DỊCH RIÊNG TUYỀN PHO SÁCH ĐẠI HỌC
PHAN BỘI CHÂU (1867-1940)
Phan Bội Châu. Khổng Học Đăng. Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1973.
Kinh nhất chương nguyên văn
Đại học chi đạo: Tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện. Tri chỉ nhi hậu hữu định; định nhi hậu năng tịnh; tịnh nhi hậu năng yên; yên nhi hậu năng lự; lự nhi hậu năng đắc. Vật hữu bản mạt, sự hữu chung thỉ; tri sở tiền hậu tắc cận đạo hỹ. 大學之道:在明明德,在親民,在止於至善.知止而後有定,定而後能靜,靜而後能安,安而後觫慮,慮而後能得.物有本末,事有终始.知所先後,則近道矣. Thích bài này, trước khi nhận cho ra nghĩa hai chữ “đại học”. Cứ theo giữa mặt chữ mà cắt nghĩa thời một nghĩa là học cho cùng cực việc to lớn; lại một nghĩa là học cho làm được đến đại nhân. Góp cả hai nghĩa ấy mới phát mình được chữ “đại học”. Xin chứng vào thiên Học Kỳ ở trong Kinh Lễ. Học Kỳ nói rằng: Kiến quốc, quân dân, giáo học vi tiên. 建國,君民,教學爲先. Nghĩa là dựng nước trị dân, việc giáo học làm trước hết. Duyệt mệnh hạ viết: Duy giáo học bán. 説命下曰:惟教學半. Nghĩa là sách Duyệt Mệnh đã có câu nói rằng: Dạy người là một nửa công việc học. Hóa dân dịch tục, cận giả duyệt phục, nhi viễn giả hoài chi, thử đại học chi đạo dĩ. 化民易俗,近者悦服,而遠者懷之,此大學之道也. Nghĩa là biến hóa được dân, đổi được phong tục, người gần duyệt phục, mà người xa yêu mến đó, ấy là đạo của đại học vậy. Chữ “đại học” ở trong thiên Học Kỳ với chữ “đại học” ở đây, ý nghĩa in như nhau; chúng ta xem góp cả hai bên thời rõ được nghĩa chữ “đại học”. “Đại học” là gì? Là học cho đến lúc triệt thượng triệt hạ, thành kỷ, thành nhân; từ thân mà gia, từ gia mà quốc, quốc mà thiên hạ, qui nạp vào ở trong đại học. Đã hiểu được nghĩa chữ đại học như thế, bây giờ mới phải tìm cho ra đường lối làm sao mới đến được đại học (大學之道). Vậy nên mở pho sách Đại Họcthời thấy bốn chữ “đại học chi đạo” ở đầu cùng. Chữ “đạo” nghĩa là đường lối, lại nghĩa là chân lý, cũng nghĩa là phương pháp; đủ ba nghĩa ấy mới hết được nghĩa chữ “đạo”. Tìm cho ra đường lối đến đại học, nhận cho ra chân lý của đại học, làm cho đúng phương pháp của đại học, như thế là đúng nghĩa câu “đại học chi đạo”. “Đại học chi đạo” thời đi vào đường lối nào? Chân lý ở chốn nào? Phương pháp như thế nào? Xin xem như ba câu dưới này: “Tại minh minh đức”(在明明德). Hai chữ “minh”, chữ trên nghĩa rộng, chữ dưới nghĩa hẹp, chữ trên nuốt cả hai chữ “minh đức”, chữ dưới nuốt một chữ “đức”. “Đức” là gì? Nguyên lẽ phải tự nhiên, gốc ở lẽ trời mà chúng ta được lấy để tạo thành ra nhân sự đương nhiên, ấy là gọi bằng “đức”; “đức” vẫn gốc ở lẽ trời mà in vào lòng người, bản thể nó vẫn rất sáng láng trong bóng, không một tí gì cợn bã, in như gương soi, soi đâu cũng thấu, mà bao nhiêu bóng ở ngoài tất thảy dọi được vào, thế là gọi bằng “minh đức”. Cái “minh đức” đó đã minh lại minh thêm, minh từ nơi một gang, một tấc mà dần dà đến một tầm một trượng, càng ngày càng nở nang rực rỡ, cực cho đến cả thiên hạ, chốn nào chốn nào tất thảy thấy cái tia sáng của “minh đức”. Như thế là “minh minh đức”. “Tại thân dân”(在親民). Chữ “dân” tức là chữ “nhân”, chữ “dân” chỉ học nghĩa là người. Nguyên từ thái cổ mới có loài người cho đến đời thượng cổ, ở trong vũ trụ tham với trời đất mà linh hơn vạn vật chỉ là người mà tức là “dân”. Vậy nên chữ “dân” đây tức là “nhân” ở trong Luận ngữ. Rằng “vụ dân chi nghĩa”, rằng “cổ giả dân hữu tam tật”, rằng “dân chi ư nhân dã…”, những loại chữ “dân” ấy thảy là “dân” tức là “nhân”. Chữ “thân” nghĩa là thương yêu, có ý là tiếp cận mật thiết, lại có ý là ôm ấp đùm học. Đạo đại học chẳng phải đạo riêng của một người mà thôi, mà là đạo chung cả thiên hạ, tất phải xem người thiên hạ nhất thị đồng nhân” (—視同仁) (thân dân). Đức Khổng Tử có nói rằng: “Lão giả an chi, bằng hữu tín chi, thiếu giả hoài chi”. Sách Lễ Ký có nói rằng: “Đại đạo chi hành giả, thiên hạ vi công”, lại có câu: “Dĩ thiên hạ vi nhất gia”. Thân yêu loài người mà được như mấy câu sách trên ấy tức là “thân dân”, bởi vì đạo đại học tức là đạo người, mà muốn cho thục hiện được đạo người thời duy người thân yêu người mới thấy được đạo lý đại học. Vậy nên ở dưới câu: “Tại minh minh đức” lại có câu “tại thân dân”. “Minh minh đức” là thuộc về tâm lý; “thân dân” là thuộc về phần sự thực. Các bản truyện chú ở đời xưa, từ Tống nho sắp xuống, nhiều người đổi chữ “thân” làm chữ “tân”, lấy minh đức với tân dân làm hai việc; nhưng theo các nhà học ở đời gần đây và lại tìm cho đến các bản cổ chú đời Hán mà nghiền cho ra nghĩa kinh văn thời chữ “thân” đúng hơn. Có thân được dân mới minh được hết minh đức; bởi vì ở trong minh đức gồm cả đức minh với đức người, minh được đức của một người mà lại minh cho hết được đức cả mọi người, người nào người nào cũng minh cho được hết đức cả thảy, thời lúc đó loài người ai cũng thương yêu nhau mà thực hiện được hai chữ “thân dân”, in như câu Mạnh Tử nói rằng: “Nhân nhân thân kỳ thân, trưởng kỳ trưởng, nhi thiên hạ bình” (人人親其親,長其長,而天下平), nghĩa là người nào người nào cũng thân yêu lấy kẻ thân của người, cũng kính trọng lấy kẻ trưởng của người mà thiên hạ cân bằng. Đó chính là ý nghĩa chữ “thân dân”. Nếu học làm chữ “tân” thời không đúng, vì ý nghĩa chữ “tân” đã nuốt vào ở trong chữ “minh đức” rồi, không cần phải thêm làm một việc nữa. Ý Thánh nhân đời xưa sở dĩ phát minh đạo đại học, có thể, có dụng, có trí, có hành, chỉ một chữ “minh” ở trên chữ “minh đức” và một chữ thân ở trên chữ “dân” là bao học hết. Nhưng vì đã nói chia ra làm hai việc, tất phải nói góp lại làm một việc, có thể mới thấy được “ngô đạo nhất dĩ quán chi”, nên lại phải cử câu thứ ba. Tại chỉ ư chí thiện (在止於至善). “Chỉ” nghĩa là đến tới nơi. Ở trong Kinh Dịch, quẻ Cấn, soán truyện có nói rằng: “Cấn chỉ dã, chỉ kỳ sở dã” (艮止也,止其所也). “Cấn” nghĩa là dừng; đến tới nơi mà dừng lại đó tức là “chỉ”. Ví như mũi tên bắn vừa đến lòng bia, tất phải chỉ; người ta đi đường về tới nhà tất phải chỉ. Nếu “minh minh đức, thân dân” mà chưa đạt ư cực điểm; thế là chưa hết được công việc “minh”, “thân”, tức là chưa đến “chốn chỉ”. “Chốn chỉ” thời ở nơi nào? Tất phải chỉ ở nơi “chí thiện”. “Chí thiện” nghĩa là tốt lành tột mực, cũng nghĩa là rất mực tốt lành. Chữ “thiện” phản đối với chữ ác. Không một tý gì ác là gọi bằng thiện. Nhưng thiện phải cho đến cực điểm, phận lượng thiện cho được hoàn toàn viên mãn, không kém thiếu một tý gì, không sai hụt một tý gì, thế là “chí thiện”. Có “chí thiện” mới là “đại học chi đạo”. “Minh minh đức” cũng phải chỉ ở chốn ấy, thân dân cũng phải chỉ chốn ấy; nếu “minh”, “thân” mà chưa được “chí thiện”, thế là phận lượng của “minh”, “thân” chưa được đầy đủ, mà mục đích của “minh”, “thân” chưa thật tới nơi, là còn chưa chỉ được; nên ở dưới hai câu, lại có câu “chỉ ư chí thiện”. Góp cả ba câu ấy, mỗi câu đội lấy một chữ “tại”. “Tại” nghĩa là ở, cũng nghĩa là “xét cho ra”; ở nơi “minh minh đức” ở nơi “thân dân”, ở nơi “chỉ ư chí thiện”; xét cho ra “minh minh đức” xét cho ra “thân dân”, xét cho ra “chỉ ư chí thiện”. Đã xét được ra thì ở được đúng, nên kinh văn trùm lấy chữ “tại”. Một chữ “tại” ấy là cái châm trỏ đường cho ta đi, mà cũng là cái bia dẫn mắt cho ta xem. Nghĩa là đạo của đại học tại ở nơi ba điều đó. Làm cho đủ ba câu như trên kia (minh minh đức, thân dân, chỉ ư chí thiện), mới là đường lối đến được đại học, cũng là chân lý đại học, cũng là phương pháp làm đến đại học. Xem kinh văn ở đầu Đại Học chỉ có bốn câu mà đã bao học hết tuyền pho sách. Từ đây sắp xuống, chỉ là diễn thích ba câu ấy cho kỹ mà thôi. Tri chỉ nhi hậu hữu định; định nhi hậu năng tịnh; tịnh nhi hậu năng yên; yên nhi hậu năng lự; lự nhi hậu năng đắc. 知止而後有定,定而後能靜,靜而後能安,安而後能慮,慮而後能得. Tiếp lấy câu “chỉ ư chí thiện” mà bày vẽ cho người ta thực hành đến nơi. Đương lúc dụng công ở hành, tất trước phải dụng công ở tri, nên nói tiếp lấy hai chữ “tri chỉ”. “Chỉ” tức là chí thiện, mà chính là mục đích địa của chúng ta; hễ chúng ta đã làm đạo đại học, ta phải đe vào chốn đó làm lòng bia, ấy là “chỉ”. Nhận cho được chắc chắn chỗ đó rồi, thế là tri được chỉ; ta đã biết được chỗ chỉ chắc chắn mà bây giờ tâm chí ta mới có nhất định (tri chỉ nhi hậu hữu định); tâm chí đã nhất định mà bây giờ tinh thần ta mới hay lặng lẽ êm đềm (định nhi hậu năng tịnh); tinh thần ta đã lặng lẽ êm đềm mà bây giờ tâm thân ta mới hay yên ổn vững vàng (tịnh nhi hậu năng yên); tâm thân ta đã yên ổn vững vàng mà bây giờ trí khôn ta mới hay tính toan sắp đặt (yên nhi hậu năng lự); trí khôn ta đã hay tính toan sắp đặt mà bây giờ mới được đến chốn “chỉ”, mà đến được chốn “chỉ” tức là đứng vào vị “chí thiện” (lự nhi hậu năng đắc”. Chữ “đắc” ở cuối cùng ngó lại chữ “tri” ở đầu hết. Suốt 5 câu trên ấy, công phu rất nhiều là câu thứ nhất, tức là “tri chỉ” mà định; rán sức ở nơi học vấn, lưu tâm ở nơi kinh nghiệm, tìm cho thiệt ra đường lối, kén cho thiệt được phương châm. Sách Trung Dung có bốn chữ “Minh thiện thành thân”, và ở trong bản sách này có 4 chữ: “Cách vật trí tri” chính là công phu làm cho được “tri chỉ”, “tri chỉ” rồi thời “định”; “định” thời “tịnh”; “tịnh” thời “yên”; “yên” thời” năng lự. Đã “định, tịnh, yên” mà “lự” được, tất nhiên kết quả là năng đắc. Nói tắt lại, “tri chỉ” là bắt đầu nhập đạo; “năng đắc” là triệt để thành công; “định, tịnh, yên” là tấng thứ tấn đức tu nghiệp ở trung gian. Chi năm câu ấy bày vẽ phương pháp cho chúng ta làm Thánh nhân (tức là đại nhân), thiệt quá chừng giản minh, quá chừng thâm thiết. Muốn cho học giả hiểu rõ, xin đặt một cách thí dụ như sau: Thí dụ, như chúng ta làm việc đời, nhận định được một chủ nghĩa thiệt tốt, nhìn cho ra được một phương châm thật đúng mà tự mình đã quyết được một chốn mục đích là ở nơi đó. Đó là “tri chỉ”. Đã “tri chỉ” rồi tất nhiên chí hướng mình không bạng rạng, dầu ai dắt vơ kéo bày mà mình quyết không làm, đó là hữu định. Đã định rồi thời trong cái óc khôn mình mới êm đềm lặng lẽ không nảy ra những cách láu táu vội vàng, đó là “năng tịnh”. Đã “tịnh” rồi mới yên được mà không thấy có những cảnh tượng khấp khểu kinh nguy, đó là “năng yên”. Đã yên rồi thời ngồi được vững vàng, bước được chắc chắn, mà có thể tính toan sắp đặt kế hoạch chắc được hay, chương trình chắc được tốt đó là “năng lự”. Đã “năng lự” mà cái năng lự đó ở trong lúc định, tịnh, yên mà trù nghĩ ra thời hẳn cũng kết quả thành công (lự nhi hậu năng đắc). Lấy tầng thứ làm việc đời mà thí dụ vào tầng thứ học đạo cũng in như nhau, mà cần thứ nhất là hai chữ “tri chỉ”, công phu nặng chỉ có hai chữ ấy. Vật hữu bản mạt, sự hữu chung thỉ; tri sở tiên hậu. tắc cận đạo hỹ. 物有本末,事有终始,知所先後,則近道矣. Bài này tiếp luôn bài trên. Chữ “vật” rất khó thích cho đứng nghĩa, ở đây hãy thích qua, chờ đến sau thích chữ “cách vật” lại thích cho kỹ. “Vật” theo tiếng quốc ngữ ta có lẽ học bằng “vật” là giống, hay là cái, hay là món, hay là chuyện; nhưng không một chữ nào cho thiệt đúng nghĩa với chữ Hán, bất đắc dĩ phải cứ học “vật” là vật e thông hơn. Bởi vì ở trong chữ “vật” ngầm có ba nghĩa: như “khí vật” thời vật là cái; “nhân vật”, “súc vật” thời vật là giống; “sự vật”, “vạn vật”, “lễ vật” thời vật là chuyện, nên học một nghĩa thật không đúng. Hễ vật tất phải có gốc có ngọn (vật hữu bản mạt); việc tất có đoạn cuối, đoạn đầu (sự hữu chung thỉ). Vậy nên những vật thuộc về đạo đại học cũng có gốc ngọn. Gốc là gì? Là “minh minh đức". Ngọn là gì? Là "thân dân”. Bởi vì minh đức có sáng láng rõ ràng được như câu “Bình chương bách tính” (平章百性) trong Kinh Thư (“Bình” nghĩa là có ý bình đẳng; "chương" nghĩa là quang minh); sáng hết được cả loài người mới hay thực hiện được chân lý bác ái mà thân yêu được thảy loài người. Vậy nên “minh minh đức” làm bản, “thân dân” làm mạt (vật hữu bản mạt). Hễ việc cũng có chung có thỉ, chung là cuối cùng của việc ấy, thỉ là bắt đầu của việc ấy; sự thuộc về đạo đại học, càng phải có “chung thỉ”. “Chung” là gì? Là “năng đắc”. “Thỉ” là gì? Là “tri chỉ”. Bởi vì bắt đầu mà tri được chỉ thời cuối cùng mới năng đắc, nên nòi rằng “Sự hữu chung thỉ”. Vì vậy nên học đạo đại học mà biết được “bản” với “thỉ” là tiên, mạt với chung là hậu. Vì sao mà cho chữ “cận”? Bởi vì câu trên đó là “tri sở tiên hậu”, mới một chữ mà thôi thời còn chưa có chữ “hành”, chữ “đắc”. Chưa “đắc” thời chưa in hệt như đạo đâu; chẳng qua vừa gần đến đạo mà thôi, nhưng mà cách đạo cũng không bao lăm nữa, Cớ sao vậy? “Tri” với “hành” là công phu nhất tri: “nhân” có “hành” mới mở rộng được “tri” lại vì có “tri” mà tăng tiến được “hành”. Chữ “tri” ở đây cũng là chữ “tri” ở nơi “tri chỉ”. Đã “tri” được chỉ thời chắc cũng chẳng bao lâu mà đến tới đạo. Cổ chi dục minh minh đức ư thiên hạ giả, tiên trị kỳ quốc; dục trị kỳ quốc giả, tiên tề kỳ gia, dục tề kỳ gia giả, tiên tu kỳ thân; dục tu kỳ thân giả, tiên chính kỳ tâm; dục chính kỳ tâm giả, tiên thành kỳ ý; dục thành kỳ ý giả, tiên trí kỳ tri; trí tri tại cách vật.” 古之欲明明德於天下者,先治其國;欲治其國者,先齊其家;欲齊其家者,先修其身;欲修其身者,先正其心,欲正其心者,先誠其意;欲誠其意者,先致其知,致知在格物. Bài này chia làm 7 câu dài, mỗi một câu là tầng thứ một việc: “Cổ chi dục minh minh đức ư thiên hạ giả, tiên trị kỳ quốc”, là một câu; chấm đậu ở chữ “giả”; “dục trị kỳ quốc giả, tiên tề kỳ gia, dục tề kỳ gia giả”, là một câu, chấm đậu ở chữ “gia”; còn tiếp dưới năm câu cũng như thế. Bây giờ, trước hãy thích một câu ở đầu bài: Nguyên bắt đầu vào sách Đại Học, trước nói rõ ba việc cương lĩnh: Một là “minh minh đức”; hai là “thân dân”; ba là “chỉ ư chí thiện”. Ý nghĩa đã thích ở tiết trên, nhưng mà ở trong ba cương lĩnh lại chia ra làm 8 điều mục: Một là “cách vật”, hai là “trí tri” ba là “thành ý” bốn là “chính tâm”, năm là “tu thân”, sáu là “tề gia”, bảy là “trị quốc”, tám là “bình thiên hạ”; “bình thiên hạ” là công hiệu cuối cùng. Như thế nào là “bình được thiên hạ”? Tức là “minh minh đức ư thiên hạ”. Hiểu minh cái đức sáng ra khắp cả thiên hạ tất thảy ai nấy cũng sáng được đức, như thế mới là bình thiên hạ. Đạo đại học đời xưa là chỉ muốn cho đến như thế. Nói cho đúng, tất có sáng được đức sáng ở trong thiên hạ mới đạt mục đích của đại học, mà muốn cho đạt được mục đích ấy, trước phải làm thế nào? Tất trước phải trị cho hết cả thảy nước ở trong thiên hạ (tiên trị kỳ quốc). Bởi vì thiên hạ là nhóm cả thảy nước mà làm nên; nếu ở trong thiên hạ mà còn có nước nào chưa trị là chưa xong việc bình thiên hạ. Vậy nên muốn “minh minh đức ư thiên hạ”, trước phải “trị kỳ quốc”; bao nhiêu nước ở trong thiên hạ mà trị yên được hết, thế là “minh minh đức ư thiên hạ” rồi. Bây giờ thích xuống câu thứ hai: “Dục trị kỳ quốc giả, tiên tề kỳ gia”. Muốn trị được hết cả thảy nước ở trong thiên hạ thời làm thế nào? Tẩt trước phải làm thế nào cho tất cả thảy nhà ở trong nước, nhà nào nhà nào cũng chỉnh tề hoàn thiện; bao nhiêu nhà ở trong một nước, không một nhà nào còn so le chênh lệch, như thế là “tề kỳ gia”. Bởi vì nước là nhóm tất thảy nhà làm nên; tất thảy nhà tề được cả, thế là “quốc trị”. Vậy nên muốn “trị kỳ quốc”, tất phải “tiên tề kỳ gia” Bay giờ thích xuống câu thứ ba: “Dục tề kỳ gia giả, tiên tu kỳ thân”. Công việc “trị quốc” vẫn cần phải trước “tề kỳ gia”. Nhưng vì muốn “tề kỳ gia”, chẳng phải dòm ở nơi gia mà được đâu; nên có câu này: “Dục tề kỳ gia giả, tiên tu kỳ thân”. Hễ muốn tề được tất thảy nhà ở trong một nước, tất trước phải tu lý cho hết những thân người ở trong một nhà. Bởi vì nhà là góp bấy nhiêu người lại mà làm nên; thân bấy nhiêu người ở trong nhà mà phẩm hạnh đức tính ai cũng tu sửa được tử tế chắc là nhà ấy tốt rồi; đến lúc nhà nào nhà nào cũng tề cả thảy, thế là quốc trị”. Nhưng vì công việc “tề gia” là gốc ở nơi tu thân, vậy nên từ đây sắp xuống có bốn câu chuyên nói về công việc “tu thân”. Dục tu kỳ thân giả, tiên chính kỳ tâm; dục chính kỳ tâm giả, tiên thành kỳ ý; dục thành kỳ ý giả, tiên trí kỳ tri; trí tri tại cách vật. 欲修其身者,先正其心;欲正其心者,先誠其意;欲誠其意者,先致其知;致知在格物. Bốn câu ấy, chấm câu vẫn có bốn câu dài, và mỗi câu có một đậu; nhưng mà muốn thích cho đúng nghĩa thời 4 câu nên đọc một hơi; bởi vì chữ “thân”, “tâm”, “ý”, “vật” liên lạc với nhau. không thể rời nhau được; “tâm” nuốt vào trong thân; “ý” nuốt vào trong tâm; “trí” nuốt vào trong ý, mà “trí” lại ở nơi “vật”, nên bốn câu ấy chỉ có thể thích làm một đợt, chứ không phải như chữ “gia”, “quốc”, “thiên hạ” còn có thể tiệt nhiên chia ra từng món. Bây giờ xin thích luôn như dưới này: Trên kia đã nói, muốn tề gia, trước phải tu thân. Nhưng bây giờ muốn tu được thân, há phải tu ở cái thân xác thịt mà được đâu! Tai, mắt, chân, tay, ngũ quan bách hài đó chỉ là thân xác thịt. Ăn cơm cho béo, mặc áo cho đẹp, thuốc thang bồi bổ cho mạnh mập, vật chất cung dưỡng cho tử tế, bảo như thế là tu được thân hay sao? Không phải đâu! Thân xác thịt chỉ là cái vỏ; da của loài thú, lông của loài chim nó cũng có xác thịt cả thảy; nếu thân người ta mà chỉ tu bằng tu xác thịt, thế thời mang vào bộ da con cọp, chắp vào bộ lông con phượng chẳng đẹp hơn xác thịt người hay sao? Nghĩ như thế thời tu cái thân của người ta, tất phải tu bằng cái gì? Có lẽ nào tu bằng xác thịt mà khác được cầm thú rư? Nói cho thiệt đúng: tất phải tu bằng tinh thần, tu bằng tri thức, tu bằng đạo đức, tu bằng học vấn. Bây giờ ta phải nghĩ, tinh thần người ở đâu? Tri thức, đạo đức, học vấn thời lấy cái gì ở trong thân mà chất chở cho đầy, vận dụng cho linh? Chắc phải nhờ cậy vào cái tâm. Thân người ta mà có cái tâm, chính là cái mũi kim ở trong đồng hồ, cái bánh lái ở đầu mũi thuyền; mũi kim hỏng là đồng hồ bỏ; bánh lái liệt là chiếc thuyền vô dụng, nếu tâm đã không chính tức là tinh thần chết rồi, còn nhờ cậy bằng gì mà có tri thức, đạo đức học vấn nữa rư? Còn lấy gì khu khiển được cái xác thịt thành ra một thứ tính linh tốt đẹp nữa rư? Vậy nên muốn tu cho được hết thân người ở trong nhà, trước phải làm sao cho chính được cái tâm ở trong thân (dục tu kỳ thân giả, tiên chính kỳ tâm). Nhưng chúng ta lại phải biết, làm căn bản cho thân, vẫn tại ở tâm, mà làm cơ quan cho tâm, lại nhờ ở ý. Ý là cái gì? Là cái động cơ ở trong lòng người ta, Lúc bắt đầu lòng ta mới manh động tư tưởng tức là ý. Ý với tâm chỉ là một giống. Thí dụ: tâm là tuyền bộ máy, mà ý là cái hơi điện; máy chạm lấy điện thời máy mới phát động. Máy phát động mà muốn cho linh, tất phải điện cho tốt; tâm phát động mà muốn cho đúng, tất cũng phải ý cho thật tốt Vậy nên “Dục chính kỳ tâm, tiên thành kỳ ý”. “Tâm” ví như bộ chân đi đường, ví như con mắt dòm đường; nếu “ý” mà không thành, chắc không thế nào “tâm” chính được. Nhưng vì cái ý của lòng người ta vốn là một giống có tri giác mà lại là một giống dễ cảm xúc; muốn ý cho được thành, tất phải nhờ có bộ óc cho thật khôn, biện biệt cho được thị hay phi, nghiên cứu cho ra chân hay giả; nếu không được bộ óc khôn như thế, làm sao thành được ý đó rư? Nên cần phải ở trong khi thành ý, chính tâm, tất trước phải lo trí tri; mà trí tri thời chi ở nơi cách vật (trí tri tại cách vật). Rút thùng lại, 8 điều mục như trên ấy, nửa tiết trên là tu thân, chính tâm, thành ý, trí tri; nữa tiết dưới là tề gia, trị quốc, bình thiên hạ; mà làm chủ chốt ở trung gian thời cốt nơi tu thân, chính tâm, thành ý, trí tri cũng chỉ là công việc tu thân mà thôi. Đến như tề gia, trị quốc, bình thiên hạ cũng chỉ ở nơi tu thân mà mở rộng ra. Ví như nhà chụp ảnh nguyên đầu chỉ chụp một bức ảnh cho thật tốt, sau nữa thời y như bức ảnh cũ mà phóng đại, chiếu ra hàng ngàn, hàng vạn tấm cũng cứ in như tấm nguyên chụp ra trước. Đạo lý ở trong Đại Học, gốc từ 4 chữ “cách vật trí tri” mà suy nở ra đến trị quốc, bình thiên hạ cũng chỉ một lẽ như thế. Vậy nên chúng ta học đại học chi đạo, phải hết sức nghiền cho kỳ bốn chữ “cách vật trí tri”. Bây giờ trước thích nghĩa chữ “cách” và chữ “vật”. Chữ “cách” có một nghĩa là “đến”, như câu “Tổ khảo lai cách” ở trong Kinh Thi, thiên Ích Tắc (祖考來格), “Tứ hải lai cách” (四海來格) ở trong Kinh Thi, thiên Thương Tụng, thơ Huyền Điểu, thảy nghĩa “cách” là “đến”, lại đến tới nơi tức là “cách”. Lại có một nghĩa khác nữa: “cách” nghĩa là “chính”, như câu “Cách kỳ phi tâm” ở trong Kinh Thư; “Cách quân tâm chi phi” (格君心之非) ở trong sách Mạnh Tử, thảy “cách” nghĩa là “sửa chính”. Lại có một nghĩa nữa: “cách” nghĩa là “thay đổi”, như nghĩa câu “Hữu sỉ thả cách”(有恥且格) ở trong Luận Ngữ, “Dân hữu cách tâm”, ở trong Kinh Lễ, thảy “cách” nghĩa là “đổi”.” Chữ “cách” vẫn có ba nghĩa như trên kia, nhưng nghĩa chữ “cách vật” ở đây, biết theo nghĩa nào? Chúng ta phải nghiền cho thật kỹ thời nên học theo nghĩa chữ “cách” là đến, tới nơi”. Bây giờ lại thích nghĩa chữ “vật”. Trong Kinh Dịch, quẻ Gia Nhân có câu “Quân tử dĩ ngôn hữu vật, nhi hạnh hữu hằng” (君子以言有物而行有恆). Sách Trung Dung có câu “Bất thành tắc vô vật” (不誠則無物). Sách Mạnh Tử có câu “Vạn vật giai bị ư ngã hỹ” (萬物者皆被於我矣). Xem suốt mấy chữ “vật” như các câu sách trên kia thời nghĩa chữ “vật” bao hàm rất rộng: Nhất thiết ở trong thiên hạ, những việc gì, những cái gì, những giống gì. thảy tóm vào ở trong chữ “vật”. Nghĩa chữ “vật” rộng lớn như thế, nên chúng ta muốn cách được vật thời nên thế nào? Tất phải nhờ bằng công học vấn, chứng vào nơi kinh nghiệm; đã làm một việc gì, tất phải cầu cho đạo lý của việc ấy và phương pháp của việc ấy hoàn toàn nhóm đến ở trước mắt mình, mà trước mắt mình hoàn toàn thấy được việc ấy, khiến cho việc ấy với mình không rời nhau ra hai đường, như thế gọi bằng “cách vật”. Tỷ như làm một tên phu cày thời các đồ cày và công buổi cày cho đến con trâu cày, đám ruộng cày, tất thảy bày ra ở trước mắt mình, mà lại đường lối cày, phương pháp cày, không một tý gì không tinh thạo ở trong lòng mình. Thế mới là cách được vật cày. Công phu cách vật vẫn như thế; nhưng trước khi cách vật thời ở chốn nào? Bằng cứ vào đâu mà cách được vật? Tất phải đồng thời có hai chữ “trí tri”. Bây giờ thích nghĩa hai chữ ấy. Nghĩa chữ “trí” cũng có hai nghĩa: Một nghĩa, “trí” là dắt đến, đem đến, kéo đến; lại một nghĩa. là cùng cực tận nơi. Kinh Dịch có câu “Khủng trí phúc dã” (恐致福也), nghĩa là cái tấm lòng lo sợ thời dắt tới được phúc. Binh Thư có câu “Trí nhân nhi bất trí ư nhân (致人而不致於人), nghĩa là dắt được người ta đến mà không bị người dắt mình đến. Chữ “trí tri” ở đây cũng một nghĩa như chữ “tri” ở các sách trên kia, chỉ học “trí” là dắt đến tận nơi, mà cũng nghĩa là dắt nó đến nơi mình. Bây giờ thích rút lại, thu lặt hết chân tri, chân thức vào trong óc mình, tức là “trí tri”; kéo dắt hết vật tình, vật lý ở trong thiên hạ lại đến nơi với mình tức là “cách vật”; mà “trí tri” lại ở nơi “cách vật”. Như thế là nghĩa câu “trí tri tại cách vật”. Vì muốn cho chân tri, chân thức tới tận nơi óc mình, tất phải khiến cho vật tình, vật lý đến tận nơi trước mắt mình, có thế thời sức nghe, sức thấy của mình mới chân xác, thực thà, sức biết của óc mình mới kỹ càng, chắc chắn. Công phu làm nên “cách vật trí tri” là như thế. Tuy nhiên, phạm vi của cách trí có rộng có hẹp, rộng cho đến vạn sự, vạn vật, mà hẹp từ nhất sự, nhất vật. Ví như làm một người phu xe thời xe tức là vật, cách thức, phương pháp đẩy xe tức là trí; cách trí việc đó được đến nơi thời là nghề kéo xe giỏi. Lại ví như làm một người nấu bếp, bao nhiêu đồ ở trong nhà bếp tức là vật, mà những cách thức, phương pháp về nấu nướng, mua bán, dọn dẹp, sắp đặt tức là “trí”, cách việc đó được đến nơi thời thành ra tên nấu bếp giỏỉ. Nhất thiết cách trí về việc nhỏ, vẫn có như thế; mà suy cho thiệt rộng đến việc lớn làm việc thiên hạ quốc gia thời thiên hạ quốc gia, nào thổ địa, nhân dân, xã hội, thì thế, thảy là “vật”. Đến như kinh lý thổ địa thời nên thế nào? Chế ngự nhân dân thời nên thế nào? Tổ chức xã hội thời nên thế nào? Ứng phó thời thế thời nên thế nào? Làm thế nào cho mỗi vật “các đắc kỳ nghi”; làm thế nào cho mỗi vật thảy “thỏa sở nguyện”; làm thế nào cho mỗi vật mỗi vật thảy kết quả được viên mãn thành công, đó tất thảy là “tri”. Hễ vật đã “cách” được xong, tức là “trí tri” được hết. “Vật cách” xong rồi, “trí tri” hết rồi, thời thân chắc cũng tu, gia chắc cũng tề, quốc chắc cũng trị, thiên hạ chắc cũng bình, chỉ là công hiệu của “cách vật trí tri” mà thôi; mà thành ý, chính tâm là thực chứng cho được cách vật trí tri vậy. Học giả đọc bài này nên chú ý vào 6 chữ “kỳ”: tiên trị kỳ quốc, tiên tề kỳ gia, tiên tu kỳ thân, tiên chính kỳ tâm, tiên thành kỳ ý, tiên trí kỳ tri, và một chữ “tại”: trí tri tại cách vật. Chữ “kỳ” trên chữ “quốc” là thay chữ “thiên hạ”; chữ “kỳ” trên chữ “gia” là thay chữ “quốc”; chữ “kỳ” trên chữ “thân” là thay chữ “gia”; chữ “kỳ” trên chữ “tâm” là thay chữ “thân”; chữ “kỳ” trên chữ “ý” là thay chữ “tâm”; chữ “kỳ” trên chữ “tri” là thay chữ “ý”. Duy chữ “tri” với chữ “vật” không thể chia ra làm hai cái mà cũng không thể dập nhập làm một chữ được, nên phải xâu bằng chữ “tại”, mà chính giữa chữ “tri”, chữ “cách” không có chữ “kỳ”. Bây giờ xin thích tóm lại cho dễ hiểu: Trị hết được nước ở trong thiên hạ là thiên hạ bình; tề hết được gia ở trong một nước là quốc trị; tu hết được thân của người ở trong nhà là gia tề; chính hết được tâm ở trong thân là thân tu, thành hết được ý ở trong tâm là tâm chính; trí hết được tri ở trong ý là ý thành; mà trí tri thời tại ở đâu? Tại ở “cách vật”. Cách được vật chính là trí tri, mà trí được tri mới thấy là cách vật. Vậy nên Kinh văn mới có bài nói tráo lại như sau này: Vật cách nhi hậu tri chí; tri chí nhi hậu ý thành; ý thành nhi hậu tâm chính; tâm chính nhi hậu thân tu; thân tu nhi hậu gia tề; gia tề nhi hậu quốc trị; quốc trị nhi hậu thiên hạ bình. 物格而后知至,知至而后意誠,意誠而后心正,心正而后身修,身修而后家齊,家齊而后國治,國治而后天下平. Học giả đã thông ý nghĩa bài trên thời bài này dễ thông lắm. Nhưng chúng ta dễ hay nhận lầm là vì có hai chữ “nhi hậu”. Nghĩa hai chữ “nhi hậu” không phải nghĩa là “rồi sau mới” như chữ “nhiên hậu” đâu; chỉ thích nghĩa là “thế mới là” thời đúng với tinh thần ý tứ của tuyền bài. Vì điều mục chia làm tám điều mà tinh thần huyết mạch chỉ là nhất quán. Xin thích rõ như sau này: Vật cách được hết thảy, thế mới là tri chí; tri đã chí hết thảy, thế mới là ý thành; ý đã thành được hết thảy, thế mới là tâm chính; tâm đã chính được hết thảy, thế mới là thân tu; thân đã tu được hết thảy, thế mới là gia tề; gia đã tề được hết thảy, thế mới là quốc trị; quốc đã trị được hết thảy, thế mới là thiên hạ bình. Nói trái lại cho rõ ý nguyên văn, tri chứng cứ vào vật, vật còn chưa cách được hết, lấy gì mà thảy được tri chí? Tri sai khiến được ý, tri còn thiếu thốn, lấy gì mà ý được thành? Ý chuyển vận được tâm, ý còn giả dối, lấy gì mà tâm được chính? Tâm thống suất được thân, tâm còn nghiêng lệch, lấy gì mà thân được tu? Góp bấy nhiêu thân thành ra nhà, nhà còn có một người thân chẳng tu, làm sao mà gia được tề? Nhóm tất thảy nhà làm nên nước, nước còn có một nhà chưa tề, làm sao mà quốc được trị? Họp tất thảy nước làm thiên hạ, thiên hạ còn có một nước chẳng trị, làm sao mà thiên hạ được bình? Vậy nên nói tráo lại, tất thảy nước trị hết, thế mới là “thiên hạ bình”; tất thảy nhà tề hết, thới mới là “quốc trị”; tất thảy người mà thân tu hết, thế mới là “gia tề”; cái gì ở trong tâm ra, tất thảy chính cả, thế mới là “thân tu”; tất thảy ý mà ở trong tâm nghĩ ra, hoàn toàn thành thực, thế mới là “tâm chính”; tất thảy phần trí thức hoàn toàn thấu đáo, thế mới là “ý thành”; tất thảy đạo lý ở trong vạn vật hoàn toàn tới tận đến mình, thế mãi là “tri chí”. Nói thuận, nói nghịch, suốt đầu suốt đuôi, tuy có tám điều, nhưng chủ não chỉ cốt ở hai chữ “cách, trí”. Cách được vật, trí được tri thời thành, chính, tu, tề, trị, bình thảy y thứ tự mà làm tới nơi hết. Công việc đại học chi đạo chỉ ngần ấy mà thôi. Nói về toàn thể là “minh minh đức” nuốt hết “cách, trí, thành, chính, tu”. Nói về phần đại dụng là “thân dân” nuốt hết “tề, trị, bình” Người ở trong nhà tất thảy thân với nhau là “gia tề”; người ở trong nước tất thảy thân với nhau là “quốc trị”; ở trong thiên hạ tất thảy thân với nhau là “thiên hạ bình”. Sự nghiệp “thân dân” mà đạt ư cực điểm, chính là sự nghiệp “minh minh đức” đã thập phần hoàn toàn; tới lúc đó tức đạt đến mục đích địa là “chí thiện”. Chữ “chí” [ở] hai bài trên kia chính là chốn ấy. Tự thiên tử dĩ chí ư thứ nhân, nhất thị giai dĩ tu thân vi bản. 自天子以至於庶人,壹是皆以修身爲本. Bài này tiếp lấy chữ “thiên hạ bình”. Người ở trong thiên hạ, kể từ một người nguyên thủ thời gọi bằng “thiên tử”, kể hết cả toàn thể nhân dân thời gọi bằng “thứ nhân”; trung gian tuy có các hạng người như “quan lại, hữu tư, v.v.” nhưng tổng chi cũng là người trong thiên hạ. Người trong thiên hạ, ai nấy cũng phải có thân; thân mỗi người tu cho được trong ngoài trọn vẹn, tâm được chính, ý được thành, thời thiên hạ, quốc gia mới bình, trị, tề được hết. Nên Kinh văn lại nói rằng: Từ thiên tử cho đến ư thứ nhân, nhất luật thảy lấy tu thân làm gốc (tự thiên tử chí ư thứ nhân, nhất thị giai dĩ tu thân vi bản). Chữ “bản” ở đây, cũng tức là chữ “bản” ở bài trên. “Tu thân” làm gốc cho “tề, trị, bình”, tức là “minh minh đức”. “Cách, trí, thành, chính” tức là công việc “tu thân”. Ở trong hai chữ “tu thân” nuốt cả “cách, trí, thành, chính”. Từ thiên tử đến thứ nhân, ai nấy cũng thảy “tu thân”, thế là “gia tề, quốc trị, thiên hạ bình” đó rồi. Kỳ bản loạn nhi mạt trị giả, phủ hỹ; kỳ sở hậu giả bạc, nhi kỳ sở bạc giả hậu, vị chi hữu dã. 其本亂而末治者,否矣;其所厚者薄而其所薄者厚,未之有也. Trên kia đã nói “thân” là gốc, nếu “thân” không “tu” mà mong “gia tề, quốc trị, thiên hạ bình”, thiệt không lẽ nào! Bởi vì “thân” là gốc, “gia, quốc, thiên hạ” là ngọn, ngọn sở dĩ được tươi tốt nhờ ở gốc mà này nó ra; nếu gốc đã loạn mà mong ngọn trị được, chắc không rồi đó (kỳ bản loạn nhi mạt trị giả, phủ hỹ). Nền tảng người ta ở trong đời, sở dĩ dày dặn được là cốt ở thân; thân đã không tu là nền tảng đã mỏng mảnh rồi, nền tảng đã mỏng mảnh thời những cái ở ngoài nền tảng còn có dày vào đâu! Nên những hạng người vật không cách, trí không tri, ý không thành, tâm không chính, thế là bạc với thân mình rồi. Thân là đáng hậu thứ nhất mà còn bạc đãi như thế, bảo rằng hậu với gia, quốc, thiên hạ, chưa bao giờ có thể (kỳ sở hậu giả bạc, nhi kỳ sở bạc giả hậu, vị chi hữu dã). “Sở hậu giả” chỉ vào thân; “sở bạc giả” chỉ vào những giống ngoài thân; ý Thánh nhân không phải bảo người ta xem thân là hậu mà bạc với thiên hạ, quốc gia đâu. Trên kia, Kinh văn đã nói thân tu thế là “gia tề”, gia tề thế là “quốc trị”, quốc trị thế là “thiên hạ bình”. Vả lại, gia, quốc, thiên hạ, chung tóm vào ở trong chữ “thân dân” thời có phải chia làm bên hậu, bên bạc đâu! Có phải hậu với thân mà bạc với gia, quốc, thiên hạ đâu! Nhưng Thánh nhân rất ghét những hạng người không tu thân; ý họ đã bất thành, tâm họ đã bất chính, họ xem cái thân họ đã không muốn khác với cầm thú là họ khinh bạc cái thân họ đó rồi, chắc gia, quốc, thiên hạ, họ cũng tất thảy khinh bạc cả luôn; vì theo ở tâm lý của một hạng người ấy mà Kinh văn mới có câu: “Kỳ sở hậu giả bạc nhi kỳ sở bạc giả hậu, vị chi hữu dã”. Chúng ta đọc sách xin chớ nhận lầm. Trên ấy là kinh nhất chương, nguyên lời nói của đức Khổng Tử mà thầy Tăng chép lại. Tuyền văn thảy có chính văn bảy bài, trọng yếu thứ nhất là câu “trí tri tại cách vật”. Vì có cách vật, trí tri mới tri được chỉ mà định, định mà tịnh, tịnh mà yên, yên mà lự, lự mà đắc; trí tri cách vật, chúng ta chớ nhận lầm mà chia làm hai việc: tri với vật chỉ là một danh mục; cách với trí chỉ là một công phu. Kêu tên thời phải có chữ “tri”, chữ “vật”; thuyết lý thời phải có chữ “trí”, chữ “cách”, nhưng ý nghĩa thời hỗn hợp với nhau; mà học giả bắt tay vào làm cũng phải đồng nhất quán. Ví như nước với lạnh, lửa với nóng, tuy có hai danh từ, nhưng đã nước tức là lạnh, mà lạnh cũng ở nơi nước; lửa tức là nóng, mà nóng cũng ở nơi lửa. Còn 7 điều mục nữa, thảy nhờ công phu cách trí mà làm nên. Vậy nên công phu học vấn với đường lối kinh nghiệm, chúng ta không dám giây phút nào không để ý đến. Từ đây sắp xuống là truyện thập chương. Ba chương đầu ở truyện là thích nghĩa “tam cương lĩnh”; từ chương thứ ba sắp xuống cho đến chương thứ mười là thích nghĩa “bát điều mục”.”
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC