BÁCH GIA CHƯ TỬ
THƯƠNG ƯỞNG - THÂN BẤT HẠI HÀN PHI - LÝ TƯ - LỮ BẤT VI
TRẦN VĂN HẢI MINH
Thảo Đường cư sĩ Trần Văn Hải Minh. Bách gia chư tử. Các môn phái triết dưới thời Xuân thu Chiến quốc. Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học Tp. Hồ Chí Minh, 1991.
Thương ưởng, Thân bất Hại là những Pháp gia trong thời kỳ đầu, còn Hàn Phi và Lý Tư thì thuộc vào thời kỳ sau. Trong thiên Định pháp, Hàn Phi luận về Pháp gia, đặc biệt nêu tên hai người là Thương Ưởng và Thân bất Hại, đó là hai người đúng là những chánh trị gia thời Chiến Quốc. Truyện Thương Quân trong sách Sử ký rất rườm rà, nay xin căn cứ theo Tiên nho Kiến hầu, lược lại cho gọn. Thương Ưởng lược khảo Thương Ưởng là thứ công tử nước Vệ [dòng thứ] ông tên Ưởng, họ Công Tôn, tổ phụ ông vốn là họ Cơ. Thương Ưởng lúc còn nhỏ rất thích ngành học Hình danh, thờ Ngụy tướng là Công thúc Tỏa... Công thúc Tỏa biết ông giỏi, nhưng chưa có dịp tiến cử ông... Gặp lúc Thúc Tỏa bịnh, Ngụy Huệ Vương thân đến thăm bịnh và hỏi : - Công thúc bịnh... Nếu không có gì kiêng kỵ, xin hỏi, sắp tới phải tế xã tắc như thế nào? Công thúc Tỏa thưa : - Đứa thứ tử của tôi là Công tôn Ưởng, tuổi tuy còn nhỏ nhưng có kỳ tài, xin vua hãy chú ý đến những lời nói của nó... Huệ Vương lặng thinh không nói gì... lại sắp sửa ra đi. Bảo người trong nhà tránh mặt, Thúc Tỏa thưa : - Nếu vua không nghe lời khuyên nên dùng Thương Ưởng, vậy thì phải giết ngay, không cho nó rời khỏi nơi nầy! Huệ Vương đồng ý và ra về. Công thúc Tỏa gọi Thương Ưởng vào và từ tạ: - Hôm nay, vua có hỏi ta, ai có thể làm Tướng quốc, ta tiến cử ngươi... nhưng thái độ của vua là không đồng ý, ý riêng của ta là lo cho vua trước, mà bầy tôi thì sau, nhơn đó mới bảo vua: "Nếu không dùng Ưởng thì nên giết nó... Vua đã đồng ý như vậy ngươi phải đi trốn cho mau..." Thương Ưởng đáp: - Nếu vua không nghe lời tướng công để dùng tôi, thì đâu có thể nghe lời tướng công để giết tôi! Thương Ưởng liền không đi. Huệ Vương ra về, bảo kẻ tả hữu: - Công thúc bịnh nhiều, thật đáng buồn, nhưng lại muốn quả nhơn dùng Công tôn Ưởng để trị nước, thật là trái lễ. Công thúc Tỏa chết, Thương Ưởng nghe Tần hiếu Công hạ lịnh cầu người hiền trong nước, để trau dồi cơ nghiệp của Mục Công phía Đông lấy lại những đất bị xâm lấn, Thương Ưởng liền nhờ sủng thần của Hiếu Công là Cảnh Giám xin đến ra mắt. Qua bốn lần gặp, mà sau đó, Hiếu Công mới thích. Thương Ưởng cho Cảnh Giám biết: - Ban đầu tôi nói với vua về Đế đạo... nhưng vua không nhận được. Kế đó tôi nói với vua về Vương đạo, mà không thể vào được. Sau đó tôi nói về Bá đạo, vua khen hay mà không dùng. Tôi bèn nói cái đạo làm cho nước mạnh, vua rất thích. Như thế thì làm sao sánh đức với nhà Ân, Châu được? * Hiếu Công muốn dùng Thương Ưởng biến pháp [thay đổi chế độ cai trị] nhưng sợ thiên hạ dị nghị mình, liền triệu tập quần thần bàn bạc về chuyện ấy. Cam Long và Đỗ Chí đều phản đối biến pháp. Thương Ưởng nói: - Cai trị không phải có một đạo, làm tiện lợi cho nước không nhứt thiết phải theo xưa, cho nên vua Thang, vua Võ không theo phép xưa mà làm nên nghiệp Vương, nhà Hạ, nhà Ân không đổi Lễ mà mất, thế nên làm trái với đạo xưa chưa chắc là đã sai, và theo Lễ cũ, cũng chưa chắc là đầy đủ... Hiếu Công liền phong cho Thương Ưởng làm chức Tả thứ Trưởng, và quyết định lịnh biến pháp : ra lịnh cho dân vào đội ngũ, ai không tố cáo kẻ gian bị tội chém ngang lưng, người cáo kẻ gian được thưởng như chém đầu giặc, chứa chấp kẻ gian đồng tội với đầu hàng địch, nhà có 2 đứa con trai trở lên nếu không ra riêng thì đánh thuế gấp đôi, có quân công (công đánh giặc) thì sĩ tốt được thượng tước, đánh lộn thì bị hình phạt, lớn hay nhỏ gì cũng phải rán sức làm việc. Cày ruộng, dệt vải có nhiều lúa, lụa được huởng, kẻ nào làm không được việc, lười biếng sanh ra nghèo nàn thì thâu tài sản bắt làm nô lệ. Người trong Tôn thất, nếu không có quân công thì không còn được ở hàng Tôn thất, tôn ti, tước trật, đẳng cấp phân biệt rõ ràng. Tên gọi điền trạch, thần thiếp, y phục đều có thứ lớp, phân minh. Kẻ có công thì hiển vinh, kẻ không công thì dù cho giàu cũng không được vinh hạnh. [Chức tước nhà Tần có 20 cấp. Tả thứ trưởng là cấp thứ 10. Thứ trưởng là chức chỉ huy quân sự, dưới chức Đại thứ trưởng. Đại thứ trưởng thuộc cấp thứ 18]. Lịnh biến pháp gồm 6 điều: 1. Ra lịnh cho dân phải tổ chức thành đội ngũ, như chế độ bảo giáp hay tổ chức nhơn dân tự vệ ngày nay. 2. Ra lịnh cho dân nhà nào có hai người con trai trở lên phải ra riêng để tăng số hộ khẩu. 3. Thưởng người có quân công, trừng phạt kẻ đánh lộn, làm cho dân mạnh dạn trong việc đánh giặc mà nhát chuyện đánh lộn riêng tư. 4. Khen thưởng việc cày cấy trồng dâu dệt vải để tăng gia sản xuất. 5. Dòng Tôn thất không quân công thì không được nối chức để ức chế lớp quí tộc không làm việc 6. Kẻ không công lao, tuy giàu cũng không được vinh sang, để ức chế lớp hào phú không làm việc. Chư tử thời Tiên tần đều noi theo xưa mà thay đổi chế độ, duy Pháp gia thì lại biến cải thời xưa để thay đổi chế độ [xem thêm quyển Thương Quân Thơ, thiên Tống chú]. Lịnh đã chuẩn bị xong xuôi, nhưng chưa ban ra, Thương Ưởng sợ dân không tin mình, liền dựng cây cao 3 trượng ở cửa phía Nam quốc đô, ra lịnh cho dân, hễ ai có thể dời cây ấy đến cửa Bắc thì cho 10 nén vàng. Dân chúng lấy làm lạ, không một ai dám dời, rồi lại ra lịnh tiếp: - Nếu ai dời được sẽ thưởng 50 nén. Có một người đến dời thử, liền được thưởng ngay 50 nén vàng, để chứng tỏ là người trên không lừa dối. Sau đó liền hạ lịnh Biến pháp. Năm đầu, người nước Tần cho là lịnh bất tiện, kể có số ngàn, thi hành lịnh 10 năm, nước Tần đại trị, chừng đó, những người trước kia cho là bất tiện bây giờ lại nói là rất tiện. Thương Ưởng nói: - Đó là những người dân làm rối loạn phép tắc. Liền dời hết bọn người ấy ra biên giới. Sau đó, người nước Tần không một ai dám dị nghị gì về pháp lịnh cả. [Về chuyện nầy sách Tần Bản Kỷ có chép : Ban đầu khi thi hành pháp lịnh mới, bách tánh ai cũng cho là khổ, nhưng sau 3 năm thi hành, bách tánh lại cho là tiện lợi]. Rồi Thương Ưởng được phong chức Đại lương tạo, đem binh vây An ấp của Nguỵ... nước Ngụy hàng. [Chức Đại lương tạo của Tần là ở cấp 16, cũng gọi là Đại thượng tạo. Theo Tần Bản Kỷ thì Thương Ưởng được phong chức Đại lương tạo vào năm thứ 10 đời Hiếu Công. An ấp là thủ đô của Ngụy]. Năm thứ 12 đời Hiếu Công, nước Tần từ đất Ung dời đô đến Hàm dương, mở rộng bờ cỏi, bình thuế khóa, định việc đo lường, rồi năm 15, phong Thương Ưởng làm Tướng quốc. Thái tử phạm pháp. Thương Ưởng nói: - Pháp mà không thi hành được là do người trên phạm. Vì thái tử là người nối dõi cho vua, nên không thể thi hành luật, liền cắt mũi người thái phó là công tử Kiền, và xâm mặt sư phó là Công tôn Giả. Gặp lúc Tề tướng là Điền Kỵ đánh quân Ngụy đại bại ở Mã Lăng, Hiếu Công dùng kế của Thương Ưởng, thừa cơ sai Ưởng đem binh đánh Ngụy. Thương Ưởng giả vờ cùng Ngụy tướng là công tử Cung ăn thề, rồi đánh bất ngờ và bắt cầm tù công tử Cung, đại phá quân ấy, nước Ngụy cắt đất Hà Tây để làm hoà, rồi lìa bỏ An ấp, đến đóng đô ở Đại Lương. Vua Huệ Vương tức mà nói rằng: - Ta hối hận đã không nghe lời Công thúc Tỏa. Thương Ưởng trở về, Hiếu Công phong cho đất Thương 15 ấp, và lấy hiệu là Thương Quân. Thương Quân làm Tướng Quốc nước Tần 10 năm, các hàng Tôn thất và quí thích đều oán ghét, Triệu Lương đến ra mắt Thương Quân và khuyên ông nên trở về đất phong 15 ấp...ông không nghe. Được 5 tháng, Hiếu Công mất, thái tử Tứ lên ngôi, đó là Huệ Văn Vương. Bọn công tử Kiền tố cáo Thương Quân muốn làm phản, vua sai người đến bắt, Thương Quân chạy ra cửa ải, muốn vào ở nhà trọ, người chủ không biết đó là Thương Quân liêàn từ chối nói rằng: - Pháp lịnh của Thương Quân, nếu cho người lạ ở trọ mà không biết rõ thì sẽ bị tù. Thương Quân than: - Cái hại làm pháp lịnh đi đến nỗi nầy! Liền chạy qua nước Ngụy. Người Ngụy oán ông, lại sợ Tần, liền đưa ông trở về Tần. Thương Quân lại vào đất Tần, chạy vào Thương ấp, phát ấp binh. Tần cũng phát binh đánh, đuổi và giết ông ở Trịnh mẫu trì, rồi dùng xe xê xác ông để trị tội, và diệt luôn cả gia đình ông. Những người đã học với Thương Quân, tìm gom góp những pháp lịnh thành pho Thương Quân thơ. [Trong Hán chí, phần Pháp gia, có Thương Quân thơ gồm 29 thiên, ngày nay còn 24 thiên]. * Đồng thời với Thương Ưởng có Thân bất Hại, Thương Quân làm tướng quốc cho Tần, còn Thân Tử thì làm tướng quốc cho nước Hàn, đều nắm trong tay chánh quyền thực tế, duy 2 nước Tần và Hàn mạnh yếu không giống nhau, chánh sách khác nhau, cho nên công nghiệp cũng khác. Thương Quân chỉ nói "Pháp", còn Thân Tử thì dùng "Thuật", tuy chánh sách có khác, nhưng cũng đều là Pháp gia trong thời kỳ đầu của Chiến Quốc. Hàn Phi là Pháp gia thời kỳ sau của Chiến Quốc, nhưng không có nắm chánh quyền, mà học thuyết của ông lại gom được cái sở trường của Thương Quân và Thân Tử. Thân Tử và Hàn Tử, trong Sử ký chép chung với Lão Trang thành một truyện, Kiến hầu căn cứ theo đó, viết thành truyện Thân, Hàn. Thân Bất Hại, Hàn Phi Truyện Khảo Thân bất Hại là người đất Kinh, một người tôi tầm thường ngày xưa của nước Trịnh, ông học "thuật" để cầu lộc với Hàn Chiêu Hầu. Chiêu Hầu dùng ông làm tướng quốc, bên trong sửa đổi chánh trị, giáo dục: bên ngoài ứng phó với chư hầu suốt 15 năm; trọn đời của Thân Tử, ông làm cho quốc trị, binh cường, không ai xâm phạm nước Hàn cả. Cái học của Thân Tử, gốc ở Hoàng Lão, mà chỉ là Hình Danh, viết sách gồm 2 thiên, đề là Thân Tử. [Truyện Thân bất Hại so với Thương Quân, thật là sơ lược.. . đất Kinh là một ấp của nước Trịnh, thành cũ hiện nay ở phía Đông huyện Bình Diên, tỉnh Sơn Tây... Như thế thì Thân bất Hại là người nước Trịnh]. * Hàn Phi là một công tử nước Hàn, thích cái học Hình, Danh, Pháp, Thuật...mà gốc là Hoàng Lão... Hàn Phi là người có tật cà lăm nên không thể thuyết đạo được mà chỉ giỏi về viết sách. Ông với Lý Tư thờ Tuân Khanh, và Lý Tư cho rằng mình không bằng Hàn Phi. Hàn Phi thấy nước Hàn nhỏ yếu, cho nên nhiều lần viết thơ khuyên can vua Hàn, vua Hàn không dùng vì thế Hàn Phi rất ghét việc trị nước mà không biết sửa sang cho pháp chế sáng tỏ, chỉ nắm thế lực mà ngự trị thần hạ. Còn chuyện tìm người, dùng kẻ giỏi, thì trái lại, cử kẻ phù phiếm, sa đọa như bọn sâu mọt mà giao cho việc quan trọng. Ông cho rằng phái Nho dùng văn để làm rối loạn " pháp ", bọn hiệp sĩ thì dùng võ để phạm điều cấm... Khi thảnh thơi thì phải dùng người danh dự, khi gấp thì phải dùng kẻ sĩ áo giáp...Nhưng ngày nay thì nuôi người không có chỗ dùng, mà dùng người thì là người không nuôi dưỡng. Ông buồn việc kẻ thanh liêm, ngay thẳng không ở được với bọn tôi tà vậy, nhìn chuyện biến đổi của thành công và thất bại đã qua, ông đã viết mấy thiên : Cô phẫn, Ngũ đố, Nội ngoại từ thuyết, Thuyết lâm, Thuyết nan, gồm hơn 10 vạn lời... Có người truyền sách ông đến nước Tần, vua Tần thấy mấy thiên Cô phẫn, Ngũ đố, liền nói: - Hỡi ơi! Quả nhơn mà được gặp người nầy, cùng giao thiệp thì dù có chết cũng không hận vậy! Lý Tư thưa: - Đây là quyển sách của Hàn Phi viết. * Nước Tần đánh Hàn rất dữ... Ban đầu vua Hàn không dùng Hàn Phi, đến lúc bối rối liền sai ông đi sứ qua Tần. Vua Tần rất thích, nhưng chưa tin dùng, Lý Tư và Diên Cổ muốn hại ông nên gièm pha : - Hàn Phi là một công tử nước Hàn, bây giờ vua muốn gồm thâu chư hầu, thì thế nào Hàn Phi cũng không bỏ nước Hàn, mà lo cho Tần được, đó là tình cảm tất nhiên của con người. Bây giờ vua không dùng mà giữ lại lâu, đó là giữ cái hại vậy... Chẳng thà tìm cách mà giết y... Tần Vương nhận là phải, liền sai người trị tội Phi, Lý Tư lại sai người đưa đến thuốc độc, để Hàn Phi tự sát. Hàn Phi muốn trần tình, nhưng không thể gặp vua được... Sau đó Tần Vương hối hận, liền sai người đến tha tội, nhưng Hàn Phi đã chết. [Chuyện Hàn Phi, so với chuyện Thân bất Hại, có phần rõ ràng hơn, Hàn Vương tên là An... Ngũ đố [5 loài sâu mọt] đây là: một là nho, hai là du sĩ, ba là du hiệp, bốn là tả hữu cận thần, năm là bọn công thương không lo cày cấy... Chuyện Hàn Phi có tật cà lăm có người nghi ngờ không dám quả quyết, vì Phi có viết thiên "Nan ngôn" biết đâu người đời sau suy diễn mà cho ông cà lăm. Lý Tư và Hàn Phi đều là đệ tử của Tuân Tử và cũng đồng là Pháp gia, nhưng Lý Tư lại nhẫn tâm sát hại bạn đồng môn mình là một điều hết sức chua xót... Hàn Phi có viết sách để lại cho đời sau, còn Lý Tư thì không... nhưng Hàn Phi thì không được nhà cầm quyền dùng còn Lý Tư thì công nghiệp hiển hách một thời. Về chuyện của Lý Tư, xin trích trong Sử ký, vì đây là tài liệu khá đầy đủ nhứt hiện nay] Lý Tư Truyện Lý Tư là người đất Thượng Thái nước Sở, hồi nhỏ làm chức quan thường. Ông thấy có con chuột ở trong nhà xí, đã ăn dơ, lại còn bị chó đuổi, còn chuột trong kho, được ăn lúa tốt lại không bị chó rượt, liền than: - Con người có tài và bất tài, y như loài chuột, chỉ tại chỗ ở của mình mà thôi. Liền theo Tuân Khanh học cái thuật của Đế Vương, đã thành công, nhận thấy Sở Vương không đáng cho mình thờ, và trong số Lục quốc không có gì để cho mình gầy dựng được công nghiệp cả, nên muốn đi về phía Tây, vào nước Tần. Ông liền từ giã Tuân Khanh và thưa: - Tư nầy nghe gặp thời thì không nên chậm trễ, ngày nay nước muôn cổ xe đang tranh nhau, kẻ du thuyết được trọng dụng. Vua Tần muốn gồm thâu thiên hạ, xưng đế để trị, đây là lúc kẻ áo vải đi du thuyết đó...Ở chỗ vị trí thấp hèn, kế hoạch mình không được thi hành, như nhìn thịt trước mắt mà không ăn được, tuy mặt mũi như người nhưng không bằng ai cả...cho nên không gì nhục bằng ti tiện, không gì buồn bằng bần cùng. Ở lâu nơi vị trí ti tiện và chỗ khốn khổ rồi chê đời và gọi là ghét lợi lộc, tự dấn mình vô chỗ vô vi, đó không phải là cái tình hợp lý lẽ của kẻ sĩ...cho nên Tư sẽ đi về phía Tây để du thuyết với Tần Vương. Đến nước Tần, xin làm xá nhơn [người trong nhà] cho Thừa tướng nước Tần là Lữ bất Vi...Bất Vi khen ông giỏi, liền cho làm chức Lang, nhờ đó mà được ra mắt vua Tần Vương Chánh. Vua liền cho làm Khách khanh. Lúc đó bầy tôi nước Tần chủ trương đuổi những người của Lục quốc đang làm quan ở Tần, Lý Tư cũng ở trong số người bị đuổi, liền dâng thơ can vua Tần, vua liền bỏ lịnh đuổi khách...và phục chức cho Lý Tư. Ông làm quan cho đến chức Đình Úy, năm thứ 26 đời Tần Vương Chánh, nhà Tần thống nhứt Lục quốc rồi xưng là Thủy Hoàng Đế, và dùng Lý Tư làm Thừa tướng, bỏ chế độ phong kiến, làm quận, huyện, thành, thâu tất cả binh khí, đúc 12 người đồng để biểu thị là chẳng dùng việc binh nữa, đa số chủ trương đó đều do chánh sách của Lý Tư. Năm thứ 34 đời Thủy Hoàng, bày tiệc rượu ở cung Hàm Dương, bác sĩ, bộc xạ, bọn Châu Thanh Thần đều tán tụng công đức Thủy Hoàng. Bác sĩ Thuần vu Việt tố cáo Thanh Thần a dua ngoài mặt, mà lại phản đối việc bỏ chế độ phong kiến, cho rằng việc làm như thế là không theo thời xưa...nên không thể lâu dài được... Thủy Hoàng liền hạ lịnh bình nghị về việc đó... Lý Tư dâng thơ nói rằng: Kẻ sĩ thời Lục quốc, đều nói đến đạo xưa mà chê đạo ngày nay, cho cái học riêng của mình là hay, mà chê cái xây dựng của bề trên. Bây giờ bệ hạ đã thâu gồm thiên hạ, phân biệt trắng đen mà định một ngôi tôn quí, bọn học riêng tư lại chê trong lòng và bàn bạc lén, mỗi người lấy cái học riêng của mình để chê chế độ pháp giáo của nhà vua, chê vua để có danh cho mình, thích cái lạ để làm cao, đem bọn thuộc hạ gây chuyện phỉ báng, như thế mà chẳng cấm thì thế của vua từ trên xuống, mà thành ra thấp. Việc cấm đoán rất tiện, thần xin những người có sách văn học, thi thơ và Bách gia, đem ra trừ khử cho hết, lịnh ra trong vòng 30 ngày, nếu ai không đem đốt bỏ, thì thích vào mặt và bắt đi đắp thành. Các loại sách không đốt bỏ là : sách y dược, bói toán và trồng cây. Nếu ai muốn học thì phải nhờ quan làm thầy dạy. Thủy Hoàng làm y theo lời, liền đốt sách, làm sáng pháp độ, định luật lịnh, các điều ấy đều bắt đầu từ thời Thủy Hoàng. Đồng với sách vở, luật lịnh, các pháp đo lường đều qui định, các việc làm ấy đều có công của Lý Tư dự vào. Trưởng tử của Lý Tư là Do làm Thái thú đất Tam Xuyên, các con ông đều cưới các công chúa nước Tần, con gái thì gả cho các công tử nước Tần. Do xin về qui lão, Lý Tư đặt tiệc ở nhà, trăm quan đều đến chúc thọ. Lý Tư than thở: - Tôi nhớ lời dạy của Tuân Khanh " Phàm sự vật cấm quá thạnh " nhưng Tư nầy là kẻ áo vải ở Thượng Thái, mà bậc nhơn thuần ngày nay không ai hơn Tư nầy, có thể nói là tôi đã giàu sang tột bực, nhưng tôi chưa nhận thấy là mình bị bỏ... Tháng 10, năùm thứ 37, Thủy Hoàng ra đi tuần thú đến Cối Kê, noi theo biển đi lên, phía Bắc đến Lang gia, thừa tướng Lý Tư, giữ nhiệm vụ Trung xa phủ lịnh kiêm Hành phù di lịnh. Triệu Cao và đứa con nhỏ của Thủy Hoàng là Hồ Hợi đều có đi theo. Tháng 7 năm sau, đến đất Sa Khâu, Thủy Hoàng bịnh nặng, liền sai Triệu Cao làm tờ chiếu, triệu con lớn là Phò Tô đến Thượng quận, và tướng Mông Điềm theo lo việc quân, lịnh đến lo việc tang ở Hàm Dương. Tờ chiếu đã xong, nhưng chưa đưa cho sứ giả và ấn thì còn ở tại dinh Triệu Cao. Thủy Hoàng băng, Lý Tư nghĩ rằng vua băng ở ngoài, thái tử chưa lập, liền để Thủy Hoàng trong xe và giữ bí mật. Triệu Cao thuyết phục Hồ Hợi để lập y làm Thái tử. Hồ Hợi tuân theo, Triệu Cao liền uy hiếp Lý Tư, nói dối là đã lãnh di chiếu lập Hồ Hợi làm thái tử, làm tờ di chúc khác và trao luôn ấn kiếm rồi sai Hồ Hợi đến Thượng Quận , ra lịnh cho Phò Tô tự sát, và cho Mông Điềm tự chọn cái chết...và trao quyền cầm quân cho tướng Vương Ly. Phò Tô nhận được chiếu giả liền tự sát, Mông Điềm không chịu tuân lịnh liền bị bắt giam ở Dương Châu rồi chết trong ngục. Sứ giả trở về báo cáo, đến Hàm Dương mới phát tang, thái tử Hồ Hợi lên nối ngôi, đó là Nhị thế hoàng đế. * Vua Nhị Thế thường ở trong cung cấm, Triệu Cao giữ chức Lang trung lịnh chuyên quyền, bọn đại thần như Mông Nghị và các công tử, công chúa và quần thần bị giết rất nhiều. Trước kia, Thủy Hoàng xây cất cung A phòng chưa xong. Nhị Thế tiếp tục và hoàn thành, việc bắt xâu liên miên, thuế má càng nặng nề. Bọn đi thú ở Sở là Trần Thiệp làm loạn, giặc cướp nổi lên khắp nơi và tràn đến đất Tam Xuyên, Lý Do [con Lý Tư] không sao ngăn được, cho đến lúc Chương Hàm phá được Trần Thiệp, sứ giả lên án là Tam Xuyên thú thông đồng với giặc. Lý Tư sợ liền dâng sớ xin làm việc hết mình để được Nhị Thế tín nhiệm. Vì việc làm càng nghiêm, kẻ nào thu thuế dân nhiều là quan lại tốt, giết người nhiều là người tôi có năng lực. Triệu Cao gièm xiểm Lý Tư, cho rằng làm Thừa tướng mà quyền nhiều hơn Hoàng đế, và Lý Tư muốn làm việc mà Điền Thường đã làm [làm phản], bọn Trần Thiệp đều là người nước Sở, khi đến Tam Xuyên, Lý Do không chịu đánh, và cũng thường nghe hai bên thường thơ từ qua lại với nhau v.v... Lý Tư cũng dâng sớ, kể những chỗ sai lầm của Triệu Cao. Nhị Thế liền ra lịnh cho Triệu Cao làm án Thừa tướng Lý Tư và con là Lý Do về tội mưu phản. Lý Tư bị bắt, từ trong ngục, ông dâng sớ để biện bạch, Triệu Cao ra lịnh xé sớ và nói rằng : - Tên tù đâu có thể dâng sớ cho vua được! Triệu Cao liền nói dối là Lý Tư đã chịu tội. Án đã đầy đủ, Nhị Thế liền nói: - Nếu không có Triệu Quân thì ta đã bị Thừa tướng bán đứng rồi ! Nhị Thế sai sứ giả đến Tam Xuyên, thì Lý Do đã bị Hạng Lương đánh và giết chết... Sứ giả trở về, Triệu Cao lại nói dối là Lý Do đã làm phản. Tháng 7, năm thứ 2 đời Nhị Thế, Lý Tư bị tội chém ngang lưng ở chợ Hàm Dương, lúc sắp bị hành hình, Lý Tư nhìn đứa con giữa nói : - Bây giờ ta muốn với con được dắt con chó ra cửa Đông đất Thượng Thái cũng không còn được nữa ! Cha con cùng khóc, rồi bị tru di tam tộc. [Lý Tư giúp Tần Thủy Hoàng định quận huyện chế, thống nhứt văn tự, định pháp đo lường, nước Trung Hoa từ đời Hán đến đời Thanh, pháp luật và chế độ đều theo nhà Tần, đó là thành tích to lớn của Lý Tư, mặc dầu ông không có viết sách nhưng đó là một kỳ tài của Pháp gia, chỉ vì ông tham luyến vinh hoa phú quí, tuy biết là " Sự vật cấm không nên quá thạnh ", nhưng ông vẫn không tránh được] * Lý Tư, khi mới đến nước Tần, chưa làm Thừa tướng, đã làm xá nhơn cho Lữ bất Vi. Sách Hán chí, phần Tạp gia có Lã thị Xuân Thu, trong lời chú có viết: Thừa tướng Lữ bất Vi gom kẻ sĩ có trí lược để viết...Như thế thì rõ ràng không phải quyển sách ấy do Lữ bất Vi viết, nhưng Lã thị Xuân Thu là một quyển sách nổi tiếng của phái Tạp gia, nên cũng cần tìm hiểu sự tích của Lữ bất Vi, người đã đứng tên quyển sách ấy. Tài liệu sau đây trích trong quyển Sử ký. Truyện Lữ Bất Vi Lữ bất Vi là một thương gia lớn ở Dương Địch, thái tử của Tần Chiêu Công chết nên đem thứ tử là An quốc Quân Trụ làm Thái tử. Phu nhơn của ông nói: - Hoa dương phu nhơn [vợ An quốc Quân] được sủng ái mà không con, Hạ cơ sanh Tử Sở, đi làm con tin ở Triệu, rất nghèo. Bất Vi liền nói: - Đó là hàng hoá đặc biệt, có thể chứa... Liền qua du thuyết...Ông đi từ phía Tây đến nước Tần, đem những của báu lạ, những món đẹp đến hiến Hoa dương phu nhơn. Phu nhơn liền nói với An quốc Quân, xin nuôi Tử Sở làm đích tử. Bất Vi có người hầu là Hàm Đan, đã có thai, liền đem tiến dâng cho Tử Sở, khi sanh con đặt tên là Chánh. Tần Chiêu Vương mất, Trụ lên ngôi, lập Hoa Dương phu nhơn làm hoàng hậu, Tử Sở làm thái tử. Trụ lên ngôi một năm mà mất đó là Hiến Văn Vương... Tử Sở lên ngôi, dùng Bất Vi làm Tướng quốc, phong làm Văn tín hầu. Tử Sở lên ngôi 3 năm mà mất, đó là Trang Tương Vương. Thái tử Chánh nối ngôi, tôn Bất Vi làm trọng phụ, Chánh tuổi nhỏ, thái hậu trước kia là ái thiếp Hàm Đan của Bất Vi, liền tư thông với ông. Bất Vi đã sang, liền gom các kẻ sĩ trí lược, khiến mỗi người ghi chép những hiểu biết của mình, thành pho Lã thị Xuân Thu, đem treo trước cửa chợ Hàm Dương rao nếu ai thêm bớt được một chữ, thì thưởng ngàn vàng. Đến khi Chánh lớn, tự cầm quyền, mà thái hậu dâm loạn không thôi. Bất Vi lại tiến cử một người đa dâm là Giao Độc, với thái hậu sanh hai đứa con. Việc đổ bể, Chánh giết hai đứa con, tru di tam tộc Gia Độc, miễn chức Bất Vi, ra lịnh cho ông về đất Hà Nam, sau lại đày ông đi đất Thục, Bất Vi rất sợ, liền uống thuốc độc tự sát.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC