Triết học Đông phương

Triết lý Hoa Nghiêm tông

 

TRIẾT LÝ HOA NGHIÊM TÔNG

華嚴宗

 

JUNJIRO TAKASUSU

(高楠順次郎)

TUỆ SĨ dịch

 


Junjiro Takakuru. Tinh hoa triết học Phật giáo / The Essentials of Buddhist Philosophy. Tuệ Sĩ dịch. Nxb. Phương Đông. | Phiên bản điện tử: www.thuvienhoasen.org


 

Lý viên dung của Hoa nghiêm tông được phát triển chính yếu là ở Trung hoa. Đây là một điểm son cho những công trình học thuật của Phật giáo Trung hoa. Như các tông phái khác, Hoa nghiêm tông lập cước trên nền tảng của lý nhân quả duy tâm, nhưng theo chủ trương của Hoa nghiêm, lý thuyết này có đặc điểm riêng. Đấy là “Pháp giới duyên khởi”. Từ ngữ “Pháp giới” (dharma-dhātu) đôi khi được dùng đồng nghĩa với chân lý cứu cánh. Do đó, Anh ngữ mà dịch là “the Element of the Elements” (Pháp thể của Vạn pháp) thì rất xác đáng. Nhưng cũng có lúc nó lại có nghĩa là vũ trụ, “cảnh giới của tất cả các pháp” (the Realm of all Elements). Cả hai nghĩa, vũ trụ và nguyên lý phổ biến, luôn luôn phải được in sâu trong trí chúng ta mỗi khi từ ngữ này được dùng đến. Nghĩa nào cũng được dùng như là danh hiệu của thuyết duyên khởi. 

Pháp giới duyên khởi là cực điễm của tất cả những thuyết lý nhân quả; thực sự đó là kết luận của thuyết duyên khởi bởi vì nó là lý tắc nhân quả phổ biến và đã nằm trong lý bản hữu, vô tận, thông huyền, của vũ trụ; hay nói thế nào cũng được. Lý tắc duyên khởi, như ta thấy ở trên, được giải thích trước tiên bằng “nghiệp cảm duyên khởi”, nhưng vì nghiệp phát khởi trong tạng thức, nên thứ đến ta có A-lại-da duyên khởi. Vì A-lại-da, hay tàng thức, là kho tàng chủng tử, sinh khởi từ một cái khác nên ta có Như lai tạng (tathāgatagarbha) duyên khởi, hay là Chân như. Từ ngữ kỳ lạ này chỉ cho cái làm khuất lấp Phật tính. Do sự che khuất này mà có phần nhiễm, nhưng vì có Phật tính nên có cả phần tịnh nữa. Nó đồng nghĩa với Chân Như (tathatā hay tathātva; không phải Như Thế Này hay Như Thế Kia = tatva) mà theo nghĩa rộng nhất thì có đủ cả bản chất nhiễm và tịnh. Do công năng của những căn nhân tịnh và bất tịnh, nó biểu lộ sai biệt tướng của hữu tình như sống và chết, thiện và ác. Chân như bảo trì vạn hữu, hay nói đúng hơn, tất cả vạn hữu đều ở trong Chân như. Nơi đây, giai đoạn thứ tư, Pháp giới duyên khởi được nêu lên. Đó là lý tắc tự khởi và tự tạo của hữu tình và vũ trụ, hoặc giả chúng ta có thể gọi nó là duyên khởi do nghiệp cảm chung của tất cả mọi loài. Nói hẹp thì vũ trụ sẽ là một sự biểu hiện của Chân như hay Như lai tạng. Nhưng nói rộng thì đó là duyên khởi của vũ trụ do chính vũ trụ, chứ không là gì khác. 

Pháp giới – trong ý nghĩa vừa là cảnh giới của lý tắc và vừa là sự tướng của tất cả sự tướng – đồng nghĩa với Như lai tạng và cũng đồng nghĩa với vũ trụ hay thế giới hiện thực, nghĩa là cảnh giới của tất cả mọi yếu tố tồn tại. Lý duyên khởi (pratītya-samutpāda) này có thể được hiểu cùng lúc với cả hai ý nghĩa. Pháp giới duyên khởi như thế là lý thuyết cho rằng vũ trụ cộng hữu trên phổ quát, tương hệ trên đại thể và hiện khởi trong giao hỗ, không phải là đơn độc hiện hữu một cách độc lập. Do đó, mười hai nhân duyên được hiểu như là một chuỗi dây tương liên trong thời gian. Đàng khác, trong lý tắc duyên khởi phổ biến này, nó là một sự lệ thuộc của cái này và cái kia, do đó, nó có nghĩa trong chiều hướng không gian. 

Theo phán giáo, sự phân loại bình nghị về giáo lý của Phật, mà tông phái này đề ra, thì có năm giáo chia làm thành mười tông chỉ. Trong những thời kỳ thịnh hành đầu tiên của Phật giáo Trung hoa, nhiều sự phân chia bình nghị về Phật học (tức là phán giáo) được nêu lên, nhưng vì chúng hàm hỗn, nên tôi đã không đề cập đến một phán giáo nào trong số ấy. Ở đây, lần đầu tiên, chúng ta sẽ có một sự phân loại minh bạch tường tận và đáng được bàn qua một cách chi tiết.

PHÁN GIÁO[1]

1. Giáo lý Tiểu thừa (Hinayāna).[2]

Giáo lý này thuộc kinh điển A hàm (Āgama). Mặc dù phủ nhận sự hiện hữu của một bản ngã cá biệt (pudgala- śūnyatā: nhân không), nhưng chủ trương thực hữu và thừa nhận sự hiện hữu của tất cả pháp sai biệt (pháp hữu). Theo kinh điển này, Niết-bàn là cứu cánh diệt tận, nhưng lại không thấu triệt về tính cách bất thực của các pháp (dharma-śūnyatā: pháp không), thí dụ, Câu-xá tông. Về duyên khởi luận, giáo lý này thuộc về nghiệp cảm duyên khởi. Giáo lý này được xem như là “ngu pháp thừa.” 

2. Đại thừa Thủy giáo (Mahāyāna)[3]

Hai trình độ của Đại thừa được phân biệt. Trước tiên là giáo lý nhập môn y cứ trên sai biệt tướng của tất cả các pháp (dharma-lakṣaṇa: pháp tướng tông). Thứ đến, giáo lý nhập môn y cứ trên sự phủ định về tất cả các pháp (dharma- śūnyatā): “Không thủy giáo”, thí dụ, Tam luận tông. Bởi vì cả hai đều không thừa nhận hiện hữu của Phật tính trong mọi loài, nên cả hai được xem như là nhập môn sơ thủy. 

Pháp tướng tông nêu lên thuyết A-lại-da duyên khởi trên nền tảng pháp tướng và không biết đến nhất thể của sự và lý. Vì tông này chủ trương sự sai biệt căn để của năm hạng người, nên không thừa nhận rằng mọi người đều có thể đạt đến Phật quả. Tam luận tông, trái lại, chủ trương thiên chấp về Không trên căn cứ của “tự tính” (svabhāva-alakṣaṇa: tính vô tướng) hay không có bản chất tồn tại. Nhưng thừa nhận nhất thể của hữu, nên tông này xác nhận rằng mọi người trong ba thừa (yāna) và năm chủng tính (gotra) đều có thể đạt đến Phật quả. Khi nêu lên điểm này, Tam luận tông tiến thêm một bước trong giáo lý cứu cánh của Đại thừa như sau: 

3. Đại thừa Chung giáo.[4]

Đây là giáo lý về Chân như của các pháp (dharmatathatā), thừa nhận rằng tất cả chúng sinh đều có Phật tính và đều có thể đạt đến Phật quả, theo như giáo lý được chứa đựng trong kinh Lăng-già(Laṅkavātara)[5] kinh Đại Bát-niết-bàn (Mahāpari-nirvāṇa) và luận Khởi tín (Thiên Thai tông theo giáo lý này) 

Chân lý cứu cánh của Đại thừa được trình bày bằng giáo lý này. Do đó, nó được gọi là giáo lý thuần thục (Thục giáo). Vì nó xứng hợp với thực tại, nó cũng được gọi là Thực giáo. Trong thỉ giáo, sự và lý luôn luôn tách rời nhau, trong khi ở chung giáo, sự lúc nào cũng là một với lý, hay đúng hơn, cả hai ,là một. Như lai tạng duyên khởi là đặc điểm của giáo lý này. Nó cũng còn được gọi là Chân như duyên khởi. 

4. Đại thừa Đốn giáo.[6]

Đây chỉ cho sự tu tập không cần ngôn ngữ hay tâm hành, mà kêu gọi trực kiến của mỗi người. Nhờ trực kiến này, hành giả có thể đạt đến giác ngộ viên mãn tức khắc. Tất cả ngôn ngữ và văn tự đều đình chỉ ngay.[7]  Lý tính sẽ biểu lộ trong thuần túy của nó, và hành động luôn luôn sẽ tùy thuận với trí tuệ và tri kiến. Nếu tư tưởng không còn móng khởi trong tâm của hành giả thì người đó là một vị Phật. Sự thành đạt như vậy có thể gặt hái được qua sự im lặng, như được chứng tỏ bởi Duy-ma-cật (Vimalakīrti), một vị Thánh tại gia ở Tỳ-da-ly (Vaiśāli); hay qua thiền định như trường hợp của Bồ-đề-đạt-ma (Bodhidharma), một Phạn tăng và là sơ tổ của Thiền tông Trung hoa. Giáo lý này không giảng về lý duyên khởi đặc biệt nào bởi vì không tự có riêng phương pháp giáo hóa nào cả. 

5. Đại thừa Viên giáo.[8]

Có hai trình độ của Đại thừa Viên giáo:[9]

A. Nhất thừa của Đồng giáo, trong đó nhất thừa được giảng thuyết bằng phương pháp đồng nhất hay tương tự với cả ba thừa. Theo Hoa nghiêm tông, ba thừa ở đây là: 1. Tiểu thừa; 2. Đại thừa Tiệm giáo (a. Đại thừa Thỉ giáo, b Đại thừa Chung giáo); 3) Đại thừa Đốn giáo (thí dụ, Thiền của Đại thừa).

Nhất thừa của Hoa nghiêm tông bao gồm tất cả các thừa. Tùy theo căn cơ mà ba thừa giảng dạy để chuẩn bị cho những kẻ khát ngưỡng. Cả ba tuôn chảy từ Nhất thừa và được giảng dạy bằng phương pháp đồng nhất như là một. Có hai phương diện được Phật tuyên thuyết trong Đồng giáo: định nội và định ngoại. Định mà Phật thể nhập trước khi Ngài giảng kinh Hoa nghiêm là “Hải ấn Tam muội” (Sagaramūdra samādhi),[10] trong đó tất cả những giáo lý được tuyên thuyết suốt trong thời tại thế của Ngài và tất cả chúng sinh quy hướng theo suốt năm mươi năm giáo hóa của Ngài đều phản chiếu ngay lúc đó, cũng như tất cả những ảnh tượng được phản chiếu trên mặt biển cả trầm lặng. Những giáo lý khác đều được tuyên thuyết khi Ngài đã ra ngoài định này. 

Giáo lý Hoa nghiêm biểu hiện cho sự giác ngộ của Phật vì nó đã được Ngài chứng thực và chứng ngộ. Những kinh giáo khác được tuyên thuyết tùy theo cơ hội. Hoa nghiêm tông như thế được coi như là nền tảng của tất cả. 

B. Nhất thừa của Biệt giáo, trong đó nhất thừa được nêu lên hoàn toàn khác biệt hay độc lập với những thừa khác, như trường hợp giáo lý Hoa nghiêm trong đó nói lên học thuyết về thế giới hỗ tương dung nhiếp. Nhất thừa cao hơn ba thừa kia. Nhất thừa là chân thật còn ba thừa kia được coi như là quyền biến (tam quyền nhất thật). 

Phân tích toàn bộ giáo lý của Phật như thế, Hoa nghiêm tông được thiết lập và hệ thống hóa. Đối tượng của giáo lý này là thiết lập một toàn thể nhịp nhàng của mọi loài là lấy sự giác ngộ viên mãn của Phật làm tâm điểm. Lý viên dung của Hoa nghiêm lại còn căn cứ trên thuyết vô ngã (anātman) trên định thức duyên khởi và trên niềm xác tín vào hiện hữu của Phật tính tiềm ẩn trong mỗi loài. 

Thêm nữa, có mười chủ điểm được kể ra để phân chia năm loại giáo lý. Đó là: 

1. Ngã pháp câu hữu tông: như được thừa nhận với Độc tử bộ (Vātsiputriya).

2. Pháp hữu ngã vô tông; thực hữu tính của ba thời (quá khứ, hiện tại và vị lai) và thực hữu tính của các pháp (tam thể thực hữu, pháp thể hằng hữu). Chủ điểm này là chủ trương của Nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivāda).

3. Pháp vô khứ lai tông: chỉ có hiện tại là thực hữu, còn quá khứ và vị lai là bất thực, được thừa nhận bởi Đại chúng bộ (Mahāsaṅghika) 

4. Hiện thông giả thật tông: trong thực tại tính của hiện tại, chỉ có năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành thức) là thực, còn mười hai xứ (6 căn và 6 cảnh) và mười tám giới (6 căn, 6 cảnh và 6 thức) đều giả hữu và bất thực; chủ trương của Thuyết giả bộ (Prajñaptivāda). 

5. Tục vọng chân thực tông: chân lý thường tình (laukika/ samvṛti-satya: thế/tục đế) thì hư vọng còn chân lý tối thượng (lokottara/paramārtha-satya: xuất thế/ thắng nghĩa đế) thì thực hữu: chủ trương của Thuyết xuất thế bộ (Lokottaravāda). 

6. Chư pháp đản danh tông: tất cả các pháp đều chỉ là những danh từ (ākhyāti-mātra/ nāmamātra), không có thực tại tính: chủ trương Nhất thuyết bộ (Ekottiya).

7. Nhất thiết giai không tông: tất cả các pháp đều không, hay không có tự tính (sarva-dharmaśūnyatā/ sarva- śūnyatā) như được giảng dạy trong kinh Đại Bát-nhã (Prajñāpāramitā) hay được Tam luận tông thừa nhận. Đây là giáo lý của Đại thừa, phủ nhận hữu thể của sự tướng sai biệt (lakṣaṇa-abhāva: tướng vô tính) với hai học thuyết cơ sở trên. 

8. Chân đức bất không tông: Mặc dù Chân như không có định tướng nhưng vẫn có vô số ân đức mà từ đó biểu lộ tất cả các pháp tất định và sai biệt. Chủ điểm này được chấp nhận trong Đại thừa Chung giáo (Thiên thai tông) và trong luận Khởi tín. 

9. Tướng tưởng câu tuyệt tông: nơi đây sự sai biệt giữa tâm thức chủ quan và thực tại khách quan hoàn toàn bị xóa bỏ, chỉ có sự hợp nhất chủ và khách, trạng thái không có sai biệt và không có tâm tưởng. Tất cả những “đốn giáo” đều thuộc vào đây, đặc biệt là Thiền tông. 

10. Viên minh cụ đức tông: là giáo lý tròn đầy và trong sáng trong đó tất cả những biểu hiện đều hiện hữu trong một toàn thể nhịp nhàng như ở Viên giáo của Hoa nghiêm tông. 

Phán giáo về giáo lý của Phật, đầu tiên được nêu lên do Khuy Cơ (632-682), đồ đệ của Huyền Trang (596-664). Đây là lối phân loại chia thành tám thứ giáo lý. Lối phán giáo chia thành mười chủ điểm như trên là một biến thái từ sự phân chia này. Trong mười chủ điểm, từ một đến sáu là Tiểu thừa, nhưng năm và sáu có thể nói là bán Đại thừa, và từ bảy đến mười là những giáo lý Đại thừa thực thụ. 

Bốn loại pháp giới đặc biệt của Hoa nghiêm tông đại khái tương đồng với năm thời thuyết giáo của Phật. Pháp giới có bốn:[11]

1. Sự pháp giới: thế giới của thực tại, thế giới hiện thực, thực tiễn, nó biểu hiện cho giáo lý duy thực (Tiểu thừa). 

2. Lý pháp giới: thế giới của lý tắc. Nó được Tam luận tông và Pháp tướng tông chủ xướng, dạy rằng lý biệt lập với sự. 

3. Lý sự vô ngại pháp giới: thế giới của lý tắc và của thực tại được hợp nhất, hay thế giới lý tưởng được thể ngộ. Nó biểu hiện cho học thuyết của luận Khởi tín và Thiên thai tông, với chủ trương nhất thể giữa sự và lý. 

4. Sự sự vô ngại pháp giới: thế giới của tất cả thực tại hay thực tế được kết dệt lại hay được đồng nhất trong nhịp điệu toàn vẹn. Đây là chủ trương của Hoa nghiêm tông, theo đó tất cả những sự thực hay thực tại dị biệt nhất thiết phải tạo thành một toàn thể nhịp nhàng do sự tương dung tương nhiếp để chứng ngộ thế giới lý tưởng là Nhất như. 

Nói một cách tổng quát, đem thực hành mà thích ứng lý thuyết không phải là điều khó khăn, nhưng con người, tai hại thay, kẻ thì quá thiên trọng lý thuyết, kẻ lại quá thiên trọng thực hành. Do đó cần phải có một giải pháp hữu lý. 

Lại nữa, trong thế giới thực tế (sự), thực hành thường chống lại thực hành, sự kiện chống lại sự kiện, công tác chống lại công tác, cá thể chống lại cá thể, đẳng cấp chống lại đẳng cấp, quốc gia chống lại quốc gia. Đó là sắc thái của thế giới cá nhân chủ nghĩa, rồi từ đó, toàn thể thế giới hóa ra phân chia thành mãnh vụn vặt. Chủ nghĩa tập thể hay tinh thần tương trợ không thôi, chưa đủ để ngăn chận ác tính của đời sống. Để hòa điệu một trạng thái sinh tồn như vậy và để đưa tất cả vạn vật đến chỗ nhu hòa, thế giới tương giao tương cảm cần phải được tạo ra. Một thế giới lý tưởng như vậy được gọi là “sự sự vô ngại pháp giới”. 

Để thuyết minh khả tính của một thế giới lý tưởng đó, Hoa nghiêm tông đề ra “mười huyền môn”:[12]

1. Đồng thời cụ túc tương ưng môn:[13]

Nói về sự cộng đồng liên hệ, trong đó vạn vật cộng đồng hiện hữu và đồng thời hiện khởi. Tất cả đều cộng đồng hiện hữu không những chỉ trong quan hệ không gian mà cả trong quan hệ thời gian; không có sự phân biệt giữa quá khứ, hiện tại và vị lai, mỗi thời bao hàm các thời phần khác. Mặc dù chúng có vẻ sai biệt và cách biệt trong thời gian, nhưng tất cả đều được hợp nhất thành một thực thể, theo quan điểm viên dung. 

2. Quảng hiệp tự tại vô ngại ngôn:[14]

Nói về tự do toàn vẹn trong đó mọi loài thông minh hay ngu độn đều tương giao với nhau mà không có những chướng ngại nào. Năng lực của tất cả nội hàm cũng như ngoại trương đều vô hạn như nhau. Một hành động, dù nhỏ bao nhiêu cũng bao hàm tất cả mọi hành động (nghiệp). Một và tất cả đều tương giao một cách tự do và bất tuyệt. 

3. Nhất đa tương dung bất đồng môn:[15]

Nói về sự hỗ tương nhiếp nhập của những sự thể bất đồng. Tất cả những hiện hữu bất đồng đều có những điểm tương đồng. Nhiều ở trong một, một ở trong nhiều và tất cả ở trong nhất thể. 

4. Chư pháp tương tức tự tại môn:[16]

Nói về tự do – nghĩa là, vượt ngoài những sai biệt kỳ cùng – trong đó tất cả các pháp đều hỗ tương đồng nhất. Đây là sự đồng nhất phổ biến của vạn hữu. Thực ra, hỗ tương đồng nhất là sự tiêu hủy. Khi đồng nhất ta với kẻ khác, ta có thể hòa hợp với kẻ khác. Tự tiêu hủy và tự đồng hóa với cái khác tạo thành một đồng nhất hóa tổng hợp. Đây là lý thuyết hay thực hành đặc biệt của Đại thừa, áp dụng cho bất cứ lý thuyết hay thực hành nào. Hai lý thuyết đối nghịch hay những sự kiện khó dung hợp thường được kết lại thành một. Thông thường do phương pháp này mà người ta đi đến một giải pháp êm đẹp cho một vấn đề. Do kết quả của sự hỗ tương nhiếp nhập và hỗ tương hòa hợp, chúng ta có khái niệm Một trong Tất cả, Tất cả trong Một, Một ở đàng sau Tất cả, Tất cả đàng sau Một; lớn và nhỏ, hay cao và thấp, cũng vận chuyển nhịp nhàng với nhau. Ngay cả những đóng góp khiêm nhượng nhứt vào công cuộc hòa điệu, cũng không ai có thể tách khỏi hay biệt lập một mình được. 

5. Ẩn mật hiển liễu câu thành môn:[17]

Nói về thuyết tựu thành, nhờ đó mà cái ẩn mật và cái hiển hiện cùng tạo thành một toàn thể bằng hỗ tương chi trì. Nếu cái này ở trong thì cái kia ở ngoài hay ngược lại. Cả hai hỗ trợ lẫn nhau tạo thành một nhất thể.

6. Vi tế tương dung an lập môn:[18]

Nói về sự thành lập bằng hỗ tương nhiếp nhập của những vật chất vi tiểu và ẩn áo. Nói một cách tổng quát, một sự thể càng vi tiểu và ẩn áo, người ta càng khó vượt ngoài lãnh hội của một người cũng phải thể hiện lý thuyết về một trong nhiều và nhiều trong một như ở số 3. 

7. Nhân-đà-la võng cảnh giới môn:[19]

Nói về sự phản chiếu nội tại, như trong lãnh vực được bao quanh bằng mảnh lưới Indra (một mảnh lưới với mỗi mắt lưới là một viên ngọc thạch lấp lánh), ở đó những hạt ngọc phản chiếu rực rỡ lẫn nhau. Cũng vậy, những sự kiện thực tế của thế giới đều chen lẫn và chiếu rọi lẫn nhau. 

8. Thác sự hiển pháp sinh giải môn:[20]

Nói về sự thuyết minh chân lý bằng những điển hình thực sự. Chân lý được biểu lộ trong sự vật và sự vật là nguồn gốc của giác ngộ. 

9. Thập thế cách pháp dị thành môn:[21]

Nói về “sự thành tựu từ đa thù của 10 thời gian tạo thành một thực thể”. Quá khứ, hiện tại, và vị lai, mỗi thời đều chứa đựng ba thời, như thế tạo thành 9 thời, chúng hợp lại thành một thời duy nhứt – chín và một, tất cả là mười thời. Mười thời, tất cả đều khác biệt, nhưng nhiếp nhập lẫn nhau, hoàn thành cái lý tắc một trong tất cả. Tất cả những lý thuyết khác, chính yếu liên hệ với sự hỗ tương nhiếp nhập này trong bình diện “hàng ngang”, nhưng lý thuyết này lại liên hệ với mọi “quan hệ hàng dọc” hay thời gian, nghĩa là mọi loài bị phân tách dọc theo chín thời, mỗi thời tự đầy đủ để cuối cùng tất cả đều tương quan tương liên trong một thời độc nhất; một thời độc nhất được hình thành bằng chín thời kia. 

10. Duy tâm hồi chuyển thiện thành môn:[22]

Nói về sự thành tựu của những thiện đức mà nhờ đó, chủ và tớ cùng hoạt động một cách nhịp nhàng và xán lạn. Nếu cái này là chủ thì tất cả những cái khác sẽ hoạt động như là thần tử của nó, nghĩa là theo lý tắc nhất tức nhất thiết và nhất thiết tức nhất. Chúng tạo thành một toàn thể viên toàn trên thực tế, cái này cái kia xen lẫn nhau. 

Trên đây là Tân huyền môn. “Cổ huyền môn”, truyền từ Đỗ Thuận đến Trí Nghiễm đã được Pháp Tạng sửa đổi lại và lối trình bày cải cách này được coi là tân huyền môn, bấy giờ được tông này coi như là những lý thuyết có thẩm quyền. Chúng hơi phức tạp; nhưng lý thuyết về đồng thời (1), tương dung (3), tương nhập (4), và thiện thành (10) đều được nghiên cứu một cách cẩn thận đặc biệt như là điển hình cho lý tắc nhất tức nhất thiết và nhất thiết tức nhất của tông này. 

Kế đến, chúng ta có lục tướng, sáu bản chất đặc biệt của tất cả các pháp, đó là: 1. Tổng tướng, 2. Biệt tướng, 3. Đồng tướng, 4, Dị tướng, 5. Thành tướng, 6. Hoại tướng.[23]

Lấy thí dụ về con người; tất cả mọi người kể chung đều là thực thể: 

1. Tổng tướng: do năm uẩn hợp thành. 

2. Biệt tướng: (nhưng) các căn của các loại người đều có riêng “đặc dị tính” theo nghĩa đặc trưng hay năng lực độc nhất. Mọi người đều có đôi mắt nhưng không có đôi mắt nào có cùng năng lực như nhau. 

3. Đồng tướng: các căn đều như nhau, đều là căn, trong nghĩa cộng đồng liên hệ trong một căn thể. 

4. Dị tướng: (nhưng) mỗi căn đều có “sai biệt tính” vì nó có một quan hệ đặc biệt đối với toàn thể. 

5. Thành tướng: tất cả các căn cùng tác động chung để hoàn thành một đơn thể toàn diện.

6. Hoại tướng: (nhưng) mỗi quan năng trong vị trí riêng biệt của nó thi hành nhiệm vụ đặc thù của nó. 

Tổng tướng là toàn thể của những bộ phận đặc biệt trong khi biệt tướng là những bộ phận đặc biệt tạo thành một toàn bộ. Đồng tướng có nghĩa là tất cả những biệt tướng đều có năng tính của một sinh thể có tiết điệu đồng đều như nhau khi tạo thành một toàn bộ. Dị tướng nghĩa là những biệt tướng, dù thể tính của chúng có tiết điệu với nhau, vẫn giữ nguyên những sắc thái riêng biệt của mình. Thành tướng là những biệt tướng, dù chúng đặc biệt, vẫn tạo thành tổng tướng, bằng cách kết hợp nhau thành một. Hoại tướng có nghĩa là biệt tướng, dù chúng kết hợp thành tổng tướng, vẫn không đánh mất những sắc thái riêng biệt của mình. Thí dụ như một lâu đài, tổng tướng là ngôi nhà toàn bộ. Ngôi nhà này chứa đựng nhiều phần tử riêng biệt, biệt tướng chính là những phần tử đó, nhiều không phải là một, nhưng không ly cách với nhau; đồng thời có nghĩa là tất cả những phần tử không xung đột nhau mà cùng liên hệ tạo thành ngôi nhà toàn bộ; dị tướng có nghĩa là tất cả những phần tử của ngôi nhà vẫn giữ y những biệt tướng của riêng chúng; thành tướng là sự kết hợp toàn vẹn của tất cả những bộ phận, một quan hệ nhân quả liên đới của một và nhiều; hoại tướng có nghĩa là tất cả những phần tử, mỗi cái đứng trong vị trí riêng của nó, giữ y những biệt tướng của chúng. 

Lục tướng hay sáu bản chất này chứng tỏ rằng không có pháp nào có hiện hữu đơn độc và cô lập; mỗi pháp đều có sáu bản chất ngay trong lòng của chính nó. Thuyết sáu tướng như thế rất cần thiết để lãnh hội trung thực về mười huyền môn. 

Trong sáu đặc tướng này, (1) (3) và (5) thuộc loại quân bình và thống nhất, còn (2) (4) và (6) thuộc loại phân biệt và phân phối. Mỗi pháp đều có sáu bản chất đặc biệt này, còn những lý tắc nhất tức nhất thiết và nhất thiết tức nhất đều được quảng diễn bằng mười huyền môn. 

Nền tảng để thiết lập mười huyền môn cần được giải thích thêm. Nền tảng này y cứ trên những quan niệm tổng quát của Phật học, có mười: 

1. Bởi vì mọi loài cũng như mọi vật đều được hiện khởi do nội thức nên căn nguyên là một. 

2. Bởi vì mọi loài cũng như mỗi vật đều không có bản tính quyết định, tất cả đều vận hành tự tại nên vô ngã là chân lý tối thượng. 

3. Bởi vì lý duyên khởi chỉ cho sự tương y tương quan, nên tất cả đều cộng đồng liên hệ. 

4. Bởi vì tất cả đều có chung pháp tính (dharmatā) hay Phật tính (Buddha-svabhāvā), nên tất cả đều có khả năng chứng đắc như nhau.

5. Bởi vì thế giới hiện tượng được cho là mộng huyễn, nên thế giới Nhất chân có thể bàng bạc khắp mọi nơi không bị ước thúc. 

6. Bởi vì thế giới hiện tượng được coi như là bóng mờ hay ảo ảnh nên thế giới Nhất chân bàng bạc khắp nơi. 

7. Bởi vì trong sự giác ngộ của Phật, những căn nhân của hiện khởi được coi như vô hạn, những cảm quả là vạn trạng và vô biên, nhưng chúng không chướng ngại nhau mà lại còn cộng tác để hình thành một toàn thể nhịp nhàng. 

8. Bởi vì sự giác ngộ của Phật là tối thượng và tuyệt đối, nên sự chuyển hóa của thế giới là theo ý chí của Ngài. 

9. Bởi tác dụng thiền định thâm áo cuả Phật, sự chuyển hóa của thế giới là tùy theo ý của Ngài.

10. Do bởi năng lực siêu nhiên khởi lên từ sự giải thoát, sự chuyển hóa thế giới là tự tại. 

Trên đây từ (1) tới (4) là quan trọng nhất và dễ nhận biết nhất. lý tắc “Một trong Tất cả, Tất cả trong Một” (tương nhập, tương dung) y cứ trên tác dụng, hành động, năng lực hay hiệu năng, trong khi lý tắc “Một là tất cả, và Tất cả là Một” (tương tức, tức thiết) được khai diễn tùy theo mỗi loài hay mỗi vật hoặc tùy theo những đặc tính của riêng chúng. 

Mười pháp môn này nương nhau tạo thành sự biểu hiện của thế giới lý tưởng và duyên khởi luận như vậy được gọi là “Thập huyền duyên khởi”. Duyên khởi luận này được gọi khác, như ta đã thấy ở trên, là Pháp giới duyên khởi. Duyên khởi ấy, thật ra, là “Duy tâm duyên khởi” nghĩa là duy tâm thuần túy. Nhưng lý thuyết duyên khởi đặc biệt của tông này chỉ cho sự tương y toàn diện, tương quan phổ quát, nhân và quả kết dệt lẫn nhau khắp mọi nơi. Như thế từ khởi thủy nó tạo thành một toàn thể toàn vẹn không có một sự thể đơn độc cô lập nào cả. Tất cả mạn-đà-la bao quát (luân viên cụ túc) và chu kỳ của làn sóng thường hằng đều hoàn toàn rực sáng do đức đại bi Đại Nhật Như Lai. 

Thực sự, đây là thế giới của sinh thành linh động trên căn cơ vô ngã. Thế giới lý tưởng trong viên mãn được gọi là “Liên hoa tạng” hay Nhất chân pháp giới, hay thế giới Tuệ giác của đức Phật, đấng Viên mãn giác.

Mười giai đoạn của Bồ-tát (Thập địa Bồ-tát) nguyên lai được tìm thấy trong Thập địa kinh của tông này, chỉ là những tiêu danh cho những phàm phu chưa có sự chứng nghiệm trong Vô học đạo (aśaikṣa-mārga). Mười giai đoạn của Đại thừa giáo này được coi như là được xiển dương để phân biệt địa vị của Bồ-tát với địa vị của Tiểu thừa Thanh văn và Độc giác. 

Thứ nhất là Hoan hỉ địa (pramuditā) trong đó Bồ-tát đạt được bản tính Thánh hiền lần đầu và đạt đến tịnh lạc khi đã đoạn trừ mê hoặc ở kiến đạo (darśana-mārga) và đã hoàn toàn chứng đắc hai thứ tính không (nhân và pháp không). 

Thứ hai là Ly cấu địa (vimalā) trong đó Bồ-tát đạt đến giới đức viên mãn (śīla-pāramitā, giới ba-la-mật)), và hoàn toàn vô nhiễm đối với giới. 

Thứ ba là Phát quang địa (prabhā-karī) trong đó Bồ- tát đạt được nhẫn nhục viên mãn (kśānti-pāramitā) và thoát khỏi những mê hoặc ở tu đạo (bhāvanā-mārga) sau khi đã đạt được nội quán thâm sâu. 

Thứ tư là Diệm huệ địa (arciṣmati), ở đây Bồ-tát đạt được viên mãn của tinh tấn (vīrya), nhân đó càng lúc càng tăng gia năng lực quán hạnh. 

Thứ năm là Nan thắng địa (sudurjaya) ở đây Bồ-tát đạt được sự viên mãn của thiền định (dhyāna), nhân đó mà đạt thành sự tương ứng của nhị đế trong hoạt động tâm linh. 

Thứ sáu là Hiện tiền địa (abhimukhī) trong đó Bồ-tát đạt được sự viên mãn của trí tuệ (prajñā-pāramitā) và an trú trong bình đẳng tính đối với tịnh và bất tịnh. 

Thứ bảy là Viễn hành địa (dūraṅgama), đây là địa vị đã bỏ xa tình trạng ngã chấp của nhị thừa. Ở đây Bồ-tát thành tựu sự viên mãn của phương tiện (upāya) và bắt đầu tu tập đại bi đối với tất cả chúng sinh. 

Thứ tám là bất động địa (acala), nơi này Bồ-tát thành tựu nguyện viên mãn (praṇidhāna) và trụ trong vô tướng (alakṣaṇa) mà du hành tự tại tùy theo bất cứ cơ hội nào. 

Thứ chín là Thiện huệ địa (sādhumati) trong đó Bồ-tát đạt được mười thần lực, sau khi đã thành tựu lực viên mãn (bala) và giảng pháp khắp nơi đồng thời phán xét những người đáng cứu độ và những người không cứu độ được. 

Cuối cùng là Pháp vân địa (dharmamegha) nơi đây Bồ-tát có thể giảng pháp cho tất cả thế giới một cách bình đẳng như những đám mây tuôn xuống những cơn mưa lớn trong mùa đại hạn. Thực tế, đây là địa vị của đức Phật biểu hiện nơi một Bồ-tát. 

Mười địa này được nêu ra trong kinh Hoa nghiêm (Thập địa kinh) và đặc biệt cho Đại thừa. Mặc dù chúng là trình tự thẳng tiến của Bồ-tát, chúng có thể được dựng làm những mục tiêu cho bất cứ ai khát vọng học tập hay tu tập thiền định để tiến đến những quả vị Thánh hiền trong tương lai. 

Ngoài những điều này, còn có những danh số khác biệt trong Tiểu thừa cũng như Đại thừa, nhưng trên đây là biểu trưng của Thập địa Bồ-tát. 

 



[1] Đỗ Thuận 杜順, Hoa nghiêm ngũ giáo chỉ quán 華嚴五教止觀. Taishō 45 No 1867. TS.

[2] Pháp hữu ngã vô môn (Tiểu thừa giáo) 法有我無門(小乘教). Ibid., tr. 509b01. TS.

[3] Sinh tức vô sinh môn (Đại thừa thủy giáo) 生即無生門(大乘始教). Ibid., tr. 510a28. TS.

[4] Sự lý viên dung môn (Đại thừa viên giáo) 事理圓融門(大乘終教). Ibid., tr. 511b04. TS

[5] Taishō 670. Bản dịch Anh của D.T. Suzuki: Laṅkāvatara-sūtra, London, 1932; Đại Niết-bàn kinh, Taishō 1527; Đại thừa khởi tín luận, xem cht. tr. xxx. 

[6] Ngữ quán song tuyệt môn (Đại thừa đốn giáo) 語觀雙絕門(大乘頓教 ). Ibid., tr. 511c19. TS

[7] Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt 言語道斷心行處滅. Ibid. TS.

[8] Hoa nghiêm tam-muội môn (Nhất thừa viên giáo) 華嚴三昧門(一乘 圓教). Ibid., tr. 512b06. TS 

[9] Trừng Quán 澄觀, Hoa nghiêm kinh sớ 華嚴經疏 2 (T35n1735, tr. 514a): “Viên giáo này, nói chiều rộng, gọi là Vô lượng thừa. Nói thiều sâu, gọi là Nhất thừa. Nhất thừa có hai: 1. đồng giáo nhất thừa 同教一 乘, vì đồng đốn và đồng thật; 2. biệt giáo nhất thừa 別教一乘, duy chỉ viên dung, tròn đủ các đức tướng.” TS.

[10] Hải Ấn tam-muội 海印三昧, xem Trừng Quán, ibid., tr. 522a. TS

[11] Cf. Trừng Quán, Hoa nghiêm pháp giới huyền kính 華嚴法界玄鏡 (T45n1883, tr. 672c10): “Pháp giới, đó là tông chỉ huyền vi của toàn bộ Kinh. Về tổng thể, lấy duyên khởi pháp giới bất tư nghị làm tông. Đặc tướng của pháp giới có ba, nhưng tổng thể toàn vẹn của nó có bốn: 1. sự pháp giới 事法界; 2. lý pháp giới 理法界; 3. lý sự vô ngại pháp giới 理事無礙法界; 4. sự sự vô ngại pháp giới 事事無礙法界. TS.

[12] Thứ tự 10 huyền môn trong sách này, theo Pháp Tạng, Hoa nghiêm thám huyền ký (T35n1733, tr. 123a28). Thứ tự này khác với Pháp Tạng, Hoa nghiêm Nhất thừa giáo nghĩa phân tề chương (T45n1866, tr. 505a13), và cũng khác với Hoa nghiêm nhất thừa thập huyền môn, Đỗ Thuận 杜順 thuyết , Trí Nghiễm 智儼 soạn, Taishō 45 No 1868. TS. 

[13] 同時具足相應門. 

[14] 廣狹自在無礙門.

[15] 一多相容不同門.

[16] 諸法相即自在門. 

[17] 隱密顯了俱成門. 

[18] 微細相容安立門. 

[19] 因陀羅網境界門. 

[20] 託事顯法生解門.

[21] 十世隔法異成門.

[22] 唯心迴轉善成門.

[23] Xuất xứ, Thập địa kinh luận, T26n1522, tr. 125a1 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt