Triết học Đông phương

Học-thuyết của Vương Dương-Minh. 9. Huấn-mông đại ý

VƯƠNG DƯƠNG-MINH

 

HỌC-THUYẾT CỦA VƯƠNG DƯƠNG-MINH

 

HUẤN-MÔNG ĐẠI Ý

 

TRẦN TRỌNG KIM

 


Trần Trọng Kim. Vương Dương Minh. Nxb. Tân Việt. 1960. | Phiên bản điện tử: tusachtiengviet.com



 

Sự học của Dương-minh là chủ lấy sự không làm tổn mất cái bản-thể của tâm, cho nên về đường giáo-dục, ông chuyên trọng ở sự không làm tổn mất cái thiên-tính của nhi-đồng. Ông nói : « Sự dạy của đời xưa là lấy nhân-luân mà dạy người. Đời sau vì cái tập-tục học ký-tụng, từ-chương khởi lên, cho nên phép dạy của tiên-vương mất đi. Nay dạy trẻ-con nên lấy hiếu-đễ, trung-tín, lễ-nghĩa, liêm-sỉ, làm chuyên-vụ ; cái phương-pháp tài-bồi, hàm-dưỡng, thì nên dạy ca-thi để phát cái ý-chí, khiến tập lễ để làm cho nghiêm cái uy-nghi, cho đọc sách để mở cái tri-giác. Người đời nay thường cho sự học ca-thi và tập lễ là không thiết thời vụ, ấy là cái ý-kiến của bọn mạt tục dung-bỉ, sao đủ biết được cái ý lập giáo của cổ-nhân. Đại để cái tình của trẻ-con là thích chơi đùa mà sợ câu-kiểm như giống cây giống cỏ mới mọc lên, hễ được thư-sướng thì lên tốt, phải ràng-buộc thì còi đi. Nay dạy trẻ-con phải khiến nó đi lại, nhảy múa, trong lòng vui-sướng hớn-hở, thì sự tiến của nó không thôi được. Ví như mùa xuân có mưa móc tưới cho cỏ cây thì đều ra cành ra lá, tự-nhiên một ngày một lớn và một khác đi. Nếu phải tuyết sương rét lạnh, thì cái sinh-lý kém-mòn, rồi càng ngày càng cằn-cọc lại. Dạy ca-thi, tập lễ, đọc sách, đều là để thuận-đạo cái ý-chí, điều-lý cái tính-tình, làm mất dần cái bỉ-lận, hóa ngầm cái thô-ngoan, khiến cho càng ngày càng quen lễ-nghĩa mà không khổ ở cái khó, vào trung-hòa mà không biết tại đâu. Đó là cái vi-ý của tiên-vương lập giáo. Cách dạy trẻ của cận-thế thì chỉ cần ở cú đậu, khỏa-phỏng bắt phải kiểm-thúc mà không biết dạy-dỗ bằng điều lễ, cầu lấy thông-minh mà không biết nuôi-nấng bằng điều thiện, roi-vọt đánh-đập như người tù-tội, làm cho trẻ xem nhà học như nhà ngục không muốn vào, trông thầy như khấu-thù không muốn thấy. “Trộm lén che-đậy cho thỏa chơi đùa, đặt ra dối-trá, bày ra quỷ-quyệt để rông-rỡ cái ngoan-nghịch, cứ ngày ngày theo cái thói hạ-lưu, thế là xua trẻ làm điều bậy mà lại muốn nó làm điều thiện, thì sao được ! » (Ngữ-lục, II)

Xem mấy lời ấy thì biết Dương-minh không những là một nhà đại tư-tưởng trong Nho-giáo mà lại còn là một nhà đại giáo-dục vậy.”

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt