BÁCH GIA CHƯ TỬ
MẶC TỬ VÀ MÔN ĐỆ
TRẦN VĂN HẢI MINH
Thảo Đường cư sĩ Trần Văn Hải Minh. Bách gia chư tử. Các môn phái triết dưới thời Xuân thu Chiến quốc. Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học Tp. Hồ Chí Minh, 1991.
Sách Hán chí, ghi chép về Thập Gia Chư Tử, chỉ có phần Nho, Đạo, Mặc là quan trọng hơn hết. Trong sách Sử ký, Khổng Tử được xếp vào phần Thế gia và ghi chép tiểu sử rất tinh tường, còn phần Mạnh Tử, Tuân Tử và Trang Tử thì sơ lược, nhứt là về phần Trang Tửthì rất lờ mờ, còn phần Mặc gia, với Mặc Tử thì không có chép thành một truyện riêng, mà chỉ ghi phụ vào phần sách của Mạnh Tử, Tuân Khanh liệt truyện với mấy hàng: "Mặc Địch là Đại phu nước Tống, giỏi về việc tàng trữ của công, rất tiết kiệm, có kẻ nói ông là người đồng thời với Khổng Tử, cũng có kẻ nói là người thời sau". Tóm lại, tính chung trong pho Sử ký chỉ dùng có 24 chữ để chép về Mặc Tử, và dùng với giọng văn nghi ngờ, không có gì xác đáng cả. Hay là lúc đó môn học của Mặc Tử đã tuyệt, Thái sử công không tìm được tài liệu gì về ông chăng? Tôn di Nhượng có viết quyển Mặc Tử lược truyện, rõ ràng hơn tài liệu trong sách Sử ký, Tiên nho là Kiến hầu đã dùng những tài liệu ấy để viết quyển Mặc Tử lược khảo, và trong phần sau đây xin dẫn chứng những tài liệu ấy để đọc giả tham khảo. Theo Bá Tiềm, thì trong sách Sử ký, trước phần tiểu sử của Mặc Tử, có viết một đoạn văn như là để kết thúc, mà không có phần Mặc Tử, còn 24 chữ sau, nghi ngờ là của người đời sau ghi thêm vào vì cha con họ Tư mã: Đàm thì sùng thượng Đạo gia, còn Thiên thì theo Nho gia, thế nên lúc ấy tài liệu về Mặc Tử cũng còn khá nhiều, nhưng hai ông không hề chú tâm đến. Mặc Tử Lược Khảo Mặc Tử tên Địch, họ Mặc thị. [Mặc Tử tên Địch, thấy có chép trong các sách Hán chí, Lã thịXuân Thu, Hoài Nam Tử. Sách Thông chí thị tộc lược có chép: "Mặc Tử là hậu duệ của Cô trúc Quân, gốc là họ Mặc đài, rồi sau đó đổi lại là Mặc. Dưới thời Chiến Quốc, người nước Tống là Mặc Địch, có viết quyển sách nhan đề là Mặc Tử..." Có một thuyết khác cho rằng Mặc Tử, họ Địch tên Ô, là vì người mẹ nằm chiêm bao thấy ôm mặt trời mà sanh ra Mặc Tử, thế nên mới đặt tên ông là Ô, còn Khổng Tử Khuê thì gọi Mặc Tử là Địch Tử. Gần đây, Giang Tuyền, căn cứ theo những thuyết trên, gọi Mặc Tử không phải họ Mặc, Địch có thể là họ của ông, hay hoặc cũng có thể là tên. Họ Địch mà gọi là Mặc Địch cũng như ta gọi là Đông Thi hay là Tây Thi vậy. Tên là Địch mà gọi là Địch Tử cũng như Mạnh Tử gọi Khuôn Chương là Chương Tử vậy, còn tên Địch mà gọi là Mặc Địch, cũng như người đời thường gọi sử Thiên hay sử Đàm vậy [Tư mã Thiên, Tư mã Đàm]. Cũng có thuyết cho rằng Địch là Di Địch, và vì thế nghi rằng Mặc Địch là người Ấn Độ nhưng xét ra thuyết nầy không có căn cứ xác đáng vì dưới thời Chiến quốc Ấn Độ và Trung Quốc chưa thông thương nhau được. Theo Bá Tiềm thì Tư mã Đàm chỉ đề cập đến 6 môn phái [Lục gia] đến Hán chí thì tăng lên đến 10 nhà. Trừ ra hai phái Nho và Mặc, các môn phái khác đều do người dưới thời nhà Hán định tên và số môn phái cũng do dưới thời nhà Hán định ra là 10, cho nên trong thiên Thiên Hạ, và Phi thập nhị tử ghi tên các nhân vật và sắp xếp các phái có phần không giống hẳn với Hán chí. Dưới thời Chiến Quốc, duy chỉ có hai phái Nho và Mặc nổi tiếng hơn hết, hơn nữa, người khai tổ của hai phái ấy được xác nhận một cách rõ ràng là Khổng Tử với Mặc Tử. Phái của Khổng Tử thì đã có định danh sẵn là Nho, còn phái của Mặc Tử thì ban đầu chưa có định danh là gì cả. Thời xưa trong "Ngũ hình" có một hình phạt là "Mặc", tức là kẻ thọ hình phải chịu làm việc nặng nhọc như tội khổ sai bây giờ. Chữ Mặc cũng có nghĩa là Đen, Sách Quảng Nhã có viết: "Mặc là đen", thiên Đằng văn Công trong sách Mạnh Tử cũng có viết: "Mặt đen sậm mực", bị xâm mực vào mặt cũng gọi là "Mặc". Mặc Tử chủ trương khổ hạnh, làm cho mặt mày đen sậm, hình dung khô héo, cho nên Tuân Tử mới gọi Mặc Tử là "Mặc ốm". Mặc Tử dùng điểm sanh hoạt khắc khổ để làm đạo mình, trong lúc đó thì nhà Nho theo đạo thánh hiền của Khổng Tử lại không làm động đến móng tay, làm cho hai phái khác biệt nhau rất rõ rệt. Người theo Mặc Tử thì sống kham khổ, giữ chặt qui luật, thân hình gầy gò, đen đúa, bị người đương thời xem thường, chữ Mặc có nghĩa là bị hình khổ sai, nên liền dùng luôn chữ ấy, với nghĩa chế giễu, trong khi đó, thì những người trong môn phái lại nghĩ rằng chữ Mặc [với nghĩa là mực thước] có thể tiêu biểu cho học phái của mình, liền vui lòng chấp nhận chữ ấy. [Theo Phùng hữu Lan, trong Trung Quốc Triết học sử]. Mặc, cũng là họ của Mặc Tử mà cũng là tên của học phái, cho nên trong số Chư Tử dưới thời Châu, Tần, cũng có thể gọi Mặc Tử là tên riêng của ông, mà cũng gọi đó là phái Mặc gia. Mạnh Tử có nói: "Đạo của Dương, Mặc mà không dứt, thì đạo của Khổng Tử không sáng tỏ được. Dương và Mặc được nêu chung với Khổng Tử, và Mặc đây tức là chỉ học phái của Mặc Tử. Chỗ khác lại viết: "Mặc là giống di dịch..." "Mặc lo việc tang", chữ Mặc ở đây là chỉ môn phái của Mặc Tử. Sách Lã thị Xuân Thu có viết: "Khổng, Mặc muốn thi hành đạo lớn của mình trong thiên hạ nhưng không thành". Khổng, Mặc là kẻ sĩ áo vải... Chữ Mặc đây cũng có nghĩa là Mặc gia. Trong sách Hàn Phi có viết: "Khổng, Mặc bất phục sanh", ở đây chữ Mặc dùng để chỉ con người của Mặc Tử. Về phần họ Mặc, thì cho đến bây giờ cũng chưa dám xác định đó có phải là họ của ông không... Thuở xưa cũng có một vài họ chỉ có trong một vài người rồi sau đó dứt luôn, như họ Công thâu chỉ có một mình ông Công thâu Ban [Lỗ Ban] rồi sau đó dứt luôn. Biết đâu họ Mặc cũng ở trong trường hợp nầy...] Ông là người nước Lỗ. Mặc Tử là người nước Lỗ thấy có chép trong các sách Lã thị Xuân Thu, Thần tiên truyện, Bảo phác Tử và Tuân Tử, trong sách Ngươn hoà tánh soán thì lại ghi ông là người nước Tống. Tôn di Nhượng viết: "Vì trước kia Mặc Tử đã từng làm đại phu nước Tống, nên mới có sự lầm lẫn như thế. Theo sách của Mặc Tử thì ông là người nước Lỗ mới đúng, vì trong thiên Quí nghĩa có viết: "Mặc Tử từ nước Lỗ đến Tề..." Sách Lã thị Xuân Thu có chép: "Công thâu Ban làm vân thê [thang mây] để đánh Tống, Mặc Tử nghe tin ấy, từ Lỗ đến ra mắt Kinh Vương và nói : Tôi là người tầm thường ở phương Bắc v. v... Về niên đại, Mặc Tử ở sau Khổng Tử, nhằm lúc thời đại toàn thạnh của Nho gia cho nên trong sách của Hoài Nam Tử có viết : "Mặc Tử học nghiệp của Nho gia, học thuật của Khổng Tử, nhưng lại không thích cái lễ phiền nhiễu, hậu việc tống táng làm hao của mà nhọc dân, để tang lâu ngày có hại cho sự làm việc, cho nên làm ngược với đạo nhà Châu, mà theo chánh sách của nhà Hạ... Ông đến gặp chư hầu, bắt đầu từ vua Lỗ. [Mặc Tử là người nước Lỗ, tất nhiên đầu tiên phải đến vua Lỗ. Thiên Lỗ vấn ghi việc Mặc Tử vấn đáp với vua Lỗ. Tôn di Nhượng ghi vua Lỗ là Mục Công. Năm đầu của Lỗ Mục Công nhằm năm thứ 23 Sở Giang Vương, cuối đời Sở Huệ Vương nhằm năm thứ 36 Lỗ Điệu Công. Giữa khoảng Điệu Công và Mục Công còn có Nguyên Công ở ngôi 21 năm. Nếu Mặc Tử đến gặp vua Lỗ là Mục Công thì phải cách sau khi đến gặp Sở Huệ Vương rất xa. Họ Tôn nêu lên như thế chỉ là ức đoán, không có bằng chứng gì xác thực, thế nên chỉ đành chép là Lỗ quân mà không ghi rõ đó là vua nào...] Công thâu Ban làm vân thê cho vua Sở, để sửa soạn đánh Tống. Mặc Tử nghe chuyện đó, liền từ nước Lỗ đến, đi 10 ngày đêm mà tới Sở và gặp Công thâu Ban. Công thâu Ban đưa ông ra mắt vua Sở. Mặc Tử nói: "Nước Sở mà đánh Tống thì như bỏ xe lớn, áo thêu, và thức ăn ngon của mình để lấy cắp xe nhỏ, áo ngắn và tấm cám của người hàng xóm. Nói xong, Mặc Tử liền cởi thắt lưng làm thành, lấy áo ngoài làm khí giới để ra thế trận. Công thâu Ban thay đổi 9 lần cách công thành. Mặc Tử cũng thay đổi 9 lần cách chống đỡ...Khí giới tấn công của Công thâu Ban cạn mà cách thủ của Mặc Tử còn có dư... Công thâu Ban liền nói : - Ta biết cách chống ngươi rồi, nhưng ta không nói... Mặc Tử đáp : - Ta cũng biết cách người chống ta như thế nào rồi... nhưng ta cũng không nói... Vua Sở hỏi tới, Mặc Tử đáp : - Ý của Công thâu Tử, chẳng qua là muốn giết thần để đánh Tống. Nhưng bọn đệ tử của thần là Cầm hoạt Ly có hơn 300 người, đã cầm chắc khí giới giữ thành của hạ thần, họ đang ở trên thành nước Tống chờ đợi Sở đó ! Sở Vương nói : - Như thế thì xin không đánh nước Tống. [Gần đây, Lưu nhử Lâm trong quyển Châu, Tần Chư Tử khảo có viết việc Sở muốn đánh Tống, không phải nhơn việc Công thâu Ban làm Vân thê mà mới có ý ấy và nếu như đã có quyết tâm đánh Tống, thì lời nói của Mặc Tử cũng không thể ngăn được... Việc nầy có nhiều chỗ đáng nghi ngờ, có lẽ những môn đệ của họ Mặc muốn bày vẽ để khoa trương cho thầy mình.] Ông thường biện luận với Công thâu Ban, cho rằng dùng nghĩa thắng hơn là dùng khí giới. [Công thâu Ban làm khí giới cho Sở, nhờ đó mà Sở đã nhiều lần đánh bại nước Việt... Thâu Ban đã khoe tài giỏi của mình với Mặc Tử, và Mặc Tử đã đối đáp lại v. v...chuyện nầy có chép trong thiên Lỗ vấn và sách Chữ cung cựu sự.] Mặc Tử thường hiến sách cho Huệ Vương. Huệ Vương khen mà không thể dùng được. Mặc Tử sắp sửa từ giã ra về. Huệ Vương sai Mục Hạ đến tìm cách thối thác, bảo là mình già, không còn làm được việc gì nữa. Mục Hạ đến gặp Mặc Tử, nghe lời ông trò chuyện mà rất thích, liền nói : - Lời nói của ông thật là hay, mà quân vương tôi là vì đại vương trong thiên hạ, người đâu có thể nói: "Đó là việc làm của người tầm thường " để không dùng... [Chuyện nầy có chép trong thiên Quí nghĩa, sách Mặc Tử. Chữ Cung cựu sự cũng có ghi chuyện Mặc Tử hiến sách, câu mở đầu là Sở Huệ Vương năm thứ 50, câu chót lại viết: vua sai Mục Hạ lấy cớ mình đã già nên từ chối. Huệ Vương ở ngôi 57 năm, lúc gặp Mặc Tử đã được 50 tuổi, cho nên "lấy cớ là đã già "...có lẽ việc Mặc Tử ngăn Huệ Vương đánh Tống cũng có ở trong thời gian nầy.] Văn quân ở Lỗ Dương tâu với vua Sở : - Mặc Tử là người hiền thánh nhơn ở phương Bắc, quân vương không tiếp kiến, lại không dùng lễ đối xử, như thế là làm mất kẻ sĩ. Vua Sở liền sai Văn quân đi tìm Mặc Tử, lấy đất thơ xã 500 dặm phong cho ông. Mặc Tử không nhận, và cứ đi... [Lỗ Dương là một ấp của nước Sở, Văn quân là một người tôi nước Sở. Chuyện nầy có chép trong các thiên Canh trụ và Lỗ vấn : Mặc Tử bàn chuyện với Văn quân: "Mặc Tử khuyên Văn quân đừng đánh Trịnh"]. Đệ tử của Mặc Tử, Công thượng Quá là một nhà du thuyết hay đi đó đi đây. Công thượng Quá ở nước Việt... Vua Việt vì Công thượng Quá, gát xe 50 chiếc, đến rước Mặc Tử ở nước Lỗ, và muốn lấy đất cũ của Ngô, là đất Âm giang 300 dặm làm đất thơ xã để phong cho Mặc Tử. Mặc Tử từ chối không đến nước Việt. [Chuyện nầy thấy có chép trong thiên Lỗ vấn và sách Lã thị Xuân Thu. Đoạn nầy với đoạn trên, chép chuyện vua Sở muốn lấy đất phong cho Mặc Tử, giống như các chuyện đã chép trong Khổng Tử thế gia, các vua Tề Cảnh Công, Sở Chiêu Vương muốn lấy đất phong cho Khổng Tử, có người nghi đó là do môn đệ của Mặc Tử bày ra để khoa trương thầy mình]. Ông thường làm Đại phu nước Tống và bị tù. [Mặc Tử thường làm Đại phu nước Tống, trong Sử ký, phần Mạnh, Tuân liệt truyện và trong sách Hán chí đều có chép, nhưng không ghi rõ vào thời nào. Tôn di Nhượng cho rằng dưới thời Tống Chiêu Công. Mặc Tử bị tù là vào lúc Tử Hản chuyên chánh, trong quyển Mặc Tử lược khảo có chép chuyện nầy rất rõ. Cũng có thuyết cho rằng, chuyện Mặc Tử làm Đại phu nước Tống không đáng tin, vì có chuyện Mặc Tử thường ngăn Sở, không cho đánh Tống, như thế, Mặc Tử đâu có ở nước Tống... Đó chỉ là ức thuyết, không có bằng chứng gì xác đáng cả]. Vào lúc Vãn niên, ông thường đến nước Tề, gặp Thái Vương Điền Hoà. [Chuyện nầy thấy có chép trong thiên Lỗ vấn, trong sách Bắc đường thơ sao có chép chuyện "Tề Vương hỏi chuyện với Mặc Tử"... Tôn di Nhượng viết: "Chữ Vương ở đây là "truy xưng" cho Điền Hoà [tôn sau khi chết]. Năm ông sanh và mất, không có tài liệu gì tìm hiểu cho được một cách rõ ràng cả, nhưng thời đại của ông là sau Khổng Tử và trước Mạnh Tử, ông cũng là người có tuổi thọ. [Về niên đại của Mặc Tử, có nhiều thuyết rất khác nhau. Trong Mạnh, Tuân liệt truyện, sách Sử ký có viết: "Có kẻ nói đồng thời với Khổng Tử, cũng có kẻ nói là sau..." Sách Sách Ẩn, dẫn lời Lưu Hướng viết: "Ông ở thời sau 70 môn đệ của Khổng Tử". Sách Hán chí cũng viết "ở thời sau Khổng Tử". Sách Hậu Hán thơ chép: "Công thâu Ban và Mặc Địch đồng thời với Tử Tư, và sau Khổng Tử". Thần tiên truyện của Cát Hồng viết: "Mặc Tử 82 tuổi, vào Châu địch Sơn học đạo, Hán Võ Đế thường sai sứ giả đến rước, nhưng ông không chịu ra". Thuyết nầy thật hoang đường, khó tin được. Lương Khải Siêu, sau phần Mặc Tử học án, có phụ thêm phần Mặc Tử đại khảo, cho rằng Mặc Tử sanh vào năm đầu thời Châu Định Vương [trước T.L. từ 468 đến 459] ước lượng chừng sau khi Khổng Tử mất độ 10 năm. Ông mất vào lúc giữa thời Châu An Vương [trước T.L. từ 390 đến 382] ước lượng trước khi Mạnh Tử sanh chừng hơn 10 năm. Lương Khải Siêu cũng cho rằng Mặc Tử từng gặp Công thâu Ban và Công thâu Ban ước sanh vào năm đầu Lỗ Ai Công, như thế giả định ông nhỏ hơn Công Thâu Ban 20 tuổi, thuyết nầy giống với thuyêát Tôn di Nhượng]. Sách của Mặc Tử là do hậu học viết ra, bây giờ còn 53 thiên. [Theo sách Hán chí thì sách của Mặc Tử có 71 thiên, bổn sách ngày nay còn không phải là bổn đầy đủ. Sách Thần tiên chuyện chép, sách Mặc Tử có 10 thiên, sách Tuân Tử lại chép 35 thiên đều sai lầm. Trong các thiên Kiêm Ái, Phi Công, thiên nào cũng có 3 phần : thượng, trung, hạ, nhưng đều không phải do một người ghi chép. Trong các thiên : Kinh, Kinh thuyết, Đại thủ, Tiểu thủ, mấy thiên nầy đều không phải của Mặc Tử mà lộn xộn có những lời nói của Nho gia, trong phần sau sẽ trình bày điểm này rõ hơn]. Thiên Hữu độ trong sách Lã thị Xuân Thu có viết: "Đệ tử, môn đồ của Khổng Tử, Mặc Tử, đầy trong thiên hạ". Trong thiên Tôn sư lại viết: "Đệ tử, môn đồ Khổng, Mặc rất đông"...Như thế thì số đệ tử của Mặc Tử cũng rất đông, có thể so sánh với số đệ tử của Khổng Tử. Sách Hoài Nam Tử viết: "Kẻ phục vụ Mặc Tử có đến 180 người". Hàn Phi Tử cũng viết: "Kẻ phục dịch Khổng Tử có 70 người", 70 người ấy tức là 70 đệ tử. Mặc Tử có số người phục dịch đến 180 người ấy cũng tức là đệ tử. Trong thiên Công thâu cũng có chép: Mặc Tử nói với vua Sở "Đệ tử của thần là bọn Cầm hoạt Ly đông đến 300 người v.v...". Như thế đủ chứng tỏ đệ tử của Mặc Tử rất đông. Tôn di Nhượng, trong quyển Mặc học truyền thọ khảo, gom góp trong sách Mặc Tử và các sách Chư Tử đời Tiên tần, tìm được 15 đệ tử của Mặc Tử, lớp đệ tử thứ hai có 3 người, lớp đệ tử thứ 3 có 1 người, còn những người trong môn phái nhưng chưa biết rõ thuộc lớp đệ tử nào, tổng cọng là 13 người và trong số Tạp gia có 4 người, gọi là Tạp gia, nhưng sự thật cũng thuộc về học phái của Mặc Tử. Xin trích ra sau các đệ tử của Mặc Tử. A - LỚP ĐỆ TỬ THỨ NHỨT GỒM 15 NGƯỜI, PHỤ THÊM 3 NGƯỜI 1. Cầm Hoạt Ly Cầm Hoạt Ly theo Mặc Tử 3 năm, tay chưn chai cứng, mặt mày nám đen, vì làm việc cực khổ, Mặc Tử liền chỉ cho pháp: " Giữ và đề phòng cho được đầy đủ và sung túc". Mặc Tử qua Sở ngăn việc đánh Tống, trước hết bảo Cầm hoạt Ly và 300 người giúp đỡ Tống phòng thủ. Tương truyền ông thường được nghe Mặc Tử giảng cho thuyết "Tiên chất, hậu văn" (trước thực, sau văn vẽ). Ông cũng thường biện luận với Dương Châu, Mạnh tôn Dương... Trong sách Mặc Tử, ở các thiên: Công thâu, Canh trụ, Bị thê, Bị thành môn ; trong sách Lã thị Xuân Thu ở các thiên : Đường nhiễm, Tôn sư và trong các sách Liệt Tử, Thuyết uyểncũng đều có chép tên Cầm hoạt Ly, còn trong các sách Trang Tử thì đề cập Mặc Tử và Cầm hoạt Ly một lượt. Trong sách Sách Ẩn và sách Trang Tử của Trần huyền Anh đều cho Cầm hoạt Ly là tự. Trong các sách khác thì viết là Cầm hoạt Lê, hay Cầm khuất Lê, tuy tên có hơi khác, nhưng vẫn là một người. 2. Cao Thạch Tử Thường làm quan ở nước Vệ, 3 buổi chầu mà nói hết lời, không được dùng liền bỏ đi. Mặc Tử khen là người biết quay lưng với lợi lộc để đi về hướng nghĩa [xem thiên Canh tru]. 3. Cao Hà Người nước Tề, thấy đề cập đến trong sách Lã thị Xuân Thu, thiên Tôn sư. 4. Huyền Tử Thạc Cũng người nước Tề, thấy trong sách Lã thị Xuân Thu thiên Tôn sư, và thiên Canh trụ trong Mặc Tử [chữ Thạc trong Lã thị Xuân Thu chép là Thạch, ngày xưa hai chữ dùng giống nhau]. 5. Công Thượng Quá Mặc Tử sai ông đến nước Việt, dùng thuyết Mặc Tử thuyết với vua Việt... Vua Việt thích liền gác xe 50 cổ đi rước Mặc Tử ở nước Lỗ. Trong sách Mặc Tử, ở các thiên Quí nghĩa, Lỗ vấn, trong sách Lã thị Xuân Thu cũng có ghi tên ông. 6. Canh Trụ Tử Mặc Tử thường bảo ông đến làm quan ở nước Sở. Hai, ba môn đệ qua, ông đãi không hậu, và gởi cho Mặc Tử 10 nén vàng [thiên Canh trụ]. 7. Ngụy Việt Mặc Tử thường bảo ông đi du thuyết nước Việt, và dặn: "Đến nước người, phải chọn nhiệm vụ mà làm việc..." [xem thiên Lỗ vấn]. 8. Tùy Sào Tử Trong Hán chí, phần Mặc Tử có Tùy Sào Tử. Sách Tùy thơ kinh tịch chí cũng có viết: "Sào như là đệ tử của Mặc Tử"... dường như ông có họ Tùy tên Sào. Lương Ngọc Thằng lại nói Tùy Sào là họ. Sách Sử ký dẫn lời Vĩ Chiêu viết: "Học thuyết của Mặc Tử là chủ trương "Cần kiệm", Tùy Sào Tử truyền học thuyết của ông. 9. Hồ Phi Tử Sách Hán chí cũng có ghi tên Hồ Phi Tử, với lời chú: Phi dường như là đệ tử của Mặc Tử, như thế là học Hồ tên Phi. Sách Quảng vận lại viết: Hồ Phi là họ đôi, hậu duệ của Hồ Công nước Tề có công tử Phi vì đó mà lấy họ Hồ Phi. 10. Quảng Kiềm Noãn Thiên Canh trụ chép: "Mặc Tử bảo Quảng Kiềm Noãn du thuyết với Cao thạch Tử ở nước Vệ. 11. Cao Tôn Tử Mặc Tử sai Thắng Xước đến giúp nước Tề là Hạng tử Ngưu. Hạng tử Ngưu 3 lần xâm lấn nước Lỗ, Thắng Xước đến có đi theo đủ 3 lần, Mặc Tử bảo Cao Tôn Tử rước Thắng Xước về, không cho giúp Hạng tử Ngưu nữa [xem thiên Lỗ vấn] 12. Trị Đồ Ngu [Xem thiên Trụ canh] 13. Điệt Tỷ [Xem thiên Công mạnh, sách Mặc Tử]. 14. Tào Công Tử Mặc Tử thường bảo ông đến làm quan ở nước Tống [xem thiên Lỗ vấn]. Đây có lẽ là một công tử của nước Tào mà không biết tên họ là gì. 15. Thắng Xước [Xem thiên Lỗ vấn] Tào công tử và Thắng Xước thường làm trái với đạo Mặc, nên bị Mặc Tử trách. 16. Bành Khinh Sanh Tử [Xem thiên Lỗ vấn] 17. Mạnh Sơn [Xem thiên Lỗ vấn] 18. Huyền Đường Tử [Xem thiên Quí nghĩa] Trong số 3 người chót, trong sách Mặc Tử chỉ ghi họ vấn đáp mà không có bằng chứng gì đích xác những người ấy là đệ tử của Mặc Tử nên chỉ để vào phần phụ lục sau cùng... B - LỚP ĐỆ TỬ THỨ 2. - ĐỆ TỬ MẶC TỬ TRUYỀN HỌC THUYẾT CHO 3 NGƯỜI 1. Hứa Phạm Học với Cầm hoạt Ly, xem thiên Đương nhiễm trong sách Lã thị Xuân Thu. 2. Sách Lư Tham Cũng học với Cầm hoạt Ly, xem thiên Tôn sư trong Lã thị Xuân Thu. 3. Khuất Tướng Tử Đệ tử của Hồ Phi Tử, xem trong sách Thái Bình ngự lãm. Trong truyện có chép: Khuất tướng Tử mang gươm đến ra mắt Hồ phi Tử và nói: - Tướng nầy nghe tiên sinh chống việc đánh nhau... Như thế thì Khuất là họ, Tướng là tên... C - LỚP ĐỆ TỬ THỨ 3. - LẠI TRUYỀN HỌC THUYẾT CHO 1 NGƯỜI 1. Điền Hệ Học với Hứa Phạm, thấy có tên trong Lã thị Xuân Thu thiên Đương nhiễm. D - LỚP ĐỆ TỬ THỨ 4. - KHÔNG BIẾT DO AI TRUYỀN THỌ, CÓ TẤT CẢ 17 ĐỆ TỬ 1. Điền Cầu Tử Trong sách Hán chí có chép tên Điền Cầu Tử, trong sách Lã thị Xuân Thu, Hoài Nam Tử, Hàn Phi Tử đều có tên Điền Cưu [chữ Cưu và chữ Cầu âm gần nhau] cho nên Lương ngọc Thằng cho đó là một người. Cao Dụ cho là người nước Tề, thường làm quan ở Sở. 2. Tương Lý Thị Trong sách Hàn Phi có ghi tên ông, trong sách Trang Tử lại chép là Tưởng lý Cần. Sách thuyết văn cho là họ Tương Lý, tên Cần. Thành huyền Anh cho ông là thầy Mặc ở phương Nam. 3. Tương Phu Thị Sách Hàn Phi cũng có chép tên ông, có chỗ lại chép là Bá phu. Tôn di Nhượng cho là chữ Tương với chữ Bá giống nhau, nhưng phải viết chữ Bá mới đúng. 4. Đặng Lăng Tử Trong sách Hàn Phi cũng có chép tên ông, sách Trang Tử cũng gọi ông là Mặc gia của phương Nam. Ông là công tử nước Sở, thực ấp là Đặng Lăng, nhơn đó, lấy làm họ luôn. Đặng Lăng Tử có phải là người nước Sở không? Vì Trang Tử đã viết ông là Mặc gia của phương Nam, nên mới nghĩ như thế. 5. Nhược Hoạch 6. Kỷ Xỉ Trang Tử cũng cho là Mặc gia của phương Nam. Sách thích văn dẫn lời của Lý Âu cho đó là tên của hai người chớ không phải một. 7. Ngũ Hậu Tử Sách Trang Tử chép là đệ tử của Tương lý Cầu. Tôn di Nhượng viết: Ngũ hậu, họ Ngũ, ngày xưa cũng có họ Ngũ như Ngũ Tử Tư. 8. Ngã Tử Trong sách Hán chí có chép tên ông nầy, sách Ngươn hòa tánh soán thì lại chép Ngã thị và cho rằng ông là người của thời Lục Quốc. 9. Truyền Tử Trong sách Luận Hoành có chép: Truyền Tử biện luận với môn đệ đạo Nho là Đổng vô Tâm. 10. Mạnh Thắng 11. Điều Tương Tử 12. Từ Phước Một cự tử trong môn phái Mặc Tử, trong sách Lã thị Xuân Thu có chép tên ông nầy. 13. Phúc Hoàng Cũng là một cự tử trong Mặc gia, ông ở nước Tần, con ông giết người, Tần Huệ Vương ra lịnh cho quan lại đừng bắt tội, nhưng ông không đồng ý và bảo rằng phải thi hành đúng với đạo lý của Mặc gia, và ông giết con để trị tội, chuyện nầy có chép trong sách Lã thị Xuân Thu. 14. Di Chi Thiên Đằng văn Công trong sách Mạnh Tử có chép môn đệ họ Mặc là Di Chi muốn ra mắt, nhưng Mạnh Tử từ chối. 15. Tạ Tử 16. Đường Cô Quả Một môn đệ của Mặc gia ở phương Đông là Tạ Tử sắp đến ra mắt Tần Huệ Vương. Môn đệ họ Mặc ở nước Tần là Đường cô Quả ngăn không cho... Chuyện nầy thấy có chép trong Lã thị Xuân Thu và Hoài Nam Tử. Sách Hoài Nam chép là Đường cô Lương, nhưng chưa biết Lương hay là Quả đúng... 17. Địch Môn đệ Mặc gia, người nước Trịnh, nhưng anh là Hưởn lại là môn đệ của Nho gia. Anh em biện luận, người cha lại theo phe Địch, Hưởn tự sát. Chuyện nầy có chép trong sách Trang Tử. * Trở lên họ Tôn đã sưu tập được tất cả 39 người của môn đệ Mặc gia ; Địch, người nước Trịnh, thấy có chép trong sách Trang Tử, nhưng không biết họ là gì, chỉ ghi tên nhưng tên ông lại đồng với tên Mặc Địch, nghi đó là lối ngụ ngôn của Trang Tử, mà không có người thật. Mặc gia đã từng hưng thạnh một thời, mà đệ tử và kẻ hậu học, chỉ có thể tìm được tánh danh có 38 người, thật là một điều đáng tiếc. Một điều cần chú ý thêm trong phái Mặc gia là: Mặc Tử thường cho học trò đi làm quan ở các nước, nếu có hành vi trái với tôn chỉ của Mặc gia là bị gọi về. Phái Mặc Tử lại có thể bảo đệ tử bước vào nước sôi, lửa bỏng để thi hành nhiệm vụ, mà không một lời từ chối, như thế thì tổ chức của Mặc gia rất chặt chẽ, kỷ luật nghiêm minh như một đoàn thể chánh trị, mà môn đệ tuyệt đối phục tòng mạng lịnh của lãnh tụ. Lúc còn sống, Mặc Tử là lãnh tụ duy nhứt, sau khi ông mất, thì các môn đệ cự tử nối tiếp, người thừa kế nhiệm vụ được người trước chỉ định để gìn giữ giềng mối nghiêm minh của môn phái, y như trong tổ chức tôn giáo.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC