Triết học Đông phương

Trang Tử và những người trong phái Đạo gia

BÁCH GIA CHƯ TỬ

 

TRANG TỬ VÀ NHỮNG NGƯỜI TRONG PHÁI ĐẠO GIA

 

TRẦN VĂN HẢI MINH

 


Thảo Đường cư sĩ Trần Văn Hải Minh. Bách gia chư tử. Các môn phái triết dưới thời Xuân thu Chiến quốc. Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học Tp. Hồ Chí Minh, 1991.


 

Dưới thời nhà Hán [25], hễ nói đến Đạo gia, là nhắm Hoàng Lão, duới thời Ngụy Tấn, nói đến Đạo gia là nhắc Lão, Trang.

Trang Tử và Lão Tử được nhắc chung, là vì bắt đầu từ thời Ngụy Tấn [220-419] hai ông trở thành người cầm đầu cho môn phái thời đó.

Trong Sử kýTrang Tử và Lão Tử được viết chung thành một truyện, Lão Đam là một nhân vật truyền thuyết, Lão Tử là tiếng gọi chung những học giả có tuổi, cho nên truyện Lão Tử không gì rõ ràng, xác thật cả, còn Trang Tử thì thật có người, nhưng sự tích thì tìm thấy trong các sách vở chẳng có bao nhiêu, còn trong quyển sách của ông thì 9 phần 10 là ngụ ngôn, và phần Ngoại thiên với Tạp thiên thì do người đời sau viết thêm vô, cho nên muốn tìm hiểu thân thế ông với ngày sanh, mất, thật là một điều rất khó khăn.

Sau đây xin chép lại tài liệu Trang Tử truyện trong pho Sử ký.

Trang Tử Truyện Khảo

Trang Tử là người đất Mông, ông tên Châu, thường làm quan ở Tất viên đất Mông.

[Trang Tử tên Châu, thấy trong các thiên : Tề vật luận, Ngoại vật, Thiên hạ, trong sách Trang Tử. Các học giả không có thuyết nào khác.

Về tự là gì thì không thấy chép trong các sách vở đời Tần.

Trong quyển Trang Tử của Thành huyền Anh có chép : Tự là Tử Hưu, không biết căn cứ vào đâu.

Sách Thích Văn tự lục viết: Thái sử công nói tự "Tử Hữu" nhưng trong Sử ký Bản truyệnthì không bao giờ thấy tên tự ấy.

Sách Tập giải viết: theo Địa lý chí thì Mông huyện thuộc nước Lương, sách Chánh Nghĩaviết: Mông huyện là bổn ấp của Trang Châu.

Sách Quát địa chí viết: Cố thành tất viên ở Tào Châu, huyện Oan câu, cách phía Bắc 17 dặm.

Sách Thích văn tự lục viết: Trang Tử họ Trang tên Châu, người nước Lương ở Mông huyện, dưới thời Lục quốc làm Tất viên lại cho nước Lương.

Theo các tài liệu trên thì Trang Tử là người nước Lương.

Sách Sách Ẩn có dẫn sách Lưu Hướng biệt lục : 

Ông là người đất Mông, nước Tống, sách Hán chí cũng viết: "Tên Châu, người nước Tống"

Sách Lã thị Xuân Thu viết: Trang Tử tên Châu, người đất Mông, nước Tống. Theo các tài liệu trên thì Trang Tử là người nước Tống.

Đất Mông của nước Lương, hiện nay ở phía Bắc huyện Hà Trạch thuộc tỉnh Sơn Đông, còn đất Mông của nước Tống thì hiện nay ở vùng Đông Bắc huyện Thương Khâu tỉnh Hà Nam.

Hiện nay ở tỉnh An Huy, huyện Định Viễn, về phía Đông, cách 30 dặm cũng có Tất viên, là vì đời sau có kẻ háo sự, thích đem danh nhơn thời xưa dẫn về thành người của địa phương mình, rồi lại thêu dệt thêm để thành cổ tích.

Sách Hoàn vũ ký có viết: Tất viên thành, ở phía Bắc huyện Oan Câu, cách 50 dặm, phía Bắc thành có "Trang Tử điếu ngư đài", tức là đất Mông của nước Lương, ngày nay ở phía Bắc huyện Hà Trạch.

Dưới thời Xuân Thu có Mông trạch, Nam cung Trường Vạn giết Mân Công ở đó, dưới thời nhà Hán, đặt là Mông huyện, đó là đất Mông của nước Tống, hiện nay ở phía Bắc huyện Thương Khâu.

Trong thành cũng có Tất viên.

Sách Tề tục huấn có viết: Huệ Tử đi, phía sau có xe trăm chiếc, qua Mạnh chư, Trang Tử nhìn thấy bỏ con cá...

Mạnh chư trạch thuộc nước Tống, hiện nay là huyện Thương Khâu.

Trong thiên Thu thủy của Trang Tử có viết: "Trang Tử câu cá ở Bộc thủy", Bộc thủy hiện nay là Bộc huyện ở phía Bắc huyện Hà Trạch... Hai chỗ ấy đều là những chỗ Trang Tử có đến đi câu.

Sách Nhứt thống chí có chép: Mộ Trang Tử ở Tất viên thành, phía Đông Bắc huyện Đông Minh, Đông Minh và Hà Trạch gần nhau, như thế thì Trang Tử về già qua đời ở đất Mông của nước Lương như thế thì có phải Trang Tử sanh trưởng ở Tống rồi sau đó qua ở nước Lương chăng ?

Ông đồng thời với Lương Huệ Vương và Tề Tuyên Vương.

[Trang Tử bạn với Huệ Thi, mà Huệ Thi thường làm tướng quốc cho Lương Huệ Vương, cho nên Trang Tử cũng đồng thời với Lương Huệ Vương và Tề Tuyên Vương, và như thế thì Trang Tử cũng đồng thời với Mạnh Tử, nhưng trong sách Mạnh Tử không hề đề cập đến Trang Tử, và trong sách Trang Tử cũng không hề đề cập đến Mạnh Tử. Mạnh Tử cũng thường đến các nước Lương, Tống, nhưng cũng không hề gặp Trang Tử, đó cũng là một điều khó hiểu.

Trong tài liệu Trang Tử niên biểu có chép ước lượng ông sanh vào năm Châu Liệt Vương thứ 7 [369 trước T.L.]. Mặc dầu những con số trên đây rất đáng tin cậy, nhưng không có bằng chứng gì xác đáng để dám quả quyết rằng đó là năm sanh và năm qua đời của Trang Tử, nhưng qua tài liệu kể trên, rõ ràng Trang Tử đồng thời với Mạnh Tử.

Trong quyển Trung quốc Triết học sử Phùng hữu Lan đã viết: "Mạnh Tử và Trang Tử đồng thời, hai người chưa từng biện bác với nhau lần nào, điều đó thật đáng nghi ngờ. Học thuyết của Trang Tử, là học thuyết của Dương Châu tiến thêm một bước, như thế thì đứng trên quan điểm của Mạnh Tử mà xét, thì Trang Tử cũng là phe phái của Dương Châu mà thôi.

Trang Tử cũng xem Mạnh Tử như là phe phái của Khổng Tử, Mạnh Tử chống Dương Châu, Mặc Địch là chống luôn chung cả phe Nho gia với Mặc gia cũng chê luôn cả những người trong phe phái, thế nên Mạnh Tử chỉ nhắc Dương Châu làm tiêu biểu, còn Trang Tử thì nhắc Khổng Tử, chớ chẳng phải Trang Tử và Mạnh Tử không hề biết nhau." Thuyết nầy thấy cũng hợp lý].

Cái học của ông chỗ nào cũng nhìn tới, nhưng chỗ trọng yếu căn bản là về với chủ trương của Lão Tử, thế nên ông viết sách hơn 10 vạn chữ, đại để là theo ngụ ngôn.

Ông viết các thiên: Ngư phủ, Đạo chích, Khư kíp, để chê nhóm của Khổng Tử, và làm sáng tỏ cái học thuật của Lão Tử, bọn Úy lũy Tử, Cang tang Tử đều là những bọn không ngôn, không sự thật.

Ông khéo viết, ý không bị lời ràng buộc, chỉ việc "gởi ý" dùng để phê phán Nho, Mặc, tuy là người túc học đương thời cũng không một ai biện bạch được.

Lời nói của ông rộng rãi bao la, chỉ tùy theo ý mình, vì thế cho nên các bậc vương công và đại nhân không thể bỏ được.

[Trong sách hán chí phần Đạo gia, có Trang Tử cho đến bây giờ vẫn còn.

Sách Sách Ẩn viết: Quyển sách ấy có 10 vạn lời, đa số đều dưới hình thức chủ, khách, đối đáp, thế nên mới nói là ngụ ngôn.

Ngụ là "ký thác" thế nên sách Biệt lục viết: "Bày ra tên, họ người để đối đáp", đó là ký thác lời của mình cho người khác cho nên Trang Tử có thiên Ngụ ngôn.

Trong Thiên Ngụ ngôn có viết: "Ngụ ngôn có đến 9 phần 10", sách Sách Ẩn cũng viết: "Chữ Cang đọc là "canh", trong sách Trang Tử có thiên Canh tang Sở".

Tư mã Bưu viết: Canh tang Sở là đệ tử của lão Tử ở phía Bắc núi Ũy lũy chi.

Canh tang Sở cũng chép là: Canh tang Tử cũng có khi chép là: Canh thương Tử. Gò Úy lũy cũng tức là Úy lũy sơn... tất cả nhơn danh, địa danh đều giả thiết, nhưng có nhiều khi cũng giả thác là cổ nhơn, như trong thiên Đạo chích, gọi Đạo Chích là em Liễu hạ Huệ, cho Đạo Chích biện luận với Khổng Tử.

Thật ra, Liễu hạ Huệ là người rất xa với thời vua Hi Công, không bao giờ gặp được Khổng Tử và Đạo Chích cũng không phải là em Liễu hạ Huệ]

Sở Uy Vương nghe tiếng Trang Châu hiền, liền sai sứ đem lễ vật trọng hậu đến rước, muốn để cho ông làm tướng quốc.

Trang Châu cười bảo Sở sứ :

- Ngàn vàng là lễ vật trọng hậu, khanh tướng là ngôi cao... Nhưng ngươi chẳng thấy con trâu tế ở giao miếu sao ?

Nuôi nó cho ăn mấy năm, bao bọc nó bằng gấm thêu, để đem vào thái miếu... Đến lúc đó, tuy muốn làm con heo mọn cũng không thể được nữa.

Ngươi nên đi ngay, đừng làm ô uế ta !

Ta thích đùa bỡn trong ô trọc để tìm thích thú, mà không muốn bị kẻ có nước kềm hãm, ta trọn đời không làm quan để thích cái ý của ta...

[Sách Chánh nghĩa viết: Sở Uy Vương nhằm vào năm Châu Hiển Vương năm thứ 30. Theo Lục quốc niên biểu thì năm đầu Sở Uy Vương nhằm năm thứ 30 Châu Hiển Vương.

Thiên Thu thủy trong sách Trang Tử có viết: Trang Tử câu ở Bộc thủy, vua Sở sai hai đại phu đến trước bảo:

- Muốn vì việc nước mà làm nhọc đến ông...

Trang Tử cầm cần câu mà chẳng chú ý :

- Ta nghe nước Sở có con thần qui, chết đã 3000 năm rồi, vua gói kỹ mà cất trên chốn triều đường.

Con qui ấy vui lòng chịu chết để được gửi xương làm quí chăng? Hay là nó muốn sống để kéo lê đuôi trên đường chăng?

Đại phu nói :

- Thà là sống mà kéo lê đuôi trên đường...

Trang Tử nói :

- Vậy thì các ông về đi ! Ta sắp kéo lê đuôi trên đường đây!

Đoạn nầy ý rấy giống đoạn viết trong bổn truyện, nhưng có phải là bổn truyện lấy ý trong sách Trang Tử chăng?

Bá Tiềm có viết: Đây là thuyết "Quí mình để bảo toàn sự sống" của Đạo gia.

Trong thiên Thu thủy cũng có viết: Huệ Tử làm tướng quốc nước Lương, Trang Tử qua thăm...

Có kẻ bảo Huệ Tử :

- Trang Tử đến là muốn thay ông làm tướng quốc đó!

Vì thế Huệ Tử lo sợ, liền chạy đi tìm trong nước suốt 3 ngày đêm.

Trang Tử đến thăm ông và nói :

- Phương Nam có con chim, nó tên là Uyên sô, người có biết nó không ?

Con Uyên sô phát ra từ Nam hải mà bay đến Bắc hải, nếu không phải là cây Ngô đồng thì không đậu, nếu không phải là trái Giản thiệt thì không ăn, nếu không phải là nước Phong tuyền thì không uống, lúc đó con cú được con chuột thúi, con Uyên sô bay qua, ngửng đầu lên nhìn và nói :

- Coi chừng... 
Bây giờ ngươi muốn dùng nước Lương của ngươi để dọa ta sao?

Đây cũng có thể là một bài ngụ ngôn ghi là Huệ Tử, nhưng Trang Tử đã xem chức tướng quốc như là con chuột thúi, mà Sở Uy Vương muốn mời làm tướng quốc, đâu có lẽ nào Trang Tử thích con chuột chết sao ?

*

Trong môn phái Đạo gia, ngoài Lão Tử và Trang Tử, còn rất nhiều người, sau đây xin chọn một vài nhân vật tiêu biểu nhứt.

Những người khác trong phái Đạo gia

1. Liệt Tử

Phái Đạo gia thường ghép chung Trang Tử và Liệt Tử.

Liệt Tử không có truyện trong sách Sử ký, trong Hán chí, phần Đạo gia có ghi Liệt Tử...và chép như sau :

"Liệt Tử tên Ngự Khấu, người thời trước Trang Tử, Trang Tử rất tôn..."

Trang Tử thường tôn Liệt Tử và gọi là Ngự Khấu. Chữ Ngữ và Ngự thời xưa dùng giống nhau.

Lưu Hướng, trong sách Liệt Tử tự lục viết: "Liệt Tử là người nước Trịnh, đồng thời với Trịnh mục Công.

Thiên Nhượng vương trong Trang Tử có viết: Liệt Tử từ bổng lộc của Trịnh tử Dương. Trịnh tử Dương và Trịnh mục Công niên đại cách nhau rất xa, cho nên Liễu tôn Ngươn trong bài Liệt Tử hiệu đã viết: "Trịnh mục Công tức là Lỗ mục Công..." mới đúng.

Trong Sử ký, có chép Trịnh mục Công giết tướng quốc là Tử Dương, đúng vào năm thứ 12 Lỗ mục Công.

Trong sách "Khảo cổ chất nghi" Diệp đại Khánh đã viết: Liệt Tử là người nước Trịnh, không nên ghi năm cùng với vua Lỗ, nghi chữ Mục với chữ Nho giống nhau nên lầm. Nên viết là "Cùng với Trịnh Nho Công đồng thời là đúng hơn v.v..." còn rất nhiều thuyết khác nhau về niên đại của Liệt Tử, nhưng không có một thuyết nào xác đáng, đáng tin cả, đành phải chịu "khuyết nghi".

Sách Trang Tử nói về Liệt Tử như "Cỡi gió mà đi..." đều là những lời hoang đường, cho nên Cao tợ Tôn trong sách Vĩ lược cho rằng Liệt Tử là một nhân vật giả tưởng không có thật.

Thái Sử Công không viết truyện Liệt Tử, biết đâu cũng là lý do ấy.

Trang Tử trong thiên "Ứng đế vương" viết: "Liệt Tử 3 năm không đi ra ngoài, v.v..."như thế thì Liệt Tử quả là người có thật, nhưng đó là một ẩn sĩ, tị thế, không muốn có danh...Sách Liệt Tử có lẽ cũng do phái Đạo gia thời Chiến quốc gom góp lại mà thành, sau khi được Lưu Hướng hiệu đính, quyển sách truyền đến ngày nay, bị thất lạc nhiều chỗ, được vá víu lại, tự nhiên là có nhiều đoạn không đúng, sai hẵn với nguyên bản cũ.

2. Quan Doãn Tử

Trong thiên Thiên hạ, Trang Tử có viết tên Lão Đam và Quan doãn chung nhau. Sách Hán chí, phần Đạo gia có chép Quan doãn Tử: "Tên Hỉ, làm quan giữ cửa ải, Lão Tử qua cửa ải, Hỉ bỏ chức quan mà đi theo", trong sách Sử ký thì không có truyện Quan doãn Tử.

"Lão Tử ... ở nhà Châu lâu... thấy nhà Châu suy liền ra đi, đến cửa ải, Quan doãn là Hỉ nói: "Thầy sắp sửa đi ở ẩn chăng? Hãy cố gắng vì tôi mà viết sách"...

Lão Tử liền viết sách gồm hai thiên trên, dưới, nói cái ý Đạo đức, được hơn 5000 chữ, nhưng trong Sử ký chỉ viết: Lão Tử qua cửa ải rồi đi, mà không thấy chép Quan doãn bỏ chức đi theo... chỉ có nói Lão Tử vì Quan doãn mà viết sách, chớ không hề nói Quan doãn tự viết.

Quan doãn thấy Lão Tử đến mà mừng, chớ không phải là tên Hỉ, có người đọc Sử ký lầm ngỡ rằng "Hỉ" là tên Quan doãn.

Trương Trạm trong quyển Liệt Tử lại chép rằng ông tự là "Công Độ" có lẽ là ước đoán mà thôi.

Lão Tử qua cửa ải, sách Sử ký chưa hề chép cửa ải ấy tên gì, cũng có thể đó là Tán quan, Ngọc môn quan, rồi Lão Tử lại đi về phía Tây đến Lưu sa hà [sa mạc] hoá ra người Hồ...và thành tiên... như thế thì Quan doãn theo Lão Tử, chắc cũng thành tiên luôn... Các truyện như Liệt tiên truyện đều ghi như thế... nhưng ai đọc qua cũng đều nhận thấy đó là chuyện hoang đường, không đáng tin.

Sách Sử ký chép chuyện Lão Tử qua cửa ải viết sách, đã là chuyện không đáng tin, nhơn đó biết đâu người ta lại bày vẽ thêm chuyện Quan doãn Tử viết sách, điều nầy cũng thật đáng nghi ngờ.

Thế nên, trong Trang Tử, người ta nghĩ rằng, Quan doãn chỉ là một nhân vật truyền thuyết, hay giả thuyết mà thôi.

3. Văn Tử

Thiên Tự nhiên trong sách Luận hoành của Vương Sung có viết: "Nếu Khổng Tử làm vua, Nhan Uyên làm tôi, còn chẳng có thể khiến cáo gì, còn nếu để Lão Tử làm vua, Văn Tử làm tôi thì còn gì hơn! Vì Lão Tử và Văn Tử đều giống như Thiên Tử v.v...

Trong tài liệu nầy Vương Sung đã chép chung Lão tử với Văn Tử.

Tên Văn Tử thỉnh thoảng thấy có chép trong sách vở, nhưng người gốc ở đâu, tuổi tác như thế nào thì không thấy ghi rõ... Hơn nữa ông không có viết một quyển sách nào, cũng không thấy có một lời nói nào ghi trong sách vở, như thế đáng nghi là một nhân vật không có thật.

4. Dương Châu

Thiên Đằng Văn Công trong sách Mạnh Tử có viết: "Lời nói của Dương Châu và Mặc Địch đầy trong thiên hạ... mà lời nói trong thiên hạ nếu không về hướng Dương thì cũng về hướng Mặc...

Lời nói của Dương, Mặc không ngừng, thì đạo của Khổng Tử không sáng tỏ được". Dường như dưới thời Mạnh Tử, cái học của Dương Châu có thế lực tam phân thiên hạ với Nho, Mặc...

Trong sách Trang Tử cũng thường nhắc chung Dương và Mặc, trong thiên Biền mẫu gọi Dương và Mặc "sóng đôi mà biện luận".

Thiên "Khư kíp" cũng có viết "Kìm miệng của Dương Châu"... trong một thiên khác thì sắp chung: Nho, Mặc, Dương, Bỉnh... Bỉnh tức là Công tôn Long, như thế thì Dương Châu cũng là một biện sĩ.

Mặc dù Dương Châu không có trước tác lưu truyền, nhưng rõ ràng trong giới học thuật đương thời, ông cũng đã từng hiển hách.

Một học giả người Nhựt, ông Cửu bảo Thiên Tùy gọi Dương Châu và Trang Châu âm gần nhau, và Dương Châu tức là Trang Châu.

Gần đây Thái nguyên Bồi phụ họa theo, nhưng đó cũng chỉ là một ức đoán, không có gì làm bằng chứng.

Trong sách Trang Tử ở các thiên  Ứng đế Vương, Ngoại vật đều có nhắc chuyện Dương Tử ra mắt Lão Đam, dưới có lời chú Tử Cư là tự của Dương Châu, nhưng trong sách Liệt Tử, thiên Dương Châu, lại chép chuyện Dương Châu vấn đáp với Cầm hoạt Ly, mà Cầm hoạt Ly rõ ràng là đệ tử của Mặc Tử.

Trong thiên ấy cũng có chép: Dương Châu ra mắt vua nước Lương mà vua nước Lương xưng Vương là sau năm đầu của Huệ Vương, lúc đó thì Dương Châu đâu còn có dịp để gặp Lương Vương được?

Thường thường sách Trang Tử và Liệt Tử hay dùng lối ngụ ngôn, người đời sau lại hay thêm bớt vào, vì thế không thể lấy đó làm khảo chứng được.

Tài liệu chép Dương Châu trước gặp Lão Đam rồi sau gặp Cầm hoạt Ly, đó chỉ là lối ngụ ngôn của Trang Tử và Liệt Tử, cũng y như trong sách Trang Tử nói Khổng Tử gặp Liễu hạ Huệ, và Trang Tử gặp Lỗ Ai Công vậy.

Dương Châu nhứt định không phải là Trang Châu, trong sách Dương Tử khảo biện có chứng minh điều đó rất rõ ràng, và sách ấy cũng nghi Dương Châu và Dương tử Cư là hai người.

Dương Châu là người nước nào ?

Có nhiều thuyết khác nhau, Thành huyền Anh cho rằng: Dương là họ Dương, tên Châu, tự Tử Cư, người nước Tống, trong Sơn Mộc thiên thì lại viết là người nước Tần...cùng đồng trong một quyển sách [Trang Tử của Thành huyền Anh] mà trên dưới lại khác nhau.

Gần đây Trịnh Tân Vu trích lời trong sách Tuân Tử có viết: Dương Châu thấy đường nhiều ngã mà khóc. Con đường nhiều ngã viết là "cù lộ" đó là chữ dùng của nhà Tần, vì thế Trịnh tân Vu cho rằng Dương Châu là người nước Tần, nhưng đó là lời của Tuân Tử viết, không phải chính do Dương Châu viết... như thế không thể quả quyết ông là người nước Tần được, mà chính Tuân Tử cũng là người nước Triệu, đâu phải là người Tần.

Trong sách Lã thị Xuân Thu cũng có viết: "Cho nên Mặc Tử nhìn thấy con đường nhiều ngã mà khóc".

Khóc trước ngã ba, ngã tư đường, là một hình ảnh được nhiều người dùng đến, cho nên người ta đã nói đến hoặc Dương Tử hay hoặc là Mặc Tử.

Gần đây, Tạ vô Lượng trong quyển Trung Quốc Triết Học Sử lại chép Dương Châu là người nước Vệ, là vì thiên Ngụ ngôn trong Trang Tử có viết "Dương Tử đi về phía Nam đến đất Bái", nước Vệ ở phía Bắc đất Bái, cho nên mơí suy đoán Dương Châu là người nước Vệ.

Thật ra, về thân thế của Dương Châu, cho đến bây giờ chưa tìm thấy tài liệu nào xác đáng, để có thể quả quyết được, nhưng có chỗ đáng tin, là ông sanh ra trước thời Mạnh Tử, sở trường về biện thuyết, nổi tiếng một thời nhưng vì không có đệ tử, không viết sách, cho nên sau nầy không còn để lại một dấu vết gì cả.

Trong sách Hán chí, không thấy đề cập đến Dương Châu, chỉ trong sách Liệt Tử có thiên Dương Châu, có lẽ do người đời sau viết thêm.

Gần đây, ông Phùng hữu Lan cũng cho rằng thuyết của Trang Tử, chỉ là thuyết của Dương Châu tiến thêm một bước mà thôi, và danh của Dương Châu không nổi lên được là bị Trang Tử che mất.

Mạnh Tử đã viết "Dương thị vị ngã, như thế là vô quân"... Lã thị Xuân Thu cũng viết : "Dương Châu quí kỷ", quí kỷ tức là vị ngã, vì thế vô quân [không chịu ra làm quan], như thế thì Dương Châu cũng là một kẻ sĩ lánh đời, thà "lê đuôi trên đường, chớ không thèm làm vật hy sinh cho người khác".

5. Công Tử Mâu

Sách Hán chí viết: "Là công tử nước Ngụy, sanh trước Trang Tử, Trang Tử rất kính".

Sách Tuân Tử thường ghép chung Ngụy Mâu với Đà Hào, Ngụy Mâu tức là Ngụy công tử Mâu. Trong Chiến quốc sách viết là Công tử Ngụy Mâu.

Trang Tử trong thiên Nhượng Vương có viết: "Ngụy Mâu là công tử có vạn cổ xe, ông ẩn trong hóc núi, kẻ sĩ áo vải cũng khó làm được như ông, như thế thì Ngụy Mâu là một công tử giàu sang mà đi ở ẩn".

Tôn di Nhượng lại cho rằng Ngụy Mâu tức là Mạc Tử, căn cứ theo câu "Tử Mạc chấp trung" ông cho rằng, Mâu là chuyển âm của Mạc, Tử Mạc cũng tức là Tử Mâu...

Chứng cớ như thế không có gì là vững chắc cả.

Trong Hàn thi ngoại truyện chép là Phạm Ngụy Mâu; Lương ngọc Thằng và Vương tiên Khiêm cũng chép y như thế, nhưng thật ra trong Hàn thi ngoại truyện chép rõ là Phạm Thư, Ngụy Mâu, nhưng có người lầm lẫn nên bỏ sót mất một chữ Thư...

Trong các sách Trang Tử, Lã thị Xuân ThuHoài Nam đạo ứng huấn và Liệt Tử đều chép là Trung sơn Công tử Mâu.

Tư mã Bưu, trong sách Trang Tử chú viết: "Công Tử nước Ngụy được phong cho đất Trung sơn, tên Mâu".

Cao Dụ, trong pho Lã thị Xuân Thu chú có viết: "Nước Ngụy được đất Trung sơn, liền lập ấp phong cho công tử Mâu", vì thế mới gọi là Trung sơn công tử Mâu...

Trương Trạm, trong sách Liệt Tử truyện có viết: "Công tử Mâu là con Văn hầu... Nuớc Ngụy được đất Trung sơn, lập ấp phong cho Tử Mâu, vì thế gọi là Trung sơn công tử Mâu, như thế Ngụy Mâu tức là Trung sơn công tử Mâu.

Thiên Nhượng vương, sách Trang Tử có chép việc Công tử Mâu vấn đáp với Thiềm Tử, trong Lã thị Xuân Thu và Hoài nam Tử cũng có chép việc đó.

Trong sách Sử ký, phần Ngụy thế gia, có chép vào năm 17 đời Ngụy Văn hầu, đánh Trung sơn, khiến Tử Kích ở giữ, đến năm 25, Địch Hoàng bảo Lý Khắc: "Bây giờ muốn lấy luôn Trung sơn, tôi tiến cử Nhạc Dương... Đã lấy xong rồi, thì không nên để cho y giữ, tôi sẽ tiến cử ông".

Như thế thì, sau khi đánh Trung sơn, người giữ đất ấy là Tử Kích rồi sau đó là Lý Khắc, chớ không có việc phong cho công tử Mâu.

Hơn nữa, dưới thời Ngụy Huệ vương, Trung sơn quân làm tướng nước Ngụy. Sách Sách Ẩn có viết: "Ngụy văn Hầu diệt Trung sơn tìm cách phục quốc... rồi không bao lâu lại bị Triệu diệt..."

Như thế thì sau khi bị chiếm giữ, Trung sơn lại phục quốc được, công tử Mâu đâu có được phong đất ấy.

Sách Thuyết Uyển có viết: "Ngụy công tử Mâu đi về phía Đông, Nhượng hầu đưa tiễn v.v...

Sách Chiến quốc sách có chép: "Kiến Thân quân được quí ở nước Triệu, công tử Mâu qua Triệu, Triệu Vương đón rước v.v..."

Theo Chiến quốc sách, thì Kiến Thân quân làm tướng quốc dưới thời Triệu Hiếu Thành Vương. Hiếu Thành Vương nguyên niên nhằm năm thứ 42 đời Tần Chiêu Vương, năm ấy Tần Tuyên Thái hậu mất, Nhượng hầu ra đất Đào...

Ngụy văn hầu nguyên niên nhằm năm 415 trước T.L., còn năm thứ 24 thời Tần Chiêu Vương thì nhằm năm 265 trước T.L., cách nhau 50 năm, như Ngụy Mâu là con Văn hầu, được phong ở Trung sơn, mà còn sống đến đời Triệu Hiến Thành Vương và Tần Chiêu Vương thì ông phải sống lâu đến lối 150 năm...

Trong sách Trang Tử, thiên Thu thủy có chép: Công tôn Long hỏi Ngụy Mâu :

- Long lúc còn nhỏ, học đạo của tiên sinh, lớn lên mà biết rõ cái hạnh nhơn nghĩa, hợp được những điều giống và khác nhau, xa được gươm dáo, làm cho thuận cái không thuận, làm được điều không làm được, làm rối trí Bách gia, làm cùn lời biện bác của đám đông, tôi nghĩ như thế là đã đạt được nhiều lắm rồi.

Công tôn Long học với Ngụy Mâu, điều đó chưa dám tin là thật, nhưng Ngụy Mâu chắc chắn cũng là một tay biện sĩ.

Thiên Phi thập nhị tử có chê Đà Hào, Ngụy Mâu :

- "Buông lung tánh tình, không kiêng nể ai, có hạnh như cầm thú...".

Liệt Tử, trong Dương châu thiên cũng cho là "Túng dục chủ nghĩa". Ngụy Mâu, Dương Châu, đều là những ẩn sĩ, lại giỏi về biện thuyết, đâu có lẽ lại theo "chủ nghĩa túng dục"?

Sách Hán chí có chép  Ngụy Mâu là người trước thời Trang Tử, mà Trang Tử lại sùng bái, những lời ghi trong sách Hán chí rất đáng tin, còn những câu trong sách Trang Tử thì cần phải xét lại, vì trong sách ấy có rất nhiều đoạn do người đời sau viết thêm vào...

6. Trần Trọng Tử

Sách Mạnh Tử chép Trần Trọng Tử là một thế gia của nước Tề. Anh ông là Đái Cái ăn lộc vạn chung, Trọng Tử cho là bất nghĩa nên tránh anh, lìa mẹ, đến ở đất Ô Lăng, 3 ngày không ăn, tai không nghe, mắt không thấy, trên giếng có cây lý, trái bị kiến ăn hơn phân nửa, mới rán bò lại lượm ăn, nuốt 3 miếng mà tai mới nghe, mắt mới thấy. Ông sống bằng tự túc tự cấp, lo trồng lúa, dệt vải để được ấm no [xem thiên Đằng văn Công trong Mạnh Tử].

Như thế thì Trần Trọng Tử không thích giàu sang mà chỉ muốn ở ẩn, giống như Ngụy Mâu, mà cách sống lại siêng năng chịu khó nhọc còn hơn Ngụy Mâu.

Sách Tuân Tử thì sắp Trần Trọng Tử ngang hàng với Sử Du, và chê là: Tánh tình tàn nhẫn, lo cho cái lợi của mình, và xem mình là cao hơn mọi người.

Sách Hoài Nam Tử lại viết: Trần Trọng Tử là người có khí tiết, không chịu vào triều đình của vua ô nhục, không hưởng lợi lộc của đời loạn, vì thế mà chịu đói".

Trần Trọng Tử đã ở ẩn, không chịu ra làm quan, đó là sự thật, nhưng lại nói vì thế mà ông bị chết đói, chắc có lẽ đó là lời ước đoán không đúng với sự thật.

Trong Chiến quốc sách, có chép chuyện Triệu Uy hầu hỏi sứ nước Tề:

Ô Lăng Trọng Tử còn không? Con người ấy, trên chẳng thờ vua, dưới thì không lo việc gia đình, giữa thì không giao thiệp với Chư hầu, đó là dẫn dắt dân chúng đi tới chỗ vô dụng, tại sao cho đến bây giờ vẫn chưa giết y cho rồi ? 

Như thế thì Trần Trọng Tử quả là một kẻ sĩ lánh đời... Trọng Tử có anh, vì chữ "Trọng" là em đứng sau chữ "Bá Trọng" không gọi tên ông và chỉ viết là Trần Trọng hay là Điền Trọng, là vì ông muốn giấu tên mình.

Chương Trâu Dương truyện trong sách Sử ký có viết: Ô Lăng Trọng Tử từ chức Tam công, để đi tưới vườn cho người... như thế thì Trọng Tử đã từ phú quí đi làm mà sống.

Trong sách Liệt nữ truyện của Lưu Hướng, có chép chuyện vợ của Ô Lăng, Tử Chung, có ghi vua Sở sai sứ đến rước Tử Chung làm tướng, vợ ông khuyên đừng đến, rồi hai vợ chồng trốn đi tìm chỗ tưới vườn cho người để sống, v.v...

Chuyện nầy chắc do chuyện Trâu Dương viết ra rồi bày vẽ thêm, chữ Chung và chữ Trọng âm gần nhau vì thế Tử Trọng biến thành Tử Chung.

Việc vua Sở sai sứ đến rước chỉ là chuyện ức đoán. Sách Cao Sử truyện của Hoàng phủ Bật có chép : "Người nước Tề, Trần Trọng Tử qua nước Sở, ở Ô Lăng, tự gọi mình là Ô Lăng Trọng Tử", như thế thì cho đất Ô lăng là của nước Sở.

Sách Dư địa chí của Cố dã Vương có viết: "Nước Tề có Trường bạch Sơn, đó là chỗ của vợ chồng Trần Trọng Tử ở ẩn...

Trường bạch Sơn hiện nay ở huyện Chương Khâu, tỉnh Sơn Đông tức là chỗ nước Tề ngày xưa. Ô Lăng cũng là đất của nước Tề, cho nên Trần Trọng Tử hễ có dịp là về thăm mẹ.

Mạnh Tử chê Trần Trọng có câu: "Con người không có gì tệ hơn là không thân thích, không nghĩa vua tôi, trên dưới".

Trần Trọng xa anh, lìa mẹ, cho nên mới nói: "Không thân thích", và ẩn cư không đi làm quan, cho nên mới nói: "Không nghĩa vua tôi".

Triệu Uy hầu bỉnh chánh vào năm đầu Hiếu Thành Vương, và mất vào năm thứ 3 cũng đời Hiếu Thành Vương, như thế thì Trọng Tử còn sống vào lúc năm đầu của thời Hiếu Thành Vương, mà đến thời Mạnh Tử ông vẫn còn, như thế thì Trọng Tử cũng có tuổi thọ khá cao.

7. Hứa Hành

Sách Mạnh Tử, trong thiên Đằng văn Công, có chép Hứa Hành là từ nước Sở đến nước Đằng, Mạnh Tử chê là người rợ phương Nam, tiếng nói líu lo, như thế thì Hứa Hành là người nước Sở.

Sách Mạnh Tử cũng có viết :

Bọn ông ấy mấy mươi người đều mặc áo trần, bện dép, dệt chiếu kiếm ăn.

Như thế thì Hứa Hành cũng như Trần Trọng, tự mình ra sức làm để sống.

Trần Tương theo thuyết Hứa Hành chủ trương "Quân dân cùng cày để có ăn" và cho rằng "Vua có kho đụng dẫy đầy là làm khổ dân để cho mình được sung sướng".

Hứa Hành muốn bỏ giai cấp thống trị với giai từng bị trị để cho mọi người được bình đẳng. Sách Hán chí không thấy chép sách của Hứa Hành, và tên của ông cũng không thấy chép ở các sách khác, có lẽ vì ông là người ẩn sĩ, muốn lánh đời và không muốn cho ai nhắc đến mình.

 

·  Các ẩn sĩ có chép trong sách Luận Ngữ

Những kẻ ẩn sĩ, lánh đời, không muốn ai biết đến mình, đó là chủ trương về cuộc sống của phái Đạo gia.

Những kẻ sĩ lánh đời ấy, có đa số không một ai biết tên họ những người ấy là gì, trong sách Luận Ngữ, chép những người như thế cũng khá nhiều.

Thiên Hiến vấn có chép: "Tử Lộ ngủ đêm ở Thạch môn. Có người làm ruộng hỏi:

- Ông từ đâu đến ?

Tử Lộ đáp:

- Tôi là người của Khổng Tử.

Người ấy nói:

- Có phải đó là người biết làm không được mà vẫn cứ làm không ?"

Chỗ khác lại chép: "Phu Tử đánh cái khánh ở nước Vệ, có người vác giỏ đi ngang qua cửa, nói :

-Người đánh khánh, thật là có lòng...

Rồi lại nói:

- Thật là tầm thường, đánh khánh mà làm gì? Không ai biết mình thì thôi vậy".

Trong thiên Vi tử lại chép: "Người cuồng nước Sở đi về phía chiếc xe, hát mà lướt ngang Khổng Tử, hát rằng:

- Phượng ơi! Phượng ơi! Tại sao đến mà buồn vậy? Chuyện đã qua mà khôntg thể làm gì được, chuyện sắp đến đâu có thể dự liệu được... thôi đi...thôi..."

Chỗ khác lại viết: "Trường Thư, Kiệt Nịch bừa và cày, Khổng Tử đi ngang, sai Tử Lộ đến hỏi đường.

Trường Thư hỏi:

- Ai ngồi trên xe đó?

Tử Lộ đáp:

- Đó là Khổng Khâu.

- Ạ...Có phải là Khổng Khâu nước Lỗ không ?

Đáp:

- Phải...

- Như thế thì người ấy phải biết đường...

Tử Lộ lại hỏi Kiệt Nịch;

Kiệt Nịch hỏi:

-Người là ai?

- Dạ, tôi là Trọng Do.

-Có phải là người đi theo Khổng Khâu nước Lỗ không?

- Dạ phải.

Người ấy tiếp:

- Từng từng, lớp lớp, trong thiên hạ cũng đều như thế cả... nhưng ai có thể thay đổi được  Đi theo kẻ lánh người... thà là đi theo kẻ lánh đời còn hơn!

Rồi cứ cày tiếp mà không nói gì thêm".

Chỗ khác lại chép: "Tử Lộ đi lạc phía sau, có người chống gậy, vác cái bừa.

Tử Lộ hỏi:

- Ông có thấy Phu Tử không?

Người ấy đáp:

- Tay chân không siêng năng, 5 giống lúa không phân biệt, vậy mà làm Phu Tử ai?

Rồi cắm cây gậy mà bừa..."

Các câu: Từng từng, lớp lớp trong thiên hạ đều như thế... mà ai có thể thay đổi được? Thôi đi...thôi đi! Bây giờ những kẻ theo việc chánh đã trễ rồi...". Những câu ấy có thể nói là vì cảm khái mà thổ lộ ra... đó là ý nghĩ của những kẻ ẩn sĩ, không ai biết mình thì thôi...

Nếu biết là không thể làm được, thì không làm, nếu biết là không thể thay đổi đuợc thì cũng không thèm cố gắng để thay đổi làm gì... ta chỉ ra sức làm để tìm lấy cái sống mà thôi.

Không ai biết ta, thì thôi vậy, y như lời nói của Gia Cát Lượng "Chẳng cần đạt để nổi tiếng" và tiến thêm một bước nữa là "Muốn cho mình không đạt... không nổi tiếng".

Muốn cho mình không đạt... không nổi tiếng, tức là muốn ở ẩn, và không có danh tiếng...Thế nên kẻ sĩ lánh đời đều giấu tên họ mình, như những người trong sách Luận Ngữ đã chép: Người làm ruộng, người vác giỏ, kẻ cuồng nước Sở, Trường Thư, Kiệt Nịch, người chống gậy v.v... những người ấy, không một ai biết tên họ là gì cả.

Trong sách Hán chí có ghi những tên người như Lão lai Tử, Hạc quan Tử v.v... đều cũng giống như trường hợp trên, những người ấy là ẩn sĩ không ai biết tên họ thật là gì.

*

Những người ẩn sĩ, trong sách Luận Ngữ chỉ ghi chép lại một đôi lời ngắn ngủi, vì những người ấy chỉ muốn lánh đời, họ không thích bất câu người nào nhắc đến họ hay là tuyên truyền mở rộng thuyết lánh đời của họ.

Dương Châu thì lại khác, ông muốn cho mọi người biết chủ trương: "Vị ngã, qui kỷ" của mình, và đó cũng là một khía cạnh khác của thuyết lánh đời, chỉ biết lo riêng cho mình mà thôi.

Ông ẩn cư mà lại có danh, vì muốn cho mọi người biết cái thuyết của mình. Mặc dù phổ biến học thuyết, nhưng ông không bao giờ muốn đem học thuyết ấy để dạy ai, và cũng không hề viết sách.

Về phần Trang Châu, ông lại tiến thêm một bước nữa, là hệ thống hoá được chủ trương, học thuyết của mình, người đời sau lại gom góp, thu thập viết thêm vào mà thành pho Trang Tử.

Những kẻ sĩ lánh đời ấy, đối với hiện tình chánh trị đương thời rất bất mãn, thế nên họ ao ước được trở lại cái hoàn cảnh xã hội nguyên thủy của thời thái cổ, lúc đó con người sống như vô chánh trị mà còn được yên ổn hơn, ai ai cũng được sống thơ thới trong hoàn cảnh tự nhiên, tự do sanh sống tùy theo ý thích mình.

Trong sách Trang Tử, lập luận như trên rất nhiều, cho nên Hứa Hành chủ trương vua tôi cùng đi cày, thật là đúng với lý thuyết của Đạo gia, và nghịch hẳn lại với học thuyết của Nho gia, cho nên Mạnh Tử mới bài bác là "Vị ngã, không có đạo quân thần".

Mạnh Tử cũng chê Trần Trọng Tử là: " Không thân thích, không quân thần thượng hạ", cũng y như Tử Lộ đã chê người vác bừa là: "Không làm quan là bất nghĩa", và nếu bỏ cái đạo quân thần thì "Muốn cho mình trong sạch, lại thành ra làm loạn mất cái đạo nghĩa lớn".

Những kẻ lánh đời, muốn cho mình được trong sạch, không muốn để cho thân mình bị nhiễm vào cuộc đời ô trược, thế nên họ nhìn thấy cái giàu sang của vua chúa đương thời là điều ô uế...

Họ nhận hành động của Khổng Tử "Biết không làm được mà cứ làm", "Biết không thể thay đổi được mà cứ cố gắng thay đổi", đó là điều vụng về, tối tăm.

Từ việc quí trọng mình, xem thường tất cả mọi việc xung quanh trong xã hội, số ẩn sĩ ấy lại đi thêm một bước nữa, cho đến thuyết: "Dù cho nhổ một sợi lông để làm lợi cho thiên hạ", họ cũng không chịu làm, vì thế cho nên từ những kẻ ẩn sĩ đã ghi trong pho Luận Ngữ, tiến thêm một bước nữa là đến Dương Châu, và phát triển thêm là đến Trang Châu, đó là cái đà tất nhiên phải đến của phái ấy. 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt