BÁCH GIA CHƯ TỬ
HUỆ THI, CÔNG TÔN LONG VÀ NHÓM TẮC HẠ
TRẦN VĂN HẢI MINH
Thảo Đường cư sĩ Trần Văn Hải Minh. Bách gia chư tử. Các môn phái triết dưới thời Xuân thu Chiến quốc. Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học Tp. Hồ Chí Minh, 1991.
Dưới thời Chiến quốc, những người biện luận nổi tiếng, người đời sau gọi là "Danh gia". Nhưng về Danh học thì mỗi môn phái đều có cái thuật biện luận cần thiết cho mình, chớ không phải chỉ mình Danh gia mới có riêng thuật biện luận mà thôi. [Danh là đối với Thực, sự vật đều thực, vì thế những "từ" dùng để gọi những sự vật ấy (gồm cả ngôn ngữ và văn tự) là danh]. Dùng từ để tạo thành câu, để chỉ cái thực, dùng đạt ý mình, nhưng dùng câu, dùng văn từ tất nhiên phải có những qui tắc, và dùng câu để biện luận để giữ lập trường mình, hay công phá lập luận của đối phương, cũng phải có phương pháp, đó là "Danh học". Danh học của Trung Hoa, cũng như "Logique" của Tây phương và Nhơn minh của Ấn Độ, đều là những phương pháp biện luận. Danh học của Trung Hoa hưng thạnh vào lúc giữa thời Chiến quốc trở về sau. Khổng Tử tuy có thuyết "chánh danh", Mạnh Tử tuy giỏi về biện luận, nhưng vẫn không được gọi là Danh gia. Lớp sau của Mặc gia, tuy có những thiên sách: Kinh, Kinh Thuyết, Đại thủ và Tiểu thủ, Nho gia lớp sau, cũng có thiên Chánh danh của Tuân Tử, như thế thì danh học là phương pháp biện luận mà môn phái nào cũng cần phải có để bảo vệ học thuyết của mình, nhưng Danh gia thì đặc biệt chuyên về biện luận. Trong phái Danh gia, có Huệ Thi và Công tôn Long là nổi tiếng hơn hết. Sau đây xin lượt thuật tiểu sử của hai ông và bổ túc thêm phần lược khảo về Huệ Thi và Công tôn Long sách Sử ký. * Huệ Thi là người nước Tống, thường đến du thuyết với Trâu quân giùm cho Điền Tứ. [Sách Hàn Phi có chép: Điền Tứ ngạo mạn với vua nước Trâu. Trâu quân định sai người để giết ông. Điền Tứ sợ liền cho Huệ Tử hay. Huệ Tử liền đến ra mắt Trâu quân, thuyết giùm Điền Tứ. Vua Trâu liền không giết ông ấy...] Huệ Thi là người đồng thời với Trang Tử, đôi bên rất thân thiện. Ông thường làm tướng quốc cho Ngụy Huệ Vương, ở nước Ngụy rất lâu, sau đó Trương Nghi đến Ngụy, Huệ Thi qua Sở, vua Sở liền đưa ông về Tôáng. [Sách Lã thị Xuân Thu chép: Huệ Tử làm việc chánh ở Ngụy, nhằm thời Huệ Vương, đánh 50 trận, bị thua hết 20, vây thành Hàm Đan 3 năm mà không lấy được. Sách Trang Tử có chép: Trang Tử đưa đám tang, đi ngang qua mộ Huệ Tử... như thế Huệ Tử chết trước Trang Tử. Sách Cửu vức chí, phần Hoạt Châu có ghi mộ của Huệ Tử... không biết chắc có phải Huệ Tử chết ở Hoạt Châu không?] Trong thiên Thiên hạ sách Trang Tử có viết: "Huệ Thi có nhiều phương thuật, sách ông viết đầy 5 xe, đạo của ông là biện bác, lời nói của ông trung thực." Lại có chép thêm thuyết của ông 20 điều. Trong sách Hán chí phần Bách Gia có tên Huệ Tử. * Công tôn Long tự Tử Bỉnh người nước Triệu, ông thường đi du thuyết qua nước Ngụy, có gặp Ngụy công tử Mâu và Huệ Thi. [Hồ Thích, trong quyển Trung Quốc Cổ Đại Triết học sử đại cương có viết: "Công tôn Long không thể nào có biện luận với Huệ Thi được". Sách Trang Tử có ghi những lời của Công tôn Long là do người đời sau ngụy tạo]. Ông thường làm khách ở Bình Nguyên quân nước Triệu, và khuyên Bình Nguyên quân đừng lãnh đất Thọ Phong. Ông lại thường bàn với Huệ Văn Vương nước Triệu về việc ngưng binh đao. Trâu Viễn qua Triệu, thường chê Công tôn Long. Ông thường đến du thuyết nước Yên, bàn với Yên Chiêu Vương về việc ngưng binh đao. Công tôn Long, trong sách Hán chí được xếp vào phái Danh gia. [Trong sách Sử ký và Sách Ẩn đều viết: Công tôn Long là đệ tử Khổng Tử, người nước Triệu. Đệ tử truyện lại chép là người nước Vệ, Trịnh Huyền lại nói là người nước Sở, các thuyết đều khác nhau, không biết đâu là sự thật. Sách Đệ tử truyện cũng có viết: "Công tôn Long tự Tử Thạch nhỏ hơn Khổng Tử 36 tuổi". * Sách Sử ký, trong phần Mạnh Tử, Tuân Khanh có một đoạn dài nói về Tắc Hạ chư tử, là vì Mạnh Tử và Tuân Tử đều thường ở Tắc Hạ trong số gọi là "Liệt Đại phu" [có lương mà không nhiệm vụ rõ ràng]. [Dưới đây xin chép tài liệu Tắc Hạ chư tử của Kiến Hầu] Tắc Hạ Chư Tử Khảo Tắc Hạ ở cửa Tây thủ đô nước Tề, trong Mạnh Tử, Tuân Khanh truyện có viết: Từ Trâu Viễn cùng các Tiên sinh ở Tắc Hạ nước Tề như Thuần vu Khôn, Thận Đáo, Hoàng Uyên, Tiếp Tử, Điền Biền, Trâu Thích v.v...mỗi người đều có viết sách để trần thuyết với người có trách nhiệm với đời. Số ấy không thể kể xiết... Từ Thuần vu Khôn trở đi, các ông đều được gọi là Liệt Đại phu, đuược cất cho nhà cao cửa rộng, đường sá thênh thang để tỏ lòng kính mến. Trong thiên hạ, tân khách như các chư hầu, đều nói nước Tề là giỏi tiếp đãi kẻ hiền trong thiên hạ. Sách Điền Kỉnh Trọng thế gia có viết: "Tuyên Vương rất thích các kẻ sĩ du thuyết và văn học như nhóm Trâu Viễn, Thuần vu Khôn, Điền Biền, Tiếp Tử, Thận Đáo, Hoàng Uyên, v.v... tất cả 76 người, đều cho nhà ở không làm việc chánh mà bàn luận, nhóm Tắc Hạ học sĩ rất đông, con số lên đến trăm, ngàn người. Như thế đã thấy số Tắc Hạ chư tử rất đông... Sau đây xin ghi tên những người nổi tiếng nhứt: [Thượng Đại phu cũng như Liệt đại phu]. 1.2. Trâu Viễn, Trâu Thích Trong sách Sử ký, phần Điền Kỉnh Trọng thế gia và Mạnh Tuân liệt truyện có ghi Tắc Hạ chư tử, trước hết là nêu tên Trâu Viễn. Mạnh Tuân liệt truyện viết: Tề có ba Trâu Tử, trước là Trâu Kỵ, đánh đàn mà du thuyết với Uy Vương, nhơn đó mà dự vào quốc chánh phong làm Thành hầu và thọ tướng ấn, ông thuộc lớp người trước Mạnh Tử. Kế đó là Trâu Viễn, thuộc lớp sau Mạnh Tử, trong số ba Trâu Tử ấy, duy chỉ có Trâu Kỵ là không ở trong hàng ngũ Tắc Hạ chư tử. Có người nói: "Trâu Viễn thấy người cầm vận mạng nước kiêu sa, dâm dật, không chuộng đức, nếu lấy cái chính đính chỉnh được nơi thân mình những người ấy, thì bủa ra đến lê dân vậy." Ông liền xem xét kỹ lẽ âm dương trời đất, mà viết ra các thiên: Chủ vận, Chung thủy, Đại thánh, hơn 10 vạn chữ, lối viết của ông bao la, rộng rãi không giống thói thường, trước hết xét ở những vật nhỏ, rồi suy mà mở rộng ra, cho đến chỗ vô cùng... Các bậc vương công, đại nhơn, ban đầu mới nhìn thấy thuyết của ông thì ngơ ngác rồi tìm cách dối trá, mà sau đó cũng không thi hành được, nhưng sau Trâu Tử được trọng ở nước Tề. Ông qua nước Lương, Lương ra tận ranh nước đón, thi hành lễ chủ khách. Ông qua nước Triệu, Bình nguyên quân đi một bên, và ngồi ở góc chiếu. Ông qua Yên, Yên Chiêu Vương đi trước dọn đường, ngồi ở vị trí học trò mà thọ nghiệp, vua dựng nhà thạch thất để tự mình đến tôn làm thầy. Ông đi du thuyết các nước Chư hầu được lễ tôn kính là như thế. * Kế là Trâu Thích, ông là một trong những Trâu Tử của nước Tề, cũng thể theo thuyết của Trâu Viễn làm giềng mối. Thuyết của Trâu Viễn thì bao la rộng rãi, còn của Thích thì văn vẽ, khó theo cho nên người nước Tề mới tán tụng: - Rộng rãi như trời đất thì Trâu Viễn, còn thêu rồng, vẽ phượng thì Trâu Thích. 3. Thuần vu Khôn Cũng là một trong Tắc Hạ chư tử. Truyện của ông thấy có chép trong Sử ký, phần Hoạt Kê liệt truyện và trong Chiến Quốc sách. Thuần vu Khôn và Mạnh Tử đồng thời, ông gởi rễ ở nước Tề, mình cao không đầy 7 thước, ông rất hâm mộ Án Anh. Ông học rộng nhớ dai, mà sự học lại không có chủ đích, ông hoạt kê, hay biện luận và khéo trong việc can gián... Ông thường đùa cợt để can gián vua Tề. Mạnh Tuân truyện có viết: Thuần vu Khôn, nếu ở lâu với người ấy, có lúc học được những lời hay, cho nên người nước Tề mới tán dụng: Xe cộ đến ông đông đảo... Sách Hán chí không có trích lục sách của Thuần vu Khôn, chắc có lẽ ông không có viết sách chăng ? 4. Điền Biền Sách Hán chí phần Đạo gia có Điền Biền, ông tên Biền, người nước Tề, đến Tắc Hạ, hiệu là Thiên khẩu Biền. Sách Lã thị Xuân Thu, sách Hoài Nam lại viết là Trần Biền. Sách Trang Tử viết chung Điền Biền, Bành Mông và Thận Đáo đồng một hạng. Trong Tuân Tử, thì Điền Biền và Thận Đáo được nhắc chung. Sách Trang Tử viết: Điền Biền họcvới Bành Mông, nhưng theo sách Doãn văn Tử thì dường như Bành Mông học với Điền Biền. Điền Biền là dòng dõi Tôn thất nước Tề, cho nên tuy không làm quan mà ăn lộc ngàn chung, nuôi khách 100 người. Sau đó, Đường Tử gièm pha Điền Biền với vua Tề Uy Vương, Uy Vương muốn giết ông, ông liền chạy ra đất Tiết, Mạnh thường quân rất hậu đãi ông. 5. Thận Đáo Sách Trang Tử viết: ông tên Quảng, Mạnh Tuân truyện viết: Người nước Triệu, học thuật của Hoàng Lão. Sách Hán chí, phần Pháp gia, có Thận Đáo, nói ông tên Đáo. Ông trước thời Thân bất Hại, Tuân Tử, và Thân bất Hại và Hàn Phi đều ngợi khen ông. Sách Hàn Phi Tử nói học thuyêát của Thận Tử là gốc ở Hoàng Lão, rồi đi về Hình, Danh. Sách Hàn Phi thường dẫn lời nói của ông, và cho rằng thế của ông đủ để nhờ đó mà trở thành người giỏi, nhưng chí của ông thì không đủ để phục dân chúng. Pháp gia thời kỳ đầu được chia làm 3 phái: Thương Quân chủ trương "pháp luật", Thân Tử thì "thuật", còn Thận Tử thì "thế". Sách Mạnh Tử có viết: Nước Lỗ muốn sai Thận Tử làm tướng quân...Phía dưới lại chép : Chuyện ấy thì Hoạt Ly không biết... Ông Thận Tử nầy là Hoạt Ly, người nước Lỗ, đồng thời với Mạnh Tử nhưng không phải là Thận Đáo. 6. Tiếp Tử Cũng là một trong số Tắc Hạ chư tử, người nước Tề... Sách Chánh nghĩa viết: Sách Nghệ văn chí có viết: Tiếp Tử có hai thiên sách... Ông thuộc về phái Đạo gia, nhưng trong sách Hán chí, phần Đạo gia, không thấy có tên Tiếp Tử mà chỉ có Tiệp Tử với lời chú: Người nước Tề, đi du thuyết dưới thời Võ Đế... 7. Hoàn Uyên Cũng là một trong số Tắc Hạ chư tử, sách Hán chí, phần Đạo gia, có Quyên Tử với lời chú: tên Uyên, người nước Sở, đệ tử của Lão Tử. Quyên, Uyên tức là Hoàn Uyên nhưng không phải đệ tử của Lão Tử, sự tích ông như thế nào không ai biết rõ. * Trong số chư tử ở Tắc Hạ, Mạnh Tử và Tuân Tử là nổi tiếng nhứt, kế đó là 7 người vừa kể trên... Phần sau của thiên Mạnh Tuân có viết: Ở Triệu có Công tôn Long với biện thuyết "Kiên, bạch, đồng dị" và cũng có thuyết của Kịch Tử. Ở Ngụy thì có Lý Ly ra sức dạy dỗ ở địa phương, nước Sở có Thi Tử, Trường Lư, và Vu Tử đất A... Sáu người nầy được chép ở phần như phụ lục, nhưng chưa chắc là thuộc nhóm Tắc Hạ. Công tôn Long, Thi Tử đã có chép ở phần trước, bây giờ còn 4 người xin chép ra sau : 1. Kịch Tử Trong Hán chí, phần Pháp gia, không có tên Kịch Tử mà có Xứ Tử với lời chú : Sử ký có chép: Nước Triệu có Xứ Tử, tức là Kịch Tử, vì chữ Xứ và chữ Kịch giống nhau. Dưới thời Chiến Quốc có Kịch Tôn, Hán có Kịch Mạnh, như thế thì thời xưa đã có họ Kịch, tên và sự tích của ông không ai biết rõ. 2. Lý Ly Sách Hán chí, phần Pháp gia, có Lý Tử với lời chú: tên Ly làm Tướng quốc cho Ngụy văn Hầu, làm cho nước giàu binh mạnh. Sách Thực hóa chí cũng có viết: "Lý Ly giúp Ngụy văn Hầu hết sức mở rộng nền giáo dục địa phương... Tấn thơ, thiên Hình pháp có viết: "Luật và Văn bắt đầu từ Lý Ly. Ly soạn có thứ lớp quốc pháp của các nước, viết quyển Pháp kinh gồm 6 thiên. Thương Quân rước ông để giúp nước Tần"... Như thế thì dường như Thương Quân là đệ tử của ông. Mặc dù chuyện đó không có gì làm bằng chứng, nhưng Lý Ly là Pháp gia trong thời kỳ đầu, đó là chuyện chắc chắn có thể tin được. 3. Trường Lư Tử Sách Hán chí ghép vào phái Đạo gia với lời chú: Người nước Sở... Chữ Trường Lư, dường như không phải là họ, nhưng không có tài liệu gì để tìm hiểu thêm cho rõ ràng hơn. 4. Vu Tử Sách Sách Ẩn viết: Đây là chữ Hu mà phải đọc là Vu. Sách Chánh nghĩa có viết: sách Nghệ Văn chí chép: Vu Tử có sách gồm 11 thiên, ông tên Anh, người nước Tề, đứng phía sau số "Thất thập tử". Nhan sư Cổ viết: Chữ "Vu" âm là "Di" trong Hán chí, Vu Tử được xếp vào phái Nho gia, nhưng sự tích không có đâu ghi rõ... * Tài liệu Điền Kỉnh Trọng Thế gia, bắt đầu từ Trâu Viễn trở đi, đều là Thượng Đại phu gồm 76 người. Ở đây chỉ tìm được có 7 người, rồi từ Công tôn Long trở đi, lại thêm được 6 nữa, như thế còn thêm một số lớn nggười, không một ai biết tên họ là gì cả. Trong sách Hán chí, phần Danh gia có Doãn văn Tử với lời chú: "Lưu Hướng có viết: Ông cùng vớiTống Hình có đến Tắc Hạ". Như thế thì trong Tắc Hạ chư tử còn có hai người Doãn Văn và Tống Hình, nhưng trong Điền Kỉnh Trọng thế gia và Mạnh Tuân truyện không thấy đề cập đến không hiểu tại sao. Xin bổ túc thêm: 1. Doãn Văn Sách Hán chí viết: Đến du thuyết Tề Tuyên Vương, trước Công tôn Long. Trong sách Trang Tử, Doãn Văn được đề cập chung với Tống Hình. Sách Lã thị Xuân Thu chép: Doãn Văn bàn về đạo sĩ với Tề Mẫn Vương, hai người cũng có bàn luận về việc "Bị làm nhục mà không đánh trả"... Ông và Tống Hình đồng tôn thờ Mặc Tử. Sách Thuyết Uyển chép chuyện Doãn Văn đáp lời Tề Tuyên Vương về việc "Chuyện của các vì nhơn quân". Ông có lời đáp: "Vô vi mà có thế bao dung kẻ dưới...". Như thế thì ông gần với Đạo gia. Sách Hán chí liệt sách ông vào phái Danh gia, không hiểu tại sao... Theo tài liệu kể trên thì ông đồng thời với Tề Tuyên Vương và Mẫn Vương, y như lời Nhan sư Cổ đã nói: "Ông thường đến Tắc Hạ". Sách Khổng Tòng Tử có chép : Tử Tư ở nước Tề, Doãn Văn có con không giống mình, nghi vợ bất trinh nên nói với Tử Tư v.v... Lưu Hâm cũng có viết: "Doãn Văn, Tống Hình, Điền Biền, Bành Mông, đồng học với Công tôn Long. Công tôn Long là khách Bình Nguyên quân ở vào thời Triệu Hiếu Thành Vương như thế đâu có thể làm thầy nhóm Doãn Văn được. 2. Tống Hình Trang Tử, Tuân Tử và Mạnh Tử đều có nhắc đến Tống Hình, nhưng chữ Hình mỗi người lại viết khác nhau, còn sách Trang Tử, ở một thiên khác, và Hàn Phi lại viết là Tống Vinh Tử. Mạnh Tử và Tuân Tử đều viết là người nước Tống. Mạnh Tử có chép chuyện: "Tống Hình nghe Tần Sở sắp đánh nhau liền đến du thuyết để can ngăn, như thế thì Tống Hình đồng thời với Mạnh Tử, lúc đó nhằm năm Châu Noãn Vương thứ 3 [312 trước T.L.]. Mạnh Tử gọi ông là Tiên sinh, như thế thì tuổi ông lớn hơn Mạnh Tử. Trang Tử nhận xét Tống Hình là chủ trương: "Chống việc đánh nhau, ngưng binh đao, bị hiếp đáp mà không thấy nhục". Tuân Tử và Hàn Phi nhận xét về ông cũng như thế, vì vậy Tuân Tử sắp ông chung với Mặc Tử.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC