VƯƠNG DƯƠNG-MINH
HỌC-THUYẾT CỦA VƯƠNG DƯƠNG-MINH
ĐẠO CÓ MỘT MÀ THÔI
TRẦN TRỌNG KIM
Trần Trọng Kim. Vương Dương Minh. Nxb. Tân Việt. 1960. | Phiên bản điện tử: tusachtiengviet.com
Cái học của Dương-minh đạt tới cái lý độc nhất ở trong vũ-trụ, cho nên nói rằng : « Cái khí-cơ của trời đất lưu-hành luôn luôn không lúc nào nghỉ, nhưng trong sự lưu-hành ấy có cái chủ-tể, cho nên không trước không sau, không nhanh không chậm, tuy thiên biến vạn hóa mà cái chủ-tể vẫn thường-định. Người ta được cái ấy mà sinh, vạn vật có cái ấy mà còn. Nếu khi cái chủ-tể đã định, thì giống như trời xoay-vần không nghỉ, tuy thù-tạc vạn biến, mà thường vẫn thung-dung tự-tại, bởi thế gọi là thiên quân thái-nhiên, bách thể tòng lệnh ; nếu không có chủ-tể thì chỉ là cái khí chạy rong, thành ra rối loạn. » (Ngữ-lục, I). Nhờ cái chủ-tể ấy, cho nên vạn vật sinh-hóa vô cùng mà không lúc nào là không có điều-hòa và trật-tự. Đó là cái tư-tưởng căn-bản trong cái học-thuyết của Dương-minh. Ông cho là vạn vật biến-hóa ở trong vũ-trụ mà có giường-mối là nhờ có cái tinh và cái nhất. « Vạn tượng sâm-nhiên, thời diệc xung-mạc vô trẫm. Xung-mạc vô trẫm, tức vạn tượng sâm-nhiên. Xung-mạc vô trẫm giả, nhất chi phụ ; vạn lượng sâm-nhiên giả, tinh chi mẫu. Nhất trung hữu tinh, tinh trung hữu nhất :萬象森然,時亦冲漠無朕。冲漠無朕,即萬象森然。冲漠無朕者,一之父。萬象森然者,精之母。一中有精,精中有一。 Muôn tượng đông-đúc rậm-rạp, mà trong lúc ấy vẫn im-lặng mờ-mịt, không có triệu-trẫm. Im-lặng mờ-mịt, không có triệu-trẫm là muôn tượng đông-đúc rậm-rạp. Im-lặng mờ-mịt, không có triệu-trẫm ấy là cha cái một ; muôn tượng đông-đúc rậm-rạp ấy là mẹ cái tinh. Trong cái một có cái tinh, trong cái tinh có cái một. » (Ngữ-lục, I). Cái một là lý, cái tinh là khí ; lý với khí là cái phát-lực của Thái-cực, nhưng lý là nói về phần chủ-tể, mà khí là nói về phần sinh-hóa. Bởi vậy nói rằng : Nhất thiên-hạ chi đại bản giã ; tinh, thiên-hạ chi đại dụng giã 一天下之大本也,精,天下之大用九 : Một, là cái gốc lớn của thiên-hạ ; tinh, là cái dụng lớn của thiên-hạ. » (Văn-lục, IV). Có cái một và cái tinh cho nên mới có đạo. Cái Một ấy, mỗi một học-thuyết hay một tông-giáo gọi tên một khác, như là Thái-cực, là Đạo, là Huyền, là Trời, là Phật, là Chúa v.v… nhưng kỳ thực vẫn là một mà ta không biết rõ thực danh là gì. Nho-gia thường gọi là Lý, Phật-gia thường gọi là Linh-giác, là Chân-như, là Pháp-thân. Cái tinh là khí, là tinh-chất phải theo sự điều lý của cái Một mà biến-hóa ra thiên hình vạn tượng gọi là Tạo-hóa. Cái một là chủ-tể, cái tinh là khí-cụ. Cả cái Một và cái Tinh hợp lại làm một, nói gồm cả động và tĩnh, gọi là Đạo. Đạo thuộc về phần hình-nhi-thượng, ta có thể lấy cái chiêu-minh linh-giác của ta mà biết, chứ mắt không thể trông thấy, tai không thể nghe thấy được. Dương-minh nói rõ rằng : « Đạo không thể nói được, cưỡng mà nói ra thì càng tối ; đạo không thể trông thấy được, không biết mà cho là thấy, thì càng xa. Bởi chưng có mà chưa tầng có, ấy là thật có ; không mà chưa tầng không, ấy là thật không ; thấy mà chưa từng thấy, ấy là thật thấy 道不可言也,强為之言而益脢,道無可見也,妄為之可而益遉. 未有而未常有。是真有也,無而未常無,是真無也,見而未常是真見也. Thí-dụ như trời, mà bảo rằng trời không thể trông thấy được, vậy thì cái xanh xanh kia, cái sáng chói-lọi kia, mặt trời, mặt trăng thay-đổi nhau, bốn mùa chuyển vần nối nhau, ấy chưa tầng không có vậy ; bảo trời là có thể thấy được, vậy thì đi tới không biết ở chỗ nào, trỏ vào không biết đâu là nhất định, giữ lấy không được, ấy là chưa tầng có vậy. Bởi vì trời là đạo, đạo là trời vậy. Gió có thể tróc lại được, cái bóng có thể thu lấy được, thì đạo có thể thấy được vậy… Thần không có phương, đạo không có thể, kẻ nhân-giả thấy đó gọi là nhân, kẻ trí-giả thấy đó gọi là trí, ấy thế là có phương có thể là vậy… Ai chìm-đắm ở chỗ vô, thì không có chỗ dùng cái tâm, lưu-đãng mà không có chỗ về ; ai ứ-trệ ở chỗ hữu, thì dùng cái tâm ở chỗ vô dụng, thành ra nhọc mà không có công. Bởi vì cái khoảng có và không có, cái huyền-diệu sự thấy và sự không thấy, không phải là có thể lấy lời nói mà tìm được… » (Văn-lục, IV) Đạo của Dương-minh nói ở đây, chính là cái đạo của Khổng-tử và Mạnh-tử đã nói về đường hình-nhi-thượng, và cùng cái đạo của Lão-học là một, bởi vì Nho với Lão đều theo một lý Thái-cực làm gốc của vũ-trụ. Song cách hành đạo của Nho với Lão mỗi bên một khác, cho nên mới thành ra có điều tương đồng tương dị. Học-giả rất nên cẩn-thận ở chỗ này, đừng để sai-lầm như lối tục-học. Cái đạo đã huyền-bí khó hiểu như thế, học-giả cần phải lý-hội lấy, rồi tự mình phải mất công-phu mà luyện-tập và suy-nghĩ thì mới có chỗ sở đắc. Dương-minh thấy rõ chỗ khó ấy, cho nên ông nói rằng : « Đạo chi toàn thể, thánh-nhân diệc nan dĩ ngữ nhân, tu thị học-giả tự tu tự ngộ 道之全體,聖人亦難以語人頊是學者自修自悟 : Cái toàn-thể của đạo, đến thánh-nhân cũng khó nói cho người ta hiểu được, học-giả nên tự tu tự ngộ lấy. » (Ngữ-lục, I) Đạo thì có một mà thôi, nhưng nay những người luận đạo thường không tương đồng với nhau, là tại sao ? Dương-minh nói rằng : « Đạo không có phương thể, không thể cố-chấp được, nếu cứ câu-nệ ở văn nghĩa mà tìm đạo, thì xa đạo vậy. Như nay người ta nói trời, kỳ thực là biết trời ra thế nào ? Bảo rằng mặt-trời mặt-trăng, gió mưa sấm sét là trời, không phải ; bảo rằng nhân-vật, thảo-mộc không phải là trời, cũng không phải. Đạo tức là trời. Biết được như thế, thì lúc nào mà chẳng phải là đạo. Chỉ vì người ta cứ nhận-định cái sở-kiến một góc, rồi cho cái đạo đến góc ấy là hết, bởi thế cho nên mới có chỗ không tương đồng 3. Bằng nay ta bỏ cái lối ấy đi, rồi quay về tìm lấy ở trong tâm, thì thấy rõ đạo ở trong tâm của ta, không lúc nào, không chỗ nào, là không phải đạo ấy. Suốt từ xưa nay, vô thỉ vô chung, chẳng có cái gì là đồng với dị cả. Tâm tức là đạo, đạo tức là Trời, biết tâm thì biết đạo và biết Trời 心即道,道即天,知心則知道知天. Học-giả cần biết thực rõ đạo ấy, rồi cứ theo cái tâm của mình mà thể-nhận lấy, không phải mượn sự tìm ở ngoài mới được… » (Ngữ-lục, I) Ông cho cái đạo ở tâm người ta rất sáng tỏ, dẫu có che lấp thế nào cũng không mờ-tối đi được. « Thử đạo chi tại nhân tâm, kiểu như bạch nhật, tuy âm tình hối minh, thiên thái vạn trạng, nhi bạch nhật chi quang vị thường tăng giảm biến động 此道之在人心皎如白日雖陰晴晦明千態萬状二白日之光未 常增減變動 : Đạo ấy ở trong tâm người ta, sáng như ban ngày, tuy có lúc giảm lúc nắng, lúc tối lúc sáng, nghìn thái muôn trạng, nhưng cái sáng của ban ngày chưa tầng thêm bớt biến-đổi. » (Văn-lục, III) Dương-minh thỉ-chung theo cái thuyết « thiên-địa vạn vận nhất thể » và lấy cái nghĩa « nhất dĩ quán chi » của Khổng-tử làm căn-bản cho sự học của mình. Ông cho là trong vũ-trụ có đầy những sự vật, nếu theo từng vật mà tìm-kiếm, thì thành ra trục vật nghĩa là đuổi theo từng vật, không phải là cái nghĩa chủ nhất nữa. Chủ nhất là chỉ chuyên-chủ ở cái thiên-lý mà thôi. Vạn sự vạn vật đều ở trong lý ấy, nó quán-thông hết cả, chứ không ở trong ngoài khác nhau. Cái lý ấy gọi là đạo, là trời, là tính, là tâm, cái danh tuy khác, nhưng cái thực là một. Bởi vậy ông đem tất cả cái học-thuật vào cái tâm.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC