VƯƠNG DƯƠNG-MINH
HỌC-THUYẾT CỦA VƯƠNG DƯƠNG-MINH
CÁI TÔNG-CHỈ TRÍ LƯƠNG-TRI
TRẦN TRỌNG KIM
Trần Trọng Kim. Vương Dương Minh. Nxb. Tân Việt. 1960. | Phiên bản điện tử: tusachtiengviet.com
Dương-minh về Đinh-gian, nghỉ ở nhà dạy học non sáu năm, phát-huy ra cái thuyết trí lương-tri. Sau triều-đình lại cử ông làm Tổng-đốc Lưỡng-Quảng để dẹp giặc ở châu Tư-điền. Khi ông sắp đi, hai người cao-đệ của ông là Tiền Đức-Hồng và Vương Kỳ bàn cái tông-chỉ về cái học trí lương-tri. Tiền Đức-Hồng nhắc lại lời dạy của Dương-minh rằng : « Vô thiện vô ác là cái thể của tâm, có thiện có ác là sự động của ý, biết thiện biết ác là lương-tri, làm thiện bỏ ác là cách-vật. » Vương Kỳ nói rằng : « Lời ấy sợ chưa phải là lời cứu-cánh. » Đức-Hồng hỏi rằng : « Tại sao ? » Vương Kỳ nói : « Nếu nói tâm-thể là vô thiện vô ác, thì ý cũng vô thiện vô ác, tri cũng vô thiện vô ác, vật cũng vô thiện vô ác ; nếu nói ý có thiện có ác, thì rút lại là tâm-thể vẫn có thiện có ác. » Đức-Hồng nói : « Tâm-thể là thiên-mệnh chi tính, nguyên là vô thiện vô ác, nhưng người ta tập-nhiễm đã lâu, trong ý-niệm thấy có thiện có ác. Cách-vật, trí-tri, thành ý, chính tâm, tu thân, ấy là cái công-phu để phục lại cái tính-thể. Nếu bằng nói : nguyên là vô thiện ác, thì cái công-phu ấy nói không xuôi vậy. » Đoạn, đến đêm vào ngồi hầu Dương-minh ở trên cầu Thiên-tuyền, hai người đem việc ấy ra hỏi. Dương-minh nói : « Ta nay sắp đi, chính muốn các người đến giảng cho vỡ cái ý ấy. Ý-kiến của hai người nên để giúp nhau mà dùng, không nên mỗi người cố-chấp một bên. Nhữ-trung (tên tự của Vương Kỳ) nên dùng cái công-phu của Hồng-phủ (tên tự của Tiền Đức-Hồng), Hồng-phủ nên hiểu cái bản-thể của Nhữ-trung. Ấy là chỗ ta tiếp-dẫn hai hạng người. Người có lợi-căn [1], thì theo thẳng cái bản-nguyên mà thể-ngộ : cái bản-thể của tâm người ta nguyên là sáng-sủa không có ngưng-trệ, tức là cái trung lúc chưa phát ra. Người có lợi-căn thể-ngộ ngay được, thì bản-thể là công-phu : người với ta, trong với ngoài, đều nhất tề hiểu thấu cả. Người không có lợi-căn là bậc thứ, thì không khỏi có sẵn cái tập-tâm che-lấp mất cái bản-thể, cho nên mới dạy sự thực-hành ở ý-niệm làm thiện bỏ ác. Sau khi cái công-phu đã thuần-thục rồi, những cái cặn-bã bỏ hết sạch, thì bản-thể cũng sáng rõ ra. Cái ý-kiến của Nhữ-trung là cái ta tiếp-dẫn người có lợi-căn ; cái ý-kiến của Hồng-phủ là cái lập-pháp của ta để tiếp-dẫn người bậc thứ. Hai người nên lấy lẫn của nhau mà dùng, thì bậc trung-nhân và trung-nhân dĩ thượng, trung-nhân dĩ hạ đều đem được vào đạo. Nếu mỗi người cố-chấp một bên, thì ngay nhỡn-tiền đã không tiếp-dẫn được ai, mà đến đạo-thể cũng mỗi bên có điều chưa đủ. » Đoạn, ông lại nói : « Từ nay về sau cùng với bằng-hữu giảng học, đừng có làm mất cái tông-chỉ của ta. Cái tông-chỉ ấy là : Vô thiện vô ác thị tâm chi thể, hữu thiện hữu ác thị ý chi động, tri thiện tri ác thị lương-tri, vi thiện khứ ác thị cách-vật 無善無惡是心之體,有善有惡是意之動,知善知惡是良知,為善去惡是去物 : vô thiện vô ác là cái thể của tâm, có thiện có ác là sự động của ý, biết thiện biết ác là “lương-tri, làm thiện bỏ ác là cách-vật. » [2] Các người phải theo bốn câu ấy, rồi tùy người mà chỉ-điểm, thì tự nó không có bệnh-thống. Ấy là cái công-phu suốt trên suốt dưới. Người có lợi-căn ở đời cũng ít khi gặp, hạng người ấy hiểu một lần thì suốt hết cả. Ấy, Nhan-tử và Trinh Minh-đạo còn không dám dương, há lại khinh-dị mà trông ở người khác được hay sao ? Người thường thì ai cũng có tập tâm, vì cái tập sở-nhiễm, nếu không dạy người ta thực-dụng cái công-phu ở lương-tri, làm thiện bỏ ác, thì chỉ là treo cái không-tưởng của bản-thể, nhất-thiết sự-vật đều không thực-tiễn, chẳng qua là nuôi thành một cái hư-tịch 虛寂, ấy là cái bệnh-thống không phải là nhỏ, không nên sớm chữa vậy. (Ngữ-lục, III) Cái học của Dương-minh rất cao-minh mà vẫn thiết-thực, cho nên trong cái tông-chỉ ấy ông nói rõ cái thể bản-nhiên của tâm và cái căn-nguyên của thiện-ác, rồi bảo người ta lấy sự trí-tri và cách-vật mà phục lại cái bản-thể ấy. Song ông còn sợ học-giả hiểu không rõ, cho nên ông ân-cần dặn kỹ đừng thiên-trọng quá về cái bản-thể của lương-tri mà bỏ mất cái công-phu thực-dụng ; và cũng đừng thiên-trọng quá về cái công-phu thực-dụng mà bỏ mất cái bản-thể của lương-tri. Cốt nhất là phải lựa từng hạng người mà tiếp-dẫn, chứ không nên cố-chấp một mặt nào. Dù thế mặc lòng, về sau vì bốn câu nói tóm cái tông-chỉ ấy mà bọn môn-nhân mỗi người đi ra một đường. Vương Long-khê (tên hiệu Vương Kỳ) thì lấy cái bản-thể « vô thiện vô ác » mà lập giáo, thành ra một cái học chỉ vụ lấy sự « ngộ 悟 », và phát-minh ra được nhiều điều rất cao, nhưng dần dần lại biến ra Thiền-học. Bọn Tiền Tự-sơn (tên hiệu Tiền Đức-Hồng) và Châu Đông-quách (tên hiệu Châu Thủ-Ích) thì lấy « tri thiện tri ác, vi thiện khử ác » làm cái học tu-trì, tuy có giữ được cái phần thiết-thực, nhưng lại kém phần cao-minh. Cái học trí lương-tri là cốt phải dụng công ở chữ trí 致. Trí là tới cái bản-thể tự-tại, tức là tới cái nguồn-gốc của sự tri-giác và sự hành-động. Tới được cái bản-thể ấy thì gồm được cả động-tĩnh : tĩnh thì thiêng-liêng sáng-suốt, động thì lúc nào cũng có cái hòa trúng tiết. Đó là cái chủ ý của Dương-minh, cho nên ông thường nói : « Xưa ta ở đất Trừ, thấy môn-sinh hay vụ lấy sự tri-giác, không có ích cho sự sở-đắc, ta mới dạy cho hãy tĩnh tọa ; được một độ thấy cái quang-cảnh cũng có cận-hiện, nhưng lâu dần thấy có cái bệnh thích tĩnh chán động, đi vào cái khô-kháo, cho nên gần đây ta chỉ nói trí lương-tri. Lương-tri minh-bạch thì tha-hồ ở chỗ tĩnh mà thể-ngộ cũng được, ở chỗ việc làm mà ma-luyện cũng được. Cái bản-thể của lương-tri nguyên không có động, không có tĩnh, ấy là cái cốt-tử của sự học-vấn. » Cái ý của ông rõ như thế mà về sau các học-giả chỉ biết ma-luyện ở chỗ việc làm, thế tất phải nhận tri-thức làm lương-tri, rồi ngầm-ngấm hãm vào cái bệnh nghĩa tập, trợ trưởng 義集 [3] 助苌, cái hại lại quá sự thích tĩnh chán động. Bởi không theo cái lương-tri mà dụng công, lại dụng công ở chỗ động-tĩnh và nhất là lại chỉ dụng công ở chỗ động mà thôi, cho nên đối với cái học của Dương-minh thành ra lệch về một bên vậy.
[1] Lợi-căn 利根 là cái gốc tốt, tức là nói cái thiên-tư minh-mẫn. [2] Đây là Dương-minh nói lại cho rõ mấy điều Tiền Đức-Hồng đã nhắc lại khi nói chuyện với Vương Kỳ ở trên. [3] Nghĩa tập 義集 là bởi cho vạn-vật ở trong trời đất mỗi vật có một nghĩa khác nhau, ta phải rình-mò tìm-tòi từng nghĩa một để ghép vào với nhau, chính như Chu-tử muốn bảo mọi sự đều hợp với cái nghĩa của nó, tức là cho cái nghĩa ở ngoài cái tâm. Theo như Mạnh-tử thì hai chữ ấy trái với hai chữ tập nghĩa 集義. Tập nghĩa là nói ứng sự tiếp vật không có việc gì là không phải sự lưu-hành của tâm-thể. Cái tâm không ai thấy được, chỉ thấy ở việc. Tâm họp ở việc, cho nên nói họp ở nghĩa, như nước có nguồn, cây có gốc, cái khí sinh sinh vô cùng, tức là cho cái nghĩa ở cái tâm của mình. |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC