Triết học Đông phương

Công-nghiệp của Vương Dương Minh

VƯƠNG DƯƠNG-MINH

 

CÔNG-NGHIỆP CỦA VƯƠNG DƯƠNG-MINH

 

TRẦN TRỌNG KIM

 


Trần Trọng Kim. Vương Dương Minh. Nxb. Tân Việt. 1960. | Phiên bản điện tử: tusachtiengviet.com


 

 

Trước khi đỗ tiến-sĩ vào khoảng năm 26 tuổi, Dương-minh ở kinh, thấy tin báo giặc cướp đánh phá ngoài biên-thùy và thấy triều-đình suy-cử những người có tài làm tướng, ông nghĩ việc võ cử chỉ được người cưỡi ngựa và bắn cung giỏi mà thôi, chứ không chọn được người có tài thao-lược và thống-ngữ. Ông bèn lưu ý về việc học võ. Phàm những sách bí-thư của các binh-gia, không sách gì ông không nghiên-cứu tường-tận. Thường mỗi khi có khách đến yến hội, ông đùa-bỡn lấy hạt dưa bày ra thành trận thế. Sau khi ông đỗ tiến-sĩ rồi, nhân khi triều-đình hạ chiếu cầu ngôn, vả lại nghe quân giặc quấy-nhiễu các nơi, ông bèn dâng sớ nói tám điều về biên-sự rất là khảng-khái thiết-tha.

Dương-minh làm quan ở triều được non 7 năm, đến khi vua Võ-tông nhà Minh tin-dùng một tên yêm-hoạn là Lưu Cẩn, bỏ việc triều-chính. Bọn gián-quan là Đái Tiển 戴銑, Bác Ngạn-Huy 薄彥徽 dâng sớ lên can-ngăn vua. Lưu Cẩn bắt bỏ ngục. Ông bèn dâng sớ lên xin tha cho những người ấy, đại ý nói rằng : « Đấng quân thượng mà nhân, thì kẻ thần hạ phải trực. Bọn Đái Tiển lấy việc phải nói làm trách-nhiệm của mình ; lời can mà phải thì nhà vua nên vui lòng nghe theo mà thi-hành, nếu lời can mà chưa phải, thì hãy nên bao-dung để mở đường can-ngăn. Nay nhà vua bắt tội bọn gián-quan ngay-thẳng, thì sau tông-xã có điều gì nguy-cấp, còn ai dám nói cho mà biết nữa ». Tờ sớ ấy dâng lên, vua sai đánh 40 trượng, rồi đày ra làm dịch-thừa coi trạm Long-trường là nơi rừng-rú lam-chướng rất độc, dân-cư rặt những mường-mán không biết tiếng Tàu.

Ông vâng mệnh chịu đi đày, nhưng Lưu Cẩn còn tức giận chưa thôi, sai người đi đón đường để giết. Ông biết ý, khi đi đến sông Tiền-đường bảo người nhà phao lên rằng ông đã nhảy xuống sông chết rồi. Đoạn ông đáp thuyền buôn đi ra đảo Chu-sơn, thuộc tỉnh Chiết-giang gặp cơn bão, thuyền bạt đến đất Mân (Phúc-kiến). Ông lên bờ đi bộ qua các đường tắt trong rừng rậm hơn 10 dặm. Đến đêm gặp một cái chùa, ông gõ cửa xin vào ngủ nhờ, nhà sư không cho vào, ông phải đi đến cái miếu gần đó, dựa bên cạnh hương-án mà ngủ. Cái miếu ấy là chỗ hổ hay đến, và đêm ấy lại nghe tiếng hổ kêu, nhà sư tưởng rằng người hôm qua đến gọi cửa đã bị hổ ăn. Sáng dậy, sư ra xem, thì thấy ông đang ngủ say, lấy làm lạ, mời về chùa. Ông vào chùa gặp người đạo-sĩ đã quen 20 năm trước ở cung Thiết-trụ, ngồi nói chuyện, ông muốn bỏ trốn đi xa. Người đạo-sĩ nói rằng : « Ông còn có cha đang ở trong triều, vạn nhất Lưu Cẩn giận, kiếm cách làm hại, vu cho ông đi theo giặc ở phía bắc hay ở phía nam để làm tội cha, thì ông làm thế nào ? ». Ông nghe lời ấy, quyết ý đi đến Long-trường.

Lúc ấy ông thân-phụ là Long-sơn đang làm Lại-bộ thượng-thư ở Nam-kinh, ông quanh đường về thăm cha rồi đi đến trạm Long-trường. Đến đó nhà không có mà ở phải chặt gỗ làm nhà, nhưng vì khí-hậu rất độc, những người tôi-tớ đều bị bệnh cả. Ông phải thân đi kiếm củi gánh nước, nấu cháo để nuôi đầy-tớ, và lại làm ra bài ca, bài thơ, vịnh hát vui cười để chúng nó quên sự đau-yếu.

Ông ở Long-trường hơn 2 năm. Lúc đầu không quen thói rợ-mọi, rồi sau lấy thân mình làm phép cho dân, dẫn-dụ người man-di, ai nấy cảm-hóa, bảo nhau đi lấy gỗ làm nhà cho ông ở. Ở vùng ấy có người tù-trưởng họ An nghe tiếng ông, sai người đưa biếu ông gạo rượu vàng lụa và yên ngựa. Ông từ-chối không nhận. Sau họ An nhân có việc bất bình với triều-đình, toan mưu làm sự trái phép, ông liền đưa thư khuyên-bảo, họ An không dám vọng động. Lúc ấy trong bọn mán-mọi có người làm loạn, ông lại đưa thư khuyên họ An đem quân đi đánh-dẹp, bởi vậy dân ở vùng ấy được yên.

Năm Chính-đức thứ 5 (1510) đời vua Võ-tông, ông được thăng chức tri-huyện ở Lư-lăng, thuộc Quảng-tây. Cách mấy tháng trước được triệu về kinh, thăng làm chức chủ-sự ở bộ Lại, rồi trải qua chức viên-ngoại-lang, chức lang-trung. Năm Chính-đức thứ 7 (1512) thăng làm chức thái-bộc-tự thiếu-khanh ở Nam-kinh. Năm thứ 9 (1514) thăng chức hồng-lô-tự-khanh ở Nam-kinh.

Trong những năm Chính-đức đời vua Võ-tông, ở vùng Giang-tây có nhiều giặc cướp, quan quân đi đánh mãi không được. Năm Chính-đức thứ 11 (1516) quan Thượng-thư bộ Binh là Vương Quỳnh tiến-cử Dương-minh, vua bèn sai làm chức Đô-sát-viện Tả Đô-ngự-sử, sung Tuần-phủ Nam-cám và Đinh-chương để coi việc đánh-dẹp. Ông được mệnh liền sắm-sửa đi ngay. Lúc ấy có Vương Tư-Dư nói chuyện với người ta rằng : « Dương-minh đi phen này tất lập được công. » ; « Sao lại biết trước được ? » ; « Ta nói đến việc ấy mà thấy trấn-tĩnh không động vậy ».

Tháng giêng năm Chính-đức thứ 12 (1517) Dương-minh đến Cám-châu triệu-tập quân các tỉnh Phúc-kiến và Quảng-đông, đến tháng hai bình xong giặc ở Chương-châu, tháng tư rút quân về.

Ông cho rằng phép tập chiến không gì cần bằng hành ngũ, và phép trị chúng không gì bằng phân số. Ông bèn chỉnh-đốn quân-ngũ, chia ra làm ngũ, đội, sáo, doanh, trận, quân. Cứ 25 người làm một ngũ, có chức tiểu-giáp coi ; 50 người làm 1 đội, có chức tổng-giáp coi ; 200 người làm một sáo, có chức trưởng và hai chức hiệp-trưởng coi ; 400 người làm một doanh, có một chức quan và hai chức tham-mưu coi ; 1200 người làm một trận, có chức thiên-tướng coi, 2400 người làm một quân, có chức phó-tướng coi. Chọn người tài giỏi và có sức mạnh sung các chức ấy, Phó-tướng được phạt thiên-tướng, thiên-tướng được phạt doanh-quan, doanh-quan được phạt sáo-trưởng, sáo-trưởng được phạt tổng-giáp, tổng-giáp được phạt tiểu-giáp, tiểu-giáp được phạt ngũ-chúng.

“Lúc biên tuyển song rồi, phát ra các thứ binh-phù. Cứ năm người thì cho một cái bài biên rõ tên họ của cả 25 người trong ngũ, gọi là ngũ-phù 伍符. Mỗi đội có 2 bài, gọi là đội-phù 隊符 biên rõ tự hiệu, một bài giao cho tổng-giáp, một bài cất ở bản viện. Mỗi sáo có hai bài, gọi là sáo-phù 哨符 biên rõ tự hiệu, một bài giao cho sáo-trưởng, một bài cất ở bản viện. Mỗi doanh có hai bài, gọi là doanh-phù 營符, biên rõ tự hiệu, một bài giao cho doanh-quan, một bài cất ở bản viện. Hễ khi có việc đi đánh-dẹp cứ phát binh-phù ra thì theo lần-lượt mà đi để khỏi lầm-lẫn. Từ đó sự luyện-tập rất chăm và kỷ-luật rất nghiêm.

Tháng chín năm ấy, ông được cải-thụ làm Đề-đốc Nam-cám Đinh-chương đẳng xứ quân-vụ và cấp cho cờ và bài được tiện nghi hành sự. Tháng mười dẹp yên các bọn giặc ở Hoành-thủy và Dũng-cương, tên cừ-khôi giặc là Tạ Chí-sơn bị bắt. Dương-minh hỏi tên giặc ấy rằng : « Mầy làm thế nào mà họp được đồ-đảng nhiều như thế ? » Tạ Chí-sơn thưa rằng : « Việc ấy không phải là dễ. Lúc bình sinh thấy ai là người giỏi, thì quyết không bỏ qua, phải lập nhiều mưu-mẹo để dụ đến, hoặc chu-cấp cho, để người ta hàm ơn mà qui-phục, rồi cùng nhau mưu việc, như thế thì ai là chẳng theo ». Dương-minh lui vào bảo học-trò rằng : « Nhà nho nhất sinh tìm bầu-bạn thì cũng không khác gì thế ».

Năm Chính-đức thứ 13 (1518) Dương-minh lại đem quân đi đánh giặc Tam-lợi. Tháng giêng phát quân đi đánh, tháng tư dẹp xong cả giặc ở Đại-mạo, Lợi-đầu. Tháng sáu triều-đình cho ông thăng chức Đô-sát-viện hữu Phó-đô-ngự-sử.”

Từ khi ông chịu mệnh đi tuần-phủ, chỉ trong khoảng hơn một năm rưỡi mà các đám giặc ở vùng Giang-tây, Phúc-kiến, Quảng-đông, Hồ-nam, đều lần-lượt dẹp yên cả. Mỗi khi dẹp xong giặc nào, thì ông tìm chỗ hiểm-yếu hoặc đặt huyện để cai-trị, hoặc đặt tuần-kiểm-ty để phòng giữ, rồi xây-đắp thành-trì, sửa lại phép đánh thuế muối, lập ra thư-viện, thi-hành hương-ước. Những khi rảnh việc, ông vẫn không bỏ sự đọc sách và sự giảng học.

Những giặc ở vùng Giang-tây vừa yên, thì lại có Thần Hào làm phản. Thần Hào là dòng-dõi vua Thái-tổ nhà Minh, được tập tước là Ninh-vương ở đất Nam-xương. 

Thuở ấy Võ-tông không có con, lại hay chơi-bời, Thần-Hào bèn mưu sự làm phản để cướp ngôi thiên-tử.

Tháng sáu năm Chính-đức thứ 14 (1519) nhân khi quân tỉnh Phúc-kiến làm loạn, Dương-minh được mệnh đi khám xét. Ông mới đi đến huyện Phong-thành, cách Nam-xương chỉ độ vài mươi dặm, quan Tuần-phủ Giang-tây là Tôn Toại và quan Án-sát-ty phó sứ là Hứa Quỳ đều bị Thần Hào giết, còn các quan khác đều theo về đảng nghịch. Dương-minh biết sự nguy-cấp, liền đi thẳng đến Cát-an, Thần Hào cho người đuổi theo không kịp.

Ông về đến Cát-an, làm sớ tâu lên cáo việc biến, rồi cùng với quan tri-phủ là Ngũ văn Định điều bát binh-mã và lương-thực, sửa-sang khí-giới, thuyền-bè, lại truyền hịch đi bốn phương kể rõ tội Thần Hào, để khiến các quan đều đem quân đến giúp việc cần-vương.

Thần Hào mưu sự đã lâu, ở trong triều thì đút-lót những kẻ hạnh-thần, ở ngoài thì chiêu-mộ đồ-đảng. Đến khi khởi sự, liền sai tướng đi đánh lấy thành Nam-khang và thành Cửu-giang. Thần Hào lại sắp đem quân đi đánh lấy Nam-kinh để lên ngôi Hoàng-đế. Tiền-quân của nghịch đã đến vây thành Yên-khánh rất nguy-cấp. 

Dương-minh ở Cát-an dùng kế làm cho Thần Hào hoài-nghi, không dám cất quân đi vội. Trong lúc ấy, một mặt, ông sai người đi yết tờ cáo-thị ra các nơi và dùng hiệu cờ chiêu hàng, hiểu-dụ lấy lẽ thuận-nghịch họa-phúc ; một mặt đợi quân các nơi đến, rồi chờ Thần Hào cất quân đi, thì đến đánh Nam-xương. Quả-nhiên Thần Hào chùng-chình mãi không dám đi, sau cho người đi do-thám biết quan quân chưa đến, bèn đem quân theo Trường-giang đi về phía đông, định đánh lấy thành Yên-khánh rồi xuống lấy thành Nam-kinh.

Dương-minh nghe tin Thần Hào đã dời khỏi Nam-xương rồi, bèn họp các quan, bàn việc tiến quân. Mọi người đều bảo nên đi cứu thành Yên-khánh, ông không nghe, định đánh lấy thành Nam-xương là chỗ căn-bản của nghịch thì tự khắc thành Yên-khánh sẽ được giải vây. Ông liền xuống lệnh đem quân đi đánh, lấy được thành Nam-xương, rồi chia quân đi đón đánh quân nghịch. Thần Hào được tin Nam-xương thất thủ, liền quay trở về, gặp quân của Dương-minh đánh mấy trận vỡ tan. Thần Hào và bọn nghịch-đảng đều bị bắt cả.

Việc khởi nghịch của Thần Hào trước sau chỉ có 42 ngày là dẹp yên. Đó là nhờ cái tài của Dương-minh khéo trù-liệu mọi “việc, cho nên mới thành công chóng như vậy. Xưa nay những nho-tướng ra dùng binh cũng đã từng có, nhưng ai cũng có nhiều chiến-tướng giúp-đỡ, đường này những người tham-dự mưu-cơ trong tướng-mạc đều là những kẻ nho-học và những người ra chỉ-huy trận tiền đều là kẻ tá-nhị ở bản tỉnh và phủ-huyện, thế mà Dương-minh lấy nhất tâm vận-dụng được cả, khiến những kẻ thư-sinh thành kẻ danh-sĩ, những kẻ ti-thuộc thành bậc lương tướng. Ông có cái thủ-đoạn hóa những kẻ tầm-thường ra làm bậc thần-kỳ. Ông thật là bậc thiên-tài vậy.

Khi Thần Hào làm phản, vua Võ-tông được sớ của Dương-minh tâu về, họp quần-thần hội-nghị. Quan Binh-bộ thượng-thư là Vương Quỳnh nói rằng : « Kẻ thụ-tử kia vốn làm điều bất nghĩa, nay thoảng-thốt dấy loạn, cũng chẳng sợ gì, đã có Vương Thủ-Nhân giữ ở thượng-du, đuổi theo là tất bắt được ». Vương Quỳnh trước đã dâng Dương-minh cho đi tiễu-trừ quân giặc ở Giang-tây, nay thấy có việc loạn, quyết chắc là thế nào Dương-minh cũng dẹp yên, thật Vương Quỳnh là người biết Dương-minh vậy.

Dương-minh xướng việc nghĩa dẹp yên kẻ phản-nghịch không khó bằng khi công-việc đã xong rồi, những gian-thần ghen công, chực tìm đủ cách dèm-pha để làm hại mình. Ông phải cay-đắng trăm đường, đã nhiều lúc dâng sớ xin về không được. Số là khi vua Võ-tông nghe tin Thần Hào sinh biến thì liền hạ chiếu thân chinh. Xa-giá mới đến thành Bảo-định thì đã có sớ dâng về báo tiệp. Nhưng Võ-tông ý muốn nhân dịp đi nam-du, cho nên không chịu tuyên-bố tiệp âm ra cho thiên-hạ biết, lại nói rằng : « Đứa nguyên ác tuy đã phải bắt, nhưng nghịch-đảng hãy còn, nếu không đi bắt cho hết, tất là để cái lo về sau ». Dương-minh dâng sớ lên bày-tỏ điều lợi-hại để can vua đừng đi thân-chinh nữa, vua cũng không nghe.

Khi Dương-minh dâng sớ cáo Thần Hào làm phản, ý muốn nhân việc ấy để răn vua, đừng yêu-dùng kẻ hoạn-quan. Trong sớ có câu : « Xin bài xuất những kẻ gian-siểm để hồi cái lòng kẻ hào-kiệt trong thiên-hạ ». Bọn bế-hạnh cùng những hoạn-quan nghe tiếng, đều lấy làm tức. Sau lại biết Dương-minh đã dẹp yên đươc Thần Hào rồi, chúng lại đem lòng ghen công và lại sợ phát-lộ chuyện kín của chúng ra, cho nên chúng thường ở trước mặt vua, nói dèm-pha đủ điều.

Võ-tông ngự giá thân chinh thì có bọn gian-thần là thái-giám Trương Trung, An-biên-bá Hứa Thái và Giang Bân đi theo. Vua cho Trương Trung và Hứa Thái đem cấm quân đến Giang-tây. Bọn Trung và Thái muốn thả Thần Hào ra ở hồ Bà-dương để vua đến bắt lấy cho thỏa ý. Nhân khi bọn Trung và Thái chưa đến nơi, Dương-minh đem Thần Hào đi dâng cho vua. Trung và Thái cho người đuổi đến huyện Quảng-tín đòi lại, nhưng ông nhất định không nghe. Trong bọn thái-giám có Trương Vĩnh là người khá hơn cả ; lúc ấy Vĩnh đóng ở Hàng-châu, ông bèn đến bảo rằng : « Dân tỉnh Giang-tây phải chịu cái “độc của Thần Hào đã lâu, nay trải qua đại loạn, lại bị tai hạn hán và phải trốn-tránh vào trong hang núi để làm loạn. Như thế thiên-hạ sắp thành ra cái thế như đất vỡ lở. Bây giờ lại dấy binh định loạn, chẳng hóa ra khó lắm sao ? » Trương Vĩnh nói rằng : « Phải, tôi ra chuyến này là vì bọn tiểu-nhân ở bên cạnh vua, cốt để điều-hộ bên tả bên hữu mà giúp thánh-cung, chứ không phải vì tranh công mà lại đây ». Dương-minh tin là người trung-trực, bèn đem Thần Hào giao cho Trương Vĩnh, rồi xưng bệnh ra ở cái chùa Tĩnh-từ bên Tây-hồ. Cách ít lâu, ông được bổ làm Tuần-phủ tỉnh Giang-tây, ông lại trở về Nam-xương.

Lúc ấy Trương Trung và Hứa Thái còn ở Giang-tây, dòm-dỏ xét nét trăm đường. Lại có quan cấp-sự là Lục Tục và quan ngự-sử là Trương Luân theo gió phụ-hội, bịa-đặt ra lời dèm-pha. Đến khi Dương-minh về tới Nam-xương, bọn Trung và Thái cho quân chửi mắng, ông cứ điềm-nhiên không động, tìm cách ủy-lạo hậu-đãi và sai quan đi phủ-dụ dân rằng : « Quân phía bắc đến đây xa nhà khổ-sở, dân nên lấy lễ chủ và khách mà đãi cho hậu. Mỗi khi gặp đám tang quân bắc, thì phải dừng xe lại, thăm hỏi ân-cần ». Quân bắc thấy thế đều cảm-phục. Sau bọn Trung và Thái cùng với Dương-minh thi bắn, ý muốn lấy cái sở-trường của mình để bắt ông phải khuất-phục, không ngờ ông bắn ba phát đều trúng cả. Quân bắc đứng chung quanh đều vỗ tay khen mừng. Trung và Thái thấy thế lấy làm sợ, bảo nhau rằng : « Quân ta theo cả Vương Thủ-Nhân rồi chăng ! ». Bèn rút quân về.

Bọn Trung và Thái về đến Nam-kinh căm giận chưa thôi, nói dèm trước mặt vua rằng Dương-minh muốn làm phản. Vua hỏi : « Lấy gì làm chứng ? ». Trung và Thái trước mấy lần mạo mệnh vua vời ông, ông không đến, chắc là lần này có chiếu vời ông tất ông cũng không đến, bèn tâu rằng : « Thử vời mà không đến là biết ». Vua bèn hạ chiếu triệu Dương-minh vào diện kiến. Lúc ấy Trương Vĩnh vẫn có ý che-chở cho Dương-minh, sai ngầm người đi bảo rằng hễ có mệnh triệu, thì ông đi ngay. Bọn Trung và Thái sợ nói không đúng, sai người ngăn lại ở Vu-hồ đến nửa tháng. Ông bất-đắc-dĩ vào ở núi Cửu-hoa, mỗi ngày ngồi yên ở trong am cỏ. Vua cho người đến dò xem, về nói rằng : « Vương Thủ-Nhân là người đạo-học, có mệnh triệu là đến ngay, có lẽ nào lại làm phản ». Vua cho về Nam-xương.

Dương-minh lập được nhiều công lớn mà lại gặp phải Võ-tông là ông vua bất minh, để kẻ gian-thần dèm-pha, chực làm hại, cho nên ông lấy làm buồn-bực. Một đêm ngồi nghe tiếng sóng vỗ vào bờ, ông nghĩ bụng rằng : « Một mình bị dèm, chết đi cũng đành, nhưng còn có cha già thì sao ». Ông lại nói với học-trò rằng : « Lúc này giá có cái lỗ nào có thể trộm đến đem cha đi trốn, thì ta cũng đem đi cho xong, không tiếc gì nữa ! ». Khi ông trở về Nam-xương được mấy tháng dâng sớ lên xin về thăm bà tổ-mẫu. Vua không cho.

Lúc ấy vua Võ-tông ở Nam-kinh đã lâu, bọn quần đảng đều có ý tranh công, sai người bảo ông phải dâng sớ báo tiệp lần nữa. Ông bèn lược qua những tờ sớ trước mà qui công cho vua và những người tả hữu hầu vua. Vua lấy làm đẹp lòng mà thu quân về.

Năm Chính-đức thứ 16 (1521) vua Võ-tông mất, vua Thế-tông lên ngôi, luận công bình Giang-tây, ông được thăng làm Nam-kinh Binh-bộ thượng-thư và được tước Tân-kiến-bá 建新伯. Năm ấy ông lại dâng sớ xin về nghỉ thăm nhà. Năm sau thân-phụ là Long-sơn-công mất, ông ở nhà đinh gian.[1]

Lúc ấy ông đã 51 tuổi, định xin thôi quan ở nhà dạy học. Vả bấy giờ ở trong triều các quan đại-thần như bọn Dương Nhất-Thanh thấy ông tài cao vọng trọng, có ý ghen-ghét, không ai đề-cử cho ông khai-phục. Bởi thế ông được ở nhà gần sáu năm. Sau vì ở đất Điền-châu thuộc tỉnh Quảng-tây, có giặc, cho nên triều-đình lại cử ông làm Lưỡng-Quảng, Giang-tây, Hồ-quảng, Tổng-đốc quán-vụ để lo việc đánh-dẹp.

Điền-châu trước là đất thuộc các thổ-ti, sau đặt quan cai-trị, người bản xứ không phục, các đầu-mục là Lư Tô và Vương Thụ họp dân-chúng lại làm loạn, vây hãm châu-thành. Quan Đề-đốc là Diêu Mô không dẹp yên được. Cuối năm Gia-tĩnh thứ 6 (1527) Dương-minh đến Nam-kinh, các rợ nghe tiếng đã tâm khiếp. Ông thấy binh-thế của giặc rất thịnh, nghĩ rằng dùng binh thì không lợi, bèn dâng sớ lên nói rằng : « Điền-châu giáp giới với đất Giao-chỉ là nơi quân rợ-mọi ra vào, nên đặt chức thổ-quan như cũ, để làm phên rào ». Đoạn rồi ông cùng với quan tuần-an ngự-sử là Thạch Kim định kế chiêu-phủ. Lư Tô và Vương Thụ đều đến quân-môn xin hàng. Từ đó đất Điền-châu không đánh mà yên.

Lúc ấy ở đất Tư-ân, tỉnh Quảng-tây, có giặc mọi là Đoàn Đằng-Giáp, chia làm tám trại, phía nam giáp Giao-chỉ, phía tây giáp Vân-nam và Quí-châu. Giặc ấy xưa nay đánh mãi không được. Năm ấy nhân khi dẹp xong giặc Điền-châu, tiện đường rút quân về, ông lừa khi quân giặc không ngờ, sai quan đến đánh úp, phá được cả tám trại. Một đám giặc trước kia quan quân đi đánh có khi dùng đến 20 vạn người mà không dẹp được, nay chỉ có mấy vạn người đánh trong vài tháng mà thành công.

Sự đi đánh-dẹp có công lớn như thế mà ở triều-đình lại có người ghen-ghét, kiếm chuyện bẻ-bắt, không kể công. Nguyên có Trương Thông và Quế Ngạc đã dâng Dương-minh đi đánh giặc ở Lưỡng Quảng. Sau Quế Ngạc được vào làm Lại-bộ thượng-thư, Trương Thông làm Nội-các. Quế Ngạc là người thích lập công-danh, có xui Dương-minh sang đánh An-nam [2]. Nhưng Dương-minh biết cái thế đánh không được, từ-chối không đi. Vì thế mà Quế Ngạc ghét, tìm chuyện, cho là việc chinh phủ không hợp nghi, thành ra không được ban thưởng.

Đánh xong giặc Đoàn Đằng-Giáp, thì Dương-minh phải bệnh nặng, bèn dâng sớ xin về, rồi không đợi mệnh, bỏ về đến Nam-an (ở phía tây-nam tỉnh Giang-tây) bệnh rất trầm-trọng. Môn-nhân là Chu Tích hỏi thăm bệnh, thì ông nói rằng : « Bệnh thế nguy-cấp, chỉ còn cái nguyên-khí chưa chết mà thôi ». Cách ba hôm sau là ngày 28 tháng mười-một, năm Gia-tĩnh thứ 7 (1528), thì ông mất, thọ được 57 tuổi. Môn-nhân đem về táng ở Hồng-khê, cách Hàng-châu 30 dặm.

Vì ở trong triều có bọn Quế Ngạc ghét Dương-minh, bác cái học của ông, bảo là không chính, và lấy cớ chưa có chỉ cho về, đã tự tiện bỏ chức-vụ mà về, bèn tâu xin không ban tên thụy, và không cho con được tập tước bá. Mãi đến 39 năm sau, đến năm Long-khánh nguyên-niên (1567) đời vua Mục-tông mới tặng phong là Tân-kiến-hầu 新建侯, cho tên thụy là Văn-thành 文成 và cho con là Thủ Ức được tập tước bá. Cách 56 năm sau khi ông mất, tức là năm Vạn-lịch thứ 12 (1584) đời vua Thần-tông mới đem ông vào tòng tự ở miếu thờ Khổng-tử, xưng là tiên nho Vương-tử.

Các môn-đệ đem những công-nghiệp, ngôn-hạnh và học-thuyết của ông chép ra thành sách, có :

- Ngữ-lục 語錄 3 quyển ;

- Văn-lục 文錄 5 quyển ;

- Biệt-lục 別錄 10 quyển ;

- Ngoại tập 外集 7 quyển ;

- Tục-biên 續編 6 quyển ;

- Phụ-lục 附錄 7 quyển.

Tất cả là 38 quyển, gọi là Vương Văn-Thành-công toàn thư 王文成公全書.

 


[1] Đinh gian là người làm quan đời xưa, khi cha mẹ mất thì phải xin về nghỉ để lo việc tang-chế.

[2] Lúc ấy bên An-nam vào cuối đời vua Chiêu-tông nhà Lê.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt