Triết học Đông phương

Điểm tương đồng giữa tư tưởng Ấn Độ và tư tưởng Phật giáo

 

ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG GIỮA

TƯ TƯỞNG ẤN ĐỘ VÀ TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO

 

KIMURA TAIKEN

 


Kimura Taiken. Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận. Thiên thứ nhất "Lịch sử tư tưởng của Đại thừa Phật giáo". Chương 1: "Tổng luận". Thích Quảng Độ dịch. Viện Đại Học Vạn Hạnh. 1969. | Phiên bản điện tử: thuvienhoasen.org


 

 

Phật Giáo tuy siêu việt tất cả tư tưởng Ấn Độ, song Phật Giáo cũng phát sinh ở Ấn Độ, và như đã nói ở trên, tùy thời thích ứng với tư tưởng mà phát đạt, cho nên cũng có rất nhiều điểm tương đồng với tư tưởng Ấn Độ. Nếu muốn hiểu rõ tư trào Phật Giáo ở Ấn Độ, trước hết ta phải lưu ý về điểm này. Ta hãy thử đưa ra mấy sự kiện dưới đây, ta sẽ thấy những điểm tương đồng ấy: 

1) Vấn đề trung tâm

Tư tưởng Ấn Độ tuy thiên sai, vạn biệt, song đều đưa đến một điểm then chốt, đó là việc giải quyết vấn đề nhân sinh. Những nhà tư tưởng Ấn Độ đi tìm chân lý là mong tìm ra chỗ quy hướng của kiếp người, tìm lấy một phương châm thực tiễn để quyết định cho lẽ sống, chứ không phải họ chỉ suy tư những điều không tưởng viễn vông, do đó mới tạo thành trung tâm điểm của tư tưởngVấn đề trung tâm của Phật Giáo cũng ở điểm ấy. Bởi vậy, khi nghiên cứu Phật Giáo, như Khang Đức đã nói, ta phải đứng trên lập trường thực tiễn mới có thể quan sát được chính xác

2) Điểm quan sát cơ bản: 

Đối với việc giải quyết vấn đề nhân sinh, trong tư tưởng Ấn Độ cũng có rất nhiều thuyết khác nhau, nhưng tựu trung đều quan sát quanh vấn đề “Bản Ngã”. Bản Ngã là trung tâm của vũ trụ, là cuốn sách chứa đầy ý nghĩa thâm áo và có một giá trị vô cùng cao cả. Về sau, trong tư tưởng giới Ấn Độ cũng có người không tán thành quan điểm đó, nhưng chung quy ta cũng không thấy một thuyết nào là không lấy vấn đề Bản Ngã làm điểm quan sát cơ bản. Thuyết “Vô Ngã” của Phật Giáo, mới nhìn ta thấy có vẻ như mâu thuẫn với lập trường Bản Ngã, nhưng thực ra thì cũng chỉ giải thích Bản Ngã dưới một hình thứckhác mà vẫn lấy Bản Ngã làm trung tâm điểm, như thế không có gì sai biệt cả. 

3) Sự nhất trí về nhân sinh quan và vũ trụ quan: 

Từ vấn đề nhân sinh quan, tất nhiên lại phải tiến đến vấn đề vũ trụ, mà cái đặc sắc về vũ trụ quan của các học phái Ấn Độ ở chỗ họ cho rằng vũ trụ là phản ảnh rộng lớn của con người. Nói một cách khác, muốn khảo sát vũ trụ phải đứng trên lập trường nhân sinh để quy định bản chất của vũ trụ. Như vậy, con người là tiểu vũ trụ trong cái đại vũ trụ. Khuynh hướng ấy đã có từ ngàn xưa và được lưu truyền qua các thế hệ dưới nhiều hình thứcVũ trụ quan của Phật Giáo cũng thừa nhận rằng, vũ trụ chẳng qua chỉ là sản phẩm do tâm biến hiện. Về vấn đề nầy tôi xin bàn rõ ở các chương sau. 

4) Nghiệp lực chi phối con người

Đối với cái sức chi phối vận mệnh con người, tuy các giáo phái Ấn Độ lập ra nhiều nguyên lý, song bất luận nguyên lý nào cũng đều do cái sức căn bản đó là “Nghiệp”. Nghiệp là những hành vi thiện hay ác mà ta đã tạo tác ở kiếp trước, rồi chất chứa trong tạng thức của ta để đến kiếp này trở thành động lựcchi phối vận mệnh của ta. Tư tưởng ấy đã hình thành và tản mát trong các kinh thâm áo từ xưa, đến khi các giáo phái tranh nhau phát khởi thì đều thâu nạp tư tưởng đó. Phật Giáo tuy chủ trương thuyết Vô Ngã, song cũng thừa nhận thuyết nghiệp báo và thuyết luân hồi, điều đó cũng không ngoài trào lưu đương thời. 

Lại nữa, kết quả của thuyết nghiệp báo và luân hồi đã đem lại một ý nghĩa bao quát liên quan đến các loài sinh vật; người ta đều công nhận rằng, các loài sinh vật vì cứ lẩn quẩn trong vòng sinh tử nên đều có thể là họ hàngthân thuộc của nhau trong nhiều đời kiếp. Đó cũng là điểm nhất trí của các phái. Thế rồi ngay từ thời kỳ thần thoại, người ta cũng đã cho rằng trời, thần, tiên, ma quỷ cho đến các loài ở địa ngục đều là sinh vật cả. Điểm này các phái lại cũng chủ trương như nhau và như thế là về hữu tìnhquan của các phái đều nhất trí

5) Quan niệm yếm thế và giải thoát

Do ảnh hưởng của thuyết luân hồi mà xưa kia người ta cho rằng cõi trời là một nơi sung sướng cao tột, song cuối cùng họ lại bảo đó không phải là một chỗ vĩnh viễn yên vui. Từ sau thời kỳ các học phái mọc lên, trong tư tưởng giới Ấn Độ đều có huynh hướng yếm thế. Nhưng nói cho đúng, khuynh hướng yếm thế không nhất định là do quan niệm luân hồi phát sinh. Nếu nói theo một ý nghĩa khác, ta có thể cho rằng, vì người ta quá tôn sùng quan niệm lý tưởng nên mới có khuynh hướng yếm thế. Nhưng dù sao chăng nữa thì quan niệm luân hồi cũng đã làm khuynh hướng yếm thế biểu hiện một cách rõ rệt. Đó là một sự thật lịch sử hiển nhiên, và kết quả của khuynh hướng ấy khiến cho toàn thể tư tưởng giới Ấn Độđi tìm sự giải thoát, nghĩa là muốn thoát khỏi cái kiếp người đầy lo âu để đến một cảnh giới lý tưởng yên vui, bất biến. Đó cũng là lẽ tự nhiên. Cho nên nói giải quyết vấn đề nhân sinh, bất luận theo ý nghĩa nào, đều lấy sự giải thoát làm mục tiêu. Do đó vấn đề giải thoát trong tư tưởng Ấn Độ trở thành vấn đề trung tâmPhật Giáo dĩ nhiên cũng không ngoài công lệ ấy. 

6) Thiền định là phương pháp để giải thoát

Phương pháp để đạt tới sự giải thoát là quan niệm thực tiễn của các phái. Không cần nói ta cũng thấy rằng, những phương pháp đó có nhiều sắc thái bất đồng. Nhưng ta hãy cứ giả tưởng rằng, trong các phái đó nếu có một phương pháp cộng đồng thì phương pháp ấy là lối tu thiền định, tức là: Tam muội(Samadhi), Tĩnh lự (Dhyana) và Du già (Yoga). Trong Tam học của Phật Giáo , ba môn đó được mệnh danh là Định học, trong Bát chánh đạo thì gọi là Chính định. Như vậy tất cả các phái đều áp dụngphương pháp thiền định để đạt đến giải thoát

Nếu đứng về phương diện đó mà khảo sát, ta thấy Phật Giáo tuy nói là căn cứ vào cái trí tự giác của đức Phật, song về mặt hình thức của tư tưởng thì có rất nhiều chỗ tương đồng với các tư tưởng phái đương thời. Nhưng có một điểm đặc thù, là Phật Giáo không phải là một sản phẩm của lý luận trừu tượng, mà rất thực tế, có liên hệ đến toàn dân, tùy căn cơtrình độ giáo hóa cho mọi hạng người, đó là đặc điểm ta cần phải ghi nhớ.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt