ĐẠO CỦA LÃO TỬ VỚI TƯ TƯỞNG HỌC THUẬT TRUNG QUỐC VÀ PHƯƠNG ĐÔNG
PHAN VĂN CÁC(*)
Phan Văn Các. "Đạo của Lão tử với tư tưởng học thuật Trung Quốc và phương Đông". Nghiên cứu tôn giáo, số 2-1999, tr. 26-31.
Khi ở phương Tây, Pythagore và trường phái của ông nêu ra các khái niệm hài hòa và âm nhạc vũ trụ xuất phát từ quan niệm căn bản rằng nền tảng đầu tiên của Trời đất vạn vật là số, cho rằng cả đất trời là một con số, từ con số rút ra sự hài hoà của vạn vật, dẫn tới cái đẹp của sự hài hoà, thì ở phương Đông, các khái niệm hoà với đại âm của hi thanh và đại tượng của vô hình, Lão Tử không dựa trên cơ sở số mà dựa trên phạm trù đạo về triết học. Đạo vốn nghĩa là đường, đường đi, và ở thời Xuân Thu người ta đã dùng đạo để biểu thị quy luật vận hành của thiên tượng tự nhiên và chuẩn mực hành vi của con người xã hội, như nói thiên đạo, nhân đạo v.v... Lão Tử là người đầu tiên coi đạo là phạm trù tối cao của triết học, coi đạo là cái gốc của vạn vật và đưa ra một luận chứng triết học có hệ thống. Đạo là gì ? Lão Tử nói: “Hữu vật hỗn thành, tiên thiên địa sinh, tịch hề liêu hề, độc lập nhi bất cải, chu hành nhi bất đãi, khả dĩ vi thiên hạ mẫu. Ngô bất tri kì danh, tự chi viết đạo, cưỡng vị chi danh viết đại”[1]. Ngô Tất Tố và Nguyễn Đức Tịnh dịch là: “Có một vật do sự hỗn hợp mà thành; nó sinh ra trước trời đất; vừa trống không vừa yên lặng, đứng yên một mình mà không biến cải; trôi đi khắp mọi nơi mà không thôi, có thể làm mẹ đẻ của thiên hạ. Ta không biết tên nó là gì, phải tên chữ cho nó là Đạo và gượng gọi nó là Đại (lớn)”[2]. Nguyễn Duy Cần dịch tương tự: “Có vật hỗn độn mà nên, sanh trước Trời Đất, yên lặng trống không, đứng riêng mà không đổi. Đi khắp mà không mỏi, có thể là Mẹ của thiên hạ. Ta không biết tên, gọi đó là Đạo, gượng cho là lớn”[3]. Cái Đạo hỗn thành đó lại là nguồn gốc của trời đất vạn vật, Đạo sinh ra tất cả: “Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật”[4]. Cái Đạo sinh ra muôn vật đó, chí ít có 5 đặc điểm lớn. Chính những đặc điểm này đã hình thành nên cái đặc sắc của tư tưởng và quan điểm mĩ học của Lão Tử. Đặc điểm thứ nhất của Đạo là tương phản tương thành. Lão Tử nói: “Phân giả Đạo chi động”[5] mà Vương Bật chú là “Cao dĩ hạ vi cơ, quý dĩ tiện vi bản, hữu dĩ vô vi dụng, thử kì phản dã.” (Cao lấy thấp làm nền, sang lấy hèn làm gốc, có lấy không làm dụng, đó tức là mặt trái của nó). Có nghĩa là đạo lấy tương phản tương thành làm gốc, nó chẳng những là đặc trưng cân bản của sự vật, mà còn là động lực phát triển chuyển hoá của sự vật. Đó thật sự là tư tưởng biện chứng chất phác cực kì đáng quý. Lão Tử cho rằng: Trong giới tự nhiên cũng như trong xã hội loài người đều tổn tại rất nhiều mâu thuẫn, bất kì sự vật nào cũng là tương phản tương thành, như lớn bé, cao thấp, trước sau, sống chết, tiến lui, khó dễ, xưa nay, đầu cuối, trí ngu, đẹp xấu, chính kì, cũ mới, mạnh yếu, cứng mềm, hưng phế, cho cướp, hoang thực, thắng bại, có không, tổn ích, lợi hại, âm dương, đầy vơi, lặng ổn, cong thẳng, đực cái, sang hèn, họa phúc v.v... một loạt những khái niệm tương phản tương thành đều đã được biểu đạt trong sách Lão Tử. Mà chính những vật tương phản tương thành đó đã hình thành nên cái hoà của trời đất muôn vật. Trong số các khái niệm đó, thì trực tiếp liên quan đến tư tưởng học thuật có đẹp và xấu (mĩ dữ ác), hoa mĩ và thực chất (hoa dữ thực), cứng và mềm (cương dữ nhu), có và không (hữu dữ vô). Thí dụ như, về đẹp và xấu, Lão Tử cho rằng: “Thiên hạ giai tri mĩ chi vi mĩ, tư ác dĩ; giai tri thiện chi vi thiện, tư bất thiện dĩ”[6] (Thiên hạ đều biết tốt là tốt, thì đã có xấu rồi; đều biết lành là lành, thì đã có cái chẳng lành rồi)[7]. Vì sao nói như vậy? Vì mỗi sự vật cá biệt đều là tương đối, là khả biến, cái đẹp có thể biến thành cái xấu, cái thiện có thể biến thành cái ác, bởi vì đẹp xấu, thiện ác cũng đều chẳng có ý nghĩa tuyệt đối, chúng đều là tương phản tương thành. Chính vì cái đẹp cá biệt là tương đối, là tạm thời cho nên Lão Tử mới quay sang cái đẹp tuyệt đối, vĩnh hằng, hướng tới cái đại âm không nghe thấy được, cái đại tượng không nhìn thấy được, tìm kiếm bản chất của cái Đẹp trọn vẹn, hoàn toàn. Và như vậy, tất phải đề cập đến Đạo với đặc trưng cân bản nhất của nó “Đạo bất khả đạo”. Câu mở đầu của Lão Tử là: “Đạo khả đạo, phi thường đạo, danh khả danh, phi thường danh”[8]. Vương Bật chú là: “Khả đạo chi Đạo, khả danh chi Danh, chỉ sự tạo hình, phi kì thường dã, cố bất khả đạo, bất khả danh dã”. Có nghĩa là, cái gọi là Đạo, một khi có thể nói ra được (có thể biểu đạt ra bằng ngôn ngữ) thì đã không phải là Đạo vĩnh hằng nữa rồi, hay nói cách khác đã không phải là tự thân Đạo nữa rồi. Theo Lão Tử, Đạo có thể sinh ra muôn vật, nhưng Đạo lại không phải là muôn vật; Đạo tổn tại ở muôn vật, nhưng bản thân Đạo lại là vô. “Thiên hà vạn vật sinh ư Hữu, Hữu sinh ư Vô”[9] (Muôn vật trong thiên hạ sinh ra từ Có, Có sinh ra từ Không). Thế nhưng trong Đạo đó lại bao chứa cái đại âm không nghe thấy được, cái đại tương không nhìn thấy được, bao chứa cái Tinh, cái Chân, cái Tín, cái Mĩ. “Đạo chi vi vật, duy hoảng duy hốt; hoảng hề hốt hề, kì trung hữu tượng, hoảng hề hốt hề, kì trung hữu vật, yểu hề minh hề, kì trung hữu tinh, kì tinh thậm chân, kì trung hữu tín”[10] (Đạo là cái nói rằng không nhưng lại có, nói rằng thực nhưng lại hư, là mập mờ thấp thoáng; nhưng trong thấp thoáng mập mờ đó, nó lại có cái hình tượng của vũ trụ, trong thấp thoáng mập mờ đó, nó lại chứa đựng cả đất trời muôn vật. Nó vừa sâu xa vừa mờ tối, nhưng trong đó lại có cái nguyên lí và nguyên chất của mọi vật chất sinh mệnh. Nguyên lí và nguyên chất đó là rất chân thực, cũng rất đích xác). Trong cái thấp thoáng mập mờ đó, dường như có thể nhìn thấy cái đại tượng của Đạo, có thể nghe thấy cái đại âm của Đạo, cảm nhận được cái Đẹp hài hoà của toàn vũ trụ. Đúng như Trang Tử nói: “Thị hổ minh minh, thính hổ vô thanh. Minh minh chi trung, độc kiến hiểu yên; vô thanh chi trung, độc vân hoà yên”[11]. (Xem nó vô hình, nghe nó vô thanh. Nhưng ở trong cái vô hình đó thấp thoáng tổn tại cái chân thực, trong cái vô thanh đó, lại nghe thấy sự hoà hợp). Như vậy cái đại âm, đại tượng mà Lão Tử tôn thờ đó, trên thực tế rất gần với cái Đẹp tự thân (beauty itself) của Platôn. Đó là một cái Đẹp siêu việt, một cái Đẹp có ý nghĩa vô cùng nhưng lại không sờ thấy được. Cái Đẹp sinh ra bởi cái Đạo bất khả đạo đó đã mở ra cho hậu thế một cánh cửa lớn để kiếm tìm điều bí ẩn là quy luật bản chất của nghệ thuật, các nghệ sĩ vứt bỏ mặt bất hợp lí, hấp thu cái tinh hoa trong đó, đã nêu ra tư tưởng vân nghệ về cái Đẹp không lời (vô ngôn chi mĩ) về rời hình mà giống (li hình đắc tự), chủ trương không nên câu nệ ở hình sắc thanh mạo cá biệt mà phải thông qua hình tượng mà nắm bắt cái Đẹp ý vị vĩnh hằng vượt lên trên mọi hình sắc thanh mạo cá biệt kia. Và đó chính là nét đặc sắc nổi bật nhất của tư tưởng học thuật Trung Hoa và lí luận của nó. Ngoài ra, Đạo không thể nói ra, nhưng bàn về Đạo thì lại phải biểu đạt bằng ngôn ngữ, nói như Lão Tử là cưỡng vị chi danh, tức là gọi tên cái vốn không thể đặt tên được. Ở đây, thật ra Lão Tử đã nêu ra một luận đề quan trọng nữa, đó là mối quan hệ giữa lời và ý. Lão Tử đã nhìn thấy rằng Đạo bất khả đạo, nhưng ông vẫn cứ đạo (nói) bằng ngôn ngữ vân tự. Đó có lẽ là sự tương phản tương thành giữa một bên là đã biết rõ rành rành rằng không thể nói ra với bên kia là vẫn cứ phải nói, và phải chăng đó chính là bí quyết của ma lực hút hồn người ta là ở đó. Điều mà các học giả theo đuổi chính là cố gắng đạt tới bờ bên kia tức là Đạo chân chính, bằng cách lấy cái ngôn ngữ không nói rõ được làm con thuyền. Lục Cơ, danh sĩ đời Tấn nói rằng: “Hằng hoạn ý bất xứng vật, vân bất đãi ý”[12] (luôn luôn lo rằng ý không xứng với vật, và vân không đến được ý); và thơ Đào Tiềm nói: “Thử trung hữu chân ý, dục biện dĩ vong ngôn”[13] (Trong đây có ý thật, muốn nói đã quên lời). Đặc điểm thứ ba của Đạo Lão Tử là thượng nhu (chuộng mềm), và điều này cũng đã có ảnh hưởng quan trọng đối với tư tưởng và học thuật Trung Hoa. Lão Tử nói: “Phản giả Đạo chi động, nhược giả Đạo Chi dụng”[14] (Trở lại là cái động của Đạo, yếu mềm là cái dụng của Đạo)[15]. Vì sao? Lão Tử đã chỉ rõ: “Thiên hạ mạc nhu nhược ư thuỷ, nhi công kiên, cường giả mạc chi nâng thắng, dĩ kì vô dĩ dịch chi. Nhược chi thắng cường, nhu chi thắng cương, thiên hạ mạc bất tri, mạc nâng hành”[16] (Trong thiên hạ không có cái gì nhu nhược như nước. Nhưng dùng để công phá cái rắn mạnh thì không có gì hơn nó, và không có gì thay được nó. Yếu mà thắng mạnh, mềm mà thắng rắn, thiên hạ không ai không hiểu, nhưng không ai làm được). Dĩ nhiên đặc điểm này gắn liền với nhân sinh quan của Lão Tử: Ông tin rằng Đạo Trời không thân ai, không sơ ai, trời đất sinh ra muôn vật, cây cỏ chim muông, không phải cốt để cho chúng ân thịt lẫn nhau, nhưng các sinh vật đều được dùng cái mình sở thích để sống. Lí tưởng ở đời, theo Lão Tử, là sống cuộc đời chất phác, vui với lẽ tự nhiên mà trở về gốc cũ. Lão Tử vốn có chí chung thân phụng sự cho đời, cho đến lúc công thành, sự toại, rồi mới thoái hư: Công toại thân thoái, Thiên chi đạo. Ông cho ở đời, thân hình là cái ít đáng quý nhất, vì nó thường là mối lo cho người ta. Đáng yêu quý nhất là lúc người ta đem thân ra phụng sự cho thiên hạ. “Ngô sở dĩ hữu đại hoạn giả, vị ngô hữu thân; cập ngô vô thân, ngô hữu hà hoạn? Cố quý dĩ thân vị thiên hạ, nhược khả kí thiên hạ; ái dĩ thân vị thiên hạ, nhược khả thác thiên hạ”[17] (Ta sở dĩ có mối lo lớn là vì ta có thân. Đêh lúc ta không có thân, thì ta còn lo gì? Cho nên quý trọng đem thân cho thiên hạ, thì có thể giao phó thiên hạ cho; yêu thích đem thân cho thiên hạ, thì có thể gửi gắm thiên hạ cho). Ông lại nói: “Nhân chi sinh dã nhu nhược, kì tử dã kiên cường, vạn vật thảo mộc chi sinh dã nhu xuê, kì tử dã khô cảo. Cố kiên cường giả tử chi đồ, nhu nhược giả sinh chi đồ.”[18] (Người khi mới sinh thì mềm yêu; khi chết thì cứng và mạnh. Vạn vật cây cỏ mới sinh thì mềm giòn, mà khi chết thì khô héo. Cho nên cứng và mạnh là bạn của chết, mềm và yêu là bạn của sống). Vì thế “Cường đại xử hạ nhu nhược xử thượng”[19] (Mạnh và Lớn ở dưới, Mềm và Yêu ở trên). Có điều nên nhớ rằng, mục đích “thủ nhu” của Lão Tử, không ở nhu, mà ở cương, hay nói cách khác, nhu chỉ là thủ đoạn, còn mục đích là ở cương để có thể thành công: “Thủ nhu viết cường”[20] (Giữ được mềm yếu, là Mạnh). Quan điểm của Lão Tử là: Muốn hữu vi, thì phải vô vi, muốn cương cường thì trước phải nhu nhược. Tư tưởng thượng nhu và chủ nhu thực cương của Lão Tử đã có ảnh hưởng sâu xa đến tư tưởng học thuật Trung Quốc. Đặc điểm thứ tư cũng liên quan với thượng nhu là hư và tĩnh. Lão Tử cho rằng Đạo có thể sinh muôn vật, đồng thời cũng có thể chứa muôn vật, là do một đặc điểm rất cân bản của Đạo đó là hư: “Đạo xung nhi dụng chi hoặc bất doanh, uyên hề tự vạn vật chi tông”[21] (Đạo thì trống không nhưng đổ vào mãi mà không đầy; Đạo như vực thẳm, dường như tổ tông của muôn vật). Nắm vững Đạo, nhận thức muôn vật cũng phải hư và tĩnh vì hư mới có thể chứa muôn vật, tĩnh mới có thể quan sát trời đất. Lão Tử nói: “Trí hư cực, thủ bỉnh đốc, vạn vật tịnh tác, ngô dĩ quan phục. Phù vật vân vân, các quy kì căn, quy căn viết tĩnh, thị vị phục mệnh, phục mệnh viết thường, tri thường viết minh.”[22] (Đến chỗ cùng cực hư không, là giữ vững được trong cái tĩnh. Muôn vật cùng sinh ra, ta lại thấy nó trở về gốc. Ôi! mọi vật trùng trùng, đều trở về cội rễ của nó. Trở về cội rễ, gọi là tĩnh, ấy gọi là phục mệnh, phục mệnh gọi là thường. Biết thường gọi mà Minh). Đó chính là phương pháp nhận thức của Lão Tử, là một phương pháp trực quan khiến tâm địa trống rỗng sáng suốt để dung nạp muôn vật mà ông gọi là huyền lãm. Huyền lãm là nói về tâm thể. Hà Thượng Công, người được coi là tiên đời Hán Vân Đế, không rõ họ tên, kết cỏ làm am ở bờ sông Hoàng nên có hiệu là Hà Thượng Công, giải thích huyền lãm trong sách Lão Tử Đạo đức kinh Hà Thượng Công chú bản như sau: “Tâm cư huyền minh chi xứ, lãm chi vạn vật”, nghĩa là để tâm ở nơi huyền diệu u tối mà nhìn xem muôn vật. Lão Tử nói: “Địch trừ huyền lãm”[23], tức là đòi hỏi người ta phải dọn tâm cho sạch sẽ, không để bị quấy rối bởi ngoại vật, cho tâm linh hệt như một tấm gương trong suốt, thì muôn vật tự nhiên sẽ hiện ra trước mắt. Phép hư tĩnh huyền lãm đó đã ảnh hưởng sâu xa đến tư tưởng học thuật Trung Quốc. Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp bàn về thần tứ và dưỡng khí đều chịu ảnh hưởng đó. Khi nói về hư Lão Tử còn nói tới quan hệ giữa hư và thực, điều này cũng để dấu ấn trong tư tưởng học thuật Trung Quốc. Như khi bàn về hữu vô tương sinh, ông nói: “Tam thập bức, cộng nhất cốc, đương kì vô, hữu xa chi dụng. Duyên thực dĩ vi khí, đương kì vô, hữu khí chi dụng. Tạc hộ dữ dĩ vi thất, đương kì vô, hữu thất chi dụng. Cố hữu chi dĩ vi lợi, vô chi dĩ vi dụng”[24] (Ba mươi cái nan hoa chung nhau một ổ trục, nhưng chính ở chỗ không mới có cái dụng của xe. Nặn đất để làm bát, nhưng chính ở chỗ không mới có cái dụng của bát. Khoét cửa sổ, cửa lớn để làm buồng, nhưng chính ở chỗ không, mới có cái dụng của buồng. Cho nên lấy cái có làm lợi, lấy cái không làm dụng). Trong thư pháp và trong hội hoạ, trong kiến trúc và trong âm nhạc, nhiều khi chỗ trống lại chính là nét đặc sắc của tác phẩm. “Vô họa xứ giai thành diệu cảnh”[25] (Chỗ không có nét vẽ đều thành cảnh đẹp tuyệt vời) và “Thử thời vô thanh thắng hữu thanh”[26] (Lúc này không có âm thanh còn hay hơn cả có âm thanh) chính là như vậy. Đặc điểm nổi bật thứ năm của Đạo Lão Tử là tự nhiên, chất phác và không đuổi theo danh lợi. Lão Tử nói: “Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp Đạo, Đạo pháp Tự nhiên”[27] (Người bắt chước Đất, Đất bắt chước Trời, Trời bắt chước Đạo, Đạo bắt chước Tự nhiên). Và “Đạo chi tôn, Đức chi quý, phù mạc chi mệnh nhi thường tự nhiên”[28] (Đạo được tôn, Đức được quý đâu phải là một phận sự bắt buộc, mà là một chiều hướng tự nhiên). Thế nào là “bắt chước Tự nhiên”? Vương Bật chú: “Đạo bất vi Tự nhiên, nãi đắc kì tính. Pháp Tự nhiên giả, tại phương nhi pháp phương, tại viên nhi pháp viên, ư Tự nhiên vô sở vi dã” (nghĩa là: Đạo không làm trái với Tự nhiên, nên có được cái tính của nó. Bắt chước Tự nhiên tức là ở vuông thì bắt chước vuông, ở tròn thì bắt chước tròn, so với Tự nhiên không có điều gì trái cả). Tục ngữ Việt Nam nói: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Tính của Tự nhiên là gì? Là trở về với cái chân thật, chất phác. Vì bản tính của Đạo là chất phác: “Đạo thường vô danh, phác tuy tiểu, thiên hạ mạc năng thần dã”[29] (Đạo thường không tên, mộc mạc, tuy nhỏ, dưới trời không có gì thần phục được) và “Đạo chi xuất khẩu, đạm hồ kì vô vị”[30] (Đạo ra cửa miệng, nhạt nhẽo vô vị), lại nói thêm: “Thường đức nãi túc, phục quy ư phác... Phác tán tắc vi khí”[31] (Thường đức luôn đầy đủ, lại quy về chất phác. Đạo chất phác phân tán ra thì thành muôn vật). Vương Bật chú: “Phác, chân dã, chân tán tắc bách hàng xuất, thù loại sinh, nhược khí dã” (Phác tức là chân. Chân phân tán ra thì trăm nghề sinh, các loài khác nhau ra đời, như những đồ dùng vậy). Vì Lão Tử chủ trương: “kiên tố bão phác”[32] (thể hiện sự giản dị, gìn giữ sự mộc mạc) và đề xướng: “khứ thậm, khứ xa, khứ thái”[33] (bỏ thâm, xa và thái, bỏ những gì thái quá), “điềm đạm vi thượng”[34] (điềm đạm là trên hết), “xử kì thực, bất cư kì hoa”[35] (lấy cái đôn hậu thực chất, mà bỏ cái kiêu bạc phù hoa). Chính dựa trên quan điểm chất phác, điềm đạm và tự nhiên đó, Lão Tử mới nêu ra “Ngũ sắc linh nhân mục manh, ngũ âm linh nhân nhĩ lung”[36] (Năm màu khiến người ta tối mắt, năm âm khiến người ta điếc tai) và “Mĩ ngôn bất tín, tín ngôn bất mĩ; Thiện giả bất biện, biện giả bất thiện”[37] (Lời đẹp thì không thực, lời thực thì không đẹp; Người thiện không tranh biện, người tranh biện thì không thiện). Những mệnh đề dường như có phần cực đoan này đều có ảnh hưởng rất lớn đến văn học nghệ thuật và tư tưởng học thuật Trung Quốc và phương Đông. Xét trên một ý nghĩa nào đó, có thể nói quan điểm kiến tố bão phác và mĩ ngôn bất tín của Lão Tử cùng với mệnh đề “Phác tố nhi thiên hạ mạc năng dữ chi tranh mĩ”[38] (Chất phác mộc mạc mà dưới gầm trời chẳng có gì có thể thi tranh đẹp với nó) của Trang Tử đã đúc nên cái phẩm chất mĩ học chất phác, thanh đạm, tự nhiên, thuần chân của văn hoá Trung Hoa. Chung Vinh đề xướng “tự nhiên anh chỉ”[39]; Tư Không Đồ ca ngợi “tố xử dĩ mặc, diệu cơ kì vi”[40] (Im lặng sống mộc mạc, coi thường sự khéo léo); Lí Bạch đề cao “Thuỳ y quý thanh chân, thiên nhiên khứ điêu sức” (buông áo quý thanh chân, thiên nhiên bỏ trang sức) và Tô Đông Pha tán thưởng “Phát tiêm nùng ư giản cổ, kí chí vị ư đạm bạc” (Gợi cái khéo léo tinh tế từ cái giản dị cổ sơ, gửi vị ngon nơi đạm bạc), ít nhiều đều chịu ảnh hưởng quan niệm kiến tố bão phác của Lão Tử. Tư tưởng học thuật Trung Hoa chịu sự chi phối khá lớn của Đạo Lão Tử, từng ảnh hưởng sâu sắc đến quan niệm tư tưởng học thuật Việt Nam, đáng được nghiên cứu kĩ lưỡng hơn. (*)Giáo sư, Viện Nghiên cứu Hán Nôm. [1] Lão Tử. Chương 25. [2] Ngô Tất Tố, Nguyễn Đức Tịnh. Lão Tử. Mai Lĩnh xuất bản, tr. 36. [3] Thu giang Nguyễn Duy Cần. Lão Tử Đạo đức kinh. Nxb Vân học, 9-1994, tr. 137. [4] Lão Tử. Chương 42. [5] Lão Tử. Chương 40. [6] Lão Tử. Chương 2. [7] Nguyễn Duy Cần. Sđd, tr. 41. [8] Lão Tử. Chương 1. [9] Lão Tử. Chương 40. [10] Lão Tử. Chương 21. [11] Trang Tử. Thiên địa. [12] Chữ Hán: [13] Chữ Hán: [14] Lão Tử. Chương 40. [15] Nguyễn Duy Cần. Sđd, tr. 202. [16] Lão Tử. Chương 78. [17] Lão Tử. Chương 13. [18] Lão Tử. Chương 76. [19] Lão Tử. Chương 76. [20] Lão Tử. Chương 52. [21] Lão Tử. Chương 4. [22] Lão Tử. Chương 16. [23] Lão Tử. Chương 10. [24] Lão Tử. Chương 11. [25] Lời của Đát Trọng Quang, nhà thơ - hoạ sĩ thời Thanh, người Cú Dung, tự là Tại Tân, đỗ Tiên sĩ dưới niên hiệu Thuận Trị, hiệu là Giang thượng ngoại sử, lại xưng là Uất cương tào diệp đạo nhân, tác phẩm có: Thư phạt và Họa thuyên. [26] Bạch Cư Dị. Tì bà hành. [27] Lão Tử. Chương 25. [28] Lão Tử. Chương 51. [29] Lão Tử. Chương 32. [30] Lão Tử. Chương 35. [31] Lão Tử. Chương 28. [32] Lão Tử. Chương 19. [33] Lão Tử. Chương 29. [34] Lão Tử. Chương 31. [35] Lão Tử. Chương 38. [36] Lão Tử. Chương 12. [37] Lão Tử. Chương 81. [38] Trang Tử. Thiên Đạo. [39] Tự nhiên anh chỉ: Chủ trương cái đẹp tự nhiên. [40] Tư Không Đổ, người Ngu Hương, Hà Trung, thời Đường. Tự là Biểu Thánh, đỗ Tiến sĩ cuối thời Hàm Thông, tị loạn ở ẩn trong hang Vương Quan, núi Trung Điều, tự hiệu là Nại nhục cư sĩ. Chu Toàn Trung cướp ngôi, triệu làm Lễ bộ Thượng Thư không ra. |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC