáo của Khổng Tử

Sách Luận ngữ nói rằng Khổng Tử không hề nói đến quái (quái dị), lực (bạo lực), loạn, thần (quỷ thần) (Thuật nhi). Khi Quý Lộ hỏi việc thờ quỷ thần thì Khổng Tử đáp rằng:

"Chưa biết thờ người, sao biết thờ quỷ"

Quý Lộ lại hỏi về cái chết, Khổng Tử đáp:

"Chưa biết cái sống, làm sao biết cái chết?" (Tiên tiến).

Vì những câu nói này mà có nhiều người tưởng rằng Khổng Tử có tư tưởng phi tôn giáo, vô thần, hoặc thực chứng chủ nghĩa kiểu Auguste Comte, như nhà triết học sử Nhật-bản Độ-biên Tú phương đã nói.

Kỳ thực, sở dĩ Khổng Tử không nói "quái, lực, loạn, thần", không nói cái chết, là chỉ vì đời Xuân thu người ta rất tin và hay nói những điều quái dị, những chuyện ma quỷ, đồng bóng; Khổng Tử cho đó là những điều mê tín, tiếm độc quỷ thần, có hại cho tôn giáo chân chính, cho nên không nói đến.

a. Thượng đế

Tôn giáo chân chính, đối với Khổng Tử, là cái tôn giáo của nhà Tây Chu. Khổng Tử tin rằng Thượng đế là một đấng chủ tế, có nhân cách, ý chí, tình cảm, v.v.

"Mắc tội với Trời, không còn cầu khẩn gì được nữa!" (Bát đật).

"Ta dối ai, dối Trời chăng?" (Ung đã).

“Trời sinh đức ở nơi ta..." (Thuật nhi).

"Trời có nói gì, mà bốn mùa đều vận hành, trăm vật đều sinh trưởng" (Dương Hóa)

Trời không nói không có nghĩa là Trời không có nhân cách, mà chỉ có nghĩa là Trời không cần nói.

b. Thiên mệnh

Trong tôn giáo của nhà Tây Chu, các đế vương dựng nên triều đại đều có mệnh trời, mà đặc biệt Văn Vương khai sáng nhà Chu là "có mệnh tự trời" (Kinh thiĐại nhã). Khổng Tử cũng nói Thuấn được Nghiêu truyền ngôi, là do "lịch số" của trời (Nghiêu viết), nhà Chu thụ mệnh là do cái đức lớn của Văn Vương (Thái Bá).

Khổng Tử lại tin rằng "đạo" có "hành" được hay không "hành" được, cũng là do thiên mệnh (Hiến vấn). Bản thân Khổng Tử kế thừa đạo thống nhà Tây Chu, cũng là do mệnh trời:

"Trời mà muốn dứt bỏ cái văn hóa này, thì ta đây (người chết sau Văn Vương) không được dự vào cái văn hóa ấy. Trời mà chưa muốn dứt bỏ cái văn hóa ấy, thì người nước Khuông làm gì được ta?"

Trong nhân sự, những biến cố xảy ra đều do thiên mệnh:

 "Bá Ngưu có bệnh (phong), Khổng Tử đến thăm [...] nói rằng: Mất đi là mệnh đấy, ôi!" (Ung dân).

"Tử Hạ nghe [lời Phu tử] nói rằng: chết sống có mệnh, giàu sang ở trời" (Nhan Uyên).

c. Thiên nhân hợp nhất

Trong cái tôn giáo của nhà Tây Chu, Trời và người có tác dụng tương hỗ đối với nhau. Đó là tư tưởng "thiên nhân hợp nhất" 天人合一 - (hay "thiên nhân tương dữ" 天人相與 tên 31, chữ của Đổng Trọng Thư, hay "thiên nhân cảm ứng" 天人感應) Nếu hiện tượng tự nhiên có ảnh hưởng đến đạo đức của con người, thì đạo đức của con người cũng có ảnh hưởng đến hiện tượng tự nhiên, như nhật thực, nguyệt thực, sao chổi, động đất, hạn hán, dịch lệ v.v... Thiên Hồng phạm, Trù thứ 8, Kinh thư, nói:

"Đứng đắn thì mưa phải thời; an ổn thì nắng phải thời; sáng suốt thì ấm phải thời; mưu trí thì lạnh phải thời; thánh minh thì gió phải thời" (Hưu trưng).

"Ngông cuồng thì mưa luôn; tiếm loạn thì nắng luồn; Uế oài thì ấm luôn; nóng này thì lạnh luôn; u mê thì gió luôn" (Cữu trưng).

Tư tưởng "thiên nhân hợp nhất" của Khổng Tử biểu hiện nhiều nhất trong Kinh Xuân thu. Khổng Tử ghi chép rất cẩn thận những tai dị xảy ra ở các nước. Chẳng hạn, đời Lỗ Thành Công, Khổng Tử chép: "Năm thứ bảy tháng Giêng... chuột kho ăn sừng của con trâu tế giao, Bởi chọn trâu khác. Chuột kho lại ăn sừng của nó. Bèn miễn trâu". Hứa Hàn chú giải rằng đó là là cái "tượng nhỏ mà hại lớn, ăn rồi lại ăn, con cháu Tam Hoàn nối nhau". "Đời Lỗ Hy Công năm thứ 16, tháng Giêng [...] ngày mậu thân [...] rơi đá ở nước Tống năm hòn. Cùng năm ấy, sáu con chim ích bay dật lùi qua đô thành nước Tống". Tống Tương Công là một người ngu mà lại muốn xưng bá, sau đó năm năm thì bị bắt ở đất Vu và một năm nữa thì đánh thua ở đất Hoàng.

Tư tưởng "thiên nhân hợp nhất" bắt nguồn từ thời đại tôtem, nó luôn luôn sử dụng phép loại tự (annalogie) với nguyên lý "cái gì giống nhau thì sinh ra nhau" (nguyên lý "đồng loại tương động" của Đồng Trọng Thư), nó không cảm thấy mâu thuẫn lôgich. Ở Trung Quốc, tư tưởng "thiên nhân hợp nhất" được bảo lưu trong chế độ nô lệ và phong kiến kéo dài 2.000 năm, vì ở trong hai chế độ này, nhiều tàn dư thị tộc vẫn còn.

B. Tư tưởng chính trị và xã hội

a) Lập trường bảo thủ (chính danh, danh phận đại nghĩa, đại nhất thống).

Do niềm tin ở Thượng đế và thiên mệnh, Khổng Tử vẫn xem tổ chức xã hội và chính trị của nhà Tây Chu là lý tưởng, vẫn xem nhà Tây Chu là chính thống.

"Thiên hạ hữu đạo thì lễ nhạc chinh phạt từ thiên tử mà ra; thiên hạ vô đạo thì lễ nhạc chinh phạt từ chư hầu mà ra" (Quý thị).

Thiên tử là người đứng đầu thị tộc và chịu mệnh trời, cho nên lễ nhạc chinh phạt phải ở trong tay thiên tử.

"Lễ" là cái phạm trù tôn giáo cơ bản, làm công cụ cho sự thống trị của quý tộc thị tộc. Chu Lễ nói: "Lễ không xuống đến thứ nhân", thì Khổng Tử cũng nói: "Thiên hạ hữu đạo thì thứ nhân không nghị luận [chính trị]" (Quý thị).

"Lễ là để phân biệt quý tiện (quý tộc và tiện dân) cho nên Khổng Tử chủ trương lễ trị mà phản đối pháp trị, vì pháp luật không phân biệt quý tiện. Khi nước Tấn đúc vạc để chép hình luật của Phạm Tuyên Tử, thì Khổng Tử nói:

"Nước Tấn sẽ mất thôi! [...] Làm hình đỉnh [...] thì làm thế nào mà tôn kẻ quý [...] Ke quý người tiện không có thứ bực thì làm sao mà trị nước?" (Tả truyện; Chiêu, 29)

Khổng Tử ngưỡng mộ lễ nhạc văn vật đời Tây Chu nhưng đến đời Xuân Thu thì lễ nhạc văn vật của nhà Tây Chu đã trở thành hình thức và giáo điều. Khổng Tử phê phán sự hình thức hóa của đời Xuân Thu, và chủ trương phải đặt nội dung lên trên hình thức.

"Lễ vậy! Lễ vậy! Có phải lễ là ngọc lụa vậy chăng? có phải ngọc là chuông trống vậy chăng?" (Dương Hóa).

b) Điều hòa mâu thuẫn.

Đời Xuân thu, giai cấp đã phân hóa, dân tự do đã gây nên cuộc đấu tranh để giành quyền sở hữu ruộng đất, mâu thuẫn giai cấp đã trở thành một nguy cơ xã hội rất lớn, được bộc lộ trong "Biến phong", "Biến nhã". Đứng trước nguy cơ ấy, Khổng Tử chỉ muốn cứu vãn xã hội bằng cách điều hòa mâu thuẫn. Trong xã hội đời Xuân thu, đấu tranh giai cấp giữa giàu và nghèo đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng. Không Tử nói:

"Hung hăng, ghét cái nghèo, là loạn vậy; người mà bất nhân, ghét nó quá đáng, là loạn vậy" (Thái Bá).

Như thế là kẻ tiểu nhân (bình dân) không an phận trong cảnh nghèo, lại muốn tranh đấu để trở nên giàu, mà người quý tộc thì căm ghét nó quá đáng, do đó hình thành sự đối kháng gay gắt và gây nên đại loạn trong thiên hạ. Để tiêu trừ mâu thuẫn giữa kẻ giàu và kẻ nghèo, Khổng Từ dạy người nghèo biết vui cảnh nghèo, người giàu biết chuộng lễ (Học nhi), kẻ nghèo không nên oán vọng, kẻ giàu không nên kiêu căng (Hiến vấn).

Một bên thì giai cấp quốc dân do những kẻ sĩ làm đại biểu đòi tham dự chính quyền, một bên là truyền thống bổ nhiệm công khanh đại phu theo quan hệ huyết thống. Đó cũng là một mối mâu thuẫn gay gắt ở đời Xuân thu. Khổng Tử khuyên bọn quý tộc nên bạt dụng những người hiền tài (Trả lời Trọng Cung - Tử Lộ). Mặt khác, Khổng Từ khuyên giai cấp quốc dân nên có thái độ lễ nhượng, đừng tự kiêu "vô phạt thiện" - Công Dã Tràng) để đến nỗi sinh ra đấu tranh: "Người ta dùng thì ra làm, người ta bỏ thì lánh ẩn" (Thuật nhi).

Tóm lại, Khổng Tử chủ trương điều hòa mâu thuẫn trong quan hệ xã hội, nhượng bộ lẫn nhau giữa kẻ quý và người tiện, kê giàu và người nghèo, giữa vua và tôi, giữa thống trị và bị thống trị.

C. Nhân đạo quan

Sở dĩ mâu thuẫn xã hội có thể điều hòa được là vì những thành phần khác nhau trong xã hội là “tính tương cận" (tính gần nhau - Dương Hóa). Nói một cách khác, đạo đức là một yếu tố tâm lý có tính cách phổ cập trong nhân loại (chứ không phải là cái gì do Thượng đế chi phú cho bọn quý tộc thị tộc mà thôi).

Khổng Tử đã khẳng định nhân loại tính và đã biểu đạt nó bằng chữ "nhân" 仁 . Nhưng "nhân" là gì?

Nhân loại tính là gì? Bản thể của chữ "nhân" là gì? Bản thể của tính người là gì?

Trong sách Luận ngữ, có 105 chỗ nói đến chữ "nhân", nhưng không chỗ nào định nghĩa chữ "nhân" giống với chỗ nào. Chẳng hạn:

1. "Phàn Trì hỏi nhân là gì?" Phu tử nói: yêu người" (Nhan Uyên).

2. "Trọng Cung hỏi nhân là gì? Phu tử nói: "Ra cửa như đón tiếp một vị khách lớn, trị dân như đứng làm chủ một cuộc tế lớn; cái gì mình không muốn thì không làm cho người ta; ở trong nước, không có điều oán, ở trong nhà không có điều oán" (Nhan Uyên).

3. "Nhân là làm cái khó trước mà để cái được lại sau" (Ung dã).

4. "Người quân tử mà bỏ cái nhân thì làm sao thành tên [tuổi] được?" (Lý nhân).

5. "Chí sĩ, nhân nhân không cầu sống mà hại cái nhân, có bỏ thân để thành cái nhân" (Vệ Linh Công).

6. "Kẻ nhân ắt là có dũng, kẻ dũng chẳng ắt có nhân" (Hiến vấn),

7. "Dân đối với nhân, còn [thiết] hơn là đối với nước và lửa. Nước và lửa, ta thấy có kẻ dẫm lên mà chết, chưa thấy có kẻ nào dẫm lên nhân mà chết vậy" (Vệ Linh Công).

Chỉ xem mấy điều trên cũng đủ thấy chữ "nhân" của Khổng Tử có một nội dung phức tạp biết chừng nào. Vì vậy nên hậu Nho cũng định nghĩa chữ "nhân" mỗi người một khác. Mạnh Tử giải thích chữ "nhân" là lương tâm: "Lòng trắc ẩn là đầu mối của nhân" (Công Tôn Sửu, thượng). "Lòng trắc ẩn là nhân" (Cáo Tử, thượng). Hàn Dũ nói: "Nhân già xem thiên địa vạn vật là nhất thể" (Thức nhân). Chu Hy nói: "Nhân là thể, mà ái là dụng, nhân là cái lý của ái" (Ngữ lục, II). Nhà đại nho Nhật-bản Tô-lai đời Đức-xuyên, nói rằng "nhân" là cái đức an dân trưởng nhân (giúp người). Nhà nho Việt Nam Vũ Phạm Khải đời Tự Đức nói rằng "nhân" tức là "trung" và "thứ" (Nhân luận, trong Ngu Sơn văn tập).

Sau đây là mấy điểm mà chúng ta cần phải chú ý để phân tích chữ "nhân" của Khổng Tử:

1. Bên trên quan niệm thông tục về chữ "nhân", Khổng Tử đã nêu lên đến một mức cao ngất.

Người đồng thời với Khổng Tử quan niệm "nhân" là nhân hậu, hiền lành:

"Có kẻ nói rằng Ung thì nhân đấy mà không hoạt bát. Phu tử nói: "Hoạt bát mà làm gì. Lấy môi mép đối xử với người, luôn luôn bị người ghét, không biết [Ung] thì nhân như thế nào [chứ] hoạt bát mà làm gì" (Công Dã Tràng).

Ung là Trọng Cung, con người hiền lành, ít điều. Ở đây, người đối thoại cho rằng Trọng Cung như thế là "nhân". Khổng Tử nói ta không biết Trọng Cung là "nhân" như thế nào, đó là một cách nói của Khổng Tử, có thể hiểu người như Trọng Cung cũng chưa gọi được là "nhân" hay là: "nhân" không phải là hiền lành, ít điều.

Lệnh Doãn Tử Văn ba lần được bổ nhiệm làm Tướng quốc mà không mừng, ba lần bị bãi chức mà không giận, cũng không được Khổng Tử xem là "nhân".

Một con người không hiếu thắng, không tự kiêu, không oán phẫn, không tham dục có thể được người ta coi là bậc thánh, nhưng Khổng Tử cho rằng như thế cũng chưa được là "nhân".

2. "Trung thứ" 忠恕 chưa phải là bản thể của chữ "nhân".

Khi Trọng Cung hỏi "nhân" là gì, thì Khổng Tử đáp rằng “nhân” là: “Cái gì mình không muốn thì không làm cho người”. Khi Tử Cống hỏi có một chữ nào mà trọn đời có thể theo được không, thì Khổng Tử đáp rằng: “Có lẽ là chữ “thứ" chăng? Cái gì mình không muốn thì chớ làm cho người” (Vệ Linh Công). Ở đây chúng ta thấy chữ “nhân” và chữ “thứ” được định nghĩa cùng một cách. Vì vậy Vũ Phạm Khải cho rằng cái đạo nhất quán của Khổng Tử là “trung” + “thứ”, mà “trung” + “thứ” tức là “nhân”.

Nhưng hai chữ “trung” và “thứ chỉ biểu hiện cái quan hệ giữa ta và người, tức là quan hệ giữa người và người: ta biết cái tính người ở trong mình ta như thế nào thì theo đó mà đối xử với người khác. Vậy thì “trung” + “thứ" mới chỉ là hư vị, là hình thức, nó chưa xác định tính người là gì, do đó nó chưa phải là bản thể của chữ “nhân”.

3. Phương pháp quy định tính người để nhận thức bản thể của chữ “nhân”.

“Nhân” là tính người, nhưng tính người là gì? Phải xác định tính người mới biết được bản thể của chữ “nhân”. Nhưng đó lại là một điều không còn gì khó hơn thế.

Muốn biết cái tính của một con người cá biệt, thì chúng ta thường tìm xem người ấy ham cái gì và ghét cái gì. Đó là phương pháp tốt nhất, vì tình cảm là một trong những biểu hiện cơ bản nhất của tính cách mỗi người. Nhưng đối với loài người nói chung thì sự ham sự ghét, cái hiếu, cái ố lại rất phức tạp. Có người hiếu sắc hơn hiếu đức, có người hiếu dũng, có người hiếu lễ, hiếu nghĩa, v.v... Tuy nhiên đó lại không phải là những hiếu ố cơ bản của loài người. Muốn tìm cái hiếu ố cơ bản của loài người ở trong bản thân chúng ta, thì phải “chính tâm, thành ý” 正心誠意 hay là “vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã" 毋意毋必毋固毋我  (Tử Hãn) như Khổng Tử.

“Chỉ có kẻ chí thành trong thiên hạ là có thể biết hết được cái tính của mình, có thể biết hết được cái tính của mình thì có thể biết hết được cái tính của con người.” (Trung dung, 22).

Biết hết được cái tính của con người, tức là nắm được thuộc tính cơ bản của loài người. Chúng ta muốn biết người nào “nhân” hay là “bất nhân”, thì phải biết người ấy có ham cái “nhân” mà ghét cái “bất nhân” hay không:

“Kẻ hiếu nhân thì không còn gì hơn nữa” (Lý nhân).

Tại sao chí sĩ và nhân nhân không cầu sống để hại cái nhãn mà bỏ thân để thành cái nhân? Là vì, tuy rằng chí sĩ nhân nhân cũng ham sống như mọi người, nhưng chí sĩ và nhân nhân đã thể nghiệm được cái nhân, thuộc tính cơ bản của con người, cho nên còn ham nó hơn là cái sống của mình.

4. Chữ “nhân” trong tư tưởng “thiên nhân hợp nhất”.

Trong tư tưởng của Khổng Tử, chữ “nhân” và chữ “lễ” có quan hệ mật thiết với nhau.

“Khắc phục bản thân, trở lại với lễ, là nhân. Một ngày khắc phục bản thân, trở lại với lễ thì thiên hạ về với cái nhân” (Nhan Uyên).

Khắc phục bản thân là khắc phục những cái hiếu ố vị kỷ; trở lại với lễ là trở lại với tôn giáo thời Tây Chu, trong đó có cái tư tưởng “thiên nhân hợp nhất” (Tổ tiên thị tộc và Thượng đế là hợp nhất); trời và người cảm ứng với nhau, và do đó người cũng có tác dụng thần diệu như trời. Vì vậy mà người nào làm điều “nhân” một ngày thì thiên hạ đều về với cái “nhân”.

Điều này đã được nói rõ thêm trong sách Trung dung:

“Chỉ có kẻ chí thành trong thiên hạ là có thể biết hết được cái tính của mình; biết hết được cái tính của mình thì có thể biết hết được cái tính của người; biết hết được cái tính của người thì có thể biết hết được cái tính của vật; biết hết được cái tính của vật thì có thể giúp đỡ sự hóa dục của trời đất; giúp đỡ sự hóa dục của trời đất thì có thể tham hợp với trời đất”.

Sách Trung dung lại nói rằng:

“Mừng, giận, thương, vui mà chưa phát, thì gọi là “trung”, phát mà đều đúng mức thì gọi là “hòa”. “Trung”, ấy là gốc lớn của thiên hạ; “hòa”, ấy là đường suốt của thiên hạ. Làm được tột mức cái “trung” và cái “hòa”, thì trời đất đặt đúng chỗ; vật sinh sôi nảy nở”.

Do những điều trên đây, chúng ta có thể quy định nội dung của chữ “nhân”, của tính người là sự tham hợp với trời đất.

5. Những mâu thuẫn nội tại của chữ “nhân”.

Chữ “nhân” của Khổng Tử xuất phát từ một yếu tố tâm lý phổ cập (tính tương cận) mà lại quy kết ở một lý tưởng cao nhất, cần phải một bậc đại thánh mới thực hiện nổi. Sau nữa, chữ “nhân” đã là thuộc tính phổ cập, thì đáng lẽ nó là siêu giai cấp, nhưng nó lại gắn liền với chữ “lễ”, mà “Lễ” lại là chính trị tôn giáo hóa của quý tộc thị tộc, của những người như Vị Tử, Cơ Tử, Tỷ Can, Bá Di, Thúc Tề.

Những mâu thuẫn nội tại này đều bắt nguồn từ tư tưởng “thiên nhân hợp nhất” và lập trường điều hòa mâu thuẫn của Khổng Tử (vì điều hòa mâu thuẫn tức là rơi vào mâu thuẫn).

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt