VƯƠNG DƯƠNG-MINH
HỌC-THUYẾT CỦA VƯƠNG DƯƠNG-MINH
TRI HÀNH HỢP NHẤT
TRẦN TRỌNG KIM
Trần Trọng Kim. Vương Dương Minh. Nxb. Tân Việt. 1960. | Phiên bản điện tử: tusachtiengviet.com
Dương-minh xướng lên cái thuyết tri hành hợp nhất 知行合一 từ khi còn ở Long-trường. Chỗ ấy là đất mọi rợ, ngôn-ngữ không thông, chỉ một ít người Tàu đến đó kiếm ăn, ông đem cái thuyết ấy nói với họ, thì ai cũng nghe ra mà lấy làm thích. Lâu rồi đến người rợ cũng vui theo. Năm sau ông về Qui-châu giảng cái thuyết ấy với bọn sĩ-phu, thì có nhiều người không hiểu được. Ông cho đó là vì bọn sĩ-phu đã có cái ý-kiến sẵn rồi, cho nên mới ngang ra như vậy. Cái thuyết tri hành hợp nhất là căn-bản ở câu « tri chí chí chi, tri chung, chung chi 知至至之知終終之 » ở thiên Văn-ngôn trong kinh Dịch. Tri chí 知至 là tri 知, chí chi 至之 là trí 致, tri tức là hành. Vậy tri với hành là một. Ông theo cái tông-chỉ duy tâm nhất trí mà lập ra thuyết này để đem học giả vào con đường thực-tiễn của đạo-đức. Ông nói rằng : « Muốn hiểu cái thuyết tri hành hợp nhất, trước hết phải biết cái tông-chỉ sự lập ngôn của ta. Người đời nay học-vấn, nhân vi đã phân tri hành ra làm hai việc, cho nên khi có một cái niệm phát-động, tuy là bất thiện nhưng bởi chưa thi-hành, thì không tìm cách ngăn-cấm. Ta nói cái thuyết tri-hành hợp-nhất, chính để người ta hiểu được chỗ nhất niệm phát-động, tức là hành rồi. Hễ chỗ phát-động có điều bất thiện, thì đem điều bất thiện ấy trừ bỏ ngay đi, cốt bỏ đến chỗ căn-để, khiến cái niệm bất thiện không tiềm-phục ở trong bụng. Ấy đó là cái tông-chỉ sự lập ngôn của ta. » (Ngữ-lục, III) Ta nên biết rằng hai chữ tri và hành của Dương-minh nói ở đây có cái nghĩa khác cái nghĩa ta thường dùng. Tri là chuyên nói cái minh-giác của tâm, hành là nói sự phát-động của tâm, như trong sách Đại-học gọi là ý vậy. Tri là bản-thể của tâm, ý là sự phát-động của tâm. Tâm với ý là một, thì tri với hành là một. « Người ta trước hết phải có cái tâm muốn ăn, muốn mặc, muốn đi, v.v… nhiên-hậu biết ăn, biết mặc, biết đi. Cái tâm muốn ăn, muốn mặc, muốn đi ấy là lý, tức là cái khởi thỉ của sự hành… Lấy cái toàn thể trắc-đản mà nói, gọi là nhân ; lấy sự được cái phải mà nói, gọi là nghĩa ; lấy việc điều-lý mà nói, gọi là lý. Không nên tìm cái nhân ở ngoài cái tâm, không nên tìm cái nghĩa ở ngoài cái tâm, thì lẽ nào lại tìm cái lý ở ngoài cái tâm được. Tìm cái lý ở ngoài cái tâm, ấy là tri với hành thành ra hai ; tìm cái lý ở trong tâm của ta, ấy là phép dạy tri-hành hợp-nhất của thánh-hiền vậy » (Ngữ-lục, II). Xem như vậy, thì cái nghĩa chữ hành bao-hàm cả sự tư-tưởng và sự động tác. Học, vấn, tư, biện, đều là hành cả. « Lấy sự tìm mà làm cho giỏi các việc mà nói, gọi là học ; lấy sự tìm mà giải cho ra điều ngờ mà nói, gọi là vấn ; lấy sự tìm mà làm cho thông cái thuyết mà nói, gọi là tư ; lấy sự tìm mà làm cho tinh-tường việc xét mà nói, gọi là biện ; lấy sự tìm mà dày-xéo lên sự thực mà nói, gọi là hành. Hễ phân-tích cái công ra mà nói, thì thành năm việc, hợp các việc lại mà nói, thì chỉ có một mà thôi. Ấy là cái thể hợp-nhất của tâm-lý, và cái công tịnh-tiến của tri-hành. » (Ngữ-lục, II) Tri với hành là một bản-thể. « Cái chỗ chân-thiết đốc-thực của tri, là hành ; cái chỗ minh-giác tinh-sát của hành, là tri. Nếu hành mà không tinh-sát minh-giác, ấy là minh [1] hành, tức là « học nhi bất tư [2] tắc võng » ; nếu tri mà không chân-thiết đốc-thực, ấy là vọng tưởng, tức là « tư nhi bất học tắc đãi ». Nguyên-lai chỉ có một cái công-phu. » (Văn- ục, III). Bởi vì học-giả chia cái công-phu ấy ra làm hai đoạn, làm mất mất cái bản-thể của tri hành, chứ không biết cái chân tri tức là hành, không hành không đủ gọi là tri. Theo cái nghĩa ấy, thì cái thuyết tri hành hợp nhất rất sáng rõ. Song khi Dương-minh xướng lên cái thuyết ấy, có nhiều người không hiểu rõ, cứ biện-luận mãi. Một người cao-đệ của ông là Từ Ái đến hỏi ông. Ông bảo thử nói tại làm sao mà không hiểu. Từ Ái nói rằng : « Người ta ai cũng biết đối với cha thì phải hiếu, đối với anh thì phải đễ, nhưng không hiếu được và không đễ được, thế là đủ rõ tri và hành là hai việc. » Ông nói rằng : « Đó là bị cái tư-dục làm gián-đoạn, chứ không phải là cái bản-thể của tri hành. Chưa có cái gì là cái tri mà không hành. Tri mà không hành, chỉ là chưa tri. Thánh-hiền dạy người ta về tri hành, là muốn phục lại cái bản-thể. Sách Đại-học chỉ rõ cái chân-thực tri hành cho người ta xem, như nói : thích cái sắc đẹp, ghét cái hơi thối. Thấy cái sắc đẹp là thuộc về tri, muốn cái sắc đẹp là thuộc về hành. Khi thấy cái sắc đẹp thì đã thích rồi, chứ không phải là thấy rồi sau mới lập tâm để thích ; khi ngửi thấy hơi thối thì đã ghét rồi, chứ không phải là ngửi thấy rồi sau mới lập tâm để ghét. Lại như nói : người kia biết hiếu, người kia biết đễ, tất là người ấy đã làm việc hiếu việc đễ rồi, thì mới bảo là biết hiếu, biết đễ. Lại như biết đau, tất là mình đã thấy đau rồi mới biết đau ; biết rét, tất là mình đã thấy rét rồi mới biết rét ; biết đói, tất là mình đã thấy đói rồi mới biết đói. Như thế thì tri với hành phân ra làm hai thế nào được ? Đó là cái bản-thể của sự tri hành, không có cái tư-dục cách đoạn ra vậy. Thánh-nhân dạy người tất phải như thế mới gọi là tri, không thì là bất tri. » Từ Ái nói : « Cổ-nhân chia tri hành ra làm hai, là cốt để người ta thấy rõ riêng từng cái : một cái hành để làm công-phu của cái tri, một cái hành để làm công-phu của cái hành, như thế thì cái công-phu mới có chỗ hạ lạc. » Dương-minh nói : « Như thế là làm mất cái tông-chỉ của cổ-nhân rồi. Ta thường nói rằng : tri là cái chủ-ý của hành, hành là cái công-phu của tri. Tri là cái khởi-đầu của hành, hành là cái thành-tựu của tri. Nếu khi đã hiểu được như thế, thì chỉ nói một cái tri là đã có cái hành ở trong đó rồi ; nói một cái hành là đã có cái tri ở trong đó rồi. Cổ-nhân sở dĩ đã nói cái tri, lại nói cái hành, là chỉ vì thế-gian có thứ người mờ-mờ mịt-mịt theo ý của mình, không rõ sự tư-duy tỉnh-sát 思惟省察 ấy là minh-hành vọng-tác, bởi thế cho nên nói tri rồi sau mới hành, thì hành mới phải. Lại có thứ người mơ-mơ màng-màng những điều viển-vông vơ-vẩn, không chịu đem mình làm việc thiết-thực, ấy là sủy-mô ảnh-hưởng 揣模影響. bởi thế cho nên nói hành rồi sau mới tri, thì tri mới thực. Đó là cổ-nhân bất-đắc-dĩ nói ra như thế để bổ cái lệch, chữa cái tệ. Nếu khi đã hiểu rõ ý ấy, thì chỉ một lời nói là đủ vậy. Nay người ta lại muốn chia tri và hành ra làm hai, tất phải tri rồi sau mới hành, như là phải giảng-tập thảo-luận để cầu lấy cái tri, chờ cho đến khi thật tri rồi mới hành, cho nên chung thân không hành mà cũng không tri. Đó là cái bệnh lớn mà lai-lịch không phải mới một ngày thành ra vậy. Ta nay nói tri hành hợp nhất, chính là đối bệnh bốc thuốc, và lại không phải là xuyên-tạc bịa-đặt ra đâu. Cái bản-thể của tri hành nguyên nó như thế, nếu khi đã biết rõ cái bản-thể rồi thì nói ra làm hai cũng không sao, nó vốn là một ; nếu không hiểu cái tông-chỉ, thì nói là một cũng không giúp được việc gì. » (Ngữ-lục, I) Dương-minh dạy cái thuyết « tri hành hợp nhất » là cốt khiến học-giả tự mình tìm lấy cái bản-thể để chữa cái bệnh chi-ly quyết-liệt của sự học, cho nên ông nói : « Tri giả hành chi thỉ, hành giả tri chi thành. Thánh-học chỉ nhất cá công-phu, tri hành bất khả phân tác lưỡng sự 知者行之始,行者知之成。聖學只一箇功夫,知行不可分作兩事 : Tri là cái khởi-thỉ của hành, hành là sự thành-tựu của tri. Cái học của thánh-nhân chỉ có một cái công-phu, tri hành không thể chia làm hai việc được. » (Ngữ-lục, I). Vương Long-khê là cao-đệ của Dương-minh nói rằng : « Trong thiên-hạ, chỉ có cái tri mà thôi, không hành không đủ gọi là tri. Tri và hành có bản-thể, có công-phu, như mắt trông thấy là tri, nhưng đã trông thấy rồi tức là hành ; tai nghe thấy là tri, nhưng đã nghe thấy rồi tức là hành, tóm lại chỉ có một cái tri là đủ rồi. » Mạnh-tử nói : « Đứa trẻ-con không đứa nào là không yêu cha mẹ, kịp lúc lớn lên không đứa nào là không biết anh chị. » Chỉ nói tri mà thôi, tri là làm được rồi ; năng ái năng kính, cái bản-thể vốn hợp-nhất. Dương-minh tiên-sinh vì hậu nho chia làm hai việc, bất-đắc-dĩ phải bàn đến cái thuyết hợp nhất. Cái tri không phải là nói kiến-giải 見解, cái hành không phải là nói lý-đạo [3] 履蹈 ; chỉ theo một cái niệm mà lấy chứng : tri mà chân-thiết đốc-thực 真切篤實 tức là hành, hành mà minh-giác tinh-sát 明覺精察 tức là tri. Tri hành hai chữ đều trỏ cái công-phu mà nói, nhưng vẫn là hợp-nhất, chứ không phải là cố lập thuyết để cưỡng sự tin của người ta. Muốn hiểu rõ nghĩa mấy chữ « tri hành hợp nhất » thì phải tìm cái mối đầu của nó ở câu « bách lự nhi nhất tri » của Khổng-tử đã nói ở thiên Hệ-từ trong kinh Dịch. Cái mối nhất trí ấy là cái chiêu-minh linh-giác có sẵn trong tâm người ta. Dương-minh nhân đó mà phát-minh ra cái thuyết trí lương-tri khiến học-giả tự tìm lấy ở trong tâm mình mà hiểu cái lý duy-tinh duy-nhất trong sự học của thánh-hiền. Ai hiểu được rõ cái thuyết trí lương-tri, thì cái thuyết trí hành hợp nhất tự nó sáng rõ ra vậy.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC