VƯƠNG DƯƠNG-MINH
TỔNG-LUẬN CÁI HỌC-THUYẾT CỦA VƯƠNG DƯƠNG-MINH
TRẦN TRỌNG KIM
Trần Trọng Kim. Vương Dương Minh. Nxb. Tân Việt. 1960. | Phiên bản điện tử: tusachtiengviet.com
Vương Dương-minh đem cái thiên-tài chi mẫn, sự lịch-duyệt rất giàu, sự nghiên-cứu rất sâu, tìm thấy chỗ uyên-nguyên của đạo thánh-hiền mà phát-huy ra cái tâm-học tinh-vi hơn cái học của Lục Tượng-sơn đời Tống. Ông bài-xích cái học tầm chương trích cú, phá cái tệ-tập của mạt-học, xướng lên cái tư-tưởng tự-do theo cái bản-thể thiên-nhiên của lương-tri, và khuyến-miễn cái dũng-lực ở sự thực tiễn. Thiết-tưởng từ đời nhà Tống về sau trong Nho giáo chỉ có ông là người đã tìm thấy mối đạo ở chỗ căn-để và lập ra cái học-thuyết rất thiết-thực, khiến sự tư-tưởng và sự hành-vi hợp làm một, đúng với cái lý nhất-quán của Khổng-học. Tuy thế, những bọn tục-học vẫn không chịu, có nhiều người công-kích, cho là không phải chính-học. Dương-minh cũng không vì thế mà nản chí, và ông đem tâm-sự nói rõ ra một cách rất thống-thiết ở cái thư ông trả lời cho Nhiếp Song-giang, tức là Nhiếp Báo, một môn-nhân của ông. Thư ấy dịch theo nguyên-văn như sau : « Trong thư ông nói : Thành tín với thiên-hạ không bằng chân tín với một người ; đạo vốn tự-tại, học cũng tự-tại, cả thiên-hạ tin không là nhiều, một người tin không là ít. » Ấy vốn là cái tâm thấy điều phải mà không buồn của người quân-tử, há phải là những người bộp-chộp và tỉ-mỉ đủ biết kịp sao ? Nhưng cái tình thực của tôi có nỗi đại bất-đắc-dĩ ở về quãng ấy, mà người ta tin hay không tin cũng chẳng quản. « Ôi ! Người ta là tâm của trời đất. Trời đất muôn vật vốn là một thể với ta. Sự khổ-sở của sinh-dân há không phải là sự đau-đớn thiết đến mình ta hay sao ? Ai mà không biết sự đau-đớn của mình ta, tức là không có tâm thị-phi vậy. Cái tâm thị-phi không đợi phải nghĩ mà biết, không đợi phải học mà hay, tức là lương-tri. Lương-tri ở tâm người ta, dầu bậc thánh kẻ ngu không gián-cách nhau, cả trong thiên-hạ và tự xưa đến nay cùng giống nhau. Người quân-tử ở đời chỉ cầu noi đến cái lương-tri của mình thì tự khắc phải-trái công-nhiên và cùng chung yêu-ghét với người, coi người cũng như mình, coi nước cũng như nhà, cho trời đất muôn vật là một thể, muốn cho thiên-hạ không trị cũng không được. Người đời xưa thấy điều thiện coi như mình làm ra, thấy điều ác coi như tự mình mắc vào, coi dân đói hay là chết đuối như là tự mình đói hay là chết đuối, có một người không được yên chỗ, coi như mình đẩy nó vào trong rãnh ; không phải là cố ý làm như thế để cầu cho thiên-hạ tin mình, cốt là noi đến cái lương-tri của mình, để tìm lấy sự vui-hả của mình mà thôi vậy. « Các bậc thánh như Nghiêu, Thuấn, Tam-vương, nói điều gì dân tin, là vì noi đến cái lương-tri mà nói ; làm điều gì dân cũng bằng lòng, là vì noi đến cái lương-tri mà làm. Cho nên dân được vui-vẻ sung-sướng, giá có giết cũng không oán, giá có cho lấy lợi cũng không tham, ơn đức khắp đến rợ-mọi, hết thảy những loài có huyết-khí đều tôn-quí và thân-yêu mình cả, vì là cùng một lương-tri vậy. Than ôi, thánh-nhân trị thiên-hạ sao mà giản-dị như thế ! “ Đời sau cái học lương-tri không rõ, người thiên-hạ tư-trí để ganh-tị nhau và đè-nén nhau, cho nên mỗi một người có một bụng, mà những cái biết chếch-lệch hẹp-hòi, những cái thuật gian-dối, thầm giấu đến nỗi không nói xiết được. Ngoài mượn cái danh là nhân-nghĩa, mà trong làm cái thực tự-tư, tự-lợi ; qui-từ để a-dua thói-tục ; kiểu-hạnh để cầu tiếng khen ; che cái điều hay của người mà nhận làm cái giỏi của mình, bới sự riêng của người để trộm lấy cái thắng của mình ; ganh được thua nhau bằng sự phẫn-nộ mà còn bảo tuẫn nghĩa ; đánh đổ nhau bằng sự hiểm-độc mà bảo rằng tật ác : ghen người hiền, ghét kẻ tài mà tự cho là công thị công phi ; rông-rỡ về tình-dục mà còn tự cho là đồng hiếu ố ; lấn nhau, hại nhau, thân ngay như cốt-nhục một nhà, đã có cái ý nhĩ-ngã thắng phụ, cái hình bỉ thử phiên li, phương chi thiên-hạ lớn, dân vật nhiều, coi là nhất thể làm sao được ! Bề-bộn, rối-rít, họa-loạn, không bao giờ hết, lại còn lạ gì ! « Tôi thực nhờ cái thiêng-liêng của Trời, ngẫu-nhiên biết được cái học lương-tri, cho là phải theo đó mới có thể trị được thiên-hạ, cho nên hễ nghĩ đến sự đắm-đuối của dân, thì buồn-bã đau lòng, nghĩ cách để cứu-vớt, quên cả cái sức hèn-mọn của mình, thế cũng là bất lự lượng vậy. Người thiên-hạ thấy thế bèn chê-cười và chế-bác, cho tôi như thể là người cuồng bệnh sáng tâm. Than ôi ! Dầu thế nào cũng chẳng quản, ta đang đau-đớn thiết đến thân, vội kể gì đến lời khen-chê của người. Thường thấy có người, cha hay là con, anh hay là em, ngã xuống vực sâu, thì kêu gào cuồng-cuống, trần-truồng lăn-lóc, dòng dây từ chỗ cao thẳm để xuống cứu-vớt lên. Người đứng bên cạnh, đang cùng nhau vái-nhường, nói cười, mà cho những người kêu gào lăn-lóc như thế là cuồng bệnh táng tâm cả. Ôi ! Vái-nhường cười nói ở bên cạnh người chết đuối mà không biết cứu, trừ chỉ có người dưng nước lạ, không có tình thân-thiết cốt-nhục thì mới thế được. Song như thế đã là không có lòng trắc-ẩn, không phải là người rồi. Còn như đến những người có lòng yêu-thương đối với cha con, anh em, thì chưa hề có người nào là không đau-xót, chạy cuống-cuồng hết hơi-sức để cứu-vớt lên. Những người ấy dù có ngay cái tai-vạ đắm-đuối đến thân cũng còn chẳng tiếc, còn quản gì đến những lời chê là cuồng bệnh táng tâm, còn cầu gì đến người tin hay là không tin nữa. Than ôi ! Người đời nay dầu cho tôi là người cuồng bệnh táng tâm, cũng là đáng lắm vậy. Cái tâm của người trong thiên-hạ đều là cái tâm của ta, thiên-hạ còn có người cuồng bệnh, còn có người táng tâm, ta làm thế nào mà không phải cuồng bệnh táng tâm ru ? Xưa, ở đời Khổng-tử, có người chê Ngài là siểm, có người cười Ngài là nịnh, có người cho là không hiền, có người bẻ là không biết lễ, mà gọi là đông-gia khâu [1], có người ghen mà ngăn-cản Ngài, có người ghét mà muốn giết Ngài. Bọn Thần Môn, Hạ Quĩ đều là hiền-sĩ lúc bấy giờ mà còn nói rằng : « Thế có phải là những hạng người biết là không làm được mà cứ làm không ? Quê-kệch thay ! Sao mà gàn gàn như thế ! Đã không ai biết mình, thôi thì thôi đi. » Đến Tử-Lộ đã ở vào hàng thăng-đường [2] còn không khỏi không lấy làm ngờ, mà những chỗ Ngài muốn tới, còn không bằng lòng, và lại cho là vu-khoát, thế thì đời bấy giờ những người không tin Khổng-tử có phải chỉ hai ba trong phần mười mà thôi đâu. Thế mà Ngài cứ vội-vội vàng-vàng như tìm đứa con lạc, không ngồi nóng chiếu bao giờ, há là để mong người tin, người biết đâu. Chỉ vì cái lòng nhân coi trời đất muôn vật làm nhất-thể, đau-xót thiết-tha, dầu muốn thôi cũng không tài nào thôi được, cho nên Ngài nói rằng : « Ta không phải là bọn của những hạng người ấy thì ta cùng với ai ? » Muốn sạch lấy một mình, để đại-luân rối loạn, thế thì quả-quyết thật, song cũng không khó gì. Than ôi ! Nếu không phải là người coi trời đất muôn vật làm nhất-thể thì sao biết được tâm ngài ? Còn đến như người độn thế vô muộn, lạc thiên tri mệnh, thì vốn là vô nhập nhi bất tự đắc, đạo tịnh hành nhi bất tương bội. « Hèn-mọn như tôi dám đâu nhận lấy đạo Phu-tử làm kỷ-nhiệm, nhưng tâm tôi cũng hơi biết tật-thống quan-thiết đến thân, vậy mới vội-vã ngoảnh nhìn bốn mặt, muốn tìm có ai cùng giúp tôi để bàn cách chữa bệnh. Nay nếu được những bậc hào-kiệt đồng chí với tôi, nâng-đỡ giúp rập, cùng mở sáng cái học lương-tri ở trong thiên-hạ, để người ta ai cũng tự biết noi đến cái lương-tri của mình mà cùng nhau yên-lành, cùng nhau nuôi-nấng, bỏ hết cái tế-tắc của sự tự-tư, tự-lợi, rửa sạch cái tập-tục dèm-ghen, ganh-tức, cùng chọn cái cuộc đại-đồng, thế thì cái cuồng-bệnh của tôi sẽ khỏi hẳn mà không có cái lo táng tâm vậy, há chẳng sướng vậy thay !… » (Ngữ-lục, II) Xem thư ấy, thì hiểu rõ cái lòng nhân-ái của Dương-minh đối với nhân-loại bao-la khắp cả mọi người, thật là sau họ Khổng họ Mạnh chỉ có một người ấy. Cái học của ông còn có điều gì rất hay nữa, cho nên khi ông đau nặng sắp mất, có nói rằng : « Cái học-vấn bình sinh của ta hãy còn mấy phân, tiếc không được cùng với các bạn mà cộng thành điều đó. » Mấy phân ấy là gì ? Ta lấy làm tiếc không được biết ! Sau này nên trích ra mấy lời phê-bình của tiên-nho, để học-giả biết rộng thêm những ý-kiến về cái học của Dương-minh. Lưu Trấp-sơn đời Minh-mạt, nói rằng : « Tiên-sinh thừa cái học đã mất về từ-chương huấn-hỗ, quay trở lại cầu ở cái tâm, mà được cái « giác » của tính, gọi là lương-tri, rồi nhân đó đem dạy người ta cái cốt-yếu về sự cầu-đoan và dụng lực gọi là trí lương-tri. Lương-tri là tri, thì cái tri không bó-buộc ở trong sự kiến-văn ; trí lương-tri là hành, thì cái hành không ngưng-trệ ở một chỗ, một góc. Gọi là tri, là hành, là tâm, là vật, là động, là tĩnh, là thể, là dụng, là công-phu, là bản-thể, là thượng, là hạ, không có cái gì là không ở cái một, để chữa cái bệnh chi-li huyễn-vụ, chuộng văn-hoa mà tuyệt căn-bản của học-giả. Có thể gọi là cái sét đánh làm tỉnh giấc mê, ngôi sao sáng làm tan bóng tối. Từ họ Khổng họ Mạnh đến giờ chưa từng có cái học thâm-thiết và sáng-sủa như thế. Chỉ có đối với cái thuyết của Chu-tử thì có điều không hợp, mà lại cực lực biểu-chương Lục Tượng-sơn. Có người nghi rằng cái học của tiên-sinh do Thiền-học mà ra. Thiền-học thì tiên-sinh vốn trước có học, nhưng sau biết cái học ấy không phải thì đã bỏ đi rồi. Cái một là thành vậy, là đạo trời vậy ; thành được cái đạo ấy là minh, là đạo người, là trí lương-tri vậy. Nhân cái minh đến cái thành để người hợp với trời, gọi là thánh, Thiền-học có thế không ? Có người nghi là hai chữ « lương-tri ” bởi cái thuyết bản-tâm của Tượng-sơn mà ra. Về việc cầu bản-tâm ở lương-tri, thì cái cách chỉ-điểm thâm-thiết hơn, hợp trí-tri với cách-vật, thì cái công-phu thực có tuần-tự và trì-thủ, so với cách Tượng-sơn cho nhân-đạo nhất tâm tức là bản-thể để cầu cái « ngộ », thì lại không khác một hào-ly hay sao ? Tiên-sinh nói rằng : « Lương-tri tức thị độc tri thời 良知即是獨知時 : lương-tri tức là lúc độc tri ». Như thế vốn không phải là huyền-diệu. Người đời sau cưỡng cho là cái quan-niệm huyền-diệu cho nên mới gần Thiền-học, chứ thực ra không phải là cái bản-ý của tiên-sinh. Còn như chỗ không hợp với Chu-tử là ở sách Đại-học. Chu-tử giải nghĩa sách Đại-học cho là trước phải cách-tri rồi sau mới dạy cho lấy thành ý ; tiên-sinh giải nghĩa sách Đại-học thì cho cách-tri là thành ý. Cái công-phu hình như phân hợp không đồng, song xét rõ chỗ khẩn-yếu của hai tiên-sinh, đều không qua cái cửa « thận độc 慎獨 », như thế thì nhân cái minh đến cái thành để tiến vào đạo của thánh-nhân, là như nhau vậy. Cho nên tiên-sinh lại có cái thuyết về vãn-niên định-luận của Chu-tử. Sự dạy của sách Đại-học, một trước một sau, giai-cấp rõ-ràng, mà thực thì không thể nói có trước sau. Cho nên tóm cả tám điều mục lại thì là một việc. “ Tiên-sinh là bậc mệnh-thế nhân-hào, cái giác-ngộ ở Long-trường là thuộc về phần Trời mở cho, nhưng tiên-sinh lại cho cái giác-ngộ ấy là ở sự ấn-chửng trong Ngũ Kinh mà đến, thì thật là khuếch-nhiên con đường thánh không có ngờ gì nữa. Song vì tiên-sinh kíp về việc làm cho sáng đạo, thường thường cứ noi cao lên một chút, mà khinh thường cái cách chỉ-điểm, thành ra mở lối cho cái tệ của bọn hậu-học liệp-đẳng. Giả-sử Trời cho thêm tuổi, để rèn-đúc hết những cái ý-kiến cao-minh trác-tuyệt mà làm cho tới chỗ thực-địa, an tri, lại không có cái vãn-niên định-luận hay sao ? ” Hoàng Lê-châu là di-nho nhà Minh, bàn đến cái học của Dương-minh, nói rằng : « kỳ thỉ cái học của tiên-sinh có phiếm lạm về từ-chương, rồi sau đọc hết sách của Chu-tử, tuần-tự mà cách-vật, nhưng vật-lý và ngô-tâm vẫn chia ra làm hai, không có lối vào đạo. Tiên-sinh bèn xuất-nhập ở Phật Lão khá lâu – kịp đến khi bị đày ra ở chỗ mường-mọi, tiên-sinh động tâm nhận tính, nghĩ rằng thánh-nhân ở vào địa-vị ấy, thì có cái đạo gì, hốt-nhiên ngộ được cái ý-chỉ cách-vật trí-tri. Đạo của thánh-nhân có đủ trong tính ta, không phải tìm ở ngoài. « Cái học của tiên-sinh có ba lần biến mới thấy được cửa đạo. Từ đó về sau, bỏ hết cành lá, chuyên ý ở cái gốc, lấy mặc-tọa trừng-tâm làm cái học-đích. Phải có cái trung chưa phát thì mới có cái hòa của sự đã phát mà trúng tiết. Thị, thính, ngôn, động, đều lấy sự thu-liệm làm chủ ; sự phát-tán là bất-đắc-dĩ vậy. Sau khi tiên-sinh ở Giang-hữu về, chỉ chuyên đề-xướng ba chữ trí lương-tri. Im mà không cần phải ngồi, tâm không cần phải trừng, không tập, không nghĩ, cứ tự-nhiên theo thiên-tắc mà ra. Vì lương-tri là cái trung chưa phát, ấy là trước cái tri, chứ không phải là cái tri chưa phát ; lương-tri là cái hòa trúng tiết, ấy là sau cái tri, chứ không phải là cái tri đã phát. Cái tri ấy tự nó có thể thu-liệm, không cần phải chủ ở sự thu-liệm ; cái tri ấy tự nó có thể phát-tán, không cần phải định ở chỗ phát-tán. Thu-liệm là cái thể của sự cảm : tĩnh mà động vậy ; phát-tán là cái dụng của sự tịch : động mà tĩnh vậy. Chỗ chân-thiết đốc-thực của cái tri là hành, chỗ minh-giác tinh-sát của cái hành là tri ; tri với hành chỉ có một, không có hai vậy. Sau khi tiên-sinh về ở Việt, cái thao-thủ của tiên-sinh lại càng tinh-thục hơn, cái sở-đắc lại càng tiến-hóa thêm, lúc nào cũng biết phải, biết trái, mở miệng ra là được cái bản-tâm, không cần phải gá-mượn góp-nhặt, tựa như mặt trời ở trong không-gian, mà vạn tượng được soi sáng hết cả. Ấy là sau khi cái học đã thành rồi mà lại còn ba lần biến ấy. “ Tiên-sinh lo rằng : sau Tống-nho, các học-giả lấy sự tri-thức làm cái tri, cho cái sở-hữu của nhân-tâm là cái minh-giác, mà cái lý là cái công-cộng của thiên-địa vạn vật, cho nên tất phải cùng cái lý của thiên-địa vạn vật, nhiên-hậu cái minh-giác của ngô-tâm cùng với cái lý ấy hỗn-hợp làm một, mà không gián-đoạn, ấy là không có nội ngoại, kỳ-thực là toàn nhờ cái kiến-văn ở ngoài, để cứu bổ cái minh-linh vậy. Tiên-sinh bèn cho cái học của thánh-nhân là tâm-học, tâm là lý, cho nên dạy về trí-tri cách-vật, không thể không nói : đem hết cái thiên-lý của lương-tri vào sự sự vật vật, thì sự sự vật vật đều được cái lý. Nếu lấy tri-thức làm tri, thì thành ra khinh-phù mà không thực, cho nên tất phải lấy lực-hành làm công-phu. Lương-tri cảm-ứng thần-tốc, không có đợi chờ. Cái sáng của bản-tâm là tri, không dối cái sáng của bản-tâm là hành, không thể không nói tri hành hợp nhất được. Đó là cái đại-chỉ của sự lập ngôn không ra ngoài điều ấy được. « Hoặc có kẻ không biết cái giới-hạn của đạo Phật và đạo Nho, cho cái thuyết bản-tâm của Phật-giáo cũng giống như cái thuyết tâm-học. Chỉ có một chữ « lý » mà Phật thì đem cái lý của thiên-địa vạn vật để ra ngoài bụng, không giảng đến, chỉ giữ cái minh-giác thôi. Nho thì không cậy ở cái minh-giác, mà cầu ở cái lý trong khoảng thiên-địa vạn vật, cho nên hai bên khác hẳn. Song, qui cái lý về thiên-địa vạn vật, với qui cái minh-giác về ngô-tâm thì vẫn là một. Quay ra ngoài mà tìm cái lý, thì thành ra nước không có nguồn, cây không có gốc. Giả sử có tổng-hợp lại được, thì ở trên cái bản-thể đã phí mất bao nhiêu công-phu, cho nên lần từng nhà mà xin lửa và nhắm mắt thấy tối, thì cách nhau chẳng xa. « Tiên-sinh điểm khởi cái tâm sở dĩ là tâm, là không ở minh-giác mà ở thiên-lý. Như thế là cái gương đã rơi xuống lại nhặt lên, bèn khiến Nho với Phật phân-biệt ra, cách nhau xa như núi sông, ấy là ai có mắt cũng thấy rõ vậy. Thử lấy những lời của Khổng Mạnh mà chứng xem : Trí cái lương-tri của ta đến các sự-vật, thì các sự-vật đều được cái lý, thế không phải là « nhân năng hoằng đạo » hay sao ? Nếu cho cái lý ở sự vật, thì hóa ra « đạo năng hoằng nhân » vậy. Cáo-tử cho cái nghĩa ở ngoài, há là bỏ hẳn cái nghĩa mà không đoái-tưởng đến hay sao ? Chẳng qua là cầu cái nghĩa ở trong khoảng sự-vật mà hợp lại. Như thế, chính là thế-nho gọi là cùng lý. Mạnh-tử không cho là phải, mà đem bốn mối qui cả về ở tâm. Than ôi ! Cám bã nhặm mắt, bốn phương đổi ngôi, thì mới có thể ngờ cái học-thuyết của tiên-sinh ». Học-giả đã xem rõ cái học của Dương-minh, lại đọc những lời bàn của hai bậc “danh-nho trên kia, chắc là hiểu được những điều cốt-yếu về tâm-học. Ai muốn biết thêm nữa, thì nên xem sách Vương Văn-thành-công toàn-thư 王文成公全書 và sách Minh-nho-học-án 明儒學案 của Hoàng Lê-châu. Thiết-tưởng những nhà hiếu học không nên bỏ qua cái học có nghĩa-lý sâu-xa ấy mà không xem vậy.
[1] Gia-ngữ : « Tây gia hữu ngu-phu bất tri Khổng-tử vi thánh-nhân, nãi viết : bỉ đông-gia khâu 西家有愚夫不知孔子為聖人乃曰:佊東家丘. [2] Thăng-đường, lấy ở câu : « Do giã thăng đường hỹ, vị nhập ư thất giã 由也升堂矣未入扵室也 : Do đã lên thềm, chưa vào nhà vậy. » (Luận-ngữ, Tiên-tiến). Ý nói ông Do là người học đã giỏi, nhưng chưa vào đến chỗ tinh-vi uyên-áo của đạo. |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC