BÁCH GIA CHƯ TỬ
SÁCH TỬ TƯ - PHỤ LỤC SÁCH TRUNG DUNG
TRẦN VĂN HẢI MINH
Thảo Đường cư sĩ Trần Văn Hải Minh. Bách gia chư tử. Các môn phái triết dưới thời Xuân thu Chiến quốc. Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học Tp. Hồ Chí Minh, 1991.
Khai tổ của Nho gia là Khổng Tử, sau Khổng Tử, Mạnh Tử là Nho gia đại sư. Tử Tư tên Cấp, cháu của Khổng Tử, mà Mạnh Tử thì thọ nghiệp với môn nhơn của Tử Tư, cho nên giữa Khổng Tử và Mạnh Tử, Tử Tư cũng chiếm một địa vị thật quan trọng, và tác phẩm của ông cũng cần phải khảo sát Sách Hán Chí có ghi quyển Tử Tư Tử gồm 23 thiên với lời chú : Ông tên Cấp, cháu Khổng Tử, làm thầy Lỗ Mục Công. Trong các sách Tuỳ Chí, Đường Chí cũng có ghi sách Tử Tư gồm 7 cuốn. Từ đời Lục triều đến đời Tống, quyển Tử Tư Tử được lưu truyền gồm có 7 cuốn. Vương Ứng Lân, trong quyển Hán Chí khảo chứng có viết : " Bổn sách một quyển ngày nay là do Khổng Tòng Tử lượm lặt ngôn hạnh của Tử Tư mà viết ra, mà không phải là nguyên bản của sách Tử Tư ". Như thế thì quyển Tử Tư gồm 7 cuốn dưới thời Nam Tống đã bị mất. Sách Tuỳ Thơ, phần Âm nhạc chí có ghi : " Trung Dung, Biểu Ký, Phường Ký, Tư Y đếu rút ra trong sách Tử Tư Tử, vì thế mặc dù quyển sách của Tử Tư đã mất nhưng vẫn còn giữ được 4 thiên kể trên trong sách Lễ Ký. Quyển Tử Tư Tử ngày nay có hai bổn khác nhau : một là của Uông Trác người Nam Tống và một bổn khác của Hoàng Dĩ Châu người đời Thanh. Bản của họ Hoàng hay hơn của họ Uông, nhưng tất cả hai bổn kể trên đều không phải là bổn chánh đã ghi trong Hán Chí, mà cũng không phải là bổn 7 quyển dưới thời Lục triều và thời Tống. Sau đây là 7 thiên trong quyển Tử Tư Tử hiện nay : Thiên Mạng [tức là từ chương 1 đến chương 11 trong quyển Trung Dung], Diên Ngư [tức là từ chương 12 đến chương 20 trong Trung Dung], Tự Thành Minh [tức từ chương 21 đến chương chót trong Trung Dung]. Trở lên là phần nội thiên gồm 3 thiên, còn ngoại thiên có 6 thiên : Vô Cưu, Hồ Vô Báo, Tang Phục, Mục Công, Nhiệm Hiền, Quá Tề... Sách Trung Dung Trung Dung là một thiên trong sách Lễ Ký. Tống Nho cho rằng : " Thiên nầy là tâm pháp truyền thọ của Khổng môn, Tử Tư sợ lâu rồi biến ra sai, cho nên mới ghi vào sách để truyền lại cho Mạnh Tử ". Châu Tử liền đem Trung Dung, Đại Học hợp với Luận Ngữ và Mạnh Tử làm pho sách Tứ thơ, và từ đó Trung Dung với Đại Học lên ngang hàng với Luận Ngữ và Mạnh Tử và đó cũng là một tác phẩm trọng yếu của Nho gia. * Học giả đời sau phân tích nhận rằng toàn pho Trung Dung không phải do Tử Tư viết ra, sau đây xin phân tích kỹ từng đoạn trong quyển sách : Quyển Trung Dung được phân ra làm 5 đoạn chánh : Đoạn 1.- Chủ yếu là ghi lời nói của Khổng Tử, lời văn giản dị chất phác, giống như Luận Ngữ, như thế đoạn nầy kể như được viết ra trước hơn hết. Đoạn nầy gồm những chương cú thứ : 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9,10 và 11. Đoạn 2.- Đoạn nầy luận về Đạo không xa người, và tạo giềng mối ở vợ chồng, ở vị trí ngay thẳng thân mình, chú trọng trung thứ, kế chí, thuật theo việc người trước để thành đạo hiếu. Đây là theo thể văn ghi lại lời nói, nhưng lại có thêm cho đầy đủ...cho nên giống với các thiên : Tri Y, Phường Ký, Biểu Ký. Đoạn nầy trong Trung Dung thuộc các chương cú thứ : 12 - 13 - 14 - 15 -17 - 18 - 19. Đoạn 3.- Đoạn nầy luận về việc làm chánh trị phải sửa mình [tu thân] làm gốc, mở đầu bằng câu : " Ai Công hỏi về việc chánh... " đoạn nầy thể văn cũng ghi lời nói, nhưng được gọt giũa, sắp xếp thành một trường thiên nghị luận. Đoạn nầy bắt đầu từ câu " Ai Công vấn chánh " đến " Bất thành Hồ thân ". Đoạn 4.-Đoạn nầy luận về chữ " Thành ", đây là đoạn văn thuần tuý nghị luận, cũng không phải thể văn ký sự. Đoạn nầy bắt đầu từ chương 1 rồi kế là các chương 20 đến câu " Thành giả, thiên chi đạo dã" trở đi và các chương 21-22-23-24-25-26 và 16. Đoạn 5.- Đoạn nầy toàn là những lời tán dương, lời văn hoa mỹ, ý huyền diệu, như thế là đoạn nầy được soạn sau cùng, vào thời gian chót của Chiến Quốc. Đoạn nầy thuộc các chương : 27-28-29-30-31-32-33. Trong tất cả 5 đoạn nầy, 2 đoạn trước là phần Trung Dung của Tử Tư, đoạn sau là của nhóm hậu học của Tử Tư thêm vào. Đoạn sau không phải do một người viết, hay được soạn trong một thời gian nhứt định nào, có lẽ đoạn nầy được viết vào lúc sau khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhứt Trung Hoa. * Vị trí Trung Dung trong pho Lễ Ký được sắp xếp làm loại " Thông Luận " tức là ngày nay chúng ta gọi " Đó là nhơn sanh triết học của Nho gia và một bài văn luận về đạo nghĩa ". Về chú giải thì pho Trung Dung chương cú của Châu Tử là khá hơn hết, pho Trung Dung chú của Khương Hữu Vi thì rất chủ quan, ông biến sách cổ nhơn thành sách của ông như pho Mạnh Tử Vi đã nói trong phần trước. Ngày nay có nhiều bản Tứ thơ chú giải, có luôn cả văn Bạch thoại, trong có đủ Luận Ngữ, Mạnh Tử, Trung Dung, Đại Học của ngành Đại Học Trung Hoa rất tiện cho các bạn nào muốn tham khảo thêm chính văn của các pho sách ấy.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC