THUYẾT KIÊM ÁI CỦA MẶC TỬ
NGUYỄN HIẾN LÊ
Nguồn: Nguyễn Hiến Lê. Mặc học (Mặc Tử và Biệt Mặc). Nxb. Văn Hóa. 1995.
Mặc dầu sống đầu thời Chiến Quốc, các nước xâm chiếm nhau mỗi ngày mỗi nhiều, chiến tranh mỗi ngày một ác liệt: Sở diệt Ngô, Thái, Kỉ; Việt diệt Cử, Đàm; các nước nhỏ khác như Đại, Đằng trước sau đều bị các nước mạnh thôn tính. Trong mỗi nước, việc giết vua, chiếm ngôi cũng thường xảy ra, như nước Trịnh giết Ai công, ba họ Hàn, Nguỵ, Triệu làm loạn nước Tấn, họ Điền chuyên quyền ở Tề. Mặc tử thấy những cảnh đó, thấy nỗi khổ của dân chúng, cho rằng không gì hại bằng loạn. Mà theo ông loạn chỉ do lòng tự tư, tự lợi của con người, không yêu người khác mà chỉ yêu bản thân mình, làm hại người để lợi cho mình. Chương trên chúng tôi đã dẫn hai đoạn trong thiên Kiêm ái thượng mạt sát lòng ích kỉ hại nhân đó: ở trong nhà, cha con, anh em không thương yêu nhau, ai cũng nghĩ làm lợi cho mình, cho nên mới loạn; ở trong nước, nhà nào, người nào, cũng không yêu nhau, chỉ nghĩ lợi cho mình, cho nên mới loạn; trong thiên hạ, các nước chư hầu cũng không yêu nhau, chỉ nghĩ làm lợi cho mình, cho nên mới loạn. Đầu thiên Kiêm ái hạ, Mặc tử còn nói rõ hơn nữa: “Hiện nay cái hại lớn nhất cho thiên hạ là gì? Đáp: “Là nước lớn đánh chiếm nước nhỏ, nhà lớn làm loạn nhà nhỏ, người mạnh hiếp kẻ yếu, số đông tàn bạo với số ít, người khôn lừa gạt kẻ ngu, người sang ngạo mạn người hèn, đó là cái hại cho thiên hạ. Lại như làm vua mà không huệ (nhân ái, gia ân), làm bề tôi mà không trung, cha không từ, con không hiếu, đó cũng là cái hại cho thiên hạ nữa. Lại như bọn đê tiện ngày nay dùng dao nhọn, thuốc độc, nước, lửa để làm hại lẫn nhau, đó cũng là cái hại cho thiên hạ nữa”. Thái độ tự tư, tự lợi đó, Mặc gọi là “Biệt”: phân biệt mình với người, chỉ yêu mình mà không yêu người. Biệt là bậy, nó chia rẽ lẫn nhau, làm hại lớn cho thiên hạ. Phải thay cho bằng “Kiêm” là gồm, gồm yêu mọi người, coi ai cũng như mình, làm lợi cho mọi người “Biệt” hại cho thiên hạ bao nhiêu thì “Kiêm” lợi cho thiên hạ bấy nhiêu: “Nếu thiên hạ đều gồm yêu lẫn nhau (kiêm tương ái), ai nấy đều yêu người như yêu thân mình thì còn kẻ bất hiếu nữa không? Coi cha anh và vua như thân mình thì còn kẻ bất hiếu, còn kẻ bất từ nữa không? Coi con em và bề tôi như thân mình thì làm gì còn kẻ bất từ? Cho nên bất hiếu, bất từ sẽ không còn nữa. Còn trộm cướp không? Đã coi nhà người như nhà mình thì còn ai ăn trộm nữa? Đã coi thân người như thân mình thì còn ai ăn cướp nữa? Cho nên sự ăn trộm với ăn cướp sẽ không còn nữa. Còn có đại phu làm loạn nhà nhau[1], vua chư hầu đánh chiếm nước nhau nữa không? Coi nhà người như nhà mình thì còn ai làm loạn nhà nhau? Coi nước người như nước mình thì còn ai đánh chiếm nước nhau? Cho nên cái nạn đại phu làm loạn nhà nhau, chư hầu đánh chiếm nước nhau sẽ không còn nữa. “Nếu thiên hạ gồm yêu lẫn nhau, nước nọ với nước kia không đánh chiếm lẫn nhau, nhà này với nhà kia không làm loạn lẫn nhau, trộm cướp không có; vua tôi, cha con đều hiếu từ, như thế thì thiên hạ trị”. (Nhược sử thiên hạ kiêm tương ái, ái nhân nhược ái kì thân, do hữu bất hiếu giả hồ? Thị phụ huynh dữ quân nhược kì thân, ố thi bất hiếu? Do hữu, bất từ, giả hồ? Thị tử đệ dữ thần nhược kì thân, ố thi bất từ? Cố bất hiếu, bất từ vô hữu. Do hữu đạo tặc hồ? Cố thị nhân chi thất nhược kì thất, thuỳ thiệt? Thị nhân thân nhược kì thân, thuỳ tặc? Cố đạo tặc vô hữu. Do hữu đại phu chi tương loạn gia, chư hầu chi tương công quốc giả hồ? Thị nhân gia nhược kì gia, thuỳ loạn? Thị nhân quốc nhược kì quốc, thuỳ công? Cố đại phu chi tương loạn gia, chư hầu chi tương công quốc giả vô hữu. Nhược sử thiên hạ kiêm tương ái, quốc dữ quốc bất tương công, gia dữ gia bất tương loạn, đạo tặc vô hữu, quân thần phụ tử gia năng hiếu từ, nhược thử tác thiên hạ trị 若使天下兼相愛,愛人若愛其身,猶有不孝者乎?視父兄與君若其身,惡施不孝? 猶有不慈者乎?視弟子與臣若其身,惡施不慈?故不孝不慈亡有, 猶有盜賊乎? 故視人之室若其室,誰竊?視人身若其身,誰賊?故盜賊亡有。猶有大夫之相亂家、 諸侯之相攻國者乎?視人家若其家,誰亂?視人國若其國,誰攻?故大夫之相亂家、 諸侯之相攻國者亡有。 若使天下兼相愛,國與國不相攻,家與家不相亂,盜賊無有,君臣父子皆能孝慈,若此則天下治) - Kiêm ái thượng. Kiêm ái lợi cho gia đình, quốc gia, thiên hạ như vậy, mà cũng lợi cho cá nhân nữa, vì: “Ai cũng đem tai tinh mắt sáng của mình mà trông nghe cho nhau, đem tay chân khoẻ mạnh làm lụng cho nhau, mà kẻ đạo lí thì hết lòng dạy bảo lẫn nhau. Cho nên người già nua mà không có vợ con thì được săn sóc, nuôi nấng cho trọn tuổi trời; trẻ em không có cha mẹ thì có chỗ nương tựa, được nuôi tới lớn”… (Dĩ thông nhĩ minh mục tương vi thị thính hồ! Thị dĩ cố quăng tất cường tương vi động qui cửhồ! Nhi hữu đạo tứ tương giáo hối. Thị dĩ lão nhi vô thê tử giả, hữu sở thị dưỡng dĩ chung kì thọ, ấu nhược cô đồng chi vô phụ mẫu giả, hữu sở phóng y dĩ trưởng kì thân hồ 是以聰耳明目相與視聽乎!是以股肱畢強相為動宰(举)乎!而有道肆相教誨。是以老而無妻子者,有所侍養以終其壽。幼弱孤童之無父母者,有所放依以長其身乎) – Kiêm ái hạ. Thật là “lô gích”: loạn do tự tư tự lợi mà sanh, dẹp lòng tự tư tự lợi đi mà yêu mọi người như chính mình, làm lợi cho mọi người như cho chính mình thì tất hết loạn, mà làm lợi cho mọi người thì cũng là làm lợi cho cá nhân mình. Vậy mà nhiều “kẻ sĩ trong thiên hạ” lại chê bai thuyết của Mặc, khiến ông phải bực mình, không hiểu tại sao. Thiên Kiêm ái thượng chỉ trình bày vắn tắt thuyết đó thôi, hai thiên trung và hạ chép thêm những lời chê bai và những lời đáp của ông. Các kẻ sĩ trong thiên hạ đó vạch ra bốn nhược điểm: kiêm ái là việc khó làm; dùng không được; không hợp đạo làm con; không hợp tình người. a/ Khó làm Thiên Kiêm ái trung chép: “Những kẻ sĩ quân tử ngày nay bảo: “Phải, gồm yêu lẫn nhau thì tốt đấy, nhưng việc đó không thể làm được. Nó khó như xách núi Thái Sơn nhảy qua sông [Hoàng] Hà, sông Tể (một chi nhánh của sông Hoàng Hà) vậy”. Mặc tử đáp: “So sánh như vậy không đúng. Xách núi Thái Sơn mà nhảy qua sông Hà, sông Tể là việc cần có sức mạnh, [chân] nhanh, [tay] cứng, từ xưa tới nay chưa ai làm được. Còn việc yêu với nhau, làm lợi lẫn cho nhau thì khác hẳn, thánh vương đời xưa đã làm rồi đấy”. (Thị phi kì thí dã. Phù khiết Thái Sơn nhi việt Hà, Tế, khả vị tật kính hữu lực hĩ; tự cổ cập kim vị hữu năng hành chi giả dã. Huống hồ kiêm tương ái, giao tương lợi, tắc thử dữ dị; cổ giả thánh vương hành chi 是非其譬也。夫挈太山而越河,濟,可謂畢劫有力矣。自古及今,未有能行之者也。況乎兼相愛,交相利,則與此異,古者聖王行之). Rồi Mặc dẫn việc vua Vũ nhà Hạ trị thuỷ, trừ lụt, khơi sông, đắp đê làm lợi cho các rợ Yên, Đại, Hồ, Lạc ở phía Tây, cho dân Kí Châu ở phía Đông, cho các nước Sở, Việt ở phía Nam; việc vua Văn vương nhà Chu cai trị miền Tây, bênh vực các nước nhỏ, săn sóc các người già yếu, cô quả; việc vua Võ vương nhà Chu lựa người hiền giúp mình để cứu dân đời Thương Hạ. Mấy thánh vương đó đều gồm yêu thiên hạ. Trong Kiêm ái hạ, Mặc còn dẫn những lời trong Thương Thư (thiên Thái thệ và thiên Vũ thệ) chép về Văn vương, vua Vũ nhà Hạ. Có người lại bảo thánh vương làm được, nhưng kẻ sĩ và dân chúng khó làm được. Ông đáp: “Vì các bậc sĩ quân tử không biết cái lợi, hiểu các nguyên nhân đấy. Nay cái việc đánh thành, giao chiến ngoài đồng, tự giết thân mình để được danh tiếng, trăm họ trong thiên hạ đều cho là khó, mà khi ông vua đã thích thì dân chúng cũng làm được, huống hồ là việc yêu gồm lẫn nhau, làm lợi lẫn cho nhau, có khó gì đâu. Hễ yêu người thì người tất yêu lại mình, làm lợi cho người thì người tất làm lợi lại cho mình, hễ ghét người thì người tất ghét lại mình, hại người thì người tất hại lại mình. Chỉ vì người trên không dùng kiêm ái làm chính sách, cho nên kẻ sĩ không coi đó là nết của mình đấy thôi” (Thiên hạ chi sĩ quân tử, đặc bất thức kì lợi, biện kì cố dã. Kim nhược phù công thành dã chiến, sát thân vị danh, thử thiên hạ bách tính chi sở giai nan dã; cẩu quân duyệt chi, tắc sĩ chúng năng vi chi. Huống ư kiêm tương ái, giao tương lợi, tắc dữ thử dị. Phù ái nhân giả, nhân tất tòng nhi ái chi, lợi nhân giả, nhân tất tòng nhi lợi chi, ố nhân giả, nhân tất tòng nhi ố chi, hại nhân giả, nhân tất tòng chi hại chi. Thử hà nan chi hữu? Đặc thượng phất dĩ vi chính, sĩ bất dĩ vi hạnh cố dã 天下之士君子,特不識其利、辯其故也。今若夫攻城野戰,殺身為名,此天下百姓之所皆難也。苟君說之,則士眾能為之。況於兼相愛,交相利,則與此異!夫愛人者,人必從而愛之;利人者,人必從而利之;惡人者,人必從而惡之。害人者,人必從而害之。此何難之有?特上弗以為政、士不以為行故也) – Kiêm ái trung. Mặc cũng lại dẫn việc xưa để chứng thực: Vua Văn công nước Tấn thích những kẻ sĩ bận áo xấu, cho nên bề tôi cũng bận áo xấu để bệ kiến và ngồi triều. Vua Linh vương nước Sở thích kẻ sĩ lưng thon, nên bề tôi chỉ ăn mỗi ngày một bữa, chưa đầy một năm, triều thần đều xanh xao. Vua Câu Tiễn nước Việt thích dũng sĩ, và bề tôi đều thành dũng sĩ, xô đẩy nhau, lăn xả vào cứu một chiếc thuyền bị cháy, đạp lửa mà chết có tới trăm người. Nhịn ăn, bận áo xấu, tự sát thân để được tiếng, những việc đó trăm họ đều cho là khó, vậy mà vua thích thì dân chúng cũng làm được. Tóm lại hễ vua thích thì dân theo. b/ Không dùng được Có người lại bảo: “Đạo kiêm ái tốt thật, nhưng dùng được không?” Mặc tử đáp: “Nếu không dùng được thì ngay tôi đây cũng chê. Vả lại, đâu có cái gì tốt mà không thể dùng được bao giờ”. (Dụng nhi bất khả, tuy ngã diệc tương phi chi. Thả yên hữu thiện nhi bất khả dụng giả 用而不可,雖我亦將非之。且焉有善而不可用者) – Kiêm ái hạ. Chúng ta thấy Mặc có tinh thần thực tiễn; ông đưa ra một thí dụ cụ thể để chứng tỏ rằng thuyết của mình dùng được. Ông thí dụ có hai kẻ sĩ, một kẻ chủ trương “Biệt” – ông gọi là Biệt sĩ – không yêu thân bạn như thân mình, người thân của bạn như người thân của mình, thấy bạn đói rét cũng mặc, đau ốm không săn sóc cho mà chết cũng không chôn cho; một kẻ chủ trương “Kiêm” ngược lại, coi thân bạn như thân mình, người thân của bạn như người thân của mình, bạn đói rét thì giúp cơm giúp áo, bạn đau ốm thì săn sóc, thuốc thang, bạn chết thì chôn cất tử tế. Rồi ông nói: “Nay có người sắp ra trận không biết sống chết ra sao, hoặc sắp phải đi xa không biết bao giờ về, thì người đó gởi gấm nhà cửa, vợ con cho người bạn chủ trương “Biệt” hay người bạn chủ trương “Kiêm”? Tôi cho rằng trường hợp đó, dù là ngu phu ngu phụ, ngay cả kẻ chê đạo kiêm ái cũng sẽ gởi gấm gia đình cho người bạn chủ trương Kiêm”. Người bác bẻ ông hỏi vặn thêm: “Phải, chọn kẻ sĩ chủ trương Kiêm thì được chứ làm sao chọn vua chủ trương Kiêm được?” Câu hỏi đó quan trọng, nêu lên một vấn đề căn bản về chính trị. Chúng ta đã biết, theo truyền thuyết thì trước vua Vũ nhà Hạ, Trung Hoa theo chế độ truyền hiền –ngôi vua truyền lại cho người hiền: Nghiêu truyền ngôi cho Thuấn, Thuấn truyền ngôi cho Vũ, Thuấn và Vũ đều là những người hiền, có công lao với dân, được dân kính trọng, tin cậy, chứ không phải là con của Nghiêu hoặc của Thuấn; rồi từ vua Vũ trở đi, ngôi vua mới truyền tử - truyền cho con là Khải. Tới thời Mặc tử, chế độ truyền tử đó đã thi hành được trên ngàn rưỡi năm, chưa có dấu hiệu gì bị lung lay cả. Dân chúng may thì gặp ông vua tốt, chẳng may thì gặp ông vua xấu (mà hạng vua xấu thời nào cũng nhiều), vậy dân làm sao lựa được vua? Trong một chương sau (về ý trời) ông gián tiếp trả lời câu đó; và ở đây, thì Kiêm ái hạ, ông tránh né, chỉ đáp đại ý rằng ai cũng muốn lựa ông vua chủ trương Kiêm ái. Ông cũng đưa ra một thí dụ: có một ông vua chủ trương Kiêm – Kiêm vương – “đặt thân của vạn dân trước thân của mình”, săn sóc cho họ khỏi phải đói rét, và một ông vua chủ trương Biệt – Biệt vương – cho rằng không thể coi thân của vạn dân như thân của mình được “cái đó trái với tình người quá mà” (thử đại phi thiên hạ chi tình dã), để cho dân đói rét, chết không cho cất cho, rồi ông hỏi gặp năm đói rét, có bệnh dịch thì nên chọn ông vua nào: tất nhiên là chọn ông chủ trương kiêm. c/ Không hợp đạo làm con” “Vì lo cho cha mẹ người như lo cho cha mẹ mình thì “không được lợi cho cha mẹ mình mà có hại cho đại hiếu”. Mặc đáp: Mình có yêu và có làm lợi cho cha mẹ người thì người mới đáp lại, yêu và làm lợi cho cha mẹ ta. Rồi ông dẫn tới thiên Đại nhã trong Kinh Thi: “Không một lời nào, một ân đức nào mà không được đền đáp; ném cho tôi một quả đào, tôi sẽ ném lại cho quả mận” (Vô ngôn nhi bất thụ, vô đức nhi bất báo, đầu ngã dĩ đào, báo chi dĩ lí 無言而不仇,無德而不報。投我以桃,報之以李) – Kiêm ái hạ. Mặc tử có lí một phần, và Mạnh tử trong thiên Đằng văn Công hạ - bài 9, mắng ông: “Họ Mặc kiêm ái, tức là không cha, không cha… thì là cầm thú” (Mặc thị kiêm ái, thị vô phụ dã, vô phụ… thì cầm thú dã). d/ Không hợp tình người Ở đoạn b/ - chúng tôi mới dẫn câu: “Thử đại phi thiên hạ chi tình dã” trong thiên Kiêm ái hạ. Câu đó chứng tỏ rằng Mặc tử biết có nhiều người cho đạo Kiêm ái của ông không hợp tình người, nhưng ông không đáp. Trong thiên Canh Trụ, bài 8, Vu Mã tử đặt hẳn vấn đề với ông một cách rất minh bạch. Vu bảo: “Tôi khác thầy, tôi không yêu gồm mọi người được. Tôi yêu người nước Trâu hơn người nước Việt, yêu người nước Lỗ hơn người nước Trâu, người làng tôi hơn người nước Lỗ, yêu người nhà tôi hơn người làng tôi, yêu cha mẹ tôi hơn người nhà tôi, tôi yêu thân tôi hơn cha mẹ tôi; càng gần thì tôi càng yêu. Ai đánh tôi thì tôi thấy đau, nếu người khác thì tôi không thấy đau. Căn cớ gì mà người làm cho tôi đau thì tôi không kháng cự, còn người không làm tôi đau, tôi lại kháng cự? Cho nên tôi có thể giết người để làm lợi cho tôi chứ tôi không thể giết tôi để làm lợi cho người”. Vu Mã Kì đưa ra hai điểm: 1- tình chung của con người là yêu mình hơn yêu người, yêu người thân hơn yêu người sơ; 2- tình của con người là tự tư tự lợi, ích kỉ. Mặc tử không đáp điểm 1, mà đáp điểm 2: “nếu cả thiên hạ theo thuyết của ông – tức thuyết tự tư tự lợi – thì cả thiên hạ sẽ muốn giết ông để thoả mãn lòng họ”, còn như nếu cả thiên hạ đều không theo thuyết của ông thì cả thiên hạ [cũng] sẽ muốn giết ông vì cho ông là thi hành một thuyết chẳng lành. [Vậy] người theo ông muốn giết ông mà người không theo ông cũng muốn giết ông, thuyết của ông rốt cuộc chỉ gây hoạ cho thân ông thôi”. Về điểm 2 đó, Mặc tử có lí trên nguyên tắc: như chương trên chúng tôi đã nói, ông thấy bản tính con người chỉ là nghĩ tới mình, ông khuyên người ta phải yêu nhau, làm lợi cho nhau, diệt tính ích kỉ đó đi. Còn điểm 1 thì ông không đáp được. Đó chính là khuyết điểm của thuyết Kiêm ái.[2] So sánh đạo Nhân của Nho và đạo Kiêm ái của Mặc Thiên Công Mạnh, bài 15 Mặc tử nói chuyện với Trình tử, chê đạo Nho có bốn điểm làm mất thiên hạ: cho Trời là không sáng suốt, cho quỉ là không thiêng; chôn cất hậu hĩ, để tang lâu; thích đờn ca, múa hát; cho rằng có số mạng, trị loạn, yên nguy đều đã định trước, không sửa đổi được. Có lẽ vì những lời chê đó mà Mạnh tử bất bình, mạt sát Mặc tàn nhẫn, cho là quân “không cha”. Nhưng cũng thiên đó, bài 16, Mặc lại khen Khổng tử, khiến Trình tử ngạc nhiên, hỏi vặn: - Đã chê Nho sao còn khen Khổng tử? Mặc đáp: - Vì thuyết của ông ấy có chỗ đúng, không thể sửa đổi được (…), có chỗ đúng thì sao không khen? Trong bài không nói đúng ở chỗ nào, chúng ta chỉ biết một điều này: không khi nào Mặc chê đạo Nhân của Khổng tử cả, và trong hai thiên Kiêm ái trung và hạ, Mặc thường hay nêu gương kiêm ái của vua Vũ nhà Hạ, vua Văn, vua Võ nhà Chu, tức những người mà đạo Nho cho là thánh vương có lòng nhân, thương dân như con. Vậy có lẽ Mặc tử đã dùng thuyết Nhân của Khổng mà sửa lại thành thuyết Kiêm ái. Hàn Dũ đời Đường có lí khi bảo rằng Mặc tử tất dùng [học thuyết] của Khổng tử (Mặc tất dụng Khổng tử). Ôn lại thuyết “nhân” của Khổng tử, chúng ta thấy thuyết đó với thuyết kiêm ái có nhiều điểm giống nhau. Thiên Nhan Uyên, bài 21, một môn sinh là Phàn Trì hỏi thế nào là “nhân”, Khổng tử đáp “Ái nhân” (yêu người). Vậy nhân tức là ái rồi. Cũng thiên đó, bài 2, Trọng Cung hỏi thế nào là nhân, ông đáp: “Kỉ sở bất dục vật thi ư nhân 己所不欲,勿施於人.”: điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người. Thiên Ung dã, bài 28, Tử Cống hỏi về nhân, ông đáp: “Người nhân, hễ mình muốn thành lập thì cũng lo thành lập cho người; mình muốn thông đạt, thì cũng cho người thông đạt; suy từ gần (tức lòng mình) để biết xa (tức lòng người). (Phù nhân giả, kỉ dục lập nhi lập nhân, kỉ dục đạt nhi đạt nhân, năng cận thủ thí 夫人者,己欲立而立人,己欲達而達人,能近取譬). “Tóm lại là cái gì mình muốn thì làm cho người; cũng như Mặc nói “giao tương lợi” vậy. Thiên Vệ Linh công, bài 8, Khổng tử bảo: “Người có lòng nhân… có thể tự mình quyên sinh để giữ tròn đức nhân… sát thân để thành nhân”. Tinh thần hi sinh đó không khác tinh thần của Mặc tử. Đoạn trên, bài 28 thiên Ung dã cho ta thấy rõ hơn nữa Khổng và Mặc rất gần nhau: “Tử Cống hỏi: Như có người thi ân cho khắp dân gian, lại hay cứu giúp cho đại chúng, thì người ấy thế nào, có thể gọi là người nhân được không?” Khổng tử đáp: “Sao chỉ gọi là người nhân thôi? Phải gọi là bậc thánh chứ. Vua Nghiêu, vua Thuấn cũng khó được như vậy”. “(Tử Cống viết: Như hữu bác thí ư dân nhi năng tế chúng, hà như? Khả vị nhân hồ? Tử viết: Hà sự ư nhân? Tất dã thánh hồ. Nghiêu, Thuấn kì do bệnh chư! 子貢曰:“如有博施於民而能濟眾,何如?可謂仁乎?”子曰:“何事於仁?必也聖乎。堯舜其猶病諸!). “Bác thí ư dân” tức là lòng bác ái, nhà Nho cũng gọi là phiếm ái (Luận ngữ, Thuật nhi, bài 6), Mặc gia gọi là Kiêm ái. Mà Nghiêu, Thuấn là những mẫu người đức nhân cao, chung cho cả Nho lẫn Mặc. Tuy nhiên nhân và kiêm ái, xét kĩ vẫn có chỗ khác nhau. - a/ Nhân vẫn phân biệt mình và người, “do kỉ cập nhân”, lấy mình làm khởi điểm, mà khuếch sung lần lần tới người, từ người thân tới người sơ, từ gần tới xa, nghĩa là có đẳng cấp, như Vu Tử Kì trong bài 18 thiên Canh Trụ. Kiêm ái thì không phân biệt mình và người, coi ai cũng như mình, người thân của người cũng như người thân của mình, không có riêng tư, với mọi người cùng vui cùng khổ. Vì vậy mà Mạnh tử chê Mặc gia không có tình cha con, như cầm thú cả; và một môn sinh của Mặc tử, Di Chi, đồng thời với Mạnh tử, tìm cách sửa lại thuyết kiêm ái: Thiên Đằng Văn công thượng, bài 5, chép: [Di] Chi cho rằng kiêm ái không phân biệt đẳng cấp, nhưng bắt nguồn từ người thân: “Chi tắc dĩ vi ái vô sai đẳng, thư do thân thuỷ 之則以爲愛無差等,施由親始”, nghĩa là ai cũng yêu ngang nhau cả, nhưng yêu cha mẹ mình trước đã. Từ đó Mặc học mới lập ra thuyết “luân liệt”. Thuyết này được chép trong thiên Đại thủ sách Mặc kinh: “Nghĩa đáng dày thì cho ta dày, đáng mỏng thì cho ta mỏng, như vậy gọi là “luân liệt”. Bậc đức hạnh, bậc vua và bậc trên, bậc lão trưởng, thân thích, đó đều là cái nghĩa đáng dày. Nên hậu với bậc già, không nên bạc với bọn trẻ (nghĩa là người già và trẻ con đáng giúp trước hết); bậc thân mà gần thì nên hậu, thân mà xa thì nên bạc hơn, thân thì nên đến cùng cực, bạc thì không nên đến cùng cực”. (Nghĩa khả hậu, hậu chi; nghĩa khả bạc, bạc chi, vị luân liệt. Đức hạnh, quân thượng, lão trưởng, thân thích giai sở hậu dã. Vị trưởng hậu, bất vị ấu bạc, thân hậu hậu, thân bạc bạc, thân chí, bạc bất chí 義可厚,厚之;義可薄,薄之,謂倫列。德行,君上,老長,親戚,此皆所厚也。為長厚,不為幼薄,親厚厚,親薄薄,親至薄不至). Nhưng cũng trong thiên Đại thủ đó lại nhấn mạnh: “Yêu thì không có hậu, bạc” – (Ái vô hậu bạc). Nghĩa là Đại thủ phân biệt ái và nghĩa: yêu thì yêu như nhau, không vì tư ý tư tình mà phân biệt hậu bạc, còn cái nghĩa – cái việc đáng làm, cái việc giúp đỡ - thì phân biệt hậu bạc. Như gặp trường hợp đói kém, cả tỉnh thiếu ăn, mình có dư lúa, họ hàng và người xa lạ tới xin, mình không thể tới giúp được thì mình giữ lại cho cha mẹ vợ con một số đã, còn dư sẽ giúp cho người trong họ, rồi mới tới người xa lạ, giúp người có đức hạnh trước rồi mới tới người kém đức hạnh. Như vậy là Mặc vì phương tiện không đủ đã phải hơi quay về Khổng học, nhưng cũng chỉ nhượng bộ Nho giáo tới đó thôi, còn thì vẫn giữ chủ trương rằng thương yêu thì phải đồng đều cả. Mạnh tử vẫn bác, bảo như vậy không hợp tình người. Ông nhắn Di Chi: “Trời sinh ra con người, khiến cho chỉ có một gốc mà thôi (tức cha mẹ và người trong dòng họ mình) mà Di tử dường như cho có hai gốc (cha mẹ, thân tộc và kẻ xa lạ), lầm ở chỗ đó” – Đằng Văn công thượng, bài 5. - Mặc gia không đáp, không nhượng bộ thêm nữa, vì nếu nhượng bộ thêm thì kiêm ái y hệt nhân mất rồi, còn khác gì đâu; vả lại Mặc muốn sửa tính người, tình người chứ đâu chỉ muốn hợp tình người. Do đó mà lòng hi sinh của Mặc gia cao hơn Nho gia: Dù chặt ngón tay, cánh tay mà có lợi cho thiên hạ thì cũng không do dự! (Đoạn chi đoạn uyển, lợi ư thiên hạ tương nhược, vô trạch dã, tử sinh lợi, nhược nhất vô trạch dã – Đại thủ). Tinh thần đó thật vĩ đại. - Mặc tử ở trong giai cấp tiện nhân, muốn xoá bỏ mọi đẳng cấp, môn sinh đời sau sửa đổi thuyết của ông như vậy chưa chắc đã hợp ý ông. Có thể ông không hiểu rằng phải tổ chức lại xã hội, phải trở lại chế độ cộng sản nguyên thuỷ, diệt bỏ tư sản thì mới thi hành kiêm ái ở khắp nơi được; còn như xã hội Trung Hoa thời ông, cá nhân muốn kiêm ái thì phải đừng có gia đình, số người như vậy rất ít, ông cảm hoá được trên ba trăm môn sinh, khiến họ hi sinh như ông; đáng kể là tài; mà đạo ông truyền được vài trăm năm, tranh giành ảnh hưởng với Nho, đáng kể là lâu. Ngoài điểm quan trọng kể trên, kiêm ái còn khác nhân ở điểm sau này nữa. - b/ Bậc nhân chú trọng đến sự xúc tiến đạo đức của người khác, còn bậc kiêm giả chú trọng đến sự cứu giúp vật chất nhiều hơn. Khổng tử cho đức nhân gồm nhiều đức khác: lễ nghĩa, trung, thứ, hiếu, đễ, cả trí, dũng nữa…; ông muốn dạy ta cách xử thế, trau giồi tình cảm, còn Mặc hễ nói đến kiêm ái thì chỉ kèm theo ba chữ “giao tương lợi”, chỉ muốn dùng lí trí để thuyết phục ta tìm cái lợi cho mình trong cái lợi chung của mọi người. Khổng muốn bồi dưỡng cái phần “thiện” trong bản tính của ta, còn Mặc chỉ muốn diệt cái phần ác (ham tư lợi, vị kỉ, tranh giành nhau) trong bản tính của ta. Khổng trọng lí tưởng, Mặc trọng thực tiễn. Vì vậy mà trên hai ngàn năm nay ai cũng ngưỡng mộ tinh thần hi sinh vô bờ bến của Mặc, nhưng vẫn thích thuyết nhân của Khổng hơn thuyết kiêm ái của Mặc.
[1] Nhà đây là một ấp hoặc một khu đất rộng phong cho các đại phu; bọn đại phu này có thể có chiến xa, quân lính, bề tôi riêng, như ba “nhà” Hán, Triệu, Nguỵ ở nước Tấn. [Chữ “nhà”, tức 家 (gia), trong thiên Kiêm ái hạ được dẫn ở trên và cả trong Kiêm ái trung nữa, cũng đều có nghĩa như chữ “nhà” trong thiên Kiêm ái thượng này. (Goldfish)]. [2] Người đời sau còn bác thuyết Kiêm ái ở hai điểm này nữa: đã yêu mọi người như yêu mình sao còn phạt kẻ có tội? – Người trong thiên hạ vô cùng thì yêu sao cho hết được. Xin coi phần “Biệt Mặc” ở cuối sách. |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC